Búp Bê Bắc Kinh

Chương 22: Chương 22: Khúc gỗ buổi chiều




Triệu Bình gọi điện và bảo tôi cùng anh đi gặp một nhà sản xuất âm nhạc, bởi vì ban nhạc của bọn họ chuẩn bi ra album. Anh nói anh sẽ đợi tôi tại Trường Đại học Nhân dân. Sau khi tôi đến đó, chúng tôi cùng ngồi loanh quanh một lúc. Đám đông người đi qua, và rất nhiều trong số họ liếc nhìn chúng tôi. Chúng tôi nom giống một đôi dị hợm, đó là cái chắc. Tôi trông giống như một sinh viên, còn anh trông giống như một lão già héo hon, xúi quẩy, và có thể là hơi tâm thần. Chắc bọn họ phải tự hỏi tại sao tôi lại cặp với một kẻ như anh ta, và tôi phải thú thật, rằng chính tôi cũng không biết hòan toàn. Và bởi vì dường như chẳng có lý do nào khả dĩ cả, nên tôi coi đó như một bằng chứng cho tính cách yếu đuối của mình.

Chúng tôi lên một chiếc xe buýt, nhưng tôi không có đồng nào cả, còn tất cả những gì anh có là hai nghìn tệ cho nhà sản xuất. Cho nên chúng tôi đứng cách xa nhau ra, và người soát vé chẳng hề chú ý đến chúng tôi. Đến lúc xuống xe, mẹ kiếp, đột nhiên tôi nhận ra mình không muốn đi cùng anh, rằng sở dĩ tôi ở đây là vì tôi là một con yếu đuối chết tiệt. Hoặc là tôi có vấn đề trong việc thể hiện bản thân. Thế nào đi nữa, đó là lỗi của tôi. Và dù có ý thức hay không, anh cũng đang tấn công và lợi dụng thói vô lối của tôi.

Vậy là chúng tôi tiếp tục đi tìm nhà sản xuất kia. Sau cùng chúng tôi đến một ngôi làng nằm đâu đó ở phía Đông Bắc của Bắc Kinh. Một cơn mưa mấy hôm trước đã khiến những con đường nơi đây nhớp nháp và lầy lội, suýt làm tiêu đi đôi giày của chúng tôi. Trời nóng và ẩm, ve sầu kêu ra rả giữa những tán cây, còn tôi tưởng đến chết mất vì khát. Chúng tôi phải mất đến ba giờ để đến cái làng này và bây giờ thì tôi chỉ đứng bên ngoài mà chờ đợi. Sau chừng mười lăm phút, Triệu đi ra và nói với tôi rằng nhà sản xuất không có ở đó. Anh đã hớp một cốc trà khi vào trong đó. “ Tôi cũng khát đấy,” tôi nói với anh.

Trên đường về, tôi nhắc Triệu Bình rằng anh không thể tiêu thêm chút nào vào số tiền mang theo, nhưng anh nói anh đang đói sắp chết và rằng chúng tôi nên ăn gì đó. Vậy là chúng tôi dừng lại ở một quán ăn bình dân để ăn chút mì, thứ rẻ tiền nhất trong thực đơn. Anh rút ra một tờ một trăm tệ để trả tiền ăn. Trên chuyến trở về, anh từ chối không mua cho tôi một cái vé xe buýt, và khi người soát vé đến chỗ chúng tôi, anh chàng ti tiện nói với ông ấy rằng anh không có đủ tiền. Anh lôi ra một tờ năm mươi tệ nhàu nhĩ mà anh lấy được khi quán ăn đó thối lại rồi đưa cho người soát vé, người miễn cưỡng đưa cho anh một cặp vé. Tôi ngồi ngắm toàn bộ cảnh tượng một cách bình thản, nhưng sau khi chúng tôi xuống xe buýt, tôi hỏi tại sao anh không mua vé, bởi vì anh có tiền.

“Em không hiểu. Với anh, trả tiền để đi xe buýt là một sự lãng phí.”

“Em biết…. Em biết….” Tôi sửng sốt. Tôi chỉ nhìn anh ta, không biết nói thế nào. Làm sao bạn có thể nổi điên với một đồ lợn chỉ vì hắn là lợn?

Trở về Trường Đại học Nhân dân, tôi lấy lại chiếc xe đạp. “Cứt! Cứt! Cứt!” đó là tất cả những gì tôi có thể nghĩ trong đầu khi đạp đi khỏi.

“Xuân Thụ!” anh gọi ta.

Tôi dừng xe và nhìn lại. “Cái gì?”

“Không gì cả, chỉ là em hãy cẩn thận trên đường về. Và cảm ơn vì đã đi cùng anh hôm nay.”

“Ồ…không có gì,” tôi nói, mặc dù tôi đã nghĩ khác hẳn. Tôi cười, nụ cười nhạt khôn tả. Tôi quay đi và đạp dấn lên, tự thấy mình thật ghê tởm. Cái gì đã ngăn tôi không nói với anh điều làm tôi khó chịu? Tại sao tôi luôn luôn để thái độ của một ai đó quyết định thái độ của tôi? Có phải Triệu Bình đúng khi nói rằng tôi không có cá tính?

***

Một tối chúng tôi cùng đi đến công viên Ngọc Uyên Đàm. Chúng tôi ngồi cạnh hồ, nơi những gợn sóng lung linh như lớp vảy bạc trong cơn gió nhẹ ban đêm. Đầu tiên chúng tôi không ai nói. Nhưng sau một lúc, anh xán lại bên tôi và nói về mẹ anh. Tôi ngồi và lắng nghe. Tôi biết những suy nghĩ của anh bị đưa đẩy bởi hoàn cảnh, và mỗi khi cùng quẫn anh lại nghĩ tới bà mẹ, nguồn an ủi duy nhất của anh. Những lúc như thế, khuôn mặt anh có cái vẻ thanh thản, hạnh phúc. Anh là một khối mâu thuẫn. Anh vẽ, hát, làm thơ, nhưng không thứ gì khiến anh trở nên một người bình thường.

“Rút cục thì anh muốn tìm người yêu như thế nào?” tôi hỏi.

“Anh muốn tìm một phụ nữ ngoại quốc, để có thể cùng cô ta rời khỏi đây.”

“Một phụ nữ ngoại quốc? Anh lại còn muốn tìm bạn gái ngoại quốc ư? Chắc anh đang đùa!” Tôi cười chế nhạo. Vậy là lúc nào anh ta cũng lo tìm một người nước ngoài. Thế còn tôi là gì? Chơi bời suốt ngày với anh ta bây giờ chẳng khác nào tự tra tấn mình. Tôi ghét anh ta. Anh ta cũng ghê tởm tôi. Nhưng điều đó không có nghĩa là không đau đớn. Nước mắt tôi trào ra.

Đột nhiên, hai luồng sáng chói mắt chiếu vào chúng tôi. “Này, cái gì vậy?”

Một đôi cảnh sát đi tới và kiểm tra. “Vào giờ này các người phải ở nhà rồi mới phải. Các người làm gì ở đây?”

“Nói chuyện.” tôi đứng dậy.

“Có giấy tờ gì không?”

Tôi liếc Triệu Bình. “Tôi có thẻ sinh viên.”

“Cho xem.” Họ vẫn chiếu đèn vào tôi.

Tôi lục tìm cái thẻ trong ba lô và đưa cho họ. Họ xem xong trả lại.

“Cha cô ở trong quân đội à?” một trong hai người hỏi.

“Vâng.”

“Cô sống ở nơi tôi quản lý,” anh ta nói. “Cha cô tên gì?”

“Xin đừng hỏi,” tôi nài xin. “Ông ấy sẽ cho tôi một trận nếu biết.” Anh ta chỉ nhìn tôi.

“Em không phải đứng. Ngồi xuống đi.” Triệu Bình cố kéo tôi xuống.

“Em cũng muốn,” tôi nói, liếc mắt nhìn viên cảnh sát. “Nhưng nếu họ đứng thì em cũng đứng.”

“Lúc này cô đang có thái độ đúng. Phải đứng và chú ý khi được hỏi.” Viên cảnh sát quay sang Triệu Bình. “Thẻ của cậu đâu? Cậu sống ở đâu?”

“Tôi có thẻ tạm trú,” Triệu Bình đáp khi rút thẻ khỏi túi quần sau và đưa ra.

“Thế còn thẻ lao động?”

“Tôi không có…Tôi là người lập trình phần mềm máy tính, ở Thôn Quan Trung.”

Tôi suýt cười phá lên. Thôn Quan Trung? Anh ta? Người lập trình phần mềm?

“Quan hệ của anh?”

“Cô ấy là em tôi,” Triệu Bình đáp.

“Thế hai người làm gì ở đây vào giờ này?” Viên cảnh sát lặp lại.

“Chỉ chuyện trò thôi.”

“Giờ hãy vè nhà đi. Đã quá muộn để chơi bời ở chỗ này.” Họ trả lại thẻ tạm trú của Triệu Bình rồi bỏ đi.

“Đi thôi,” tôi nói. Tôi có thể thấy anh không được vui vì chuyện gì đó.

“Vì sao em không ngồi khi anh bảo?” anh hỏi. “Em phải để ý cho anh khi quanh đây có cớm đấy.”

Tôi không nói gì, chỉ nhìn anh. Một kẻ nổi loạn như anh lại cần một cô gái canh chừng cho sao?

Càng ngày tôi càng không ưa anh. Anh luôn suy sụp, áo quần tơi tả và bẩn thỉu, như một vài kẻ hạ cấp. Chỉ nhìn anh tôi cũng thấy đau đầu. Nhất là khi anh chẳng chút màng đến cảm giác của tôi. Tôi đã có tất cả những gì có thể lấy của anh. Và tôi vẫn đau lòng về chuyện này một hồi trước khi đi đến quyết định.

Cuối cùng một dịp cuối tuần, anh cho “triệu” tôi, nhưng tôi không tới. Anh bắt đầu gọi điện, lần này đến lần khác, và tôi luôn tìm lý do để không nhấc máy. Sau một hồi, anh liền chửi rủa và hét lên mỗi lần gọi điện, nhưng tôi đối xử với anh như kẻ xa lạ và dập máy xuống. Thế là anh như biến mất. Tất cả những gì sau đó tôi còn nghe được là một mớ chuyện cười về anh hay tên anh trong một chương trình nhạc rock nào đó.

Chúng tôi đã ở cạnh nhau sáu tháng, từ đầu mùa hè đến cuối mùa thu. Khi trời trở lạnh cũng là lúc chúng tôi chấm dứt. Và cũng như trước đây, tôi cảm thấy như trút đi được gánh nặng. Tuy nhiên, có một điều mà tôi hiểu ra, là cuộc đời của các nhạc sĩ này mới khắc nghiệt làm sao, không có ai giúp họ và không có ai lo lắng cho họ. Và ngay từ lúc đó, tôi đã biết sự thể rồi sẽ ra sao.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.