Sau khi đã quan sát trận chiến lần thứ hai một cách chu đáo Napoléon quay trở về và nói:
- Quân cờ đã bày xong, ngày mai ván cờ sẽ bắt đầu.
Ông sai rót rượu Punch, và sau khi gọi De Boxe, ông bắt đầu nói chuyện với y về Paris, về một vài điều thay đổi mà ông định thực hiện ở trong cung của hoàng hậu, ông làm cho viên quản đốc hoàng cung ngạc nhiên về trí nhớ của ông đối với tất cả các chi tiết nhỏ nhặt trong các quan hệ ở cung đình.
Ông ân cần hỏi han những điều vụn vặt, giễu cợt cái hứng thú du lịch của De Boxe và nói chuyện một cách thư nhàn như một nhà phẫu thuật trứ danh tự tin, am hiểu công việc của mình khi xắn ống tay áo và khoác tạp dề, trong lúc người ta buộc bệnh nhân vào bàn mổ. "Công việc đã ở trong tay và trong óc của ta rồi, rõ ràng và cụ thể. Khi nào cần phải bắt tay vào làm là ta làm, và không ai làm được như ta, còn bây giờ ta có thể đùa cợt, và ta càng đùa cợt và càng điềm tĩnh bao nhiêu thì các người càng phải tin tưởng, càng phải yên tâm và càng phải kinh ngạc vì thiên tài của ta bấy nhiêu".
Sau khi uống cạn cốc rượu Punch thứ hai, Napoléon đi nghỉ để lấy sức mà làm cái công việc quan trọng đang chờ đợi ông ngày mai - ông tưởng thế. - Nhưng ông quá bận tâm đến cái công việc sắp tới ấy nên không sao ngủ được, và mặc dầu khí ẩm ban đêm làm cho chứng sổ mũi nặng thêm, lúc ba giờ đêm ông vừa xì mũi vừa bước vào gian phòng lớn trong doanh trướng. Ông hỏi xem quân Nga đã rút lui hay chưa.
Người ta trả lời rằng những đám lửa của quân địch vẫn ở nguyên vị trí cũ. Ông gật đầu tỏ ý hài lòng.
Viên sĩ quan trực nhật bước vào trướng. Ông quay về phía Rapp hỏi:
- Này Rapp, ông có cho rằng hôm nay công việc của chúng ta sẽ tốt lành hay không?
- Tâu bệ hạ, chẳng phải nghi ngờ gì nữa!
Napoléon đưa mắt nhìn ông ta.
- Tâu bệ hạ, bệ hạ có nhớ ở Smolensk bệ hạ đã có lòng nói với tôi - Rapp nói, - Rượu đã rót ra thì phải uống không ạ?
Napoléon cau mày, hai tay ôm lấy đầu, ngồi im lặng hồi lâu.
Đột nhiên ông nói:
- Cái đạo quân khốn khổ này đã bị giảm bớt đi nhiều từ trận Smolensk. Vận đỏ thật như một con đĩ, ông Rapp ạ! Xưa nay tôi vẫn nói thế nào và nay tôi bắt đầu nhận thấy thế. Nhưng này, ông Rapp, còn đội cận vệ thì sao, đội cận vệ vẫn nguyên vẹn đấy chứ? - ông ta hỏi.
- Tâu bệ hạ, vâng ạ! - Rapp nói.
Napoléon lấy một viên kẹo bạc hà bỏ vào miệng rồi nhìn đồng hồ. Ông ta không muốn ngủ, mặc dù còn lâu nữa mới sáng, còn để giết thì giờ thì hiện nay chẳng có việc gì làm: tất cả các mệnh lệnh đều đã được ban bố và đang được thi hành.
- Đã phát bánh mì khô là gạo cho các trung đoàn cận vệ chưa? - Napoléon hỏi, giọng nghiêm khắc.
- Tâu bệ hạ, đã ạ!
- Nhưng còn gạo?
Rapp trả lời là đã truyền đạt mệnh lệnh của hoàng đế về việc phát gạo. Nhưng Napoléon lắc đầu có vẻ không thoả mãn, hình như không tin rằng những mệnh lệnh của mình đã được thi hành.
Một người hầu mang rượu Punch vào, Napoléon bảo đem thêm một cái cốc cho Rapp rồi tự mình nhấp từng ngụm nhỏ.
- Ta chẳng còn biết mùi vị gì nữa - Ông vừa nói vừa ngửi cái cốc - Cái bệnh sổ mũi này làm ta bực cả mình. Người ta cứ nói chuyện thuốc men, nhưng thuốc với men gì mà chẳng chữa được bệnh sổ mũi? Covizar đưa cho ta mấy viên kẹo bạc hà này nhưng chẳng ăn thua gì cả. Kẹo này thì chữa được cái gì? Không thể nào chữa được bệnh. Cơ thể chúng ta là một cái máy để sống. Nó được tổ chức để làm điều đó, bản chất nó là như thế, cứ để cuộc sống trong cơ thể được yên ổn, cứ để cho nó tự bảo vệ thì nó sẽ có nhiều tác dụng hơn là tống đủ thuốc vào làm cho nó tê liệt. Cơ thể chúng ta như một cái đồng hồ tuyệt diệu, phải chạy trong một thời gian nhất định, người thợ không có khả năng mở nó ra được, anh ta chỉ có thể xử lý nó một cách mò mẫm, hai mắt bị bịt kín. Cơ thể chúng ta là một bộ máy để sống, chỉ có thế thôi!
Và dường như đã có đà trên con đường đi tìm những định nghĩa, définitions, vốn là một môn ông ta rất thích, ông chợt đưa ra một định nghĩa mới, ông nói:
- Này ông Rapp! Ông có biết nghệ thuật quân sự là gì không?
- Nghệ thuật quân sự là phải làm sao cho mạnh hơn kẻ địch trong một giây phút nhất định - chỉ có thế thôi!
Rapp không đáp.
- Ngày mai chúng ta sẽ chạm trán với Kutuzov - Napoléon nói - Rồi sẽ xem! Ông còn nhớ ở Braonao ông ta cầm quân mà trong ba tuần lễ có lần nào cưỡi ngựa đi quan sát công sự không? Rồi sẽ xem!
Ông đưa mắt xem đồng hồ. Chỉ mới bốn giờ sáng, ông không buồn ngủ, cốc rượu Punch đã uống hết và ông vẫn không có việc gì làm. Ông đứng dậy đi đi lại lại, mặc áo đuôi én, đội mũ rồi bước ra khỏi trướng. Đêm hôm ấy tối tăm và ẩm thấp, một làn sương ẩm buông xuống, mịn đến nỗi giác quan hầu như không cảm thụ được.
Những đám lửa trạị gần đáy, nơi bố trí của quân cấm vệ Pháp, toả sáng mờ mờ, và xa xa, qua làn khói, có những ánh lửa trại lập lòe dọc theo trận tuyến quân Nga. Bốn phía đều im phăng phắc, và có thể nghe rõ tiếng bước chân và tiếng thì thào của những đạo quân Pháp đã xuất phát để chiếm lĩnh vị trí.
Napoléon đi đi lại lại trước trướng, nhìn những ánh lửa, lắng nghe tiếng chân bước, ông ta qua mặt một vệ binh cao lớn đội mũ lông cáo đang đứng canh ở cạnh trướng. Trông thấy hoàng đế, người vệ binh đứng nghiêm im lìm trông như một cột trụ đen.
Napoléon đứng lại trước mặt anh ta.
- Nhập ngũ từ năm nào? - Ông hỏi với cái giọng làm ra bộ thô kệch võ biền nhưng âu yếm mà bao giờ ông cũng dùng để nói với binh sĩ.
Người lính trả lời.
- A! một tay kỳ cựu. Trong trung đoàn đã phát gạo chưa?
- Tâu bệ hạ, đã ạ!
Napoléon gật đầu và bỏ đi.
Lúc năm giờ rưỡi, Napoléon lên ngược đến làng Sevardino.
Trời bắt đầu sáng, bầu trời quang dần, ở phương đông chỉ còn một đám mây đơn độc. Những bếp lửa bỏ lại đang lụi dần trong ánh sáng yếu ớt của ban mai.
Bên phải vang lên một tiếng đại bác đơn độc, tiếng vọng lan đi rồi tắt hẳn trong cảnh tĩnh mịch chung. Mấy phút trôi qua. Một tiếng súng thứ hai, rồi tiếng thứ ba vang lên làm không khí chấn động. Tiếng thứ tư, thứ năm vang lên ở gần đâu đây về phía bên phải, nghe rất trang trọng. Âm vang của những tiếng nổ đầu tiên chưa dứt thì những tiếng khác đã tiếp theo mãi và hoà lẫn vào nhau.
Napoléon cùng đoàn tuỳ tùng đến cứ điểm Sevardino và xuống ngựa. Ván cờ bắt đầu.