Bông Hồng Mất Tích

Chương 8: Chương 8




Tất cả những gì còn lại của con bướm đêm đã bay quanh căn phòng là một làn khói mỏng manh mơ hồ bao quanh chiếc đèn và mùi cháy khét thoang thoảng. Nhìn làn khói mỏng, Diana băn khoăn không biết cái gì đã khiến con bướm đêm phải tự lao mình vào bóng đèn để thiêu thân như thế.

Chắc nó đã nghe theo tiếng gọi bản năng để tránh xa bóng tối - Diana thầm nghĩ. Sự khẩn cấp trong tiếng gọi ấy đã khiến nó phải thực hiện một cuộc nổi loạn, chống lại bóng tối đang vây quanh nó. Đó là cuộc nổi loạn chống lại tình trạng mơ hồ, không chắc chắn. Nó thà một phút được cháy lên trong ngọn lửa còn hơn vĩnh viễn suốt đời ngập chìm trong bóng tối.

Việc mở những lá thư của Maria ra đọc có phải cũng giống như một con bướm đêm quăng mình vào trong lửa? Liệu nó có giúp cô làm một cuộc đào thoát khỏi bóng tối của việc đã phớt lờ tâm nguyện cuối cùng của mẹ? Và nếu thế thì cuộc đào thoát từ bóng tối, từ sự không rõ ràng, không trung thực này có khiến cố phải đối mặt với việc bị hủy diệt như con bướm đêm không?

Diana không biết phải nghĩ gì nữa. Cô không biết tại sao mình lại ở trong bóng tối, làm sao cô lại phải kết thúc ở trong đó hay đó là do lỗi của ai... Liệu đó có phải là lỗi của chính cô vì đã không làm theo lời ước nguyện của mẹ? Hay mẹ đang đặt quá nhiều gánh nặng trách nhiệm lên vai cô? Hay đó là do cha cô đã chia tách gia đình thành hai ngả thế này? Có lẽ trách nhiệm nên thuộc về Maria bởi vì chính nó mới là người đã gửi lời nhắn đầy ích kỷ đó tới mẹ cô. Hay cô phải đổ lỗi cho Chúa vì đã mang mẹ rời xa cô? Có lẽ mọi người đều đáng đổ lỗi, nhưng cũng có thể chẳng ai có lỗi cả...

Cô không biết câu trả lời. Nhưng cô có thể cảm thấy cuộc đời mình như đang tuột khỏi tầm tay. Như thể chính những sự kiện vượt ngoài tầm kiểm soát này đang quyết định suy nghĩ, cảm xúc và hành động của cô; Cứ như thể những quyết định cho cuộc sống của cô giờ đang được đưa ra ở một nơi nào đó, một nơi vô danh nào đó và đang dần có hiệu lực mà cô không hề biết, cũng chẳng hề đồng ý.

Đó là số phận sao?

Nếu là số phận, thì có phải những từ ngữ lạ lùng của người ăn xin - người chưa bao giờ nói chuyện với cô - cũng là một phần của số phận chăng? Nếu giờ cô đứng dậy, mở những lá thư của Maria ra đọc thì đó có phải tự cô muốn thế hay không? Hay đó chẳng qua là do cô đang nghe theo mệnh lệnh của số phận? - cái số phận sẽ đưa cô tới nơi vô danh kia? Có lẽ cả hai đều như nhau mà thôi. Cô cũng chẳng biết nữa.

Tuy nhiên, vẫn có một thứ cô biết rõ đó là: Cô ngưỡng mộ con bướm đêm kia.

Diana đột ngột đứng dậy. Cô đi thẳng tới nơi để hộp đồ nữ trang của mẹ, lấy chiếc chìa khóa ngăn tủ cũ ra rồi đi thẳng vào phòng nơi có chiếc tủ ấy. Cô mở tủ và thấy những lá thư của Maria được bọc trong một mảnh vải. Cô quay lại phòng khách với xấp thư trên tay.

Ngồi trên nền nhà, lưng tựa vào chiếc ghế bành, cô mở lớp vải bọc ra. Cô thấy có bốn bì thư lớn và một bì thư nhỏ - là lời nhắn cuối cùng của Maria gửi cho mẹ. Những bì thư lớn đều đã được mẹ đánh số thứ tự khi bà nhận được chúng.

Màu của các bì thư lần lượt là đỏ, xanh lá, trắng và bạc. Cô nhận thấy ba lá thư đầu tiên đã được gửi từ Sao Paulo, trong khi lá thứ tư cùng với lá nhỏ hơn có dấu bưu điện của Rio de Janeiro.

Vậy chắc chắn là Maria đã tới Rio - Diana nghĩ. Đột nhiên cô nhớ tới những lời của người ăn xin. “Cô ấy đến từ rất xa”; “Cô ấy không ở xa lắm”.

Nếu Maria đã tới Rio, vậy sao nó còn không tới gặp mẹ chứ? Liệu nó có còn ở đây hay không? Có phải nó sống ở Sao Paulo không?

Lúc đang phân vân với một loạt các câu hỏi như thế, Diana nhận ra phong thư màu bạc - phong thư thứ tư - hoàn toàn trống không. Giờ thì cô lại còn phải tìm câu trả lời cho câu hỏi không biết lá thư trong cái phong bì kia ở đâu nữa cơ đấy.

Hy vọng sẽ tìm được vài lời giải đáp cho những thắc mắc của mình, cô liền đọc lướt qua hết các lá thư. Sau đó cô cầm lá thư đầu tiên lên rồi bắt đầu đọc lại nó một cách cẩn thận.

Lá thư thứ nhất:

“Chống đối Kẻ khác”

Ngày 14 tháng Hai

Mẹ thương yêu của con,

Ngoài trời, sấm sét đì đùng làm con nhớ tới những đêm nằm cuộn tròn trên giường, run lên vì sợ hãi, khát khao được rúc vào ngực mẹ để được mẹ che chở.

Ngay khi con đang chuẩn bị vượt qua được sự trống vắng khi không có mẹ thêm lần nữa thì cha lại đến phòng con để tiết lộ rằng mẹ vẫn còn sống! Đưa địa chỉ của mẹ cho con, cha bảo rằng con có thể viết thư cho mẹ.

Bỗng nhiên cơn bão gào thét ngoài kia lại trở thành bạn của con. Những tia sét kia trở thành những ánh đèn flash camera chứng nhân cho niềm vui mừng khôn xiết của con. “Cuối cùng, cuối cùng thì mình cũng được về với mẹ rồi” - con tự nhủ với mình như thế.

Mẹ ơi. Điều này thật khó mà tin được, nhưng nó lại là sự thật. Mong mỏi có mẹ đã bắt đầu trong con từ lâu lắm rồi, giờ sắp thành hiện thực. Thật quá đỗi hạnh phúc. Chỉ trong vòng có đúng một tháng nữa thôi con sẽ tới gặp mẹ của con.

Ý nghĩ sẽ được gặp mẹ sau ngần ấy năm xa cách làm con thấy hạnh phúc khôn tả. Nhưng con vẫn cảm thấy niềm hạnh phúc đó là chưa trọn vẹn vì mẹ không thực sự biết nhiều về con.

Vậy nên dạo gần đây con bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết mẹ ạ, để giúp con tự giới thiệu về mình cho mẹ biết. Câu chuyện dựa trên những điều mà con đã trải qua trong cuộc kiếm tìm mẹ. Mẹ ơi! Giá như mẹ biết rằng con đã phải sống thế nào suốt cuộc tìm kiếm bất tận ấy. Con đã chống lại những người khác, đã vượt qua cả đại dương và thậm chí con đã trò chuyện với một bông hồng nữa!

Con ước gì mình có thể gửi cho mẹ một bản sao của cuốn tiểu thuyết này ngay lập tức. Nhưng nó vẫn còn đang dang dở mẹ ạ. Nhưng dù sao thì con cũng vẫn chia sẻ câu chuyện của con cho mẹ nghe. Để giúp mẹ có thể cảm nhận được nó một cách trọn vẹn, con đã quyết định gửi cho mẹ mỗi tuần một lá thư, để kể cho mẹ nghe về các chặng đường khác nhau trong cuộc kiếm tìm của con.

Con gọi những giai đoạn đó là “Chống đối”, “Lối đi”, “Hủy diệt” và giai đoạn cuối là “Hồi sinh” - nó sẽ bắt đầu ngay khi con được về bên mẹ.

Trước tiên hãy để con kể cho mẹ nghe chuyện của con trong giai đoạn “Chống đối”...

Con còn rất nhỏ khi tự hỏi mình câu hỏi: “Sao mình lại không có mẹ?”

Nhưng dù có cố gắng đến thế nào thì con cũng không tìm ra được câu trả lời.

Nhưng nếu có câu hỏi thì chắc chắn phải có câu trả lời. Tất nhiên hồi đó con cũng chưa đủ lớn để biết lý luận như vậy; nhưng vào hồi đó con vẫn còn có thể nghe được tiếng nói từ trái tim mình.

“Đừng hỏi ‘sao cô không có mẹ’ - Trái tim con đã nói như thế. ‘ Hãy hỏi câu hỏi đúng đắn hơn là ‘Mẹ cô ở đâu?’ Hãy hỏi ai đó biết câu trả lời ấy”.

Ai đó biết câu trả lời... Ai đó biết câu trả lời...

Ai đó biết.... Cha con!

“Cha, mẹ con đâu hả cha?” Con hỏi cha.

Ngập ngừng một lát, cha bảo: “Mẹ con đang ở cùng Chúa rồi con gái ạ.”

Điều đó chắc chắn là sự thật, bởi vì Chúa nhất định phải ở một nơi nào đó tốt đẹp nhất và mẹ của con cũng sẽ như thế. Mẹ của con cũng xứng đáng được ở một nơi tốt đẹp nhất.

Rồi con hỏi tiếp: “Chúa ở đâu ạ?”

Cha nhìn con như thể con vừa hỏi một câu ngốc nghếch nhất trần đời vậy. Rồi cha bảo: “Ta không biết.”

Với hy vọng có lẽ những người khác sẽ biết mẹ ở đâu nên con liền đi hỏi họ: “Bác có biết mẹ con ở đâu không?”

“Mẹ cháu không tồn tại.” - Họ trả lời.

“Thế có nghĩa là gì ạ?”

“À. Bà ấy chết rồi. Bà ấy không còn ở đây nữa.”

Sao lại có thể thế được chứ? Sao mẹ lại chết được chứ? Sao mẹ lại ‘không ở đây’? Sao người ta lại có thể nói đến sự vắng mặt của mẹ trong khi con lúc nào cũng cảm thấy rất thật là mẹ đang hiện diện ở đâu đó? Rồi trái tim con lại bảo: ‘Cô cảm thấy sự hiện diện của mẹ, nên mẹ cô phải tồn tại.”

Con đi tới những người con đã hỏi và nói: “Mẹ cháu vẫn còn sống.”

Họ lại cho con một câu trả lời khác: “Mẹ cháu ở một nơi nào đó xa lắm.”

Nhưng con cũng không bị thuyết phục bởi điều đó vì con luôn cảm thấy mẹ ở rất gần.

Thế rồi họ lại bảo con rằng: “Cháu chỉ có thể gặp mẹ ở thế giới bên kia thôi.”

Không đúng! Chắc chắn còn có câu trả lời khác.

“Mình sẽ đi tìm kiếm Chúa.” Con tự nhủ với lòng mình như thế. Vậy nên con sẽ hỏi người ta xem họ có biết Chúa ở đâu không. Nếu con có thể tìm ra Chúa thì con cũng sẽ tìm ra mẹ. Nhưng rồi ngay sau đó con nhận ra rằng người ta cũng không chắc về Chúa. Có người thì nói: “Chúa không tồn tại”, có người lại bảo: “Chúa ở một nơi nào đó rất xa”, rồi người khác lại nói: “Cháu chỉ có thể thấy Chúa ở thế giới bên kia.”

Vậy là một lần nữa vẫn không có câu trả lời nào khác. Nhưng ít nhất thì những câu trả lời ấy cũng giúp con tìm được con đường đúng đắn cho mình. Rõ ràng là có sự giống nhau trong các câu trả lời cho câu hỏi: “Chúa ở đâu và mẹ con ở đâu”. Điều đó chứng tỏ là mẹ thực sự đang ở cùng Chúa rồi.

Thật ra thì mới đây thôi con đã nhận ra rằng những chặng đường tìm kiếm mẹ của con cũng không khác nhiều với những chặng con đi tìm kiếm Chúa. Nói đúng hơn thì chúng là một.

Thế nên Mẹ ơi... Khi thời gian trôi đi, thấy con cứ mải bận tâm tới việc kiếm tìm mẹ, người ta liền cố kéo con ra xa khỏi mẹ. Họ cho con nhiều đồ chơi để giúp con vui chơi mà quên mẹ đi. Nhưng con chỉ chơi được một lát là chán. Họ lại cho con những thứ mới, những thứ hấp dẫn hơn, đắt tiền hơn, những thứ đồ chơi thú vị hơn...

Con nghĩ, có lẽ nếu những đồ chơi của con cứ liên tục được thay mới và nếu lúc nào con cũng được cho những thứ đồ chơi tốt hơn, tốt hơn nữa thì con sẽ mãi vui chơi cho đến hết đời thôi. Nhưng, không, đó không phải là những thứ con thực sự muốn. Thứ con muốn là mẹ của con cơ!

Đồ chơi nào có thể làm con thấy hạnh phúc khi thiếu vắng mẹ không? Nhưng nếu mẹ ở cùng con thì dù không có đồ chơi con cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc, có đúng không mẹ?

Vậy nên con cố để thoát ra khỏi cái bẫy của những thứ đồ chơi ấy. Nhưng rồi từ lâu lắm, cuộc tìm kiếm mẹ của con lại bị gián đoạn lần nữa. Hãy để con giải thích mẹ à...

Lúc con lớn hơn một chút, người ta bắt đầu chú ý đến con nhiều hơn. Đáng buồn là người ta ngưỡng mộ con quá nhiều. Con nói ‘đáng buồn’ bởi vì con nhận ra rằng sự ngưỡng mộ của họ và việc con muốn được giữ mãi niềm ngưỡng mộ đó làm con ngừng theo đuổi ước mơ lớn nhất của con là tìm mẹ.

Con cảm thấy là nếu con còn tiếp tục hỏi người ta về mẹ thì họ sẽ quay lưng lại với con. Đó là lý do tại sao rốt cục con đã từ bỏ cuộc tìm kiếm mẹ để được tận hưởng thứ hào quang từ những nụ cười của người ta.

Rồi người ta vẫn tiếp tục ca tụng con, ngưỡng mộ con - Đó là những mũi tên chết người bắn vào con, vì sau đó con nhận ra rằng, sau sự ngưỡng vọng ấy, người ta thầm bảo nhau: “Cô là một người đặc biệt. Không ai trên thế giới này giống cô đâu”. Cùng với những lời nói đó của họ là những mũi tên tẩm thuốc độc ngọt ngào ngấm dần vào trong máu con.

Lúc đó con vẫn còn nghi ngờ những câu nói của họ. Con thường tự hỏi mình: “Mình đặc biệt thật sao?”. Nhưng vì người khác khiến con phải tin vào điều đó nên con không thể trả lời cho câu hỏi của mình mà không có họ được. Cứ như thể tấm gương phản chiếu tâm hồn con đã bị vỡ và con chỉ có thể thấy mình qua hình ảnh phản chiếu trong lời nói của người ta thôi vậy.

Con sắp xếp để luôn có thì giờ bên cạnh họ, sao cho bất cứ khi nào con lên tiếng hỏi: “Tôi có thực sự đặc biệt không?”, con có thể nghe cũng cùng một lời đáp: “Phải, sự thực là như vậy. Không một ai trên thế gian này như cô”.

Con chẳng bao giờ thấy mệt mỏi khi hỏi cùng một câu như thế. Con cũng không thấy mệt khi phải nghe cùng câu trả như vậy hết lần này đến lần khác. Nó cũng chỉ như nước muối mà thôi, làm cho người uống đã khát lại càng khát hơn. Những lời tán dương của người ta chỉ làm tăng thêm nhu cầu được nghe câu trả lời của họ.

Nhưng còn tệ hơn nữa, để không mất đi sự tán đồng của người khác, con thấy cần phải sống cho đúng với những gì người ta mong đợi. Nhưng chẳng lâu sau con nhận ra rằng con đang sống cuộc sống mà người ta chọn cho con, không phải là cuộc sống mà chính con hằng mong ước.

Một lần nữa, trái tim con lên tiếng: Maria, cõi lòng cô chưa được bình yên.

Thực sự là thế mẹ ạ. Con thấy thất vọng về bản thân con quá, đến nỗi con chẳng đón nhận thêm bất cứ niềm thích thú nào từ sự ngưỡng mộ của người ta nữa. Nhưng cũng chính nỗi bất hạnh ấy đã mang lại sức mạnh mà con cần, để tiếp tục cuộc kiếm tìm mẹ.

“Mẹ tôi ở đâu? Con hét váng lên hỏi người ta như thế.

Nhưng người ta thì vẫn cứ nguyên xi một câu trả lời.

“Mẹ cô không tồn tại.” “Bà ấy ở một nơi nào đó rất xa”. “Cô chỉ có thể gặp bà ấy ở thế giới bên kia.”

“Không. Đó không phải là điều các người nghĩ.” Con phản đối.

“Đó là điều chúng tôi nghe được từ những người khác.”

“Vậy nếu những người khác đó sai thì sao?”

“Hãy nhìn quanh cô mà xem. Cô không thể thấy mẹ cô cũng như không thể nhìn thấy Chúa. Nếu cô bảo cô có thể gặp họ trong thế giới này, thì chắc cô phải nhìn thấy họ chứ.”

“Nếu tôi chỉ dùng mắt trần của tôi mà nhìn thì tôi đã lạc lối trong thế giới tăm tối của các người rồi.”

“Thôi nào! Hãy biết suy nghĩ một chút chứ. Bây giờ cô đã là một cô gái trưởng thành rồi đấy.

“Không. Tôi chỉ là một cô gái bé bỏng. Và tôi sẽ luôn như vậy!”

Nhưng chỉ một mình phản kháng lại người khác vẫn chưa đủ để đưa con đến với mẹ, mẹ ơi. Con phải tìm ra con đường cho mình. Giai đoạn thứ hai trong cuộc kiếm tìm của con bắt đầu khi con mơ thấy mẹ chỉ lối cho con đi về bên mẹ. Mẹ nói cho con biết nơi nào con có thể tìm thấy người nào đó biết mẹ ở đâu. Sau này, trong đời thực, người này sẽ nắm tay con dẫn con đi trên con đường mẹ đã chỉ, cho đến tận khi nào con được về lại bên mẹ.

Con mong sẽ được kể cho mẹ nghe toàn bộ giấc mơ này trong lá thư tới.

Con yêu mẹ...

Maria.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.