Năm thứ nhất đại học đã qua đi như thế. Hai mươi mục bên trên đã cơ bản khái quát được những sự việc đáng nhớ mà tôi từng trải qua trong năm thứ nhất. Những tủi thân, phẫn nộ, kiêu ngạo, nhạy cảm hồi đó bây giờ đều đã nhạt dần. Có ai mà chưa từng trải qua những lúc như thế! Tôi không bao giờ quên được. Trưởng thành - có nghĩa là dần dần trở nên dửng dưng, thậm chí vô cảm đối với tất cả những gì mình đã từng khắc cốt ghi tâm.
Năm thứ nhất, sau khi đợt thi học kì hai kết thúc, nhà trường quyết định điều chỉnh lại các phòng kí túc. Bởi vì nhà trường đã xây thêm một khu chung cư mới, đồng thời phải phá bỏ hơn một nửa khu kí túc xá. Do đó yêu cầu mỗi lớp điều chỉnh một bộ phận sinh viên đến ở khu chung cư mới, còn lại một số ít vẫn ở kí túc xá.
Thực ra đây là một việc hết sức bình thường. Nhưng không hiểu tại sao có thể dấy lên một “làn sóng” mạnh mẽ như vậy. Nói cụ thể một chút về sự khác biệt giữa chung cư và kí túc xá. Chung cư là khu nhà mới xây với bốn người một phòng, mỗi người chiếm một góc phòng, bên trên là giường, bên dưới là bàn máy tính, có cả ban công và phòng vệ sinh, bên trong bài trí rất đẹp, còn có radio và truyền hình cáp. Tiền phòng một năm ở khu chung cư là 1.200 tệ. Còn kí túc xá là khu nhà cũ trước đây với sáu đến tám người cùng ở trong một phòng, lộn xộn không thể chịu được, phòng vệ sinh thì cả khu nhà dùng chung, nửa đêm tuyệt đối không dám đi đến tận cuối hành lang để đi vệ sinh. Tứ phía xung quanh là những chiếc giường cao thấp, ở giữa toàn bàn là bàn, chật chội tới mức không thể đi lại dễ dàng. Tiền phòng một năm ở kí túc xá là 500 tệ.
Quan hệ giữa giá cả và giá trị đã thể hiện rất rõ ràng.
Tôi tin rằng nếu không xét đến vấn đề tiền bạc thì không có bất cứ ai lại đồng ý ở khu kí túc xá cũ kĩ mà không ở khu chung cư mới rộng rãi sáng sủa.
Một bên 1.200 tệ, một bên 500 tệ, cái khoảng cách 700 tệ ấy khiến chúng tôi cảm thấy khó xử.
Nói thực, khi nhà trường mới tuyên bố điều chỉnh các phòng kí túc thì nhất định những vị lãnh đạo anh minh này không ngờ rằng có nhiều phiền toái như vậy. Đương nhiên chúng tôi cho rằng điều kiện gia đình tốt một chút thì đến ở khu chung cư mới, nhà nghèo một chút thì cứ tiếp tục ở trong khu kí túc xá ảm đạm, ẩm ướt, chật chội, khó chịu này là được rồi. Nhưng làm sao để phân chia ranh giới giữa sự nghèo túng và giàu có này đây? Trẻ con bây giờ, sinh viên bây giờ đã không đơn giản như những gì mà các vị lãnh đạo tiền bối tưởng tượng.
Buổi tối hôm nhà trường công bố thông tin, cả phòng kí túc không có ai thể hiện rõ ràng là muốn tiếp tục ở lại kí túc xá. La Nghệ Lâm và Tô Tiêu lại kiên quyết nói rằng: “Nhất định là phải ở khu chung cư rồi“.
Trịnh Thuấn Ngôn nói ở đâu cũng được. Chương Hàm Yên lúc đó thì đã ra nước ngoài.
La Nghệ Lâm hỏi tôi, tôi cũng giả vờ nói một câu: “Thế nào cũng được“.
Không có ai hỏi Diệp Ly.
Ngày hôm sau chủ nhiệm lớp đến ghi danh sách những người tiếp tục ở kí túc xá, vì lớp tôi chỉ yêu cầu để lại năm người nghĩa là 1/20 nữ sinh phải ở trong khu nhà đổ nát này, còn lại đều phải chuyển đến khu nhà chung cư mới tốt hơn.
Kết quả là chủ nhiệm lớp đã nổi cáu ngay ở hành lang kí túc xá nữ. Ông ấy rất tức giận nói: “Ai cũng muốn đến ở khu chung cư hết, lớp chúng ta có một trăm nữ sinh nhưng nhà trường chỉ phân cho lớp chúng ta chín mươi nhăm giường trong chung cư, vậy các em nói xem phải làm thế nào đây?!“.
Không có một ai chủ động nói sẽ tiếp tục ở lại trong kí túc xá!
Điều này khiến chủ nhiệm lớp vô cùng tức giận, nhưng tôi hiểu thực ra mọi người đều đang có một tâm sự chung.
Đúng thế, sao lại phải vì 700 tệ mà hạ thấp giá trị bản thân cơ chứ? Chủ động ở lại kí túc xá, bỏ qua khu chung cư chẳng phải là hạ thấp giá trị bản thân và nói cho các bạn học biết rằng tôi nghèo hơn các bạn, tôi không thể cùng các bạn ở trong khu chung cư được ư? Đúng thế, lòng tự tôn và thể diện không phải là thứ có thể vứt bỏ dễ dàng như vậy. 700 tệ chia bình quân mỗi tháng chẳng qua cũng chưa tới 60 tệ mà thôi. Mỗi tháng bỏ ra 60 tệ là đã có thể khiến chỗ ở của mình cơ bản được cải thiện, điều quan trọng hơn là 60 tệ đó có thể chứng minh mình và các bạn có cùng một đẳng cấp, cùng một trình độ. 60 tệ có thể mua được lòng tự tôn của bốn năm đại học. 60 tệ này cũng thật là đáng giá biết bao. Nếu như bản thân tự nguyện chủ động xin ở lại kí túc xá thì sự phân hoá tầng lớp giai cấp trở nên quá rõ ràng, cũng có nghĩa là tự nói mình và đa số các bạn học không cùng một đẳng cấp. Sau này gặp các bạn trong khu chung cư liệu còn có thể tự nhiên, bình tĩnh chào hỏi như trước được không? Cứ cho là bạn có thể làm như không có chuyện gì xảy ra, nhưng những người chuyển đến khu chung cư sẽ bàn luận sau lưng bạn thế nào đây? Từ nay về sau họ có thể đối xử với bạn - con bé không cùng tầng lớp với họ ra sao đây?
Một đám nữ sinh đang thì thầm bàn luận ở hành lang. Bàn tới bàn lui. Khu hành lang tăm tối, mịt mùng với những tâm sự không ai giống ai.
Cuối cùng thầy chủ nhiệm lớp phải lên tiếng: “Tốt nhất các em nên có người chủ động xin ở lại kí túc xá, xem là năm người nào. Nếu không ngày mai sẽ không xong đâu, tôi có thể sẽ dựa vào tình hình cụ thể để chỉ định một số người ở lại kí túc xá, ngày kia phải nộp danh sách lên trường rồi“.
Mọi người đều thở dài rồi tản đi hết. Chỉ có vài nữ sinh vẫn đứng dưới ngọn đèn tối om của hành lang và tiếp tục nói gì đó.
Quay về phòng, La Nghệ Lâm một lần nữa nhấn mạnh rằng cô ấy nhất quyết không thể ở trong kí túc xá: “Tôi chịu đựng đủ rồi, từ lúc mới chuyển nhà tới đây đã không chịu được rồi, các cậu nghĩ mà xem đang ở nhà rộng rãi, sạch sẽ như thế lại phải chuyển đến nơi “ổ chuột” này, đến đánh răng cũng phải xếp hàng lại còn làm cho ống quần bám đầy nước bẩn. Ôi! mau mau chuyển đi, mau mau chuyển đi! Các cậu cũng ở chung cư hết đi, như vậy mấy người chúng ta lại có thể được ở cùng nhau! Thật vui biết mấy!“.
Hai chữ “ghê tởm”, từ tận đáy lòng tôi đã đọc thầm vô số lần. Thật là hết cách với loại con gái này, thật ghê tởm.
Tôi nghĩ nếu có nhiều người chủ động xin ở lại kí túc xá thì tôi cũng xin ở lại cho xong, khoảng một nửa số nữ sinh chẳng hạn?
Quay về phòng kí túc tôi liền gọi điện nói cho cha mẹ biết chuyện này. Khi vừa trình bày xong đầu đuôi sư việc mẹ liền nói: “Vậy con cứ ở chung cư đi! Con vốn nhát gan, ở kí túc xá thì buổi tối không bao igờ dám uống nước vì sợ nửa đêm phải đi vệ sinh, ở chung cư rồi thì không phải sợ nữa. Nghe lời mẹ nhé, con cứ ở chung cư đi! Đóng hơn 700 tệ thì có sao“.
Tôi run run nắm điện thoại trong tay, nước mắt vòng quanh. Chỉ có bản thân tôi mới biết rằng gọi điện thoại báo cho cha mẹ biết chẳng qua chỉ là làm cho xong chuyện mà thôi, chẳng qua cũng chỉ là vì bản thân muốnhưng ở lại khu chung cư nên tìm một cái cớ chính đáng, rằng cha mẹ bắt mình ở đó, cái cớ khiến bản thân không còn thấy áy náy. Còn bản thân thì sớm đã quyết định không thể để mất đi lòng tự tôn và cái sĩ diện đáng thương chỉ vì 700 tệ. Và tôi cũng biết trước rằng cha mẹ sẽ đồng ý cho tôi chuyển đến ở khu chung cư. Vậy là tôi phải thừa nhận rằng, hư vinh của bản thân cũng phải tìm một cái cớ.
Thật đáng thương cho tấm lòng cha mẹ trong thiên hạ.
Khi chuẩn bị đi ngủ, Trịnh Thuấn Ngôn đột nhiên nói: “Tớ gọi điện cho thầy chủ nhiệm nhé, tớ ở kí túc xá được, chuyển đi chuyển lại phiền phức lắm“.
Lại là La Nghệ Lâm kêu lên đầu tiên: “Không phải chứ! Cha mẹ cậu cưng cậu như vậy làm sao có thể để cậu sống ở kí túc xá được? Hơn nữa gia đình cậu cũng không phải là không có tiền mà“.
Trịnh Thuấn Ngôn không nói gì thêm, cũng không giải thích gì với mọi người.
Đột nhiên Diệp Ly cũng lên tiếng: “Trịnh Thuấn Ngôn, tớ cũng muốn ở lại kí túc xá, cậu không đùa đấy chứ?”
Trịnh Thuấn Ngôn nói: “Tớ vẫn chưa suy nghĩ kĩ“.
Căn phòng thật yên tĩnh, tôi nghe thấy cả tiếng thở dài khe khẽ. Không biết là của ai.