- Thật đó Remy, anh chàng ấy được đó.
- Thôi mà Lola.
- Chị biết cưng nghĩ gì. Chị hiểu mà. Nhưng anh chàng này lại khác. Chị không gán ghép lung tung đâu. Em không tin à?
Tôi đặt xấp séc thanh toán đang đếm xuống và ngẩng lên nhìn Lola. Cô ấy đang đặt hai tay lên bàn và chống cằm nhìn tôi. Chiếc khuyên tai hình tròn khổng lồ bằng vàng trên tai cứ đong đưa qua lại, lóe sáng bởi tia nắng đang chiếu qua cửa sổ.
- Em không thích kiểu hẹn hò với người mà mình chưa biết gì hết. - Tôi nói với Lola thêm lần nữa.
- Có phải với người nào mà mình chưa biết đâu. Chị biết cậu ta. - Lola giải thích, như thể điều này có thể mang lại sự khác biệt. - Đó là một chàng trai dễ thương đấy. Cậu ta có đôi tay đẹp lắm.
- Gì cơ?
Chị ta giơ bàn tay của mình lên - đôi bàn tay được cắt giũa tự nhiên không chê vào đâu được - làm như tôi cần một hình ảnh trực quan sinh động cho bộ phận cơ bản này trên cơ thể con người vậy.
- Chị đã để ý khi cậu ta đến đón mẹ đi chà muối biển về. Một đôi tay thật đẹp. Cậu ta thông thạo hai thứ tiếng đấy.
Tôi nheo mắt, cố gắng tìm ra sự liên quan giữa hai đặc tính này. Không, có gì liên quan đâu nhỉ?
- Lola? - Có ai đó ngập ngừng gọi từ bên trong. - Đầu tôi đang bỏng hay sao ấy?
- Do thuốc nhuộm đang tác dụng đó, cưng à. - Lola nói với vào, thậm chí không quay đầu lại. - Dù sao đi nữa thì Remy à, chị nói tốt về cưng lắm. Và chiều nay mẹ cậu ta sẽ tới để chăm sóc móng chân...
- Không, - tôi thẳng thừng. - Em nghĩ chúng ta hãy quên chuyện này đi.
- Nhưng cậu ta là người hoàn hảo.
- Không có ai hoàn hảo cả, chị biết điều ấy mà. - Tôi nói rồi quay lại với xấp séc thanh toán.
- Lola? - Giọng nói bên trong nghe căng thẳng, ít lịch sự hơn. - Nó đau thật đấy!
- Em muốn tìm kiếm tình yêu, không phải sao Remy?
- Không.
- Chị không hiểu em nữa, cô bé! Em đang mắc sai lầm đấy! Lola luôn nói to mỗi khi hăng hái về một việc gì đó. Giờ cũng vậy, giọng cô ấy vang vọng trong căn phòng chờ bé xíu, làm lắc lư cả những chai sơn bóng trên kệ phía trên đầu tôi.
- Lola? - Người phụ nữ thét lên, nghe như thể sắp khóc tới nơi. - Tôi nghe mùi tóc cháy đây này.
- Ôi Chúa ơi! - Lola gầm lên, tức giận với cả hai chúng tôi, rồi quay người lại thình thịch bước đi. Lọ sơn bóng màu tím rơi xuống ghế, chỉ suýt chút nữa trúng vào người tôi. Tôi thở dài, mở lịch ra xem. Hôm nay là thứ Hai. Ba ngày nữa mẹ và Don sẽ quay về từ đảo St. Bart’s. Tôi lật sang trang khác, rà ngón tay đếm lại lần nữa xem mình còn bao nhiêu tuần trước khi lên đường đi học.
Ôi Stanford! Nó cách nơi này ba ngàn dặm, gần như vạch một đường thẳng băng ngang đất nước. Một trường học tuyệt vời. Đó là sự lựa chọn hàng đầu của tôi, dù tôi cũng được chấp nhận ở năm trong số sáu trường khác mà tôi nộp đơn vào. Việc học chăm chỉ của tôi ở trường, các lớp học dự bị đại học, các bài khóa luận được hạng ưu, cuối cùng cũng có một ý nghĩa nào đó.
Năm đầu tiên ở trung học, khi chúng tôi phải quyết định chọn các lớp học chuẩn bị đại học của mình, các giáo viên nghĩ tôi sẽ chỉ có thể vào một trường công nào đó, nếu may mắn, nơi tôi có thể học những môn dễ nhai như tâm lý, với môn phụ là chơi bời và đàn đúm. Như thể chỉ vì tôi tóc vàng, và có chút hấp dẫn với các cuộc sống xã hội năng động (được rồi, một danh tiếng chẳng mấy tốt đẹp gì), mà không tham gia hội học sinh/ nhóm tranh luận/ hội cổ vũ, thì tôi chỉ có thể được sắp xếp làm nhóm dưới, bị xếp chung với những người học đuối và vừa mới tốt nghiệp.
Nhưng tôi đã chứng minh là họ đã sai. Tôi dùng tiền của chính mình để trả cho gia sư môn vật lý, cái lớp gần như hạ gục tôi, cũng như lớp chuẩn bị cho kỳ thi SAT[16] - lớp mà tôi học đến ba lần. Tôi là người duy nhất trong số các bạn mình có mặt ở lớp AP[17], ngoại trừ Lissa - con gái của đến hai vị tiến sĩ và luôn được trông mong phải thật thông minh. Tôi luôn làm việc chăm chỉ khi phải chống lại điều gì đó, hoặc khi có ai đó bảo rằng tôi không thể thành công. Đó là những thứ đã khiến tôi học thâu đêm. Trên thực tế, rất nhiều người cho rằng tôi không thể làm được.
Tôi là học sinh duy nhất được nhận vào trường Stanford. Điều đó có nghĩa là tôi sẽ có thể bắt đầu lại cuộc sống của mình - một cuộc sống hoàn toàn tươi tắn và mới mẻ - cách xa nơi quê nhà này. Toàn bộ tiền lương từ việc làm thêm ở salon kể từ sau khi trả hết tiền cho chiếc xe mới, tôi đều bỏ vào tài khoản tiết kiệm để có thể chi trả tiền ký túc xá, tiền sách và sinh hoạt phí. Tiền học phí thì tôi lấy từ phần thừa kế của mình trong số di sản mà cha tôi đã để lại cho anh Chris và tôi. Số tiền này được dành riêng cho chúng tôi và đến khi chúng tôi hai mươi lăm tuổi, hoặc trong trường hợp phải chi trả cho học phí của mình, chúng tôi sẽ được quyền sử dụng món tiền ấy. Phải nói thật là tôi đã rất biết ơn vị luật sư đã giúp chúng tôi đạt được thỏa thuận đó. Bởi nó có nghĩa là dù có trải qua bao năm tháng khó khăn chồng chất giờ đã là quá khứ, mẹ tôi cũng không thể nào đụng đến nó được. Nó cũng có nghĩa dù cho mẹ tôi có tiêu pha tiền của mình như thế nào đi chăng nữa, bốn năm đại học của tôi vẫn được đảm bảo an toàn. Và cứ mỗi lần bài “Khúc hát ru” (sáng tác bởi Thomas Custer - bản quyền được bảo hộ) được chọn làm nhạc nền quảng cáo, được phát trên đài phát thanh, hay được biểu diễn bởi các ca sĩ phòng trà tại Las Vegas,... thì nó lại có thể mua thêm cho tôi một ngày yên ấm trong tương lai.
Quả chuông treo trên cửa ra vào lại rung lên, và người giao hàng của dịch vụ chuyển phát nhanh UPS tới, mang theo một cái hộp và đặt lên chiếc ghế trước mặt tôi.
- Bưu phẩm cho cô này, Remy. - Anh ta nói, đưa ra chiếc bìa kẹp hồ sơ.
Tôi ký tên nhận hàng rồi cầm chiếc hộp.
- Cám ơn anh, Jacob.
- À, còn cái này nữa. - Anh ta đưa tôi một phong bì. - Gặp lại cô ngày mai nhé!
- Vâng. - Tôi đáp. Chiếc phong bì không có tem - thật là lạ - mà cũng không dán kín. Tôi mở nắp và lôi từ bên trong ra ba bức hình. Chúng đều chụp một cặp vợ chồng, cả hai đều khoảng tuổi bảy mươi - có thể là như vậy - chụp tại bãi biển nào đó. Ông lão đội chiếc nón bóng chày và áo thun có dòng chữ “Đánh gôn đổi lương thực”, còn bà lão thì đeo máy chụp hình ở thắt lưng, chân mang đôi giày đế mềm. Họ vòng tay ôm nhau, trông vô cùng hạnh phúc: tấm hình thứ nhất họ cười mỉm, tấm thứ hai thì cả hai cười toe toét, tấm thứ ba họ hôn nhau, đôi môi chỉ vừa chớm chạm nhau trông thật dễ thương. Họ giống như những cặp vợ chồng đang trong kỳ nghỉ, những người sẽ hỏi nhờ bạn làm ơn chụp giúp tấm hình có mặt cả hai người.
Cả ba bức ảnh đều đẹp thật nhưng không biết người được chụp là ai? Và dù thế nào đi chăng nữa thì ai đó gửi cho tôi nhằm mục đích gì? Tôi đứng lên, nhìn ra bên ngoài để tìm chiếc xe tải của UPS nhưng nó đã đi khỏi. Hay người nào đó nghĩ rằng tôi có quen biết họ, hoặc có liên quan gì ở đây? Tôi liếc nhìn những tấm hình lần nữa, nhưng cặp vợ chồng già ấy chỉ cười đáp trả tôi, giữ nguyên khoảnh khắc vui vẻ nơi vùng biển nhiệt đới của họ mà chẳng có thêm lời giải đáp nào khác.
- Remy ơi, lấy giùm chị ít nước lạnh được không? - Lola la lớn từ phòng bên, và tôi có thể đọc được từ giọng nói vui vẻ nhưng lớn tiếng ấy ý nghĩa: cần mang vào ngay lập tức. - Và lấy cả ống thuốc kháng khuẩn Neosporin trong tủ phía dưới ngăn kéo đựng tiền nữa nhé.
- Vâng ạ! - Tôi trả lời cũng vui vẻ như vậy, nhét vội mấy tấm hình vào giỏ xách.
Tôi lấy ống Neosporin ra khỏi hộc tủ, cầm thêm ít bông và mấy miếng băng cá nhân phòng khi cần sử dụng theo kinh nghiệm đã học được ở đây. Các sự cố trong quá trình làm tóc vẫn thường xảy ra, nên tôi luôn biết mà đề phòng.
Ba tiếng đồng hồ sau, khi màn kịch gay cấn cuối cùng cũng được khép lại và vị khách của Lola đi về với cái đầu quấn băng, trên tay cầm phiếu quà tặng của tiệm và một giấy cam kết tỉa lông mày miễn phí suốt đời, cuối cùng thì tôi cũng có thể khóa ngăn tiền, cầm lấy giỏ xách và bước ra về.
Đến thời điểm này thì không khí mùa hè đã tràn ngập. Nóng bức, ẩm ướt, và mọi thứ đều như có mùi khói lẫn trong lớp hơi nước dày đặc, như thể không khí sắp sôi lên. Lola luôn giữ cho salon mát lạnh, nên bước ra khỏi cửa là như rời khỏi vùng cực vậy. Lúc nào tôi cũng cảm thấy nổi da gà khi bước ra chỗ đậu xe của mình.
Tôi ngồi vào xe, khởi động máy và bật máy lạnh ở mức lớn nhất để xua tan càng nhanh càng tốt cơn nóng bức khó chịu. Cầm lấy điện thoại, tôi kiểm tra tin nhắn. Có một tin của Chloe hỏi tối nay cả bọn sẽ làm gì. Một tin của Lissa thông báo rằng mình ổn, nhưng cũng có chút mùi than thở, dẫu cô ấy biết rõ là tôi đã phát ngán điều đó. Tin cuối cùng là của Chris nhắc tôi rằng tối nay Jennifer Anne chuẩn bị bữa tối cho cả nhà, nên tôi phải về đúng sáu giờ, không được trễ.
Tôi bấm xóa tin nhắn cuối cùng một cách bực bội. Tôi chưa bao giờ trễ hẹn. Và anh trai tôi biết điều đó. Đây lại thêm một bằng chứng rõ ràng về việc tẩy não của Jennifer Anne - người không như anh trai tôi, chẳng hiểu bất kỳ thứ gì về tôi cả. Chính tôi là người đã gọi Chris dậy suốt thời gian đầu anh ấy làm việc cho Jiffy Lube, nếu không thì anh ấy đã nướng đến trưa trờ trưa trật dù đã phải dùng đến ba chiếc đồng hồ báo thức mà anh đặt ở ba nơi khác nhau trong phòng. Tôi phải suy nghĩ, tính toán để Chris không bị trễ, không bị đuổi việc, và làm sao để anh ấy phải ra khỏi cửa muộn nhất là 8 giờ 35 phút, phòng khi bị kẹt xe trên đường, điều mà anh ấy...
Tôi bị cắt ngang đột ngột bởi tiếng gì đó đập vào kính chắn gió, dẫu không phải mạnh lắm nhưng đủ bất ngờ để gây ra sự sợ hãi. Tôi nhìn lên, tim đập thình thịch, và thấy một bức ảnh của cặp vợ chồng già đang đi nghỉ mát. Cũng chiếc áo thun với hàng chữ “Đánh gôn đổi lương thực”, cũng nụ cười đầy nếp nhăn ấy, nhưng giờ thì nó đang ở trước mặt tôi, được ấn vào tấm kính bởi bàn tay của ai đó.
Tôi biết hắn. Thật nực cười, vì sao tôi lại không nghĩ ra điều này sớm cơ chứ.
Tôi nhấn nút hạ kính xe xuống. Đứng ngay đó, ngay bên gương chiếu hậu, là Dexter. Anh ta bỏ tay ra khỏi kính chắn gió, khiến bức hình trượt xuống, mắc ngay trên cần gạt nước.
- Xin chào. - Anh ta nói. Dexter đang mặc một chiếc áo thun trắng bên dưới bộ đồng phục mà tôi đã quen: áo sơ mi polyester, đường viền xanh lá cây và đen. Ngay trên túi nơi ngực áo là dòng chữ được thêu ngay ngắn: Flash Camera - tên của tiệm chụp hình lấy ngay nằm đối diện với salon nơi tôi làm.
- Anh đang rình rập tôi đấy à? - Tôi hỏi.
- Cái gì? Em không thích mấy tấm hình đấy à?
- “Đánh gôn đổi lương thực” là gì? Câu vớ vẩn gì thế? - Tôi vừa nói vừa quay xe lại. - Nó có ý nghĩa gì không?
- Không nhạc sĩ này, không mấy tay đánh gôn này, - anh ta kể, xòe ngón tay ra đếm. - Còn gì nữa trong mớ chuẩn mực của em không? Người huấn luyện sư tử à? Hay kế toán?
Tôi chỉ nhìn anh ta, không nói gì rồi nhấn ga. Anh ta phải nhảy vội vào bên đường để tránh bị bánh xe tôi cán qua chân.
- Đợi đã, - Dexter kêu lớn, đặt tay nơi kính xe đang hạ xuống,
- nghiêm túc đấy. Em cho tôi đi nhờ xe được không?
Ắt hẳn vẻ mặt của tôi đầy nghi ngờ, nên anh ta vội giải thích:
- Mười lăm phút nữa tôi có cuộc họp nhóm. Điều quan trọng là nhóm vừa mới xây dựng quy định mới, hậu quả của việc đến trễ sẽ rất kinh khủng. Tôi nói thật đấy.
- Tôi cũng trễ rồi. - Tôi nói dối, nhưng dẫu sao thì tôi cũng có phải là tài xế taxi đâu chứ.
- Làm ơn đi mà. - Anh ta khom người xuống, mặt đối mặt với tôi. Rồi anh ta nâng bàn tay kia của mình lên, cho tôi thấy anh ta đang cầm một bịch giấy của hiệu bánh mì Double Burger có loang vệt dầu thật dài bên ngoài. - Tôi sẽ chia cho em phần khoai tây chiên của mình mà.
- Không, cảm ơn. - Tôi nói, nhấn nút để kéo kính lên. - Ngoài ra, tôi có quy định không thức ăn trên xe. Hậu quả vi phạm cũng rất kinh khủng đấy.
Anh ta phì cười, đưa tay chặn không cho tấm kính kéo lên:
- Tôi sẽ cư xử đúng đắn. Tôi hứa đấy.
Và rồi anh ta chạy vòng qua trước xe tôi, như thể tôi đã nói đồng ý, chộp lấy tấm hình trên cần gạt nước, đút vào túi. Điều tiếp theo mà tôi biết, là anh ta nhanh như chớp ngồi vào ghế bên cạnh tôi, sửa soạn vị trí ngồi ngay ngắn trước khi cánh cửa đóng lại.
Gã này sao vậy chứ? Bây giờ thì tôi có phản kháng cũng vô ích. Hoặc là có thể tôi đã quá mệt mỏi lẫn nóng nực để có thể bắt đầu cuộc tranh cãi khác.
- Chỉ một cuốc thôi đấy. - Tôi nói bằng giọng nghiêm khắc.
- Chỉ vậy thôi. Và nếu anh ăn dù chỉ là một mẩu nhỏ trên xe tôi, thì anh phải xuống. Và tôi sẽ không chạy chậm lại khi đá đít anh ra khỏi xe tôi đâu.
- Ồ, làm ơn đi mà. - Anh ta nói, với tay kéo sợi dây an toàn choàng qua người. - Em đâu cần phải nựng nịu tôi bằng những lời ngọt ngào như thế. Cứ nói thẳng ra đi chứ. Không cần giữ lại làm gì đâu.
Tôi phớt lờ, cho xe chạy ra khỏi khu trung tâm mua sắm và hòa vào con đường lớn. Khi chúng tôi thậm chí còn chưa đi qua khỏi nửa khối nhà, tôi phát hiện anh ta lét lút ăn một miếng khoai tây chiên. Anh ta nghĩ mình lanh lẹ, nên bỏ miếng khoai khum khum trong tay, rồi giả vờ ngáp để cho vào miệng, nhưng tôi đã là bậc thầy của trò này. Lissa đã luôn thử khả năng này của tôi.
- Tôi đã nói gì về thức ăn nhỉ? - Tôi nói, đạp thắng để dừng đèn đỏ.
- Tôi đói. - Anh ta lầm bầm, rồi nuốt miếng khoai trong miệng. - Tôi đói mà.
- Tôi không quan tâm. Không có thức ăn trên xe, tôi đã nói trước rồi. Tôi phải giữ đúng nguyên tắc.
Anh ta nhìn quanh, liếc ra băng ghế phía sau, rồi nhìn bảng điều khiển và tấm thảm lót sàn xe.
- Đẹp đấy chứ? - Anh ta nói. - Trông giống như viện bảo tàng vậy. Vẫn còn nguyên mùi xe mới.
- Đúng thế. - Tôi nói vừa khi đèn xanh bật lên.
- Rẽ trái ở đây nè. - Anh ta chỉ, và tôi chuyển làn, mắt liếc nhìn phía sau. - Tôi cá em là người độc tài cực kỳ.
- Sai.
- Đúng vậy mà, tôi biết. - Anh ta đưa một ngón tay quệt ngang bảng đồng hồ, liếc nhìn rồi thông báo. - Không bụi. Và em đã lau kính chắn gió này cả bên trong nữa, phải không?
- Gần đây thì không.
- Ha, tôi cá là em phát điên lên nếu thấy cái gì đó được đặt không đúng chỗ.
- Sai rồi.
- Hãy để xem. - Anh ta đưa tay vào túi, cẩn thận lấy ra một miếng khoai tây chiên. Miếng khoai tây trông dài và dai, uốn cong lại trên hai ngón tay của anh ta. - Nhân danh khoa học, tôi sẽ làm một thí nghiệm.
- Không đồ ăn trong xe. - Tôi lặp lại như đọc thần chú. Chúa ơi, còn bao lâu nữa mới tới nhà của hắn đây chứ? Chúng tôi đã quay lại gần nơi khách sạn tổ chức lễ cưới, nên chắc cũng không còn xa nữa.
- Bên tay trái. - Anh ta nói, và tôi đánh ngoặt tay lái qua bên đường, khiến hai chú sóc sợ hãi trốn vào tàng cây. Khi tôi quay lại nhìn thì tay anh ta đã trống không và miếng khoai tây chiên, giờ đã thẳng, thì nằm trên bộ cần số.
- Đừng hoảng. - Anh ta đặt tay trên cánh tay tôi. - Thở đều nào. Và hãy thưởng thức, dù chỉ một chút, cảm giác tự do trong mớ hỗn độn này.
Tôi dịch cánh tay mình ra khỏi bàn tay của anh ta.
- Nhà nào của anh?
- Đâu có bừa bãi lắm đâu, em thấy không? Đẹp mà. Nó trông thật tự nhiên và đơn giản.
Thế rồi tôi trông thấy nó: chiếc xe thùng màu trắng đang đậu méo xệch trước sân căn nhà sơn màu vàng khoảng vài mét. Đèn cổng đang bật sáng mặc dù giữa ban ngày, và tôi có thể nhìn thấy mái tóc đỏ của Ringo - anh chàng phục vụ quán cà phê - đang ngồi trước bậc thềm, bên cạnh một chú chó ủ rũ. Ringo đang đọc báo, còn chú chó chỉ nằm đó thở hổn hển, lưỡi thè ra ngoài vì nóng bức.
- Trạng thái tự nhiên nhất, trên thực tế lại là sự không hoàn hảo. - Anh ta kết thúc khi chúng tôi dừng lại ở trước lối rẽ vào nhà. Miếng khoai tây chiên giờ đã trượt khỏi bộ cần số, để lại một vệt dầu dài như đường đi của ốc sên, rồi rơi vào vạt áo tôi.
- Ối, - anh ta kêu lên, đưa tay chộp lấy nó. - Nào, thấy chưa, đây chính là bước đầu để chế ngự...
Tôi nhìn anh ta, rồi đưa tay bấm nút mở khóa cửa: cộp, chốt cửa phía anh ta bật mở.
-... vấn đề rắc rối của em. - Anh ta hoàn thành nốt câu nói, rồi mở cửa bước ra cầm theo túi khoai tây. Bất ngờ, anh ta cúi người xuống, thò đầu vào trong để nhìn thẳng vào mắt tôi. - Cảm ơn cho tôi đi nhờ xe nhé!
- Không có gì. - Tôi đáp. Anh ta đứng yên đó trong vài giây, khiến tôi cảm thấy bối rối. Chỉ hai chúng tôi ở đấy, nhìn thẳng vào mắt nhau. Thế rồi anh ta nháy mắt, vươn người khỏi xe rồi đóng cửa lại. Tôi trông theo khi con chó đang ngồi ở hiên nhà bật dậy, rối rít chạy ra đón anh ta, chiếc đuôi vẫy loạn xạ vui mừng. Chỉ còn lại một mình, chợt tôi phát hiện ra trong xe đầy mùi dầu mỡ - thật là một món khuyến mãi tuyệt vời. Tôi hạ kính xe xuống, hi vọng không khí sẽ giúp tan bớt cái mùi khó chịu này.
- Cuối cùng cũng về tới rồi. - Tay trống nói, gấp tờ báo đang đọc. Tôi cho xe quay đầu lại, liếc nhìn để chắc Dexter còn quay lưng về phía mình trước khi đưa vội lấy mấy ngón tay quệt lên vết dầu chỗ bộ cần số. Một bí mật nhỏ của tôi, và tôi không muốn hắn ta cho rằng tôi là kẻ bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo.
- Chưa tới sáu giờ nhé. - Dexter nói, cúi người xuống để xoa đầu con chó đang rối rít chạy vòng quanh, cố tình quệt đuôi vào chân anh ta để gây chú ý.
- Ờ, nhưng tớ không có chìa khóa vào nhà. - Tay trống đứng lên nói.
- Tớ cũng không có. - Dexter bảo bạn. Tôi vừa chuẩn bị nhấn ga đã phải dừng lại nhường đường cho những xe khác đi ngang qua. - Còn cửa sau thì sao?
- Khóa rồi. Mà cậu cũng biết tối hôm qua Ted đã chắn kệ sách ngay trước cửa sau còn gì.
Dexter đút tay vào túi quần tìm kiếm lần nữa rồi rút tay ra. Chẳng có gì cả.
- Chắc mình phải phá cửa sổ để vào nhà thôi.
- Cái gì?
- Đừng hoảng chớ. - Dexter tỉnh rụi, phong cách thoải mái tự nhiên mà tôi đã quá quen ở anh ta. - Mình chỉ đập một lỗ nhỏ, đủ để cậu chui vào trong thôi.
- Không. - Tay trống nói, khoanh tay lại trong khi Dexter bước lên bậc tam cấp để đi về phía cửa sổ trước nhà xem xét. - Sao lúc nào tớ cũng phải làm những việc ngốc nghếch như vậy chứ?
- Bởi vì cậu tóc đỏ, - Dexter nói, khiến tay trống nhăn mặt. - Và vì hông cậu nhỏ nữa.
- Cái gì?
Lúc này, tôi không còn phải nhường đường cho xe chạy qua nữa, thay vào đó, tôi lại dõi theo Dexter lom khom tìm một cục đá bên nhà, rồi quay trở lại ngồi xổm trước cửa sổ ngay góc mái hiên. Anh ta ngắm nghía thế đập, trong khi con chó ngồi bên cạnh cứ liếm vào tai chủ. Tay trống đứng phía sau, hai tay đút vào túi, trông vẫn có vẻ bực mình.
Dù đã tự nhủ không phải việc của mình, ấy vậy mà tôi vẫn không thể đứng im mà nhìn được. Chưa kịp suy nghĩ gì, tôi đã thấy mình tắt máy, ra khỏi xe, và bước tới ngay khi Dexter giơ cục đá lên chuẩn bị đập vào kính cửa sổ.
Anh ta đếm:
- Một, hai...
- Đợi đã. - Tôi gọi, và Dexter dừng lại, cục đá trượt khỏi tay anh ta, rớt thịch xuống mái hiên khiến con chó giật mình nhảy lùi về sau, ẳng lên một tiếng.
- Tôi tưởng em đã đi rồi. - Dexter ngạc nhiên. - Em không thể bỏ đi được, phải không?
- Đưa tôi một cái thẻ tín dụng nào. - Tôi đề nghị. Anh ta và tay trống nhìn nhau.
- Trông như tôi có thẻ tín dụng à? - Dexter nói. - Nhưng có việc gì? Em cần mua gì sao?
- Dùng để mở cửa đó, ngốc ạ. - Tôi đưa tay vào túi của mình, nhưng ví của tôi lại đang ở băng ghế sau xe, trong giỏ xách.
- Tôi có một cái, - tay trống ngập ngừng, - nhưng tôi chỉ dùng nó trong trường hợp cấp bách thôi.
Cả hai chúng tôi cùng đưa mắt nhìn anh ta, rồi Dexter đứng dậy, đưa tay vỗ vào phía sau mái đầu đỏ ấy như kiểu nhóm hài Three Stooges.
- Anh khờ John Miller, còn đợi gì mà không đưa thẻ cho cô ấy hả trời?
John Miller - tên thật của anh ta, nhưng với tôi thì vẫn thấy quen với cái tên Ringo kia hơn - đưa tôi thẻ Visa của mình. Tôi mở tấm cửa lưới ra, rồi đưa tấm thẻ vào khe cửa, ngay chỗ thanh chắn ngang của ổ khóa. Tôi có thể cảm thấy ánh nhìn tò mò của hai gã trai ở phía sau mình.
Mỗi cánh cửa đều khác nhau. Độ nặng của ổ khóa và độ dầy của tấm thẻ chính là nhân tố chính quyết định có thể mở khóa được hay không. Kỹ năng này, cũng giống như việc ném ly Diet Zip cỡ bự, đều cần có thời gian và kinh nghiệm thực hành. Không phải để đột nhập vào nhà ai, tôi chỉ dùng cách này để mở khóa vào nhà mình hay nhà Jess lúc bị mất chìa mà thôi. Anh trai tôi, người đã từng nhiều lần bẻ khóa cho những trò quậy phá của mình, đã dạy lại cho tôi mánh này năm tôi mười bốn tuổi.
Đẩy qua trái vài vòng, rồi lại bên phải, tôi cảm nhận được sự chuyển động của ổ khóa. Và đây, chúng tôi đã được tự do vào trong. Tôi đưa trả lại thẻ cho John Miller.
- Ấn tượng thật. - Anh ta nói, mỉm cười với tôi, nụ cười của các cậu trai khi bạn làm điều gì khiến họ ngạc nhiên. - Nhắc cho tôi nhớ tên cô đi.
- Remy, - tôi trả lời.
- Cô ấy là bạn tớ nhé. - Dexter vội chen ngang như sợ ai lấy mất phần mình.
Tôi thở dài, quay lưng bước ra ngoài. Con chó lần này lại đi theo bên cạnh tôi. Tôi cúi xuống, nựng nịu và vuốt vào tai nó. Nó có đôi mắt bị kéo màng trắng và hơi thở kinh khủng, nhưng với tôi cũng không hề gì, bởi tôi rất thích chó. Mẹ tôi lại chỉ thích mèo. Con thú cưng duy nhất mà tôi từng có là con mèo Himalayans to tướng với bộ lông mịn màng nhưng hay bị bệnh và tính tình lại cáu bẳn. Nó rất thương mẹ tôi và chuyên phát tán lông tứ tung trong nhà.
- Tên nó là Khỉ Con. - Dexter nói. - Chúng tôi là một cặp bài trùng.
- Thật tội nghiệp cho Khỉ Con! - Tôi châm chích, rồi đứng dậy đi về phía xe mình.
- Cô Remy ạ, cô cũng là một cô gái không vừa đâu. - Anh ta nói. - Nhưng giờ thì em bắt đầu quan tâm đến tôi rồi. Em sẽ quay trở lại đây thôi.
- Đừng có mà mơ.
Anh ta không trả lời, chỉ đứng dựa vào hộp thư trước cổng trong khi tôi khởi động máy. Khỉ Con ngồi dưới chân anh ta, và cả hai cùng dõi theo tôi lái xe đi khuất.
________________________________________
[16] SAT: là một trong những kỳ thi chuẩn hóa cho việc đăng ký vào một số đại học tại Mỹ.
[17] AP: một chương trình giảng dạy tại Mỹ và Canada cung cấp các khóa học chuẩn hóa dành cho học sinh trung học, được công nhận tương đương với các khóa học tại trường đại học.