Bút Vẽ Giang Sơn Mực Tô Xã Tắc

Chương 152: Q.2 - Chương 152: Tặng chữ mượn tiền.




“Chị Thanh, chị vẫn còn buồn vì anh Tí à. Em nghĩ là anh ấy chỉ giận dỗi nhất thời thôi chứ không có ý gì đâu, chị cũng đừng có để tâm những gì anh ấy nói nhé.”

Trong gian nhà nhỏ cuối con hẻm. Lúc này đã quá giờ ăn trưa, đám nhóc đều đã ngủ trưa hết rồi, chỉ còn lại một mình Thanh ngồi trên bàn, khuôn mặt man mác nét buồn. Bất chợt, một giọng nói nhẹ nhàng vang lên. Cô bé tên Sửu chẳng biết từ bao giờ đã bước đến bên cạnh Thanh, vẻ mặt cô bé mang theo một phần lo lắng, một phần cầu xin, còn có cả một nét buồn tủi nữa. Người ta vẫn nói, con gái thường nhạy cảm hơn con trai, điều này quả thật không sai. Trong tất cả đám nhóc ở đây, rút cục cũng chí có cô bé Sửu này là cảm nhận được nỗi buồn trong lòng Thanh. Nhẹ vuốt mái tóc cô bé, Thanh khẽ mỉm cười đáp lời:

“Em đừng lo, chị không giận thằng Tí đâu. Chẳng qua là chị đang lo lắng cho nó, lo lắng cho cả các em nữa. Nếu các em mà vẫn cứ làm cái nghề móc túi ấy, chẳng may có một ngày bị người ta bắt được thì biết làm sao? Chị chỉ sợ nếu điều ấy thực sự xảy ra, chị sẽ mất đi những đứa em thân thiết mà thôi.”

Trong lời nói của Thanh tràn ngập vẻ âu lo, quả thật những điều mà nàng lo lắng không phải là vô căn cứ. Trên đời này không thiếu người luyện võ, cũng không thiếu kẻ nhẫn tâm. Nếu những đứa trẻ này có một ngày đụng phải loại người như thế, liệu tính mạng của chúng có còn giữ được hay không? Đây chính là mối lo lắng vẫn luôn quẩn quanh trong lòng nàng bấy lâu nay, thế nhưng muốn tìm được một phương pháp để giúp đỡ đám trẻ này lại thật sự quá khó. Chỉ dựa vào số tiền mà nàng kiếm được để nuôi bọn trẻ cả đời là điều không thể, huống chi đám trẻ này khi lớn lên cũng cần có sự tự lập riêng, đâu thể chỉ biết dựa vào sự giúp đỡ của nàng. Mà muốn tìm cho bọn chúng một công việc yên ổn để làm lại cũng không dễ dàng, người ta nhận người làm cũng muốn tìm người “tử tế” chứ đâu muốn thuê những kẻ “xấu” có quá khứ “không trong sạch”. Nghĩ đi nghĩ lại, Thanh lại càng cảm thấy buồn và đáng thương cho số phận của những đứa trẻ lang thang này.

“Em biết, chị nhất định là đang lo lắng về tương lai của tụi em. Nhưng mà chị cũng đừng có lo lắng quá, bọn em nhất định sẽ tìm được một công việc tử tế để làm mà. Hì hì, sau này có tiền rồi em nhất định sẽ mời chị đi ăn một bữa thật ngon đấy.”

“Được rồi, chị chờ bữa cơm này của em đấy.”

Hai chị em cười đùa vui vẻ, nỗi buồn trong lòng Thanh cũng nhờ vậy mà tiêu biến đi phần nào.

“Chị Thanh!”

Vừa lúc ấy thằng Tí trở về. Chẳng nói chẳng rằng, nó bước thẳng đến trước mặt Thanh. Còn không chờ Thanh kịp hỏi chuyện gì, thằng Tí đã mở lời trước:

“Chị Thanh, em xin lỗi. Vừa nãy là em quá nóng nảy mà không biết phân biệt phải trái, chị bỏ qua cho em nhé.”

Lời xin lỗi của thằng Tí khiến Thanh sửng sốt, ngay cả cô bé Sửu cũng sửng sốt không kém. Hai người hiểu rất rõ tính cách của Tí, nó là một đứa nhóc cứng đầu không thích nhận sai, vậy mà không ngờ lần này thằng Tí lại chủ động xin lỗi trước.

“Chị Thanh, em biết là chị rất lo lắng cho bọn em, em cũng biết là chị không muốn bọn em mạo hiểm làm nghề móc túi này. Chính vì thế, em đã quyết định rồi. Từ giờ trở đi, em sẽ không bao giờ làm cái nghề móc túi này nữa. Chị hãy yên tâm đi nhé!”

“Em… Em đã lớn thật rồi! Được rồi, chị tin em, chị tin em nhất định sẽ thay đổi được. Thôi nào, từ nãy đến giờ em đã ăn gì chưa? Chị vẫn còn để phần thức ăn cho em đấy, mau vào ăn đi.”

Nỗi lo lắng trong lòng Thanh cuối cùng cũng được giải, vẻ mặt nàng lúc này tràn ngập nét vui tươi, xen lẫn vào đó là những tia tình cảm thân thiết vô cùng. Trong lúc nhất thời, một cô gái mới chỉ mười tám tuổi lại tỏa ra vẻ đẹp hiền từ giống như người mẹ, Nguyễn Phong đứng từ xa nhìn thấy vẻ đẹp ấy cũng trở nên ngẩn ngơ. Vẻ ngây ngốc của Nguyễn Phong không thoát được ánh mắt của Thanh, nàng nhìn thấy vậy nụ cười trên khóe môi lại càng thêm tươi, khe khẽ gật đầu với hắn một cái tỏ ý cảm ơn. Nguyễn Phong vô thức nở một nụ cười ngốc nghếch đáp lại. Thế rồi giống như nhớ ra cái gì, Nguyễn Phong vội vàng quay người vọt đi, chỉ ra dấu rằng sẽ trở lại ngay.

**********************

Cửa hàng Thư Phúc Lai – Cửa hàng thư pháp lớn nhất trên phố chợ Tây Trường.

Lúc này là khoảng đầu giờ chiều, con phố trở nên vắng vẻ hơn rất nhiều so với lúc sáng, mà đối với một cửa hàng thư pháp thì thời điểm này chính là lúc vắng khách nhất trong một ngày. Ông chủ Thư Phúc Lai dáng người mập mạp đang ngồi trên một chiếc ghế dựa mây nhè nhẹ đung đưa, đôi mắt khép hờ tận hưởng chút giờ phút nghỉ ngơi rảnh rỗi. Đúng lúc này, một bóng người bước vào trong cửa hàng, mỗi bước đi nhìn như chậm rãi khoan thai nhưng tốc độ lại không hề chậm một chút nào. Ông chủ cửa hàng thấy có khách thì vội vã đứng dậy, nháy mắt đã trưng ra nụ cười đặc hữu mời khách của mình. Thế nhưng còn chưa đợi hắn mời chào, đối phương đã lên tiếng trước:

“Ông chủ, nơi này có thu mua tranh thư pháp không?”

“Có chứ, có chứ. Chúng tôi kinh doanh tranh thư pháp, tất nhiên là sẽ phải thu mua tranh rồi. Chẳng hay công tử muốn bán tranh thư pháp gì, có phải là bút tích của thi gia nổi tiếng không?”

“Ồ, vậy không biết là cửa hàng của ông có vị đại sư giám định nào hay không?”

“Ha ha, công tử hỏi đúng người rồi. Thật chẳng dám giấu, tôi chính là một đại sư giám định thư pháp. Công tử làm ơn đưa bức tranh thư pháp của công tử để tôi giám định.”

“Ông chủ, ta muốn giám định chính là thư pháp của ta, được chứ?”

“Chuyện này cũng không có gì đặc biệt, hoàn toàn nằm trong khả năng của tôi.”

“Nếu vậy thì tốt quá. À, tôi có thể sử dụng giấy bút ở đây được chứ”

Nghe đối phương nói đến đây, ông chủ cửa hàng hơi nhíu mày lại, nhưng rất nhanh sau đó vẻ mặt lại giãn ra, niềm nở nói:

“Được thôi, thế nhưng giấy bút này đều phải tính phí.”

Nói rồi, ông chủ liền dẫn Nguyễn Phong đi đến trước một chiếc bàn trong phòng. Lật tìm trên giá sách một hồi, ông chủ lấy xuống một cuộn giấy vẽ tranh thuộc loại khá đưa đến trước mặt Nguyễn Phong. Có giấy có bút, Nguyễn Phong lập tức bắt đầu viết chữ. Chỉ thấy cây bút trong tay hắn giống như có linh tính, nét bút viết lên giấy mạnh mẽ mà lại mềm dẻo, từng nét từng nét chẳng khác nào rồng bay phượng múa. Ông chủ cửa hàng đứng một bên xem thì kinh ngạc không thôi, sau đó trong lòng lão chợt dâng lên một niềm hạnh phúc như vừa bắt được vàng. Người thanh niên trước mắt hắn đây, tài năng thật không tầm thường, chỉ cần nhìn quá trình hắn viết chữ là cũng nhìn ra được vài phần.

“Phù!”

Nét bút cuối cùng cũng dừng lại, Nguyễn Phong nghẽ thở ra một hơi dài điều hòa tâm tình. Ông chủ cửa hàng nhìn vào bức thư pháp không kìm được mà há hốc mồm. Trên bức thư pháp chỉ viết đúng một chữ “Thanh”, ngoài ra không còn bất cứ thứ gì khác. Ấy thế nhưng chính điều này lại khiến cho bức thư pháp càng trở nên độc đáo đặc biệt. Nhìn vào nét chữ được viết trên giấy, ông chủ cửa hàng chỉ cảm thấy trong lòng dâng trào một cảm giác thanh nhã vô cùng. Nét “thanh” ấy giống như cánh sen nở giữa bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, lại có phần giống với vẻ thanh thuần của ngọc quý được mài kỹ, tỏa ra một cảm giác cao quý khiến người ta “kính” nhưng không “sợ”, ngược lại lại cảm thấy trân trọng vô cùng. Ông chủ khẽ dụi dụi mắt, bởi hắn vừa mới nhìn thấy ảo giác. Đúng vậy, chính là ảo giác! Không ngờ chỉ nhìn vào một bức thư pháp mà lại bị ý ẩn trong nét bút tạo ra ảo giác, xem ra đây đúng là bút tích của một bậc đại thư pháp gia rồi.

“Ông chủ, bức tranh này thế nào?”

“Tốt, tuyệt! Cả đời tôi giám định thư pháp đã nhiều, thế nhưng một bức thư pháp tuyệt như thế này thì tôi mới chỉ gặp có hai lần. Một lần trong đó chính là bức thư pháp của quý khách, mà lần còn lại là khi tôi nhìn thấy bức thư pháp của đại thư pháp gia Cao Huấn.”

Nói đến đây, chợt giọng của ông chủ trở nên gấp gáp hơn hẳn:

“Quý khách, không biết cậu có thể bán bức thư pháp này cho của hàng chúng tôi hay không. Tôi có thể trả cho cậu năm mươi đồng bạc … à không, một trăm đồng bạc!(*) Cậu thấy thế nào?”

“Ha ha, chữ của tôi không phải để bán, bức tranh chữ này tôi sẽ tặng cho ông. Thế nhưng, hiện tại tôi đang cần một món tiền, nếu ông có thể giúp tôi thì tôi sẽ ghi nhớ trong lòng, chờ ngày tôi được đề tên bảng vàng, ra làm quan cho triều đình thì nhất định sẽ hoàn trả đầy đủ cho ông.”

“Cậu… cậu nói… thật?”

“Thật! Ha ha ha.”

“Vậy cậu cần bao nhiêu tiền?”

“Cũng không nhiều lắm, hai mươi đồng bạc. Ông giúp tôi được chứ?”

Ông chủ cửa hàng nghe thấy Nguyễn Phong nói vậy thì ngẩn cả người, thế rồi hắn luống cuống đáp ứng ngay, chỉ sợ đối phương thay đổi chủ ý. Nhận lấy hai mươi đồng bạc, Nguyễn Phong khẽ mỉm cười:

“Phần ân tình này tôi xin ghi nhớ. Ông chủ, tôi là Nguyễn Phong, sau này tên đề bảng vàng rồi chắc chắn sẽ trả lại số tiền này cho ông.”

“Ha ha, cậu cũng đâu cần khách sáo như vậy, có thể tặng tôi một bức tranh chữ quý như thế này thì tôi đã sớm coi cậu là bằng hữu rồi. Hai mươi đồng này nếu cậu cần thì tôi có thể cho không cậu cũng được.”

“Ồ, vậy sao được chứ. Tặng chữ là tặng chữ, mà mượn tiền là mượn tiền, không thể xếp chung hai việc lại được. Thôi, tôi còn có việc phải làm, sau này khi rảnh rỗi nhất định sẽ đến thăm ông chủ. Tạm biệt!”

“Tạm biệt.”

*************************

Cao Huấn: Huấn Cao =)). Chắc là mọi người đoán được thư pháp gia này là ai rồi nhỉ!

(*): Giới thiệu về hệ thống tiền tệ tại Hồng Bàng đại lục: Về cơ bản thì tiền được dùng thông dụng trong dân gian ở Hồng Bàng đại lục đều là tiền kim loại, được đúc thành hình tròn ở giữa có lỗ vuông. Trên tiền thường có khắc chữ ở hai mặt, một bên là niên hiệu của nhà vua và năm tương ứng, bên còn lại là tên nước để phân biệt. Tiền chủ yếu được phân thành ba loại là tiền đồng, tiền bạc và tiền vàng. Một trăm đồng được gọi là một quan, giá trị tương đương với một đồng bạc. Một trăm đồng bạc có giá trị tương đương vời một đồng vàng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.