FERMÍN VÀ TÔI GẶP NHAU lúc bảy giờ sáng Chủ nhật tại Canaletas Café. Fermín đãi tôi một ly cà phê và bánh mì trông như đá bọt, dù có bơ phết lên. Phục vụ chúng tôi là một tay bồi bàn đeo phù hiệu phát xít trên ve áo và để ria con kiến. Gã ta không ngừng hát ư ử một mình, và khi được hỏi tại sao lại có tâm trạng vui vẻ như vậy, gã giải thích là mới được làm cha từ hôm trước. Chúng tôi chúc mừng gã, và gã khăng khăng tặng mỗi chúng tôi một điếu xì gà để hút nhân dịp có đứa con đầu lòng. Chúng tôi nói là sẽ hút. Fermín cứ liếc nhìn gã luôn, rồi chau mày, tôi ngờ anh ta đang âm mưu gì đây.
Lúc ăn sáng, Fermín khởi động cuộc điều tra hôm nay bằng cách vạch ra những điểm chính của bí ẩn này.
“Tất cả bắt đầu từ tình bạn chân thành giữa hai cậu bé, Julián Carax và Jorge Aldaya, là bạn học từ l
úc còn nhỏ, giống như Don Tomás và cậu. Trong nhiều năm mối quan hệ này tốt đẹp. Những người bạn không chia cách nhau với cả cuộc đời trước mặt, và công việc. Tuy nhiên, xung đột thỉnh thoảng vẫn nảy sinh làm hỏng mối quan hệ này. Nói ngắn gọn theo cách nhà soạn kịch phòng trà, xung đột mang tên một người con gái: Penélope. Rất đậm chất Homer. Cậu có nghe không đấy?”
Điều duy nhất tôi nghĩ đến trong đầu là câu nói cuối cùng của Tomás đêm hôm trước ở hiệu sách: “Đừng làm tổn thương em gái tớ.” Tôi thấy buồn nôn.
“Năm 1919, Julián Carax bỏ đi Paris, theo phong cách Odysseus,” Fermín tiếp tục. “Bức thư, do Penélope ký tên, mà anh ta không bao giờ nhận được, xác nhận rằng cô gái bị nhốt trong nhà, một tù nhân của chính gia đình mình vì một lý do còn chưa rõ, và tình bạn giữa Aldaya và Carax kết thúc. Hơn nữa, theo Penélope, anh trai Jorge của nàng đã thề rằng nếu anh ta gặp lại bạn cũ Julián, anh ta sẽ giết anh chàng. Lời nói tàn nhẫn đánh dấu chấm hết một tình bạn. Không cần phải là Pasteur thì ta cũng đoán được rằng mối xung đột là hệ quả trực tiếp của quan hệ giữa Penélope và Carax
Mồ hôi lạnh rịn đầy trán tôi. Tôi có thể cảm thấy cà phê và mấy miếng bánh mình vừa nuốt vào chực trào lên họng.
“Tuy nhiên, chúng ta phải giả định rằng Carax không bao giờ biết được chuyện gì xảy ra với Penélope, bởi vì lá thư không đến được tay chàng. Anh chàng biến mất vào làn sương mù Paris, nơi chàng ta sống một cuộc đời vật vờ giữa công việc nhạc công dương cầm trong một câu lạc bộ tạp kỹ và sự nghiệp thê thảm là một tiểu thuyết gia thất bại. Những năm tháng ở Paris này là một ẩn số. Thứ duy nhất còn lại đến ngày hôm nay là một tác phẩm văn chương bị lãng quên gần như đã biến mất. Chúng ta biết rằng đã có lúc chàng ta quyết định kết hôn một mệnh phụ bí ẩn và giàu có, gấp đôi tuổi chàng. Bản chất của cuộc hôn nhân đó, nếu chúng ta chấp nhận lời của nhân chứng, dường như là một hành động từ thiện hoặc tình hữu hảo nhân danh một phụ nữ ốm đau hơn là vì tình yêu. Cho dù cậu có nhìn nhận nó trên khía cạnh nào, thì nhà bảo trợ nghệ thuật này, lo sợ cho tương lai tài chính của người được bảo trợ, đã quyết định để lại tài sản của mình cho anh ta và nói lời tạm biệt thế giới này bằng một cuộc mây mưa để tăng thêm phần cao quý cho mục đích của mình. Người Paris là như vậy.”
“Có lẽ đó là một tình yêu đích thực,” tôi gợi ý, giọng lí nhí.
“Này Daniel, cậu có ổn không đấy? Trông cậu tái quá, cậu đang vã mồ hôi như tắm ấy.”
“Tôi ổn,” tôi nói dối.
“Như tôi đã nói. Tình yêu giống như miếng thịt lợn: có miếng lườn và cũng có miếng mông. Mỗi phần có vị trí và chức năng riêng. Carax đã tuyên bố anh ta không xứng đáng với bất cứ tình yêu nào nữa, mà thật, như chúng ta biêt, không câu chuyện tình yêu lãng mạn nào được ghi nhận trong những năm anh ta ở Paris. Tất nhiên, làm việc trong một nhà chứa như vậy, có lẽ cái ham muốn bản năng của anh ta được thỏa mãn bằng cách kết thân với mấy cô ả ở đấy, như thể đó là một phần thưởng của công việc, có thể nói như vậy. Nhưng điều này hoàn toàn suy đoán. Chúng ta hãy quay lại thời điểm công bố hôn lễ giữa Carax và người bảo trợ. Đó là lúc Jorge Aldaya tái xuất trên bản đồ câu chuyện u ám này. Chúng ta biết anh ta đã liên hệ với nhà xuất bản của Carax ở Barcelona để tìm ra nơi ở của tiểu thuyết gia. Không lâu sau, vào buổi sáng ngày cưới của mình, Julián Carax đấu sung với một người chưa rõ danh tính tại nghĩa trang Père Lachaise, rồi biến mất. Lễ cưới không bao giờ diễn ra. Từ lúc ấy, mọi thứ trở nên rối rắm.
Fermín tạm dừng cho thêm phần xúc động, rồi nhìn tôi đầy bí ẩn. “Cứ cho là Carax qua khỏi biên giới nước Pháp, và, thêm một chiêu nữa cho thấy sự khôn ngoan khi lựa chọn thời điểm, quay trở về Barcelona năm 1936 ngay lúc cuộc nội chiến nổ ra. Anh chàng làm gì và ở đâu tại Barcelona trong những tuần này vẫn còn là ẩn số. Chúng ta cứ giả sử anh chàng ở trong thành phố một tháng và trong thời gian đó chàng ta không liên lạc với người quen. Cả người cha lẫn cô bạn Nuria Monfort cũng không nốt. Rồi người ta thấy anh chàng chết trên phố, bị kết liễu bởi một viên đạn. Không lâu sau, một nhân vật hiểm ác xuất hiện. Hắn ta tự xưng là Laín Coubert – cái tên hắn mượn từ tiểu thuyết cuối cùng của Carax – một kẻ có thể nói tóm gọn không gì khác hơn Hoàng tử Bóng đêm. Tên Ác quỷ này tuyên bố hắn sẵn sàng tiêu hủy chút chút ít ỏi còn lại của Carax và hủy diệt các quyển sách của anh chàng mãi mãi. Để kết thúc vở kịch bi tráng này, hắn xuất hiện như một người vô diện, khuôn mặt bị lửa hủy hoại. Một kẻ xấu xa trong một vở nhạc kịch gothic, để làm câu chuyện thêm phần rắc rối, Nuria Monfort tin rằng cô ta nhận ra giọng nói Jorge Aldaya.”
“Anh nên nhớ rằng Nuria Monfort đã nói dối tôi,” tôi nói.
“Đúng vậy. Nhưng thậm chí nếu Nuria Monfort nói dối cậu, cô ta hẳn đã có thể làm vậy một cách hiệu quả hơn bằng cách lờ đi và có khi còn tách hẳn mình ra không liên quan đến câu chuyện. Có rất ít lý do để nói sự thật, nhưng để nói dối thì hàng vô tận. Này, cậu có ổn không đấy? Mặt cậu như pho mát sữa dê ấy.”
Tôi lắc đầu và chạy vào nhà vệ sinh.
Tôi nôn hết bữa ăn sáng, bữa tối, và kha khá cơn tức giận trong mình. Tôi hứng nước lạnh rửa mặt, và nhìn bóng mình trong tấm gương mờ mà trên mặt gương ai đó đã nguệch ngoạc dòng chữ BỌN PHÁT XÍT ĐẦN ĐỘN bằng bút chì sáp. Khi quay lại bàn, tôi thấy Fermín đang ở quầy bar trả tiền và tán chuyện bóng đá với tay bồi bàn đã phục vụ chúng tôi.
“Ổn hơn rồi chứ?”
Tôi gật đầu.
“Đấy là do huyết áp cậu bị tụt,” Fermín nói. “Đây, làm một viên kẹo Sugus đi, chúng chữa được mọi thứ.”
Trên đường ra khỏi Fermín cứ nằng nặc đòi bắt taxi đến trường San Gabriel còn đi tàu điện ngầm thì để hôm khác, bảo rằng sáng nay trời đẹp như tranh cổ động và đường hầm chỉ dành cho lũ chuột thôi.
“Bắt taxi đến Sarriá mất khối tiền đấy,” tôi phản đối.
“Tiền đấy do Quỹ tiết kiệm của bọn ngu trả,” Fermín nói ngay. “Tay ái quốc kiêu căng ở quán phụ thối nhầm tiền cho tôi, mà chúng ta đang đi công chuyện. Còn cậu thì lại không được khỏe để đi tàu điện ngầm.”
Với món tiền không chính đáng ấy, chúng tôi nép vào một góc cuối phố Rambla de Cataluna đợi xe taxi. Chúng tôi phải để cho vài chiếc chạy qua, vì Fermín viện cớ anh ta hiếm khi nào đi ô tô nên ít nhất anh ta phải ngồi trên một chiếc như Studebaker. Phải mất đến mười lăm phút chúng tôi mới tìm được chiếc xe anh ta ưa thích, chiếc xe mà Fermín phải đón bằng cách vẫy vẫy tay như chiếc cối xay gió. Fermín nằng nặc đòi ngồi ghế trước, để cho anh ta có cơ hội được trò chuyện với bác tài xế về Joseph Stalin, là thần tượng và đấng dẫn dắt tinh thần của bác tài.
“Thế kỷ này có ba nhân vật vĩ đại: La Pasionaria[1], võ sĩ đấu bò siêu hạng Manolete, và Joseph Stalin,” bác tài xế tuyên bố, đã sẵn sàng chất vào tai chúng tôi cuộc đời của đồng chí thánh thiện kia.
[1. Có nghĩa Hoa lạc tiên, biệt danh của Dolores Ibárruri (1895-1989), một lãnh tụ của phe Cộng hòa trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha.]
Tôi ngồi khá thoải mái ở ghế sau, chẳng mấy quan tâm đến bài diễn thuyết nhạt nhẽo ấy, để mở cửa sổ và tận hưởng không khí trong lành. Sung sướng vì được ngồi trên một chiếc Studebaker, Fermín khuyến khích bác tài xế chuyện trò, thỉnh thoảng làm ngắt quãng câu chuyện tiểu sử đầy xúc động về lãnh tụ Xô viết bằng những chi tiết lịch sử còn tồn nghi.
“Tôi nghe nói ông ta bị rối loạn tuyến tiền liệt do nuốt phải hạt sơn trà, và giờ ông ta chỉ có thể đái nếu ai đó lẩm nhẩm hát Quốc tế ca cho ông ta,” anh ta nói.
“Đúng là luận điệu tuyên truyền của quân phát xít,” tài xế giải thích, sốt sắng hơn bao giờ hết. “Đồng chí ấy đái như bò ấy. Đến dòng Volga cũng phải ghen tị ấy chứ.”
Trường San Gabriel, mặt tiền gạch đỏ điểm những ô cửa sổ hình lưỡi dao găm, nằm giữa một khu rừng, ở cuối một con đường nhỏ quanh co dẫn ra đại lộ. Cả khối kiến trúc, bên trên chi chít những mái vòm và tháp, nhô lên trên những rặng cây tiêu huyền, trông giống một nhà thờ Gothic. Chúng tôi ra khỏi taxi và bước vào một khu vườn rậm lá, đây đó có những vòi phun nước có trang trí những tượng đúc thiên thần. Đây đó những con đường lát sỏi uốn giữa những hàng cây. Trên đường tới cổng chính, Fermín kể cho tôi về lịch sử ngôi trường này.
“Mặc dù có thể cậu trông nó giống như lăng mộ Rasputin, trường San Gabriel, trong thời huy hoàng, là trường học danh tiếng và chọn lọc bậc nhất ở Barcelona. Vào thời cộng hòa, nó bắt đầu xuống dốc bởi những kẻ mới phất đương thời, những nhà công nghiệp mới và chủ ngân hàng mà con cái không được chấp nhận vào trường vì tên họ của chúng nghe quá mới, đã quyết định thành lập trường riêng cho chúng, ở đó con cái họ được đối xử sùng kính hết mực và ở đó, đến lượt mình, họ có quyền không chấp nhận con cái những kẻ khác. Tiền cũng như bất cứ loại virus nào: một khi đã hủy hoại linh hồn của kẻ sở hữu nó, nó bắt đầu đi tìm nguồn máu mới. Trong thế giới này, tên họ tồn tại không lâu hơn quả hạnh bọc đường. Vào thời hoàng kim, chừng khoảng giữa năm 1880 và 1930, trường San Gabriel bắt đầu nhận con cái của những gia đình danh tiếng thời cũ nhưng lắm tiền nhiều của. Con cái nhà Aldaya và đồng đảng đến nội trú trường này, kết thân với những người ngang hàng, đi lễ mixa, và học về lịch sử của nó để có thể lặp lại cái quá trình ấy cho đến khi buồn mửa mới thôi.”
“Nhưng Carax không phải là con trai của một nhà giàu,” tôi nhận xét.
Đôi khi những cơ sở hào nhoáng này trao học bổng cho con của những người làm vườn, kẻ đánh giày để tỏ lòng hào hiệp cà từ thiện Cơ đốc,” Fermín đỡ lời. “Cách hữu hiệu nhất để làm cho người nghèo trở nên vô hại là dạy họ làm thân với người giàu. Đó là thứ thuốc độc mà chủ nghĩa tư bản dùng để làm mù quáng...”
“Thôi đừng có lôi học thuyết xã hội ra nữa, Fermín. Nếu một trong những ông thầy tu này nghe thấy anh nói, họ sẽ đá chúng ta ra khỏi đây.” Tôi nhận thấy trên đầu dãy bậc tam cấp dẫn đến cổng chính ngôi trường có vài cha đạo đứng đang quan sát chúng tôi với vẻ tò mò lẫn nghi ngại. Tôi tự liệu họ có nghe được chút gì cuộc trao đổi của chúng tôi không.
Một người trong số họ bước đến với nụ cười nhã nhặn, ông khoanh tay trước ngực như một giám mục. Ông ta hẳn mới ngoài năm mươi tuổi, vóc dáng thanh mảnh và mái tóc lưa thưa tạo cho ông dáng vẻ một con chim săn mồi. Ông có cái nhìn xuyên thấu, và toát lên mùi mước thơm và băng phiến.
“Xin chào. Ta là Cha Fernando Ramos,” ông nói. “Ta có thể giúp gì các con?”
Fermín đưa tay ra. Vị cha đạo liếc qua trước khi bắt tay, ông cười lạnh băng.
“Fermín Romero de Torres, cố vấn thư tịch cho tiệm sách Sempere và Con trai. Thật là một vinh hạnh to lớn được diện kiến đức Cha Tột bậc Tôn kính. Đây, bên cạnh con, là đồng nghiệp cũng là một người bạn, Daniel, một chàng thanh niên nhiều hứa hẹn và có những phẩm chất Cơ đốc.”
Cha Fernando nhìn chúng tôi không mảy may chớp mắt. Tôi chỉ muốn chui xuống đất cho xong.
“Tôi mới là người phải hân hạnh, thưa ông Romero de Torres,” Cha đáp thân tình. “Liệu tôi có thể hỏi duyên cớ nào khiến cho hai con người đáng nể trọng đến vậy tới thăm ngôi trường tầm thường này được không?”
Tôi quyết định can thiệp trước khi Fermín đưa ra lời nhận xét táo bạo nào nữa và chúng tôi sẽ sớm phải cuốn gói. “Thưa Cha Fernando, chúng con đang muốn tìm hiểu hai nam sinh của trường San Gabriel: Jorge Aldaya và Julián Carax.”
Cha Fernando mím môi và chau mày: “Julián đã chết cách đây mười lăm năm, và Aldaya đã sang Argentina,” ông nói lạnh nhạt.
“Cha có quen biết họ không?” Fermín hỏi.
Ánh mắt sắc sảo của cha đạo lần lượt nhìn chúng tôi trước khi ông trả lời. “Chúng ta là bạn học. Ta có thể hỏi vì sao con quan tâm đến vấn đề này không?”
Tôi đang băn khoăn làm thế nào để trả lời câu hỏi này, nhưng Fermín đã nhanh nhảu hơn. “Cha thấy đấy, thật tình cờ là chúng con đang sở hữu một số đồ vật thuộc về hoặc đã từng thuộc hai người họ - nhưng trong trường hợp này, giải thích pháp lý dẫn đến sự nhầm lẫn
“Về bản chất của những đồ vật ấy là gì, nếu các con không phiền cho ta hỏi?”
“Con xin đức Cha Cao cả chấp nhận sự im lặng của chúng con, vì Chúa biết rằng có hàng tá lý do liên quan đến lương tâm và bí mật vốn chẳng liên quan gì đến niềm tin tuyệt đối xứng đáng với đức Cha Cao quý, cũng như đấng mà Cha là đại diện với sự cao quý và sùng kính nhiệt thành nhường ấy,” Fermín bắn như súng liên thanh.
Cha Fernando tỏ vẻ bị chấn động. Tôi quyết định tiếp lời trước khi Fermín có thì giờ lấy lại hơi.
"Những đồ vật mà ông Romero de Torres đây nói là những vật dụng cá nhân, những đồ vật và kỷ niệm thuần túy mang giá trị tình cảm. Điều chúng con muốn hỏi, thưa Cha, nếu nó không quá phiền phức, là liệu cha có thể cho chúng con biết Cha còn nhớ gì về Julián và Aldaya hồi đi học hay không."
Cha Fernando vẫn nhìn chúng tôi đầy nghi ngờ. Rõ ràng những lời giải thích chúng tôi đưa ra không đủ biện minh cho mối quan tâm của chúng tôi ngõ hầu nhận được sự hợp tác của ông. Tôi vô vọng nhìn Fermín, cầu xin anh ta tìm ra một lý lẽ khôn lanh nhằm lấy lòng vị cha đạo.
“Con có biết trông con hơi giống Julián khi cậu ta còn trẻ không?” Cha Fernando bỗng nói với tôi.
Mắt Fermín sáng lên. Đây rồi, tôi nghĩ. Tất cả may mắn của chúng tôi nằm trong lá bài này.
“Cha thật là sắc sảo, thưa đức Cha Tôn kính,” Fermín kêu lên, giả vờ kinh ngạc. “Sự sáng suốt tột bậc của Cha đã lột mặt nạ chúng con một cách không chút thương tiếc. Rồi Cha sẽ trở thành một Hồng y, hoặc thậm chí là Giáo hoàng.”
“Anh đang nói gì thế?”
“Như vậy chưa rõ sao, thưa đức Thánh Cha?”
“Thẳng thắn mà nói là không.”
“Chúng con có thể tin vào độ kín đáo của buổi xưng tội không ạ?”
“Chỉ cần Cha ban cho chúng con sự thận trọng của Cha là đủ.”
“Các con có rồi đấy.”
Fermín hít một hơi thật sâu rồi nhìn tôi với một vẻ buồn bã. “Daniel, chúng ta không thể lừa dối chiến binh ngoan đạo của Chúa này được nữa.”
“Tất nhiên là không thể rồi...” tôi phối hợp, hoàn toàn mất phương hướng.
Fermín bước đến vị cha đạo mà thì thầm với vẻ bí mật, “Thưa Cha, chúng con có những cơ sở cực kỳ vững chắc để tin rằng anh bạn Daniel của chúng ta đây không ai khác đứa con trai bí mật của Julián Carax quá cố. Cho nên mối quan tâm của chúng con là dựng lại quá khứ của ông ấy và tìm lại ký ức về một con người lừng lẫy, một con người đã bị định mệnh cướp đi khỏi một đứa trẻ tội nghiệp.”
Cha Fernando dán ánh mắt kinh ngạc lên tôi. “Có đúng như vậy không?”
Tôi gật đầu. Fermín vỗ vào lưng tôi, mặt anh ta đầy buồn thảm.
“Nhìn cậu ta xem, cậu bé tội nghiệp, đang đi tìm một người cha đã mất trong đám sương mờ ký ức. Còn chuyện gì có thể buồn hơn? Thưa đức Cha Hết mực Thánh thiện, mong Cha nói con nghe.”
“Con có bằng chúng nào cho nhận định này không?”
Fermín nắm lấy cằm tôi và nâng mặt tôi chìa ra như một câu trả lời. “Còn bằng chứng nào mà cha đạo có thể đòi hỏi hơn cái khuôn mặt nhỏ bé này, nhân chứng câm lặng, không thể chối cãi về quan hệ cha con ấy?”
Vị cha đạo dường như vẫn do dự.
“Cha sẽ giúp chúng con chứ, thưa Cha?” tôi láu cá van xin. “Làm ơn...”
Cha Fernando thở dài khó chịu. “Ta không cho là có gì nguy hại trong chuyện này,” cuối cùng ông nói. “Các con muốn
“Tất cả,” Fermín nói.