Chiếc tàu Pilgrim Pride nhỏ, chật, tối tăm, và đầy mùi mốc. Nó được vài tổ chức cứu trợ của Mỹ góp tiền mua lại của một hãng buôn và nay do Hội Phụ Nữ Cứu Trợ New York điều hành chính thức. Nó đã đi được bốn chuyến, chở hàng nghìn dân tị nạn chiến tranh từ châu Âu đến New York.
Hội Phụ Nữ Cứu Trợ New York (HPNCTNY) được nhiều người và nhiều tổ chức khắp nước Mỹ yểm trợ hoạt động. Hội đã thuê một đoàn thủy thủ chuyên nghiệp để lái chiếc Pilgrim Pride.
Những người đi trên tàu này đều trong tình trạng nghèo khó, ở từ nhiều xứ khác tìm đến Paris để được chở qua Mỹ. Có nhiều người đã đi bộ hàng mấy tuần, hàng tháng, có cả trẻ em, không nhà không cửa. Có nhiều người đã đói ăn từ lâu, chưa từng thấy biển, chưa đi tàu bao giờ...
HPNCT không thuê được bác sĩ đi theo tàu săn sóc người tị nạn, nhưng đã thuê được một nữ y tá trẻ tuổi có khả năng và nhiệt tình. Trên các chuyến đi xa thì công việc của cô y tá này rất quan trọng. Cô ta đã từng đỡ đẻ chín trường hợp, cấp cứu bốn vụ đau tim, và lo liệu sáu vụ bị chết trên tàu.
Cô y tá này tên là Nancy Townsend, đã quen với chuyện những người đói khát, thất vọng, nạn nhân lâu dài của chiến tranh... Mỗi chuyến đi từ Paris có nhiều người không đến được New York. Phần nhiều vì quá yếu không chịu nổi hải hành. Nhưng cũng có nhiều người trông mạnh mẽ nhưng lại ngả nửa chừng đường.
Hôm nay cô gái đi từ Pyrenees chạy đến tìm Nancy Townsend báo rằng có một nữ hành khách đang hấp hối ngay dưới chỗ giường cô gái ấy nằm.
Nancy đến ngay, bắt mạch cho Ariana, bảo mọi người lui ra, vì họ cứ xúm lại nhìn, lo ngại cho nàng có thể chết trong đêm. Hai ngày hôm trước, tức là vào ngày thứ tư kể từ khi rời cảng Le Harve, đã có một người chết rồi.
Nancy cho dời Ariana đến một phòng trống. Lúc này tay chân Ariana cứ bị co quắp, và sốt dữ dội. Nancy tận tâm cứu chữa, nhưng Ariana vẫn cứ mửa liên miên. Vào ngày cuối của cuộc hành trình bảy ngày thì Ariana mửa liên miên và ngất xỉu. Nàng không nhớ được một chữ tiếng Anh, nói với cô y tá Nancy bằng tiếng Đức, cô này chẳng hiểu gì, chỉ nghe Manfred, Papa, Gerhard, Hedwig...
Buổi sáng cuối cùng, Ariana nhìn cô y tá với đôi mắt đau đớn, nhưng có vẻ bớt sốt. Nancy mỉm cười nói:
-- Hy vọng cô đỡ hơn rồi đấy.
Ariana gật đầu rồi ngủ một giấc, không được nhìn thấy cảnh tượng khi tàu vào cảng New York.
Một quan chức đặc biệt xuống tàu gặp cô y tá, nghe qua các lời tường trình, rồi hỏi:
-- Cô thấy trường hợp này thế nào? - Nếu Ariana mắc một chứng bệnh gì thì sẽ không được lên bờ.
-- Tôi không thể nói chắc như thế nào. Có lẽ cô này đã bị hành hạ hoặc bị nhốt trong trại tập trung gì đó. Ông xem xét thử.
-- Không bị vết thương, bệnh truyền nhiễm, hay cùi hủi gì chứ?
-- Tôi không thấy gì. Nhưng cô ta mửa rất nhiều. Ông xem lại, không biết cô ta bị nội thương gì chăng.
Cô Nancy nhìn viên chức cứu trợ, và nói tiếp:
-- Tôi không chắc chắn gì lắm về trường hợp cô này.
-- Không sao, cô Townsend. Chắc cô bận bịu vì vị khách này lắm nhỉ. Nay cô hẳn vui lòng chuyển qua cho chúng tôi.
Cô y tá mỉm cười:
-- Vâng, tôi nghĩ là chuyển qua quý ông, cô ta sẽ có cơ may sống lại được. Nhưng chắc phải lâu...
-- Tôi cũng thấy thế... - Ông ta châm thuốc hút và lên nhìn hành khách đang xuống cảng. Ông ta đợi lúc lâu thì có hai nhân viên trực đưa cáng lên khiêng bệnh nhân. Ariana cựa mình, nhìn lơ mơ cô y tá. Nàng không biết các chuyện xảy ra chung quanh. Nàng được đưa rời khỏi tàu. Thực sự ra thì nàng cũng chẳng cần biết đang đến đâu..