Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa

Chương 21: Chương 21




Tưởng tượng dựa trên trí nhớ, còn trí nhớ thì dựa trên những hiện tượng của thực tại. Những nguồn dự trữ của trí nhớ không phải là một cái gì hết sức hỗn độn. Có một quy luật, đó là quy luật liên tưởng, hay như Lomonosov[31] gọi, "quy luật liên hình dung". Quy luật ấy sắp xếp tất cả mớ hỗn độn của ký ức dựa trên sự tương đồng về hình thức hoặc theo sự gần gũi về thời gian và không gian - nói cách khác là khái quát hóa chúng - rồi kéo chúng vào một chuỗi mắt xích liên tục. Chuỗi mắt xích liên tưởng là sợi chỉ dẫn đường cho trí tưởng tượng.

[31] Mikhail Vasilyevich Lomonosov (1711-1765), nhà văn, nhà hóa học, nhà thiên văn học Nga.

Sự phong phú về liên tưởng chứng tỏ sự phong phú của thế giới bên trong của nhà văn. Có cái phong phú ấy thì ý nghĩ nào, đề tài nào cũng có thể lớn phổng lên bởi những nét sinh động bám vào nó.

Có những nguồn nước khoáng đậm đặc. Chỉ cần đặt vào đấy một cành lá hay một cái đinh, cái gì cũng được,trong một thời gian ngắn chúng đã được rất nhiều tinh thể trắng bao bọc và biến thành những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Đối với ý nghĩ của con người được đặt trong nguồn trí nhớ của chúng ta, trong cái môi trường đậm đặc của liên tưởng, hiện tượng cũng tương tự như vậy. Ý nghĩ biến thành tác phẩm nghệ thuật.

Có thể đưa ra bất cứ thí dụ nào về liên tưởng. Nhưng cần phải nhớ rằng liên tưởng ở mỗi người đều liên quan chặt chẽ với cuộc đời, tiểu sử, ký ức của họ. Vì thế những liên tưởng ở người này có thể hoàn toàn khác hẳn liên tưởng ở người kia. Cùng một từ gợi những liên tưởng khác nhau trong những con người khác nhau. Nhiệm vụ của nhà văn là truyền đạt, hoặc như người ta thường nói, làm cho những liên tưởng của mình đến được với người đọc và gợi lên ở người đọc những liên tưởng tương tự.

Lomonosov đã đưa ra một thí dụ đơn giản về liên tưởng trong cuốn "Tu từ học" của ông. Theo lời Lomonosov thì liên tưởng "là năng khiếu tinh thần từ một vật đã thấy, nghĩ ngay đến, một cách tổng quát, những vật khác có liên quan chặt chẽ với nó, thí dụ: khi trong óc nghĩ đến cái tàu thủy thì ta tưởng tượng ra cùng một lúc với nó biển, trên đó tàu thủy đi, với biển, - bão, với bão - sông, với sông - tiếng động ở bờ biển, với bờ biển - những tảng đá v. v...

Đó là kiểu liên tưởng gọi là liên tưởng "giáo khoa". Thông thường, liên tưởng phức tạp hơn nhiều lắm.

Tiện đây tôi xin đưa một ví dụ về liên tưởng.

"Lúc này tôi đang viết trong một ngôi nhà nhỏ trên những cồn cát ở vịnh Riga. Trong phòng bên, một con người vui tính đang đọc to những vần thơ của mình. Đó là nhà thơ Immermanis, người Latvya. Anh vận chiếc áo len đan màu đỏ. Tôi đã nhìn thấy một chiếc áo len như thế đã lâu lắm, từ trước chiến tranh, trên mình nhà đạo diễn Eizenshtein. Tôi gặp Eizenshtein[32] trong một phố Alma-Ata. Ông đang cầm một gói sách vừa mới mua. Sách ông chọn hơi lạ: chỉ dẫn về chơi bóng chuyền, hợp tuyển giáo khoa lịch sử trung cổ, sách học đại số và cuốn Susima của Novikov Priboy.

[32] Sergey Mikhailovich Eizenshtein (1898-1948), đạo diễn phim, nhà lý thuyết điện ảnh Nga.

- Đạo diễn phải biết đủ thứ. Và tìm cách biểu hiện bằng hình ảnh cho đủ mọi thứ - Eizenshtein nói.

Tôi hỏi:

- Cho cả những công thức đại số sao?

- Dĩ nhiên! - Eizenshtein trả lời.

Nhà thơ Vlađimir Lugovskoy lúc ấy đang viết một bài thơ trường thiên. Trong đó có một chương nói về Eizenshtein dưới đầu đề: "Alma-Ata[33], thành phố của những giấc mơ". Trong bài thơ có tả những chiếc mặt nạ Mehico treo trong phòng Eizenshtein. Ông tha chúng về sau chuyến đi Trung Mỹ.

[33]Thủ đô của Cộng hòa Kazakhstan.

Nói chung, toàn bộ lịch sử xâm chiếm châu Mỹ là lịch sử sự xỏ lá của loài người. Cần phải đặt tên cho nó như vậy. Cái tên "Xỏ Lá" được đặt cho một cuốn tiểu thuyết lịch sử thì rất đạt. Nó sẽ kêu vang như một cái tát.

Ôi, những cuộc tìm kiếm đầu đề cực nhọc, thường xuyên.

Nghĩ ra tên sách là một cái tài riêng. Có những người viết hay nhưng lại không biết đặt tên cho tác phẩm của mình. Và ngược lại.

Cũng như có những người kể chuyện hay nhưng lại viết tồi. Họ chỉ biết tán. Cần phải có một tài năng khỏe như Gorky để có thể kể nhiều lần chỉ một câu chuyện thôi và rồi lại viết nó ra một cách mới, khác hẳn câu chuyện miệng. Mà kể chuyện thì Gorky rất tuyệt. Một câu chuyện thật ở miệng ông lập tức được phong phú thêm bằng rất nhiều chi tiết. Cứ mỗi lần kể, cũng một câu chuyện ấy, những tình tiết lại mỗi lúc mỗi nhiều thêm, mỗi khác đi, nó thành ra lý thú hơn. Những câu chuyện miệng của Gorky thực ra là những sáng tác chính cống.

Vì thế mà Gorky chán ngán hết sức khi phải tiếp xúc với đám người nhạt nhẽo và chính xác dám nghi ngờ tính xác thực của những chuyện ông kể. Ông chau mày, thôi không kể nữa, và hình như ông đã nói: "Sống với các đồng chí trên thế giới này ngán lắm, các đồng chí ạ!". Nhiều nhà văn cũng có tài dựa trên cơ sở những sự kiện thật tạo ra những chuyện kể miệng như thế. Đặc biệt là Mark Twain[34]. Một nhà phê bình chiến đấu cho những sự thật vặt vãnh đã buộc Mark Twain vào tội dối trá. Mark Twain nổi đóa: "Ông làm gì có quyền phán xét tôi nói dối hay không nói dối, trong khi chính ông không biết cả đến cách nói dối tồi tệ nhất và cũng chẳng hiểu người ta nói dối như thế nào? - Mark Twain nói với nhà phê bình - Muốn quả quyết một cách mạnh dạn như thế cần phải có nhiều kinh nghiệm trong chuyện đó, ông bạn ạ. Mà ông thì không có kinh nghiệm và không thể nào có nó được. Trong lĩnh vực này, ông là kẻ dốt nát và ngu ngốc".

Inf kể lại rằng trong một thành phố nhỏ ở quê hương Mark Twain ông thấy có tượng Tom Sawyer, Huckleberry Finn. Trong bức tượng, Finn nắm đuôi một con mèo chết. Ờ nhỉ, tại sao ta lại không dựng tượng các nhân vật văn học? Thí dụ tượng Don Quixote[35] hay Gulliver[36], Pavel Korchagin, Tatiana Larina, Taras Bulba, Pier Bezukhov, Ba chị em của Chekhov, Maksim Maksimych hay Bela của Lermontov?[37]

[34] Mark Twain, bút danh của Samuel Langhome Clemens (1835-1910), nhà văn Hoa Kỳ.

[35] Bản dịch ở Việt Nam trong thập niên 60 có tên Đôn Kihôtê.

[36] Nhân vật trong cuốn "Gulliver Du Ký" của Johnathan Swift (1667-1745, bút danh của Isaac Bickerstaff).

[37] Các nhân vật trong các tác phẩm lớn của các nhà văn nhà thơ cổ điển Nga và Liên Xô (cũ).

Tất cả những điều tôi viết ra ở trên là cái dây xích liên tưởng. Số lượng những liên tưởng có thể là vô tận. Nếu như đặt mắt xích đầu vào mắt xích cuối của các liên tưởng ấy lại bên nhau - cái áo len đỏ và tượng Bela - thì, lẽ dĩ nhiên, tất cả đường đi của liên tưởng sẽ giống như sự mê sảng.

Tôi nói nhiều về liên tưởng chỉ vì nó tham gia rất chặt chẽ trong sáng tác.

Trong câu chuyện dài dòng về trí tưởng tượng ở trên kia chỉ có một điểm là rõ ràng: nếu không có tưởng tượng thì không có văn xuôi thật sự và cũng chẳng có thơ.

Có lẽ Bestuzhev - Marlinsky đã nói về tưởng tượng hay hơn hết thảy:

"Cái hỗn mang là tiền thân của sự sáng tạo ra một cái gì chân thực, cao cả và nên thơ. Chỉ cần có tia sáng của thiên tài chọc thủng bóng tối ấy. Những hạt nhỏ đấu tranh với nhau, ngang sức nhau còn lại tới nay sẽ được tình yêu và sự hòa hợp làm cho tái sinh, chúng sẽ cùng chảy vào một hạt mạnh mẽ nhất, sẽ gắn chặt với nhau, sắp xếp thành những tinh thể lóng lánh, sẽ hiện lên như những ngọn núi, sẽ tràn trề như biển, và một sức sống sinh động sẽ viết những chữ tượng hình khổng lồ lên trên thế giới mới".

Đêm đến và sức mạnh của tâm hồn từ từ trỗi dậy. Tạm thời nó chưa có tên. Ta sẽ gọi nó bằng cái gì đây? Tưởng tượng, hoang tưởng, sự thâm nhập vào những lỗ hổng nhỏ nhất của ý thức con người chăng, cảm hứng chăng? Niềm phấn khởi trong tâm hồn hay là sự bình yên? Niềm vui hay nỗi buồn? Ai biết được!

Tôi tắt đèn và đêm bắt đầu từ từ sáng. Ánh tuyết phản chiếu ngấm vào đêm tối. Vịnh biển trong băng. Như một chiếc gương mờ khổng lồ, nó ánh lên đêm tối và biến đêm tối thành cái tranh tối tranh sáng trong suốt.

Trông rõ những ngọn thông Baltic. Ngoài xa, những chuyến tàu chạy điện đi ngang, dội lên tiếng ầm ầm lớn dần đều đặn. Và lại yên lặng, cái yên lặng đặc biệt, tưởng chừng nghe rõ cả tiếng xào xạc nhỏ nhất của những cây tùng bách ngoài cửa sổ và tiếng lách tách khe khẽ khó hiểu. Tiếng ấy trùng hợp với những tia sáng lóe ra từ những vì sao. Có lẽ băng giá từ những vì sao rơi xuống và khe khẽ kêu lên những tiếng lách tách và leng keng.

Trong nhà vắng lặng. Một mình tôi. Ngay cạnh tôi là biển cả ngoài trăm dặm. Bên kia những cồn cát là những đầm lầy rộng lớn và những khu rừng thấp... Không ai có bên mình. Nhưng chỉ cần đốt đèn lên, ngồi xuống trước bàn và bắt đầu viết bất kỳ về một chuyện nào đó, thế là cảm giác cô độc đã mất đi rồi. Tôi không phải chỉ có một mình. Từ căn phòng nhỏ hẹp này tôi có thể nói chuyện với hàng vạn người, với cả thế giới. Tôi có thể kể cho họ nghe bất cứ câu chuyện nào, làm cho họ vui hoặc buồn, gợi lên trong họ sự suy nghĩ hoặc niềm căm giận, tình yêu và lòng trắc ẩn, làm người dẫn đường, cầm tay họ mà dắt họ đi trong cuộc đời. Cuộc đời được xây dựng ở đây, trong bốn bức tường này, nhưng nó vượt thoát ra vũ trụ.

Cầm lấy tay họ mà đưa họ đi đón bình minh. Bình minh nhất định sẽ đến. Ở đàng đông nó đã bắt đầu chọc thủng màn đêm và soi sáng chân trời bằng một màu xanh rất nhạt tạm thời còn xa lắc.

Tôi vẫn chưa biết mình sẽ viết gì. Ý nghĩ trong tôi không khác gì nỗi bồi hồi, niềm mong ước muốn truyền đạt cho người khác tất cả những gì đang tràn ngập trí óc tôi, trái tim tôi, toàn bộ con người tôi. Ý nghĩ có trong tôi, nhưng nó sẽ đổ đi đâu, sẽ tìm được cách diễn đạt nào, chính tôi cũng chẳng rõ. Nhưng tôi biết tôi sẽ viết vì ai. Tôi sẽ nói chuyện với cả thế giới. Thật là khó, gần như không thể nào mường tượng ra bằng hình ảnh khái niệm đó - cả thế giới.

Bao giờ ta cũng nghĩ về một người nào đó, dù chỉ là một em gái bé có đôi mắt sáng long lanh, cái em bé đã chạy trên cánh đồng cỏ đón tôi để khi chạy tới nơi, nắm lấy khuỷu tay tôi mà nói, thở dốc vì chạy nhanh:

- Cháu đợi chú ở đây đã lâu lắm rồi. Cháu đã hái được một bó hoa và đọc thuộc lòng chín lần chương thứ hai cuốn Evgeny Onegin[38]. Mọi người đang đợi chú ở nhà, quanh đi quẩn lại có bằng ấy người, buồn lắm. Chú kể cho mọi người nghe ngay đi, lúc chú ở hồ có chuyện gì xảy ra và nhớ bịa thêm một cái gì cho thú vị. Hay không, chú đừng bịa, mà cứ kể như thực ấy, bởi vì cứ thế thôi trên những cánh đồng cỏ này đã đẹp lắm và hoa tường vì đã bắt đầu nở lần thứ hai. Thú quá, chú ạ!

[38] Tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ A. Pushkin.

Mà cũng có thể, tôi sẽ kể cho một người đàn bà mà cuộc sống của người đó gắn bó với cuộc sống của tôi, bởi những năm khó khăn, sung sướng và dịu dàng, gắn bó chặt chẽ đến nỗi ngày nay không có gì có thể làm chúng tôi sợ hãi.

Mà có thể, tôi viết cho bạn bè tôi. Vào tuổi tôi, bè bạn mỗi năm một thưa dần.

Nhưng nói cho cùng, tôi viết cho những ai muốn đọc những dòng này.

Tôi không biết tôi sẽ viết gì. Có lẽ tại tôi muốn nói quá nhiều và còn chưa chọn được trong những ý nghĩ của mình một ý nghĩ có khả năng như cục nam châm hút được tất cả những ý nghĩ khác về nó và bắt chúng nằm vào trong câu chuyện một cách gọn gàng.

Trạng thái ấy quen thuộc đối với tất cả những người cầm bút.

Turgenev nói:

- Không phải vô cớ mà những nhà thơ đã nói đến cảm hứng. Tất nhiên nàng thơ không phải từ đỉnh Olympus xuống với họ và mang tới cho họ những bài ca viết sẵn, nhưng trong họ có một tâm trạng đặc biệt, giống như là cảm hứng. Những vần thơ của Fet[39] bị người ta giễu cợt rất nhiều, trong đó ông nói rằng chính ông cũng không biết mình sẽ hát gì, nhưng "bài ca tự nó sẽ chín", đã nói lên rất đúng tâm trạng trên. Có những phút ta cảm thấy muốn viết nhưng chưa biết ta sẽ viết gì, có điều ta biết trước rằng mình sẽ viết. Tâm trạng ấy được các nhà thơ gọi là "thiên giáng". Những phút ấy là nguồn khoái cảm duy nhất của người nghệ sĩ. Nếu không có những phút như thế thì chẳng ai muốn viết. Sau đó, khi phải xếp dọn cho có thứ tự tất cả những gì đang quay cuồng trong đầu, khi phải biểu hiện tất cả những cái đó trên mặt giấy, thì cái ray rứt mới bắt đầu".

[39] Nhà thơ Nga đầu thế kỷ 20.

Đang đêm bất thần xuất hiện một âm thanh. Đó là tiếng còi của một con tàu thủy ở xa. Nó từ đâu đến đây, trong vùng băng giá này?

Ngày hôm qua báo chí Riga loan tin có một chiếc tàu phá băng từ Leningrađ vào vịnh. Chắc đấy là tiếng còi của nó.

Tự nhiên tôi nhớ đến câu chuyện của một viên hoa tiêu tàu phá băng kể rằng khi len lỏi qua vịnh Phần Lan, ông bắt gặp trên mặt băng một ôm hoa đồng giản dị đã héo. Hoa bị tuyết phủ đầy. Ai đã đánh rơi chúng ở đây, trên hoang mạc băng tuyết này? Chắc chúng đã rơi từ một con tàu nào đó khi nó phá vỡ lớp băng mỏng đầu tiên.

Hình tượng nảy ra. Với một sức mạnh không hiểu nổi vì sao mà có, nó dẫn ta tới với một câu chuyện thần kỳ còn chưa rõ nét.

Cần phải khám phá ra điều bí ẩn của những bông hoa chết cóng kia. Mọi người đều cùng đoán. Người nào trông thấy những bông hoa kia cũng đều có những phỏng đoán của mình.

Tôi cũng có những phỏng đoán của tôi, mặc dầu tôi không trông thấy những bông hoa ấy. Không biết có phải chính là những bông hoa của em gái bé chạy lại đón tôi đã nhặt trên những đồng cỏ không? Hẳn vẫn là những bông hoa ấy. Nhưng tại sao chúng lại rơi trên băng? Cái đó chỉ có thể xảy ra trong một chuyện thần tiên, thứ chuyện không thèm đếm xỉa đến giới hạn trong thời gian cũng như trong không gian.

Tự nhiên ta nghĩ ngay đến mối quan hệ đặc biệt, thuần túy đàn bà đối với hoa. Nó khác hẳn với cái mà cánh đàn ông chúng ta có. Đối với chúng ta, hoa là vật trang trí. Đối với đàn bà, hoa là những sinh vật, những vị khách từ cái thế giới mà chúng ta, những người lớn tuổi và bận rộn làm ăn chỉ thấy nó khi đi ngang và nhìn nó bằng cái nhìn kẻ cả.

Đáng giận là buổi bình minh vào sáng quá nhanh. Ánh sáng ban ngày có thể xua đi những ý nghĩ mà tôi vừa nói trên, làm cho chúng trở thành tức cười dưới tầm mắt những người nghiêm nghị.

Gặp ánh mặt trời, nhiều câu chuyện huyền hoặc co rúm lại và lẩn đi như những con sên thu mình vào trong vỏ.

Đúng thế, câu chuyện thần tiên, tuy còn chưa rõ nét, nhưng nó đã ra đời. Hầu như không thể nào ngăn nổi những câu chuyện thần tiên, những truyện ngắn truyện dài, một khi chúng đã hình thành. Cái đó chẳng khác gì giết chết một sinh mạng. Chúng ta bắt đầu tự lớn lên trong ý thức của chúng ta.

Và cuối cùng, đã đến lúc câu chuyện thần tiên được đưa lên mặt giấy. Phần nhiều khi viết nó ra, ta cũng cảm thấy chật vật chẳng khác gì muốn truyền đạt bằng lời cái hương thơm phảng phất của cỏ. Khi viết truyện, hầu như ta phải nín thở để khỏi làm bay mất lượt bụi mỏng manh phủ trên mình nó. Và phải viết cho thật nhanh, bởi vì ánh thấp thoáng của hình bóng và những cảnh riêng biệt nhẹ nhàng, trôi qua nhanh lắm. Không được chậm chạp, không được tụt lại đàng sau bước chạy của trí tưởng tượng.

Câu chuyện thần tiên đã viết xong. Và ta lại muốn một lần nữa, với lòng biết ơn, được nhìn vào trong những đôi mắt sáng long lanh, nơi câu chuyện sẽ sống mãi đời đời.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.