Natasa đã bình tĩnh hơn trước, nhưng không phải là vui hơn. Không những nàng còn tránh tất cả những dịp chơi, như những buổi khiêu vũ những cuộc dạo chơi, những buổi hoà nhạc, những tối xem kịch; và hễ nàng cười thì bao giờ trong tiếng cười cũng thấy có nước mắt.
Nàng không sao hát được. Hễ nàng cất tiếng cười hay thử hát những khi ngồi một mình, thì nước mắt lại trào lên nghẹn ngào trong cổ: những giọt nước mắt hối hận, nhớ những ngày trong sáng không bao giờ còn trở lại nữa, những giọt nước mắt tủi cực vì thấy mình đã phí hoài tuổi thanh xuân lẽ ra có thể tràn đầy hạnh phúc. Tiếng cười và tiếng hát đối với nàng thật như một lời báng bổ đối với nỗi buồn của nàng. Nàng không hề nghĩ đến việc làm duyên làm dáng nữa. Nàng nói và cảm thấy rằng lúc bấy giờ đàn ông đối với nàng cũng chẳng khác nào lão hề Naxtaxya Ivanovna. Trong lòng nàng như có một tên cảnh binh cấm nàng không được hưởng một niềm vui nào. Vả chăng tâm tư nàng cũng chẳng còn những thích thú trước kia của cuộc sống vô tư lự, tràn đấy hy vọng của người con gái. Nàng thường xót xa nhớ lại những tháng mùa thu, những buổi đi săn, ông chú và lễ Giáng sinh, những ngày đã sống cạnh Nikolai ở Otradnoye. Giá được sống lại dù chỉ là một ngày của quãng thời gian đó thôi, thì dẫu có phải hy sinh gì nàng cũng cam. Nhưng thời ấy đã vĩnh viễn trôi qua rồi. Dạo ấy linh tính đã báo cho nàng biết rằng cuộc sống thoải mái và tâm trạng sẵn sàng đón lấy mọi niềm vui sướng sẽ không bao giờ trở lại nữa: quả nhiên linh tính đã không lừa dối nàng. Nhưng vẫn cứ phải sống.
Nàng thấy lòng nguôi nguôi khi nghĩ rằng nàng không phải là người tốt nhất như trước kia nàng đã từng nghĩ, mà là người xấu xa nhất xấu xa hơn tất cả mọi người ở trên đời. Nhưng như thế vẫn chưa đủ Nàng biết như vậy và tự hỏi: "Thế rồi sao nữa?" Nhưng chẳng có gì nữa hết. Cuộc sống chẳng cho nàng lấy một niềm vui, và cuộc sống cứ trôi qua. Natasa hình như chỉ cố sao dừng làm phiền ai, đừng làm cho ai phải cực nhọc vì mình, còn riêng nàng thì nàng chẳng cần gì cho mình cả. Nàng xa lánh mọi người trong gia đình, chỉ riêng với Petya là nàng thấy dễ chịu. Nàng thích bầu bạn với em trai hơn là với những người khác; và đôi khi ngồi nói chuyện riêng với Petya, nàng lại cất tiếng cười. Nàng hầu như không ra khỏi nhà, và tổng số những người khách đến thăm chỉ có một người có thể làm cho nàng vui mừng: người ấy là Piotr. Không còn ai có thể dịu dàng, trân trọng và nghiêm trang hơn bá tước Bezukhov đối với nàng. Natasa bất giác nhận thấy lòng dịu dàng của chàng. Và thấy thích thú khi được nói chuyện với chàng. Nhưng nàng cũng chẳng cảm kích lòng dịu dàng của chàng. Đối với nàng, hình như tất cả những chỉ tốt đẹp Piotr đều không cần một sự cố gắng nào cả tốt. Hình như cư xử tốt mọi người là một điều tự nhiên đối với Piotr cho nên điều đó chẳng có gì đáng khen ngợi cả. Đôi khi Natasa nhận thấy chàng ngượng nghịu và lúng túng trước mặt mình, nhất là khi chàng sợ rằng trong câu chuyện có điều gì nhắc nhở cho Natasa những kỷ nịêm đau đớn. Nàng nhận thấy như vậy và cho rằng đó là vì chàng tốt bụng nhút nhát, theo như nàng quan niệm thì đối với ai chàng cũng tốt bụng và nhút nhát như đối với nàng.
Sau hôm chàng thốt ra rằng nếu chàng tự do chàng sẽ quỳ xuống xin nàng tình yêu và xin kết hôn với nàng (những lời này nói ra trong một phút nàng đang kích động mạnh) Piotr không bao giờ nói gì về những tình cảm của mình đối với Natasa: và nàng thấy rõ rằng những lời ấy, những lời đã an ủi nàng rất nhiều, chẳng qua cũng như bất cứ những lời vẩn vơ nào thường nói để dỗ một đứa trẻ đang khớc. Đó không phải là vì Piotr là một người có vợ, mà là vì Natasaa cảm thấy mình và Piotr có một trơ lực đạo đức ngăn cản - Trước kia nàng không thấy có trở lực này giữa mình đối với Kuraghin - Nàng không bao giờ thoáng có ý nghĩ rằng những quan hệ với Piotr có thể đưa đến chỗ nàng yêu chàng, lại càng không bao giờ nghĩ rằng nó đưa đến chỗ chàng yêu nàng, nhưng ngay cả cái loại tình bạn dịu dàng và nên thơ giữa một người đàn ông và một người đàn bà mà nàng đã từng biết qua một vài trường hợp cũng thế.
Vào cuối cữ chay thánh Piotr, Agrafena Ivanovna Belova, bà láng giềng của gia đình Roxtov ở Otradnoye đến Moskva chiêm bái các thánh đường. Bà ta bàn với Natasa là nên đi lễ với bà. Natasa vui mừng đón lấy ý kiến ấy. Tuy các bác sĩ đã cấm nàng không được ra khỏi nhà vào buổi sáng sớm, Natasa vẫn cứ một mực xin đi lễ, và lần này chịu lễ không giống như những lần chịu lễ thông thường trong gia đình của Roxtov, tức là xem lễ ba lần ở nhà mà là chịu lễ như bà Agrafena Ivanovna, tức xem lễ một tuần không bỏ qua buổi nào, lễ sớm, lễ trưa, hay lễ chiều cũng vậy.
Thấy Natasa hăng hái như vậy, bá tước phu nhân rất hài lòng; sau thời gian hoài công chạy chữa thuốc thang, trong thâm tâm phu nhân hy vọng rằng câu chuyện bổ ích cho nàng hơn là thuốc men, cho nên tuy thầm lo sợ và phải dấu diếm thầy thuốc, bà cũng thuận cho Natasa đi và giao nàng cho bà Belova. Cứ đến ba giờ đêm bà Agrafena Ivanovna lại đến đánh thức Natasa và thường thường khi bà ta đến thì nàng đã dậy rồi. Natasa sợ lỡ mất buổi lễ. Nàng hối hả rửa mặt và mặc chiếc áo xấu xí nhất, ngoài khoác một chiếc áo choàng cũ kỹ rồi run cầm cập vì khí lạnh ban mai, nàng bước ra, ngoài phố vắng tanh, lờ mờ dưới ánh bình minh trong vắt. Theo lời khuyên của bà Agrafena Ivanovna, Natasa không xem lễ trong nhà thờ xứ quen thuộc, mà lại đến một nhà thờ khác: theo lời bà Belova là người rất sùng đạo, vị linh mục ở đây sống một cuộc đời rất khổ hạnh và cao quý. Trong nhà thờ này lúc nào cũng có ít người; Natasa và bà Belova đến đứng chỗ quen thuộc trước bức ảnh Đức mẹ treo ở cuối bàn thờ bên trái, và một niềm vui phục tùng trước một cái vĩ đại và không hiểu được, một tình cảm mới mẻ tràn ngập lòng nàng, khi trong buổi sáng sớm tinh mơ này, nàng nhìn lên khuôn mặt đen sẫm của Đức mẹ sáng mờ mờ dưới ánh nến và ánh ban mai từ cửa sổ lọt vào nghe những lời cầu nguyện mà nàng cố dõi theo và cố hiểu. Khi nàng hiểu được những lời đó thì những tình cảm sâu kín của nàng với đủ mọi màu sắc cũng hoà theo lời cầu nguyện. Khi nàng không hiểu nàng lại càng thấy lòng dịu lại vì nghĩ rằng muốn hiểu tất cả là một sự kiêu căng, rằng không thể nào hiểu được tất cả, rằng chỉ cần tin và phó thác bản thân mình cho Chúa là Đấng nàng cảm thấy giờ đây đang ngự trị linh hồn nàng. Nàng làm dấu chữ thập, cúi đầu làm lễ và những khi không hiểu nàng chỉ thấy sợ hãi trước sự thấp hèn của mình và cầu xin cầu Chúa tha thứ cho nàng tất cả, tất cả, và rủ lòng thương nàng. Những câu kinh mà nàng cầu nguyện nhiệt thành hơn cả là những câu kinh sám hối. Trở về nhà khi hãy còn sớm, và chỉ gặp những người thợ nề đi làm, những người phu đang quét đường, còn trong các nhà thì mọi người còn yên giấc. Natasa có một cảm giác mới mẻ khiến nàng tin rằng mình còn cổ thể sửa đổi các thói xấu và sống một cuộc sống đời mới, trong sạch và có hạnh phúc.
Suốt trong tuần chịu lễ, cảm giác ấy mỗi ngày một tăng thêm. Đối với nàng thì cái hạnh phúc "giao lưu" hay như Agrafena Ivanovna thương vẫn thích nói, "hoà nhập", cái hạnh phúc ấy to lớn đến nỗi nàng có cảm tưởng sẽ không còn sống được cho đến ngày chủ nhật diễm phúc kia.
Nhưng ngày vui đã đến, và khi Natasa mặc chiếc áo bạch sa từ buổi lễ ra về trong ngày chủ nhật đáng ghi nhớ ấy, lần đầu tiên sau bao tháng trời nàng đã cảm thấy mình yên tĩnh và không buồn chán khi nghĩ đến tương lai nữa.
Hôm ấy, thầy thuốc đến thăm bệnh cho Natasa và dặn uống tiếp những liều thuốc bột mà ông ta đã kê đơn từ hai tuần trước.
- Thế nào cũng phải uống liên tiếp, sáng một lượt, chiều một lượt ông ta nói, hẳn lấy làm hài lòng về kết quả cách chữa bệnh. Chỉ xin uống thật đúng giờ giấc. Xin bá tước phu nhân yên tâm, - Ông nói giọng hóm hỉnh trong khi nắm gọn lấy đồng tiền vàng mà phu nhân dúi vào lòng bàn tay, - Chả bao lâu nữa tiểu thư lại ca hát vui đùa như con sáo cho mà xem: Đơn thuốc sau cùng này hiệu nghiệm lắm, hiệu nghiệm lắm. Tiểu thư trông tươi hẳn ra.
Bá tước phu nhân nhìn đầu móng tay và nhổ nước bọt(1), rồi trở về phòng khách, gương mặt tươi hẳn lên.
Chú thích:
(1) Để yểm trừ vận xấu.