“Híííííííí!” Xe ngựa chợt dừng lại, Tuyết Nhạn bừng tỉnh khỏi giấc mộng ngày xưa.
Cô phát giác Tuyết Khanh đã đứng dậy và xuống xe rồi, vẻ mặt bình tĩnh,
song ống tay áo run run se sẽ đã bán đứng sự kích động trong lòng y.
“Huynh sợ đấy ư? Người chiều chuộng huynh nhường vậy cơ mà!” Đặt chân xuống
đất an toàn xong, cô liền phun ra với ca ca một câu mai mỉa.
Thế
nhưng Tuyết Khanh không có trả lời, mà dường như y trước sau cũng không
hề dành một cái liếc mắt cho Tuyết Nhạn, chỉ đơn giản đi theo Lưu Tiên
vào Hoàng cung. Xuyên qua vô số hành lang uốn khúc lẫn cung điện, sau
rồi họ cũng đã đến một đại điện trống không rộng lớn mà trang nghiêm vạn phần, trước điện dựng hai pho chế phẩm bằng đồng rồng bay phượng hót,
phần điện bên trong, ngoài những tấm màn trướng ngọc lụa to bản buông rủ phất phơ thì chỉ có lác đác mấy chiếc ghế kê chân, trụ thể không có chỗ nào là thiếu vắng bàn long hải vân(1), biểu hiện sự uy nghiêm và ngạo
khí của Hoàng tộc.
“Vị Ương cung!” Tuyết Nhạn bèn bật thốt.
“Đổng tiểu thư nói không sai, đây là tẩm cung của Hoàng thượng. Ta đã báo
cáo, cô sẽ được diện Thánh ngay thôi.” Lưu Tiên chầm chậm mà rằng.
Bấy giờ, Đổng Tuyết Nhạn mới hay trên điện chỉ còn lại trơ trọi ba người
họ, không gian quang quải của đại điện trở nên lạnh lẽo, vận mệnh không
cách nào đoán chừng được khiến cô khó thở.
Cô đẩy tầm mắt sang
Tuyết Khanh, phát hiện khuôn mặt xinh đẹp nọ đã hóa thành lạnh lùng,
thật hệt như một bức tượng đá cẩm thạch trắng phau tịch mịch.
Đổng Tuyết Khanh của lúc này có lý do để mà sợ hãi căng thẳng hơn so với bất cứ ai, nhưng y lại cảm thấy lòng mình bình lặng quá đỗi.
.
Trí óc không ngừng đảo vần những mảng ký ức cũ xưa, điều duy nhất mà y
nhung nhớ chỉ có mỗi là, nếu ngay sau thời khắc này đây đệ trở thành một cỗ thi thể băng lạnh, đệ liệu có còn nhớ đến huynh được không? Hứa đại
ca…
Vào năm Đổng Tuyết Khanh mười tám tuổi làm lễ thành nhân, Đổng gia đón Tuyết Khanh về nhà. Vài ngày sau, y được cha mẹ gọi tới.
“Tiểu Khanh, hồi nãy cha mẹ mới nhận được tin tức từ trong cung, con cháu các thế gia vọng tộc tầm tầm con đều vào cung đảm nhiệm các chức vụ văn
thị, võ vệ. Mẹ với cha con đã bàn bạc qua rồi, nam nhi chân chính là
phải phò tá vì nước, từ nhỏ con đã được học lễ nghi Tứ Thư(2), hoàn toàn có thể đảm đương văn chức, ngay ngày mai cha mẹ sẽ đưa con vào cung,
được không nào?” Đổng phu nhân lọc lựa những từ ngữ khéo léo nhất để nói cho con trai nghe, sợ con hiểu lầm thành nó chỉ là người dư trong nhà.
“Con xin nghe theo sự chỉ bảo của cha mẹ, chỉ là không thể làm tròn chữ hiếu với cha mẹ, con thật xấu hổ.” Đổng Tuyết Khanh đáp lại tức thì, y vốn
đã không chịu nổi cái gia đình xa lạ và bộ mặt lạnh nhạt kia của phụ
thân, sớm rời đi là biện pháp tốt nhất, y thật cảm tạ mẫu thân đã đưa ra chủ ý này.
“Vào cung rồi, phàm là chuyện gì cũng phải thận
trọng, sức khỏe của đương kim Hoàng thượng hiện đang ngày càng suy yếu,
phiền muộn vì chưa kịp sắc lập Thái tử. Lục hoàng tử và Tứ hoàng tử đấu
đá nhau rất gay go, nhất định đừng có để mình vướng vào vòng xoáy cung
đình, nhẹ thì khó toàn mạng, nặng thì tai họa cả nhà. Nhớ kỹ lấy!” Đổng
đại nhân từ tốn nhắc nhở, nút khúc mắc cố chấp trong lòng ông không khỏi lỏng đi, hoặc là nó quá giống mẹ nó, bản thân ông nhiều năm qua lạnh
nhạt với nó có lẽ cũng đã quá đáng quá rồi!
Nghe được lời dặn
này, hai mẹ con đều lấy làm ngạc nhiên, song đáy lòng vẫn ngấm ngầm vui
vẻ, lại ôm hy vọng một ngày nào đó khúc mắc kia sẽ được cởi bỏ trọn vẹn.
Ngay ngày mai đã tiến cung, Tuyết Khanh vừa cảm thấy hứng khởi lại vừa thấp
thỏm. Giọng nói đạo mạo của phụ thân làm người ta dễ lo thật đấy. Y bước thong thả trên con đường, bất tri bất giác đã tới trước cổng Hứa phủ.
Hứa phủ xưa nay đã luôn coi y như người trong nhà, nhác thấy y đã nhanh
nhẹn đi ra mở cổng, Tuyết Khanh cũng điềm nhiên đi xuyên qua hoa, qua
liễu, đến thư phòng Hứa Nghiêm.
“Óa? Đến sao không gọi gì hết.”
Mới chớm quay đầu lại đã thấy Tuyết Khanh, Hứa Nghiêm vội vã đi tới, kéo lấy bàn tay mềm mềm, “Hè nóng nực, sao tay đệ vẫn lạnh thế hử, có phải
thức ăn nhà đệ không ngon bằng ở đây không?”
Tuyết Khanh ngước
nhìn Hứa Nghiêm, ánh mắt đong đầy nỗi niềm làm cho chàng trai thẳng thắn bị mê muội, nhưng Hứa Nghiêm dường như đã thành quen với đôi mắt ảm
chút u buồn này rồi, hai người họ mấy năm nay càng ngày càng lớn, Tiểu
Tuyết thường xuyên dùng ánh mắt này để nhìn mình mà lại không chịu giải
thích tường minh cho hắn nghe.
“Hứa đại ca, huynh bảo, kiếp sau chúng mình sẽ là huynh đệ thân thiết phải không?” Tuyết Khanh cười, hỏi hắn.
“Ngốc ạ, đời này đã là huynh đệ thân thiết rồi mà!”
“Vậy ạ?” Cặp mắt Tuyết Khanh nhất thời xám xịt, “Huynh đệ thân thiết ư?”
“Đệ làm sao thế?” Bất giác một nỗi mơ hồ bao phủ lên Hứa Nghiêm, hình như Tiểu Tuyết đang thất vọng lắm.
“Thế huynh cũng hy vọng Tiểu Nhạn là em gái thân thiết của huynh à?” Tuyết Khanh hỏi giỡn.
“Con bé hả ~” Hứa Nghiêm quan sát nét mặt Tuyết Khanh, cân nhắc từ ngữ tỉ mỉ mà rằng, “Con bé không thân bằng đệ đâu!”
Nói thật chứ, Hứa Nghiêm chịu chả hiểu nổi mấy câu hỏi liên tiếp này có hàm nghĩa gì đây, nhưng mà vì lẽ gì Tiểu Tuyết lại lăn tăn y không thân
thiết với hắn chớ nhỉ? Với hắn mà nói, Tiểu Tuyết chính là người hắn
quan tâm nhất à nha! Chẳng qua Hứa Nghiêm cũng không thể thốt ra lời như vậy, đại nam nhân cả rồi, nói ra thì buồn nôn chết.
“Vâng, đệ chỉ hỏi bừa thế thôi.” Đổng Tuyết Khanh lập tức trở về với biểu cảm dịu dàng.
Đoạn, y xoay lưng bước ra phía cửa, “A, đệ đến là để báo cho huynh biết, mai
đệ sẽ vào cung làm thị chức. Đệ biết huynh rồi sẽ được tuyển lựa vào đội thị vệ Hoàng cung, đến lúc đó, chúng mình sẽ lại được bên nhau sớm
chiều.”
Dứt câu, liền ngó lơ Hứa Nghiêm bị đứng đờ ra, bước nhanh khỏi Hứa phủ. Y không dám để Hứa Nghiêm bắt gặp sự đau thương mà y
không cách nào che giấu, y không dám thăm dò tình cảm hắn sâu thêm, y sợ thứ tình yêu bất luân của bản thân mình sẽ gây cho Hứa Nghiêm thương
tổn, y sợ sự nương nhờ toàn vẹn suốt mười mấy năm qua sẽ hóa thành hư
không chỉ trong một khoảnh khắc.
Chờ đến khi Hứa Nghiêm tỉnh táo lại, mới phát hiện Tiểu Tuyết đã đi rồi.
Đặt tay lên ngực tự hỏi, hắn không phải chưa rõ tình cảm đằm thắm Tiểu
Tuyết dành cho hắn, song đây lại là sự thật mà hắn mãi mãi không bao giờ muốn tin và đối mặt.
Đành rằng, từ thời Xuân Thu(3) Chiến
Quốc(4) cho đến Tần(5) Hán(6), chuyện Long Dương(7) trong tầng lớp quý
tộc đã không còn là thứ dị loại thế gian bất dung, nhưng tuyệt đối chỉ
là thứ tình cảm ngoài lề, còn hắn, vốn sinh ra trong nhà võ tướng, tự
nhận thấy mình đàn ông đích thực, luân lý đã được dạy bảo bấy lâu năm
qua cảnh báo cho hắn hiểu, thứ tình cảm hư vô ấy chính là điều cấm kỵ
lớn nhất.
Có điều Hứa Nghiêm vẫn chờ mong hắn sẽ nhanh chóng được triệu tập vào Hoàng cung, chiếu như những gì hắn đã nói, ai có thể thân thiết bằng Tiểu Tuyết chứ ━━ bảo bối hắn đã bảo hộ hơn mười năm qua.
. / .
Chú thích:
1. Bàn long là hoa văn hình rồng lượn, hải vân – biển mây thì tự hiểu tự tưởng tượng rồi nha :”D
2. Tứ Thư là bốn tác phẩm kinh điển của Nho học Trung Hoa, được Chu Hy thời nhà Tống lựa chọn. Chúng bao gồm:
Đại Học: một trong những kinh điển trọng yếu của Nho gia, dạy người ta cách tu thân và cai trị thiên hạ theo chủ trương “vi đức dĩ chính” của Nho
gia.
Trung Dung: nói về cách giữ cho ý nghĩ và việc làm luôn luôn ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập và phải cố gắng ở đời
theo nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cho thành người quân tử, để cuối cùng
thành thánh nhân.
Luận Ngữ: dạy đạo quân tử một cách thực tiễn, miêu tả tính tình đức độ của Khổng Tử để làm mẫu mực cho người đời sau noi theo.
Mạnh Tử: Phần Tâm học trong sách rất sâu xa, khiến học giả dù ở địa vị hay
cảnh ngộ nào cũng giữ được phẩm giá tôn quý. Phần Chính trị học thì vô
cùng mới mẻ và táo bạo, nhưng rất hợp lý, làm cho những người chủ trương quân chủ thời đó không thể nào bắt bẻ được. Có thể đây là lý thuyết
khởi đầu để hình thành chế độ quân chủ lập hiến sau này.
(từ trái qua phải: Mạnh Tử – Trung Dung – Đại Học – Luận Ngữ):
3 + 4. Thời đại Xuân Thu là tên gọi một giai đoạn lịch sử từ 722 đến 481 TCN trong lịch sử Trung Quốc.
Thời đại Chiến Quốc kéo dài từ khoảng thế kỷ 5 TCN tới khi Trung Quốc thống
nhất dưới thời Tần năm 221 TCN. Thông thường nó được coi là giai đoạn
thứ hai của nhà Đông Chu, tiếp sau giai đoạn Xuân Thu, dù chính nhà Chu
đã kết thúc vào năm 256 TCN, 35 năm trước khi kết thúc giai đoạn Chiến
Quốc.
Thời Xuân Thu – Chiến Quốc, việc các Hoàng đế có sủng nam không hiếm, song vẫn là chuyện khá đặc biệt.
Mối tình đồng tính tiêu biểu của thời Xuân Thu – Chiến Quốc là:
Mối tình “chia đào” của Vệ Linh Công và Di Tử Hà:
Vệ Linh Công là vua nước Vệ ở thời Xuân Thu. Mặc dù cũng “tam cung lục
viện” như ai, thế nhưng vị vua này lại đặc biệt sủng ái một người đàn
ông tên là Di Tử Hà. Di Tử Hà thông minh, vô cùng khôi ngô tuấn tú, lại
là họ hàng thân thích của Tử Lộ, một học trò giỏi của Khổng Tử vì vậy Vệ Linh Công rất cưng chiều anh ta.
Không chỉ ăn ngủ cùng, Vệ Linh
Công sẵn sàng tha thứ cho Di Tử Hà dù anh ta có phạm lỗi gì đi nữa. Sử
chép, một ngày, Di Tử Hà nhận được tin mẹ của anh ta bị bệnh nặng. Di Tử Hà rất lo lắng nên không hỏi han gì đã tự ý lấy xe của Vệ Linh Công ra
khỏi cung thăm mẹ.
Theo pháp luật của nước Vệ lúc bấy giờ, nếu
như lấy trộm xe của vua phải chịu hình phạt chặt chân. Nhưng nghe được
tin Di Tử Hà lấy xe của mình đi thăm mẹ, Vệ Linh Công không những không
giận mà còn lớn tiếng ca tụng rằng: “Thật là một người hiếu thuận, vì mẹ của mình mà không màng gì đến nguy hiểm như vậy”.
Một lần khác,
Di Tử Hà theo Vệ Linh Công đi tản bộ trong vườn hoa, nhìn thấy một trái
đào trên cây đã chín mới đưa tay hái xuống cho vào miệng ăn rất ngon
lành. Cắn xong một miếng mới đưa quả đào cho Vệ Linh Công, nói: “Gia
thần xin hiến đại vương một quả bích đào. Thần nghĩ, hôm nay trời vẫn
lạnh, cây cỏ vẫn chưa sinh, đây nhất định là đào tiên nên đặc biệt hiến
đại vương hưởng thụ.”
Theo luật pháp lúc bấy giờ, ăn trước vua là tội khi quân, có thể mất mạng như chơi, thế nhưng Vệ Linh Công không
những không giận Di Tử Hà mà còn khen ngợi hết lời. “Khó mà có được tấm
lòng trung như ái khanh”, Vệ Linh Công vừa ăn quả đào đã cắn dở vừa nói.
Sau đó rất lâu mọi người cũng đã quên đi việc này thế nhưng Vệ Linh Công
thì không. Gặp ai Vệ Linh Công đều khoe: “Di Tử Hà rất yêu quý ta, một
quả đào ngon cũng không ăn một mình mà chia cho ta ăn cùng”.
Người đời sau vì thế mà gọi mối tình đồng tính giữa Vệ Linh Công và Di Tử Hà là “mối tình chia đào”.
Hoa không thể nở cả trăm ngày, thời gian qua đi, Vệ Linh Công dần dần cũng
sinh ra chán ghét đối với Di Tử Hà. Có một ngày, trong cung có người nói với Vệ Linh Công rằng: “Thần nằm mơ về đại vương, thấy một cái bếp, rồi lại mơ thấy một người ngồi ở trước cái bếp ấy”. Vệ Linh Công vô cùng
giận dữ nói: “Ta chỉ nghe thấy khi mơ về quân vương thì mơ thấy mặt
trời, chưa từng nghe nói mơ thấy cái bếp bao giờ”.
Người kia đáp: “Mặt trời chiếu khắp thiên hạ, bất cứ vật gì tồn tại trên mặt đất đều
được hưởng ánh sáng của nó. Còn như cái cửa bếp, nếu có một người ngồi
tại cửa thì chỉ có một mình người đó được hưởng ánh sáng và hơi ấm mà
thôi, còn những người khác muốn có ánh sáng và hơi ấm cũng không được.”
Lời nói của vị đại thần kia chính là ám chỉ việc Linh Công chỉ sủng ái một
mình Di Tử Hà, nhiều khi quên cả việc triều chính, lo cho trăm họ. Vệ
Linh Công biết vậy nên sau đó đã phải tìm cớ đuổi Di Tử Hà ra khỏi cung.
Thế nhưng, Di Tử Hà đâu phải là mối tình duy nhất của ông vua nước Vệ. Sau
khi Di Tử Hà bị đuổi ra khỏi cung, Vệ Linh Công lại sủng ái một người
thanh niên khác là đại phu Công Tử Triều. Nhờ được Vệ Linh Công sủng
hạnh nên công Tử Triều được phép tự do ra vào cung cấm. Khi một người
đàn ông đẹp được phép tự do ra vào hậu cung, đương nhiên sẽ gây ra những chuyện phong lưu ầm ĩ.
Ngoài mối tình với Vệ Linh Công, Công Tử
Triều đem lòng yêu một người khác giới trọng hậu cung của người tình.
Trớ trêu đó không phải là một cung nữ hay một phi tần bị nhà vua ghẻ
lạnh mà lại chính là vương hậu Nam Tử của Vệ Linh Công.
Công Tử
Triều và vương hậu Nam Tử tư thông với nhau trong một thời gian dài mà
Vệ Linh Công không dám nói nửa lời khiến cả triều thần chán ghét vì thế
mới dẫn đến động loạn, Vệ Linh Công phải trốn khỏi cung cấm.
Sau
khi Vệ Linh Công dẹp loạn trở về ngôi cao, Công Tử Triều và Nam Tử đã
cùng nhau chạy trốn sang nước Tấn. Thế nhưng Vệ Linh Công vẫn còn luyến
tiếc Công Tử Triều, muốn có anh ta ở cạnh vì vậy mới lấy cớ là mẫu hậu
tưởng nhớ con dâu là nàng Nam Tử, gọi Công Tử Triều về nước Vệ.
5. Nhà Tần (221 TCN – 206 TCN) là triều đại kế tục nhà Chu và trước nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc.
Ở thời đại này, đồng tính luyến ái xuất hiện công khai hoặc uyển ước trong văn hiến và văn học.
6. Nhà Hán (203 TCN–220) là triều đại thứ hai của Trung Quốc, triều đại
trước đó là nhà Tần (221-207 TCN), và được tiếp nối bởi thời kỳ Tam Quốc (220-280).
Ở thời Hán, chuyện đồng tính của các vị Hoàng đế
trở thành chuyện rất phổ biến và bình thường. Sử sách còn ghi chép rằng, trong số 25 ông vua triều Hán, thì có tới 10 vị có các sủng nam, trong
đó tiêu biểu nhất là Hán Văn Đế và mối tình “đoạn tụ – cắt tay áo” của
Hán Ai Đế.
Hán Văn Đế và Đặng Thông:
Trong lịch sử
Hán Văn Đế được coi là một vị hoàng đế anh minh và hiếu thuận. Ông là
người có công tạo lập nên thời thịnh trị Văn Cảnh, một trong những thời
kỳ phát triển nhất của triều Hán. Tuy nhiên, đây cũng là vị Hoàng đế nổi tiếng với những cuộc tình đồng tính. Trong số đó, câu chuyện nổi tiếng
nhất chính là mối quan hệ đồng giới giữa Văn Đế và anh phu chèo thuyền
Đặng Thông.
Ban đầu, Đặng Thông là phu thuyền, mỗi khi anh ta
chèo thuyền ra ngoài, thường cắm một lá cờ vàng ở mui thuyền vì thế mọi
người mới gọi là Hoàng đầu lang (anh chàng đầu vàng). Bởi vì Đặng Thông
rất giỏi chèo thuyền nên mới được triệu vào cung làm thủy thủ cho ngự
thuyền của Hán Văn Đế.
Cho tới một đêm, Hán Văn Đế nằm mộng thấy
mình đang lên trời nhưng dùng sức của 9 trâu và 2 hổ mà vẫn không thể
tiếp cận được Nam Thiên Môn nên cuối cùng vẫn không thể lên vào được cửa trời. Đúng lúc đó có một người đầu quấn khăn vàng đứng sau lưng đẩy Văn Đế, mới giúp Văn Đế lên được thiên giới.
Văn Đế quay đầu nhìn
lại người đã đẩy mình, chỉ nhìn thấy quần áo người đó được buộc quấn lại phía sau lưng. Văn Đế đang muốn gọi anh ta trở lại thì bị tiếng gà gáy
đánh thức.
Ngày hôm sau, Hán Văn Đế đi chơi Tây Cung nhìn thấy
một người thủy thủ trên thuyền ngự đầu quấn khăn vàng, đai áo được buộc
ra phía sau lưng, giống hệt như người Văn Đế thấy trong giấc mộng hôm
trước. Gọi tới hỏi mới biết người đó tên là Đặng Thông.
Văn Đế
nghĩ, hắn đã có khả năng đẩy ta lên trời, hẳn là có kỳ tài. Mà họ Đặng
và “đăng” (bước lên) là đồng âm, Đặng Thông cũng có thể là “đăng thông”
(chỉ việc lên trời trót lọt, dễ dàng), nên Văn Đế cho rằng người giúp
ông lên trời trong giấc mơ không ai khác chính là Đặng Thông.
Cũng vì đắc ý việc mình đã phát hiện ra Đặng Thông nên Văn Đế cực kỳ sủng ái ông ta. Đi đâu Văn Đế cũng gọi Đặng Thông đi theo, đêm còn cho ngủ
chung giường. Đặng Thông được sủng ái tới mức, Hán Văn Đế vốn sống rất
nghiêm cẩn và tiết kiệm, một cái áo bị rách cũng quyết không vứt đi thế
nhưng đối với Đặng Thông, Văn Đế lại đối xử hào phóng vô cùng.
Trên thân của Đặng Thông, không thể đếm nổi đã tiêu phí bao nhiêu ngọc vàng
châu báu. Nhờ có Văn Đế, Đặng Thông trở thành kẻ giàu có nhất thiên hạ
thế nhưng cuối cùng lại bị bỏ đói mà chết.
Có một lần Văn Đế cử Hứa Phụ một người đương thời rất nổi tiếng về việc đoán số đến gặp Đặng Thông.
Sau khi Hứa Phụ gặp Đặng Thông về nói với Văn Đế rằng: “Đặng Thông sau này
sẽ bị lạnh bị đói mà chết”. Văn Đế nghe xong rất không vui nói: “Có thể
cho Đặng Thông giàu có, hạnh phúc hay khốn cùng chỉ có một mình ta.
Chẳng lẽ chính ta lại cho ông ta sự khốn cùng đó hay sao?”.
Vì
thế, Văn Đế lệnh lấy một núi đồng ở Nghiêm Đạo, quận Thục ban thưởng cho Đặng Thông, còn cho phép ông ta tự mình đúc lấy tiền đồng để tiêu. Từ
đó Đặng Thông trở nên phát tài, tiền đồng do ông ta tạo ra được tiêu
khắp thiên hạ.
Sau đó, có lần trên lưng của Văn Đế đột nhiên xuất hiện một cái nhọt, máu mủ chảy ra không ngừng. Đặng Thông cảm thấy rằng cơ hội để mình bày tỏ sự hiếu thuận với những ân sủng mà Văn Đế đã ban
cho mình nên ngày ngày vào cung, tự thân mình ngồi bên Hoàng đế hầu bệnh hỏi thuốc, vô cùng ân cần. Thậm chí để giảm đau đớn cho Văn Đế, Đặng
Thông không quan tâm đến sự tanh hôi của máu mủ đã dùng miệng hút máu mủ ra ngoài. Sự ân cần của Đặng Thông khiến Văn Đế vô cùng cảm động. Có
một ngày sau khi Đặng Thông hút xong máu mủ ở vết thương, Văn Đế mới hỏi Đặng Thông rằng: “Thiên hạ ai là người yêu ta nhất?” Đặng Thông ngoan
ngoãn đáp rằng: “Phải nói là không có ai yêu bệ hạ được bằng Thái tử.”
Văn Đế nghe xong không vui song cũng đáp lại lời nào.
Có một lần
Thái tử Lưu Khải, con của Văn Đế vào thăm bệnh của vua cha. Văn Đế muốn
thử lòng hiếu thuận của con nên nhờ Lưu Khải hút mủ trong nhọt của mình. Thải tử nhìn thấy máu mủ ở miệng nhọt, tanh hôi khó chịu sợ ghê người
nhưng không dám kháng mệnh chỉ còn biết cách cắn răng mà hút, vẻ mặt vô
cùng khó coi.
Văn Đế nhìn thấy tình cảnh đó không kìm được lòng
nên than rằng: “Đặng Thông còn yêu ta hơn cả Thái tử”. Lúc ấy Thái tử
mới biết chuyện Đặng Thông hàng ngày hút máu mủ ở nhọt cho Văn Đế, trong lòng cảm thấy rất hổ thẹn nhưng cũng vì thế mà ông ta sinh ra oán hận
Đặng Thông. Và điều này dẫn tới cái chết thê thảm của Đặng Thông sau đó.
Sau khi Văn Đế chết, Lưu Khải lên ngôi vua, sử sách gọi là Hán Cảnh Đế.
Ngay khi Cảnh Đế lên ngôi liền bãi miễn chức quan của Đặng Thông cho ông ta về quê hưởng tuổi già. Không lâu sau có người tố cáo Đặng Thông tổ
chức đúc tiền trộm ở bên ngoài. Cảnh Đế phái người điều tra kết quả phát hiện đó là sự thực nên ra lệnh tịch thu toàn bộ gia sản của Đặng Thông. Đặng Thông biến thành kẻ nghèo nàn còn bị nợ mất trăm vạn.
Trưởng công chúa, chị của Cảnh Đế, nhớ lại di ngôn của Văn Đế không để cho ông ta chết đói bèn chu cấp cho ông ta một ít tiền. Nhưng các quan chức
dùng số tiền được ban thưởng này để gán nợ nên tiền ban thưởng đều không đến được chỗ của Đặng Thông.
Sau đó trưởng công chúa biết được
mới sai thủ hạ mang cho Đặng Thông một ít quần áo và lương thực nhưng
cũng bị các quan chức tịch thu mất. Cứ như thế, người tình của Hán Văn
Đế, kẻ từng giàu có nhất thiên hạ Đặng Thông cuối cùng lại chết vì đói
rét.
Mối tình “cắt tay áo” của Hán Ai Đế và Đổng Hiền:
Cũng giống như tổ tiên của mình, Hán Ai Đế Lưu Hân trót đem lòng yêu một
người thanh niên tuấn tú tên là Đổng Hiền. Thế nhưng, nếu như Hán Văn Đế chỉ đem cho Đặng Thông một núi đồng để ông ta đúc tiền tiêu thì Lưu Hân còn định đem cả thiên hạ giao cho sủng nam của mình.
Đổng Hiền
tự là Thánh Khanh người vùng Vân Dương, cha là Đổng Cung từng làm đến
chức ngự sử. Vào thời đó, Đổng Hiền còn là một người hầu bên cạnh Thái
tử. Ban đầu, Đổng Hiền không được chú ý nhiều.
Cho đến một hôm,
Đổng Hiền đang làm việc trong cung, đúng lúc dừng lại ở trước điện thì
Ai Đế, khi đó đã là Hoàng đế nhìn thấy. Chỉ nhìn một cái, Ai Đế đã phát
hiện, dường như mấy năm không gặp vì Đổng Hiền đã trưởng thành, tuấn tú
hẳn lên và nếu đem so với những cung nữ phấn sáp trong lục viện thì anh
ta còn kiều diễm hơn. Ai Đế không cầm được sự vui mừng lệnh cho Đổng
Hiền theo sau mình để hầu hạ. Từ đó Ai Đế ngày càng sủng ái Đổng Hiền.
Ngồi cùng xe, ngủ cùng giường, làm gì cũng không rời xa Đổng Hiền.
Ông ta còn phong cho Đổng Hiền làm Hoàng Môn Lang, bắt Đổng Hiền lúc nào
cũng phải ở bên cạnh mình. Cha của Đổng Hiền là Đổng Cung cũng được
thăng lên Bá Lăng Lệnh rồi Quang Lộc đại phu, đều là những chức quan to
dưới thời nhà Hán.
Theo sử sách còn ghi chép lại, Đổng Hiền không chỉ có khuôn mặt của một mỹ nhân mà từ ngôn ngữ cử chỉ đều giống phụ
nữ, “tính tình dịu dàng”, “giỏi quyến rũ”. Cũng vì thế Ai Đế rất cưng
chiều Đổng Hiền.
Có một lần ngủ trưa, Đổng Hiền gối lên cánh tay
áo của Ai Đế mà ngủ. Ai Đế muốn quay người nhưng cũng không muốn làm
tỉnh giấc của Đổng Hiền nên lấy kiếm cắt đứt cánh tay áo của mình. Thế
nên người đời sau mới gọi mối tình của Ai Đế và Đổng Hiền là mối tình
“cắt áo”.
Ân sủng trong hậu cung còn chưa đủ, Ai Đế còn muốn
người được mình yêu thương có một địa vị đứng đầu trong triều chính. Ai
Đế muốn phong Đổng Hiền tước hầu nhưng mãi vẫn chưa tìm được cơ hội
thích hợp. Sau đó vừa lúc thừa tướng Vương Gia chết, trong triều giảm đi một thế lực phản đối Đổng Hiền, Ai Đế đã bãi miễn chức Đại tư mã đang
do một người họ ngoại đảm nhiệm, phong cho Đổng Hiền chức vị này Đây là
chức quan cao nhất trong triều đình nhà Hán.
Lúc bấy giờ Đổng
Hiền mới bước vào tuổi 22 mà đã là Đại tư mã, một chức vị có quyền lực
rất lớn, cơ hồ đã có thể chia đôi thiên hạ cùng với Hoàng đế. Theo sử
sách còn ghi chép lại thời đó có một vua của Hung Nô đến để triều kiến
hHàng đế triều Hán. Ông ta thấy người giữ chức Đại tư mã quyền lực nhất
triều lại là một thiếu niên tuấn tú, bất giác cảm thấy kinh hãi vô cùng. Khi ông ta hỏi dò, Hoàng đế mới đáp rằng: “Tuy Đại tư mã tuổi còn rất
trẻ nhưng là người hiền đức nhất nước này. Vì tài năng mới được thăng
chức vị cao như vậy.”
Kết quả, Thiền Vu của Hung Nô tin đó là sự
thật mới kính cẩn hướng về phía Đổng Hiền hành đại lễ còn chúc mừng
hoàng đế triều Hán có được một hiền thần tuổi rất trẻ như Đổng Hiền.
Sau đó, tình yêu của Ai Đế dành cho Đổng Hiền dường như không cồn biết làm thể nào bày tỏ nữa.
Cuối cùng, vào một ngày, Ai Đế mở yến tại điện Kỳ Lân cùng các quan, sau khi uống vài cốc , đột nhiên Ai Đế nhìn Đổng Hiền bằng đôi mắt đầy thâm
tình rồi cười nói rằng: “Trẫm muốn theo vua Nghiêu vua Thuấn thực hiện
việc nhường ngôi, liệu có được không?”
Ý của câu này chính là Ai
Đế muốn học theo cách làm của các vua thời trước lấy ngai vàng của mình
nhường lại cho Đổng Hiền. Câu nói của Ai Đế khiến cả triều văn võ bá
quan ngỡ ngàng, nói cũng không thành lời.
Mãi một lúc sau mới có
một người mới tiến lên phía trước nói: “Thiên hạ này là thiên hạ của Cao hoàng đế chứ không phải là thiên hạ của bệ hạ. Bệ hạ chỉ là người kế
thừa lại thiên hạ này của tổ tôn. Nếu truyền lại ngôi vị thì chỉ có thể
truyền lại cho con cháu đời đời mà thôi. Bệ hạ là vua một nước, cần phải biết rằng thiên tử không nói đùa, cho nên ngàn vạn lần không nên nói
những lời như vậy!”. Ai Đế nghe lời nói này, im lặng không nói thêm lời
nào nữa nhưng hiển nhiên là không còn hứng thú gì.
Sau đó Ai Đế lệnh đuổi người đó ra khỏi bữa tiệc và về sau có mở yến tiệc cũng không cho ông ta tham gia nữa.
Ai Đế khi đó còn rất trẻ nhưng đã sớm nghĩ đến những ngày sau khi mình
chết đi sẽ không còn Đổng Hiền nữa, thấy rất thương tâm. Ai Đế bèn lệnh
cho các đại thần xây dựng bên cạnh lăng mộ của mình một phần mộ khác để
chuẩn bị sau này nếu Đổng Hiền có chết thì sẽ an táng bên cạnh phần mộ
của mình. Ý muốn của ông ta là sau khi chết cũng muốn được chôn cùng
người yêu của mình, “sống thì cùng giường, chết thì cùng huyệt”. Nhưng
điều đó là chưa kịp thực hiện thì ngày họ phải chia tay đã sớm đến.
Tháng 6 năm Nguyên Thọ thứ hai, Ai Đế mới chỉ 26 tuổi mắc bạo bệnh mà chết.
Thái hoàng thái hậu để cho Vương Mãng làm chủ việc triều chính. Vương
Mãng cực lực phản đối Đổng Hiền, có ý muốn loại bỏ ông ta. Đổng Hiền
cũng biết mình gặp đại họa đến nơi rồi, vì thế ông ta đã tự sát tại nhà
để tránh hậu hoạ và cũng là để đáp lại mối tình của Ai Đế dành cho mình.
7. Long Dương ý chỉ về đồng tính luyến ái, xuất nguồn từ điển cố:
Ngụy Vương và Long Dương Quân:
Long Dương Quân là tên một cậu học trò vô cùng khôi ngô tuấn tú. Anh ta được Ngụy vương say mê vô cùng. Có một ngày, Long Dương Quân ngồi câu cá
cùng Ngụy vương trên thuyền, Long Dương Quân câu được một lúc mười mấy
con cá mà cá đến cắn câu ngày càng nhiều. Nhìn thấy những con cá nhảy
tung tăng, Long Dương Quân đột nhiên khóc nức nở. Nguỵ Vương cho là có
điều phiền muộn, mới hỏi nguyên nhân.
Long Dương Quân đáp rằng:
“Thần cảm thấy mình chẳng qua cũng chỉ là vua của loài cá mà thôi”. Ngụy vương không hiểu, mới hỏi lý do. Long Dương Quân giải thích cho Ngụy
vương rằng: “Khi đại vương câu được con cá lớn, trong lòng sẽ rất vui
vẻ. Thế nhưng lưỡi câu rất nhanh chóng sẽ được thả xuống nước để tìm con cá to hơn, còn con cá vừa câu được sẽ bị vứt đi mà không được ngó ngàng tới nữa. Thần không dám liên tưởng đến, như nay thần có thể được sự
sủng ái của đại vương, có được một địa vị hiển hách trong triều đình,
thần dân thấy thế, đều rất kính trọng thần, nhưng khắp trời đất này,
người dung mạo tuấn tú nhiều không đếm xuể, bên ngoài người ta đồn đại
rằng thần sở dĩ được đại vương sủng ái, là vì dung mạo của mình. Thần tự lo lắng rằng mình cũng giống như con cá vừa bị mắc câu, sợ ngày mình bị bỏ đi không còn xa nữa, như thế thần làm sao mà không khóc được?”
Ngụy vương nghe thấy, bất giác cười lớn: “Sao có những lời nói đồn đại như
thế mà ái khanh không nói cho quả nhân nghe sớm!”. Sau đó Ngụy vương ra
một sắc lệnh trong cả nước rằng: Từ nay về sau nếu có người bàn luận về
việc của Long Dương Quân, nếu bị phát hiện sẽ bị giết mà không cần định
tội. Long Dương Quân được nhìn thấy sắc lệnh đó, đương nhiên cười tươi
rạng rỡ. Ngụy vương nhìn thấy sủng thần của mình mặt mày tươi tỉnh, lại
càng mê đắm hơn. Câu thành ngữ “mê Long Dương” cũng bắt nguồn từ mối
tình đồng giới này.
Chỉ Là Lúc Đó Lòng Ngẩn Ngơ