Trong khi đó, một đạo quân khác có nhiệm vụ tấn công vào chính diện quân Pháp, nhưng trong đạo quân đó lại có Kutuzov.
Ông ta biết rõ rằng trận đánh này, một trận đã được tiến hành trái vơi ý muốn của ông, ông không thể đưa lại cái gì khác hơn là tình trạng hỗn loạn, và ông ta đã dùng hết quyển hạn của mình để kìm giữ quân đội lại. Ông không cho tiến quân.
Kutuzov lặng lẽ ngồi trên mình con ngựa xám của ông, uể oải trả lời khi có ai đề nghị tấn công:
- Các ông cứ luôn mồm bàn chuyện tấn công mà không thấy rằng chúng ta không biệt thực hiện những cuộc hành quân phức tạp, - ông nói với Miloradovich bây giờ vừa xin ông cho tiến quân.
- Sáng nay, các ông không bắt sống được Mura và đến vị trí cho đúng lúc; bây giờ chẳng biết làm thế nào nữa, - ông trả lời một người khác.
Khi người ta báo với Kutuzov rằng: phía sau lưng quân Pháp, nơi mà theo những lời báo cáo của quân cô-dắc lính Ba lan, ông liếc mắt nhìn Yermolov đang đứng ở phía sau (từ hôm qua ông không nói một câu nào với Yermolov).
- Đấy họ đang xin tấn công, họ đề ra đủ các kế hoạch, thế mà hễ bắt tay vào việc là không đâu vào đâu cả, trong khi đó quân địch đã biết trước và đã có biện pháp đối phó.
Yermolov nheo nheo đôi mắt và hơi nhếch mép mỉm cười khi nghe mấy lời này. Ông ta đã hiểu rằng cơn giông tố trên đầu mình đã qua và Kutuzov chỉ nói thế thôi.
- Ông ấy nói xỏ tôi đấy, - Yermolov nói khẽ lấy đầu gối huých vào Raievxki bấy giờ đang đứng cạnh ông ta.
Một lát sau Yermolov thúc ngựa tiến đến cạnh Kutuzov và kính cẩn báo cáo:
- Thưa điện hạ, vẫn còn thì giờ, giờ quân địch chưa bỏ đi. Hay là điện hạ cho lệnh tấn công? Nếu không, quân cấm vệ chẳng được trông thấy khói súng nữa.
Kutuzov không nói gì, nhưng khi có tin báo rằng quân của Mura đang rút lui, ông liền la lệnh tấn công: nhưng cứ đi được một trăm bước ông ta lại cho dừng lại bốn mươi lăm phút.
Tất cả trận đánh chỉ thu gọn trong cuộc tập kích của đội cô-dắc do Orlov Denixov chỉ huy; các đơn vị khác thì bị thương vong mất vài trăm người một cách vô ích.
Sau trận này Kutuzov được thưởng một huy chương kim cương, Benrigxen cũng được thưởng kim cương và một rạn rúp, những người khác, chiểu theo cấp bậc, cũng được thưởng khá hậu, và sau trận đánh bộ tham mưu lại được cải tổ lần nữa.
"Đấy trong quân ta bao giờ cũng thế, cái gì cũng đảo ngược hết" - Sau trận Tarutino, các sĩ quan và tướng soái Nga nói như vậy cũng đúng như ngày nay người ta vẫn nói ám chỉ rằng có một kẻ ngu xuẩn nào đấy làm đảo ngược cả, chứ giá phải chúng tôi thì chúng tôi không làm như thế. Nhưng những người nói như vậy hoặc không biết rõ sự việc mình đang nói tới, hoặc cố tình tự lừa dối mình. Bất cứ trận nào cũng vậy - trận Tarutino, trận Borodino hay trận Austerlix - bất cứ trận nào cũng đều diễn ra không phải như những người chỉ huy đã trù tính. Đó là một điều tất yếu và căn bản.
Có vô số những lực lượng tự do (vì không có nơi nào con người lại tự do hơn trên các chiến trường, nơi mà vấn đề sống còn được đặt ra cho mỗi người) tác động vào hướng diễn biến của trận đánh, hướng đó không bao giờ có thể được và không bao giờ trùng với hướng của một lực lượng riêng lẻ nào. Nếu có nhiều lực lượng khác hướng cùng tác động vào một vật thể, thì hướng chuyển động của vật thể này không thể trùng với bất cứ lực nào; bao giờ cũng có một hướng trung bình, ngắn nhất - cái mà trong cơ học được biểu đạt bằng đường chéo của hình bình hành tác lực.
Nếu trong lời miêu tả của các nhà sử học, đặc biệt là các nhà sử học Pháp, ta thấy nói rằng về phía họ cuộc chiến tranh và các trận đánh đều tiến hành theo một kế hoạch đã định sẵn, thì cái kết luận duy nhất mà ta có thể rút ra là những lời miêu tả này không đúng.
Trận Tarutino rõ ràng là không đạt được các mục đích mà Toll muốn nhắm: đưa các đơn vị lần lượt vào trận địa theo đúng kế hoạch tác chiến, cũng như mục đích của bá tước Orlov: bắt sống Mura, cũng như mục đích của Benrigxen và một số nhân vật khác, cũng như mục đích của viên sĩ quan muốn dự trận để có dịp lập công, cũng như mục đích của người cô-dắc muốn vớ được nhiều chiến lợi phẩm hơn số đã vớ được v.v… Nhưng nếu mục đích chính là việc đã xảy ra thật, và là điều mà tất cả những người Nga thời ấy đều mong mỏi (đuổi quân Pháp ra khỏi nước Nga và tiêu diệt quân đội của họ), thì hiển nhiên là trận Tarutino chính do những sự bất hợp lý của nó, đúng là điều cần thiết cho thời kỳ này của chiến dịch. Thật khó lòng mà nghĩ ra được một kết quả nào hợp lý hơn kết quả thực tế của trận đánh này. Với một cố gắng tối thiểu, với những tổn thất không đáng kể, và tuy diễn ra trong một cảnh hỗn loạn đến cùng cực, trận này đã thu được những kết quả to lớn nhất trong suốt chiến dịch: bước chuyển từ giai đoạn rút lui sang giai đoạn tấn công đã thực hiện, sự suy yếu của quân đội Pháp đã lộ rõ, và sức xô đẩy mà quân đội Napoléon đang chờ đợi để bắt đầu thể hiện.