Bộ Sưu Tập Tội Ác

Chương 40: Chương 40




Anh bạn Albert của tôi hôm nay có vẻ phấn khích lạ thường nhỉ”, Seagraves lên tiếng trong lúc ngồi nhấm nháp cà phê trong văn phòng của Trent tại điện Capitol.

“Thị trường chứng khoán có một cú ngoạn mục hôm qua, kỳ này quỹ hưu trí1 của tôi có vẻ ấm hơn rồi”.

Seagraves thảy một tập hồ sơ lên bàn, “Tin tốt đấy. Còn đây là thông tin mới nhất từ CIA. Chúng ta có hai cấp cao hơn, đưa ra bản hướng dẫn chi tiết hơn. Các anh phải mất cả tuần nhai bản báo cáo đấy, rồi chúng ta sẽ lên kế hoạch gặp mặt trực tiếp sau”.

Trent nhìn vào xấp giấy và gật đầu, “Tôi sẽ kiểm tra thời gian biểu của các thành viên và báo anh biết ngày giờ cụ thể. Có gì đáng kể trong đây không?”

“Anh tự đọc lấy đi”.

“Không phải lo đâu, tôi lúc nào cũng tự làm đấy thôi”.

Trent sẽ mang những tờ giấy này về nhà, và một thời gian sau hắn ta sẽ có những thông tin mật cần thiết đã đánh cắp được từ NSA chuyển qua bước kế tiếp.

Phía bên ngoài, Seagraves nhảy xuống từng bậc tam cấp của điện Capitol, cứ suy nghĩ rằng những tay gián điệp nếu chỉ quẳng đồ trong công viên và đến nhận tiền mặt hoặc ngay tại vị trí giao hàng, hoặc tại một hộp thư bưu điện, thì cả hai nơi đều dễ dàng bị tóm gọn như chơi. Seagraves lắc đầu. Không bao giờ mình để bị rơi vào trường hợp của gã điệp viên nhị trùng Aldrich Ames2 cả, kết thúc bi thảm nơi bốn vách tường của CIA, cũng như vài gã bù nhìn với tư cách là điệp viên. Là một sát thủ của chính phủ, hắn sâu sát từng chi tiết nhỏ, còn khi là điệp viên, hắn chẳng thấy có lý do gì mà lại phải thay đổi M.O. của mình cả.

Hiện tại Seagraves đang điên đầu với một chi tiết nhỏ. Gián điệp nhị trùng của hắn tại Công ty Cứu hỏa vừa thông báo vài tin chẳng có vẻ khả quan lắm. Đó là thông tin về hai gã nào đó bị bắt quả tang khi đang do thám gần khu vực kho hàng tối qua, và hai gã cớm ngu ngơ đã giao chúng cho FBI. Chỉ có điều khi Seagraves kiểm tra vài tay thân quen làm việc trong FBI về thông tin này thì họ cho biết không hề có vụ bắt bớ nào. Ngoài ra, người báo tin của hắn cũng cho biết việc đám cớm có nhìn thấy một gã đang cố thoát khỏi hiện trường, là mảnh sân tại công ty. Tên này sau đó được báo là nhảy lên một chiếc xe cũ kỹ, hiệu Nova. Việc miêu tả cả người lái lẫn chiếc xe khiến Seagraves hình dung ra ngay một khuôn mặt, cho dù hắn chưa gặp người này lần nào. Hắn quyết định ngay lập tức rằng, đây là lúc tốt nhất để khắc phục tình hình. Trong thế giới tìm hiểu sự việc của hắn, chẳng ai có thể đoán được rằng liệu mặt đối mặt có trở nên hữu dụng sau này hay không.

Caleb đến chỗ làm sớm và thấy Kevin Philips, tay giám đốc, đang mở cửa phòng đọc. Họ thảo luận đôi chút về Jonathon và những dự án đang được triển khai tại thư viện. Caleb hỏi Philips liệu ông ta có biết thông tin nào về những hệ thống chữa cháy được lắp đặt mới hay không, nhưng Philips có vẻ không biết chuyện này. “Tôi không chắc ông bạn Jonathon biết chuyện này đâu”, Philips nhận xét, “Tôi còn nghi ngờ rằng có khi ông ta không biết khí gas nào đang sắp được sử dụng đấy”.

“Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến này”, Caleb thì thầm.

Sau khi Philips rời khỏi, và trước khi có người khác xuất hiện, Caleb đi nhanh đến bàn làm việc của mình và lấy ra một cái tua-vít và đèn pin nhỏ xíu. Quay lưng về phía camera theo dõi, ông bỏ những thứ trên vào túi và đi vào phòng sách. Nhanh chóng đến tầng thượng, ông dừng lại ngay lỗ thông gió, ông tránh không nhìn lại nơi đồng nghiệp bị sát hại. Ông dùng tua-vít mở lỗ thông gió, cảm thấy có chút hào hứng khi những con ốc được tháo bung ra một cách dễ dàng, cứ như là đã có ai từng tháo chúng ra trước đó vậy. Ông đặt cái thông gió xuống gần kệ sách, và chiếu đèn vào khoảng trống bên trong. Lúc đầu, ông chẳng thấy điều gì bất thường cả, nhưng khi chiếu đèn xung quanh lần thứ ba, ông chợt phát hiện ra một lỗ ốc vít ngay phần tường phía sau ống dẫn. Chắc đó là nơi chiếc camera quan sát được gắn vào. Ông đỡ tấm thông gió lên và ghé mắt nhìn qua nó, quả thật từ vị trí gắn ốc và phần lưới sắt bị bẻ cong, camera có một góc quan sát rõ vị trí của căn phòng.

Caleb gắn tấm lưới đậy lỗ thông gió lại và ra khỏi phòng, ông gọi điện thoại cho Stone và kể lại những điều mình đã thấy. Ngay khi ông chuẩn bị làm việc thì có người tiến vào.

“Chào Monty, ông mang theo gì thế?”

Monty Chambers, chuyên gia bảo quản sách kỳ cựu nhất của thư viện đang đứng trước bàn làm việc, mang theo vài thứ. Ông ta vẫn đeo chiếc tạp dề màu xanh lá cây quen thuộc, còn tay áo thì được xắn cao.

“Quyển Giáo lý (Doctrina) và quyển Sách bỏ túi của ngài Tướng quân (Constable’s Pocket-book)”, ông ngắn gọn.

“Chắc ông đang bận rộn lắm nhỉ. Tôi chẳng biết tí gì về việc quyển Giáo lý được mang ra bảo quản đấy. Quyển Giáo lý do Đức giám mục của Mê-hi-cô, tên là Juan de Zumárraga viết và được phát hành năm 1544, luôn được đánh giá là quyển sách hoàn chỉnh nhất trời Âu vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Còn quyển Sách bỏ túi của ngài Tướng quân được xuất bản vào năm 1710 nhỉ”.

“Kevin Philips đặt sách đấy”, Chambers trả lời, “cách đây ba tháng, quyển Sách bỏ túi của ngài Tướng quân cũng thế, chuyện nhỏ ấy mà, tôi lại thêm khối việc để làm đây. Thế anh vào phòng sách hay là tôi?”

“Sao cơ? À, để tôi mang vào cho. Cám ơn nhé!”, Caleb cẩn thận nhận lấy những quyển sách đã được gói kỹ lưỡng từ người đồng nghiệp và để chúng lên bàn làm việc. Ông ráng không nghĩ đến việc ông đang giữ trong tay hai quyển sách có đáng giá cả gia tài trong lịch sử thế giới.

“Tôi sẽ chăm chút mấy quyển của tác giả Faulkner anh đã nhờ ngay thôi. Hơi khó khăn chút, vì bị dính nước”.

“Vâng, cám ơn ông, ah, Monty này”, Caleb lên tiếng khi thấy Chambers dợm bước đi.

Chambers quay lại, giọng mất kiên nhẫn, “Có việc à?”

“Thế ông đã kiểm tra những bản sao của quyển Thánh ca chưa?”, Caleb đã bị ác mộng mỗi khi nghĩ đến việc mình đã chiếm đoạt những quyển sách hiếm đó khỏi tay Chambers, và ý nghĩ đó đã biến thành câu hỏi hơi vụng về trên.

Chambers có vẻ nghi ngại, “Quyển Thánh ca à? Sao anh lại hỏi vậy? Có chuyện gì sao?”

“Không, nào có, chỉ vì lâu tôi cũng không thấy. Hàng năm trời đấy”.

“Tôi cũng thế. Anh đâu thể nào bước vào phòng và kiểm tra quyển đó được đâu. Nó nằm trong những giá lưu trữ đặc biệt của khu gọi là Tài sản Quốc gia mà”.

Caleb gật đầu, ông có quyền xem xét bất kỳ quyển sách nào trong thư viện, nhưng những quyển đại loại như quyển Thánh ca trên được xem là “tài sản quốc gia”, và là phần sở hữu quan trọng nhất của thư viện, cho nên chúng được đánh số và cất giữ trong những khu đặc biệt. Trong trường hợp chiến tranh, hay thiên tai, chúng sẽ nhanh chóng được di rời đến những nơi an toàn để đời sau có thể tiếp tục được chiêm ngưỡng.

Chambers vẫn huyên thuyên, “Tôi đã bảo họ từ rất lâu rằng chúng ta phải sửa cái bìa, cải thiện gáy sách - dĩ nhiên là có thể trả lại tình trạng ban đầu - nhưng mà họ chẳng nói năng gì. Cũng chẳng hiểu tại sao, nhưng nếu họ không làm gì, có khi mấy quyển đấy chẳng tồn tại được bao lâu nữa. Sao anh không báo cho họ biết?”

“Tôi sẽ báo, cám ơn Monty”. Sau khi Chambers đi khỏi, Caleb ngồi thừ ra và tự hỏi bước kế tiếp sẽ làm gì. Lỡ như quyển Thánh ca ấy đã biến mất? Lạy Chúa, điều đó không thể xảy ra. Ông chẳng nhìn thấy quyển sách ấy ít nhất là ba năm. Và chắc chắn nó giống một trong số những quyển trong bộ sưu tập của Jonathon quá cố. Sáu trong số mười một bản quyển Thánh ca vẫn còn dang dở và trong tình trạng hủy hoại khác nhau. Và bộ sưu tập của Jonathan lại là bộ hoàn chỉnh, cho dù cũng trong tình trạng hư hại không kém gì của thư viện. Cách duy nhất để kiểm chứng đó là trực tiếp kiểm tra bộ sách Thánh ca tại thư viện. Kevin Philips có thể sẽ cho anh làm điều đó, anh sẽ tìm ra vài lý do chính đáng, có thể là nêu ra quan điểm Monty đã phàn nàn. Chắc sẽ được.

Ông để những quyển sách mà Monty đã mang đến lên kệ đúng vị trí của chúng sau khi đã quét vào hệ thống, rồi gọi điện cho Philips. Cho dù giọng ông ta có vẻ bối rối, ông ta vẫn cho phép ông tiến hành kiểm tra. Vì lý do an toàn, và tránh bị buộc tội góp phần hủy hoại thêm những quyển sách quý đó, Caleb đi cùng một nhân viên khác trong thư viện. Sau khi đã kiểm tra sách, Caleb có thể chứng thực rằng những gì Chambers nói là đúng. Có vẻ như người ta chưa động đến việc bảo quản nó gì cả. Tuy vậy, ông không thể khẳng định liệu đó có phải là quyển ông đã từng thấy ba năm về trước, vì sự giống nhau tương tự như quyển sách trong bộ sưu tập của Jonathan. Giả dụ như bằng cách nào đó Jonathan đã tráo đổi quyển sách quý bằng một quyển giả mạo, thì ắt hẳn quyển ông từng thấy ba năm về trước cũng không phải là quyển thật.

Đợi đã, ngốc thật. Caleb nghĩ bụng. Thư viện sử dụng mật mã đối với những quyển sách quý như vầy, và chúng nằm trên cùng một trang cho phép thể hiện sở hữu của thư viện. Ông lật đến trang đó và quét qua máy. Đúng là có ký hiệu thật! Nhưng ông thở phào khi biết rằng ký hiệu chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn mà thôi. Có thể nó cũng bị làm giả, nhất là khi vào tay một người giống Jonathan. Thế còn quyển Thánh ca trong bộ sưu tập của Jonathan, liệu cũng có ký hiệu tương tự? Ông phải kiểm tra mới được. Và nếu đó là sự thật, liệu có chứng minh rằng Jonathan đã ăn cắp sách khỏi thư viện. Và lúc đó ông sẽ làm gì? Ông nguyền rủa cái ngày mà ông đã chọn Jonathan làm người phụ trách tác phẩm chưa in. Tôi tưởng ông thích tôi chứ, Jonathan.

Ông dành thời gian suốt buổi chiều với vài lời yêu cầu của những nhà học giả, một nhà sưu tập và nghe vài cú điện thoại quốc tế từ các trường đại học ở Anh và Thụy Sỹ cũng như giúp đỡ những bạn đọc trung thành của thư viện.

Cả bà lão Jewell English và ông Norman Janklow đều đến thư viện ngày hôm đó. Dù họ trạc tuổi nhau và đều có sở thích sưu tập sách, họ chẳng bao giờ trò chuyện với nhau, mà thậm chí họ còn tránh gặp nhau. Caleb biết được nguyên nhân của sự thù hằn này, và đó cũng là một kỷ niệm buồn trong sự nghiệp của ông. Số là có một lần English thể hiện niềm đam mê của mình về những tiểu thuyết rẻ tiền của Beadle cho Janklow nghe. Và thái độ của ông lão, theo cách nào đó, chẳng có vẻ được mong đợi, theo như những gì Caleb còn nhớ lại, “Beadle là tên khác gì tên bán dạo, rẻ tiền, và nói chuyện chỉ rác rưởi cho đám cặn bã, ngu xuẩn cùng địa vị như hắn”.

Và hoàn toàn dễ hiểu với cách bà lão Jewell English tiếp nhận lời chỉ trích niềm đam mê của cuộc đời mình, bà lão cũng không vừa gì, thế là, bà trả đũa bằng cách tấn công tác giả yêu thích nhất của cụ Janklow. Theo bà, tác giả Hemingway, cho dù có cố gắng hết mức đi chăng nữa cũng chỉ một nhà viết văn hạng xoàng với ngôn ngữ văn chương đơn điệu của mình. Bà lão còn nhấn mạnh rằng việc một tác giả như vậy mà đạt giải Nobel văn chương chỉ làm hạ thấp giá trị của chính giải thưởng trong lòng bà. Cay cú hơn, bà còn khăng khăng rằng văn Hemingway chẳng hay bằng F.Scott Fitzgerald3 và bà còn bồi thêm phần nhận xét của mình khi cho rằng người thợ săn và ngư ông Earnest Hermingway đầy nam tính kia chỉ là vỏ bọc cho bản chất mê trai trẻ, càng trẻ càng tốt của nhà văn.

Caleb vẫn còn nhớ như in khuôn mặt đỏ như gấc vì giận dữ của cụ ông Janklow, và ngay tại lúc đó, ông cứ nghĩ ông lão sắp đứt gân máu tại chỗ. Và đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất trong sự nghiệp của mình Caleb phải xông vào can thiệp hai khách tại phòng đọc, cho dù cả hai đều ở tuổi thất thập. Lần đó, có thể dễ dàng nhận thấy hai ông bà từ đấu khẩu sắp sửa lao vào đấu tay chân, đến nỗi Caleb phải nhanh chóng dọn sạch đám sách quý trên bàn đọc, tránh để chúng bị xem là vũ khí. Ông nhắc cho họ nhớ về cách cư xử lịch sự trong phòng đọc và thậm chí còn đe sẽ hủy bỏ quyền lợi thành viên của họ nếu họ không biết kềm chế. Cụ ông Janklow lúc đó cố gắng thoát khỏi cánh tay của ông, nhưng ông vẫn “vững như thạch”, rõ ràng là ông hoàn toàn có thể khống chế ông cụ già xọm kia.

Trở lại với hiện tại, lâu lâu ông lại ngẩng đầu lên quan sát phòng đọc để chắc chắn rằng cuộc đấu khẩu như lần trước sẽ không xảy ra nữa. Không như những gì ông đang suy nghĩ, cụ ông Janklow vẫn đang chăm chú đọc sách, bên cạnh là quyển sổ ghi chú và cây bút chì nhỏ, thi thoảng ông cụ lại ngừng đọc để tháo mắt kính dầy cộm ra và lau cho rõ. Còn bà lão Jewell English dán chặt mắt vào quyển sách của mình, thình lình, bà ngẩng lên và bắt gặp ánh mắt của ông, bà đóng quyển sách lại và ra hiệu cho ông đến gần.

Khi ông ngồi xuống bên cạnh bà, bà thì thầm, “Anh vẫn còn nhớ quyển sách của Beadle bữa trước tôi có kể anh nghe chứ?”

“Vâng , có phải quyển hay số một không?”

“Tôi đã mua được rồi”, bà ta khẽ vỗ tay reo mừng.

“Chúc mừng bà, tuyệt quá. Sách vẫn còn trong tình trạng tốt phải không ạ?”

“Cũng may là thế, nếu không tôi đã nhờ anh rồi. Ý tôi là, dù sao anh cũng là chuyên gia mà”.

“Cám ơn”, Caleb khiêm tốn. Bàn tay xương xẩu của bà chợt nắm tay ông, cái nắm chặt đến kinh ngạc.

“Thế anh có muốn lúc nào đó đến xem sách không?”

Ông khéo léo vươn người ra khỏi cái nắm tay của bà, nhưng bà vẫn không buông ra, “Dạ, tôi phải xem lại lịch làm việc. Tôi sẽ báo cho bà biết khi bà đến thư viện lần tới, bà cứ hẹn ngày nào cụ thể, tôi sẽ sắp xếp!”

Giọng bà mời gọi, “Caleb à, lúc nào mà tôi chẳng rảnh”. Bà chớp chớp đôi lông mi giả về phía Caleb.

“Điều đó thật tuyệt”, ông lại cố vặn tay mình ra khỏi tay bà lão, nhưng bà vẫn nắm chặt.

“Vậy bây giờ mình hẹn ngày luôn nhé”, giọng bà ta nhẹ nhàng.

Trong lúc khó xử, ông nhìn về phía cụ ông Janklow, lúc này cũng bắt đầu quan sát họ. Chính ông ấy và bà cụ Jewell này cũng đang giành giật thời gian của Caleb giống như hai con sói đang dành miếng thịt bò béo bở. Đáng lý giờ này ông phải đến bên cạnh trò chuyện với ông cụ, nếu không muốn ông ấy phàn nàn hàng tuần về điều đó. Và cũng chính vì điều đó, Caleb chợt nảy ra một ý.

“Bà Jewell này, tôi tin rằng, nếu bà hỏi ông Norman, có khi ông ấy cũng thích đàm đạo về quyển sách mới của Beadle lắm đấy. Chắc giờ ông ấy cũng đã hối hận về việc chỉ trích lúc trước lắm rồi”.

Bà ta lập tức buông tay ông ra, giọng gắt gỏng, “Tôi chẳng có thời gian nói chuyện với bọn người nguyên thủy mọi rợ đó”, rồi mở túi xách cho ông kiểm tra trước khi rời phòng.

Caleb mỉm cười nhẹ nhõm, xoa tay và dành chút thời gian còn lại với Janklow, thầm cảm ơn ông ta vì đã giúp tạo điều kiện rời khỏi bà cụ. Sau đó ông quay lại bàn làm việc.

Tuy vậy, đầu óc ông vẫn lan man nghĩ ngợi đến những chuyện đã xảy ra, từ quyển sách Thánh ca bí mật, cái chết của Jonathan, cái chết của Chủ tịch Hạ viện, “Bob” Bradley, và cuối cùng là Cornelius, tên tài phiệt giàu có, mà rõ ràng gã ám sát chính người hàng xóm của mình.

Và cuối cùng ý nghĩ của ông đã quay trở lại với bản thân, trở thành thủ thư chỉ vì ông ghét áp lực, nhưng biết đâu ông lại thích hợp làm cho CIA hơn chăng, nhất là những lúc rảnh trong giờ làm việc chẳng hạn.

Chú thích

1.Quỹ hưu trí 401(k) là một hình thức bù đắp công lao của người lao động khi chủ hãng mở một quỹ hưu mang tên người lao động và đều đặn bỏ vào quỹ một phần lương chưa đóng thuế của người này. Với chương trình trợ giúp hưu trí 401 (k), người công nhân không phải đóng thuế tạm thu trên phần lương bỏ vào quỹ vì số tiền này không ghi trên bảng lương, nhưng họ phải đóng thuế An Sinh Xã Hội (FICA) và Y Tế trên nguồn lợi tức trích bỏ vào quỹ hưu 401(k).

2.Aldrich Ames: Điệp viên làm việc cho cả CIA và KGB (Uỷ ban An ninh Quốc gia Nga). (Bị bắt ngày 21/2/1994).

3.Francis Scott Key Fitzgerald (24 tháng 9 năm 1896 - 21 tháng 12 năm 1940) là một nhà văn Mỹ, nổi tiếng với các tác phẩm về "Thời đại nhạc Jazz"

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.