Chiến Tranh Và Hòa Bình

Chương 304: Chương 304




Hoạt động của quân Nga và quân Pháp trong thời kỳ chiến dịch rút lui từ Moskva đến Neman giống như một trò bịt mắt bắt dê, trong đó cả hai người chơi đều bị bịt mắt và người trốn thỉnh thoảng lại rung chuông để cho người tìm biết chỗ. Lúc đầu người trốn rung chuông, không sợ địch thù, nhưng khi nguy hiểm đến nơi thì hắn ta lại cố lặng lẽ chuồn đi cho khỏi bị người ta bắt và nhiều khi tưởng là chạy trốn mà hoá ra là xông thẳng vào tay đối thủ.

Lúc đầu quân Napoléon còn cho biết nó đang ở đâu - đó là vào thời kỳ đầu cuộc rủt quân trên con đường Kaluga, nhưng về sau, khi kéo lên con đường Smolensk, nó chạy trốn, tay giữ chặt lấy quả chuông và nhiều khi tưởng là mình chạy trốn mà hoá ra là đâm thẳng vào quân Nga.

Vì quân Pháp chạy trốn và quân Nga đuổi theo đều rất nhanh, và do đó, ngựa đều kiệt sức cả, cho nên cái phương tiện chủ yếu để tìm hiểu vị trí phỏng chừng của quân địch - tức là những cuộc trinh sát của kỵ binh - nay không còn nữa. Ngoài ra, hai quân đội lại luôn luôn thay đổi vị trí và thay đổi rất nhanh cho nên những tin lức báo về, dù là tin tức gì, cũng đều không còn xác thực nữa. Nếu ngày mồng hai có tin cho biết là ngày mồng một quân địch ở một nơi nào đấy, thì đến ngày mồng ba, khi đã có thể tiến hành một việc gì quân đội đã đi được hai chặng đường rồi và đã đến một vị trí khác hẳn.

Quân đội này chạy trốn, quân đội kia đuổi theo. Từ Smolensk quân Pháp có thể chọn nhiều đường rút khác nhau; và người ta có thể tưởng ở đây, sau bốn ngày đóng trại, quân Pháp có thể biết được quân địch ở nơi nào, nghĩ ra một cái gì có lợi và mưu tính một việc gì mới. Nhưng sau bốn ngày đóng trại, đám quân hỗn loạn ấy lại bỏ chạy, không phải sang phải, cũng không phải sang trái, mà lại theo đường cũ. Con đường bất lợi hơn cả, con đường Kraxnoye và Orsa, không hề có kế hoạch và chiến thuật gì hết, chỉ theo vết cũ mà chạy.

Đinh ninh rằng quân địch ở sau lưng chứ không phải ở trước mặt, quân Pháp chạy thành một tuyến dài, mỗi toán cách nhau đến hai mươi bốn tiếng hành quân. Người chạy trước ai hết là hoàng đế, sau đến các quốc vương rồi đến các quận công. Quân Nga tưởng Napoléon sẽ đi chếch sang phải về phía đông Dniepr, và chỉ có làm như vậy mới hợp lý, nên cũng đi chếch sang phải và đi lên đường cái lớn dẫn đến Kraxnoye. Và ở đấy, như trong trò bịt mắt bắt dê, quân Pháp đâm sầm vào đạo tiến của quân ta. Bỗng đâu trông thấy địch ngay trước mặt, quân Pháp hoảng hốt dừng lại nhưng rồi lại bỏ chạy, bỏ mặc những bạn đồng ngũ đang theo sau.

Ở đấy suốt ba ngày quân Pháp như len qua hàng ngũ quân của Nga, từng đơn vị lần lượt kéo qua, đầu tiên là quân của phó vương, rồi đến quân Davu, và sau đó đến quân Ney. Tất cả đều bỏ rơi lẫn nhau, bỏ rơi tất cả những thứ nặng nề, bỏ hết đại bác, bỏ lại một nửa quân số và chạy miết, chỉ đến đêm mới len đi vòng qua cánh phải quân Nga thành những hình bán nguyệt.

Ney rút sau cùng vì còn bận chôn mìn phá thành Smolensk tuy những bức thành này chẳng làm phiền ai cả (mặc dầu tình cảnh quân Pháp rất bi đát, hoặc chính vì vậy, cho nên như đứa trẻ bị ngã đau họ muốn đạp nền nhà họ). Rút sau cùng với quân đoàn của ông gồm một vạn người, Ney chỉ còn được một nghìn quân khi chạy đến Orsa họp với Napoléon, sau khi đã bỏ hết quân lính và đại bác rồi thừa lúc đêm tối lẻn qua lừng vượt sông Dniepr.

Từ Orsa, họ tiếp tục chạy theo con đường đến Vilna và cũng vẫn trò chơi bịt mắt bắt dê với đạo quân truy kích họ đúng như trước Đến sông Berezina(1), họ lại lâm vào tình trạng hỗn loạn, nhiều người bị chết đuối, nhiều người đầu hàng, nhưng những ai qua sông được lại tiếp tục chạy. Vì tổng tư lệnh của họ mặc vội áo da lông, ngồi trên xe trượt tuyết và bỏ các bạn chiến đấu chuồn đi một mình, ai có thể chốn được cũng chốn theo, còn ai không chốn được thì đầu hàng hay chết.

Chú thích:

(1) Phụ lưu bên phải của sông Dniepr. Tháng mười một năm 1812 quân đội Pháp bỏ chạy với bị tổn thất nặng nề ở đây. Napoléon chạy thoát và chín nghìn người đến Vinno. Toàn quân gần như bị tiêu diệt

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.