Chai Thời Gian

Chương 30: Chương 30




Chợ Nongkhai trước bình minh trông như một bức tranh thuộc trường phái Ấn tượng. Bầu không khí u ám bao trùm tất cả, loang lỗ ánh đèn hắt ra từ các quầy bán thịt. Chúng tôi ngồi xuống cái ghế đẩu gỗ trước một xe hàng đầy bán cà phê. Người bán hàng đang lấy những chiếc bánh ránh giòn bóng mỡ ra khỏi một túi giấy lớn màu nâu đặt lên đĩa thiếc ngẩng đầu nhìn chúng tôi với ánh mắt xa lạ. “Hai cậu dùng gì?” Ông ta cộc cằn hỏi, gương mặt tái xám không chút cảm xúc.

“Làm ít cà phê nhỉ?” Chai nhìn tôi hỏi. Tôi gật đầu hướng mắt sang khu chợ.

Người đi chợ bắt đầu kéo đến. Những tiểu thương, cả nam lẫn nữ, đầu đội nón lá Việt Nam, mình bận áo ngủ thùng thình và quần đen, trên vai gánh những món hàng nặng trĩu, vừa đi vừa rao to bằng thứ tiếng Việt du dương trong khi các bà nội trợ hờ hững xách những chiếc giỏ to tướng lượn mua thực phẩm tươi. Khung cảnh nơi đây như tiết tấu của một ca khúc kết hợp cái đều đều và nét duyên dáng của cuộc sống vào một giai điệu chung duy nhất, và tôi luôn yêu bất cứ những gì đối lập mà lại hoà hợp như vậy.

Chúng tôi ngồi đó đến khi ánh bình minh dịu dàng rải trên phiên chợ và người tới đông hơn.

“Đi đâu tiếp đây?” tôi khẽ hõi Chai.

“Chả biết nữa…” Chai di ngón tay biến chỗ nước đây ra bàn thành bức tranh. “Trước tiên cứ đi tìm khách sạn nghỉ ngơi đã. Nếu không có gì đáng xem quanh đây, bọn mình sẽ lên xe buýt đến thị trấn tiếp theo.”

“Cậu nói cứ như một tay ngẫu hứng không biết đến kế hoạch ấy.” Tôi đẩy cốc nước không sang một bên.

“Mình từ bỏ những thứ đó từ rất lâu rồi.” Chai cười nhưng ánh mắt nó ánh lên nỗi chua xót. “Có những lúc ta tự đặt ra một mục tiêu, rồi chỉ nhận được thất vọng và đau đớn mà thôi.”

“Mình hiểu.” Tôi vươn tay vỗ nhẹ vai nó. “Đi thôi.”

Từ chợ, chúng tôi thuê xích lô đi lòng vòng quanh thị trấn, dọc theo những con phố hẹp hai bên là các ngôi nhà kiêm cửa hàng nhỏ, qua vài ba ngôi chùa, và rồi men theo bờ sông cho đến khi chúng tôi dừng lại ở một khu liên hiệp hải quan và nhập cảnh. Chúng tôi xuống xe đi bộ ra bến sông, ngắm nhìn con sông Mekong lững lờ chảy ngăn cách hai đất nước.

“Cậu qua đó bao giờ chưa?” Chai chỉ sang bờ bên kia.

“Chưa.” Tôi lắc đầu. “Cậu thì sao?”

“Mình cũng thế… Mình tự hỏi không biết con sông có khiến hai bên bờ khác biệt, hay đúng hơn là nó tạo ra loại khác biệt nào.”

“Mình không nghĩ dòng sông liên quan gì ở đây,” tôi phản đối. “Sự khác biệt chỉ nằm trong đầu chúng ta thôi.”

Mặt trời rải bụi kim cương lấp lánh lên mặt nước.

“Mình thích sông,” tôi lẩm bẩm. “Chúng gợi mình nhớ đến hồi bé… đến ngôi nhà ngày xưa của mình.”

“Cậu giống như một thằng bé không chịu lớn vậy.” Chai nói nửa đùa nửa thật.

“Biết làm sao được!” Tôi quay lại dựa lưng vào hàng rào. “Nhiều khi mình có cảm giác cuộc sống của mình như một tấm xếp hình bị vỡ, và vài miếng ghép đã lạc mất từ hồi mình mới là một đứa trẻ.”

“Mình không nghĩ có ai trên đời này lại có cuộc sống hoàn hảo. Tất cả chúng ta đều lạc mất thứ gì đó, tất cả chúng ta.”

“Nhiều khi mình không khỏi nghĩ rằng giả bộ đừng bỏ mình và Ning…”

“Cậu biết là với chúng ta, nếu không phải chuyện này cũng sẽ là chuyện khác tồi tệ không kém thôi.” Chai nói như thể nó đã trải đủ đắng cay. “Cứ lấy mình làm ví dụ: mình vẫn nghĩ rằng nếu mẹ mình không quá mong mỏi mình trở thành một người lính như bố mình, thì mình đâu có ra nông nổi này. Mình vẫn nhớ mẹ dạy mình nhắc đi nhắc lại mấy từ Tổ quốc, Tự trọng, Kỷ luật, Can đảm, cho đến khi chúng nhấn vào huyết quản mình từ lúc bập bẹ tập nói. Mình đứng nghiêm chào ảnh bố chứ không quỳ lạy. Mẹ cho mình vuốt ve quân hàm của bố thay vì đồ chơi. Bà suốt ngày kể về sự oai nghiêm và ý chí thép của bố, về cuộc sống của học viên trường sĩ quan ngày trước, thế rồi dần dần, chúng trở thành một phần tiềm thức của mình. Từ hồi bé mình đã luôn mơ lớn lên được khoác bộ quân phục như bố mình, nhưng kể từ lúc đời mình rẽ ngoặt thình lình như vậy, mình không biết phải làm gì với bản thân nữa.”

“Sức hấp dẫn của cuộc sống có lẽ nằm ở chỗ ta chả thể đoán trước được điều gì.” Tôi thì thầm.

“Sức hấp dẫn với người ngoài thôi.” Chai rời ánh mắt khỏi con sông. “Nhưng khi cậu tình cờ lại là người hứng chịu, mình không thể tả cho cậu nó kinh khủng đến mức nào đâu.”

Chúng tôi tìm thấy một căn phòng hợp túi tiền ở một khách sạn nhỏ, cũ kỹ, xập xệ.

Mặc dù cả hai đứa đều phấn khích vì đã đi thật xa và lập kế hoạch đến thăm khá nhiều nơi, trên thực tế, sau khi tắm táp, bọn tôi nằm kềnh trên giường tán chuyện cho đến khi ngủ thiếp đi. Khi bọn tôi tỉnh dậy, đã là ba giờ chiều và bụng hai đứa bắt đầu cồn cào.

Suốt ba ngày ở Nongkhai, chúng tôi ăn, ngủ và tán chuyện thay vì đi thăm thú. Khối lượng chuyện hai đứa kể cho nhau nghe quả là kỳ tích. Như thể mỗi đứa mang theo một quyển nhật ký ghi lại tất cả những sự kiện xảy ra từ ngày đầu tiên đi học. Chúng tôi không quên cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất – như lúc bác sĩ đến tiêm phòng ta, khoảnh khắc đáng sợ nhất thời thơ ấu của bọn tôi, và cả lũ xếp hàng mặt mũi tái mét, rướn người nhìn qua vai đứa phía trước cho đến khi hàng ngũ lộn xộn hết cả, và một lần Eik bỏ chạy rồi trốn trong toa lét và cả lũ đuổi theo nó, tóm cổ nó lôi về như anh hùng bắt được trộm. Hay khi Chai ị đùn, phải cởi quần ra giặt và nó vào lớp với một mảnh vải sọc quấn quanh mượn của bác lao công. Những kỷ niệm ấy ẩn núp trong biết bao góc nhỏ của quá khứ và sẽ không bao giờ biến mất khỏi ký ức, dù bao nhiêu tháng năm trôi qua.

Tôi gặp thầy Wa-thin ở Nongkhai vào chính cái ngày cả hai quyết định đi du hí ở các tỉnh khác. Thầy còn gầy hơn trước và rất ngạc nhiên khi thấy chúng tôi. “Sao hai đứa lại ở đây thế này?” Thầy Wa-thin vỗ vai Chai và tôi, có vẻ hơi lúng túng.

“Con đang đưa Béo đi chơi để nó hết thất vọng vì trượt đại học ạ.”

“Cái gì!” Thầy Wa-thin quay sang tôi. “Sao lại thế! Con siêng năng vậy mà.”

“Thế còn con thì sao, Chai?” thầy giáo quay sang hỏi kẻ bép xép.

“Con sẽ vào Rarm.”

“Tốt.” Thầy Wa-thin gật gù rồi lặng đi một lúc như thể đang suy nghĩ gì đó. “Các con có muốn xem nhà thầy không?”

“Có chứ ạ. Chúng con không biết quê thầy ở đây.”

“Ồ không.” Thầy Wa-thin quay đi chỗ khác. “Thầy mới chỉ dọn về đây một hai tháng thôi.”

“Tức là thầy không còn dạy ở trường nữa ạ?” tôi ngạc nhiên hỏi.

“Thầy xin thôi rồi…” Thầy cúi mặt xuống hít một hơi dài, khoác lên vai chúng tôi dẫn hai đứa đi dưới ánh ngày mai không nói thêm lời nào.

Thầy Wa-thin sống trong một khu nhà dãy ven sông, ngay cạnh một kho hàng lớn sực mùi nước mắm và bụi bột sắn.

“Ngồi đi, ngồi đi.” Thầy chỉ mấy cái ghế cũ dựa vào tường.

Chúng tôi ngoan ngoãn ngồi xuống trong lúc thấy mất hút vào một căn phòng khá tối rồi quay trở lại với chai nước và ba cái cốc.

“ Thầy ở đây một mình ạ?” Tôi vừa hỏi vừa đảo mắt quanh phòng, để Chai đón lấy chai nước và mấy cái cốc từ tay thầy.

“Ừm…” Thầy hắng giọng, ngại ngùng. “Thầy ở với vợ. Cô ấy đang đi chợ, chắc sắp về rồi.”

“Vậy là thầy cưới vợ rồi ạ!” Chai kêu lên như không tin nổi vào tai mình.

Thầy Wa-thin gật đầu thay vì câu trả lời và ngồi đó im lặng, ra hiệu câu chuyện đã kết thúc.

Lát sau, vợ thầy đi chợ về. Cô gầy và mảnh dẽ, khuôn mặt đẹp nhưng buồn gợi tôi nhớ đến một bức tranh của Picasso.

“Wi à, đây là Nat và Chai – hai học trò cũ của anh.” Thầy Wa-thin đứng dậy nắm tay vợ.

Chúng tôi cúi đầu chào và tôi để ý thấy một thoáng e dè trong ánh mắt cô khi biết chúng tôi là ai.

“Các con ở lại đây ăn trưa chứ?” thầy Wa-thin mời đoạn quay sang phía vợ.

“Đúng đó, ở lại dùng bữa với thầy cô đi.” Cô ủng hộ.

“Chúng ta ăn gì đây ạ? Để con giúp một tay.” Chai đưa mắt nhìn tôi trước khi theo Wi vào bếp, để tôi lại một mình với thầy giáo.

“Thưa thầy…” Tôi ngập ngừng khi thấy thầy thoải mái hơn. “Có phải thầy thôi việc chuyển về đây vì vợ thầy không ạ?”

Thầy Wa-thin nhìn tôi với ánh mắt rạng ngời tình yêu và sự tự tin. “Con nhớ nhà thầy ở Bangkok, đúng không Nat?”

“Dĩ nhiên rồi ạ,” tôi đáp. “Ngôi nhà trong vườn chuối.”

Tôi nghĩ về dạo còn ở với bố và thường đến thăm thầy Wa-thin. Tôi vẫn nhớ ngôi nhà một tầng giữa những bụi chuối và cái hàng rào sắt gỉ cùng bài “Cây bồ đề buông mành” mà thầy giáo của tôi hay đàn khi thầy đứng bên cửa sổ nhìn sang căn nhà lớn đối diện. Đôi lúc thầy dừng nửa chừng, như thể đã mất hết tất cả hy vọng hay nhuệ khí, nhưng mỗi khi có một bóng người lấp ló đằng sau rèm cửa sổ trắng với một niềm say mê lạ thường như thể muốn giải bày cả trái tim mình qua giai điệu.

“Ý thầy là vợ thầy…” Đến lúc này tôi mới nhận ra rằng đằng sau tấm rèm ấy là một người phụ nữ.

“Ừ.” Thầy Wa-thin nhìn thẳng vào mắt tôi với ánh mắt giải đáp cho mọi việc trong tim thầy cũng như trong tim tôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.