Chiến Tranh Và Hòa Bình

Chương 271: Chương 271




Quân đội Nga được đặt dưới sự chỉ huy của Kutuzov với bộ tham mưu của ông và dưới sự chỉ huy của hoàng đế từ Petersburg. Ở Petersburg, ngay từ khi nhận được tin bỏ ngỏ Moskva, người ta đã soạn ra kế hoạch tỉ mỉ cho toàn bộ một cuộc chiến tranh và gửi đến cho Kutuzov để ông ta theo đó mà hành động. Tuy được soạn ra trong khi người ta hãy còn tưởng rằng Moskva đang nằm trong tay quân ta, kế hoạch này vẫn được bộ tham mưu tán thành và quyết định thực hiện, Kutuzov chỉ trả lời rằng những điều dự tính ở xa bao giờ cũng khó thực hiện. Và để giải quyết những khó khăn có thể phát sinh, người ta gửi đến những chỉ thị mới và phái đến những nhân vật có nhiệm vụ theo dõi hành động của Kutuzov để báo cáo về kinh đô.

Ngoài ra, bấy giờ toàn bộ tham mưu của quân đội Nga đã được cải tổ. Người ta cử người thay Bagration đã tử trận và Barclay đã bất mãn cáo lui. Người ta suy tính một cách nghiêm chỉnh xem làm thế nào lợi hơn: đưa A, lên thay B, còn B, thì đưa sang thay D, ngược lại, để D, thay cho A v.v… tưởng chừng như ngoài sự thích thú của A và B ra, việc này còn đưa đến một kết quả nào khác nữa.

Trong bộ tham mưu quân đội, do dự bất hoà giữa Kutuzov với tham mưu trưởng của ông ta là Benrigxen, do sự có mặt của những nhân vật đặc phái của nhà vua và do những thuyên chuyển này, những mưu mô tranh chấp giữa các bè phái diễn ra càng rắc rối hơn thường lệ: A, dùng thủ đoạn chống lại B, B kèn cựa với C v.v… trong tất cả những sự thuyên chuyển và dàn xếp có thể có được. Trong tất cả các cuộc kèn cựa này thì đối tượng là mình chỉ đạo; nhưng các việc quân cơ đó lại tiến hành ngoài ý muốn của họ, đúng như nó phải tiến hành, nghĩa là không bao giờ phù hợp với những điều do con người nghĩ ra, mà lại toát ra từ những điều suy nghĩ bày vẽ kia chồng chéo nhau, xen lẫn nhau trong các giới cao cấp, chỉ là phản ánh trung thành của những điều tất nhiên phải diễn ra.

Trong bức thư của hoàng thượng dề ngày mồng hai tháng mười sau trận Tarutino có viết:

"Công tước Mikhai Harinovich! Từ ngày mồng hai tháng chín, Moskva đã lọt vào tay quân địch. Những bản báo cáo gần dây nhất của công tước và những bản đề ngày hai mươi; và suốt quãng thời gian này không những công tước không tiến hành việc gì để chống lại quân địch và giải phóng dệ nhất kinh đô mà theo như các bản báo cáo của công tước thì công tước lại còn rút xa hơn, Serpukhov đã bị một chi đội địch chiếm đóng, và Tula với cái xưởng vũ khí nổi tiếng và cần thiết cho quân đội như vậy cũng đang lâm nguy. Theo những bản báo cáo của tướng quân Vintxingerot, ta được biết rằng một đạo quân địch gồm một vạn người đang tiến lên con đường đi Petersburg. Một đạo quân khác gồm mấy nghìn người cũng tiến về phía Dmitrov. Một đạo quân thứ ba đang tiến dọc theo con đường Vladimir. Một đạo quân thứ tư khá mạnh đang đóng giữa Ruza và Mozaisk. Còn bản thân Napoléon thì đến ngày hai mươi nhăm tháng tám vẫn còn ở Moskva. Theo tất cả những tin tức này, trong khi quân địch phân tán lực lượng thành những chi đội lớn như thế, trong khi Napoléon còn ở Moskva với đạo quân cận vệ ngự lâm của y, lẽ nào những lực lượng địch ở trước mặt công tước lại có thế mạnh đến nỗi không cho phép ngài hành quân tiến công? Ngược lại, có đủ căn cứ để ước đoán rằng quân địch đang truy kích ngài với những chi đội hay giỏi lắm là với một lữ đoàn yếu hơn đạo quân được giao phó cho ngài rất nhiều. Thiết tưởng lẽ ra công tước có thể lợi dụng những hoàn cảnh nói trên để tấn công một cách có hiệu quả một quân địch yếu hơn quân của ngài và tiêu diệt nó, hay ít ra cũng buộc nó phải rút lui giành lại một phần lớn các tỉnh hiện tại bị quân địch chiếm đóng, và do đó gạt xa mối nguy cơ đang đe doạ thành Tula và các thành phố nội địa khác của ta. Nếu quân địch đủ sức cất một đạo quân lớn đánh về Petersburg và uy hiếp kinh đô này, là nơi không thể có nhiều quân đóng giữ được, thì công tước phải chịu lấy trách nhiệm, vì với đạo quân giao phó cho ngài, nếu hành động cương quyết và tích cực, ngài sẽ có đủ phương tiện đề ngăn chặn mối nguy cơ mới này. Xin công tước nhớ cho rằng ngài còn phải trả lời về việc tổ quốc bị xúc phạm vì đã để mất Moskva. Công tước đã biết rõ rằng ta xưa nay vẫn sẵn lòng ban thưởng cho công tước. Sự sẵn lòng này cho đến nay vẫn không hề giảm sút, nhưng ta và nước Nga có quyền mong đợi công tước tất cả sự tận tuỵ, tính cương quyết và những thắng lợi mà trí thông minh của công tước, tài thao lược của công tước và lòng dũng cảm của quân đội do công tước chỉ huy vẫn hứa hẹn với tổ quốc và với ta".

Bức thư này chứng minh rằng ngay cả ở Petersburg người ta cũng đã nhận thức được sự thay đổi tương quan lực lượng này.

Nhưng trong khi thư còn đang ở trên đường đi, thì Kutuzov đã không làm sao ngăn cản được quân đội tấn công, và một cuộc giao chiến đã xảy ra.

Ngày mồng hai tháng mười, một người lính cô-dắc và Sopovalov trong khi cưỡi ngựa đi tuần tiễu đã dùng súng trường bắn chết một con thỏ rừng và bắn bị thương một con khác. Mải đuổi theo con thỏ bị thương, Sopovalov đi sâu vào rừng và vấp phải cánh sườn bên trái của quân đoàn Mura, lúc bấy giờ đang trú quân không phòng bị gì cả. Người cô-dắc vừa cười vừa kể lại cho các bạn nghe chuyện anh ta suýt bị Pháp bắt ra sao. Một viên thiếu uý kỵ binh cô-dắc nghe kể liền báo lại cho cấp trên biết.

Người ta gọi người cô-dắc lên hỏi: các sĩ quan trong đơn vị của hắn muốn lợi dụng cơ hội này để cướp ngựa của quân Pháp, nhưng một trong những viên sĩ quan ấy vốn có quen với các sĩ quan cao cấp trong quân đội, liền báo tin này cho một viên tướng tham mưu. Thời gian gần đây trong bộ tham mưu quân đội tình hình đã căng thẳng đến tột độ, Yemlolov trước đây mấy hôm có đến gặp Benrigxen khẩn khoản xin ông ta dùng ảnh hưởng của mình đối với tổng tư lệnh để vận động cho quân đội mở cuộc tấn công.

- Giả sử tôi không biết rõ ông, thì tôi sẽ nghĩ rằng ông nói thế, nhưng thực tâm không muốn thế. - Benrigxen đáp. - Hễ tôi đề nghị một điều gì, là Điện hạ nhất định làm ngược lại.

Tin của đơn vị cô-dắc, được những đội trinh sát phái đi điều tra về xác nhận, chứng minh rằng tình hình đã chín muồi. Sợi dây căng thẳng đã bật ra, chiếc đồng hồ đã bắt đầu kêu xè xè và chuông đồng hồ bắt đầu điểm. Mặc dù chỉ có một quyền hành hư ảo, mặc dù có trí thông minh, có kinh nghiệm và biết người rất rõ, Kutuzọv sau khi lưu ý đến bức thông điệp của Benrigxen (Benrigxen vẫn thường gửi báo cáo riêng lên hoàng thượng), đến nguyện vọng nhất trí của các tướng, mà ông biết cũng chính là nguyện vọng của nhà vua, và đến những tin tức của lính cô-dắc đưa về, đã không thể kìm nổi cái phong trào tất yếu này và đã ra lệnh tiến hành cái việc mà ông cho là vô ích và có hại: ông ta đã chấp thuận một việc đã rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.