Đi qua hành lang, người y tá đưa Roxtov vào khu vực sĩ quan, gồm ba gian phòng, các cửa đều mở rộng. Trong các phòng này có đặt giường; các sĩ quan bị thương và bị bệnh nằm hay ngồi trên những cái giường ấy. Một vài người mặc áo thụng của bệnh nhân đi đi lại lại trong phòng. Người thứ nhất Roxtov gặp trong khu sĩ quan là một người thấp bé gầy gò, cụt tay, đội mũ chụp và mặc áo thụng của bệnh viện, miệng ngậm tẩu thuốc, anh đi đi lại lại trong gian phòng thứ nhất. Roxtov chăm chú nhìn anh ta, cố sức nhớ lại xem mình đã gặp anh ta ở đâu.
- Trời ơi, chúng mình lại gặp nhau ở đây à? - người sĩ quan thấp bé nói. - Tôi là Tusin, Tusin đây mà, anh có nhớ không! Tôi đã chở anh trên giá súng ở Songraben đây mà. Còn tôi thì đã bị người ta chặt mất một khúc… anh xem đây… - anh ta mỉm cười chỉ ống tay áo thụng lép kẹp. Khi đã biết Roxtov muốn tìm ai, Tusin nói - Anh tìm Vaxili Dmitrievich Denixov phải không? Chúng tôi là bạn cùng phòng đấy! Anh ấy ở đây, ở đây. - Rồi Tusin đưa chàng sang phòng bên, từ trong phòng vang ra tiếng ha hả của mấy người cùng cười một lúc.
"Ở đây sống còn chẳng được, thế mà họ lại cười được nữa thì lạ thật" - Roxtov nghĩ thầm: mũi vẫn còn ngửi thấy cái mùi xác chết trong phòng của binh sĩ và vẫn còn mường tượng thấy quanh mình hai dãy mắt ganh tị từ bốn phía xỉa xói vào mình và khuôn mặt của người lính trẻ tuổi kia với cặp mắt trợn ngược.
Denixov đang ngủ trên giường, đầu chùm kín trong chăn, mặc dầu bấy giờ đã hơn mười giờ trưa.
- A, Roxtov đấy à, chào cậu, chào cậu! - Denixov reo lên, cũng vẫn cái giọng thường ngày của chàng khi còn ở trung đoàn. Nhưng Roxtov buồn bã nhận thấy rằng trong cái vẻ xuề xoà và phấn chấn thường ngày kia có một cái gì mới, một cái gì chua chát, âm thầm, lộ ra trên vẻ mặt, trong giọng nói và trong những lời lẽ cuả Denixov.
Vết thương của chàng tuy rất nhẹ nhưng đến nay vẫn chưa khỏi, mặc dầu chàng bị thương đã được sáu tuần lễ. Mặt chàng cũng xanh xao và bủng beo như mặt tất cả những người ở trong bệnh viện, nhưng điều đó không làm cho Roxtov ngạc nhiên. Điều làm cho chàng ngạc nhiên là Denixov không có vẻ vui mừng khi thấy chàng vào và mỉm cười với chàng một cách gượng gạo. Denixov không hỏi thăm chàng về trung đoàn, cũng không hỏi về tình hình chung của chiến sự. Khi Roxtov nói về những chuyện đó thì Denixov không nghe. Thậm chí Roxtov còn nhận thấy Denixov lộ vẻ khó chịu khi chàng nhắc đến trung đoàn, và nói chung nhắc đến cuộc sống khác, cuộc sống tự do ở bên ngoài bệnh viện. Hình như Denixov cố gắng quên cuộc sống trước kia và chỉ để tâm đến việc đã xảy ra giữa mình và bọn nhân viên quân lương. Khi Roxtov hỏi xem việc ấy nay đã đến đâu rồi, thì Denixov lập tức lấy ở dưới gối ra một tờ công văn do tiểu ban đưa đến và bức thư trả lời của chàng vừa viết nháp. Chàng hăng lên, bắt đầu đọc bức thư trả lời và đặc biệt nhắc Roxtov lưu ý đến những chỗ chàng châm chọc kẻ thù ở trong thư.
Những người bạn cùng bệnh viện của Denixov lúc đầu xúm xít quanh Roxtov vì chàng là một người ở thế giới tự do bên ngoài mới đến, nhưng rồi lại dần dần lảng ra khi Denixov bắt đầu đọc bức thư của mình. Nhìn mặt họ. Roxtov hiểu rằng ai nấy đều đã nghe câu chuyện này nhiều lần đến nỗi bây giờ họ đã phát ngấy ra rồi. Chỉ còn lại người ở trên giường bên cạnh, một chàng U-lan(1) mập mạp ngồi trên giường vẻ mặt lầm lì cau có, hút tẩu thuốc, và anh chàng Tusin nhỏ nhắn cụt tay đang tiếp tục nghe và lăc đầu tỏ ý không tán thành. Denixov đang đọc thì người U-lan ngắt lời:
- Theo ý tôi, - anh ta nói với Roxtov - Chỉ cần trực tiếp xin hoàng thượng ân xá. Nghe nói bây giờ sắp có nhiều cuộc khen thưởng, nếu xin chắc sẽ được ân xá…
- Tôi mà lại đi xin hoàng đế ân xá à - Denixov nói, có thể thấy rõ rằng chàng muốn làm cho cái giọng nói của mình rắn rỏi và hăng hái như ngày trước, nhưng lúc này giọng nói của chàng chỉ để lộ một tâm trạng cáu kỉnh vô ích. - Để làm gì kia chứ? Nếu tôi là một thằng kẻ cướp thì tôi sẽ xin ân xá, nhưng đằng này người ta lại xử án tôi chính vì tôi đã vạch mặt bọn kẻ cướp. Họ muốn xử thế nào thì ử tôi đếch sợ thằng nào. Tôi đã trung thành phục vụ Sa hoàng và tổ quốc tôi không sợ ăn cắp!… Cứ giáng chức tôi đi, cứ… Này cậu, cậu thử nghe nhé… Tôi nói thẳng ra với họ… tôi viết thư như thế này đây: "Nếu tôi là một thằng ăn cắp của công…".
- Viết thế hay đấy, chả phải nói nữa - Tusin nói. Nhưng vấn đề không phải ở đấy anh Vaxili Dmitrievich - anh ta đồng thời nói với Roxtov - Bây giờ phải khuất phục thôi, mà Vaxili Dmitrievich thì lại không muốn. Viên phán quan đã nói với anh rằng việc này rất gay go.
- Tớ đếch cần! - Denixov nói.
- Viên phán quan đã viết hộ anh một lá đơn thỉnh cầu - Tusin nói tiếp - Bây giờ anh nên ký vào đấy, rồi nhờ anh này đưa lên.
Anh này (Tusin chỉ Roxtov) thế nào chả có người quen ở Bộ tư lệnh. Anh không có dịp nào tốt hơn nữa đâu!
- Tôi đã bào là tôi không luồn cúi xin xỏ được! - Denixov ngắt lời Tusin và lại tiếp tục đọc tờ giấy.
Roxtov không dám tìm cách thuyết phục Denixov, mặc dầu tự bản năng chàng cảm thấy rằng con đường mà Tusin và các sĩ quan khác vạch ra là đúng đắn nhất và mặc dầu chàng sẽ rất sung sướng nếu được giúp đỡ Denixov. Chàng vốn biết tính gan lỳ và cương trực cuả bạn.
Sau khi Denixov đã đọc xong những bức thư đầy những lời lẽ châm chọc kéo dài hơn một giờ, Roxtov không nói gì, và với một tâm trạng hết sức buồn bực, chiều hôm ấy còn lại bao nhiêu thì giờ chàng ngồi nói chuyện với những người bạn cùng bệnh viện của Denixov. Những người này tụ họp xung quanh chàng, chàng kể lại những điều mình biết, và nghe những người khác kể chuyện. Suốt buổi chiều hôm ấy Denixov vẫn cứ ngồi yên lặng lầm lỳ.
Đến tối, Roxtov sửa soạn ra đi và hỏi Denixov xem có uỷ thác cho mình việc gì không.
- Có cậu đợi tôi một lát - Denixov nói, đưa mắt nhìn các sĩ quan rồi lấy tập giấy của mình ở dưới gối, đến ngồi bên cửa sổ, nơi chàng đặt bình mực, và bắt đầu viết.
- Thôi, chả lấy trứng mà chọi với đá được - Denixov nói đoạn rời khỏi cửa sổ và trao cho Roxtov một phong bì lớn. Đây là đơn thỉnh cầu hoàng đế do viên phán quan viết hộ, trong lá đơn này Denixov không nhắc gì đến tội lỗi của bọn nhân viên quân lương mà chỉ xin ân xá thôi.
- Cậu đệ trình cái này, hẳn là… - Chàng không nói hết, chỉ mỉm cười đau đớn và gượng gạo.
Chú thích:
(1) U-lan: quân chủng kỵ binh, vũ trang bằng giáo gươm hay súng ngắn.