Chiến Tranh Và Hòa Bình

Chương 136: Chương 136




- Anh có bao giờ thấy thế này không nhé, - Natasa nói với anh khi ba người đã ngồi vào chỗ quen thuộc trong phòng đi-văng - Anh có bao giờ cảm thấy rằng rồi đây sẽ chẳng còn gì nữa, chẳng có gì hết nữa, và tất cả nhưng gì tốt đẹp đều không còn nữa không. Những lúc ấy thì không thể nói là chán, mà quả là buồn anh nhỉ?

- Sao lại không? - Nikolai nói - Nhiều khi mọi người đang vui anh bỗng có ý nghĩ rằng tất cả đều tẻ ngắt và mọi người rồi cũng phải chết. Ở trung đoàn có một lần anh không đi chơi, mặc dầu ở đấy có âm nhạc… và bỗng dưng anh thấy chán quá…

- Ô cái ấy thì em biết. Em biết lắm, - Natasa phụ hoạ theo, - Hồi còn bé, em cũng đã có lần thấy như thế đấy. Anh nhớ không, lần em bị phạt vì chuyện mấy quả mận, trong lúc các anh các chị nhảy múa thì em phải ngồi trong phòng học khóc nức nở; chuyện ấy em không bao giờ quên được: em vừa buồn, vừa thấy thương hại hết mọi người, thương hại cả mình và tất cả mọi người. Và cái chính là em bị phạt oan, anh nhớ không nào?

- Nhớ chứ, - Nikolai nói - Anh nhớ là sau đó vào tìm em, anh muốn dỗ em, thế mà, em ạ, anh lại ngượng. Dạo ấy chúng mình thật đến buồn cười. Hồi đó anh có một con lật đật, anh muốn đem cho em. Em có nhớ không?

- Thế anh có nhớ - Natasa nói, miệng nở một nụ cười mơ mộng, - Có một dạo, đã lâu lắm, lâu lắm rồi, chúng mình hãy còn bé tí, chú gọi chúng mình vào phòng làm việc - trong ngôi nhà cũ hồi xưa ấy mà - lúc bấy giờ trời tối, chúng mình vào và bỗng nhiên thấy trong ấy có…

- Một chú da đen, - Nikolai nói tiếp với một nụ cười vui sướng, - Sao lại không nhớ? Cho đến bây giờ anh vẫn không biết có phải là một chú da đen thật không, hay đó chính là vì chúng mình nằm mê thấy thế, hay là nghe ai kể chuyện lại. Chú ta xám xịt, anh có nhớ không, mà răng thì trắng nhởn ra, cứ đứng nhìn chúng mình…

- Cô có nhớ không, Sonya? - Nikolai hỏi…

- Có có em cũng có nhớ đôi chút, - Sonya bẽn lẽn đáp.

- Em có hỏi ba mẹ về chú da đen kia - Natasa nói. - Ba mẹ đều nói là chẳng có chú da đen nào cả. Thế nhưng anh cũng nhớ là có kia mà!

- Sao thế nhỉ, anh còn nhớ rõ mồn một hàm răng của chú ta. Lạ thật, cứ như trong giấc mơ ấy. Điều đó làm em rất thích.

- Thế em còn nhớ hồi chúng ta lăn mấy quả trứng trong gian phòng lớn, bỗng nhiên có hai bà già hiện ra và bắt đầu quay tít trên tấm thảm không? Cái đó có thật hay không? Em nhớ chứ, dạo ấy thích quá nhỉ!

- Ừ, thích thật. Thế anh có nhớ hôm ba mặc chiếc áo da lông màu xanh đứng trên thềm bắn súng không?

Họ mỉm cười sung sướng tranh nhau nhắc lại những chuyện xưa không phải với nỗi tiếc nhớ rầu rĩ của những người đã già, mà với cái thú ngọt ngào của một hồi ức trẻ trung và đầy thi vị; họ nhắc lại những ấn tượng của thời dĩ vãng xa xăm nhất, trong đó cõi mộng pha lẫn với thực tế, và họ vui thú cười rúc rích với nhau.

Như thường lệ, Sonya không tham dự vào câu chuyện mặc dù cả ba người đều có những kỷ niệm chung.

Trong số những kỷ niệm mà họ cùng nhắc nhở, có nhiều điều Sonya không nhớ được, và những điều mà nhớ cũng không gợi cho nàng những cảm giác nên thơ như họ. Nàng sung sướng chỉ vì thấy họ vui, và nàng cố gắng hoà mình vào niềm vui của họ.

Nàng chỉ góp chuyện khi họ nhắc lại cái dạo Sonya mới đến. Sonya kể lại rằng hồi ấy nàng rất sợ Nikolai vì áo anh ta có những sợi dây và bà vú em nói với nàng là người ta sẽ khâu nàng vào mấy sợi dây đó.

- Em còn nhớ: họ bảo là Sonya sinh ra dưới một cây bắp cải, - Natasa nói - Và em cũng nhớ rằng hồi ấy em không dám không tin, nhưng biết rằng không phải thế, thành thử cứ thấy ngượng nghịu thế nào ấy.

Họ đang nói chuyện thì từ sau cánh cửa phía sau của phòng đi-văng một cô đầy tớ gái ló đầu ra. Chị ta nói nhỏ:

- Thưa tiểu thư, con gà trống đã đem đến rồi đấy ạ.

- Thôi Polya ạ, bảo mang nó đi. - Natasa nói.

Đang giữa chừng câu chuyện thì Dimler vào phòng đi-văng đến cạnh cây thụ cầm đặt ở góc phòng. Ông ta lật vải bọc, và dây đàn bị chạm phát ra một âm thanh ngang tai.

Có tiếng của bá tước phu nhân từ bên phòng khách nói vọng sang:

- Eduard Karlyts, ông làm ơn chơi bài "Dạ khúc" của ông Phin cho tôi nghe với, tôi thích bài ấy lắm đấy.

Dimler dạo một hợp âm và ngoảnh về phía Natasa, Nikolai và Sonya nói:

- Thanh niên ngồi chơi hiền lành quá nhỉ!

- Thì chúng tôi đang triết lý mà lại, - Natasa ngoảnh lại nói, rồi câu chuyện lại tiếp tục.

Bây giờ họ nói chuyện về những giấc chiêm bao.

Dimler bắt đầu đánh đàn. Natasa rón rén bước đến chiếc bàn lấy cây nến đem ra ngoài phòng, chân bước không tiếng động, rồi lẳng lặng về chỗ ngồi. Gian phòng tối om, nhất là trên chiếc đi-văng mà họ ngồi, nhưng từ những khung cửa sổ lớn ánh trăng rằm hắt xuống nền nhà một vùng ánh sáng màu bạc.

Dimler đã đánh xong bản đàn và đang dạo khẽ mấy tiếng bâng quơ hình như lưỡng lự không biết có nên thôi hay bắt đầu chơi một bài khác. Natasa nhích lại gần Nikolai và Sonya, thì thầm:

- Này, em đang nghĩ rằng nếu cứ nhớ lại, cố nhớ lại, nhớ thật nhiều thì sẽ nhớ ra được những việc thời xưa từ khi mình chưa sinh ra.

- Thuyết luân hồi đấy, - Sonya nói; nàng vốn là một cô học trò giỏi, học gì cũng nhớ - Người Ai Cập cổ đại tin rằng trước kia hồn của ta ở trong loài vật và sau này trở về nhập vào xác loài vật.

- Không phải chị ạ, em không tin rằng chúng ta xưa kia là loài vật - Natasa vẫn nói thì thầm như trước, mặc dầu bây giờ tiếng đàn đã dứt, - Em biết chắc rằng chúng ta trước kia là những thiên thần sống ở một nơi nào trên đời và đã từng ở đây rồi, vì thế cho nên chúng ta mới nhớ được hết như vậy.

- Cho tôi góp chuyện với có được không? - Dimler rón rén lại gần nói đoạn ngồi xuống cạnh họ.

Nikolai nói:

- Nếu quả trước kia chúng ta là những vị thiên thần, thế tại sao chúng ta lại sa xuống thấp như thế này? Không, không thể như thế được.

- Thấp đâu, ai bảo là thấp… Nếu thế thì tại sao em lại biết được trước kia em là gì, - Natasa cãi lại giọng quả quyết, - Linh hồn ta bất diệt… thế nghĩa là nếu ta phải sống mãi mãi, thì trước kia ta cũng đã sống rồi, sống từ đời nảo đời nào, qua tất cả cái thời vĩnh cửu.

- Đúng, nhưng chúng ta khó mà hình dung được cái vĩnh cửu. - Dimler nói.

Lúc nãy ông ta đến ngồi cạnh bọn trẻ với một nụ cười hiền hậu và có vẻ như hạ cố, nhưng bây giờ ông cũng nói khẽ, giọng trang nghiêm như họ.

- Sao lại khó, - Natasa nói, - Hôm nay này, rồi đến ngày mai, ngày kia, rồi cứ thế mãi; hôm qua này, rồi hôm kia, rồi cứ thế…

Có tiếng nói của bá tước phu nhân ở phòng bên:

- Natasa! Bây giờ đến lượt con, con hát một bài gì cho mẹ nghe đi. Sao cả bọn cứ ngồi n rầm như một hội kín thế?

- Mẹ ạ! Con chả muốn hát đâu, - Natasa nói, nhưng đồng thời vẫn đứng dậy.

Cả bọn, kể cả ông Dimler là người đã có tuổi, đều không muốn cắt đứt câu chuyện và rời cái phòng đi-văng ấy, nhưng Natasa đã đứng dậy, và Nikolai ngồi vào đàn dương cầm. Vẫn như thường lệ, Natasa ra đứng ở chính giữa phòng và chọn chỗ nào âm hưởng thuận lợi hơn cả, rồi bắt đầu hát bài hát mẹ nàng thích nhất.

Nàng bảo là không muốn hát, nhưng đã lâu nàng chưa bao giờ hát như tối hôm nay, và về sau cũng còn lâu nàng mới lại hát được như vậy. Bá tước Ilya Andrevich đang ngồi nói chuyện với Mityenka trong phòng làm việc chợt nghe tiếng nàng hát, và như cậu học trò sốt ruột muốn làm bài xong cho nhanh đề còn đi chơi, ông lúng túng nói lầm lẫn trong khi dặn dò viên quản lý, và cuối cùng lặng im; Mityenka cũng im lặng đứng trước mặt bá tước mỉm cười lắng nghe, Nikolai không rời mắt nhìn em gái và thở cùng một nhịp với nàng. Trong khi nghe, Sonya nghĩ đến sự khác nhau to lớn giữa nàng với bạn nàng: quả mình không thể nào có được một cái phần duyên dáng dầy sức quyến rũ của Natasa. Lão bá tước phu nhân ngồi nghe, mỉm cười buồn rầu và sung sướng, nước mắt rơm rớm trên mi, thỉnh thoảng lại khẽ lắc đầu. Phu nhân nghĩ đến Natasa, đến tuổi trẻ đã qua, đến cuộc hôn nhân sắp tới của Natasa với công tước Andrey và cảm thấy hình như có một cái gì không tự nhiên, một cái gì đáng sợ trong cuộc hôn nhân này.

Dimler đến ngồi cạnh bá tước phu nhân và nhắm mắt lại nghe tiếng hát. Được một lúc ông ta nói:

- Bá tước phu nhân ạ, quả là một tài nghệ của toàn châu Âu; tiểu thư chẳng còn gì phải học nữa, giọng hát thật là mềm mại, dịu dàng, có sức mạnh…

- Chao ôi! Tôi sợ cho nó quá, - bá tước phu nhân nói, quên bẵng mình đang nói với ai. Cái trực giác của một người mẹ mách bảo phu nhân rằng trong Natasa có một cái gì thái quá, và vì cái đó Natasa sẽ khổ.

Natasa hát chưa xong thì cậu bé Petya mười bốn tuổi mừng rỡ chạy vào phòng báo tin là các nhân vật cải trang đã đến.

Natasa ngừng bặt.

- Đồ ngốc! - nàng quát em, rồi chạy lại ngồi thụp xuống ghế và khóc nức nở, đến nỗi hồi lâu vẫn không sao nín được. - Không sao cả mẹ ạ, thật mà: em Petya chạy vào làm con sợ, thế thôi, - Natasa nói và cố mỉm cười, nhưng nước mắt nàng vẫn chảy và những tiếng nấc vẫn nghẹn ngào ở cổ.

Một đám gia nhân cải trang thành những con gấu, những người Thổ Nhĩ Kỳ, những lão chủ quán rượu, những cô tiểu thư, trông vừa dễ sợ vừa ngộ nghĩnh, mang theo một luồng gió lạnh và một không khí vui vẻ tưng bừng, lúc đầu còn rụt rè lấp ló ở phòng ngoài, rồi người này nấp sau người kia, họ đẩy nhau tiến vào phòng lớn, và bắt đầu ca hát, nhảy múa, chơi những trò chơi Noel, thoạt tiên còn e dè, nhưng về sau mỗi lúc một thêm vui vẻ hồn nhiên. Bá tước phu nhân nhìn những người cải trang, nhận ra các gia nhân và cười vì cách cải trang của họ, rồi bỏ ra phòng khách. Bá tước Ilya Andreyevich ngồi trong phòng lớn mỉm cười vui vẻ khích lệ những người biểu diễn. Bọn trẻ đã lẻn đi đâu mất.

Nửa giờ sau có thêm một tốp người cải trang xuất hiện: một bà phu nhân già mặc váy xoè có khung - đó là Nikolai, một cô gái Thổ Nhĩ Kỳ đó là Petya, Dmiler thì cải trang thành chú hề rơm, Natasa thì lại là một gã phiêu kỵ, và Sonya là một chàng trai Tserkex(1) có ria mép và lông mày vẽ bằng than nút chai.

- Thôi thì những người không cải trang tha hồ giả vờ ngạc nhiên, ngỡ ngàng, không nhận ra ai vào với ai, trầm trồ khen ngợi. Bọn trẻ cho rằng cải trang như thế này hay lắm cho nên thế nào cũng phải đi khoe mới được.

Nikolai rất muốn cho cả bọn lên xe tam mã vì thấy đường đi rất tốt, liền bàn lấy thêm mươi người gia đình cải trang và đánh xe đến nhà ông chú.

- Không được đâu, ai lại đến phá quấy một ông già! - bá tước phu nhân nói. - Mà ở nhà chú ấy thì có chỗ đâu mà cựa mình. Có đi thì đi đến nhà bà Melyukova ấy.

Bà Melyukova là một quả phụ sống với lũ con, nhớn có bé có, và mấy người nam nữ gia sư, cách nhà Roxtov bốn dặm.

Lão bá tước bấy giờ đã cao hứng lên, liền phụ hoạ theo:

- Phải đấy, ý ấy hay lắm bà nó ạ, nào, để tôi hoá trang ngay bây giờ và cùng đi với các cô các cậu. Tôi sẽ làm cho bà Paset trố mắt ra cho mà xem.

Nhưng bá tước phu nhân không chịu cho bá tước đi: suốt mấy ngày nay chân ông ta lại đau nhức. Họ quyết định là ông Ilya Andreyevich không nên đi, và nếu có bà Luyza Ivanovna (tức bà Schoss) cùng đi thì hai cô tiểu thư cũng có thể đến nhà bà Melyukova. Sonya vẫn rụt rè e lệ là thế mà bây giờ lại nằng nặc khẩn khoản bà Luyza Ivanovna đừng từ chối, nàng có vẻ hăng hái hơn ai hết.

Cách phục sức cải trang của Sonya trội hơn cả. Bộ ria mép và đôi lông mày đen hợp với nàng một cách lạ lùng. Mọi người đều bảo là trông nàng rất xinh, cho nên Sonya có một tâm trạng phấn chấn rất ít khi thấy ở nàng. Một giọng nói đâu ở bên trong nói với nàng rằng số phận nàng có định đoạt được hay không chính là trong ngày hôm nay, và trong bộ trang phục đàn ông nàng như có vẻ như đã thành một người khác hẳn. Bà Luyza Ivanovna ưng thuận, và nửa giờ sau bốn cỗ xe tam mã, trong tiếng chuông và tiếng nhạc ngựa, lướt kin kít trên lớp tuyết đóng băng, đến đỗ trước thềm.

Natasa là người đầu tiên tạo nên cái không khí vui tươi của ngày lễ Giáng sinh, và niềm vui của nàng lan từ người này sang người khác, mỗi lúc một tăng thêm và lên đến cực điểm khi mọi người đã ra ngoài không khí giá lạnh, cười nói rộn rã, gọi nhau ơi ới ngồi lên xe trượt tuyết.

Trong số xe tam mã có hai cỗ thường dùng để chạy những việc cần, cỗ thứ ba là cỗ của lão bá tước thắng một con ngựa tế giống Oriol ở giữa, cỗ thứ tư là xe riêng của Nikolai, ở giữa thắng một con ngựa ô lông xù dáng lùn thấp. Nikolai mặc bộ áo bà già, bên người khoác chiếc áo khoác dài của sĩ quan phiêu kỵ có thắt lưng, đứng cầm cương ở giữa xe tam mã.

Trời sáng đến nỗi chàng thấy lấp lánh dưới ánh trăng những miếng kim loại trên các dây thắng và mắt mấy con ngựa đang sợ hãi quay lại nhìn đám người huyên náo đứng dười mái hiên tối xẫm ở bậc thềm.

Natasa, bà Schoss và hai người đầy tớ gái ngồi lên cỗ xe của Nikolai. Hai vợ chồng ông Dimler và Petya thì ngồi lên cỗ xe của lão bá tước, hai cỗ còn lại thì các gia nhân cải trang ngồi.

- Đi lên trước đi Zakhar! - Nikolai quát to bảo bác xà ích của bá tước, để dọc đường sẽ có dịp vượt qua xe bác ta.

Cỗ xe tam mã của lão bá tước chở Dimler và mấy người cải trang khác, kêu rin rít trên giá trượt tuyết như đã bị dính chặt xuống mặt đường rồi lao về phía trước, tiếng nhạc ngựa kêu lanh tanh, hai con ngựa thắng hai bên ép mình vào càng xe giẫm lên lớp tuyết cứng và sáng lấp lánh như đường kính.

Nikolai giục ngựa phóng theo cỗ xe đi trước; ở phía sau, các cỗ xe còn lại cũng bắt đầu kêu kin kít phóng đi trong tiếng nhạc ngựa.

Lúc đầu họ phóng nước kiệu trên con đường hẹp. Trong khi xe đi ngang khu vườn, thỉnh thoảng bóng những cây trụi lá vắt ngang qua đường và che lấp ánh trăng sáng tỏ, nhưng vừa ra khỏi trang viên, thì cánh đồng phủ tuyết im lìm tràn ngập ánh trăng, sáng óng ánh như kim cương và lấp lánh những tia phản chiếu xanh biếc, đã mở ra bát ngát mênh mông. Chiếc xe đi đầu nẩy lên y như thế, rồi táo bạo phá tan bầu không khí tĩnh mịch, bốn chiếc xe trượt tuyết nối đuôi kéo thành hàng dài trên đường cái.

- Có vết thỏ, nhiều vết lắm! - giọng Nikolai vang lên trong không khí giá lạnh.

- Trăng sáng quá Nikolan nhỉ - có tiếng Sonya nói, Nikolai ngoảnh lại cúi xuống nhìn tận mặt Sonya. Một khuôn mặt đáng yêu hoàn toàn mới mẻ, có bộ ria mép và đôi lông mày đen, nhô lên trên chiếc áo khoác lông chồn bạc, đang nhìn chàng dưới ánh trăng huyền ảo, trông chẳng rõ gần hay xa.

"Nàng Sonya trước kia ở đâu?" - Nikolai nghĩ thầm… Chàng nhìn nàng sát mặt và mỉm cười.

- Gì thế anh Nikolai.

- Không, - chàng nói, rồi lại quay về phía mấy con ngựa.

Trên đường cái chằng chịt những vết xe trượt tuyết và vết móng ngựa trông rõ mồn một dưới ánh trăng, mấy con ngựa tự ý kéo căng dây cương và chạy nhanh thêm. Con ngựa thắng bên trái cúi đầu sang một bên, nhảy lên từng đợt, giật giật mấy sợi dây thắng; con ngựa thắng ở chính giữa nhún mình chạy, vểnh tai lên như có ý hỏi: "Đã nên bắt đầu chưa, hay là hãy còn sớm?" ở phía trước có thể thấy nổi bật lên trên nền tuyết trắng bóng cỗ xe tam mã đen của Zakhar bây giờ đã cách khá xa, và nghe tiếng rung trầm trầm của chiếc chuông xe xa dần, tiếng hò reo và tiếng nói cười của những người cải trang.

- Nào, các chú! - Nikolai quát ngựa, một tay giật cương, tay kia cầm roi giơ cao lên. Thế là hai con ngựa thắng hai bên kéo căng dây cương và ngày càng đưa chân dồn dập hơn, luồng gió thổi ngược lại như mạnh hẳn lên, đủ biết xe đang lao nhanh đến nhường nào. Nikolai ngoảnh lại nhìn. Hai người đánh xe đi sau cùng đã hoa roi lên, hò hét giục ngựa phi nhanh theo. Con ngựa của Nikolai phi rất vững vàng dưới thanh gỗ vòng cung(2), không hề có ý giảm tốc độ và hứa hẹn khi cần sẽ còn phi nhanh hơn nữa.

Nikolai đã đuổi kịp chiếc xe tam mã đi đầu. Họ xuống một cái đốc và đi vào một con đường rộng chạy qua một cánh đồng cỏ ở ven sông.

"Chỗ này là chỗ nào nhỉ? - Nikolai nghĩ thầm, - Chắc là bãi cỏ Koxey. Nhưng không phải, trông lạ lắm, chỗ này ta chưa bao giờ đi qua. Chẳng phải là bãi cỏ Koxey mà cũng chẳng phải là đồi Diomkina, có trời biết là chỗ nào! Đây là một cảnh nào mới lạ và thần kỳ. Thôi cũng được cần gì" - Và chàng quát ngựa, bắt đầu cho xe vượt cỗ xe đi trước.

Zakhar kìm ngựa lại và ngoảnh khuôn mặt phủ đầy sương giá đến tận mày về phía Nikolai.

Nikolai cho ngựa phóng lên. Zakhar giang tay ra phía trước, tặc lưỡi một cái và cũng giục ngựa phóng lên.

- Nào, cậu giữ vững nhé! - lão nói.

Hai cỗ xe chạy sóng đôi càng phóng nhanh hơn nữa, chân ngựa phi càng thêm dồn dập.

Nikolai bắt đấu dấn lên trước. Zakhar, hai tay vẫn đưa thẳng ra phía trước, giơ cao tay cầm cương lên.

- Cậu đừng hòng, cậu ạ. - Zakhar quát to về phía Nikolai.

Nikolai cho cả ba con ngựa phóng nước đại và vượt qua xe Zakhar.

Vó ngựa làm những hạt tuyết khô và mịn bắn tung toá lên mặt mấy người đi xe. Bên cạnh họ, tiếng vó ngựa nện tuyết rầm rập, bóng chân ngựa phi nhanh và bóng cỗ xe họ đang vượt hoà lẫn vào nhau.

Tiếng kin kít của giá trượt tuyết và tiếng reo của mấy cô con gái vang lên tứ phía.

Nikolai lại dừng ngựa và đưa mắt nhìn quanh. Chung quanh vẫn là cánh đồng thần kỳ tràn ngập ánh trăng và óng ánh như giát đầy sao.

"Zakhar bảo ra rẽ sang trái, sao lại rẽ sang bên trái nhỉ? - Nikolai tự nhủ. - Thế ra ta đang đi về phía nhà bà Melyukova, và đây là địa phận bà Melyukova sao? Thật ra nào có ai biết ta đang đi đâu và cái gì đang diễn ra thế này - nhưng chắc cái đó thật ngộ nghĩnh và thú vị". - Chàng ngoảnh lại nhìn.

Trong xe mấy người lạ mặt trong rất kỳ dị mà xinh xắn, có những bộ ria mép và những đôi mày thanh tú. Một người trong bọn họ nói:

- Xem kìa, râu và lông mi của anh ấy trắng cả ra.

Đó hình như là Natasa thì phải, - Nikolai nghĩ thầm, - còn kia là bà Schoss; mà cũng có thể là không phải cũng nên, còn anh chàng Tserkex có ria mép kia thì chẳng rõ là ai, nhưng mình yêu người đó lắm:

- Có rét không - Chàng hỏi. Họ không đáp chỉ cái tiếng cười khanh khách. Dimler ngồi ở xe sau quát to lên một câu gì đấy, chắc là buồn cười lắm, nhưng chẳng nghe rõ.

- Phải rồi, phải rồi, - có tiếng ai vừa đáp, nhưng đây, họ đã đến một khu rừng thần tiên nào với những bóng đen chập chờn, với những ánh kim cương lóng lánh, và một dãy bậc thềm cẩm thạch, những mái nhà thần tiên bằng bạc, những tiếng rú the thé của một loài thú nào không rõ. "Nếu quả thật đây là trang viên Melyukova, thì lại càng lạ hơn nữa: chúng ta đi chẳng hiểu đi đến đâu thế này, mà rốt cục lại đến Melyukova!" Nikolai thầm nghĩ.

Quả nhiên đây là trang viên Melyukova. Các nam nữ gia nhân ở trong nhà cầm nến chạy ra thềm, vẻ mặt mừng rỡ. Trên thềm có tiếng hỏi:

- Ai thế?

Có tiếng đáp:

- Người bên nhà bá tước cải trang sang chơi, trông ngựa cũng đủ biết.

Chú thích:(1) Một dân tộc thiểu số vùng núi Kavkaz

(2) Trước càng xe tam mã có một thanh gỗ hình vòng cung vất ngang ở phía trên vai ngựa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.