Ban ngày Tô Di ngồi trong nông trại đọc sách tra tư liệu, ba huynh đệ nhà Lý Yêu Yêu dắt nhau đi dạo trong thôn.
Thời Tây Chu cách nay ba ngàn năm lịch sử, thời kì này quá xa xưa, những tư liệu tra cứu về thời này thực sự rất ít ỏi, các vương lão đều nói trong lịch sử đều không có ghi chép gì về nước Ngư kia, Tô Di càng không thể tra cứu các manh mối xung quanh. Tô Di đọc sách được một lúc thì thấy mệt, vì vậy lấy sổ kí họa ra vẽ một chút.
Đến buổi chiều, ba huynh đệ nhà Lý Yêu Yêu trở về, mang theo một bao tải lớn, còn ôm trong tay một con bồ câu mập mạp.
Tô Di hơi giật mình: “Mấy người trộm bồ câu ở đâu đó? Định nấu canh à?”
“Xì!” Lý Yêu Yêu làm vẻ mặt khinh thường: “Đây là bồ câu đưa thư! Sư phụ tôi nuôi đó!” Dứt lời hắn vỗ vài cái vào mông con bồ câu mập mạp: “Phải hông, Tứ Ngưu?”
Tô Di trợn mắt há hốc miệng: “Tứ… Ngưu?”
Lý Yêu Yêu tiến lên liếc nhìn bản kí họa của Tô Di, vẻ mặt càng thêm ghét bỏ: “Trong đầu anh chỉ có mấy cái này thôi hả?!”
Trong sổ ký họa là hình một người đàn ông trần truồng đang ngồi bên bệ cửa sổ hút thuốc, tuy sườn mặt chỉ mới được phác họa sơ qua, nhưng chỉ liếc mắt thôi cũng có thể đoán ra được người trong hình vẽ là Lý Yêu Yêu.
Dư Ngư nhào tới muốn xem, Lý Yêu Yêu lấy một tay bịt mắt anh ta: “Này này, tranh người lớn đấy đủ tuổi xem chưa?” Nói xong quay đầu mắng Tô Di: “Mau che bộ vị quan trọng của tôi đi! Đừng cho tên súc sinh này nhìn lén!”
Tô Di cười cười, gấp sổ kí họa lại.
Tứ Ngưu kêu ‘gù gù’ hai tiếng, Dư Ngư đành kệ Lý Yêu Yêu và Tô Di mà ôm bồ câu vào lòng vuốt lông: “Này, Tô Di, để anh đọc, em viết, ta trả lời thư sư phụ nào.”
“Xì!” Lý Yêu Yêu ghét bỏ nói: “Thôi để tôi viết cho, cho lão Dư đọc, chắc viết hết quyển vở vẫn chưa vào được thân bài.”
Tô Di nuốt nước miếng: “Đây là bồ câu đưa thư thật sao?” Anh không tin nhìn chằm chằm vào cái bụng còn bự hơn gà mái đang chửa của Tứ Ngưu.
Lý Yêu Yêu trừng anh: “Anh không tin sao? Tứ Ngưu bay còn nhanh hơn cả diều hâu ấy chứ!”
Tô Di cười cười.
Lý Yêu Yêu văn chương dạt dào viết chừng trăm chữ, Tô Di ghé tới nhìn, Lý Yêu Yêu lấy tay mình che tầm mắt anh: “Đi đi, nhìn cái gì mà nhìn.” Để đề phòng Tô Di, chữ hắn vốn không đẹp nay lại còn viết ngoáy, quả thật chữ xấu hơn gà bới.
Tô Di cau mày nhìn một hồi, vẻ mặt mê man: “Cậu đang viết chữ giáp cốt hả?” Trong mắt anh, sư phụ Nam Cung Cẩu Thặng trên thông thiên văn dưới tường địa lý chắc sẽ khinh thường loại chữ Hán giản thể bây giờ.
Lý Yêu Yêu: “……”
Viết thư xong, Lý Yêu Yêu cuộn tờ giấy lại rồi nhét vào trong ống trúc được cột bên chân Tứ Ngưu, sau đó ôm nó đi ra ngoài, vỗ vỗ mông nó: “Bay đi!~~”
Tứ Ngưu kêu gù gù hai tiếng, khó khăn vỗ cánh phành phạch bay lên lưng trời, bay qua thửa ruộng hoang.
Lý Yêu Yêu lôi điện thoại ra bắt đầu gửi tin nhắn.
Tô Di tiến đến nhìn, thấy trên tên người nhận đề ‘sư phụ’, không khỏi ngạc nhiên: “Sư phụ cậu có điện thoại di động à?”
Lý Yêu Yêu thuận miệng đáp: “Ừ, gửi tin qua di động một lần nữa, đề phòng Tứ Ngưu đáp sai chỗ.”
Tô Di: “… Thế sao còn muốn dùng bồ câu đưa thư….”
Lý Yêu Yêu liếc anh đầy khinh thường: “Nhỡ tin nhắn bị nhà mạng nuốt mất thì làm sao?”
Tô Di: “…” Thế mục đích duy nhất của việc dùng con bồ câu mập kia đưa thư là giúp em nó giảm béo hở?
Tô Di quay về phòng, thấy Xa Xà và Dư Ngư liên tục lấy đồ từ trong bao tải ra, trong đó có vài chiếc bát đồng đã gỉ, vài chiếc vại gốm có hoa văn hình sóng và một cái đỉnh đồng lớn chừng bàn tay.
Tô Di giương mắt ngẩn người nhìn: “Mấy người lấy đâu ra vậy?”
Lý Yêu Yêu thờ ơ nói: “Nếu nơi này là di chỉ của nước Ngư cổ kia, khẳng định thôn dân đã đào được không ít thứ tốt. Họ không biết gì nên cho ít tiền lừa họ rồi lấy về.”
Công phu lừa gạt của Lý Yêu Yêu thuộc hạng nhất, Dư Ngư cũng không kém gì, mà trong ba huynh đệ bọn họ, cao thủ chân chính chính là người luôn giữ vẻ mặt nghiêm túc không thích nói chuyện Xa Xà.
Ví dụ như khi đi đường, có ai đó hỏi trung tâm thương mại XX ở đâu, sẽ xảy ra tình huống thế này.
Lý Yêu Yêu rõ ràng không biết đường, nhưng lại phất tay chỉ: “Đi thẳng một đoạn, qua ba con phố thì rẽ trái.” Người qua đường Giáp đi tới nơi, ngẩng đầu lên nhìn: Viện u bướu XX.
Dư Ngư cũng không biết đường: “Ui, cậu đi trung tâm thương mại XX làm gì? Nói chứ, trong đấy bán toàn hàng giả đấy, một người bạn thân của tôi làm trong đấy nói, bột mì cũng có thể lấy ra làm ngọc trai lừa người…. Hả? Nghe tôi nói này, đi qua ba con phố xong rẽ phải có trung tâm thương mại YY, ở đó đang giảm giá mạnh đấy!” Người qua đường Ất tới nơi, ngẩng đầu lên nhìn: Viện tâm thần XX.
Xa Xà biết đường, cẩn thận trả lời: “Đi thẳng, bến xe, xe 111, xuống trạm thứ năm. Chuyển 222, xuống trạm thứ sáu. Đến nơi.” Người qua đường Bính: “Nhưng bạn tôi bảo ở gần đây lắm cơ mà?” Xa Xà hết sức nghiêm túc: “Anh ta lừa cậu đấy.” Thế là người qua đường Bính nghe lời ngồi xe buýt nửa ngày trời mới tới, phát hiện nơi mình xuống xe chỉ cách nơi mình lên xe lúc ban đầu một con phố, quay đầu nhìn lại: Trung tâm thương mại XX.
Tô Di tiến lên cầm đỉnh đồng vào trong tay, cẩn thận quan sát. Đỉnh đồng bị gỉ sét nghiêm trọng, mơ hồ nhìn thấy trong đỉnh lồi lõm, tựa như có rất nhiều hình trạm khắc trong đó, nhưng không rõ tột cùng là chữ gì. Tô Di nghiêm mặt, lấy trong túi ra vài dụng cụ tùy thân, cẩn thận cậy những vết gỉ sắt ra.
Trong lúc Tô Di chuyên tâm rửa sạch văn vật, ba người lựa đồ mình thích ra, đồ mình thích thì cất vào trong túi riêng, đồ không thích thì quẳng cả lại cho Tô Di, để anh giao lại cho đội khảo cổ hoặc giữ lại làm của riêng.
Ba huynh đệ nhà này làm đảo đấu không phải vì tiền, mà giống như lý do Tô Di vào cục di sản văn hóa, là vì yêu thích. Ngoại trừ hứng thú với những cổ mộ thần bí ra, ba người còn có sở thích sưu tầm đồ cổ.
Lý Yêu Yêu thích sưu tầm các đồ trang sức cổ; Dư Ngư thích sưu tầm các đồ uống rượu và bộ đồ trà; Xa Xà thì thích sưu tầm vũ khí và nghiên mực cổ.
Đèn trong nông trạch vô cùng mờ tối, cả phòng khách rộng gần trăm mét vuông mà chỉ có một bóng đèn 40W. Tô Di chú tâm lau ba giờ, văn tự trong đỉnh đồng mới rõ như lúc ban đầu. Mắt anh hoa cả lên, ngay cả mặt Lý Yêu Yêu cách vài thước cũng không nhìn rõ. Anh đặt đỉnh đồng sang một bên, xoa đôi con ngươi nói: “Cũng sắp đến giờ rồi, chúng ta đi thôi.” (nông trạch: nhà gần ruộng nương)
Lý Yêu Yêu lên trước vỗ vai anh: “Hôm nay anh nghỉ ngơi đi. Đào động không cần anh góp sức, anh đi ngủ sớm một chút đi.”
Tâm tư Tô Di còn đang ở chỗ đỉnh đồng, anh suy nghĩ một chút, cũng không từ chối: “Được rồi.”
Ba người đi không bao lâu, thị lực Tô Di dần khôi phục lại, anh tìm vài ngọn nến rồi đốt lên, nương ánh sáng mờ mà tiếp tục rửa đỉnh đồng.
Sáu giờ sáng, ba người bùn đất bám đầy quay về nông trạch, thấy Tô Di đang gục đầu ngủ trên bàn.
Lý Yêu Yêu không vui bước lên trước, dịu dàng ôm anh lên. Tô Di gầy vô cùng, cao mét bảy tám mà chỉ nặng hơn năm mươi cân, Lý Yêu Yêu ôm ngang hông anh mà không tốn chút sức lực nào. Tô Di ngủ khá sâu, bị ôm như vậy mà cũng không tỉnh lại, mặc kệ Lý Yêu Yêu ôm vào phòng.
Lúc Lý Yêu Yêu đi ra, thấy Dư Ngư và Xa Xà đang cầm quyển sổ tay của Tô Di lên so sánh với chiếc đỉnh đồng nhỏ. Lý Yêu Yêu tiến lên nhìn, thấy Tô Di đã viết hết các văn tự trong chiếc đỉnh thanh đồng vào trong sổ. Hắn vừa nhìn vừa đối chiếu giữa hai bản, đúng là không lệch chút nào.
Khắc trên chiếc đỉnh thanh đồng là kim văn, Lý Yêu Yêu cũng biết được chun chút, chỉ vào một đoạn chữ nhỏ nói: “Mấy chữ này là ‘Mục Vương Cơ Mãn tặng Di Ngư bá’. Nói rõ món đồ này là của Chu Mục Vương Cơ Mãn tặng Di Ngư bá.”
Ba người vừa đào động về không có hứng thú với chiếc đỉnh nhỏ, Lý Yêu Yêu cũng không biết hết kim văn, chỉ nhìn rồi lập tức bỏ xuống đi ngủ.
Đến trưa, Tô Di tỉnh lại đầu tiên, sau khi chép xong văn tự trong đỉnh đồng, anh lập tức chụp ảnh gửi cho Tiểu Kiều, còn dặn anh ta không nên đưa kim văn cho người khác đọc.
Tiểu Kiều tên Kiều Du, năm nay ba mươi tư tuổi, nhưng gương mặt rất non, cho nên mọi người đều gọi anh ta là Tiểu Kiều. Tiểu Kiểu là một học gia ngôn ngữ cổ, tinh thông văn giáp cốt, kim văn và một ít chữ tiểu triện. Anh ta là sư huynh của Tô Di, quan hệ hai người rất tốt, anh ta làm tiền bối, thường dìu dắt Tô Di, có gì tốt cũng sẽ nghĩ tới Tô Di.
Buổi tối, ba người thu thập dụng cụ xong, Lý Yêu Yêu hỏi Tô Di: “Đêm nay anh đi không? Động đào gần xong rồi.”
Tô Di gật đầu, cất sổ kí họa vào trong túi, theo ba người ra ruộng bậc thang.
Hai giờ sáng, Dư Ngư và Xa Xà tiên phòng đi đào huyệt mộ thứ nhất, Xa Xa với thân hình cân đối tinh tế bò vào mộ thất, Dư Ngư ở trong động tuồn văn vật ra, Lý Yêu Yêu và Tô Di ngồi xổm bên ngoài tiếp ứng.
Xa Xà lấy ra không ít mâm, tượng thanh đồng và đồ ngọc bích, còn có kiếm ngắn và vài vũ khí loại một. Một lát sau, dưới động truyền tới thanh âm trầm thấp của Xa Xà: “Xẻng.”
Lý Yêu Yêu vội vàng đưa xẻng Lạc Dương xuống.
Dưới động vang lên vài tiếng đào khoét, Lý Yêu Yêu buồn bực hỏi: “Lão Xa, anh làm cái gì vậy?”
Xa Xà nói: “Còn có một mộ nữa.”
Lại qua một lúc, hai người dính đầy bùn đất bò từ trong động ra, hai người ngồi ngoài không khỏi giật mình. Họ mang hai bao tải đầy ắp về! Phải nói là Xa Xà chỉ lấy một vài đồ nhỏ như trang sức, vũ khí, cốc chén, đèn; những thứ như chung đỉnh họ không động tới mà đã thu được nhiều thế này!
Tô Di hỏi: “Sư huynh, dưới đó còn gì vậy?”
Xa Xà không tập trung đáp: “Đồ gốm, đỉnh, chung.”
Tô Di lại hỏi: “Hai mộ à?”
Xa Xà gật đầu: “Hai mộ, một nam, một nữ.”
“Uầy uầy~~” Dư Ngư cười nói: “Mộ phu thê nha~”
Tô Di suy nghĩ một hồi, lấy sổ kí họa và bút ra nhét vào trong ngực: “Em xuống xem một chút.”
Lý Yêu Yêu đang ngồi xổm lựa văn vật, thờ ơ đáp: “Coi chừng một chút.”
Tô Di chậm rãi vào đạo động, không cẩn thận hông đụng phải một vật cứng, đau đến tê rần người.
Qua hai giây, trên mặt đất truyền tới giọng nói tức giận của Lý Yêu Yêu: “Này!”
Tô Di cười cười, hô lớn: “Không sao đâu, bị đụng một chút thôi.”
Lý Yêu Yêu nói thầm: “Yếu như gà ấy.”
Tô Di móc thứ vừa đụng vào người mình ra nhìn, sau đó lấy đèn pin chiếu, chỉ là một viên đá cuội bình thường. Anh bỏ đá cuội vào trong túi, tiếp tục đi vào trong.
Mộ Ngư Bá cũng không sâu, thoáng chốc đã đi tới đáy.
Mộ thất thứ nhất có ngũ đỉnh tứ quỹ, dựa theo nghi lễ thời Tây Chu, thân phận của chủ mộ này là chư hầu. Tô Di tỉ mỉ quan sát ngũ đỉnh tứ quỹ, thấy đa số đồ đều đã bị gỉ sét, chỉ có một chiếc đỉnh thanh đồng là còn nhìn thấy rõ được chữ kim văn khắc trong đó.
Tô Di lập tức lấy quyển sổ kí họa ra, sao chép chữ kim văn vào.
Xong xuôi, anh bắt đầu tiến vào mộ thất thứ hai.
Chiếc quan tài trong mộ thất thứ hai bị Xa Xà mở ra, đồ bồi táng đều đã bị lấy đi, bên thi cốt không được bảo tồn tốt có một tầng vải cháy sém, mơ hồ nhìn thấy hoa văn trên đó, đúng là là tơ lụa từ ba ngàn năm trước. Tơ lụa khó bảo tồn, tới giờ còn lưu lại được một ít là đã rất hiếm thấy rồi. Trong lòng Tô Di dâng lên chút thương tiếc, thay chủ mộ khép quan tài lại, quay đầu ra khỏi mộ thất.
Lúc Tô Di bò lên mặt đất, đám Lý Yêu Yêu đã dọn dẹp gần xong rồi.
“Đi thôi, trời sáng nhanh quá, mai quay về đào tiếp.” Lý Yêu Yêu nói xong liền lấy đồ nọ đồ kia giấu động đi.
Tô Di cẩn thận lấy quyển sổ kí họa trong ngực ra, để xuống đất, thu dọn đồ của mình.
Lý Yêu Yêu mở sổ kí họa của anh ra nhìn thoáng qua, chỉ vào một chữ trong đó nói: “Chữ này tôi biết này. Cơ, là họ của tộc nhà Chu.”
Tô Di gật đầu, thần sắc ngưng trọng: “Đây là họ của chủ nhân mộ thất thứ hai.”
Lý Yêu Yêu còn muốn nói gì đó, xa xa đột nhiên có một ánh đèn chiếu về phía bọn họ.
Một giọng nam quát lên: “Mấy người đang làm gì vậy?!”
.o.
1 mẫu đỉnh thanh đồng thời tây chu. Thanh đồng = đồng xanh
Quỹ: dụng cụ đựng thức ăn thời xưa. Trong ảnh là một mẫu quỹ thời Tây Chu.
Chữ giáp cốt: là một loại văn tự cổ đại của Trung Quốc, được coi là hình thái đầu tiên của chữ Hán, cũng được coi là một thể của chữ Hán.
Kim văn. Còn gọi là Chung đỉnh văn. Là loại văn tự được khắc hoặc đúc trên đồ đồng, là sự kế thừa của giáp cốt văn, rất thịnh hành trong thời Tây chu.
Chữ Triện: là một kiểu chữ thư pháp Trung Quốc cổ. Đây là loại chữ tượng hình có nguồn gốc từ chữ giáp cốt thời nhà Chu. Đây có thể coi là kiểu chữ thống nhất đầu tiên của Trung Quốc.
Chu Mục Vương (1052 TCN – 922 TCN): là vị quân chủ thứ 5 của nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Ông trị vì từ năm 976 TCN đến năm 922 TCN, tổng cộng 54 năm. Tên thật của ông là Cơ Mãn.
M: Thứ lỗi cho mình edit càng ngày càng tệ, dùng toàn hán việt huhu m(_ _)m