-Tôi thấy ông Khoa thích bà An thật rồi.
Lén lút theo dõi hành động của An và Khoa, Thắng tường thuật trực tiếp lại cho hai đứa bạn bằng vẻ mặt vô cùng phấn khích.
-Nhưng còn bà An thì sao? Long thắc mắc.
-Chưa biết nữa, cái này từ từ thử mới biết được.
Thắng và Long say sưa lên kế hoạch tác hợp cho hai người họ, chỉ có Chi nãy giờ không hề lên tiếng. Ánh mắt Chi đượm buồn nhưng vẫn cố cười để che giấu cảm xúc.
Ngay từ những ngày đầu vào lớp 10, Chi đã để ý Khoa rồi. Chi nhớ như in cái ngày Chi bị một tên say rượu va trúng làm cô ngã xe giữa đường, đang loay hoay không biết làm thế nào thi Khoa vô tình xuất hiện, cậu đưa xe cô đi sửa, băng bó giúp cô, và cũng từ giờ phút đó, cô cảm thấy tim mình đập loạn nhịp khi nhìn thấy cậu bạn cùng lớp.
Nhưng thời điểm đó, Khoa đang quen với một cô bạn xinh đẹp cùng khối, sau buổi gặp mặt ngoài đường thì cậu không để ý gì đến Chi nữa, có chạm mặt nhau chăng nữa thì cậu cũng chỉ nở một nụ cười thật tươi rồi lướt qua.
Cho đến khi phát hiện Khoa rất thân với An, Chi xin cô giáo chuyển xuống bàn dưới ngồi cạnh An, và lên kế hoạch thông qua An để tiếp cận Khoa. Cô kết thân với An nhưng trong lòng vẫn rất ghen tỵ với cô bạn của mình.
Rồi thời gian trôi qua, Chi nhận ra sự chân thành trong tình bạn của An nên ngày càng quý mến An hơn. Cô không còn so đo, tính toán hay nói xấu bạn mình nữa mà thay vào đó là những lời khích lệ, động viên khi An gặp chuyện buồn trong gia đình.
Nhưng bây giờ, khi nhận ra Khoa thích An thì trong lòng Chi buồn không thể tả, liệu An có đáp lại tình cảm của Khoa không? Cô phải làm sao bây giờ, theo đuổi Khoa hay gìn giữ tình bạn vốn có của mình?
-Ê, sao bà im re vậy Chi?
Long lên tiếng khi cô không quan tâm gì đến câu chyện của hai người. Lấy cớ đứng lên đi vào nhà vệ sinh, Chi không muốn ai nhận ra tâm sự cất giấu trong lòng mình mấy năm nay. Từ bây giờ cô phải làm gì đây?
….
Về tới nhà trời cũng nhá nhem tối, An mở cửa bước vào nhà đã thấy ba ở đó từ khi nào.
-Ba về rồi hả ba?
An vẫn chưa quen với việc ba mẹ đã chia tay nhau, cô luôn nuôi hi vọng đó chỉ là một cuộc cãi vã như những cặp vợ chồng thông thường khác rồi cuối cùng lại trở về bên nhau, nhưng nhìn vào khuôn mặt lạnh lẽo của mẹ cô biết mình đã sai.
Ông Tân nhìn đứa con gái tội nghiệp thoáng đau lòng, những ngày qua ông đã thuê được một căn nhà nho nhỏ dự định đón An về ở cùng, ông sợ cô bé sẽ thiệt thòi khi ở lại đây.
-Ba qua đón con, mau thu dọn hành lý rồi về nhà với ba.
An ngơ ngác, cô chưa từng lường trước tình huống này, ba muốn cô rời bỏ đây để về sống với ba sao?
Tuy rằng những ngày qua xảy ra quá nhiều chuyện nhưng trong thâm tâm An vẫn không muốn đi khỏi căn nhà đầy kỷ niệm này. Vui có, buồn có, đau lòng có nhưng mỗi một tiếng cười, mỗi giọt nước mắt rơi xuống tất cả đều bởi hai chữ gia đình mà ra. Cho dù mẹ có lạnh nhạt như thế nào thì An biết mẫu tử muôn đời vẫn là mẫu tử, vĩnh viễn không thể mất đi được, tình cảm ấy chỉ tạm thời bị che lấp đi rồi đến một ngày nào đó sẽ trở lại như ban đầu. An tin với sự chân thành của mình sẽ làm cho mẹ và chị yêu thương mình mà thôi.
Ngôi nhà đã quá trống trải từ khi ba đi, nếu An cũng đi thì sẽ càng cô quạnh hơn nữa. Mấy ngày này hai mẹ con An không nói chuyện với nhau, trong mắt mẹ lúc này An chẳng khác nào vật cản chân vướng víu, ngay cả chị cũng đang rất gai mắt với sự xuất hiện của cô thì liệu rằng việc cô đi có phải cũng chính là mong muốn của mẹ và chị không?
An đấu tranh dữ dội trong lòng, bản thân đứng giữa hai sự lựa chọn Đi hay Không, nhưng chuyện này chắc không tùy thuộc vào sự lựa chọn của riêng cô bởi nếu mẹ muốn cô rời khỏi thì có lẽ cô cũng không thể ở lại được nữa.
An nhìn qua mẹ chờ đợi, còn bà Tân không nhìn thẳng vào mắt con gái, bởi trong mắt bà giờ đây chỉ có hận thù với người chồng đã phản bội bà để đi theo người đàn bà khác. Cho dù bà vẫn còn đang rất giận chuyện của An nhưng bà lại không muốn ông đón con về, căn bản chỉ vì muốn ông ra đi với hai bàn tay trắng, con là do bà đẻ ra thì ông sẽ chẳng bao giờ được sống với tụi nó.
-Con bé ở đây với tôi, ông đừng có mơ mà dắt nó đi.
Giọng bà Tân lạnh nhạt xen chút hận thù, bà phải cho ông sống trong dằn vặt thì mới cam tâm được.
-Bà không mang đến cho nó cuộc sống vui vẻ thì giữ nó bên cạnh làm gì? Chuyện này phụ thuộc vào quyết định của con bé, bà không có quyền.
Ông Tân cương quyết, chuyện đã đến nước này thì ông nhất định phải mang con bé theo, bởi với tính cách của bà thì để trả thù ông nó sẽ chẳng được yên ổn mà sống nữa.
Nhưng bà Tân cũng chẳng vừa.
-Ông nghĩ ông có tư cách để nuôi con bé sao? Ở với ông nó sẽ chẳng sung sướng như ở đây đâu, nó không được phép đi đâu hết.
-Cho dù tôi không mang đến cho nó cuộc sống giàu có nhưng ít ra nó cũng sẽ vui vẻ hơn là ở đây, bà không yêu thương nó thì giữ nó lại làm gì chứ?
-Tôi muốn ông sẽ phải cô đơn khi dám rời bỏ gia đình này, một khi đã ra đi thì ông đừng mơ gặp lại hai đứa nó nữa.
-Bà đừng có mà quá đáng, chuyện này con bé mới là người quyết định.
-Không ai được quyết định chuyện này ngoài tôi, ông hiểu không? Nếu nó mà theo ông thì đừng bao giờ gọi tôi là mẹ nữa.
An dường như không tin vào tai mình, tại sao chỉ mới có vài ngày mà ba mẹ đã trở nên như thế, tình cảm vợ chồng có thể thay đổi chóng vánh vậy sao?
Thì ra mẹ không hề thương cô, mẹ chỉ muốn giữ cô bên cạnh để dằn vặt ba mà thôi, chưa bao giờ cô cảm thấy cô độc như thế này. An để nước mắt tự do lăn dài trên má, cô đau đến mức toàn thân run rẩy, hai chân dường như không thể đỡ nổi tâm hồn nặng trĩu của mình.
Cô lao ra khỏi nhà rồi cứ thế bỏ chạy, cô muốn trốn chạy quá khứ, trốn chạy những lời nói đau lòng kia và trốn chạy tất cả mọi người.
Bỏ ngoài tai tiếng gọi của ba và những giọt nước mắt lén lút rơi ra của mẹ, giờ phút này đây cô không còn quan tâm đến bất cứ điều nào khác.
...
Mẹ có bao giờ nghĩ đến cảm giác tội lỗi của cô khi tự dằn vặt mình vì đã gây ra nỗi đau thể xác cho chị, lúc đó mẹ nhìn cô với ánh mắt giận dữ như một kẻ tội đồ khiến cô chỉ dám đứng khóc một mình ngoài cửa, chỉ cần mẹ ôm cô vào lòng và nói “không sao đâu” thì cô sẽ lập tức vui vẻ nhưng đó chỉ là ước mơ không bao giờ thành hiện thực.
Mẹ có bao giờ nghĩ đến cảm giác của một đứa trẻ ngây thơ khi bị phân biệt đối xử với người chị sinh đôi của mình, có biết đằng sau những cái nhìn lén lút nơi cửa phòng là những giọt nước mắt tủi thân của cô không?
Mẹ có bao giờ quan tâm đến cảm giác của cô khi phải thay chị gái nhận lỗi mà mình không hề phạm không?
Mẹ có bao giờ nghĩ đến đứa con gái đáng thương tủi thân khi bao nhiêu sự quan tâm dành hết cho chị lúc cả hai cùng bị ốm, chỉ cần chị nhõng nhẽo một xíu thì mẹ sẽ dẹp bỏ hết tất cả công việc để chăm sóc cho chị. Một đứa trẻ như cô sẽ cảm nhận thế nào khi mình chẳng là gì trong mắt mẹ chứ?
Mẹ có bao giờ nghĩ đến cô đau lòng thế nào khi gánh lấy hậu quả từ việc làm của chị không? Đó không chỉ là nỗi đau thể xác, mà nó còn là sự tổn thương danh dự khi mang tiếng là người thứ 3 cướp chồng người khác.
Mẹ có bao giờ nghĩ đến sự tổn thương khi bị chị gái ghét bỏ chỉ vì sợ cô cướp mất người yêu của mình không? Có bao giờ nghĩ đến những lúc đau ốm cô phải âm thầm chịu đựng một mình mà không dám nói cho mẹ biết không?
Bằng ấy thời gian, cô đã cố sống như một đứa con ngoan ngoãn, vâng lời chỉ mong nhận được sự quan tâm từ nơi mẹ, ấy thế mà tất cả những nỗ lực đó cũng không làm lung tay trái tim của mẹ. Có lẽ mẹ vẫn tin rằng cô mang trên mình một vì sao xấu, có thể làm hại đến người chị song sinh của mình. Cô thừa nhận là do cô nghịch ngợm, bất cẩn mới khiến chị suýt chết nhưng đó hoàn toàn là một tai nạn, tại sao mẹ cứ cho rằng là do vận mệnh cơ chứ.
Cô nhớ vòng tay ấm áp, cái xoa đầu an ủi hay đơn giản chỉ là lời khích lệ từ một người cha hiền lành nhưng cô cũng cần sự quan tâm của mẹ, tại sao cô không thể có một cuộc sống giản dị, ấm cúng có cả cha lẫn mẹ như bao người khác?
Tại sao trước mặt cô lại chỉ là một màu xám xịt, đâu mới là ánh sáng dẫn dắt cô bước tiếp trên đường đời đau khổ này đây?
…