Ngay từ khi hệ thống của Copernic được phát hiện và chứng minh, chỉ riêng việc thừa nhận quả đất quay chứ không phải mặt trời quay đã thủ tiêu toàn bộ nền vũ trụ học của người cổ đại. Người ta có thể bác bỏ hệ thống này và giữ quan niệm cũ về sự vận động của các thiên thể, nhưng nếu không bác bỏ nó thì hình như không thể nào tiếp tục nghiên cứu "các thế giới" của Ptoleme. Tuy nhiên, ngay sau khi quy luật của Copernic được phát hiện, "các thế giới" của Ptoleme vẫn được tiếp tục được nghiên cứu trong một thời gian dài.
Từ khi có người nêu ra và chứng minh rằng một số người sinh và số tội ác đều do những quy luật toán học chi phối, rằng có những điều kiện địa lý và chính trị kinh tế quy định những hình thức chính phủ nhất định, rằng những quan hệ nhất định giữa cư dân và đất đai gây nên những sự vận động của dân tộc, thì từ đó những cơ sở cũ của sử học đã bị phá huỷ ngay trong bản chất của nó.
Người ta có thể bác bỏ những quy luật mới để duy trì quan hệ cũ về lịch sử, nhưng nếu chưa bác bỏ được những quy luật ấy thì hình như không thể tiếp tục nghiên cứu những biến cố lịch sử với tính cách sản phẩm của ý chí tự do của con người. Vì nếu một hình thức chính phủ nào đó của các dân tộc diễn ra là do những điều kiện địa lý, nhân chủng hay kinh tế nhất định, thì ý, chí của những người mà ta tưởng là đã thiết lập hình thức của chính phủ hay tạo nên sự vận động của các dân tộc không còn có thể coi là một nguyên nhân nữa.
Ấy thế mà khoa sử học cũ vẫn tiếp tục được nghiên cứu song song với những quy luật của thống kê học, của địa lý, của chính trị kinh tế học, của ngôn ngữ học so sánh, của địa chất học là những khoa học mâu thuẫn hẳn với những luận điểm của sử học.
Trong triết học tự nhiên giữa những quan điểm cũ và những quan điểm mới đã diễn ra một cuộc đấu tranh lâu dài và gay go.
Thần học bảo vệ những quan điểm cũ và tố cáo những quan điểm mới là phá hoại sự thần khải. Nhưng đến khi chân lý thắng lợi, thần học lại được xây dựng lại vững vàng trên cơ sở mới.
Cuộc đấu tranh ngày nay giữa quan niệm cũ và quan niệm mới trong sử học cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gay go như vậy, và thần học vẫn tiếp tục bảo vệ quan điểm cũ và tố cáo quan điểm mới là thủ tiêu sự thần khải.
Trong trường hợp này cũng như trong trường hợp trên, cuộc đấu tranh làm cho cả hai bên đều say sưa mải mê và không nhìn thấy chân lý. Một bên thì sợ hãi và thương tiếc toà nhà đã được xây dựng từ bao nhiêu thế kỷ, một bên thì lại thiết tha muốn phá hoại.
Những kẻ phản đối những chân lý mới xuất hiện ở trong triết tự nhiên tưởng rằng nếu họ thừa nhận những chân lý này thì sẽ mất lòng tin vào Thượng đế, vào sự sáng tạo thế giới, vào thần ích của Joxue(2), con của Naum. Còn những người bảo vệ những quy luật của Copernic và của Newton, như Volter chẳng hạn, thì tưởng rằng những quy luật của thiên văn học tiêu huỷ tôn giáo, Volter sở dụng những quy luật về trọng lực làm vũ khí chống lại tôn giáo.
Ngày nay cũng vậy, người ta tưởng chừng như chỉ cần thừa nhận quy luật về tính tất yếu là những quan niệm về linh hồn, về điều thiện, điều ác, và tất cả những thể chế của nhà nước và của nhà thờ xây dựng trên quan niệm đó đều phải sụp đổ.
Ngày nay cũng vậy, những người bảo vệ về tính tất yếu đã dùng quy luật này làm một vũ khí chống lại tôn giáo như Volter làm trước kia, song cũng như định luật về tính tất yếu trong lịch sử, thực ra không những không thủ tiêu mà thậm chí còn củng cố cái cơ sở trên đó các thể chế của nhà nước và của nhà thờ được xây dựng.
Vấn đề đặt ra sử học ngày nay cũng hệt như vấn đề đặt ra cho thiên văn học trước kia, sự khác nhau về quan điểm chung quy là ở chỗ thừa nhận hay không thừa nhận một đơn vị tuyệt đối dùng làm thước đo chung cho những hiện tượng có thể thấy được. Trong thiên văn học đó là sự im lìm bất động của quả đất, trong sử học thì đó là sự độc lập của con người - tức là tự do của ý chí.
Đối với thiên văn học cái khó trong việc thừa nhận sự vận động của trái dất là ở chỗ cần phải vứt bỏ tri giác trực tiếp của ta về sự im lìm bất động của trái đất và sự vận động của các tinh tú. Đối với sử học cũng vậy, cái khó trong việc thừa nhận hiện tượng con người phục tùng những quy luật của không gian, thời gian và luật nhân quả là ở chỗ cần phải vứt bỏ cảm giác trực tiếp của mỗi chúng ta về sự độc lập của nhân cách mình. Trong thiên văn học cũng vậy, quan điểm mới nói "Quả nhiên ta không cảm giác được vận động của quả đất nhưng nếu ta cho rằng nó đứng yêu thì ra sẽ đi đến một kết luận phi lý, trái lại nếu thừa nhận sự vận động cũủ nó mà ta không cảm thấy, thì ta sẽ đi đến những quy luật". Quan điểm mới về lịch sử cũng nói như vậy: "Quả ta không cảm thấy mình lệ thuộc, nhưng nếu ta cho rằng mình tự đi thì ta sẽ đi đến chỗ phi lý, trái lại nếu ta thừa nhận rằng mình lệ thuộc vào thế giới bên ngoài, vào thời gian và luật nhân quả thì ta đi đến những quy luật".
Trong trường hợp thứ nhất cần phải từ bỏ cái cảm giác về sự im lìm bất ộng trong không gian, và thừa nhận một sự vận động mà ta không cảm giác được. Trong trường hợp thứ hai cũng thế, ta cũng cần phải từ bỏ cái tự do mà ta ý thức được và thừa nhận một sự lệ thuộc mà ta không cảm thấy.
Chú thích:
(1) Copernic (1473 - 1543), nhà thiên văn học Ba Lan đã chứng minh mặt trời là trung tâm của thái dương hệ và quả đất và các hành tinh khác quay xung quanh mặt trời
(2) Anh hùng truyền thuyết của xứ Israel, theo Kinh thánh, Joxue đã chặn đứng mặt trời để kéo dài ngày ra cho có đủ thì giờ đánh tan quân địch trước khi trời tối.