Chẩm Thượng Thư

Chương 1: Q.2 - Chương 1




Phượng Cửu quấn một tấm chăn lớn ngồi ở gian phòng phía đông, vừa ngáp vừa sưởi, vừa chép lại lần thứ bảy bản ‘Địa nhật kinh sơ’ do phu tử bắt chép phạt.

Hồi nhỏ đi học nàng rất hiếu động, các vị phu tử ở Thanh Khâu cũng thường bắt chép phạt một số sách kinh, nhưng cha mẹ các đồng môn hồi đó phần lớn đều là người làm công trong nhà nàng, cho nên để lấy lòng Phượng Cửu chúng thường tình nguyện làm mọi việc cho nàng, những bài tiên sinh bắt phạt đều do bọn chúng làm hết. Phượng Cửu học lâu như vậy, nhưng văn phạt, võ phạt xưa nay chưa bao giờ phải động tay. Không ngờ bây giờ thế sự đổi thay, nàng tự nhận mình đã ba vạn tuổi cũng không còn quá trẻ, lại đường đường là nữ vương Thanh Khâu, lúc này lại phải ngồi gò lưng trong học đường của Tỷ Dực Điểu chép kinh, cũng coi là chuyện đáng thở than.

Do vậy Phượng Cửu rút ra hai kết luận. Một, có thể thấy rồng mạnh không bắt nạt rắn đất, lão tổ tông rõ ràng không lừa nàng. Hai là, có thể thấy một chiến hữu như lợn có thể cự được kẻ địch tương đương mười con sói, lão tổ tông lại lần nữa không lừa nàng. Rắn đất ở đây chính là phu tử nghiêm khắc của Tỷ Dực Điểu, còn chiến hữu như lợn đương nhiên duy nhất chỉ có Yến Trì Ngộ mới xứng với danh xưng kêu như vậy.

Sự việc thế nào cuối cùng cũng đi đến bước này, nửa năm nay, Phượng Cửu thường xuyên suy nghĩ, nghĩ hoài, nghĩ mãi, chỉ có thể quy cho số mệnh.

Nửa năm trước, nàng với Tiểu Yến tráng sĩ không may rơi vào một mỏm đá nhô ra của cốc Phạn Âm, sau khi hai người dành hai khắc bình yên nói chuyện với nhau, nhắc lại những chuyện xa xưa, lại không may từ mỏm đá đó rơi xuống vực, lại không may rơi trúng người nhị hoàng tử của bộ tộc Tỷ Dực Điểu sống dưới vực, vậy là khốn khổ đến bây giờ

Nhị hoàng tử đó họ Tương Lý, tên là Manh, tên đầy đủ là Tương Lý Manh, thường được gọi là Manh thiếu gia.

Do bộ tộc này từ xa xưa có quy chế đàn ông chưa thành hôn không được một mình ra khỏi vực, nhưng Manh thiếu gia mặc dù chưa thành hôn nhưng lại một lòng hướng về thế giới phồn hoa bên ngoài, đã nung nấu ý định chuẩn bị từ lâu, chọn ngày tốt định bỏ nhà trốn đi, không ngờ vừa ra khỏi cổng thành, thì bị Phượng Cửu từ trên trời rơi xuống, đè trúng người làm chàng ngã ngất.

Yến Trì Ngộ chèn giữa Phượng Cửu và nhị thiếu gia, thực ra đầu cũng choáng váng, khi tỉnh lại, hai người đã bị trói, áp giải đến đại điện vương cung Tỷ Dực Điểu. Trên vương vị là nữ vương Diêm tộc, cũng là mẫu thân của Manh thiếu gia.

Phượng Cửu mặc dù nhiều môn không chăm học, nhưng may có môn lịch sử lại học rất tốt, biết bộ tộc Tỷ Dực Điểu có quan hệ với Thanh Khâu, bây giờ mình rơi vào đây, nhất định không thể để lộ thân phận, nên đưa mắt ra hiệu cho Tiểu Yến. Tiểu Yến vốn thần kinh rắn như thép, nhìn nàng hồi lâu, vẫn không lĩnh ngộ được hàm ý trong mắt nàng, có điều may là chàng vốn không biết nàng là nữ vương Thanh Khâu.

Làm ngất nhị hoàng tử có thể là chuyện lớn, có thể là chuyện nhỏ. Nếu nhị hoàng tử mãi mãi không tỉnh thì là chuyện lớn, nếu kịp thời tỉnh lại, bên cạnh lại có người nói rõ mọi chuyện thì sẽ là chuyện nhỏ.

May mà, Manh thiếu gia kịp thời tỉnh lại, làm dịu ngọn lửa phẫn nộ đang bừng bừng trong lòng nữ vương từ mẫu ngồi trên ngai. Trước đó đã xử, giam hai người vào tử lao, giữa đường đổi thành áp giải đến thủy lao. Nhưng cửa ngục thủy lao còn chưa mở, lại có lệnh truyền không giam nữa, lập tức cung kính rước hai vị về đại điện.

Phượng Cửu và Yến Trì Ngộ được tháp tùng trở về đại điện lúc trước họ đã bị tra vấn, nghe nói vừa rồi có người cấp tốc chạy đến đại điện nói rõ mọi sự giúp họ, đã điều tra ra, hai người vốn là tiểu vương tử và tiểu muội thuộc bộ tộc Dạ Điểu chỉ cách một con sông, do ngưỡng mộ phong thái học phủ của bộ tộc láng giềng mới tìm đến đây du học, không may bị ngã rơi trúng hoàng tử, tất cả chỉ là hiểu lầm.

Phượng Cửu thầm nghĩ, câu chuyện này mới là hiểu nhầm, nhưng nữ vương lại tin, chứng tỏ quả thật ông trời giúp họ, cho nên không thể phụ lòng ông trời.

Lần thứ hai lên điện, thái độ nữ vương đã khác hẳn, không còn bộ mặt phẫn nộ như Phật Mẫu Kim Cương lúc trước, hiền hậu nhìn họ, thân thiện và khiêm nhường thu lại chỉ lệnh: hai vị tựa như khách của bộ tộc, lại ham học như vậy, đặc ân ban cho vào học phủ của vương tộc, một là thỏa lòng hiếu học của họ, hai là cũng tiện cho đồng bối trẻ của hai bộ tộc giao lưu…

Giữa triều đường Tỷ Dực Điểu, Phượng Cửu thầm nghĩ, bản thân nàng mặc dù xưa nay ghét nhất suốt ngày chúi mũi vào kinh sử, nhưng dù gì cũng đã học cả vạn năm, chỉ cần tỏ ra nhu mì, đi học trở lại cũng không khó khăn gì, chịu đựng một chút là qua, nhưng Tiểu Yến tráng sĩ là người phóng khoáng bất kham có lẽ không chịu nổi qui chế nghiêm ngặt của học phủ, có khi thà ngồi thủy lao còn dễ chịu hơn đối diện với bút nghiên.

Vì vậy, lúc này Phượng Cửu hơi căng thẳng, chỉ sợ Yến Trì Ngộ đột nhiên lỡ miệng nói câu gì khiến hai người rơi vào hiểm cảnh. Nàng cảm thấy với trí tuệ của chàng, Tiểu Yến rất có thể gây ra chuyện đó. Nhưng không ngờ biểu hiện của chàng hôm đó lại rất ổn, chàng vốn tính nôn nóng, sau khi vào đại điện, ánh mắt dừng ở đâu đó ngơ ngẩn một hồi, vẻ nôn nóng trong mắt dần biến mất, hơi cúi đầu ra vẻ ngoan ngoãn nghe theo sự sắp đặt của nữ vương.

Cũng may chàng có ngoại hình thanh tú, khiêm nhường lặng lẽ đứng ở đó, cho nên không nhận ra chàng vốn là bá vương của Ma tộc. Lúc này Phượng Cửu cảm thấy hơi lạ, nhìn theo ánh mắt của Tiểu Yến, trong đám thần tử đứng hai bên điện như đang xem trò vui, ánh mắt Tiểu Yến nhìn lướt qua họ, rồi dừng lại trên người một cô nương áo trắng có mạng che mặt màu trắng, Phượng Cửu bất giác nhìn kỹ người đó, do sự bất thường của Tiểu Yến, nên nàng càng phải lưu tâm, nhưng quả thật không phát hiện ra cô nương đó có điều gì đặc biệt hơn các cô nương áo trắng đứng ở đây, cho nên lát sau cũng không bận tâm nữa…

Đêm đó hai người nghỉ chân ở học phủ của Tỷ Dực Điểu.

Mấy ngày đầu, Phượng Cửu còn nghĩ phải tìm cách trốn khỏi cái vực này, nhưng qua thăm dò, phát hiện quả thực trên trời không có đường, dưới đất không có cửa. Nếu còn pháp thuật còn có thể nghĩ ra cách nào đó, nhưng sự kỳ dị ở cốc này chính là, chỉ có nội trong vương thành mới có thể sử dụng được phép thuật, một khi ra ngoài thành, cho dù là nửa bước, pháp thuật cao siêu đến mấy cũng vô hiệu. Nàng cũng từng thử một số thuật di chuyển trong thành, nghĩ là chỉ cần không di chuyển ra ngoài vương thành, đến cửa cốc coi như đã thành công một nửa. Kết quả, nàng và Tiểu Yến từ phía tây vương thành sang phía đông, cuối cùng rơi trúng vào nhà một quả phụ nào đó ở đông thành lúc cô ta đang tắm, bị bà mẹ chồng mù của quả phụ cầm chổi đuổi ra.

Thấy tình hình xem chừng sẽ bị nhốt lâu dài ở đây, nửa tháng đầu, Phượng Cửu cũng tỏ ra nôn nóng, mỗi ngày qua đi càng nôn nóng hơn, cho nên lại nghĩ đến kẻ đầu sỏ khiến mình bị nhốt ở đây – Đông Hoa Đế Quân ở Thập Tam Tiên. Mặc dù trong lòng, nàng rất muốn rạch rõ ranh giới với Đông Hoa, nhưng xét đến ngoài khu vực này dù có bao nhiêu chúng sinh nhưng chỉ có Đông Hoa – một người còn sống biết nàng rơi vào nên vẫn mong mỏi chàng đến cứu mình. Đương nhiên nàng hiểu, trước khi rơi xuống chỗ này, nàng đã đắc tội với Đông Hoa, hy vọng trong ba bốn ngày chàng đến cứu là không thể, vậy nên cho chàng một thời gian để nguôi giận, thầm nghĩ, nếu nội trong vòng một tháng chàng xuất hiện ở đây, đưa nàng về, thì cái tội tự tiện đưa nàng đến núi Phù Vũ để nàng rơi vào hiểm cảnh, Phượng Cửu có thể rộng lượng bỏ qua. Mặc dù tương truyền, cốc Phạn Âm này mười năm mới mở một lần, nhưng nàng tin nếu Đông Hoa muốn cứu nàng, tất sẽ có cách đi vào.

Nhưng, một tháng, hai tháng, ba tháng trôi qua, vẫn không thấy Đông Hoa đến cứu mình.

Cốc Phạn Âm về đêm rất thê lương, Phượng Cửu quấn chặt người trong tấm chăn bông, thỉnh thoảng lại đột nhiên nghĩ, con người Đông Hoa có lẽ quá thù dai, cho dù chỉ vì chút tình nghĩa đều là thần tiên, lẽ nào không hề lo lắng cho sự an nguy của bậc tiểu bối này? Nhưng trở mình một cái, lại nghĩ khác, lại cảm thấy, chuyện này cũng khó nói, trước đây khi còn là tiểu hồ ly, nàng đã hiểu Đông Hoa, xưa nay với người nào việc nào chàng cũng thờ ơ, có lẽ trên đời này, với chàng chỉ có Cơ Hoành là ngoại lệ.

Bình thường mặc dù nhiều lúc nàng tỏ ra điềm tĩnh, nhưng rốt cuộc vẫn chưa đến tuổi có thể điềm tĩnh nhìn nhận sự đời, ngay chuyện Đông Hoa chưa đến cứu mình, nàng cũng buồn bã tủi thân mấy ngày. Mấy hôm sau, cuối cùng xốc lại tinh thần suy nghĩ thực tế hơn, lại thấy sự đã như thế, đành đợi mười năm sau, cốc Phạn Âm mở cửa lần nữa. Thực ra, tĩnh tâm nhìn ngắm, chỗ này cũng không tồi, so với trước đây là nô tỳ quét dọn trong cung Thái Thần vẫn tốt hơn không biết bao nhiêu lần. Người nhà có lẽ sẽ tìm nàng, nhưng sẽ không quá lo cho nàng, họ biết Phượng Cửu sẽ không xảy ra chuyện gì lớn. Sau khi nghĩ thông những điều đó, tinh thần cũng khá lên nhiều.

Với tư cách là bằng hữu chung hoạn nạn, Yến Trì Ngộ thấy nàng vui vẻ hơn nhiều so với mấy tháng trước cũng rất vui, dẫn nàng đi uống mấy bữa rượu, lại an ủi nàng một vài đạo lý đại loại như, con người ta cần phải an định theo cảnh ngộ mới có thể luôn vui vẻ, khiến trái tim nàng thực sự an định ở nơi đây.

Lúc này, thấm thoát nửa năm đã trôi qua.

Vào một ngày tuyết thưa, hoe hoe nắng, Phượng Cửu đã chép mười lần kinh thư, thận trọng cầm bốn góc tờ giấy lên thổi cho khô mực, rồi gấp lại, đang định ngày mai sẽ cung kính dâng lên cho phu tử.

Nàng có được giác ngộ như vậy quả không dễ, vị phu tử đó chủ yếu giảng về cách chế luyện thần binh, nhưng hơi bất mãn bởi vì bộ tộc Tỷ Dực Điểu nhiều năm không chú trọng công việc này, Phượng Cửu vốn am hiểu về mặt đó. Mỗi lần vị phu tử kia giảng bài nàng đều đưa ra những câu hỏi làm khó ông ta, từ đó trở thành cái gai trong mắt ông thầy. Nàng cho rằng số của mình cả đời không có duyên với các vị phu tử, bắt đầu từ khi phụ thân muốn hạn chế tính hiếu động của nàng, đưa nàng vào học phủ, nhưng ngày đầu tiên đi học Phượng Cửu đã là cái gai trong mắt các vị phu tử. Nàng đã quen bị các vị đó không ưa, sớm có rất nhiều chiêu đối phó với họ, cho nên khi vào học phủ của cung đình Tỷ Dực Điểu nàng cũng không mấy để ý đến vị phu tử có bộ râu dê kia.

Nhưng gần đây vị phu tử râu dê lại có quyền lực rất lớn.

Học phủ của cốc Phạn Âm cứ mười năm mở một cuộc so tài giữa các môn sinh, người thắng cuộc có thể nhận giải thưởng là quả tươi mới ra trong năm của cây bần bà bên suối Giải Ưu. Suối Giải Ưu là dòng suối thánh của cốc Phạn Âm, bắt nguồn từ thâm cung, bên bờ suối có một gốc cây bần bà, mười năm mới ra hoa, mười năm kết quả một lần, lại chỉ ra một quả duy nhất, tùy theo tình hình của năm mà kết ra loại quả có công dụng diệu kỳ khác nhau. Theo truyền thuyết, cây bần bà là cây đại thụ thứ năm có tác dụng diệu kỳ ở Cửu Trùng Thiên, bốn cây kia là vô ưu, diêm phù đề, bồ đề và long hoa. Trong cổ kinh thư xưa còn có đoạn ghi chép ví von như sau: “Sắc môi Phật Đà đỏ thắm như quả bần bà.”, nhưng mười vạn năm trước, những cây bần bà ở Cửu Trùng Thiên không hiểu nguồn cơn gì đều không ra quả, ngày nay Hạ giới cũng chỉ có một cây duy nhất bên suối Giải Ưu ở cốc Phạn Âm này còn ra quả, vậy nên càng vạn phần quý hiếm. Hơn nữa qua nguồn tiểu đạo được biết, quả bần bà kết ra trong năm nay vẫn có công dụng kỳ diệu, đối với người trần có thể hoàn xương thịt cho người đã chết, còn đối với các bậc tiên tu, nếu có diễm phúc được nếm quả thần đó thì tiên lực sẽ tăng bội phần, nếu là tiên nữ dung nhan sẽ càng vạn phần thanh xuân diễm lệ, còn tươi thắm hơn quả phan đào trong vườn của Thái hậu nương nương ở Cửu Trùng Thiên. Trước công hiệu thần kỳ như vậy của quả bần bà, môn sinh nào chẳng động lòng, cuộc thi tài năm nay còn chưa mở đã nóng hừng hực.

Đại quyền mà vị phu tử râu dê được nữ vương Tỷ Dực Điểu ban cho chính là thế, do năm nay số sĩ tử ghi danh dự thi đông gấp bội, không có trường thi nào đủ rộng để có thể chứa hết người tham dự, học phủ trình lên nữ vương, nữ vương hạ bút ngự phê, lệnh cho phu tử sàng lọc trước một lần. Vậy là dưới thánh ân, ai được dự thi ai không, quyết định bởi câu nói của vị phu tử râu dê kia. Đại quyền của vị phu tử đó trong học phủ hiện không ai sánh bằng.

Phượng Cửu từng tìm thời cơ lén vào gần suối Giải Ưu, nhìn cây bần bà có thể kết ra thứ quả dị thường thần diệu đó. Giữa tán lá xanh biếc, lấp lánh, quả nhiên nhìn thấy quả thần đỏ thắm hào quang từng được ví với sắc môi của Đức Phật Di Đà ở Tây Thiên. Nàng đứng từ xa, nhìn rất lâu, nếu quả bần bà nhỏ bé kia quả thực có thể hoàn lại xương thịt cho người đã chết, có một cố nhân của nàng qua đời đã nhiều năm, nàng muốn vì người đó, thử vận may một lần.

Vị phu tử đang nắm đại quyền có thể giúp mình cơ hội chiếm được quả bần bà, Phượng Cửu đương nhiên không thể đối đầu. Ông ta phạt nàng chép kinh, nàng tuyệt nhiên không thể vứt xó như trước, cần chép thì phải chép, tỏ ra cung kính nghe lời, phải khiến ông ta nhìn thấy nàng là vui, không phải thấp thỏm lo sợ những câu hỏi hóc búa của nàng như trước, ngoài ra nàng còn suy nghĩ thấu đáo hơn, phải tìm cách xóa hết những tội đã đắc với vị phu tử, lúc này không chỉ cần cung kính nghe lời, còn phải nịnh nọt lấy lòng ông ta.

Nhưng làm thế nào để lấy lòng phu tử? Phượng Cửu cau mày lại giở tập kinh thư vừa chép, phu tử vốn chỉ phạt nàng chép năm lần ‘Đại nhật kinh sơ’, nàng chép luôn mười lần, như thế có phải đã thể hiện sự cung kính, đẹp lòng phu tử không, nếu viết thêm câu “Tế Hàn tiên sinh phúc vĩnh hưởng, tiên thọ vô cương” liệu có càng khiến ông ta hài lòng?

Không, ngộ nhỡ phu tử không có hứng xem hết, không đọc được câu đó, chẳng phải viết phí công sao? Xem ra vẫn nên đem câu nịnh bợ kia viết ngay phía trên đầu trang giấy thì hơn. Nàng lại cầm bút, nhìn tuyết tích tụ ngoài cửa sổ, lại băn khoăn nghĩ một hồi, không biết tên của vị phu tử kia là Tế Hàn, hay Hàn Tế?

Đúng lúc đó, Yến Trì Ngộ nửa mình đầy tuyết vội vàng đẩy cửa vào. Bởi hai người trên danh nghĩa là vương tử và công chúa của bộ tộc Dạ Điểu nên được coi là huynh muội, bố trí cho ở chung một lạc viên, cái tên lạc viên cũng mang đậm phong cách của bộ tộc này, gọi là Tật Phong Viên, tọa lạc ngay cạnh học phủ. Do Yến Trì Ngộ hình như đã quên công chúa Cơ Hoành quay ra thích cô nương áo trắng gặp ở đại điện lúc ban đầu, cho nên mỗi khi hết thời gian học, thường đến chỗ cô nương kia chuyện trò, không có nhiều thời gian làm chướng mắt Phượng Cửu, hai người sống nửa năm yên bình, hòa thuận, trong lạc viên rộng rãi này.

Phượng Cửu nghển đầu về phía Yến Trì Ngộ đang chỉnh lại xống áo: “Huynh có biết phu tử của chúng ta tên gì không?”

Tiểu Yến ngạc nhiên: “Chẳng phải tên là phu tử sao?” Nói đoạn hào hứng ghé lại gần: “Phu tử đó còn có tên khác à?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.