Công tước Andrey không những biết rằng mình sẽ chết, mà còn cảm thấy mình đang chết, thấy mình đã chết một nửa. Chàng biết mình đang xa lạ dần với tất cả những cái gì thuộc về trần thế, và có một cảm giác lâng lâng hoan hỷ và kỳ dị. Không vội vã không lo lắng, chàng chờ đợi điều này sắp xảy đến. Cái cõi vĩnh hằng, đáng sợ huyền bí mà suốt cuộc đời chàng không lúc nào không cảm thấy, nay đã gần chàng lắm, và cái cảm giác lâng lâng kỳ dị của chàng lúc này chứng tỏ đối với chàng nó đã gần như dễ hiểu, hữu tình, cụ thể…
Trước kia chàng vẫn sợ chết. Chàng đã hai lần thể nghiệm cảm giác sợ chết, cái cảm giác day dứt khủng khiếp ấy, nhưng bây giờ chàng không còn hiểu nó nữa.
Lần đầu tiên chàng thể nghiệm cái cảm giác này là khi quả tạc đạn quay tít trước mặt chàng như một con quay, và chàng thì nhìn những đống rạ, những bụi cây, bầu trời, và biết rằng trước mặt chàng là cái chết. Đến khi chàng tỉnh dậy sau thời gian ngất đi vì vết thương và trong tâm hồn chàng, dường như bỗng chốc được giải phóng khỏi gánh nặng của cuộc sống, đã nở rộ đoá hoa của tình yêu vĩnh viễn, tự do, không lệ thuộc vào cõi đời này, thì chàng không còn sợ chết và không còn nghĩ đến cái chết nữa.
Trong những giờ phút cô đơn đau xót, nửa mê nửa tỉnh mà chàng đã trải qua sau khi bị thương, chàng càng nghĩ đến cái nguyên lý mới mẻ của tình yêu vĩnh viễn mở ra trước mắt, thì lại càng bất giác thoát ra khỏi cuộc sống trần tục. Yêu mọi vật, yêu mọi người, luôn luôn hy sinh mình cho tình yêu, có nghĩa là không yêu ai hết, có nghĩa là không sống một cuộc sống trần gian này nữa.
Và càng đi sâu vào nguyên lý của tình yêu này, càng thoát ly cuộc sống, chàng lại xoá bỏ hẳn cái tính trở ngại đáng sợ vẫn đứng ở giữa cuộc sống và cái chết khi ta không có tình yêu. Trong thời gian gần đây, mỗi khi chàng nhớ rằng mình phải chết, chàng lại tự nhủ: "Ừ thì thôi, càng tốt".
Nhưng sau cái đêm ở Mytisi, khi trong lúc nửa mê nửa tỉnh chàng thấy xuất hiện người con gái mà chàng khao khát, và khi chàng áp môi vào bàn tay nàng mà khóc những giọt nước mắt lặng lẽ và vui mừng, thì tình yêu đối với một người đàn bà đã bất giác len lỏi vào lòng chàng và lại gắn bó chàng với cuộc sống. Và những ý nghĩa vừa vui vừa mừng vừa hồi hộp bắt đầu dồn dập tràn tới. Bây giờ, nhớ lại cái phút trông thấy Kuraghin ở trạm cứu thương, chàng không còn có thể trở về với tình cảm lúc ấy được nữa, bây giờ lòng chàng đang bứt rứt với câu hỏi: Hắn còn sống không? Nhưng chàng không dám hỏi.
Bệnh trạng của chàng diễn biến theo trình tự bình thường.
Nhưng sự kiện mà Natasa gọi là cái đó đã đến với chàng, thì đã xảy ra hai ngày trước khi công tước tiểu thư Maria đến. Đó là cuộc vật lộn cuối cùng giữa cuộc sống và cái chết trong linh hồn công tước Andrey, và cái chết đã thắng. Đó là sự nhận thức đột ngột rằng chàng còn quý cuộc sống, cuộc sống được biểu trưng trong tình yêu của chàng đối với Maria, và là sự khắc phục cơn hoảng sợ cuối cùng trước cái chưa hề biết.
Bấy giờ là vào buổi tối. Cũng như thường lệ sau bữa ăn chiều, chàng đang ở trong trạng thái sốt nhẹ, và tư tưởng của chàng minh mẫn lạ thường. Sonya ngồi bên bàn. Chàng thiu thiu ngủ. Bỗng nhiên một cảm giác hạnh phúc tràn ngập lòng chàng.
"À, nàng đã vào đấy!" - chàng nghĩ.
Quả nhiên, Natasa đã lặng lẽ bước vào và ngồi ở chỗ Sonya lúc nãy.
Từ khi nàng bắt đầu săn sóc chàng, công tước Andrey luôn luôn cảm biết được sự có mặt của nàng bằng trực giác thể xác.
Nàng ngồi trên ghế bành. quay nghiêng về phía chàng, mình che ánh nến, và đan bít tất. (Nàng đã học đan bít tất từ khi công tước Andrey nói với nàng rằng không có ai biết cách chăm sóc người ốm giỏi bằng các bà u già đan bít tất, rằng trong những động tác của người đan bít tất có một cái gì làm cho tâm hồn yên tĩnh lại).
Những ngón tay thon thon của nàng đang đưa nhanh đôi que đan thỉnh thoảng khẽ chạm vào nhau, và chàng có thể thấy rõ những nét trông nghiêng của mặt nàng đang tư lự cúi xuống. Nàng cựa mình - cuộn len ở trên đầu gối nàng lăn xuống đất. Nàng giật mình, liếc nhìn chàng rồi lấy tay che ngọn nến, nàng cúi mình xuống với một động tác thận trọng, mềm mại và chính xác, nhặt cuộn len lên và ngồi lại như cũ.
Chàng nhìn nàng, nằm yên không cựa quậy, và thấy rằng sau động tác vừa rồi lẽ ra nàng cần phải thở phào một cái nhưng nàng không dám, chỉ khẽ thở lại cho đều đặn dần dần.
Ở tu viện Troisk hai người đã nhắc nhở lại thời dĩ vãng và chàng có nói với nàng là nếu chàng được sống, chàng sẽ vĩnh viễn biết ơn Chúa vì cái vết thương đã khiến cho chàng được gặp nàng; nhưng từ bấy đến nay họ không bao giờ nói đến tương lai nữa.
"Có thể như thế hay không? - Bây giờ chàng thầm nghĩ trong khi nhìn nàng và lắng tai nghe tiếng lách cách nhè nhẹ của đôi que đan. - Lẽ nào số phận run rủi cho ta gặp lại nàng một cách kỳ lạ như thế để rồi chết?… Chẳng lẽ chân lý của cuộc sống mở ra trước mắt ta chỉ để cho ta sống suốt đời trong sự dối trá hay sao? Ta yêu nàng hơn tất cả trên đời. Nhưng ta biết làm thế nào, nếu ta yêu nàng?" - Chàng tự nhủ, và bỗng bất giác rên lên một tiếng, theo thói quen đã nhiễm phải trong thời gian đau đớn vì vết thương.
Nghe tiếng rên, Natasa đặt chiếc bít tất xuống, quay về phía chàng, và bỗng nhận thấy mắt chàng sáng long lanh, nàng bước nhẹ đến cạnh chàng và cúi xuống.
- Anh không ngủ ư?
- Không, anh nhìn em đã lâu; anh đã cảm thấy em vào. Ngoài em ra không ai có thể cho anh cái cảm giác yên ổn, êm ái ấy, cái ánh sáng ấy… anh những muốn khóc vì vui sướng…
Natasa cúi xuống sát người chàng. Mắt nàng ánh lên một niềm vui bồng bột.
- Natasa anh yêu em quá đỗi, yêu hơn hết tất cả trên đời.
- Thế em thì sao? - Nàng quay mặt đi một thoáng. - Tại sao lại "quá đỗi? - Tại sao lại "quá đỗi" ư … Thế em nghĩ sao. Trong thâm tâm em cảm thấy thế nào, liệu anh có sống được không? Em thấy thế nào? Em tin chắc như vậy, chắc chắn như vậy! - Natasa nói gần như kêu lên, cuống quýt nắm chặt lấy hai tay chàng.
Chàng im lặng một lát.
- Được như thế thì sung sướng quá - Và chàng cầm tay nàng lên hôn.
Natasa sung sướng và xúc động; và ngay lúc ấy nàng sực nhớ ra rằng như thế không được, chàng đang cần yên tĩnh.
- Nhưng anh chưa ngủ, - nàng nén nỗi vui mừng lại nói, - Anh cố ngủ đi… em xin anh.
Chàng xiết tay nàng rồi buông ra; nàng đi về phía ngọn nến và lại ngồi xuống như cũ. Hai lần nàng quay mặt nhìn chàng, và mắt chàng long lanh nhìn lại. Nàng tự đề ra cho mình một giới hạn trên chiếc tất và tự nhủ là sẽ không nhìn lại nữa cho đến khi nào đan xong chỗ đó.
Quả nhiên, được một lát thì chàng nhắm mắt lại và ngủ thiếp đi. Chàng không ngủ lâu. Chỉ một lát sau chàng bỗng giật mình tỉnh dậy, người toát mồ hôi lạnh.
Trong khi ngủ thiếp đi, chàng vẫn nghĩ đến điều mà gần đây chàng vẫn luôn nghĩ tới; cuộc sống và cái chết. Và chàng nghĩ đến cái chết nhiều hơn.
Chàng thấy mình gần cái chết hơn.
"Tình yêu? Tình yêu là cái gì nhỉ?" - Chàng nghĩ thầm "Tình yêu ngăn cản cái chết. Tình yêu là sự sống. Tất cả những điều mà ta hiểu, sở dĩ ta hiểu được nó là vì ta yêu. Tất cả sở dĩ có, sở dĩ tồn tại cũng chỉ vì ta yêu. Tình yêu là mối liên hệ duy nhất kết hợp vạn vật, tình yêu là Thượng đế, và chết đi nghĩa là ta, một phần nhỏ của tình yêu, trở về với cái nguồn cộng đồng vĩnh cửu của mọi vật Chàng thấy những ý nghĩ này có sức an ủi chàng. Nhưng đó chỉ là những ý nghĩ mà thôi. Có một cái gì còn thiếu ở trong ấy, có một cái gì phiến diện, cá biệt, chỉ thuộc trí tuệ, không được hiển nhiên. Và mối lo âu cũ, trạng thái mơ hồ trước kia vẫn còn. Chàng ngủ thiếp đi.
Chàng chiêm bao thấy mình đang nằm trong chính gian phòng này, nhưng chàng không bị thương, chàng vẫn khoẻ mạnh.
Nhiều khuôn mặt khác nhau, vô nghĩa, dửng dưng, hiện ra trước mắt chàng. Chàng nói chuyện với họ, bàn cãi với họ những chuyện bâng quơ vô bổ. Họ đang sửa soạn đi đâu đấy. Công tước Andrey nhớ mang máng rằng tất cả những thứ đó đều vô nghĩa và chàng còn có những nỗi lo âu khác rất quan trọng, nhưng chàng vẫn tiếp tục nói những câu trống rỗng mà ý nhị làm cho họ ngạc nhiên. Dần dần những khuôn mặt ấy đều biến đi đâu từ lúc nào không rõ, và tất cả đến nhường chỗ cho một vấn đề duy nhất, là phải làm thế nào khép cánh cửa lại. Chàng đứng dậy và đi ra cửa để khép cửa và đóng chặt lại. Có chốt kịp cánh cửa hay không, tất cả đều lệ thuộc vào đấy. Chàng bước đi, chàng bước rất vội, nhưng chân chàng không cử động, và chàng biết rằng chàng sẽ không chốt kịp cánh cửa, nhưng chàng vẫn ráng hết sức mình một cách đau đớn. Và một nỗi sợ hãi ghê gớm tràn ngập lòng chàng. Nỗi sợ hãi đó chính là nỗi sợ hãi trước cái chết; chính nó đang đứng sau cánh cửa kia. Nhưng ngay trong khi chàng vụng về và bất lực lê về phía cánh cửa, cái vật gì ghê sợ ấy từ bên kia cánh cửa đã đẩy vào. Một cái gì trái với tình cảm con người - cái chết - đã xô vào cánh cửa, và vấn đề là phải giữ cánh cửa lại. Chàng nắm lấy cánh cửa, thu hết tàn lực; bây giờ không còn chốt cửa được nữa rồi - thôi chỉ mong sao giữ cánh cửa lại; nhưng sức chàng yếu lắm, chàng vụng lắm, và bị cái vật khủng khiếp ấy xô đẩy, cánh cửa mở ra, rồi lại khép lại.
Ở ngoài cửa, cái ấy lại đẩy vào một lần nữa. Những cố gắng cuối cùng, những cố gắng của chàng đều vô ích, và cả hai cánh cửa lặng lẽ mở rộng ra, cái ấy đã vào, và cái ấy chính là cái chết. Công tước Andrey đã chết.
Nhưng ngay cái giây phút chàng chết đi, công tước Andrey sực nhớ ra mình đang ngủ, và ngay trong cái giây phút chàng chết đi, chàng cố gượng dậy, chàng bừng tỉnh.
"Phải, đó chính là cái chết. - Ta đã chết - ta đã tỉnh dậy. Phải, cái chết là sự thức tỉnh" - điều đó bỗng loé lên trong tâm hồn chàng, và bức màn cho đến nay vẫn che kín cõi u minh huyền bí đã vén lên trước nhãn quan tinh thần của chàng. Chàng cảm thấy như thể cái sức mạnh trước đây vẫn bị trói buộc trong người chàng nay đã được giải thoát, và chàng lại thấy cái cảm giác lâng lâng kỳ dị từ đây không rời xa khỏi chàng nữa.
Sao chàng giật mình tỉnh dậy, nhưng toát mồ hôi lạnh và cựa mình trên đi-văng, Natasa đến cạnh chàng và hỏi chàng làm sao thế. Chàng không đáp, chàng không hiểu nàng nói gì, và nhìn nàng với đôi mắt quái gở.
Đó chính là điều đã xảy ra với chàng hai ngày trước khi công tước Maria đến. Cũng từ hôm ấy bác sĩ nói rằng trạng thái sốt nóng đã chuyển hướng không tốt. Natasa không chú ý đến lời bác sĩ nàng đã thấy rõ những dấu hiệu tinh thần khủng khiếp mà nàng biết là còn chắc chắn hơn nhiều.
Từ ngày hôm ấy đối với công tước Andrey, cùng với cuộc thức tỉnh từ giấc ngủ, đã bắt đầu cuộc thức tỉnh từ cuộc sống. Và so với thời gian sống, chàng nhìn thấy nó không chậm hơn một cuộc tỉnh giấc so với thời gian chiêm bao. Không có gì đáng sợ và đột ngột trong cuộc thức tỉnh tương đối chậm rãi ấy.
Những ngày cuối cùng chàng trôi qua một cách bình thường và giản dị. Tiểu thư Maria cũng như Natasa, bấy giờ không rời chàng một phút, đều cảm thấy như thế. Hai người không khóc, không run rẩy, và thời gian sau này họ cũng cảm thấy rằng không phải mình đang săn sóc công tước Andrey (chàng không còn nữa, chàng đã bỏ họ mà đi rồi), mà đang săn sóc kỷ niệm thân thiết nhất của chàng: hình hài của chàng. Cảm giác của hai người mạnh đến nỗi mặt bề ngoài, mặt khủng khiếp của cái chết không có tác động gì đến tâm hồn họ, và họ không thấy cần phải khơi thêm nỗi đau buồn của mình làm gì. Họ không khóc, dù là trước mặt chàng hay sau lưng chàng cũng thế, họ không bao giờ nói chuyện với nhau về chàng.
Họ cũng cảm thấy không thể dùng lời nói để biểu đạt những điều ma họ hiểu được.
Cả hai người đều thấy chàng dần dần từ giã họ, khoan thai và chậm rãi dần vào cõi nào không biết, và cả hai đều hiểu rằng nhất định phải như thế, và như thế là tốt.
Chàng chịu lễ xưng tội và nhận mình thánh; cả nhà đến vĩnh biệt chàng. Khi họ dẫn con trai đến cho chàng, chàng đặt môi lên trán nó rồi quay mặt đi, không phải vì chàng khổ tâm và thương xót đứa con côi cút (tiểu thư Maria và Natasa cũng hiểu điều này), mà chỉ vì chàng làm dấu ban phúc cho nó, chàng cũng ngoan ngoãn làm theo và nhìn quanh như muốn hỏi xem có cần làm gì nữa không.
Khi cái thân thể bị linh hồn rời bỏ xung giật lên những đợt cuối cùng, tiểu thư Maria và Natasa đều có mặt ở đấy.
- Thế là hết ư? - tiểu thư Maria hỏi khi xác công tước Andrey nằm im lìm đã được mấy phút và lạnh dần trước mặt họ. Natasa lại gần, nhìn vào đôi mắt đã chết và vội vã vuốt nó xuống, nhưng không hôn, mà chỉ khẽ chạm môi vào cái vật kỷ niệm gần gũi nhất là thi thể của chàng.
"Anh ấy đi đâu? Bây giờ anh ấy ở đâu?".
Khi xác công tước Andrey được tắm rửa và trang phục đã nằm trong chiếc quan tài đặt trên bàn, mọi người đều lại gần để vĩnh biệt, và mọi người đều khóc.
Nikoluska khóc vì cảm giác ngỡ ngàng đau đớn như đang vò nát tim nó ra. Bá tước phu nhân và Sonya khóc vì thương Natasa và vì nay chàng không còn nữa. Lão bá tước khóc vì cảm thấy chẳng bao lâu nữa ông cũng phải bước đi bước khủng khiếp này.
Natasa và công tước Maria bây giờ cũng khóc, nhưng không phải vì nỗi buồn riêng của nó; họ khóc vì tâm hồn họ tràn ngập một cảm giác xúc động và tôn sùng trước sự huyền bí đơn giản và trang nghiêm của cái chết đã diễn ra trước mắt họ.