Rồi hắn quay sang Tào Dĩnh, nói với một cách nhẹ nhàng:
- Tào Dĩnh, nếu chiều nay cô không có việc gì, theo tôi đi ngắm cảnh nông thôn đi.
Nói xong, Bành Viễn Chinh liền đẩy cửa mà đi.
Tào Dĩnh do dự một chút, quay đầu lại chào một tiếng “Dì Mạnh”, rồi liền đuổi theo Bành Viễn Chinh xuống lầu.
Mạnh Lâm nhìn theo bóng hai người đi xuống lầu, thở dài nhè nhẹ.
Tình cảm của con trai đối với Tào Dĩnh, làm sao một người làm mẹ như bà không nhận ra? Chỉ là, hai nhà không môn đăng hộ đối, rõ ràng Tào gia khinh thường mẹ con bà là mẹ goá con côi, nếu hai đứa trẻ muốn đến với nhau thật sự, chỉ sợ là rất khó.
Đi xuống lầu, Tào Dĩnh thấy Bành Viễn Chinh đẩy chiếc xe đạp, liền dịu dàng cười nói:
- Bành Viễn Chinh, anh muốn đi về nông thôn à? Về đâu vậy?
- Đến nhà cũ của tôi, nhân tiện đến thăm xã Bạch Vân Quan.
Bành Viễn Chinh trả lời, ánh mắt nhìn về phía Tào Dĩnh lộ ra một chút dịu dàng kín đáo rất khó nhận ra.
Cô gái chính trực và thiện lương này cũng rất đơn thuần, hai người vốn là một đôi rất thích hợp. Không hiểu sao Tào gia chết sống không muốn gả con gái cho Bành Viễn Chinh, Lưu Phương - mẹ cô lại đòi tự tử, cuối cùng cô đành phải khuất phục, rưng rưng chia tay với Bành Viễn Chinh.
- Ồ, xa quá, đi xe đạp cũng rất mệt. Anh chờ một chút, em về nhà lấy xe máy.
Tào Dĩnh chạy đi, được vài bước lại quay đầu, vẫy tay nói:
- Anh chờ nhé, rất nhanh thôi!
Không bao lâu sau, Tào Dĩnh chạy một chiếc xe tay ga nữ mới tinh tới, thuận tay ném cái nón bảo hiểm tới cho Bành Viễn Chinh, cười nói:
- Lên đi, Bành Viễn Chinh, em chở anh!
Bành Viễn Chinh không một chút do dự, nhận lấy mũ đội lên, rồi nhảy lên ngồi sau xe. Tào Dĩnh rồ ga, chiếc xe gắn máy rú lên rồi phóng đi.
Thời đó, xe máy không phải là thứ mà người bình thường có thể mua được, chỉ có những gia đình có điều kiện như nhà Tào Dĩnh mới có thể mua được chiếc xe máy giá mấy ngàn tệ, đó là số tiền rất lớn đối với hai mẹ con Bành Viễn Chinh.
Tào Dĩnh lái xe máy chở Bành Viễn Chinh đi thẳng một mạch từ khu tập thể của nhà máy cơ khí Tân An, dọc theo quốc lộ về phía bắc, đi về quê của Bành Viễn Chinh, một thôn nhỏ tên là Bác Hà, nơi cha mẹ của hắn là Bạch Ngọc Cường và Mạnh Lâm từng sinh sống.
Tào Dĩnh lái xe rất nhanh, không ngờ một cô gái xinh đẹp, dịu dàng ít nói như cô lại “hung hãn” như thế. Cũng may, vừa qua qua giữa trưa, trên đường người và xe cộ rất thưa thớt, xe chạy nhanh như chớp, vẫn bình an vô sự.
Bành Viễn Chinh ôm chặt chiếc eo thon thả mà mềm mại, co giãn của Tào Dĩnh, cảm xúc trong lòng càng lúc càng dâng lên mạnh mẽ. Cảm xúc của kiếp trước và kiếp này đan xen với nhau, trong lúc nhất thời hắn có phần kích động đến mức khó kìm nén.
Chỉ có điều, nửa giờ hành trình nhanh chóng trôi qua, mãi đến khi Tào Dĩnh lái xe máy tới cửa thôn Bác Hà, Bành Viễn Chinh mới khôi phục lại tinh thần, vỗ nhẹ lên vai Tào Dĩnh, nhảy xuống xe, nhẹ nhàng nói:
- Tào Dĩnh, cô chờ tôi một lúc nhé, tôi đi làm chút chuyện, sẽ quay lại ngay.
Tào Dĩnh dịu dàng gật đầu, dắt xe tới dưới bóng một cây hòe lớn, đứng giữ xe, lẳng lặng ngóng nhìn theo bóng dáng của Bành Viễn Chinh đi xa dần, khuôn mặt bỗng hơi ửng hồng.
Bành Viễn Chinh đi thẳng đến Ban quản lý thôn Bác Hà. Bí thư chi bộ thôn Bác Hà hiện nay Phùng Đại Tráng, con trai của Bí thư chi bộ tiền nhiệm, cũng chính là hàng xóm của ông bà nội hắn.
Ban quản lý thôn đặt tại nhà họ Phùng.
Bành Viễn Chinh vừa mới bước vào cổng, một con chó liền sủa gâu gâu chạy đến, một ông lão mặc một chiếc áo cộc tay cổ tròn đang gánh một gánh phân heo chuẩn bị ra cửa, thấy Bành Viễn Chinh, ông hơi sửng sốt, cười nói:
- Viễn Chinh? Sao cháu có thời gian về thăm thôn vậy? Nghỉ học rồi à?
- Ông Ba! Cháu tốt nghiệp đại học rồi, về thăm ông Ba đây. À, ông Ba, chú Đại Tráng có ở đây không?
Bành Viễn Chinh lấy lại bình tĩnh, cười hỏi.
Bí thư chi bộ họ Phùng, là con thứ ba trong gia đình, bởi vậy, từ nhỏ Bành Viễn Chinh gọi ông là ông Ba. Lúc hắn còn nhỏ, khi nghỉ hè, nghỉ đông đều về sống ở nhà ông bà nội, có thể nói ông Phùng là người một nhà, nhìn hắn dần lớn lên.
Ông Phùng để gánh phân xuống, kéo Bành Viễn Chinh vào trong nhà, vừa đi vừa kêu lên:
- Đại Tráng, Viễn Chinh về rồi nè! Mau cắt dưa hấu cho nó ăn giải nhiệt coi!
…
Sau khi biết được ý định của Bành Viễn Chinh, ông Ba cũng không hỏi nhiều. Dù sao chuyện cha mẹ Bành Viễn Chinh từ Giang Nam chạy nạn tới đây, trở thành một hộ ngoại lai của thôn, mọi người đều biết, cũng không có gì phải giấu diếm.
Ông Ba ngồi một bên hồi tưởng lại, Bành Viễn Chinh ngồi cạnh ông, ghi chép tỉ mỉ về thời gian và mọi chuyện xảy ra từ khi cha mẹ hắn chuyển đến thôn Bác Hà, rồi sau đó nhờ Đại Tráng đóng dấu của Ban quản lý thôn vào.
Ngồi chơi ở nhà họ Phùng một lát, Bành Viễn Chinh đứng dậy cáo từ.
Ra khỏi thôn, Tào Dĩnh cũng không hỏi hắn, chỉ yên lặng chở Bành Viễn Chinh chạy về phía Bạch Vân Quan ở hướng bắc.
Tào Dĩnh tưởng Bành Viễn Chinh muốn đến làng để xem tình hình trước, dù sao hắn cũng được điều đến công tác ở xã này. Không ngờ, Bành Viễn Chinh rành rẽ chỉ dẫn, hai người không đi vào xã mà đi dọc theo một con đường nhỏ vào núi.
Sở dĩ xã này có cái tên Bạch Vân Quan (Am Bạch Vân), là vì dưới chân núi này có am Bạch Vân. Về sau, khi am Bạch Vân trở thành điểm du lịch, du khách ùn ùn kéo đến. Tuy nhiên, vào lúc này, am Bạch Vân trong thung lũng hết sức thanh tịnh và đẹp đẽ. Mấy tòa kiến trúc theo kiểu cổ xưa đổ nát, trên những vách tường thấp mọc đầy cỏ dại. Trên khoảng sân nhỏ trước cửa am không có một bóng người, chỉ có hai cây hòe cổ thụ đang rít gào trong gió, khiến lòng người thêm phiền muộn.
Bành Viễn Chinh im lặng đứng một cách trang nghiêm trước cửa am, chăm chú nhìn cảnh am, vẫn duy trì sự lặng lẽ khác thường.
Tào Dĩnh nhíu mày, cô không biết đột nhiên Bành Viễn Chinh chạy tới nơi đây để làm gì.
Một lát sau, từ trong am, một đạo sĩ tuổi trung niên mặc một chiếc áo bào ngắn cũ kỹ đi ra. Đạo sĩ này hơi nhỏ người, tướng mạo nhân từ mà tinh anh.
Khi đạo sĩ trông thấy Bành Viễn Chinh và Tào Dĩnh, ông hơi ngẩn ra.
Bành Viễn Chinh thở dài, đột nhiên bước tới hai bước, hai tay giao nhau trước bụng, lòng bàn tay hướng vào phía trong, mu bàn tay hướng ra ngoài, tạo thành một đường vòng cung, lướt lên ngực, tay phải vạch một đường cong xuống phía dưới vờn quanh, đồng thời, khom người chắp tay theo lối đạo sĩ, cao giọng nói:
- Minh Tâm đạo trưởng, Viễn Chinh xin chào!
Đạo sĩ giật mình kinh hãi, người thanh niên cao lớn trước mắt này nhìn qua hết sức xa lạ, nhưng nói ra được đạo hiệu của ông ta, mà cách hắn chắp tay rất đúng chuẩn, đưa thân ra trước, mắt khép hờ, bình tâm tĩnh khí, động tác không ngờ lại lộ ra vẻ bồng bềnh đầy cao siêu thoát tục.
Đạo sĩ vội đáp lễ:
- Bần đạo xin kính chào, xin hỏi cư sĩ từ đâu đến?
Bành Viễn Chinh không kìm nổi, nhè nhẹ thở dài.
Thời gian quay trở lại, đáng tiếc là Minh Tâm đạo nhân không thể nào nhận ra hắn. Kiếp trước, do công tác ở xã quá nhàm chán, hàng ngày hắn đều đến Bạch Vân Quan học Thái Cực Quyền với Minh Tâm đạo nhân, liên tục mấy năm trời, bất kể gió mưa. Có thể nói, hai người là bạn vong niên tâm đầu ý hợp, lại có nghĩa thầy trò.
Bành Viễn Chinh, lui ra sau một bước, trầm thắt lưng xuống, bình tâm nín thở, nhịp nhàng khoan thai, nâng lên hạ xuống liền mạch, lưu loát như nước chảy mây trôi, đánh liền một hơi một trăm lẻ tám thức Thái Cực Quyền. Chỉ thấy hắn nhanh nhẹn di chuyển, khi lùi khi tiến, lúc bùng nổ như mãnh long quá giang, lúc uyển chuyển như một dòng suối nhỏ róc rách, tiến thoái thần tốc, hư thật khó lường.
Lúc đầu, động tác của Bành Viễn Chinh còn có phần chưa thuần thục và gượng gạo, nhưng càng về sau, càng mượt mà lưu loát tự nhiên, nhìn qua là biết ngay đã nhiều năm khổ luyện.
Minh Tâm đạo nhân càng xem càng kinh, không phải bởi vì Bành Viễn Chinh có bản lĩnh thâm hậu, mà là bởi vì bộ quyền pháp này, ông ta đã thuộc nằm lòng đến mức không thể nào thuộc hơn nữa.
Bởi vì bộ quyền pháp này là do sư phụ của ông, Âu Thị đạo nhân pha trộn tinh hoa của Thái Cực Quyền, Hình Ý Quyền và Trường Quyền, trải qua hơn mười năm sửa đổi mà thành, so với quyền pháp của nhiều hệ phái Thái Cực Quyền khác còn lưu truyền tới nay, nó có tính tấn công và tính thực dụng nhiều hơn. Đương nhiên, độ khó khăn khi tập luyện cũng lớn hơn.
Thái Cực Quyền bình thường, chỉ cần nhập môn khoảng một năm là đã thông thạo, mà với Âu Thị Thái Cực, ba năm khổ công cũng khó thể qua được giai đoạn sơ cấp. Muốn thành thục, càng cần phải có thời gian dài nghiền ngẫm và tiến bộ.