Chó Ngao Độ Hồn

Chương 8: Chương 8: Lang Sói




Người ta phát hiện thấy có sói và lang [1] trên núi Bố Lãng!

[1] Một cách gọi chỉ loài sói nhỏ, thường xuất hiện trong các truyền thuyết cổ xưa.

Người đầu tiên nhìn thấy sói và lang là Khang Lãng Sủy – người đưa thư trong làng. Anh ta kể, ngày hôm đó anh ta đến trụ sở thôn Bố Lãng để đưa bưu kiện, buổi tối có uống một ít rượu, sau đó lần theo ánh trăng xuống núi bằng con đường mòn, tay còn cầm miếng thịt muối được trưởng thôn cho. Lúc sắp đến lưng chừng núi, anh ta đột nhiên cảm thấy đằng sau có tiếng lao xao, quay đầu nhìn lại, thấy trên đường bồng bềnh bốn ngọn đèn lồng màu xanh ngọc bích. Anh ta liền bật đèn pin lên soi, một luồng sáng mạnh rọi thẳng về phía đó, anh ta nhìn thấy một con sói to lớn cõng theo một con lang nhỏ đang tức tốc đuổi theo mình. Anh ta sợ đến mức vứt luôn cả miếng thịt mà quay người chạy thật lực. “May mà trong tay tôi có miếng thịt, nếu không tôi đã thành bữa tối của lũ sói rồi.” Khang Lãng Súy thở phào nói, “Ai mà đấu lại với sói được chứ, đến hổ gặp sói mà cũng phải sợ đến toát mồ hôi nữa là.”

Trong dân gian có lưu truyền một câu chuyện về loài lang, trong đó loài vật này biết bắt chước tiếng kêu của rất nhiều loài chim thú và con người. Khi đi bắt gà, loài sói này giả giọng “cục tác” như gà mái đẻ trứng, dẫn dụ gà trống đến, sau đó ngoạm một nhát đứt cổ con mồi. Nó còn biết phát ra tiếng kêu be be của dê non, lừa cho người chăn dê rời khỏi đàn, rồi thừa cơ bắt lấy dê. Ăn thịt xong một con bê, nó còn biết cả việc để lại một bộ da hoàn chỉnh để khoác lên mình, bắt chước dáng điệu của bê, lần tới bụng bò mẹ mà bú sữa. Lang quả là loài động vật còn gian xảo hơn cả hồ ly. Nhưng mặc dù có bộ não cực kỳ phát triển, cơ thể con lang lại nhỏ bé yếu ớt, đặc biệt là hai chân trước rất ngắn, không giỏi chạy nhảy nên phải dựa hơi sói mới có thể hoạt động, chính vì vậy sói và lang thường gắn kết như một. Sói thường cõng lang trên lưng, tuy hai mà một, tuy một mà hai, với sức mạnh kết hợp giữa cơ thể uyển chuyển của sói và bộ óc thông minh của lang. Lang nghĩ kế, sói thực hiện kế, hai con cùng làm đủ chuyện xấu, đến thợ săn cũng phải bó tay, vì vậy mà người ta thường nói “Lòng lang dạ sói”.

Chuyện trên núi Bố Lãng có sói, tôi tin. Ba tháng trước, lão thợ săn Ba Nông Đinh ở làng Mạn Quảng Lộng đã chôn một cái bẫy sắt trên núi Bố Lãng, hai hôm sau đi thu về thì phát hiện chiếc bẫy đã sập, bên dưới kẹp hai cái chân thú phủ lông đen, dài khoảng mười phân, hình dạng khá giống với chân chó, nhưng móng cái sắc nhọn hơn móng chó nhiều, trên cái bẫy sắt còn dính rất nhiều máu. Mang hai cái chân thú về cho những thợ săn lão luyện nhận dạng, họ đều nhất trí đây là chân sói. Cũng chỉ có sói, trong lúc bất cẩn bị bẫy sắt kẹp chân thì mới dám cắn đứt chân tay của mình, đổi lấy mạng sống bằng cái giá đắt đỏ như vậy. Hầu hết những loài vật khác đều không nhẫn tâm dùng cách tự bỏ đi một phần cơ thể để thoát khỏi chiếc bẫy, mà chỉ có thể ngoan ngoãn bó tay chờ chết.

Nhưng chuyện trên núi Bố Lãng có lang, tôi không tin. Mặc dù mọi người thường ghép lang sói làm một, nhưng theo sách Từ Hải – mục động vật, thì lang là động vật chỉ có trong truyền thuyết dân gian, cũng giống như phượng hoàng, kỳ lân và rồng, chưa ai tận mắt nhìn thấy. Tôi nghĩ, nhất định là tối hôm đó Khang Lãng Súy uống rượu say, mắt mũi lờ mờ nên mới nhìn gà hóa cuốc, nhìn một con sói thành ra một đôi sói.

Thế mà chỉ hai ngày sau, tôi cũng nhìn thấy lang và sói, thậm chí còn bị chúng bắt mất con lợn nái.

Trưa hôm đó, tôi đang gặt lúa trên đồng, không may cắt phải ngón tay út, vết cắt rất sâu, máu chảy không ngừng, trưởng thôn liền bảo tôi về nhà nghỉ. Đang lúc việc nhà nông bận rộn, trong làng già trẻ trai gái hầu như đều ra đồng làm việc, chó cũng theo người ra đồng đuổi gà. Trong làng vắng lặng, chỉ có mấy con chim hút mật không sợ nắng rát mới tìm hút mật trên giàn hoa ở hàng rào. Tôi vừa rẽ vào một chỗ ngoặt, đột nhiên nhìn thấy trước cửa chuồng lợn cạnh căn nhà gỗ nhỏ của tôi là một cặp lang sói.

Giống hệt như trong truyền thuyết miêu tả, hai chân trước ngắn cũn của con lang chống lấy cái cổ nó, cả cơ thể đều tập trung ở phần lưng. Lông của con lang màu xám đen, dáng điệu nhỏ yếu, chỉ to hơn con chó ta một chút, còn lông của sói thì màu vàng, cao to lực lưỡng, tương đương kích cỡ một con bê. Một con to – một con bé, một con vàng – một con đen, nhìn rất rõ ràng.

Tôi vội vàng lẩn vào trong lùm cây bên đường để trốn. Lúc này tôi không mang theo súng săn, trong tay chỉ có một con dao cùn, chắc chắn không phải đối thủ của con sói vàng và lang đen. Tôi khẽ vạch đám lá, nhìn trộm hành động của chúng.

Chúng đã nhắm trúng con lợn nái mà tôi mất công nuôi nửa năm nay, lưỡi của cặp lang sói đều thè ra ngay trước mõm, nước dãi thòng lòng, xem ra chúng đang rất thèm thưởng thức hương vị thịt lợn nhà.

Tôi không lo ngại lắm về việc con lợn nái gặp nguy, vì chuồng lợn nhà tôi được dựng bằng cây trúc sào [2], bên trong và ngoài hàng rào đều trồng một cây xương rồng cao bằng người. Loại xương rồng này mọc đầy gai dài đến sáu phân, có chứa chất độc, nếu bị đâm vào sẽ cảm thấy đau đớn khó chịu, da còn phát ban ngứa ngáy, tác dụng phòng vệ còn hơn cả lưới sắt. Tôi không dám mạnh mồm nói chuồng lợn mà tôi xây vững như bàn thạch, nhưng ít nhất cũng không dễ gì mà vượt qua được. Ngay cả con lợn nái của tôi dường như cũng cảm thấy mình đang ở trong trạng thái an toàn, nên cho dù qua khe hở hàng rào nó đã nhìn thấy con sói vàng và lang đen, nhưng vẫn không hề sợ hãi mà kêu thét.

[2] Trúc sào, còn gọi là tre xiêm, mao trúc, là loài trúc có giá trị kinh tế cao, thân thường dùng trong sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, mọc nhiều ở vùng Hoa Nam – Trung Quốc.

Cặp đôi sói vàng và lang đen cứ lòng vòng trước cái chuồng lớn được bảo vệ bằng cây xương rồng cao tới hai mét và tua tủa đầy gai. Đôi mắt con sói vàng phủ một ánh nhìn mê muội, bộ mặt hung tợn giờ lộ ra vẻ chịu trận không biết làm gì hơn, nó bắt đầu xoay mình về phía dòng suối bên ngoài làng, như thể muốn nói: “Thôi đi, đừng phí thời gian ở đây nữa. Tao thấy có vẻ cái chuồng lợn này khó tấn công lắm, có khi thịt lợn chẳng được xơi mà lại còn ăn gai xương rồng đấy.” Nhưng con lang đen lại giữ cặp mắt kiên định, dùng cổ của nó để chặn đứng cổ con sói, đòi con sói phải xoay người lại về phía trước chuồng lợn, ý chừng muốn bảo: “Này ông bạn, đừng vội nóng, thắng lợi luôn chờ đợi những người biết nỗ lực kiên trì!”

Tôi nhìn ra một cách rõ ràng, cái mõm sắc của con lang đáng chết kia đang chúi sau tai của con sói, gầm gừ một hồi. Không ngờ, lang và sói còn biết chụm tai nói thầm. Trên mặt con lang đen lộ vẻ dương dương đắc ý, nhìn qua là biết nó đang bàn mưu tính kế với con sói vàng.

Quả nhiên tôi đoán không sai. Vừa thấy con sói vàng xông thật nhanh đến trước hàng rào, đột nhiên chi trước của nó vươn lên, cơ thể nó dựng đứng; đúng vào khoảnh khắc con sói dựng người lên, con lang đen liền dùng hai chi sau giẫm lên vai sói, rồi nhảy lên đỉnh đầu nó, lúc này cơ thể thuôn dài của nó cũng dựng đứng lên. Đây là tiết mục xiếc chồng người tiêu chuẩn với những động tác rất phức tạp, tôi nhìn mà hoa cả mắt. Tuyệt hơn nữa là, con sói vàng trong lúc bị con lang đen trèo lên đầu, cơ thể nó vùng mạnh lên trên, nhờ thế mà con lang đen như được tự động đẩy lên, bay trên không trung, vượt qua hàng rào cao tới hai mét, nhảy vào trong chuồng lợn của tôi. Động tác của chúng được phối hợp một cách thật nhịp nhàng và hoàn chỉnh, không một sơ sảy.

Điều làm tôi kinh ngạc là ở chỗ, con lang đen từ trong không trung nhảy vào chuồng lợn, vừa hay lại rơi trúng lên lưng con lợn nái, chỉ một cú cắn nó đã ngoạm chặt tai con lợn, ngoắc một cái, con lợn liền thay đổi phương hướng, đầu nó hướng thẳng về phía hàng rào. Con lợn nái phát ra tiếng thét, nhưng đáng tiếc tôi chẳng có cách nào cứu nó cả. Con lang đen dẫn cho con lợn đi đúng hướng rồi lấy cái đuôi nó làm roi quất vào mông con lợn. Ôi, con lợn đáng thương của tôi, đúng là ngu như lợn, đầu nó đâm thẳng vào hàng rào. Có lẽ nó cho rằng đâm thủng hành rào đó là có thể trốn thoát mà không biết rằng mình đã trúng kế của con lang đen. Nó như thể đang lên cơn sốt, đầu đần như đất, thế mà sức nó thì khỏe như bò, vừa nghe thấy một tiếng “ào”, hàng rào bằng trúc đã toạc ra một lỗ. Con lợn nái của tôi bê bết máu trên đầu, trên mặt; mí mắt nó còn cắm hai cái gai xương rồng, trong khi con lang đen do lách ở đằng sau con lợn nên vẫn ung dung không một vết trầy xước. Thế là con lợn nái của tôi đã biến thành kẻ mở đường, thành tấm bia đỡ đạn cho lũ lang sói.

Coi như tôi đã hiểu thế nào là “bè lũ lang sói kết bè kết đảng”.

Con lợn nái thoát ra khỏi chuồng lợn, trên lưng là con lang đen đang cắn tai nó để chỉ đường, đằng sau còn có con sói cắn mông để đuổi nó chạy, cho dù nó không muốn, cũng đành phải theo chúng chạy về phía dòng suối trong rừng hoang.

Người trên núi Bố Lãng nghe tin về lang đã vội vã chạy đi, kinh động đến cả Sở nghiên cứu động vật của tỉnh. Sở phái đến một nhân viên nghiên cứu họ Tôn, tổ chức những đoàn thợ săn và chó săn lớn, lên núi bao vây chúng. Tôi cũng tham gia đội đi săn. Chúng tôi lùng sục trên núi đã nửa tháng nay, cuối cùng cũng tìm được sói vàng và lang đen bên ao nước thối.

Một tiếng huýt sáo, hai mươi mấy con chó săn tỏa thành một tấm lưới, xông tới vách núi, bao vây chặt cặp sói vàng và lang đen.

Lần này, tôi thực sự hiểu được sự sinh động và tính chính xác của những câu thành ngữ và câu nói thường ngày, như “lang sói bất kham”, “lang sói đào thoát”, “lòng lang dạ sói”, “hiểm ác như lang sói”…

Đứng ở trên đỉnh đồi, tôi nhìn qua ống nhòm, con sói vàng đang cõng lang đen, chạy nhanh về phía trước, đằng sau là đàn chó đang tức tốc đuổi theo. Tốc độ chạy của sói và chó săn được huấn luyện có thể coi là tương đương, nhưng lúc này con sói vàng còn cõng thêm cả con lang nên cán cân trở nên khác biệt: khó mà so sánh một bên đang chở nặng với một bên chạy một cách thảnh thơi. Tốc độ của sói vàng bây giờ không đọ được đàn chó săn, khoảng cách hai bên vì thế càng lúc càng ngắn. Chẳng mấy chốc, đàn chó đã cách cặp lang sói chỉ chừng hai mươi mấy mét.

Bấy giờ, con sói vàng liền nhảy xuống một cái dốc khoảng bảy mươi lăm độ, ý chừng như muốn dùng cách đi vào chỗ hiểm để thoát khỏi sự truy đuổi của đàn chó dữ ngay sau lưng. Do thường xuyên phải săn bắt dê núi, linh dương và các loài động vật giỏi leo trèo trên vách núi treo leo, nên sói đã rèn luyện được khả năng leo vách rất tốt, có thể nhẹ nhàng nhảy xuống vách từ độ cao lên tới hàng chục mét, rồi ung dung hạ xuống tảng đá phẳng, sau đó lại liên tục nhảy xuống. Trong khi đó, loài chó lại kém xa sói về khoản này. Chúng chỉ đứng trước vực mà băn khoăn ngó bên nọ, ngó bên kia, lựa chọn nơi an toàn để đáp chân, thử đi thử lại vài ba lần rồi mới dám nhảy xuống. Hiện giờ vách núi mà con sói nhảy xuống sâu khoảng hơn ba chục mét, đủ để đàn chó phải đắn đo một hồi. Tôi lo rằng vách núi này sẽ giúp cho bọn lang sói trốn thoát mất, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng sự lo lắng của mình là thừa.

Con sói vàng vừa nhảy xuống bậc thứ nhất, không hiểu vì con lang đen chưa chuẩn bị tốt tư thế lao xuống, hay vì mông của con sói vàng nhô lên quá cao, cơ thể dựng lên quá dốc mà chân trước của con sói vừa đáp xuống, con lang đen bỗng rơi từ trên lưng sói xuống, ngã vào mỏm đá. Cú ngã này không hề nhẹ, lang đen cố gắng hồi lâu mới đứng dậy nổi, trong khi con sói vàng theo quán tính đã nhảy xuống bậc thứ hai. Sói vàng đứng ở bậc đá thứ hai, quay người ngước lên gọi con lang đen “âu… âu…”, hối thúc nó mau chóng nhảy xuống. Con lang đen thử đi xuống, đôi chân trước của nó ngắn hơn chân sau đến một nửa, lên dốc còn miễn cưỡng giữ được thăng bằng, chứ xuống dốc thì chẳng khác nào đi trên dây, vừa đi được một bước, nó đã giật mình, giống như quả bóng da lăn xuống dưới, nó sợ đến mức túm chặt một đám cỏ mà kêu “ao… ao…”. Con sói vàng chỉ còn cách từ bậc đá thứ hai leo lên, quỳ trước mặt con lang để nó dễ bề leo lên lưng, rồi lại nhảy xuống tiếp.

Trong quãng thời gian đó, đàn chó đã kịp tranh thủ. Khi cặp sói vàng và lang đen nhảy xuống đáy vực, đàn chó cũng đồng thời bắt kịp, bao vây chặt chúng.

Dưới đáy vực là một dòng suối khá rộng, có lợi cho đàn chó phát huy sức mạnh của số đông.

Đúng là một trận đấu gay cấn giữa chó, sói và lang.

Mấy con chó săn xông vào đánh nhau trực diện với con sói vàng, một con chó trắng luồn ra đằng sau, cắn chặt lấy chân sau của con lang đen, lôi nó từ trên lưng con sói xuống đất. Bốn, năm con chó săn lập tức quây vào, mỗi con một hàm, thi nhau tấn công con lang đen không một chút thương xót.

Con lang đen dù cũng sở hữu một cái mõm rộng với hàm răng sắc nhọn như loài sói, nhưng rút cục cơ thể nó yếu ớt, kém may mắn nhất là chân trước ngắn – chân sau dài, phải cố sức ngẩng đầu lắm nó mới có thể đánh nhau ở vị trí ngang bằng với lũ chó. Thêm nữa, đơn thương độc mã, nó ngăn được cái mõm kẻ thù ở phía trước, thì lại không phòng được cú tấn công ở phía sau. Chẳng mấy chốc, mõm, vai, lưng và sau người nó đã bị răng chó giằng xé, toàn thân là máu. Nó ngẩng cổ lên, kêu “ao… ao…” cầu cứu con sói vàng.

Con sói vàng lúc này đang nằm trong vòng bao vây của mười mấy con chó săn, nhưng nó lại dũng mãnh thiện chiến cắn đứt họng một con chó đen, còn cắn đứt cả chân trước của một con chó vàng, trong khi một bên tai của nó thì đã trở thành chiến lợi phẩm của con chó đốm lớn. Nghe thấy tiếng kêu cầu cứu của con lang đen, nó bất chấp tất cả xông khỏi vòng vây, chạy tới chỗ con lang đen.

Đàn chó như một đám ruồi nhặng đứng đằng sau nó, con thì cắn chân, con thì cắn mông, còn con chó đốm thì ngoạm chặt cái đuôi vừa to vừa dài của nó, giằng thật mạnh, kiên quyết không cho con sói vàng đến gần lang đen. Chiến thuật của đàn chó rất thông minh, bao vây riêng rẽ từng con một và tiêu diệt dần.

Con sói vàng điên cuồng hú một tiếng, quay người ra sau nhe hàm răng dữ tợn. Đàn chó liền chạy lui ra như lũ ruồi bị xua đuổi, duy chỉ có con chó đốm mà Ba Nông Đinh nuôi là vẫn còn ngoạm chặt cái đuôi con sói không chịu buông tha. Con sói vàng quay sang trái, con chó đốm cũng quay sang trái; con sói quay sang phải, con chó cũng theo thế mà dịch sang phải, nhất định bám sau con sói, khiến nó chỉ còn cách cắn hờ vào không khí.

Con lang đen kêu lên thảm thiết, nghe vậy, sói vàng không còn tâm trí nào mà dùng dằng, hay nói cách khác là nó hết hứng thú với trò ú tim của con chó đốm. Nó hú lên một tiếng, vùng mạnh về phía con lang đen đang bị bao vây.

Qua ống nhòm tôi nhìn thấy một cách rõ ràng, phần gốc đuôi của con sói bắn ra đầy tia máu, trong khi mồm con chó đốm vẫn ngoạm cái đuôi sói còn đang ngoe nguẩy. Con sói vàng đã trở thành sói chột đuôi, nhưng hình như nó quên hết đau đớn, quên cả việc báo thù kẻ đã giằng đứt đuôi mình, cứ như tia chớp xông tới cắn hai con chó và đến bên con lang đen. Tranh thủ lúc hỗn loạn, nó vực con lang lên lưng, chạy thục mạng về phía bụi sa nhân ở bên trái dòng suối.

Đây rõ ràng là chuyện chẳng dễ, chỉ mất vài giây, đàn chó di tản lại tập hợp với nhau, hung hăng đuổi theo. Con sói vàng cõng trên lưng con lang đen, chạy đến chỗ cách bụi sa nhân chừng hai, ba chục mét thì lại bị con chó đốm chạy lên trên chặn đứng.

Con sói vàng quay người nghênh chiến, vừa mới quay, con lang đen trên lưng nó lại lăn xuống. Xem ra, con lang đen bị thương rất nặng, không còn sức lực để cưỡi chắc trên lưng con sói vàng. Con sói vàng dùng thân mình chặn đứng con chó đốm, xoay đầu về phía con lang đen kêu hai tiếng, dường như có ý bảo con lang mau chóng chạy đi, nó sẽ ở phía sau bảo vệ. Con lang đen vận hết sức cử động, khấp khểnh chạy về phía bụi sa nhân, đàn chó lại như nước triều tràn lên, chia làm hai tốp, chia cách và bao vây riêng từng con.

Lúc này, con sói vàng nếu bỏ mặc lang đen, hoàn toàn có thể chạy thoát thân. Rõ ràng, con lang đen đã trở thành gánh nặng của con sói. Con sói vàng không thể nào cứu lang đen ra khỏi vòng vây của đàn chó săn, nếu cứ đợi tiếp, nó chỉ có thể bỏ phí tính mạng của mình, chết cùng với con lang đen.

Đừng nói là sói, kể cả là người, cho dù là vợ chồng đi chăng nữa, trong lúc nguy cấp như thế này, e rằng cũng khó tránh khỏi việc bỏ lại bạn đời mà chạy trốn. Cha ông chúng ta còn kể lại một câu chuyện như thế này: Vợ chồng vốn là chim sống cùng rừng, lúc lâm nguy thì mỗi con bay một hướng. Huống hồ hai kẻ kia chỉ là quan hệ giữa lang và sói. Lang sói thì gian ác, mà gian ác thì bất trung, điều này cũng có nghĩa là chúng không cần thiết phải tuyệt đối trung thành với nhau. Tôi cảm thấy nếu bây giờ con sói vàng chạy trốn một mình, thì không chỉ có thể chấp nhận được vì tình, mà nó còn không cần lo lắng rằng lương tâm bị cắn rứt hay chịu sự trừng phạt của tòa án đạo đức. Nó đã vì con lang đen mà chịu thiệt thòi quá nhiều rồi, nó đã phải hai lần xông vào nơi nguy hiểm, hi sinh cả cái đuôi của mình, như thế có thể coi là nó đã tận tình tận nghĩa rồi.

Chạy đi, mày có quyền chạy trốn một mình mà. Chạy đi, hãy bỏ lại nói một mình. Mày chỉ cần chạy vào trong bụi sa nhân um tùm rậm rạp như mê cung, là chẳng khác nào cá trở về với biển, coi như đã giữ được tính mạng của mình rồi!

Con lang đen ở đó, vòng vây xung quanh nó mỗi lúc một chặt, đàn chó từng con từng con một nhảy vào người nó, cắn xé đến mức tối tăm mặt mũi. Con lang đen nằm ở dưới đất, không còn chút sức lực nào để cắn đáp trả, cổ cứ nấc lên từng hổi “Ao… âu…”, mồm ộc ra đầy máu và hắt ra những tiếng kêu giãy chết.

Con sói vàng đã chạy tới gần bụi sa nhân, chân nó dính chặt xuống đất như thể bị điện giật.

“Ao… âu… ao… âu”, con lang đen liên tục thổ ra máu và không ngừng rên rỉ.

Soạt! Con sói vàng xoay người lại.

Trời ơi đúng là một con sói hồ đồ!

Con sói vàng vừa quay người lại, con chó đốm đã đuổi tới. Đúng là mắt mù thì chân nhanh, nó vừa giơ móng lên đã móc trúng một mắt của con sói. Con ngươi treo lủng lẳng ngoài mí mắt con sói như quả cầu pha lê. Con sói đứt đuôi bây giờ lại thêm chột mắt. Nó kêu lên một tiếng thảm khốc, nhưng vẫn liều mạng lao về phía con lang đen đang nằm. Đàn chó ào ào xông đến như một lũ ong cắm chặt vòi vào mình con sói. Chỉ trong chớp mắt người nó đã đầy vết cào xé, nằm bẹp dí dưới đất, nhưng nó vẫn đẩy lui bảy tám con chó, ngoan cường bò về phía con lang đen. Nó bò được mười mấy mét, trên mặt đất đã bê bết một vệt máu dài.

Lúc đó đám thợ săn chúng tôi và nhân viên nghiên cứu họ Tôn mới nhọc nhằn từ trên vực đi xuống, vây quanh con lang đen mà giờ đã be bét máu trên người.

Không biết ai đã nói một câu: “Con súc sinh này vẫn còn một đứa con!” Tôi vội đưa mắt nhìn xuống bụng con lang đen quả nhiên là đang phập phồng, giống như là một quả bóng vừa mới bơm hơi. Xem ra sinh linh nhỏ nhoi ấy chưa chết mà vẫn còn ngoan cường cử động.

“Ai bảo trên thế gian không có lang, nhìn xem, chúng ta chẳng vừa đánh chết một con là gì? Đăng lên báo mà xem, thế nào cũng chấn động”, trường thôn ra vẻ đắc ý.

Nghiên cứu viên họ Tôn nhìn con lang đen một lúc, đặt một chân lên bụng nó, lắc đầu nói: “Làm gì có lang, đây là sói, một con sói mẹ màu đen! Hai chân trước của nó bị cái gì đó kẹp đứt, nên mới ngắn đi một nửa. Thế là một chuyến công toi.”

Chúng tôi vô cùng kinh ngạc vội vàng quan sát thật kỹ. Quả nhiên, cái mõm nhọn, cái đuôi dài, cái tai dựng đứng, dáng hình giống hệt sói. Lại nhìn hai cái chân trước ngắn cũn của nó, không hề có móng, phần đầu lộ ra mẩu xương, rõ ràng đây không phải là một đôi chân ngắn tự nhiên, mà là một đôi chân tàn tật.

Tôi đột nhiên nghĩ ra, ba tháng trước cái bẫy thú bằng sắt của Ba Nông Đinh đã từng kẹp trúng hai bàn chân sói, có lẽ nào… Ba Nông Đinh đã hong khô hai bàn chân này làm bùa hộ thân, khi nào đi săn đều mang chúng theo. Tôi bảo anh ta mang chúng thử ghép vào cặp chân trước của con sói mẹ màu đen. Màu sắc y hệt, kích thước vừa đúng, độ dài thích hợp, ăn khớp với nhau, đúng là không còn nghi ngờ gì nữa.

Mất công nửa ngày trời, cái gọi là lang đen hóa ra lại là một con sói mẹ màu đen tàn tật!

Một cảnh tượng rõ ràng hiện lên trong mắt tôi: Con sói đực màu vàng và con sói cái màu đen cùng sống trong rừng, chúng thương yêu nhau, rồi con cái mang thai, ngày tháng trôi qua thật êm đềm. Đến một ngày, chúng nhìn thấy một cái đùi dê treo trong một cái khung màu đen, con sói cái đã đói bụng, há mồm ra cắn, cái khung màu đen kia đột nhiên “thức giấc”, kẹp chặt hai bàn chân trước của nó. Con sói đực màu vàng giúp nó cắn thanh sắt, nhưng răng sói nhai đi nhai lại vẫn không làm cách nào để gỡ bàn chân của con sói cái ra. Chẳng còn cách nào khác, chúng đành cắn đứt hai bàn chân trước. Con sói đực màu vàng không hề ghét bỏ cô vợ tàn tật của nó, mà còn cõng trên lưng con sói cái giờ đã không thể đi lại và cũng chẳng thể đi săn. Dù trời mưa gió, dù leo núi hay vượt sông đến chết chúng cũng không rời nhau…

“Thẩm Thạch Khê”, trưởng thôn đánh thức tôi khỏi dòng suy nghĩ, chỉ về phía con sói đực màu vàng và con sói cái màu đen đang nằm trên đất rồi bảo tôi: “Con lợn nái của anh bị chúng cắn chết, chúng sẽ thuộc về anh, cũng coi như là bồi thường cho sự tổn thất của anh. Nhân lúc cơ thể chúng hãy còn ấm, hãy mau lột da chúng đi. Chúng tôi về trước đây.”

Khu rừng chỉ còn lại tôi và hai con sói chết. Nếu như tôi lột hai bộ da sói, rồi xẻ thịt sói đem ra chợ bán như thịt chó, đại khái có thể đổi lấy một con lợn nái, nhưng tôi không làm như vậy. Tôi đào một cái hố rất sâu, đầu tiên đặt xác con sói đực xuống dưới, rồi ôm lấy con sói cái để nó nằm trên lưng con sói đực, hai chân trước tàn tận ôm chặt lấy cổ con sói đực, hai khuôn mặt sói thân mật dụi vào nhau, rồi lấp đất đầy cái hố.

Tôi cảm thấy tư thế con sói đực cõng con sói cái trên lưng, cho dù là sống hay chết, là người hay thú, đều vô cùng đẹp.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.