Chiến Tranh Và Hòa Bình

Chương 245: Chương 245




Vào khoảng gần bốn giờ trưa, quân đội của Mura tiến vào Moskva. Đi trước là một chi đội phiêu kỵ Vurtemberg, và tiếp theo là đích thân "quốc vương thành Napoli"(1) cưỡi ngựa cùng đi với một đoàn tuỳ giá rất đông.

Vào khoảng giữa Arbat, gần Lilolai Yaivlenny, Mura dừng lại chờ tin tức của đạo tiến quân loan tin báo về tình hình của thành "Kremlin".

Một tốp người gồm những cư dân ở lại Moskva tụ tập lại xung quanh Mura. Mọi người đều rụt rè và ngỡ ngàng ngắm nghía ông chỉ huy kỳ quặc để tóc dài, quân phục thêu thùa đầy những kim tuyến, mũ cắm đầy những lông chim.

- Thế nào, Sa hoàng của họ đấy à? Trông cũng bảnh đấy chứ! - Trong đám đông có tiếng nói khẽ.

Một viên thông ngôn cưỡi ngựa lại gần. Trong đám đông có tiếng giục nhanh:

- Cất mũ đi. Cất.

Viên thông ngôn hỏi một người gác cổng già, xem từ đây đến thành Kreml có còn xa không? Lão gác cổng nghe cái giọng Ba Lan lạ tai quá, không nhận ra rằng đó là tiếng Nga không hiểu viên thông ngôn muốn nói gì, và lẩn ra sau lưng mấy người khác.

Mura cho ngựa bước lại gần viên thông ngôn, và bỗng có tiếng người cùng trả lời một lúc. Một viên sĩ quan Pháp từ đạo tiến quân trở lại báo với Mura rằng cổng thành đã đóng và hình như có quân mai phục bên trong.

- Được! - Mura nói, đoạn quay về phía một sĩ quan trong đoàn tuỳ tùng, ra lệnh đem bốn khẩu khinh pháo bắn vào cổng thành.

Đội pháo binh từ đạo quân đi sau Mura tiến ra vào đoàn xe kéo pháo chạy dọc theo phố Arbat. Đi đến cuối phố Vorevienka, đội pháo binh dừng lại và xếp thành thế trận trên quảng trường.

Mấy viên sĩ quan Pháp cho bố trí các khẩu đại bác và bắc ống nhòm nhìn vào thành Kreml.

Trong thành bỗng vẳng ra tiếng chuông nguyện buổi chiều. Hồi chuông làm cho quan Pháp hoang mang lo lắng. Họ tưởng là hồi chuông báo động kêu gọi dân chúng cầm vũ khí chạy về phía cổng Kutafiev. Cổng này có chống thêm những khúc gỗ và những tấm ván. Người sĩ quan vừa dẫn đội bộ binh chạy lại phía cổng thì từ phía trong cổng nổ ra hai phát súng trường. Viên tướng đứng cạnh bốn khẩu pháo liền ra lệnh cho viên sĩ quan dẫn tốp lính chạy lùi lại.

Trong cổng còn nghe thêm ba tiếng súng nổ. Một phát súng trường bắn trúng chân một người lính Pháp, phía sau đống gỗ ván chống ở cạnh cổng bỗng vang lên mấy tiếng reo kì lạ của một nhóm người không đông lắm. Vẻ vui tươi và điềm tĩnh trên gương mặt tên tướng Pháp, các sĩ quan và binh lính Pháp, bỗng cùng một lúc, răm rắp như một mệnh lệnh nhường chỗ cho một vẻ mặt đăm chiêu biểu lộ tinh thần sẵn sàng chiến đấu và chịu đựng đau khổ. Đối với họ, kể từ viên thống soái cho đến người lính thường chỗ này không phải là Vozdvizenka, Mokhovaya, Kutuafia hay là cửa ô Troixki mà là một địa điểm mới của chiến trường mới, nơi có, lẽ sắp xảy ra một chận huyết chiến. Và mọi người đều chuẩn bị bước vào trận chiến đấu này: những tiếng reo trong cổng đã im bặt. Bốn khẩu pháo đã được đẩy tới. Mấy người pháo binh thổi cho bùi nhùi cháy to lên.

Viên sĩ quan hô to: "Bắn!" và hai tiếng đạn rít kế tiếp nhau. Loạt đạn ria vỗ đôm đốp vào nền đá và đống gỗ ván ở cổng thành; và hai đám khói lớn từ quảng trường bốc lên.

Tiếng vang của loạt đạn từ bức thành đá của điện Kremli dội ra im đi được một lát thì trên đầu quân Pháp bỗng nghe có một âm thanh kỳ lạ. Một đám quạ đông hàng nghìn con bay lên lượn vòng trên thành, kêu quang quác và vỗ cánh rào rào. Đồng thời từ cánh cổng vang lên một tiếng cười thét đơn độc và từ sau làn khói hiện ra một bóng người mặc kaftan không đội mũ. Người đó cầm một khẩu súng chĩa vào quân Pháp.

Bắng viên sĩ quan pháo binh lại hô và một phát súng trường cùng hai phát đại bác cùng nổ vào một lúc. Khói lại phủ kín cổng thành.

Sau đống gỗ ván không thấy động đậy gì nữa và đám quân lình và sĩ quan Pháp lại gần cổng. Trước cổng thành có ba người bị thương và bốn người chết nằm ngổn ngang. Hai người mặc áo kaftan chạy dọc theo bức thành, về phía Znamenka.

Viên sĩ quan chỉ đống gỗ và mấy xác chết, nói:

- Hốt đi!

Quân Pháp bắn mấy người bị thương cho chết hẳn và quăng xác qua tường. Những người ấy là ai, thì chẳng có người nào biết.

Người ta chỉ có: "Hốt đi!" rồi quẳng đi; về sau họ lại được mang đi lần nữa, cho khỏi thối. Chỉ có một mình Tyer dành cho vong hồn họ mấy dòng chữ bao hàm nhiều ý nghĩa:

"Những kẻ khốn nạn ấy đã xông vào thành Kreml thần thánh kiếm được mấy khẩu súng trong kho vũ khí và bắn (cái quân khốn nạn) vào người Pháp. Người ta đã chém chết mấy tên và quét sạch chúng ra khỏi điện Kremli".

Họ báo cáo với Mura là đường vào thành đã mở. Quân Pháp tiến vào cổng thành và bắt đầu đóng thành doanh trại ở quảng trường nguyên lão viện. Quân lính vứt ghế ra cửa sổ nguyên lão viện để nhóm bếp.

Những đội quân khác kéo qua điện Kreml và chia nhau hạ trại ở Mozaixeyka, Lebianka, Tverkaya, Nikolxkaya. Chẳng có nơi nào còn chủ nhà nữa nên quân Pháp không đóng như khi trú quân ở nhà dân, mà lại đóng thành một doanh trại dải rộng ra trong thành phố.

Mặc dầu rách rưới đói khát, mệt lả và chỉ còn được một phần ba quân số cũ, quân Pháp vẫn tiến vào Moskva thành đội ngũ chỉnh tề.

Đó là một quân đội đã mỏi mệt, kiệt quệ nhưng vẫn là một quân đội thiện chiến hùng mạnh. Nhưng chỉ còn là một quân đội cho tới khi các đơn vị phân tán ở rải rác trong các khu phố: quân lính vừa chia nhau vào ở các toà nhà trống trải và sang trọng trong thành thì quân đội đã vĩnh viễn mất đi, và thay vào đó là một thứ gì chẳng phải là dân, chẳng phải là lính, mà là một hạng trung gian, thường gọi là những kẻ đi hôi của. Năm tuần sau, khi chính những con người đó ra khỏi Moskva, thì họ không còn là một quân đội nữa. Đó là một đám người đi hôi của, trong đó ai nấy đều chở hay mang theo một đống đồ đạc mà họ cho là quý giá hay cần dùng. Mục đích của mỗi người khi ra khỏi Moskva không còn là chinh phục đất người như trước kia nữa, mà chỉ là làm sao giữ lại những của cải đã vớ được.

Giống như con khỉ thò tay vào hũ bốc được một nắm hạt dẻ rồi không rút tay ra được vì miệng hũ quá hẹp, nhưng vẫn không chịu thả hạt dẻ ra, cứ thế mà chịu chết, quân Pháp khi rút khỏi Moskva hẳn là cũng sẽ phải chết vì cứ cố mang theo những vật đã cướp được mà không thể nào bỏ những vật ấy lại, cũng như con khỉ không thể nào bỏ lại nắm hạt dẻ. Mười phút sau khi một trung đoàn Pháp tiến vào một khu phố nào đấy ở Moskva và đã không còn lại một người lính hay một sĩ quan nào nữa trong các khung cửa sổ có thể thấy thấp thoáng những con người mặc áo ca-pốt và đi ghệt, cười ha hả đi lang thang khắp các phòng; trong các gian chứa thức ăn và trong các hầm rượu cũng có những người như vậy đang tha hồ sử dụng các thứ lương thực; trong các sân cũng có những người như vậy đang mở và đập phá các cửa vựa thóc và tàu ngựa; trong các bếp họ nhóm lửa, xắn tay áo lên, luộc, nấu, rán, nhào bột, doạ nạt đàn bà trẻ con, trêu cho họ cười, vuốt ve họ. Và những người ấy thì dâu đâu cũng có rất nhiều, trong các cửa hiệu trong các nhà; nhưng quân đội thì không còn nữa.

Ngay hôm ấy các sĩ quan chỉ huy Pháp đã ra hết lệnh này đến lệnh nọ cấm các đơn vị không được phân tán trong thành phố, nghiêm cấm việc hành hung cư dân và trộm cắp của cải, ấn định ngay tối hôm ấy sẽ tổng kiểm điểm quân số; nhưng dù có tiến hành biện pháp gì đi nữa thì những con người mà trước đây đã từng làm thành một quân đội, đều vẫn cứ tràn dần ra khắp cái thành phố trống trải giàu có và lắm tiện nghi, lắm thức ăn uống này.

Moskva không còn dân cư nữa, và như nước thấm vào cát, quân lính bị hút sâu vào các phố phường từ điện Kreml là nơi họ vào trước tiên, toả ra bốn phía như những cánh sao, không gì cưỡng lại được. Mấy người lính kỵ mã vào nhà một người lái buôn còn nguyên đồ đạc, tầu ngựa rộng rãi thừa chỗ buộc ngựa, nhưng vẫn sang choán thêm ngôi nhà bên cạnh vì họ có cảm tưởng là nhà này còn tốt hơn nữa. Nhiều người chiếm đến ba bốn nhà, lấy phấn viết tên mình ở trước cổng, cãi cọ và thậm chí còn đánh nhau với đơn vị khác để tranh nhà. Chưa kịp dọn xong chỗ ở, quân lính đã chạy ra ngắm cảnh phố phường và khi nghe đồn là dân cư đã bỏ hết của cải lai, họ ùa nhau chạy đến những nơi nào có thể vớ được nhiều đồ vật quý giá. Các sỹ quan chỉ huy đi gọi quân lính trở về, cũng bất giác làm theo họ ở khu Karetny Riad có những cửa hàng đóng xe còn để lại rất nhiều xe cộ, thế là các tướng tá tấp nập kéo đến để chọn xe.

Những người dân còn ở lại mời các sỹ quan chỉ huy về nhà, mong dựa vào họ để khỏi bị quân lính cướp bóc. Của cải nhiều vô số tưởng chừng không sao kể xiết; quanh những nơi có quân Pháp đóng, đâu đâu cũng thấy còn những nơi chưa khám phá, chưa bị chiếm và quân Pháp cứ có cảm giác là những nơi ấy, lại còn có nhiều của cải hơn. Và Moskva nỗi lúc một hút sâu quân Pháp vào lòng. Khi đổ nước xuống đất khô, thì nước cũng biến mất, mà đất khô cũng không còn; khi một quân đội đói khát tiến vào một thành phố trù phú bị bỏ trống cũng vậy; quân đội cũng biến mất, mà thành phố trù phú cũng chẳng còn: chỉ còn lại rác rưởi, trộm cắp và hoả hoạn.

Người Pháp gán việc đốt cháy Moskva cho lòng ái quốc hung tàn và Raxtovsin; người Nga gán việc đó cho sự tham tàn dã man của quân Pháp. Thật ra không có và không thể có nguyên nhân nào gây nên vụ hoả hoạn Moskva, nếu hiểu nguyên nhân đây là phần trách nhiệm của một người hay một số người nào đó tới Moskva cháy là vì nó được đặt vào những điều kiện mà bất cứ thành phố nào làm bằng gỗ cũng phải cháy, bất luận trong thành phố đó có hay không có một trăm ba mươi cái vòi chữa cháy hạng tồi, Moskva tất phải cháy là vì dân cư đã đi hết. Nó cũng cháy một cách tất nhiên như một đống vỏ bào tất phải cháy nếu cứ có những tán lửa liên tiếp rơi xuống trong mấy ngày liền. Một thành phố làm bằng gỗ mà ngay khi các dân cư các chủ nhà còn ở lại và trong thành phố còn có một đội cảnh sát, hầu như ngày nào cũng có đám cháy, thì không thể nào không cháy khi trong thành phố không có dân ở nữa mà chỉ có những đội quân hút thuốc, lấy ghế của viện nguyên lão ra đun bếp trên quảng trường của viện, mỗi ngày hai lần thổi nấu. Vào thời bình, chỉ cần có những đơn vị bộ đội trú quân ở trong các làng thuộc một địa phương nhất định là số đám cháy trong địa phương ấy tăng lên. Thế thì khả năng xảy ra hoả hoạn còn tăng lên đến chừng nào khi một đội quân ngoại quốc đóng trong một thành phố bằng gỗ không dân? Cái lòng ái quốc hung tàn của Raxtovsin và sự tham tàn dã man của quân Pháp không hề dính dáng gì ở đây cả.

Moskva cháy là vì những tẩu thuốc, những cái bếp, những đống lửa, vì sự cẩu thả của quân lính địch, của những kẻ ở trong nhà nhưng không phải là chủ nhà. Và chăng dù có những kẻ cố tình đi đốt chăng nữa - điều này rát khó tin, vì chẳng có lý do gì để đốt nhà, và dù sao đốt nhà như vậy cũng là một công việc khó khăn và nguy hiểm, thì cũng không thể xem những người đó là nguyên nhân, bởi vì không có họ thì cơ sự cũng vẫn thế.

Dù người Pháp lấy làm thích thú buộc tội cho tính hung tàn của Raxtopsin, dù người Nga lấy làm thích thú buộc tội cho tên giặc Bonaparte, rồi về sau lại cho rằng bàn tay nhân đạo họ đã giơ ngọn đuốc anh hùng lên đốt cháy kinh đô, thì cũng không thể nào không thấy rằng vụ hỏa hoạn này không thể có một nguyên nhân trực tiếp như vậy, bởi vì thế nào rồi Moskva cũng phải cháy, như bất cứ làng nào, bất cứ nhà máy nào, bất cứ ngôi nhà nào mà các chủ nhà đã bỏ đi để cho người lạ vào làm chủ và tha hồ nấu nướng. Moskva đã bị dân đốt cháy, quả đúng như vậy; nhưng đây không phải là những người dân ở lại trong thành phố mà là những người dân đã bỏ đi.

Khi bị địch quân chiếm đóng, Moskva không còn nguyên vẹn được như Berlin, Viên và các thành phố khác, chỉ vì dân cư của nó không bưng bánh mỳ và muối(2), không mang chìa khóa(3) ra đón quân Pháp, mà lại bỏ thành phố ra đi.

Chú thích:

(1) Mura

(2) Tượng trưng cho lòng mến khách (theo phong tục Nga)

2 Chìa khóa tượng trưng của thành phố, để tỏ ra rằng thành phố mở cửa không chống cự.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.