Gia đình Roxtov không làm lễ ăn hỏi và không báo cho ai biết rằng Bolkonxki đã đính hôn với Natasa, công tước Andrey khẩn khoản yêu cầu như thế. Chàng nói rằng sở dĩ phải hoãn lại là do phía chàng, cho nên chàng phải chịu lấy tất cả gánh nặng của sự trì hoãn đó. Chàng nói rằng vĩnh viễn có bổn phận giữ lời, nhưng chàng không muốn bó buộc Natasa và để cho nàng hoàn toàn tự do.
Nếu sau nửa năm mà Natasa cảm thấy mình không yêu chàng, nàng sẽ hoàn toàn có quyền cự tuyệt. Lẽ dĩ nhiên là hai ông bà Roxtov cũng như Natasa đều một mực không nghe; nhưng công tước Andrey vẫn cương quyết giữ ý mình. Ngày nào chàng cũng đến nhà Roxtov, nhưng chàng cư xử với Natasa không phải như một người chồng chưa cưới: chàng gọi nàng bằng cô và chỉ hôn tay nàng. Từ hôm công tước Andrey cầu hôn, giữa chàng và Natasa có những mối quan hệ khác hẳn trước gần gũi hơn, giản dị hơn. Dường như hai người trước đây không biết nhau tí nào. Chàng cũng như nàng đều thích nhắc lại cách hai người phán đoán nhau khi họ chưa phải là gì đối với nhau cả; bây giờ họ thấy mình đã là những con người khác hẳn: trước kia thì kiểu cách, bây giờ thì giản dị và chân thành.
Lúc đầu trong gia đình còn thấy ngượng ngập trong khi tiếp xúc với công tước Andrey; chàng có vẻ như một người từ thế giới xa lạ nào lạc đến, và Natasa đã phải mất công tìm cách cho người nhà quen với công tước Andrey và kiêu hãnh nói quả quyết với mọi người rằng chàng chỉ có vẻ đặc biệt, chỉ có vẻ thôi, chứ thực ra chàng cũng giống hệt như mọi người, và nàng không hề sợ chàng, và không ai được sợ chàng hết. Được dăm hôm, trong gia đình đã quen với chàng và không giữ gìn nữa, khi có chàng vẫn giữ nếp sinh hoạt thường lệ trước kia, và chàng cũng tham dự vào nếp sinh hoạt đó.
Chàng biết nói chuyện điền trang với bá tước, nói chuyện phục sức với bá tước phu nhân và Natasa, nói chuyện an-bom và mẫu thêu với Sonya. Đôi khi có cả công tước Andrey ở đấy những người trong nhà Roxtov bàn tán với nhau lấy làm lạ về những việc đã xảy ra và không hiểu tại sao cứ như là đã có số trời định từ trước: cả việc công tước Andrey đến Otradnoye, cả việc họ đến Petersburg, cả sự giống nhau giữa Natasa với công tước Andrey mà bà u già đã nhận thấy từ dạo công tước Andrey đến lần đầu, cả cuộc chạm trán giữa Andrey và Nikolai năm 1805, và những người trong nhà còn nhận thấy nhiều dấu hiệu khác nữa.
Trong nhà họ phảng phất cái không khí trầm ngâm và uể oải nên thơ mà người ta vẫn thường thấy khi trong nhà có một cặp vợ chồng chưa cưới. Nhiều khi cùng ngồi với nhau, cả nhà im lặng.
Đôi lúc họ đứng dậy đi ra nơi khác, và hai người ngồi lại với nhau nhưng cũng vẫn im lặng như thế. Ít khi họ nói với nhau về cuộc sống tương lai của họ. Công tước Andrey thấy sợ và ngượng khi nói đến điều này. Natasa cũng chia sẻ tình cảm ấy, cũng như tất cả các tình cảm khác của công tước Andrey mà nàng luôn luôn đoán ra.
Có một lần nàng hỏi về đứa con trai của chàng. Công tước Andrey đỏ mặt - dạo này chàng hay đỏ mặt như thế, và Natasa rất thích trông thấy chàng đỏ mặt - và nói rằng con chàng sẽ không cùng sống với hai vợ chồng họ.
- Tại sao? - Natasa hốt hoảng nói.
- Anh không nỡ bắt ông nội nó phải xa nó, vả lại…
- Em sẽ yêu nó vô cùng! - Natasa nói nàng đã đoán ngay được ý nghĩ của chàng, - nhưng em biết rằng anh muốn cho đừng ại có thể chê trách anh và em cả.
Lão bá tước đôi khi lại gần công tước Andrey ôm hôn chàng, hỏi ý kiến chàng về việc giáo dục Petya hay việc chức vụ của Nikolai. Lão bá tước phu nhân thở dài nhìn họ. Sonya lúc nào cũng cho mình là thừa và cố tình kiếm cớ đi nơi khác để cho hai người tự tình với nhau, trong khi thực ra họ cũng chẳng cần như thế. Khi công tước Andrey nói chuyện (chàng kể chuyện rất hay) Natasa hãnh diện lắng nghe chàng; khi chàng nói, nàng vừa sợ hãi vừa vui mừng nhận thấy chàng chăm chú nhìn nàng như muốn tìm hiểu điều gì. Nàng băn khoăn tự nhủ: "Chàng tìm cái gì ở ta? Cái nhìn của chàng muốn tìm tòi những gì? Nếu trong ta không có cái mà chàng cần tìm thì sao?". Đôi khi nàng lại đi vào tâm trạng vui vẻ bồng bột rất đặc biệt của nàng, và những khi đó nàng rất thích nghe và nhìn công tước Andrey cười. Chàng ít khi cười, nhưng mỗi khi cười thì chàng hồn nhiên thả cửa, và sau mỗi lần như thế Natasa lại thấy mình gần chàng hơn. Giả sử Natasa không nghĩ đến ngày chia ly sắp tới và mỗi ngày một đến gần làm nàng sợ hãi, thì nàng đã hoàn toàn hạnh phúc.
Trước khi rời Petersburg một hôm công tước Andrey rủ Piotr lại nhà Roxtov. Từ buổi vũ hội dạo trước tới nay. Piotr chưa đến lần nào.
Chàng có vẻ bàng hoàng và lúng túng. Chàng nói chuyện với bá tước phu nhân, Natasa ngồi với Sonya bên bàn cờ, ý muốn mời công tước Andrey lại. Công tước Andrey lại gần hai người.
- Cô quen anh Bezukhov lâu rồi chứ? - chàng hỏi, - Cô có mến anh ấy không?
- Có anh ấy tốt lắm, nhưng rất buồn cười.
Và cũng như thường lệ mỗi khi nói đến Piotr, nàng bắt đầu kể những mẩu giai thoại về tính đãng trí của chàng, những mẩu chuyện có thật cũng có, nhưng cũng có những chuyện người ta bịa ra để gán cho chàng.
- Cô biết không, tôi đã cho anh ấy biết chuyện bí mật của chúng ta rồi đấy. - Công tước Andrey nói. - Tôi biết Piotr từ hồi nhỏ.Anh ấy là một tấm lòng vàng. - Rồi giọng bỗng trở nên nghiêm nghị, chàng nói - Cô Natasa ạ, tôi sắp đi xa, và rồi đây không biết có thể xảy ra những việc gi, cô có thể không y… Tôi cũng không biết rằng lẽ ra không nên nói về việc ấy. Nhưng có một điều là dù có xảy ra việc gì trong khi không có tôi ở nhà đây…
- Cái gì xảy ra?
- Dù có xảy ra việc gì đáng buồn, - công tước Andrey nói tiếp - Tôi cũng xin cô, cô Sophie(1) ạ, xin cô chỉ nhờ một mình anh ấy giúp đỡ và khuyên răn mà thôi. Piotr là một người hết sức đãng trí và buồn cười, nhưng lại là một tấm lòng vàng.
Ông cụ, bà cụ, Sonya và cả công tước Andrey nữa không ai đoán trước được cái ảnh hưởng mà buổi chia tay với người yêu sẽ gây nên cho Natasa. Ngày hôm ấy nàng đi vật vờ trong nhà, mặt đỏ ửng mắt ráo hoảnh, bồi hồi xúc động, lúi húi làm những công việc rất nhỏ nhặt dường như không hiểu việc gì đang chờ đón mình.
Nàng cũng không khóc khi chàng hôn tay nàng lần cuối trước khi ra đi.
- Anh đừng đi! - nàng chỉ nói thế thôi, và giọng nói của nàng đã buộc chàng phải bất giác suy nghĩ lại xem có thật làm mình phải ở lại không: giọng nói ấy, về sau chàng nhớ mãi. Khi chàng đã đi khuất, Natasa cũng không khóc, nhưng suốt mấy ngày nàng ngồi trong buồng riêng, không khóc, chẳng buồn làm gì cả, thỉnh thoảng lại nói: "Ôi! Tại sao anh lại đi".
Nhưng hai tuần sau khi chàng đi thì, cũng một cách bất ngờ đối với người xung quanh. Natasa ra khỏi tình trạng rũ rượi của nàng. Nàng lại như trước, nhưng nay tính tình của nàng đã thay đổi hẳn, như những đứa trẻ thay đổi hẳn nét mặt khi rời khỏi bệnh sau một trận ốm lâu.
Chú thích:
(1) tức Sonya