Cây Thập Tự Ven Đường

Chương 2: Chương 2




Quầng sáng mờ mờ le lói - thứ ánh sáng mang màu xanh lục nhợt nhạt ma quái - nhảy múa ngoài tầm với cô gái.

Giá như cô có thể với tới nó.

Chỉ cần cô với được tới nó, cô sẽ an toàn.

Quầng sáng mờ mờ, ẩn hiện trong bóng tối của cốp xe, đong đưa đầy cay độc ngay trên hai chân cô gái lúc này đang bị trói chặt vào nhau bằng băng dính, hai cánh tay cô cũng vậy.

Một bóng sáng...

Thêm mảnh băng dính nữa bịt kín miệng và cô đang thở bằng mũi, cẩn thận hít vào từng chút một, như thể không gian bên trong cốp chiếc Camry chỉ chứa đựng có ngần ấy không khí. Người cô xóc nảy lên đau điếng khi chiếc xe vấp phải ổ gà. Cô nấc lên một tiếng kêu tắc nghẹn.

Thỉnh thoảng lại có chút ánh sáng từ các nguồn khác thâm nhập được vào: Một quầng sáng nhờ nhờ đỏ quạch khi hắn đạp phanh, đèn xi nhan khi xe rẽ. Không còn thêm nguồn sáng từ bên ngoài vì lúc này đã khoảng gần một giờ đêm.

Một đốm sáng dập dờn lắc tới lắc lui. Đó là cần mở cốp khẩn cấp. Qua khe hở tay cầm, hình dáng một người đàn ông nhảy ra khỏi xe rọi đèn vào bóng tối.

Nhưng cần mở vẫn nằm ngoài tầm với của chân cô.

Tammy Foster đã ngừng khóc. Những tiếng nức nở bắt đầu sau khi kẻ tấn công ập tới từ sau lưng cô trong bãi để xe tối tăm của câu lạc bộ, dán băng dính bịt lên miệng cô, vặn trói hai tay ra sau lưng và ném cô vào cốp xe. Hắn cũng buộc luôn chân cô lại.

Cô gái mười bảy tuổi cứng đờ trong cơn hoảng loạn khi nghĩ rằng: Hắn không muốn bị nhìn tháy mặt. Thế là tốt. Hắn không muốn giết mình.

Hắn chỉ muốn làm mình sợ.

Tammy đưa mắt nhìn quanh cốp xe, đốm sáng đang đung đưa. Cô gái cố gắng dùng đôi bàn chân với lấy nó, song nó lại trượt đi giữa hai chiếc giày. Tammy khá khoẻ mạnh vì cô chơi bóng đá và còn tham gia đội hoạt náo viên. Nhưng vì góc độ không thuận lợi, cô chỉ có thể giữ hai chân giơ lên được trong vài giây.

Bóng sáng vẫn tuột khỏi tầm với của cô.

Chiếc xe tiếp tục phóng đi. Từng chặng đường trôi qua, cô càng cảm thấy tuyệt vọng hơn. Tammy Foster lại bắt đầu khóc.

Đừng! Đừng! Mũi mình sẽ nghẹt và mình sẽ bị ngạt thở.

Cô gái ép bản thân phải ngừng khóc.

Đáng lý Tammy phải có mặt ở nhà trước nửa đêm. Mẹ cô bé có lẽ sẽ nhớ ra con mình về muộn nếu bà không đang say mèm trên trường kỷ, than thân trách phận về mọi rắc rối nào đó với ông bạn trai mới nhất.

Hoặc có thể em gái sẽ nhớ tới cô, nếu con bé không phải đang vùi đầu vào mạng Internet hay gọi điện thoại - một trong hai việc Tammy chắc chắn nó đang làm.

Choang.

Vẫn là âm thanh như lúc trước - tiếng kim loại va đập vào nhau khi hắn ném thứ gì đó lên băng ghế sau.

Tammy nghĩ tới những bộ phim kinh dị từng xem Những bộ phim quái đản, ghê tởm. Tra tấn, giết chóc. Với đủ thứ dụng cụ.

Đừng có nghĩ về chuyện đó. Cô gái tập trung chú ý vào thứ ánh sáng màu xanh lục đang đung đưa của cái cần mở cốp.

Và nghe thấy một âm thanh mới. Biển.

Cuối cùng xe dừng lại, và hắn tắt máy.

Ánh đèn vụt tắt.

Chiếc xe đung đưa khi người đàn ông cựa quậy trên ghế dành cho tài xế. Hắn đang làm gì vậy? Lúc này cô có thể nghe thấy cả tiếng kêu ồm ồm trong cổ họng của những con hải cẩu gần đó. Họ đang ở một bãi biển, và quanh nơi đây, vào giữa đêm tối, hẳn là hoàn toàn vắng lặng.

Một cánh cửa xe mở ra rổi đóng lại. Và một cánh cửa thứ hai mở ra. Thêm tiếng kim loại va vào nhau loảng xoảng vang lên trên băng ghế sau.

Các dụng cụ... tra tấn.

Cánh cửa đóng sầm thật manh.

Và Tammy Foster phát hoảng. Cô bé chìm vào trong tiếng nức nở, vùng vẫy cố hít vào nhiều hơn thứ không khí tệ hại. "Không, làm ơn, làm ơn!", cô kêu lên, dẫu cho những lời đó qua tấm băng dính trên miệng cô chỉ còn là thứ âm thanh ư ử.

Tammy bắt đầu đọc lướt qua mọi lời cầu nguyện mà mình còn nhớ trong khi chờ nắp cốp xe bật mở.

Tiếng sóng biển rì rào. Lũ hải cẩu kêu ầm ừ.

Cô sắp chết.

“Mẹ ơi.”

Nhưng sau đó... chẳng có gì xảy ra.

Nắp cốp xe không nhấc lên, cửa xe không bật mở, cũng không thấy tiếng bước chân lại gần. Sau ba phút, cô đã kiểm soát được bản thân. Cơn hoảng loạn dịu dần.

Năm phút đã trôi qua, và hắn vẫn chưa mở nắp cốp.

Mười.

Tammy khẽ bật cười man dại.

Chỉ là một màn dọa dẫm hãi hùng. Hắn sẽ không giết hay hiếp cô. Một trò đùa tai ác.

Cô đang thực sự mỉm cười dưới lớp băng dính thì chiếc xe đung đưa, cho dù rất nhẹ. Nụ cười của cô tắt ngấm. Chiếc Camry lại rung lên lần nữa, kiểu dao động như bị xô đẩy nhẹ, dù rằng mạnh hơn lần trước. Tammy nghe thấy tiếng nước bì bõm và rùng mình. Cô gái chợt nhận ra một con sóng vừa đập vào đầu xe.

Ôi, Chúa ơi, không! Hắn đã bỏ lại chiếc xe trên bãi biển, trong khi thủy triều sắp lên!

Chiếc xe lún xuống cát khi nước dâng lên ngập quanh bốn bánh. Không! Một trong những điều cô sợ nhất là bị chết đuối. Và bị mắc kẹt tại một không gian chật chội khép kín như nơi này... thật không tưởng tượng nổi. Tammy bắt đầu đạp lên nắp cốp.

Nhưng tất nhiên, ngoài đó chẳng có ai nghe thấy, ngoài lũ hải cẩu.

Nước biển lúc này đang vỗ ì oạp vào hai bên thành chiếc xe của hãng Toyota.

Ánh sáng...

Bằng cách nào đó, cô phải giật cần mở nắp cốp xe. Cô hất tung đôi giày đang đi ra và thử lần nữa, đầu gí mạnh xuống tấm thảm, tuyệt vọng giơ hai bàn chân hướng về phía cái cần sáng mờ mờ. Cô kẹp hai bàn chân vào hai bên cần, ấn mạnh, các cơ bụng thắt lại.

Ngay bây giờ!

Hai chân cô bị chuột rút đau buốt, cô kéo cái cần xuống.

Một tiếng tách.

Phải! Nó đã mở!

Nhưng rồi Tammy rên lên kinh hoàng. Cần gạt đã hạ xuống theo bàn chân, nhưng cốp xe vẫn không mở. Cô trợn mắt nhìn bóng đèn màu xanh lục nằm ngay cạnh mình. Hẳn là hắn đã cắt dây! Sau khi ném cô gái vào cốp, hắn đã cắt nó. Cần mở chỉ còn nằm đung đưa ở đó, không còn nối với dây cáp nâng nắp cốp xe.

Cô đã mắc kẹt.

Ai đó, làm ơn đi, Tammy lại cầu nguyện... tới Chúa, tới một người tình cờ đi ngang qua, thậm chí cả tới kẻ bắt cóc cô, có thể hắn sẽ ban cho cô chút lòng thương hại.

Nhưng câu trả lời duy nhất là tiếng òng ọc dửng dưng của nước biển bắt đầu tràn vào trong cốp.

~*~

Khách sạn Peninsula Garden nằm lẩn khuất trong khu dân cư gần Xa lộ 68 - tuyến đường dài hai mươi dặm nổi trội với hầu hết những đặc trưng vốn tồn tại ở nơi này - Chốn muôn hình muôn vẻ của hạt Monterey.

Con đường quanh co uốn lượn về phía tây bắt đầu từ Salinas - nơi được mệnh danh là “Vườn rau quả của cả nước”. Lướt ngang qua Đồng cỏ nhà trời[1] xanh bạt ngàn là đường đua Laguna Seca[2] đầy náo nhiệt, hay những khu văn phòng phức hợp, rồi đến Monterey bụi bặm và Pacific Grove[3] với những rặng thông trải dài vô tận. Cuối cùng, để kết thúc chuyến hành trình, tuyến đường sẽ đưa các tay lái, hay chí ít những người đã chịu khó băng qua toàn bộ khung cảnh kể trên từ đầu đến cuối, tới khu Seventeen Mile Drive[4] trứ danh - nơi cư ngụ của một loại người hay gặp quanh nơi này: Những kẻ lắm tiền.

[1. Pastures of Heaven: cách gọi khác của cùng thung lũng Monterey theo nhan đề truyện ngắn cùng tên của John Steinbeck.

2. Trường đua ô tô và mô tô ở California, nằm gần cả Salinas và Monterey.

3. Một thành phố ven biển thuộc hạt Monterey, California.

4. Đoạn đường có phong cảnh rất đẹp chạy qua Pacific Grove và bãi biển Pebble ở bán đảo Monterey, California.]

“Không tồi,” Michael O’Neil nói với Kathryn Dance trong khi cả hai cùng chui ra khỏi chiếc xe của anh.

Dance quan sát khu nhà chính trang trí theo phong cách Tây Ban Nha và sáu tòa nhà nằm gần kề qua cặp kính hẹp gọng xám. Khu nhà nghỉ trông khá tiện nghi, cho dù ở vài ngóc ngách đã hơi cũ và bụi bặm. “Đẹp quá. Tôi thích nó.”

Trong lúc cả hai người đứng quan sát khu khách sạn, phía xa là bờ biển Thái Bình Dương lờ mờ trong sương sớm, Dance - một chuyên gia về phân tích cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể - đang cố gắng dò xét O’Neil. Một chánh thanh tra của Ban Điều tra Sở Cảnh sát hạt Monterey, là người thật khó đánh giá. Người đàn ông có thân hình vạm vỡ ngoài bốn mươi tuổi với mái tóc muối tiêu này tương đối dễ tính, nhưng khá kiệm lời trừ khi anh biết rõ đối phương. Thậm chí cả khi đó anh cũng rất dè xẻn trong cử chỉ và thái độ của mình. Người đàn ông này không bộc lộ nhiều qua điệu bộ, cử chỉ.

Tuy vậy, vào thời điểm hiện tại cô có thể nhận thấy rằng anh chẳng chút mảy may bồn chồn, bất chấp tính chất chuyến đi của họ tới đây.

Cô thì... hoàn toàn trái ngược.

Kathryn Dance - một phụ nữ gọn gàng ở độ tuổi ngoài ba mươi - hôm nay để mái tóc màu vàng sẫm của mình theo cách cô vẫn thường làm - bện thành bím theo kiểu Pháp - phần cuối đuôi tóc là một dải ruy băng màu xanh nhạt do chính con gái cô đã chọn sáng hôm đó và buộc cẩn thận thành một cái nơ. Dance mặc một chiếc váy dài xếp ly màu đen và khoác áo vest đồng màu bên ngoài chiếc sơ mi trắng. Đôi bốt đen cổ thấp cao năm phân - món hàng khiến người phụ nữ này mê mẩn từ nhiều tháng trời nhưng cô đã cố kiềm chế chờ đến khi chúng được bán hạ giá.

O’Neil đang mặc trên người một trong số ba hay bốn bộ trang phục thường ngày của mình: quần vải bông ống hẹp và áo sơ mi xanh, không cà vạt. Áo khoác ngoài của anh có màu xanh sẫm kẻ ca rô mờ.

Người gác cửa, một anh chàng người La Tinh vui vẻ, nhìn hai người từ đầu đến chân với nét mặt như muốn nói: Có vẻ rất đẹp đôi đây. “Hân hạnh chào đón ông bà. Hy vọng ông bà vui vẻ trong thời gian lưu lại đây”, anh ta mở cửa cho họ.

Dance gượng cười nhìn O’Neil, rồi cả hai băng qua tiền sảnh hây hẩy gió để tiến đến quầy lễ tân.

~*~

Từ khu nhà chính, họ đi xuyên qua khuôn viên khách sạn, tìm kiếm phòng đã được hẹn trước.

“Tôi chẳng bao giờ nghĩ chuyện này sẽ diễn ra”, O’Neil nói với Dance.

Nữ đặc vụ khẽ cười. Cô thích thú khi nhận ra đôi mắt mình thỉnh thoảng lại bất giác hướng về phía các cửa ra vào và cửa sổ. Đây là một dạng phản ứng mang tính phi ngôn ngữ, điều đó chứng tỏ chủ thể đang vô thức tìm kiếm lối thoát - một biểu hiện thường thấy ở những người đang trong trạng thái căng thẳng.

“Nhìn kìa”, cô nói, chỉ tay về phía bể bơi. Nơi này dường như phải có đến bốn cái.

“Giống như Disneyland[5] cho người lớn vậy. Nghe nói có rất nhiều nghệ sĩ nhạc rock từng ở đây.”

[5. Disneyland: là một phần của phức hợp khổng lồ của Disneyworld - tập đoàn số 1 thế giới về các dịch vụ đa năng được sáng lập bởi Water Elias Disney (1901-1966).]

“Thật sao?”, cô cau mày.

“Có gì không ổn à?”

“Chỉ là tôi đang nghĩ bị ném đá và quẳng tivi cùng đồ đạc qua cửa sổ thực sự chẳng vui vẻ gì.”

“Nơi này là Carmel, thưa quý cô”, O’Neil nhắc nhở. “Trò điên rồ nhất người ta từng bắt gặp ở đây là ném đồ có thể tái chế vào thùng rác.”

Dance nghĩ tới đường lui song vẫn giữ im lặng. Những lời đùa cợt chỉ càng làm cô thêm bồn chồn.

Cô dừng lại bên một cây cọ có lá trông như những món vũ khí sắc lẹm. “Chúng ta đang ở đâu đây?”

Người chánh thanh tra nhìn vào một mảnh giấy, định hướng cho bản thân rồi chỉ vào một trong các ngôi nhà nằm phía sau. “Kia.”

Họ dừng lại ngoài cửa. O’Neil thở ra và nhướng một bên mày. “Tôi đoán là nó đây.”

Dance bật cười. “Tôi có cảm giác như mình là một cô gái vị thành niên vậy.”

O’Neil gõ cửa.

Sau một khoảnh khắc im ắng, cánh cửa mở ra, để lộ một người đàn ông gầy gò, có lẽ đã gần năm mươi tuổi, mặc quần đen, áo sơ mi trắng và đeo một cái cà vạt kẻ sọc. “Michael, Kathryn. Thật đúng giờ. Mời vào.”

Ernest Seybold, công tố viên lâu năm của hạt Los Angeles, gật đầu mời họ vào phòng. Bên trong, một nhân viên lưu trữ của tòa án đang ngồi bên cạnh chiếc máy ghi âm được lắp trên một cái giá ba chân. Một phụ nữ trẻ khác đứng dậy chào hai người mới đến. Cô ta được Seybold giới thiệu là trợ lý của ông tới từ L.A[6].

[6. Viết tắt của Los Angeles.]

Đầu tháng này, Dance và O’Neil đã thực hiện một vụ điều tra ở Monterey: Daniel Pell - kẻ lãnh đạo giáo phái và cũng là một tên sát nhân đang bị kết án - đã vượt ngục và ẩn náu tại vùng bán đảo, lăm le xử thêm vài nạn nhân. Không may rằng một trong số những đối tượng hóa ra lại là người hoàn toàn khác với dự đoán của Dance cùng các đồng nghiệp của cô. Hậu quả của sai lầm đáng tiếc trên đã dẫn đến một vụ án mạng nữa.

Dance kiên quyết muốn truy bắt hung thủ. Nhưng có rất nhiều áp lực nảy sinh từ một số tổ chức rất có máu mặt khiến cuộc điều tra phải khép lại. Đương nhiên, Dance không muốn chấp nhận bỏ cuộc, và trong khi công tố viên Monterey từ chối thụ lý vụ án, cô cùng O’Neil được biết thủ phạm lại gây thêm một vụ giết người nữa tại Los Angeles. Công tố viên Seybold, người vẫn thường xuyên làm việc cùng cơ quan của Dance - Cục Điều tra California, đồng thời cũng là bạn của cô, đồng ý tiến hành chuyển hồ sơ khởi tố đến L.A.

Tuy vậy, vẫn có một số nhân chứng lại sống ở khu vực Monterey, bao gồm cả Dance và O’Neil, do đó ngày hôm nay Seybold đã tới đây để thu thập lời khai. Tính chất bí mật của cuộc gặp gỡ này là hệ quả từ tiếng tăm và các mối quan hệ của thủ phạm. Thực tế, thời gian này họ thậm chí không gọi ra tên thật của kẻ sát nhân. Trong nội bộ, nó được ước định bằng cụm từ “Dân chúng chống lại J.Doe”.

Khi họ ngồi xuống, Seybold nói, “Cô cần phải biết rằng, rất có thể chúng ta sẽ gặp rắc rối.”

Cảm giác bất an của Dance từ khi mới bước vào - rằng sẽ có gì đó trục trặc và mọi thứ không như mong đợi đã quay trở lại.

Người công tố viên nói tiếp, “Bên bào chữa đang vận động miễn truy tố dựa trên luật miễn truy tố trách nhiệm hình sự. Thành thực mà nói, tôi không thể cam đoan với cô có bao nhiêu khả năng thành công. Phiên tòa xét xử đã được lên lịch và sẽ diễn ra vào ngày kia.”

Dance nhắm mắt lại. “Ôi không.”

Bên cạnh cô, O’Neil thở hắt ra đầy phẫn nộ.

Tất cả công sức bỏ ra...

Nếu hắn thoát khỏi tay công lý, Dance thầm nghĩ... nhưng rồi chợt nhận ra mình chẳng biết gì hơn ngoài việc: Nếu hắn thoát khỏi tay công lý thì coi như mình thất bại.

Cô cảm thấy quai hàm mình đang run lên.

Seybold tiếp lời, “Tôi đang có một đội chuyên thu thập chứng cứ. Họ rất khá. Là nhóm ưu tú nhất tại văn phòng công tố.”

“Bằng bất cứ giá nào, Ernie,” Dance nói, “Tôi muốn tóm hắn. Tôi muốn hắn phải bị trừng phạt thích đáng.”

“Rất nhiều người muốn thế, Kathryn. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể.”

Nếu hắn thoát được...

“Hãy bắt tay vào việc ngay nếu chúng ta muốn thắng,” ông nói một cách tự tin, và phần nào làm Dance thấy an tâm. Họ bắt đầu làm việc, Seybold đưa ra vô số câu hỏi liên quan tới tội ác mà Dance và O’Neil đã chứng kiến, những bằng chứng trong vụ án.

Seybold là một công tố viên dày dạn kinh nghiệm và ông biết mình đang làm gì. Sau một giờ trao đổi với cả hai, người đàn ông gầy gò nhưng rắn rỏi ngồi xuống trở lại và tuyên bố hiện thời như thế là tạm đủ. Ông đang chờ đợi một nhân chứng nữa - một cảnh sát tiểu bang người địa phương - anh ta cũng đã đồng ý ra làm chứng.

Dance và O’Neil cảm ơn Seybold khi ông đồng ý sẽ gọi điện cho họ ngay khi thẩm phán yêu cầu bên bị giải trình trong phiên điều trần miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khi cả hai quay ra tiền sảnh, O’Neil bước chậm lại, nét mặt tỏ vẻ nghĩ ngợi.

“Gì vậy?” Dance hỏi.

“Chúng ta chơi trò bùng học đi.”

“Ý anh là sao?”

Người đàn ông hất hàm về phía nhà hàng sân vườn tuyệt đẹp, nhìn ra một vách đá với mặt biển trải rộng ngay bên dưới.

“Vẫn còn sớm. Lần cuối cùng ai đó mặc đồng phục trắng muốt mang món trứng Benedict[7] đến cho cô là khi nào vậy?”

[7. Có nguồn gốc từ nước Mỹ, vào những năm 1890. Thành phần gồm bánh mì với thịt xông khói, trứng trần nước sôi và sốt Hollandaise (sốt làm từ lòng đỏ trứng và bơ). Đây là một món ăn quen thuộc trên thế giới.]

Dance nghĩ ngợi. “Giờ là mấy giờ rồi?”

Anh mỉm cười. “Đi nào. Chúng ta sẽ không bị muộn đâu.”

Cô đưa mắt nhìn đồng hồ. “Tôi không biết nữa.”

Kathryn Dance chưa bao giờ nghỉ không phép khi còn đi học, huống chi là lúc này, khi cô đang nắm giữ cương vị đặc vụ cao cấp của Cục Điều tra California.

Nhưng rồi cô tự hỏi: Sao mình lại do dự chứ? Mình thích ở bên Michael, hầu như mình vẫn luôn tìm đến anh ấy những lúc gặp khó khăn.

“Yên tâm đi”, cảm giác hứng khởi lại ùa về trong cô, nhưng lần này là một sự dễ chịu nhè nhàng.

Họ ngồi cạnh nhau tại một băng ghế bên rìa khu nhà hàng, nhìn xuống các ngọn đồi. Bình minh đã lên cao, đó là một buổi sáng tháng Sáu trong trẻo, nóng bức.

Người nhân viên phục vụ trong bộ đồng phục chỉn chu, cùng một chiếc sơ mi trắng cổ cồn[8] mang thực đơn đến và rót cà phê cho họ. Ánh mắt Dance rơi ngay xuống trang bìa, nơi nhà hàng đang trưng bày hình ảnh về loại đồ uống Mimosas[9] nổi tiếng. Ôi không, cô nghĩ, và liếc lên nhìn O’Neil và bắt gặp anh cũng đang nhìn vào đó.

[8. Cổ áo sơmi cứng, phẳng do được dựng bằng một lớp vải dính.

9. Một loại thức uống hỗn hợp có chứa rượu sâm banh và nước cam.]

Họ bật cười.

“Khi nào chúng ta xong việc tại L.A. trước bồi thẩm đoàn hay ra trước toà,” anh nói, “... sâm banh nhé.”

“Nhất trí.”

Đúng lúc ấy điện thoại của O’Neil đổ chuông. Anh lướt nhìn qua danh tính người gọi. Dance lập tức nhận ra ngay những thay đổi trong cử chỉ của anh - vai hơi nhô cao, hai cánh tay co sát hơn vào người, ánh mắt nhìn vào màn hình đầy tập trung.

Cô biết người gọi là ai, thậm chí trước cả khi anh vui vẻ trả lời máy, “Chào, em yêu”.

Từ cuộc trò chuyện qua điện thoại, Dance phỏng đoán vợ anh, Anne, một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, vừa có một chuyến công tác phát sinh ngoài dự kiến, và cô đang hỏi chồng về lịch làm việc của anh.

Cuối cùng, O’Neil ngắt liên lạc, lặng im chờ cho bầu không khí tĩnh lặng lại trong giây lát và bắt đầu xem thực đơn.

“Được rồi,” anh lên tiếng, “trứng Benedict.”

Khi Dance ngước tìm người phục vụ định gọi món tương tự thì đến lượt chính điện thoại của cô rung lên. Cô đưa mắt đọc tin nhắn, cau mày, sau đó đọc lại lần nữa, ý thức được cử chỉ bên ngoài của cơ thể mình đang thay đổi nhanh chóng. Tim đập nhanh hơn, vai nhô cao, chân gõ liên tục trên mặt đất.

Dance thở dài, động thái vẫy tay gọi món nhanh chóng chuyển sang dấu hiệu ngỏ ý muốn thanh toán tiền.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.