HIỆU QUẢ ĐẦU TIÊN CỦA VIỆC CÓ Fermín trợ giúp mau chóng thấy rõ: tôi phát hiện ra mình có nhiều thời gian rảnh hơn trước. Khi không ra ngoài săn lùng những bộ sách hiếm lạ nào đó để thỏa mãn yêu cầu của khách hàng, Fermín dành thời gian còn lại để sắp xếp kho hàng trong tiệm sách, nghĩ ra những chiến thuật quảng cáo, đánh bóng tấm biển treo trên tiệm và cửa sổ cho đến khi chúng sáng choang lên, hay dùng một tấm giẻ thấm chút rượu để lau sạch gáy sách. Tận dụng vận may trời cho này, tôi quyết định cống hiến thời gian rảnh rỗi có được cho một số dự định mà dạo gần đây tôi đã gác sang bên: cố vén bức màn bí mật về Carax và, trên hết, dành nhiều thời gian hơn với Tomás Aguila, cậu bạn mà tôi nhớ vô cùng.
Tomás là một anh chàng chín chắn, khá dè dặt nhưng luôn bị đám trẻ xung quanh khiếp hãi bởi nét mặt phảng phất dân côn đồ khiến cậu ta có một vẻ ngoài lầm lì đầy hăm dọa. Cậu ta có dáng vóc một tay đô vật, đôi vai đấu sĩ, và một ánh nhìn đanh thép buốt thấu xương. Chúng tôi gặp gỡ nhau nhiều năm trước nhờ một vụ thượng cẳng chân hạ cẳng tay xảy ra trong tuần đâu tiên của tôi ở trường dòng Tên trên phố Caspe. Lần nọ cha cậu ta đến đón con sau giờ tan học, đi cùng là một cô bé kênh kiệu mà về sau tôi được biết là em gái của Tomás. Tôi bèn nảy sinh một ý tưởng tuyệt vời là thốt ra vài ba nhận định khiếm nhã về cô bé, và trước khi tôi kịp chớp mắt,âm bổ vào tôi, ào ào thụi như mưa khiến tôi đau nhức dễ đến vài tuần. Tomás to lớn, khỏe mạnh và hung hăng gấp hai lần tôi. Trong cuộc đấu tay đôi trên sân trường, vây quanh là một đám con trai cuồng khát những trận đấm đá đẫm máu, tôi mất một chiếc răng nhưng lại đạt được tiến bộ trong cảm nhận về tỷ lệ. Tôi từ chối không kể cho cha hay các các tu sĩ về thủ phạm đả thương tôi đến nhường đó. Tôi cũng không kể lại sự thực là ông bố của kẻ đã đánh tôi thậm chí còn quan sát cậu con mình tẩn đối phương nhừ tử với vẻ thích thú kích động tột độ, hùa vào đám cổ vũ đánh nhau như những đứa trẻ khác.
“Đó là lỗi của con,” tôi nói, kết thúc vấn đề.
Ba tuần sau Tomás đến bên tôi lúc giờ ăn trưa. Tôi đờ người ra vì sợ. Nó đến để kết liễu mình đây, tôi nghĩ. Rồi tôi bắt đầu nói lắp, nhưng sau đó tôi mau chóng nhận ra Tomás chỉ muốn xin lỗi vì trận đòn, bởi cậu ta biết vụ đánh nhau đó là không cân sức và không cân bằng.
“Tớ mới là người có lỗi vì đã nói xấu em gái cậu,” tôi nói. “Đáng ra ngay hôm đó tớ đã phải xin lỗi rồi, nhưng vì cậu nện tớ kinh quá, tớ chẳng nói được gì.”
Tomás cúi đầu, thấy xấu hổ với bản thân. Tôi thường nhìn cái bóng dáng khổng lồ rụt rè và lặng lẽ ấy dạo quanh các lớp học và hành lang của trường như một linh hồn lạc lõng. Tất cả những đứa khác - gồm cả tôi - đều sợ cứng người trước Tomás, và không một ai dám nói chuyện hay nhìn thẳng vào mắt cậu ta. Đầu vẫn cúi gằm, gần như run rẩy, Tomás hỏi liệu tôi có muốn kết bạn với cậu ta không. Tôi nói có. Tomás đưa tay ra, tôi bèn nắm lấy. Cái bắt tay của cậu ta làm tôi đau điếng, nhưng tôi không chùn lại. Chiều hôm đó Tomás mời tôi đến nhà mình cùng ăn bữa vặt sau giờ học và khoe với tôi bộ sưu tập những chiếc máy nhỏ kỳ lạ lắp ghép từ các mẩu kim loại phế liệu được cậu ta giữ trong phòng riêng.
“Tớ tự làm đấy,” cậu ta tự hào giải thích.
Tôi không nói một lời dù không thể hiểu những thứ đó hoạt động ra sao hay thậm chí chúng là cái gì. Tôi chỉ gật đầu đầy khâm phục. Dường như cậu bạn quá khổ và cô độc này đã tự chế tạo cho mình những bạn đồng hành bằng sắt thép và tôi là con người tiên được cậu ta giới thiệu với chúng. Đó là bí mật của Tomás. Tôi bèn chia sẻ bí mật của mình. Tôi kể cho cậu ta về mẹ, về chuyện tôi nhớ bà nhường nào. Khi tôi ngừng lời, Tomás lặng lẽ ôm chầm lấy tôi. Khi ấy hai đứa mười tuổi. Từ ngày đó trở đi, Tomás Aguilar trở thành người bạn thân thiết nhất của tôi - còn tôi là người bạn duy nhất của cậu ta.
Bất chấp vẻ ngoài hung hăng, Tomás là một người hiền lành và tốt bụng có ngoại hình đủ sức làm hạ nhiệt các cuộc xung đột. Cậu ta nói lắp khá nhiều, đặt biệt là khi phải nói với ai đó khác ngoài mẹ hay chị mình hoặc ít nhất là tôi, điều hiếm khi xảy ra. Tomás bị thu hút bởi những thiết bị cơ khí và sáng chế lạ thường, tôi mau chóng phát hiện ra cậu ta thường xuyên tháo lắp tất thảy các loại máy móc, từ máy hát cho đến máy tính, nhằm khám phá bí mật trong cơ cấu của chúng. Khi không ở với tôi hay làm việc cho cha mình, Tomás dành hầu hết thời gian lặng lẽ trốn trong phòng riêng, thiết kế những thiết bị quái gở đến không hiểu nổi. Trí thông minh của Tomás cũng ngang ngửa với tính thiếu thực tế của cậu ta. Hứng thú của Tomás với thế giới thực chỉ tập trung vào những chi tiết như việc đồng bộ hóa đèn giao thông tại Đại lộ Gran Vía, bí ẩn của các Đài phun nước phát sáng ở Montjuïc, hay cơ cấu cốt yếu của những thiết bị tự động sử dụng tại công viên giải trí Tibidabo.
Mỗi buổi chiều sau khi xong việc ở chỗ làm của bố, và đôi khi, những lúc ra khỏi nhà, Tomás thường ghé qua tiệm sach. Cha tôi luôn tỏ ra hứng thú trước những sáng chế của Tomás, ông thường tặng cậu ta những cuốn sổ tay về máy móc cơ khí hay các cuốn tiểu sử những nhà kỹ nghệ lớn như Eiffel và Edison, những người Tomás coi là thần tượng. Nhiều năm trôi qua, Tomás trở nên vô cùng gắn bó với cha tôi và dành nhiều tháng trời với các bộ phận của một chiếc quạt máy cũ nhằm sáng chế một hệ thống tự động có khả năng phân loại thẻ sách theo thư mục cho cha tôi. Đến nay cậu ta đã theo đuổi dự án đó những bốn năm trời, nhưng cha tôi vẫn không ngừng thể hiện lòng nhiệt tình trước những tiến triển của nó, bởi ông không muốn Tomás ngã lòng.
Lần đầu tiên giới thiệu Tomás với Fermín, tôi rất lo không biết Fermín sẽ phản ứng như thế nào với bạn tôi.
“Hẳn cậu là anh bạn sáng chế của Daniel. Thật hân hạnh được làm quen với cậu. Fermín Romero de Torres, cố vấn thư tịch cho tiệm sách Sempere, sẵn sàng phục vụ cậu.
“Tomás Aguilar,” bạn tôi lắp bắp, nhoẻn cười và bắt tay Fermín.
“Xin cẩn thận, bạn tôi, bởi thứ bạn có không phải tay đơn thuần, mà là máy ép thủy lực. Tôi cần những ngón tay của nghệ sĩ vĩ cầm cho công việc hiện thời.”
Tomás bỏ tay khỏi Fermín và nói lời xin lỗi.
“Nào hãy cho tôi biết, cậu ủng hộ định lý Fermat ở điểm nào?” Fermín hỏi, xoa xoa các ngón tay.
Sau đó hai người đâm mê mải tranh luận về toán học cao cấp, thứ mà tôi chẳng hiểu mô tê gì. Từ ngày đó trở đi, Fermín luôn gọi Tomás theo cách xưng hô trang trọng, không thì là “đốc tờ”, và vờ như chẳng hề để ý tới tật nói lắp của cậu chàng. Như một cách đền ơn Fermín vì sự kiên nhẫn vô bờ của anh ta, Tomás đem tặng Fermín cả đống hộp sô cô la Thụy Sĩ bên trên có dán ảnh chụp những cái hồ xanh thăm thẳm, đàn bò diễu hành dọc những cánh đồng rực rỡ màu xanh lá và đồng hồ chim cúc cu cầu kỳ đẹp mắt.
“Anh bạn Tomás của cậu rất có tài, nhưng cậu ta thiếu động lực và sẽ thành công nếu có một thái độ cầu tiến hơn. Đó là cách duy nhất để tiến xa tới bất kỳ đâu,” ngày nọ Fermín nói vậy với tôi. “Dù sao, đầu óc của các nhà khoa học là như thế. Thử nhìn Albert Einstein mà xem. Cả một đống phát minh phi thường, thế mà cái đầu tiên bọn họ thấy có thể ứng dụng thực tế là bom nguyên tử - mà lại chẳng cần sự cho phép của ngài ấy nữa chứ. Với cái bộ mặt võ sĩ kia thì Tomás sẽ phải trải qua nhiều khổ ải trong giới hàn lâm đây. Trên thế giới này đánh giá duy nhất thu hút được phần đông dư luận là định kiến.”
Bị thôi thúc bởi ước muốn cứu Tomás ra khỏi phận nghèo khó và không được ai thấu hiểu, Fermín quyết định rằng anh ta cần phải phát triển kỹ năng giao tiếp và xã hội tiềm tàng trong con người bạn tôi.
“Vốn là một loài vượn, con người là loài động vật xã hội, đặc trưng bởi tính kết bè kết cánh, gia đình trị, thói tham nhũng lạm quyền và bơm đặt. Đó là mẫu hình tự trong bản chất cho cái gọi là 'luân thường đạo lý của chúng ta,” anh ta kết luận. “Nó thuần túy sinh học.”
“Anh không cường điệu lên đấy chứ?”
“Đôi khi cậu thật là ngây thơ, Daniel ạ.”
Tomás thừa hưởng ngoại hình dữ dằn từ cha mình, một nhà quản lý bất động sản xuất chúng có văn phòng trên phố Pelayo, gần sát trung tâm thương mại El Siglo xa hoa. Señor Aguilar thuộc về dòng giống những người sở hữu loại trí tuệ vượt trội, những người luôn luôn đúng. Là người có niềm tin không dễ chuyển dời, ngài ấy tin chắc rằng, bên cạnh mọi điều khác, đứa con trai ngài đã nhút nhát lại còn yếu kém về mặt tâm thần. Đề bù lại những thiếu sót đáng xấu hổ đó, ngài thuê đủ thể loại các gia sư với hy vọng cải thiện cậu con trai đầu lòng. “Tôi muốn mọi người phải đối xử với con trai tôi như thể nó bị thiểu năng, có hiểu không?” tôi thường nghe ngài ấy nói vậy. Các giáo viên đã cố thử hết cách, thậm chí cả van nài, nhưng Tomás chỉ nói với họ bằng tiếng La tinh, thứ ngôn ngữ mà cậu không hề bị nói lắp và phát âm trôi chảy cứ như Giáo hoàng. Chẳng sớm thì muộn tất thảy họ đều đầu hàng trong vô vọng, khiếp hãi rằng Tomás rất có thể bị ám: có khi cậu ta đang phun vào họ những chỉ thị của quỷ dữ bằng tiếng Aram không chừng. Hy vọng duy nhất của Señor Aguilar là nghĩa vụ quân sự có thể đào tạo thằng con ông trở thành người đàn ông thực thụ.
Tomás có một em gái, Beatriz. Tôi thành bạn với Tomás là nhờ có cô nàng, bởi nếu không vì tôi nhìn thấy cô nàng vào buổi chiều hôm đó, cách đây rất lâu rồi, nắm chặt tay cha, đợi giờ học của chúng tôi kết thúc, và không quyết định tung một câu đùa rất mực vô duyên vào cô nàng, thì cậu bạn tôi hẳn đã không trút lên tôi cả một cơn mưa quả đấm và tôi đã chẳng bao giờ lấy đủ dũng khí để nói chuyện với cậu ấy. Bea Aguilar là bản sao chính xác của mẹ cô nàng và là cô con gái rượu của cha. Với mái đầu đỏ rực và làn da trắng sáng, cô nàng luôn bận lên người những chiếc váy rất đắt tiền làm từ lụa hay len nguyên chất. Bea sở hữu một vòng eo chuẩn như ma nơ canh và thường ngạo nghễ lượn lờ khắp nơi, sắm vai công chúa trong câu chuyện cổ tích của chính cô nàng. Đôi mắt của Bea có màu xanh lá phớt da trời, nhưng cô nàng cứ khăng khắng đòi mô tả chúng là “có màu lục bảo và sa phia”. Bất chấp nhiều năm theo học trường Công giáo thuộc dòng Thánh Teresa, hoặc không chừng đó chính là lý do, mỗi khi cha cô nàng không để ý, Bea nốc ừng ực rượu hồi đựng trong cốc cà phê, đi vớ lụa mua từ cửa tiệm trang nhã La Perla Gris, và tự trang điểm thành như mấy nữ thần điện ảnh đã đưa anh bạn Fermín của tôi vào trạng thái đê mê. Tôi không thể chịu nổi khi gặp cô nàng, và cô nàng đáp trả thái độ thù địch công khai của tôi bằng những cái nhìn uể oải thờ ơ khinh thị. Bea có một gã bạn trai đang thực thi nghĩa vụ quân sự ở Murcia với quân hàm thiếu úy, một gã tên Pablo Cascos Buendía với mái đầu bóng nhẫy, thành viên của đảng phát xít Falange. Gã thuộc về một gia đình quý tộc sở hữu một loạt xưởng đóng tàu trên các đảo khắp vùng Galicia và vắng mặt dễ đến nửa thời gian nghĩa vụ của mình nhờ có ông bác nằm trong Chính quyền Quân sự. Thiếu úy Cascos Buendía không bỏ phí bất cứ cơ hội nào để lên lớp dạy đời về sự ưu việt của giống nòi và tinh thần người Tây Ban Nha và ngày suy tàn đang hiển lộ rõ trước mắt của đế chế Bolsevik.
“Marx chết rồi,” gã nghiêm trang nói.
“Ông ấy chết từ năm 1883, chính xác là như vậy,” tôi bèn đáp trả.
“Câm ngay, thằng đần kia, nếu không tao đá mày văng tới tận Gibraltar bây giờ.”
Đã hơn một lần tôi bắt gặp Bea cười nhạt trước những điều ngớ ngẩn mà bạn trai cô nàng nghĩ ra. Những lúc ấy cô nàng ngước mắt hướng về phía tôi, với cái nhìn thực khó dò. Tôi bèn cười đáp lại với thái độ lịch sự tối thiểu giữa hai kẻ oan cừu bất ngờ thành ra cùng phe bởi lệnh ngừng bắn vô hạn định nhưng liền đó lại quay đi nhìn ra chỗ khác ngay. Tôi thà chết còn hơn thừa nhận rằng, tận sâu thẳm trong lòng, tôi thấy sợ cô nàng.