Bóng Hình Của Gió

Chương 3: Chương 3




VÀO CÁI CHIỀU MÙ SƯƠNG VÀ MƯA BỤI ĐÓ, Clara

Barceló đã đánh cắp mất trái tim, hơi thở và giấc ngủ của tôi. Trong ánh nhập nhoạng ma quái của thư viện Ateneo, đôi tay cô đã viết lên da tôi một lời nguyền sẽ còn ám ảnh tôi nhiều năm nữa. Trong lúc tôi đang mê mẩn ngắm nhìn, Clara giải thích việc làm sao cô tình cờ tiếp cận được với tác phẩm của Julián Carax, tại một ngôi làng ở Provence nước Pháp. Cha cô, một luật sư tài năng có quan hệ với nội các của thống đốc xứ Catalan, sớm dự đoán được cuộc chính biến sắp tới nên đã gửi vợ và con gái sang bên kia biên giới ngay khi cuộc Nội Chiến mới bắt đầu. Vài người cho rằng ông sợ hơi quá đáng, họ khăng khăng cho rằng chả có chuyện gì có thể xảy ra với Barcelona cả. Tại Tây Ban Nha, vốn vừa là cái nôi vừa là đỉnh cao của Thiên Chúa giáo, sự man rợ là thứ chỉ có ở bọn vô chính phủ - những kẻ cưỡi xe đạp và toàn đi tất rách – bọn ấy thì cầm chắc sẽ không thể tiến xa. Nhưng cha của Clara tin rằng một quốc gia chẳng bao giờ tự nhìn thấy bản thân nó rõ ràng được như trong gương phản chiếu, nhất là khi chiến tranh đang bén rễ trong đầu óc họ. Ông có hiểu biết sâu sắc về lịch sử và biết rõ rằng, trên các con phố, nhà xưởng, trong trại lính, ta có thể đọc thấy tương lai rõ hơn nhiều so với đọc trong các tờ báo sáng. Hàng tháng trời ông viết cho vợ và con gái mỗi tuần một bức thư. Thoạt tiên là từ văn phòng của mình trên phố Diputación, nhưng về sau các bức thư của ông không còn ghi địa chỉ người gửi. Cuối cùng, ông phải lén lút viết thư tại nhà ngục trong lâu đài Montjuïc, nơi không ai thấy ông bị đưa vào, và cũng như vô số nạn nhân khác, ông không bao giờ từ đó bước ra.

KHI ĐỌC TO THƯ CHO CLARA NGHE, mẹ cô gần như không kìm nổi nước mắt và phải bỏ qua nhiều đoạn mà con gái bà cũng cảm nhận được dù không cần phải nghe hết. Sau đó, đợi đến khi mẹ đã ngủ, Clara nài nỉ người chị họ Claudette đọc lại thư của cha mình toàn bộ từ đầu đến cuối. Clara đã đọc bằng cách đó,với đôi mắt đi mượn. Không một ai từng thấy cô nhỏ lấy một giọt nước mắt, thậm chí cả khi thư của vị luật sư không còn tới nữa, cả khi tin tức về chiến tranh khiến tất thảy họ sợ rằng chuyện xấu nhất đã xảy ra.

“Ngay từ đầu cha tôi đã biết chuyện gì sẽ xảy ra,” Clara giải thích. “Ông vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với bạn bè vì cảm thấy đó là nghĩa vụ của mình. Cái khiến ông mất mạng chính là lòng trung thành ông dành cho những kẻ mà, khi tới lúc cần, chúng sẵn sàng bán rẻ ông. Đừng tin bất kỳ ai, Daniel, nhất là những người em ngưỡng mộ. Chính họ sẽ khiến em phải hứng chịu những tai hoạ nặng nề nhất.”

Clara nói những lời ấy với một sự sắt đá như đã sinh ra và lớn lên sau bao năm âm thầm ấp ủ. Tôi sung sướng lạc mình trong ánh nhìn bằng sứ của cô, lắng nghe cô tâm sự những điểu mà khi ấy tôi chẳng thể nào hiểu nổi. Cô mô tả những con người, quang cảnh và sự vật mà bản thân chưa từng được thấy nhưng lại có thể chuyển hoá chúng hết sức chi tiết và chuẩn xác như một nghệ sĩ người Flander xuất chúng. Những từ cô nói khơi gợi rõ mồn một những chất liệu vật thể, những tiếng vọng, âm sắc các giọng nói, nhịp điệu những bước chân. Clara giải thích rằng, trong suốt những năm lưu vong tại Pháp, cô và chị họ Claudette học cùng một gia sư. Ông ta tầm năm mươi tuổi, gần như một con sâu rượu dù chưa đến mức, tự khoác trên mình vẻ văn chương nho nhã và luôn khoe mình có thể ngâm cả trường ca Aeneid của Virgil bằng tiếng La tinh không hề pha giọng. Hai chị em đặt biệt danh cho ông ta là “Ngài Pho mát” để vinh danh thứ mùi hương độc đáo từ ông ta toát ra, bất chấp cả tấn nước hoa ông ta dùng để ướp cái tấm thân ngoại cỡ của ông. Tuy có vô số thứ chẳng giống ai (đáng chú ý như niềm tin sắt đá sặc mùi quân phiệt rằng dồi tiết và thịt lợn có công hiệu kỳ diệu giúp cải thiện chứng suy nhược tuần hoàn và bênh gút), Ngài Pho mát có gu khá tinh tế. Thời còn trẻ, cứ mỗi tháng ông ta lại tới Paris một lần để tăng thêm gia vị cho vốn văn hoá và phép ứng xử của mình bằng những tác phẩm văn chương thời thượng, tham quan viện bảo tàng, và thậm chí, theo lời đồn đại, tự cho phép mình qua một đêm trong vòng tay một cô nàng nóng bỏng mà ông xưng tụng là “Bà Bovary”, dù tên thật của cô ta là Hortense và những từ cô ta có thể đọc chỉ hạn chế ở mức “hai mươi franc”. Trong những chuyến la cà nhằm mục đích giáo dục ấy, Ngài Pho mát thường xuyên tới thăm một quầy sách cũ toạ lạc trên Quảng trường Nhà thờ Đức Bà. Chính ở đó, rất vô tình, vào một buổi chiều năm 1929, ông tình cờ chú ý tới cuốn sách của một nhà văn vô danh, người nào đó tên Julián Carax. Vốn luôn cởi mở với các trào lưu mới, Ngài Pho mát đã mua cuốn sách trong lúc hứng lên. Nhan đề khá khơi gợi, vả lại ông cũng có thói quen đọc gì đó nhẹ nhàng trên chuyến tàu về nhà. Cuốn tiểu thuyết tên là Ngôi nhà màu đỏ, trên bìa sau có tấm ảnh mờ chân dung tác giả, có thể là một tấm hình chụp mà cũng có thể chỉ là bức phác than chì. Theo như giới thiệu tác giả, nhà văn Julián Carax hai mươi bảy tuổi, sinh ra tại Barcelona và hiện sống tại Paris; anh ta viết bằng tiếng Pháp và đêm đêm biểu diễn piano chuyên nghiệp tại một quán bar. Lời giới thiệu sách, viết theo kiểu văn hoa mỹ rườm rà thời đó, ca ngợi rằng đây là tác phẩm đầu tay xuất phát từ một lòng can đảm chói sáng, dấu ấn của một tài năng tiên phong và đa dạng, một mốc lịch sử cho tương lai văn chương toàn châu Âu. Song dù có những định long trọng nhường đó, phần tóm tắt theo sau lại gợi ý rằng cuốn tiểu thuyết bao hàm một số yếu tố dường như có phần hắc ám được ướp từ từ trong lối viết đầy cảm xúc đôi phần cường điệu, điểm này trong mắt Ngài Pho mát đáng được điểm cộng: sau những cuốn kinh điển, ông ta luôn khoái nhất những câu chuyện về tội ác, bí mật khuê phòng, những hành vi đáng ngờ vực.

NGÔI NHÀ MÀU ĐỎ KỂ VỀ MỘT NHN VẬT BÍ HIỂM với tâm hồn không ngừng bị giày vò, anh ta chuyên đột nhập vào các tiệm đồ chơi hay viện bảo tàng hòng đánh cắp búp bê và con rối. Một khi đã nắm giữ chúng trong tay, anh ta móc mắt chúng ra đem về giấu tại căn cứ thê lương của mình, một nhà kính ma quái và cũ nát còn bám víu bên bờ sông Seine mù sương. Vào một tối định mệnh, anh ta đột nhập vào một biệt thự xa hoa trên Đại lộ Foch, quyết tâm tước đoạt cho bằng được bộ sưu tập búp bê của một ông trùm kinh doanh, và như có thể dự đoán, ông trùm này giàu đến kệch cỡm cũng là nhờ vô số mánh khoé gian ác trong suốt thời cách mạng công nghiệp. Ngay khi định lẻn đi với chiến lợi phẩm cướp được, tên trộm của chúng ta bất ngờ bị con gái ông trùm bắt gặp, cô là một thiếu nữ Paris thượng lưu tên Giselle, đọc nhiều hiểu rộng và vô cùng tinh tế nhưng chẳng may mang bản chất yếu nhược nên lẽ tự nhiên là số trời định sẵn cô sẽ yêu điên cuồng kẻ đột nhập kia. Trong khi thiên trường ca lắt léo tiếp diễn qua một loạt sự kiện rối rắm trong bối cảnh mờ mờ ảo ảo, nhân vật nữ chính của câu chuyện bắt đầu giải mã nguyên nhân đã khiến nhân vật chính đầy bí ẩn (người mà, đương nhiên, không bao giờ được lộ tên) phải chọc mù búp bê, và cùng với quá trình đó cô phát hiện được bí mật khủng khiếp về cha mình cùng bộ sưu tập búp bê sứ của ông ta. Thế rồi, câu chuyện chìm trong một kết cục bi thảm va tăm tối đẫm màu quái dị.

Bản thân Ngài Pho mát cũng mang những kỳ vọng văn chương và là chủ nhân của một bộ sưu tập khổng lồ các thư từ chối của tất tật các nhà xuất bản đầy tự phụ ở Paris để trả lời cho những tập thơ và văn ông gửi đến họ không ngừng nghỉ. Nhờ vậy, ông nhận ra ngay được nơi đã ấn hành cuốn tiểu thuyết này, ấy chỉ là một nhà xuất bản hạng hai, vốn dĩ chuyên về các loại sách nấu ăn, may vá và đồ thủ công đơn giản khác. Chủ quầy sách kể cho ông ta rằng, khi cuốn tiểu thuyết mới ra đời, nó chỉ được tặng cho hai bài giới thiệu nhỏ giọt trên mấy tờ nhật báo tỉnh lẻ, đã vậy còn bị cố ý xếp ngay cạnh mục cáo phó. Cánh phê bình được dịp vùi dập Carax trong vỏn vẹn dăm dòng, khuyên anh ta đừng bỏ nghề biểu diễn piano làm gì, bởi rõ ràng trong nghiệp văn chương anh ta sẽ không sao chơi được cho đúng nốt đâu. Ngài Pho mát, vốn sở hữu trái tim và chiếc ví dễ mềm đi mỗi lần gặp phải những người thất cơ lỡ vận, liền quyết định đầu tư một nửa franc vào cuốn sách của nhà văn vô danh Carax, cùng lúc rinh hẳn một bản in đặc biệt của Gustave Flaubert – Ngài Pho mát thường tự coi mình là người thừa kế không được công nhận của đại văn hào ấy.

Giấc mộng trong phim của anh em nhà Lumière. Ông đọc cả đêm, không mảy may nhận thức tiếng mấy bà xơ ngáy khò khò hay tiếng những sân ga sáng đèn lướt qua trong sương mù. Trời tảng sáng, khi lật tới trang cuối cùng, Ngài Pho mát nhận ra đôi mắt mình nhuốm lệ, còn trái tim bị đầu độc bởi lòng nghen tị và sửng sốt.

***

SÁNG THỨ HAI ĐÓ, Ngài Pho mát gọi đến nhà xuất bản ở Paris yêu cầu chút thông tin về Julián Carax. Sau khi ông đã nài nỉ hồi lâu, người nhận cuộc gọi ở đầu bên kia với giọng như bị suyễn và tâm trạng cáu bẳn liền đáp rằng không có địa chỉ của Carax và dù sao thì nhà văn ấy chẳng còn làm việc với bên họ nữa. Cô ả còn thêm rằng, sau khi được ấn hành, Ngôi nhà màu đỏ chỉ bán được chính xác bảy mươi bảy bản, hầu hết có thể đoán là do các thiếu nữ lẳng lơ dễ dãi kiếm về và những người hay lưu tới câu lạc bộ nơi tác giả thường tuôn ra mấy bản polonaise và dạ khúc hòng kiếm vài đồng. Số bản in còn lại đều bị trả lại rồi nghiền ra tái chế để in kinh sách, giấy phạt và vé số.

Vận rủi của nhà văn bí ẩn đã giành được lòng thương cảm của Ngài Pho mát, và trong suốt mười năm sau đó, mỗi lần ghé qua Paris, ông đều lục tung các hiệu sách cũ hòng tìm kiếm những tác phẩm khác của Julián Carax. Ông không bao giờ tìm được dù chỉ một cuốn. Hầu như chẳng có ai từng nghe tới tên Carax, và những người thấy cái tên đó quen quen thì lại biết vô cùng ít. Vài người thề rằng họ từng mua những cuốn sách khác cũng của Carax, luôn được ấn hành bởi các nhà xuất bản nhỏ với số lượng phát hành đáng nực cười. Những cuốn sách ấy, nếu có tồn tại, đều không thể tìm nổi. Một người bán sách kể rằng mình từng sở hữu một cuốn của Julián Carax. Tên cuốn sách là Tên trộm trong nhà thờ, nhưng đã quá lâu rồi và hơn nữa ông ta cũng không dám chắc. Cuối năm 1935, một tin mới bay đến tai Ngài Pho mát: Julián Carax vừa xuất bản một cuốn tiểu thuyết mới, Bóng hình của gió, được ấn hành bởi một nhà xuất bản nhỏ tại Paris. Ông ta liền viết thư tới nhà xuất bản hỏi liệu có thể mua vài cuốn chăng, nhưng chẳng bao giờ nhận được hồi âm. Năm tiếp theo, mùa xuân 1936, người bạn cũ ở quầy sách bên bờ sông Seine hỏi liệu ông ta có còn ứng thú với Carax không. Ngài Pho mát quả quyết mình sẽ không bao giờ từ bỏ. Giờ đây nó là vấn đề tính ngoan cố: nếu thế gian này đã quyết tâm muốn chôn vùi Carax, ông ta nhất định không về phe với nó. Bạn ông ta bèn kể rằng vài tuần trước đó có một tin đồn liên quan đến Carax gây xôn xao dư luận. Có vẻ như rốt cuộc vận may của Carax cũng được cải thiện. Anh ta sắp kết hôn với một phụ nữ rất có địa vị xã hội, và sau vài năm im hơi lặng tiếng, anh ta cũng cho ra đời được một cuốn tiểu thuyết mà lần đầu tiên giúp tác giả nhận được một vài điểm tích cực, không phải ở nơi nào khác mà chính là nhật báo danh tiếng Le Monde. Nhưng ngay khi tưởng chừng gió đã đổi chiều, người bán sách kể tiếp, thì Carax lại bị vướng vào một vụ thách đấu tay đôi tại nghĩa trang Père Lachaise. Những chi tiết xung quanh sự kiện này không ai được rõ. Tất cả những gì người bán sách biết là cuộc thách đấu kia diễn ra đúng vào xế chiều này Carax đáng ra phải làm lễ cưới, và chú rể đã không xuất hiện ở nhà thờ.

Mỗi người có một giả thiết riêng hợp ý mình: một số người tin rằng Carax đã bỏ mạng trong cuộc quyết đấu và thi thể của anh ta bị bỏ mặc dưới một nấm mồ vô danh; một số người khác, có suy nghĩ tích cực hơn, thiên về hướng tin rằng Carax đã bị sa lầy trong sự vụ mờ ám nào đó, trầm trọng đến mức anh ta phải bỏ vị hôn thê lại trước bàn thờ Chúa, đào tẩu khỏi Paris và quay về Barcelona. Nấm mồ vô danh có thể vĩnh viễn chẳng bao giờ được tìm ra, và sau đó không lâu người ta lại truyền tai nhau một dị bản hoàn toàn khác: Julián Carax, người cả đời bị ám vận xui, đã lìa đời nơi thành phố quê hương tại khu ổ chuột bẩn thỉu nhất. Những cô gái làng chơi trong khu nhà chứa mà anh ta từng biểu diễn piano đã thu xếp được chút tiền quyên góp để lo liệu một tang lễ tươm tất, nhưng khi khoản tiền đến được tới Barcelona, thi hài đã được chôn cất trong một ngôi mộ bần cùng, cạnh chỗ chôn thây của dân ăn mày và những người chết vô danh xác nổi lềnh phềnh trên mặt nước bến cảng hoặc lìa đời trước cổng ga tàu điện ngầm vì không chịu nổi cái rét.

KHÔNG RÕ LIỆU CÓ PHẢI chỉ bởi vì thích đi ngược góc nhìn của số đông mà Ngài Pho mát vẫn không hề quên đi Carax. Mười một năm sau khi phát hiện ra Ngôi nhà màu đỏ, ông ta quyết định cho hai cô trò của mình mượn đọc cuốn sách, hẳn với hy vọng rằng không chừng cuốn sách kỳ lạ đó có thể khuyến khích chúng phát triển thói quen đọc sách. Hồi đó Clara và Claudette còn là những thiếu nữ dạt dào hoóc môn trong từng mạch máu và bị ám ảnh bởi thế giới bên ngoài cửa sổ phòng học đang nháy mắt với mình. Bất chấp những nỗ lực hết mình của vị gia sư, hai cô gái vẫn tỏ ta miễn nhiễm với ma lực của những tác phẩm kinh điển, truyện ngụ ngôn của Êdốp, hay những lời thơ bất diệt của Dante Alighieri. Sợ rằng hợp đồng dạy học của mình sẽ bị chấm dứt nếu mẹ của Clara phát hiện ra chuyện đã đào tạo sai hướng hai cô gái trẻ thành ra dốt nát và thiểu năng, Ngài Pho mát bèn giới thiệu cuốn tiểu thuyết của Carax cho học trò mình, bảo rằng đó là tiểu thuyết tình yêu, điều mà ít ra cũng có nửa phần sự thực.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.