Chai Thời Gian

Chương 38: Chương 38




Tối hôm đó, Chai giới thiệu tôi với nhiều bạn bè của nó. Tôi ngồi im lặng ở góc phòng trong khi chúng hăm hở luận bàn, dùng những từ ngữ choang choang mà Porm cũng ưa thích, còn tôi chả thiết nghe lắm bởi lòng còn mải nghĩ về Jom. Tôi rất muốn gặp lại chị. Tôi muốn biết bây giờ chị ở đâu, với ai và như thế nào - chị có hạnh phúc không. Tôi cứ mãi tự hỏi bản thân rằng liệu tôi có còn được gặp chị một lần nữa? Hay số phận đã chia rẽ chúng tôi mãi mãi?

Sau bữa hôm đó, chiều muộn nào tôi cũng đến đứng trước cổng trường Rarmkham-haeng như dạo trước, mỏi mắt tìm chị trong dòng người qua lại, để rồi đều thất vọng và ủ rũ tìm đến Chai hay lũ bạn của nó, trong lòng muộn phiền.

Khoảng thời gian ấy, sinh viên đại học rậm rịch biểu tình chống đế quốc Mỹ. Vậy nên thi thoảng tôi giúp vẽ áp phích hay tờ rơi cho bạn của Chai để quên Jom. Có những buổi chúng tôi tụ tập lại hát những bài hát lạ lùng. Tôi vẫn còn nhớ nhiều bài trong số ấy dù không nhớ nổi tên, chẳng hạn một bài hát mở đầu như sau:

“Kìa đám máy bay đang kéo đến

Cùng chiến tranh đến với nỗi đau chia cắt

Dưới tấm màn chói tai gào rít

Mặt đất bốc cháy, xác trẻ đầy đường,

Ôi những bà mẹ đã chết, những thân xác thương tật

Kẻ nào, kẻ nào gây ra nỗi này trời ơi?”

Hay bài theo phong cách Đông Bắc:

“Tạm biệt em, hỡi người yêu dấu

Hãy tìm nhé em, một tình yêu mới

Kiếp này hãy xoa dịu những đôi mắt đớn đau

Ve vuốt trái tim đau, xin chờ kiếp sau

Hãy lôi chúng ra đây

Những tên tư bản Mỹ...”

Hồi đó, chắc không có đứa sinh viên nào là không biết đến “Chiếc lá rừng,” bắt đầu như sau:

“Một chiếc lá khẽ rơi bên bìa rừng

Hạnh phúc hơn lá vàng trong thành phố

Chỉ đợi để rơi chả vì cớ chi

Một đốm bẩn giữa rừng người lố nhố”

Hay một bài thơ như thế này:

“Để lau dấu lệ nhân sinh

nguyện lòng tranh đấu cả nghìn đời ta

Mai sau dù có sinh ra

vẫn xin dâng hiến thân này của chung.”

Những nam nữ thanh niên ngày ấy nhiệt thành mong gánh vác bao vấn đề xung quan họ. Trái tim họ tràn đầy hy vọng, sự hy sinh và những lý tưởng cao đẹp. Nhưng giờ đây, khi nhiều năm đã qua đi, ngẫm lại thời gian ấy, tôi không khỏi thắc mắc về một số điều họ đã làm, nhất là khi tôi nhìn vào những thanh niên hôm nay cũng ở cái lứa tuổi của đám sinh viên chúng tôi ngày ấy, tôi chỉ có thể thấy tuổi trẻ trên gương mặt họ, cũng như tôi đã từng thấy tuổi trẻ trên bóng của tôi và những người khác phản chiếu trong chiếc gương quá khứ.

Một tối, Porm đến chỗ tôi. Trông nó chán nản hơn bình thường, ánh mắt phảng phất nỗi đau đớn sâu thẳm. “Mình đến tìm cậu mấy lần rồi...” nó nói với cái giọng đang cố kiềm chế cảm xúc. “Ning nói rằng dạo gần đây cậu luôn về nhà trễ.”

“Mình có nhiều việc phải làm.” Tôi vứt chiếc gối nhỏ trên đùi sang một bên. “Cậu đến kiểm tra mình hay là gì đây?”

“Mình biết cậu đi đâu.” Porm tiếp tục, mặc kệ thái độ của tôi, “và mình biết đây không phải việc của mình, chỉ là mình lo lắng cho cậu và mình hy vọng cậu sẽ kiểm soát được bản thân. Cậu có nhớ mình từng nói gì không: ‘Tình yêu không cho gì ngoài chính nó và không lấy gì ngoài chính nó. Tình yêu không chiếm đoạt và cũng không bao giờ bị chiếm đoạt; Bởi tình yêu là đủ cho tình yêu?’“

“Cậu định điên đến mức nào nữa?” Tôi tức tối hét lên.

“Mình không điên” Porm cũng cao giọng. “Cậu mới là người đang phát điên!”

“Porm, mình cảnh cáo cậu đấy: đừng có chõ mũi vào chuyện này!”

“Sao cậu không thể quên Jom đi được chứ?” Porm gào to, giọng tổn thương sâu sắc. “Đã bao nhiêu lần cậu phát điên vì người con gái đó rồi? Cậu lúc nào cũng cố lừa dối bản thân, nhưng thật đáng tiếc cậu chưa bao giờ thành công, chưa một lần náo”

“Porm, nếu cậu không im miệng ngay bây giờ, mình sẽ đập chết cậu.” Tôi siết chặt nắm tay.

“Đánh đi, bạn của tôi, nếu việc ấy khiến cậu vui lòng...” Porm ưỡn ngực ra bước lên đứng ngay trước mặt tôi. Đôi mắt đen của nó không chút nao núng rọi thẳng vào tôi.

“Đồ điên!” Tôi tự đấm lòng bàn tay mình rồi buông thõng hai tay xuống và thở mạnh.

“Béo!” Porm đưa tay ra vỗ vai tôi an ủi.

“Cút đi!” Tôi hất tay nó ra. “Hãy đợi đấy: mình sẽ đuổi theo Jom đến khi tìm được chị ấy, dù chị ấy có ở đâu đi chăng nữa.”

“Cứ vậy đi... nếu đó là cái giá khiến cậu hạnh phúc.” Porm gượng cười nhưng mắt nó tối lại. “Bất cứ cái gì cũng được, Béo ạ.”

Sáng hôm sau, tôi bùng giờ học buổi sáng mà phóng xe về trường cũ, qua hàng cây kèn hồng và cái đầm rộng, phủ kín hoa sen trắng thanh thoát đến ngút tầm mắt.

Tôi dừng lại trước cổng trường. Bác bảo vệ người Ấn nhìn tôi bằng ánh mắt lạ lùng hơn trước, và lần đầu tiên bác cúi đầu chào tôi khi mở cổng cho tôi vào.

Tôi đưa mắt qua khoảng sân mới cắt cỏ phả lên một mùi hương mạnh mẽ và lan tỏa, trân trối nhìn tòa nhà cũ của trường sừng sững đứng trước mặt tôi với tất cả vinh quang của nó. Không khí nơi đây làm tôi như trở lại thành một cậu học sinh bé bỏng. Tôi nhớ tiếng cười và nước mắt, tôi nhớ tiếng chuông buổi sáng khiến tất cả bọn trẻ chúng tôi đang đùa chơi khắp sân trườgn dừng khựng lại để rồi ngoan ngoãn vào vị trí xếp hàng trước cột cờ, tôi nhớ những bài phát biểu của thầy hiệu trưởng trong phòng tập trung mỗi chiều thứ Sáu, khoảng thời gian buồn chán nhất đối với tất cả chúng tôi ngày ấy.

Tôi dựng xe máy vào thân cây thông rồi chậm rãi men theo tường bao đầy dấu vẽ bậy mờ mờ. Có một số hình vẽ và chữ bậy bạ, nhưng phần lớn là tên của chính người viết, hay tên của hai người nối bằng dấu “+” bên cạnh một mũi tên xuyên qua hai trái tim rỏ máu.

Tôi dừng bước bên bờ tường gần băng ghế đá chúng tôi vẫn hay đến ngồi. Ngay chỗ đó, có vết móng tay cào sâu vào gạch, “EIK - CHAI - BÉO - PORM.” Tôi nhớ Chai là đứa đã khắc những từ ấy ngay sau khi bọn tôi bắt đầu thành một hội. Những con chữ to như cái nồi và nghiêng nghiêng ngả ngả đúng kiểu trẻ con tiểu học. Gần đó là một dòng chữ mới hơn, ghi là “BÉO + PORM,” đã được một người tốt bụng nào đó thêm vào phía sau dấu “=” từ “CHÓ.”

Tôi miết tay lên những dòng chữ ấy với một cảm xúc khó tả. Mặc cho chúng tôi có rời xa nơi đây bao lâu, những ngày tháng ấy không bao giờ lớn lên cùng chúng tôi. Chúng vẫn có cuộc sống riêng trong những góc nhỏ bé của mình và tự lưu giữ với nét cười và những thước phim đầy nước mắt không bao giờ có thể xóa nhòa.

Cô giáo phụ trách hồ sơ khác ngạc nhiên khi tôi vào hỏi địa chỉ của Yong, nhưng cô vẫn rất hợp tác.

“Yong - Thanit, phải không?” Cô ngẩng lên khỏi bộ hồ sơ.

“Cái anh mà, lúc còn học lớp mười hai, mặc quần bò và mặt đầy mụn ấy ạ.”

“Nào, làm gì có ai ghi chép mấy thứ như vậy?” Cô giáo bật cười. “Giấy đây. Tự ghi lại đi.”

Nhà Yong ở trên đường Suthisarn, và khá khó tìm, nhưng sau một hồi hỏi quanh, cuối cùng tôi cũng đến nơi. Tôi dựa xe máy vào hàng rào tôn và nhìn số nhà gần trên cổng một lần nữa rồi mới quyết định bấm chuông. Tôi bấm liên tục nhưng không ai ra mở cửa, mặc dù tôi có thể nghe thấy tiếng đài ầm ĩ bên trong.

“Cậu tìm ai?” một người đàn ông ở nhà đối diện ló đầu ra hỏi khi nhìn thấy tôi cứ bấm chuông mãi.

“Dạ Thanit ạ,” tôi quay ra trả lời.

“Ồ, cậu ta không có nhà đâu. Cậu ta thường về muộn lắm.”

“Anh ấy ở một mình ạ?”

“Chắc thế. Tôi không biết nhiều về cậu ta lắm. Hồi xưa còn có một cô nữa ở cùng, nhưng bây giờ tôi không biết cô ta đi đầu rồi.”

“Cái chị mảnh dẻ, da trắng, tóc dài đúng không hả bắc?”

“Từ từ đã...” Người đàn ông biến vào trong nhà. “Som ơi! Ra đây một tí được không?”

Thoáng sau, một phụ nữ xuất hiện. “Cậu muốn gì?” bà ấy vừa hỏi vừa chỉnh lại cái xà rông trên ngực.

“Cậu ta đang hỏi về cái cô ở nhà bên kia,” người đàn ông nói vọng ra. “Bà biết cô ta đúng không?”

“Phải.” Người phụ nữ tên Som quay sang tôi. “Cô ấy là gì của cậu?”

“Là bạn cháu, bác ạ.” Tôi ngẩng đầu nhìn bà ấy.

“Nói thật với cậu, tôi không thích chõ mũi vào việc của hàng xóm, cậu biết đấy. Nhưng mà Thanit với tôi khá thân, tôi từng rất kính trọng bố mẹ cậu ta, ông bà ấy mất rồi...”

“Bác có biết tên cái chị sống với Thanit không ạ?” tôi xen ngang, không thể đợi đến lúc bà ấy nói xong.

“Dĩ nhiên tôi biết rồi.” Bà ấy cười và có vẻ muốn tiết lộ ngay. “Tên cô ấy là Jom. Đó có phải tên bạn cậu không?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.