13/9/20xx. 10h tối. Khu vực hố tử thần vắng tanh. Tám chòi canh vây quanh hố tỏa ra thứ ánh sáng vàng vọt nhớp nháp.
Trải dài theo hướng bắc nam, hố Lưỡi bò dừng lại tại trường tiểu học Hoa Lư. Điểm sâu nhất của hố nằm ngay tại dãy phòng học phía sau của trường và một nửa sân trường cũ. Tòa nhà hình chữ I hai tầng lầu với tổng cộng 12 phòng học bị cái hố nuốt chửng. Người dân quanh đó kể rằng, đến sáng hôm phát hiện cái hố, hai mảng tường hai đầu của dãy phòng học hãy còn đứng vững, mãi tới trưa mới đổ sập xuống.
Ngôi trường lập tức đóng cửa vô thời hạn. Đám học sinh bỗng dưng được nghỉ học vui vẻ, trước thảm họa, cũng chỉ có lũ nhóc mới có thể vui cười hồn nhiên. Việc xử lí số học sinh mất trường và số giáo viên mất nơi làm việc là việc của các ông chính phủ, Tường chẳng biết mà cũng chẳng để tâm. Phần còn lại của ngôi trường, nay đã bỏ hoang, trở thành tấm bình phong lí tưởng cho kẻ nào đang có âm mưu xâm phạm quyền sở hữu cái hố của nhà nước.
Tựa lưng vào bức tường của căn tin, Tường vừa có một tầm nhìn thoáng đãng đến khu vực chòi canh số 5 và đầu nam của cái hố, vừa được bóng tối hoàn toàn che giấu.
Chòi canh số 5, dựng chính giữa sân trường cũ, ánh đèn vàng yếu ớt tỏa ra từ nó vẫn đủ sức bao quát phần lang cang bao quanh hố tử thần trong khoảng 50m trở lại, trước khi được tiếp sức bởi hai chòi canh số 4 và số 6. Cùng nhau, 8 chòi canh soi sáng, dẫu lờ mờ, toàn bộ mép ngoài hố Lưỡi bò. Một cảnh tương đối đẹp mắt, khoảng không đen ngòm kéo dài ra xa với tám điểm sáng vây quanh.
Trên chòi canh số 5, nếu để ý nhìn sẽ thấy hai bóng người, một đứng, một ngồi. Người đang ngồi, theo lời giáo sư Hoàng, một tay nhân viên cứu hộ bãi biển, khoảng 25 tuổi, tên là Tuấn. Anh ta vốn là dân biển, giỏi bơi lội, chọn được cho mình một nghề vừa hợp khả năng vừa có thể thoải mái ngắm gái. Đùng một cái, cái hố chết tiệt xuất hiện, Tuấn được chuyển chỗ ngồi. Một ngày 24 tiếng thì hết 12 tiếng ngắm cảnh phố xá ô nhiễm, ngửi mùi thơm của cái hố bên dưới.
Dịp duy nhất để Tuấn có thể động tay động chân là khi có thằng nhãi phá phách nào đó lăm le muốn trèo lên cái lang cang, hoặc khi gã dở hơi sầu đời nào sau 10h vẫn muốn ở lại ngắm cảnh. Mà thật ra, Tuấn không hiểu cái lệnh giới nghiêm chết tiệt là do thằng nào đặt, không thế thì gã cũng có người nói chuyện tán dóc đỡ buồn. So sánh với tên đồng nghiệp ngồi ở chòi số 1, người ta còn có cái để xem, một nhóm học giả nhà nghiên cứu gì đó đã dựng một cái trại ở đó, buổi tối đôi khi vẫn khá nhộn nhịp.
Ngồi được hai ngày, khi Tuấn đã chán không thể chán hơn, giáo sư Hoàng xuất hiện. Một bên cố ý làm quen, cố ý nán lại sau giờ giới nghiêm, một bên tuy thích nhưng phải từ chối. Giáo sư Hoàng tỏ ra lì lợm, bị đuổi thì giả vờ bỏ đi, vài tiếng sau lại quay lại, còn mang theo vài thứ đồ ăn đêm. Ông già nói chuyện khùng khùng nhưng vẫn đỡ chán hơn là ngồi không, hơn nữa cũng không nán lại quá lâu, sau khi tâm sự được ít nhất 15 phút và mời Tuấn một ổ bánh mì xong mới chịu bỏ đi. Thế nên, hôm nay khi ông "giáo sư" lại tới, Tuấn không phản ứng gì lớn. Cắn một miếng bánh bao, uống tí nước lọc lót dạ, sau đó anh chàng cũng chẳng biết gì nữa.
Giáo sư Hoàng kiểm tra anh chàng cứu hộ, sau khi tin chắc gã đã ngủ say thì đưa tay lên đầu ngoắc ngoắc ra hiệu.
Khi Tường đến cạnh cái chòi, giáo sư Hoàng đã chuẩn bị xong. Sợi thừng dài 1200 m được ông giáo sư móc thẳng vào chân chòi, đầu kia quăng xuống dưới hố. Tường giao cho ông giáo sư một đôi găng tay da dày, một mũ bảo hiểm, một đai leo núi chuyên dụng. Đôi giày đinh giáo sư Hoàng vẫn mang trên người, mỗi cái balô đặt dưới chân chòi khi lên tán dóc với người canh gác nó.
Tường thoáng nhìn anh chàng nhân viên cứu hộ đang say ngủ, lại nhìn ông giáo sư. Nếu anh ta đã chẳng may may nghi ngờ điều gì, vậy bị chuốc thuốc mê âu cũng là lỗi của mình thôi.
Kiểm tra lại "đai lưng", móc cái đai vào sợi dây thừng, hai người, một già một trẻ, tung mình nhảy ra sau, xuống bên dưới.
-0-
"Dưới này tối quá." Tường nói, ánh sáng cây đèn pin trong tay cậu vẽ nên một dải sáng, bị bóng tối xung quanh tham lam hút lấy, chẳng thể soi rõ quá 5m.
Không có tiếng trả lời, chỉ có tiếng thở gấp.
"Giáo sư, ông không sao chứ?" Tường hỏi. Kế hoạch thám hiểm đáy hố tử thần của giáo sư Hoàng tương đối tỉ mỉ, đã được ông suy tính nhiều ngày. Duy chỉ có công đoạn leo xuống bằng dây thừng hoàn toàn thuần túy là qua sách vở. Cả Tường lẫn ông giáo sư đều không có kinh nghiệm gì. Cái đai lưng mà giáo sư Hoàng đặc biệt đặt mua được thiết kế với một khóa hãm khá phức tạp gồm một dây giãn và một dây chịu lực, giúp người leo núi có thể trèo xuống khá dễ dàng mà không lo té ngã.
Hai kẻ liều mạng đúng thực đã không gặp vấn đề gì khi leo xuống, trừ việc quãng đường 1000m thẳng xuống tăm tối với tổng cộng xấp xỉ 50 lần giậm vào thành hố tạo lực suýt thì bẻ gãy chân họ. Nửa sau đoạn đường, ngay cả Tường cũng chỉ có thể dựa vào cái đai mà tụt xuống từ từ.
Cái đồng hồ dạ quang đeo trên tay Tường chỉ 10h40 phút, thời gian tụt xuống hố là khoảng 20 phút.
"Tôi không sao," giáo sư Hoàng lên tiếng. "Chỉ hơi chóng mặt một chút."
Tường lia đèn pin quét dọc lên xuống thành hố, sau đó rọi xuống dưới chân. Đất khá mềm và xốp, tương đối ẩm ướt.
"Vậy chúng ta tìm kiếm cái gì dưới này?" Tường hỏi.
"Bất cứ cái gì, theo suy đoán của tôi..." Giáo sư Hoàng ngừng bặt. Cây đèn pin loại lớn trong tay ông chỉa thẳng về phía trước. "Một lỗ hổng...," giáo sư Hoàng thầm thì, giọng ông run run vì mừng rỡ.
Ánh sáng từ cây đèn pin của ông giáo sư không bị lớp đất nào cản lại, xuyên qua lỗ hổng trên thành hố, soi sáng một lối đi ẩn phía sau.
"Một đường hầm khác, hoàn toàn bằng đá quý." Giáo sư Hoàng nói, cả tay ông cũng bắt đầu run rẩy.
Tường nheo mắt nhìn cái đường hầm vừa bị phát hiện, thành hầm màu xanh ngọc bích sẫm màu. Không thể nói là Tường vui vẻ hay thất vọng, ở một mức độ nào đó, cậu đã chờ đợi một cuộc đào bới vất vả chứ không phải một cái lỗ trên tường như thế này.