Chỉ Cần Em Còn Yêu

Chương 12: Chương 12: À, thì ra Sài Gòn cũng lập đông đấy anh




Thì ra hôm nay là sinh nhật thằng bạn thân của anh, cô chưa bao giờ gặp mặt bạn bè anh nên có chút bỡ ngỡ, Hoàng giới thiệu.

- Đây là bạn gái tớ, Kiều Lam. Còn đây là Minh, chủ nhân bữa tiệc, Khánh, Thái, đều là bạn học với anh từ thời cấp ba đến đại học.

Ai cũng dẫn theo bạn gái, và đặc điểm chung là họ đều chưa vợ. Mọi người nhìn cô đánh giá một lượt, có người nhận ra cô, người không. Kiều Lam mỉm cười nhìn mọi người.

- Mặc dù em không phải một chân dài như tiêu chuẩn xưa nay của anh Hoàng nhưng các anh cũng đừng thất vọng khi thấy em thế chứ, trái tim bé bỏng này sẽ bị tổn thương mất.

Kiều Lam nói xong còn đặt tay lên bên ngực trái nơi trái tim ngự trị như một kiểu chứng minh.

Mấy người bạn anh nghe thế ai cũng xua tay, cười bảo Hoàng dạo này lại gặm cỏ non cơ đấy, còn hỏi cô tốt nghiệp đại học chưa.

- Em mới 28 thôi, chắc cũng đủ tuổi tốt nghiệp rồi ấy nhỉ.

Một câu nói khiến mọi người ngã ngửa ra sau hết, lùn cũng có cái giá của lùn chứ, đó là trẻ lâu. Minh vỗ vai Hoàng khen anh chọn bạn gái có tiến bộ, chân dài thời nay não ngắn chẳng để làm gì.

Hoàng ôm vai cô, hãnh diện hất mặt lên nói.

- Tớ một khi đã ra tay phải khác chứ, cứ chuẩn bị tiền ăn cưới tớ đi là vừa.

Minh thuê một phòng riêng, gọi vài chai rượu mạnh, không khí vui vẻ hòa đồng hơn cô tưởng tượng. Bốn cặp đủ bốn chân để chơi bài, luật của bọn họ là ai thua trả tiền bữa tiệc hôm nay.

Khả năng đánh bài của Hoàng quá “pro” nên cuối cùng người chủ chi là anh. Cô cười mãi khi nhớ lại lúc mới nhập cuộc Hoàng sắn tay áo lên, còn nói cô nhất định phải nhìn giây phút anh đánh bại bọn nhóc kia thế nào.

Thanh toán xong thì mọi người giải tán, ra đến xe Kiều Lam vẫn cười không đứng thẳng người lên được. Cô nói với anh rất thật tâm:

- Tốt nhất sau này anh an phận đi, đánh đề ra đê mà ở, à nhầm, cờ bạc là bác thằng bần.

- Chắc hôm nay anh đỏ tình đen bạc nên mới thế, em cứ chờ xem, anh nhất định sẽ đòi lại những gì đã mất.

- Để rồi mất luôn những gì đang có chứ gì.

Kiều Lam chống cằm nhìn đèn đường sáng rực bên ngoài. Ngày cô học cấp một, vùng quê nhỏ miền núi nơi cô ở chưa hề có điện nói gì đến những ánh đèn sáng rực thâu đêm như thế này. Cô nhớ mẹ hay sai mình đi mua dầu lửa đổ vào cây đèn dầu lấy ánh sáng học bài. Ánh đèn mờ ảo ấy đã nuôi dưỡng bao ước mơ của những cô gái, chàng trai thế hệ như cô. Để rồi giờ đây khi nơi đâu cũng là thứ ánh sáng chói mắt này, cô lại hoài niệm được tìm về với thứ ánh sáng trong đêm tối năm nào.

Cũng giống như khi mỗi hộ gia đình chỉ là căn nhà ván mái tôn, cô có thể chạy qua chạy lại chơi với ông anh họ, với mấy đứa em họ, thỉnh thoảng ăn chực bữa cơm ở nhà cô chú. Sau này có điều kiện hơn, nhà ai cũng xây nhà, làm hàng rào. Con đường tắt để đi không còn, ai cũng lười đi đường vòng nên khoảng cách ngày một xa dần, tình cảm cũng lạc lõng, không còn thân thiết như xưa được nữa. Hàng rào ấy không chỉ ngăn cách con đường ngắn nhất đến nhà nhau mà vô hình chung nó đã ngăn cách tình người với nhau.

Cũng giống như cuộc sống nơi đô thị phồn hoa này vậy, mạnh ai nấy sống, cô thậm chí không biết hình dáng hàng xóm nhà mình ra sao. Suy cho cùng, đến chính bản thân con người còn thay đổi huống chi sự phát triển của xã hội.

- Em kể anh nghe về hồi nhỏ của mình chưa nhỉ?

- Nếu anh nhớ không nhầm thì là chưa.

- Ngày ấy, thi tốt nghiệp cấp một, em làm bài không được tốt. Lý do là gì anh biết không, em cẩu thả, đọc đề không kỹ. Trong bài tập làm văn, yêu cầu tả một học sinh hiếu học, em lại đi tả một người con hiếu thảo. Còn đề toán có một câu tìm x gì đó mà có 10x em đọc thành 7x. Thi xong dù biết em không có hy vọng vào hệ A nhưng vẫn mù quáng tin vào luật thắng thua do em tự đặt ra.

- Luật thắng thua. - Anh hỏi lại.

- Phải, chơi banh đũa, anh chắc không biết đâu. Em tự nói với mình, nếu em đi một lần từ đầu đến cuối thì em vào được hệ A, trước đó em toàn hụt ở màn bắt cả mười đũa. Lần đầu tiên em đi hết được thật, nhưng cuối cùng vẫn phải vào hệ B. - Ngừng một lát cô mới tiếp tục.

- Nhà em lúc đấy nghèo lắm, học phí hệ B là ba mười ngàn đồng một tháng, trong khi hệ A chỉ sáu ngàn đồng một tháng, em rất xấu hổ với cô chủ nhiệm dạy em. Một thời gian dài em không dám gặp cô, và kỳ lạ hơn, bố mẹ em không hề la mắng em như em vẫn tưởng. Sau này lên lớp tám, lớp chín, em còn học bồi dưỡng thi học sinh giỏi lý cấp tỉnh đấy. Bố em hay khoe với bạn bè ông, con bé này vừa đóng tiền giỏi, vừa đóng tiền ngu.

Hoàng nắm chặt tay cô, ai cũng từng trải qua một tuổi thơ dữ dội và dịu êm khi có gia đình bên cạnh cả, anh cũng không ngoại lệ:

- Khi thơ bé, mỗi khi bị mắng anh luôn nghĩ phải làm cách nào đi thật xa cái nhà này, ước gì anh lớn nhanh để bay thật cao, thật xa. Sau này, hết năm nhất anh ra nước ngoài du học, những thú vui bên ngoài quá nhiều khiến anh quên mất ở đây vẫn có những người mong chờ mình mỏi mòn. Lần đầu tiên anh về nhà sau những chuyến vui dài, anh thấy đầu ba đã hai màu tóc, khóe mắt má anh lộ rõ vết chân chim. Bà ôm anh vào lòng thì thầm, bà nhớ anh quá. Đó là lần đầu trong đời anh nghe má nói câu đó, ba má luôn yêu anh theo những cách hoàn hảo nhất. Đây cũng là lần đầu tiên anh nhận ra anh phải trân trọng những gì mình đang có.

Ai chẳng từng đi qua một thời tuổi trẻ bồng bột, thích làm trái ngược hoàn toàn ý cha mẹ, khi đó đơn giản chỉ nghĩ họ thật phiền phức luôn áp đặt ta điều này điều kia. Ta chỉ thật sự lớn khi nhận ra đó chỉ vì họ quá yêu ta mà thôi. Dẫu biết là thế, nhưng trong những năm tháng dài rộng của cuộc đời này, được mấy lần ta dừng lại và nghĩ về họ.

Đêm thành phố đầy sương, cái se lạnh của thời tiết đầu đông khiến đôi tay anh dường như lạnh hơn, nắm chặt lấy bàn tay người đang ngồi cạnh mình kiếm tìm chút hơi ấm. Hãy cứ để cô sưởi ấm cho anh theo những cách giản dị thế này.

Ngày tháng dần trôi, cuối cùng ngày trọng đại trong đời Hạnh cũng đến, sau khi cưới ở quê thì Minh Vương và cô ấy quyết định báo hỷ ở Sài Gòn, nơi có nhiều bạn bè, đồng nghiệp của cả hai. Tất nhiên Kiều Lam để lại dấu chân ở mọi nơi tổ chức hôn lễ của Hạnh.

Cô và Hoàng dẫn Seven đến nhà hàng từ rất sớm, giúp Hạnh xem xét lại những gì còn thiếu sót, rồi lại giúp cô ấy tiếp đãi khách, ổn định chỗ ngồi. Nhìn bố Hạnh trao cô ấy vào tay Minh Vương, cô bồi hồi, con người ta ai cũng một lần trong đời trải qua giây phút thiêng liêng này.

Từ bây giờ, cuộc đời cô ấy đã sang trang mới, hai người sẽ phải sống nhường nhịn nhau hơn, suy nghĩ cho nhau nhiều hơn. Hoàng im lặng nắm chặt tay Kiều Lam, bởi anh biết cô đang xúc động. Cô ngồi cùng bàn với mấy đứa bạn phòng ký túc ngày xưa, đến lượt Hạnh chúc rượu bàn cô, chúng nó hét ầm lên.

- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy, có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.

- Sai rồi, phải là hôm nay trong đám xuân xanh ấy chứ.

- Chú rể, lại đây, chị chỉ dặn em mấy điều, không được bắt nạt cô dâu của chúng ta, không được ăn cây táo, rào cây sung làm cô ấy phải buồn. Nhớ chưa?

- Uống với tụi chị ly rượu này.

Mỗi người một câu không ai chịu nhường ai. Cô nhìn qua ly rượu, nghĩ thầm, ly này chẳng phải để uống bia sao. Nhưng Kiều Lam không ngăn cản mấy đứa bạn làm thế, bởi hơn ai hết, cô mong Hạnh sẽ hạnh phúc hết phần đời còn lại.

Seven quay sang anh hỏi nhỏ.

- Chừng nào ba mới lấy mẹ?

- Mẹ chưa đồng ý, ba cũng muốn thế lắm chứ.

- Ba kém cỏi hơn chú Minh Vương rồi, ba phải cố gắng lên chứ. Hay ba mua nhẫn cầu hôn với mẹ đi.

- Nhóc con, ba mua từ lâu rồi, nhưng bây giờ chưa phải lúc.

- Thế chừng nào mới phải lúc?

- Ba cũng không biết.

Hai cha con đồng thời thở dài. Tình cảm vốn chẳng giống như thương trường, mất hợp đồng này có thể kiếm hợp đồng khác. Yêu một người là xuất phát từ tim, khi anh yêu cô, anh chưa từng nghĩ sẽ quen rồi lấy một ai khác ngoài cô. Người ngoài nhìn vào đều nói anh lăng nhăng, chỉ bởi anh chưa từng yêu ai trong số những cô gái ấy. Với cô lại khác, có những điều anh muốn chung thủy suốt đời.

Ví như ngần ấy năm trôi qua, anh chỉ xài một loại xà bông tắm, một dòng nước hoa, chỉ xài chiếc ví cô tặng anh trong lần sinh nhật hai sáu, và chỉ để duy nhất tấm hình thẻ của cô trong ngăn sâu nhất. Vốn rất nhiều điều nhỏ nhặt ấy, cô không biết, anh cũng không muốn cô biết, đó là bí mật nhỏ anh chôn giấu bao nhiêu năm nay.

Sáng hôm sau Kiều Lam đến công ty trong tình trạng mệt mỏi cực độ, cô chẳng có sức làm việc. Anh Mạnh gõ cửa phòng cô.

- Cà phê sáng không?

- Sắp trưa rồi ông anh của tôi ơi, nhà ăn nhé. - Kiều Lam vừa nói vừa nhìn đồng hồ, cũng sắp tới giờ cơm trưa.

Nhà ăn công ty cô ở tầng bốn, tường ốp kính trong suốt nhìn ra phố xá nhộn nhịp. Có người chờ đèn đỏ dừng lại mua vài chiếc bánh tiêu từ bà bán hàng rong. Những điều tưởng chừng như giản dị ấy nhưng sao cô lại thấy thân thương quá.

Ví như sáng nay vô tình trên đường, cô bắt gặp ông lão chỏ bình hoa, lư hương với đủ màu sắc, kích cỡ. Cô vô tình nghe lòng nao nao, bỗng thấy nhớ tết, nhớ những buổi chiều hai chín đi chợ cùng mẹ, dù rằng trên phố người ta đang trang trí những cây thông chuẩn bị cho một mùa Noel sắp đến. Chợt nhận ra hai tháng nữa là mùa xuân sẽ về.

Mắt cô bỗng cay xè khi thấy cô bé bán những chú heo đất đủ màu sắc đang ngồi trên vỉa hè. Bỗng nhớ cậu út hồi bé tết năm nào cũng được mẹ mua cho một chú đựng tiền lì xì. Cô thấy lòng se lại, bàn tay chợt muốn nắm chặt bàn tay ai đó vì cái lạnh chợt đến sáng nay. Kiều Lam thì thầm với chính mình. “À, thì ra Sài Gòn cũng đang lập đông đấy anh.”

- Nghĩ gì mà nhập tâm thế, tính hỏi em uống gì, mà không thấy em trả lời nên anh gọi luôn rồi.

- À, về thời thơ bé thôi. Anh gọi cà phê rồi à, có cả mãng cầu của em nữa cơ đấy. Vẫn là anh hiểu em.

- Có những việc không hẳn cứ muốn là sẽ quên.

- Sao hôm nay rảnh rỗi rủ em đi cà phê thế này?

- Sáng nay trời chuyển lạnh, bỗng nhớ Hà Nội, muốn tìm một người nói chuyện phím thôi.

- Lần đầu tiên đấy, không ngờ thành phố này cũng có cái lạnh hai mươi độ. Hôm qua em lên Face còn nghe mấy đứa bạn than thở sao mùa đông năm nay lạnh hơn mùa đông năm ngoái vậy ta?

- Đối với anh thì ấm áp hơn. Mà em vẫn không bỏ cái tật uống mãng cầu nhỉ, anh chẳng hiểu nó hấp dẫn em ở điểm nào.

Cô mỉm cười, anh không hiểu là tất nhiên. Bởi đó là kỷ niệm khi còn rất nhỏ. Hồi đó bố trồng một cây mãng cầu, ngày nào cô cũng ra tưới nước cho nó, nhưng chờ mãi chẳng thấy trái, bố cô cười bảo phải năm sau cây mới có trái.

Cô không bỏ cuộc, năm sau thì năm sau, cuối cùng cái cây ấy cũng ra trái nhưng chỉ được một trái duy nhất nặng gần ba kilogam. Nhà có khách, mẹ đem xẻ trái mãng cầu, phần cô một miếng trên gác bếp, anh hai lúc ấy ăn chưa đã thèm liền lấy luôn phần của cô.

Đi học về không thấy mãng cầu đâu, cô ngồi khóc đúng một tiếng đồng hồ khiến anh hai bị bố cho hai gậy vào mông. Từ đó mãng cầu thành một vết sẹo ăn uống trong cô.

- Con gái miền Nam mang một nét gì đó thật khác so với anh cảm nhận.

- Anh cảm nhận thế nào mà khác?

Ông anh à, chuyển đề tài còn nhanh hơn cả thời tiết thế này. Kiều Lam nghĩ thầm.

- Anh đã nghĩ họ cũng dịu dàng, đằm thắm giống con gái miền Bắc hoặc chí ít là giống em.

- Giống em, hôm nay em lại biết thêm một sự thật nữa đấy. Lần đầu có người dùng hai từ này hình dung về em. Thế bây giờ anh cảm nhận thế nào về con gái miền Nam?

- Đẹp quyến rũ, năng động.

- Anh không thích như thế sao?

- Không, rất thích.

- Kiếm một cô đi, đừng trông đợi vào duyên số khi anh chỉ ngồi và không chủ động.

- Em cứ làm như ăn một chén cơm không bằng. Cái gì cũng cần có thời gian.

- Hai người nói chuyện gì mà vui vẻ thế?

Hoàng bất ngờ xuất hiện khiến cô và Mạnh giật mình quay lại:

- Em đang nghĩ xem ngồi đây bị anh bắt gặp thì có bị trừ lương không?

Kiều Lam kéo tay Hoàng ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh.

- Chào Hoàng.

- Chào anh Mạnh, công ty này bé thế mà anh em mình ít gặp nhau nhỉ.

- Chẳng phải buổi hợp nào chú cũng gặp anh sao?

- Ý em là ngoài phòng họp cơ, anh ăn cơm trưa luôn nhé.

- Tất nhiên.

***

Trong khi mọi người chạy đua với các kế hoạch, báo cáo cuối năm thì Noel cũng đến. Sáng lên công ty nghe mọi người to nhỏ với nhau điều gì đó. Hóa ra trên bàn làm việc của cô có hai bó hồng và một hộp quà. Nhân viên phòng cô hôm nay rất tích cực buôn chuyện, Chi đã chạy ngay lên thêm mắm dặm muối.

- Sáng em đến công ty thấy trưởng ban đối ngoại cầm một bó hồng đỏ đặt lên bàn chị, vừa quay ra đã thấy phó tổng cũng ôm một bó hồng cam và một hộp quà chạy vào. Hai người gặp nhau ở cửa, mặt đằng đằng sát khí nhìn nhau, nhìn nhau mãi không ai chịu nhường ai. Cuối cùng, mọi người đến, hai người ấy giải tán, đường ai nấy đi. Chị không tin có thể hỏi mấy anh chị phòng mình, em không nói dối đâu.

Được rồi cô gái, sau này em thành tiểu thuyết gia chị cũng không ngạc nhiên đâu. Tất nhiên Kiều Lam cũng chỉ là một cô gái bình thường, thích nhận được hoa và quà trong các ngày lễ. Nhưng có lẽ anh Mạnh không hiểu, đối với người đời, hoa hồng đỏ tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, riêng với cô nó mang một ý nghĩa hoàn toàn khác.

Nhớ rằm tháng bảy năm lớp tám, khi đó đi chùa được sư thầy cài cho một bông hồng màu đỏ ngay ngực áo. Lúc đó cô đã nghĩ, mình thật may mắn vì còn có mẹ. Bắt đầu từ đó, cô luôn yêu hoa hồng đỏ theo một cách riêng nhất. Cô không mua hoa hồng đỏ bao giờ và cũng không muốn người khác tặng mình loài hoa ấy.

Cô mở hộp quà ra, là một đôi găng tay len sọc xanh sọc hồng, bên trên còn có mặt cười xinh xắn. Vật chất là thứ rồi cũng phai nhòa theo dòng chảy của năm tháng, chỉ có những món quà tinh thần vĩnh cửu theo thời gian mà thôi. Hoàng luôn hiểu kể cả khi những điều ấy cô không nói ra.

Món quà trong giỏ xách cô vốn định tối sẽ tặng cho anh, nhưng giờ có lẽ cô không đợi được nữa rồi. Lên tới lầu bảy đã nghe thư ký của anh than vãn

- Chị Lam, sáng nay hai người cãi nhau à?

Cô không hiểu chuyện gì xảy ra nên lắc đầu.

- Sếp em sáng nay ăn phải cái gì không biết, em mang báo cáo vào, sếp chưa xem đã sạc cho em một trận, bắt viết lại. Vừa nãy giám đốc kế hoạch cũng mới bị la đấy. Khổ thân em rồi.

- Để chị vào xem thế nào nhé.

- Chị cẩn thận đấy.

Kiều Lam gõ cửa phòng Hoàng rồi bước vào, anh chỉ ngẩng đầu lên nhìn cô đúng một giây rồi lại cúi xuống màn hình laptop. Hóa ra anh đang check mail, cô bước đến ngồi vào thành ghế, một chiếc hộp được gói bằng giấy kim tuyến hồng phấn rất xinh xắn đập vào mắt cô.

- Anh chàng đào hoa, chiếc hộp xinh đẹp kia là của mỹ nhân nào tặng anh thế?

- Chiếc hộp nào?

- Trước mắt anh đấy.

Hoàng nhìn qua góc phải tay mình, đúng là có một hộp quà, nhưng nãy giờ còn đang bực mình chuyện có người khác cũng tặng hoa cho cô nên không để ý.

- Em muốn biết thì cứ mở, anh không quan tâm.

Kết quả, cô mở thật, là một chiếc ví màu da, bên dưới còn có tấm thiệp ghi vỏn vẹn tám chữ. “Chúc anh giáng sinh vui vẻ - Ánh Nguyệt.”

Cô giơ tấm thiệp ra trước mặt anh:

- Rốt cuộc quan hệ của hai người là như thế nào?

- Anh cũng muốn hỏi em, quan hệ giữa em và anh Mạnh là như thế nào? Đừng nói với anh em không biết anh ấy thích mình.

- Chúng em chỉ là bạn bè.

- Anh cũng thế.

- Thật không?

- Thật, gạt em làm gì, kết thúc dự án kia, anh và cô ấy có gặp lại nhau đâu.

- Thế tại sao cô ấy tặng quà cho anh?

- Thế tại sao anh Mạnh tặng hoa cho em?

- Cái đó thì anh phải hỏi anh Mạnh chứ sao lại hỏi em.

Anh vươn tay bế cô ngồi lên đùi mình, mân mê chiếc lắc trên bàn tay phải của cô.

- Anh không thể cấm người khác thích em hay thích anh, điều anh có thể làm chỉ là yêu em nhiều hơn, và không để lại hy vọng cho người thích anh. Em cũng thế nhé.

- Nhưng người ta có nói thẳng với em là họ thích em đâu, em ngăn cản thế nào được chứ.

- Vậy thì lấy anh nhé.

- Anh cầu hôn mà không có nhẫn dưới ánh nến thế này em không đồng ý đâu.

Anh biết cô lại đang né tránh vấn đề này, thời buổi kinh tế thị trường, lạm phát tăng cao làm ăn đã khó khăn, sao đến cả cầm tờ đăng ký kết hôn cũng vất vả thế này nhỉ.

- Quà cho anh.

Kiều Lam đặt chiếc hộp nhỏ được gói tỉ mỉ vào tay anh, quà là tự tay cô gói, cô luôn thích tự gói những món quà ý nghĩa thế này

- Anh mở bây giờ luôn được không?

Nói rồi giơ tay định bóc lớp giấy hoa phía trên. Cô chặn tay anh lại, lắc lắc chiếc đồng hồ bên tay trái của mình:

- Đợi em ra khỏi cửa rồi mở.

Nói rồi phóng vọt ra ngoài không cho anh cơ hội phản ứng.

Ra là một chiếc đồng hồ cặp với chiếc đồng hồ trên tay cô, cô nàng này, có gì phải xấu hổ không biết, mặt sau đồng hồ còn khắc ký hiệu “KL” rất nhỏ, Hoàng lấy tay miết lên hai chữ cái ấy, có một thứ cảm xúc chẳng thể gọi tên cứ len lỏi vào tim, ngày một lớn dần lên đủ để anh hiểu mình cần cô cả đời.

Hoàng cầm hộp quà có chiếc ví xuống phòng kinh doanh, đặt lên bàn của Nguyệt.

- Cám ơn quà giáng sinh của em, nhưng có một chiếc ví anh đã sử dụng mấy năm nay và chưa từng có ý định đổi chiếc khác. Em nên tặng một người thật xứng đáng với em.

Nói rồi anh bước đi thật dứt khoát nên không thấy được vẻ thất vọng đan xen những giọt nước mắt trên khuôn mặt cô gái trẻ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.