Chúc Một Ngày Tốt Lành

Chương 10: Chương 10




40

Như đã từng xảy ra nhiều lần trong đời, thằng Cu một lần nữa trông rất giống bản sao của thằng Lọ Nồi.

Nó đứng phắt dậy khi thấy ông an ninh và bà kế hoạch đầu tư, chưa kịp mở miệng chào quai hàm đã cứng đơ khi mái tóc ngắn của con bé Hà xát vào mặt nó.

- A, - ông an ninh reo lên – thì ra chú heo con này đang ở đây!

- Cả cháu bé này nữa, - bà kế hoạch đầu tư tiếp lời – sao cháu lại ở trong này?

Thằng Cu vẫn chưa phun được hạt táo vô hình chẹn ngang họng. Ánh mắt nó đi qua đi lại giữa bà kế hoạch đầu tư và ông an ninh, xẹt qua con bé Hà một tẹo, ửng mặt lên, rồi xẹt ngay lại, miệng ú ớ như kẻ đột ngột đánh rơi hết vốn từ.

Người đánh thức nơron thần kinh điều khiển ngôn ngữ của thằng Cu rốt cuộc chính là kẻ đã khiến nó mắc chứng á khẩu.

- Anh Cu… - Nhỏ Hà len tới trước mặt ông an ninh, nhoẻn miệng cười. – Tôi biết ơn anh và chú heo con của anh nhiều lắm đó.

Bà kế hoạch đầu tư phụ họa:

- Nếu không có hai chủ tớ nhà này, bầy bò của nhà con bé đã bị trộm khoắng sạch rồi.

Lần đầu tiên thằng Cu thấy nhỏ Hà nói được một câu tử tế, cũng lần đầu tiên nó thấy tên nó không đến nỗi quá khó nghe. Và khi con nhỏ này nói tiếp thì nó thấy không có ai trên đời tốt bằng nhỏ Hà, rằng con nhỏ này không hề kiêu kỳ chút xíu nào như nó tưởng:

- Tôi cũng xin lỗi anh về sự hiểu lầm hôm trước. Anh không hề nói dối tôi.

Trong khi thằng Cu ngẩn ra vì bất ngờ và vì sung sướng, nhỏ Hà đột ngột thò tay ra nắm tay nó, bất chấp ông an ninh và bà kế hoạch đầu tư đang nhìn chằm chằm, thỏ thẻ bằng giọng êm như gió:

- Anh đừng giận tôi nữa nhé, anh Cu!

Cử chỉ bất ngờ của cô bé khiến đầu cổ thằng Cu nóng ran. Nó không bao giờ ngờ có ngày nhỏ Hà cầm tay nó, ngay cả trong những giấc mơ táo bạo nhất. Nó có cảm giác nó đang đút tay vào ổ điện. Tay nó tê tê, giần giật và sức nóng lan từ các đầu ngón tay lên tận óc. Con gái thành phố dạn dĩ ghê! Nó nghĩ, và giống như đang bị điện giật thật, tay nó đờ ra như gỗ, nằm bất tỉnh trong tay nhỏ Hà. Nhưng giá như có thể cựa quậy được, nó vẫn muốn mãi mãi được chôn tay nó trong bàn tay êm ái đó.

Nhỏ Hà không nghe thằng Cu ừ hử gì, tưởng thằng này còn giận mình, lại nói (lại bạo dạn kiểu thành phố):

- Anh nói anh hết giận tôi, tôi mới buông tay anh ra.

- Nói đi chú bé! – Ông an ninh hắng giọng, nụ cười tinh quái thấp thoáng trôi qua hàng ria mép – Nói đi, rồi chúng ta ra ngoài kia! Hay chú mày không muốn cô bé thả tay ra!

Câu nói trêu của ông an ninh có giá trị ngang một cái véo tai.

- Ờ… ờ… tôi hết giận rồi! – Thằng Cu sực tỉnh, lắp bắp, thực ra nó định nói “Tôi có giận bạn hồi nào đâu” nhưng chợt nhớ mình quả có giận thật (không những giận mà còn định bới móc tật xấu của con nhỏ này cho bõ ghét) nó đành bối rối thú thật.

Nhỏ Hà buông tay chú nhóc, cười hì hì:

- Anh không giận tôi, mai mốt chú heo của anh lại đi lạc nữa, tôi hứa sẽ tìm phụ cho anh.

Nàng Đeo Nơ lặng lẽ chứng kiến màn làm hòa giữa cô chủ nhỏ và chú bé hàng xóm, đến lúc thấy mình không thể ra vẻ một nàng heo vô tâm được nữa.

Nó ngượng nghịu bước tới vài bước, nhìn Lọ Nồi bằng ánh mắt ngượng ngập và lí nhí bằng giọng ngượng ngùng:

- Bạn thật là tài giỏi…

41

Cũng như cậu chủ của mình trước đó ít phút, chú heo con nghe tai mình lùng bùng. Lần đầu tiên nó nghe nàng Đeo Nơ khen nó. Những sợi tơ buồn giăng giăng trong lòng nó bị lời khen và vẻ bẽn lẽn của nàng Đeo Nơ giật đứt từng khúc.

Nó nhìn rèm mi óng ả của nàng heo, bối rối:

- Chiếp chiếp gô…

- Không, mình phải cảm ơn bạn mới đúng. – Nàng Đeo Nơ vội vàng nói, bây giờ thì nàng đã hiểu được thứ ngôn ngữ kỳ lạ này.

Nàng vừa nói vừa nhích tới gần hơn, ngọ nguậy đầu làm chiếc nơ rung rung trông như một bông hoa vừa đi vừa nở.

Động tác duyên dáng của Đeo Nơ làm chú heo mới lớn nghe tim mình đập thình thịch. Nó càng muốn ngất khi nghe nàng dịu dàng hỏi, không, không phải hỏi – đó là tiếng suối róc rách chảy ra từ miệng nàng:

- Bạn có muốn kết bạn với mình không?

Nó hoàn toàn không tin cái tai nào trong hai cái tai mình. Trong đời thằng Lọ Nồi (bây giờ - sau này - mãi mãi - cho đến khi chết đi) nếu nó có thiết tha và sẵn lòng chờ đợi một điều gì thì đó chính là điều nó vừa nghe thấy. Mặc dù trọng lượng không nhẹ lắm, lúc này nó vẫn thấy mình đang lơ lửng trên mây.

Lọ Nồi đã định gật đầu, đến phút chót không hiểu sao nó vô cớ giận dỗi:

- Không!

Nàng Đeo Nơ tưởng như mặt đất đang chao đi. Nàng thốt nhiên bước lui một bước, bốn chân run lẩy bẩy và khóe mắt đã bắt đầu ngân ngấn nước.

Mặc dù ông an ninh, bà kế hoạch đầu tư và thằng Cu không hiểu nội dung cuộc đối đáp giữa hai đứa nó. Đeo Nơ vẫn thấy mình đang bị sự xấu hổ đóng đinh xuống đất. Rõ ràng nàng phải nghiến chặt răng để đừng bật ra một tiếng rên.

Lọ Nồi nhìn thấy hết, và nó bỗng nhận ra mình là con heo chẳng ra gì. Vẻ ngỡ ngàng và thất vọng của nàng heo yêu dấu làm nó nhói đau.

Lần này thì chính nó nhích về phía nàng Đeo Nơ.

- Tôi muốn kết bạn với bạn lắm đó. – Nó nói, liên tục thêm vào những tiếng khịt mũi để che giấu sự lúng túng – Nhưng bạn thì xinh đẹp, còn tôi… tôi…

Nó định nói “Mặt tôi giống như trang giấy bị vấy mực, trông bẩn bẩn thế nào” nhưng nó kịp nghĩ nhắc lại những nhận xét đó chẳng khác nào khép tội nàng heo, làm cho nàng đau khổ thêm lần nữa. Vì vậy mà nó cứ ngoắc ngứ, không làm sao nói được hết câu.

Đến lúc này thì nàng heo hiểu ra sự từ chối kết bạn của Lọ Nồi chỉ là sự giận dỗi.

- Mình lỡ lời thôi, chứ mình không có ý chê bạn xấu! – Đeo Nơ lật đật thanh minh – Hôm đó mình chỉ muốn tìm hiểu tại sao bạn có tên là Lọ Nồi…

Lọ Nồi biết nàng heo đang bào chữa, nhưng nó chẳng trách cứ nàng. Ngược lại, từng lời nói của nàng rót vào lòng nó như một loại thuốc giảm đau kỳ diệu. Nàng biết nàng có lỗi với nó, vậy là đủ rồi. Nó cũng chỉ cần thế thôi.

Nhưng nàng Đeo Nơ diễm lệ còn đi xa hơn thế. Nàng chớp rèm mi đẹp (chớp tới mấy cái liền) và cất cao giọng, không phải để chú heo nghe rõ mà để chế ngự sự thẹn thùng, nếu không nàng không đủ can đảm thốt ra những gì nàng nghĩ:

- Cái bớt đen trên mặt không che khuất được tài trí và tâm hồn tuyệt đẹp của bạn, Lọ Nồi à. Mình rất vinh hạnh được là bạn của bạn.

Thổ lộ xong rồi, bấy giờ nàng Đeo Nơ mới cảm thấy mắc cỡ (nàng là con gái mà), thế là nàng hấp tấp quay lưng chạy ra cửa.

Chú heo Lọ Nồi cần đến mười lăm giây để mật ngọt trong câu nói của nàng heo kịp ướp vào tâm hồn mình và mất thêm chừng đó thời gian nữa để cây hạnh phúc kịp trổ hoa trong lòng mình.

Tới giây thứ ba mươi mốt, giữa mật và hoa, Lọ Nồi ngước mõm lên trần nhà, và như các bạn đã từng thấy cách đây mấy chục trang, từ lồng ngực chú mới lớn bất thần nổ ra một tràn âm thanh dồn nén (lần này không phải phát ra từ nỗi tuyệt vọng nên nó giống tiếng reo hơn là tiếng rên):

- Un ún ủn… un gô… chiếp gồ… ồ… ồ…

Ông an ninh vừa mấp máy môi định bảo thằng Cu dẫn Lọ Nồi đi theo nàng Đeo Nơ, bỗng há hốc miệng trước hành vi kỳ lạ của chú heo con, hàng ria mép của ông liên tục động đậy như chính nó cũng vô cùng thắc mắc:

- Nó muốn nói gì thế, cậu bé?

Thằng Cu thoạt đầu định thú thật là câu đó chẳng có nghĩa gì hết. Nhưng nó chợt nhận thấy không có cơ hội nào tuyệt vời hơn lúc này để công khai một cách bí mật nỗi lòng thầm kín của mình với cháu bà Tươi. Thế là nó ranh mãnh đáp lời ông an ninh – nhưng mắt nó lại nhìn nhỏ Hà (tất nhiên không dám nhìn thẳng vào mắt, chỉ dám nhìn mái tóc thôi):

- À, nó nói “Tôi muốn ở… bên em… suốt đời… i… i…”.

Bà kế hoạch đầu tư suýt chút nữa ngã lăn ra nếu phút chót bà không kịp vịn tay vào vách bếp. Dù bận rộn chống đỡ thân người của mình, bà vẫn kịp bày tỏ sự ngạc nhiên:

- Hai con heo bé chừng này mà đã thích nhau á?

Ông an ninh thì cười muốn văng cả ria:

- Hà hà… Có gì đâu mà chị ngạc nhiên! Bọn trẻ bây giờ chúng lớn trước tuổi mà.

Thằng Cu không biết ông an ninh chỉ nói mấy con heo, hay gộp cả nó trong đó, vờ giấu mặt vào lưng thằng Lọ Nồi ra vẻ mình không nghe thấy gì, miệng rối rít giục:

- Ra ngoài lẹ đi, mày!

42

Thằng Mõm Ngắn nấp ngay trước cửa bếp. Lúc nãy, thừa lúc mẹ nó say sưa trình diễn trước du khách, nó tìm cách lẻn đi và vù vào đây. Nhưng nó chỉ đứng lấp ló ngoài cửa, không dám vào.

Vừa thấy thằng Lọ Nồi ló đầu ra, Mõm Ngắn nôn nóng chạy ngay lại:

- Thầy làm gì trong này lâu vậy thầy? Mọi người kiếm thầy quá trời!

Lọ Nồi vẫn chưa ra khỏi trạng thái lâng lâng. Nó nhìn tên đệ tử, ậm ừ bằng giọng của chàng trai đã yêu lần thứ tám:

- Nãy giờ ta bận giải quyết chuyện tình cảm!

- Chuyện tình cảm là chuyện gì hả thầy? – Chú cún ngây thơ liếm chiếc mũi ướt, mặt đực ra.

Lọ Nồi làm một động tác giống như là nhún vai và buông một câu giống như là nó lớn hơn thằng cún một thế hệ trong khi thực ra chưa biết đứa nào đẻ trước đứa nào:

- Ta có nói trò cũng không biết đâu. Khi nào lớn lên trò sẽ tự khắc hiểu.

Ở ngoài vườn, bà Hai Nhành và ông Sáu Thơm đang thao thao giảng bài cho du khách thứ ngôn ngữ độc đáo của các vật nuôi và giúp cho họ thực tập với chị Vện, chị Nái Sề và chị Mái Hoa. Thằng Đuôi Xoăn và lũ gà con chạy nhảy lơn tơn giữa các luống rau thỉnh thoảng cũng bị giáo sư Hai Nhành và giáo sư Sáu Thơm lôi vào để minh họa cho bài học.

Nhờ sa đà vào các tiết học ngoài trời đầy lý thú, đám đông tạm nguôi ngoai đề tài Lọ Nồi.

Khi ông an ninh dẫn đầu đám người và vật ra vườn thì khắp nơi đã tràn ngập những chiếp chiếp, gô gô, un un, quang cảnh chẳng khác mấy lễ hội ngôn ngữ quốc tế do Hiệp hội Linguafest’37 tổ chức hàng năm ở thành phố Tours bên xứ Phú Lãng Sa.

Một nhân viên mặc đồng phục cảnh sát chạy đến đưa chiếc loa cho ông an ninh và khi ông bắt đầu thông báo bằng giọng trịnh trọng sự có mặt của chú heo Lọ Nồi thì mọi cuộc thực tập ngôn ngữ lập tức dừng lại.

Trong vòng một phút, không biết chuyển động bằng cách nào, đám đông đã tạo thành một vòng rất tròn chung quanh bọn người mới xuất hiện.

Cả đống cái miệng nhao nhao:

- Lọ Nồi là con heo nào?

- Là con đeo nơ ư? – Một người nói khi nhìn thấy nàng Đeo Nơ không biết quay lại từ lúc nào và đang đứng cạnh thằng Lọ Nồi.

- Không phải đâu! Lọ Nồi chắc là con heo có bớt đen trên mặt.

Thằng Lọ Nồi lúc này đã hoàn toàn bình tĩnh. Một khi “sóng gió tình trường” đã trôi qua, con người (cũng như con heo – và tất tần tật các con vật khác) không còn thấy run sợ trước bất cứ điều gì trên đời nữa.

Như các bạn cũng đang đoán ra: Lọ Nồi lại phải trình bày cách thức nó đã báo tin cho thằng Cu về bọn trộm, lần này là trước lúc nhúc những đầu và cổ thay vì chỉ đối diện với ông an ninh như sáng hôm qua. Đủ loại máy ảnh và máy quay phim chĩa vào Lọ Nồi ngay từ khi nó xuất hiện, nhưng căn cứ vào thái độ ung dung của chú heo con có vẻ tất cả những điều đó chẳng phải là gánh nặng đối với nó.

Chú heo của chúng ta chẳng chút hồi hộp hay ngại ngùng. Khách hỏi đến đâu, nó đáp đến đấy, hùng hồn, trôi chảy, thỉnh thoảng liếc sang nàng Đeo Nơ để nở từng khúc ruột khi bắt gặp vẻ ngưỡng mộ ánh lên trong đôi mắt xinh đẹp của nàng.

Lần này, ông an ninh giành làm phiên dịch, gạt thằng Cu ra rìa. Trông ông phởn không kém gì thằng Lọ Nồi.

Nhưng thằng Cu không ghen tị với ông an ninh. Nó chỉ ghen tị với con heo con của mình. Nhìn thằng Lọ Nồi mắt liếc mày đưa với nàng Đeo Nơ, nó thấy mình còn kém con heo con của mình nhiều quá, và nó quyết khắc phục điều đó bằng cách rón rén đến bên cạnh con bé Hà nhưng mới nhích được vài bước nó lập tức dập tắt ngay ý định đó khi nhác thấy bà Tươi đang đứng bên ngoài vòng tròn nhón gót nhìn vô.

Đã thế, ngay sau lưng bà Tươi là mẹ nó. Mẹ nó không thường ra vườn trong những dịp thế này (chuyện đối ngoại toàn giao cho nó) nhưng lúc này thì bà đang có mặt chỗ đám đông, còn cao hơn đám đông một cái đầu mặc dù lúc bình thường bà thấp hơn mọi người một cái cổ.

Chắc chắn mẹ đang đứng trên một chiếc ghế cao! Để nhìn gì thế nhỉ? Hay là để xem mình có léng phéng gì với nhỏ Hà không? Thằng Cu nơm nớp nhủ bụng nhưng rồi nó tươi ngay nét mặt khi nghĩ đến những ngày sắp tới: nhỏ Hà đã hứa sẽ giúp nó tìm con heo đi lạc, có nghĩa là thằng Lọ Nồi sẽ có cơ hội đi lạc thêm nhiều lần nữa (mà thằng heo con này thì rất khoái trò đi lạc), tức là nó sẽ lại có dịp gặp gỡ nhỏ Hà, lần này chắc chắn cuộc trò chuyện bên trong và bên ngoài hàng rào sẽ dệt bằng toàn những lời thơ mộng. Và để cho sự thơ mộng thơ mộng hơn nữa, nó sẽ yêu cầu nhỏ Hà gọi nó bằng cái tên đi học, cương quyết không cho gọi cái tên ở nhà.

Trong khi bà Đỏ đứng trên cao nhìn xuống, thằng Cu đứng giữa vòng tròn nhìn ngang thì thằng Mõm Ngắn nằm bẹp dưới đất nhìn lên. Nó tò mò quan sát sư phụ nó, và khi thấy thằng Lọ Nồi cứ chốc chốc lại ngoảnh đầu liếc sang nàng Đeo Nơ, nó gật gù lẩm bẩm “Ra chuyện tình cảm tức là nhìn một ai đó rồi quay đi rồi quay lại nhìn rồi quay đi rồi quay lại nhìn rồi quay đi… đến chừng nào mỏi cổ thì thôi! Chán ngắt!”.

43

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại . .com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Câu chuyện này đến đây xem như đã được kể xong và cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay hoàn toàn có thể bỏ chung một túi với các cuốn sách dạng happy ending, tiếng Việt gọi là kết thúc có hậu, còn ngôn ngữ quái chiêu của các vật nuôi nhà bà Đỏ gọi là gì thì phải đợi thằng Cu và thằng Lọ Nồi nghĩ ra. Chuyện tình bé con (nếu có thể miễn cưỡng gọi đó là chuyện tình) của hai chủ tớ thằng Cu đã tìm thấy con đường để đi tiếp, còn đi như thế nào là chuyện của tụi nó, tác giả truyện này hứa sẽ bí mật theo dõi, nếu thấy gì hay hay thì rất sẵn lòng kể lại, tất nhiên là trong một dịp khác.

Còn bây giờ, trước khi các bạn khép lại cuốn sách, tác giả tin rằng có những điều cho dù tác giả không nói thì các bạn cũng có thể hình dung ra:

“Nếu có một nơi nào đó trên trái đất mỗi ngày là một ngày hội thì đó chỉ có thể là nhà bà Đỏ”.

“Nếu có một đứa con trai mười ba tuổi nào đó vừa trông nom vật nuôi vừa mong vật nuôi mỗi ngày đi lạc vài lần thì đó chỉ có thể là thằng con bà Đỏ”.

“Nếu có một con heo con nào đó “thích tạo ra những âm thanh khiến người khác giật mình và xem đó là trò vui” thì đó chỉ có thể là con heo con của bà Đỏ”.

Nhưng ở đây lại phát sinh vấn đề ngay từ nhà bà Đỏ: Lọ Nồi vẫn là một đứa trẻ (tụi Đuôi Xoăn, Mõm Ngắn và lũ chíp hôi nhà chị Mái Hoa chuyên hùa theo “đại ca” Lọ Nồi cũng là một lũ trẻ ham vui) cho nên không có gì đảm bảo một ngày nào đó tụi nó không chán thứ “âm thanh” này.

Chuyện này từng xảy ra với hiện tượng con này kêu tiếng con kia rồi.

Khác với suy nghĩ của các bậc phụ huynh Nái Sề, Vện và Mái Hoa, trong mắt bọn nhóc tất cả chỉ là trò chơi.

Thằng Cu – con người góp phần hoàn thiện trò chơi này cũng là một đứa trẻ con, và nó làm điều đó hoàn toàn do nghịch ngợm.

Nó không nghĩ đến hũ gạo như bà Đỏ, không nghĩ đến những cái két sắt như ông thuế vụ, ông du lịch, bà kế hoạch đầu tư hay bà y tế, cũng không nghĩ đến chuyện mở thêm đại lý phát hành như các nhà báo.

Do đó, nếu vào một ngày trời đột ngột trở gió, các vật nuôi nhà bà Đỏ bỗng trở lại là các vật nuôi bình thường, những tấm panô bị âm thầm tháo xuống và đường làng chợt vắng bóng người qua, các bạn cũng đừng lấy làm ngạc nhiên.

Và nhất là đừng thất vọng. Biết đâu, vào một ngày trở gió khác, thấy đời buồn như ao tù, tụi nó lại nghĩ ra một trò chơi mới và du khách lại có dịp nườm nượp kéo đến.

Xét cho cùng, những trò tinh quái của bọn nhóc tuy chưa đủ giúp người lớn trở thành triệu phú nhưng cũng đã kịp kể một câu chuyện khác về thế giới giàu có của trẻ con.

Trẻ con được quyền làm mọi thứ. Chúng được phép nói những câu kỳ quặc, và ngay lập tức được tán dương.

Người lớn thì khác. Người lớn nói năng như thế có khi lại gặp tai họa.

Như cuộc trò chuyện sau đây giữa ông an ninh và bà kế hoạch đầu tư vừa diễn ra trên đường làng, ngay cuối buổi chiều ngày du khách được diện kiến chú heo Lọ Nồi vĩ đại.

Sau khi hớn hở chia vui lẫn nhau về sự thành công ngoài sức tưởng tượng của hai ngày kinh doanh đầu tiên, ông an ninh và bà kế hoạch đầu tư cao hứng trò chuyện bằng thứ ngôn ngữ chiếp chiếp, gô gô, un un đang thịnh hành.

Đến lúc chia tay để lên ôtô đỗ trên đường liên tỉnh, ông an ninh nấn ná nói câu cuối cùng:

- Un gô gô!

Bà kế hoạch đầu tư tất nhiên vui vẻ cảm ơn lời chúc ngủ ngon của ông an ninh và bà lịch sự chúc lại:

- Chiếp chiếp gô. Un gô gô!

Cuộc đối thoại nếu kết thúc ở đây thì đời vẫn còn là màu hồng.

Đằng này ông an ninh vẫn còn hào hứng quá. Ông muốn nói thêm một câu nữa, nhưng bao nhiêu vốn ngoại ngữ đã dốc ra hết rồi. Hên làm sao (hay xui làm sao!), đôi môi ông chợt nhớ tới câu nói mới học được của thằng Lọ Nồi hồi sáng:

- Un ún ủn… un gô… chiếp gồ… ồ… ồ…

Ông chưa kịp nghĩ ngợi, câu nói đã phun ra. Nhớ được cái câu dài ngoằng đó đúng là quá tài, nhưng cuộc đời đôi khi vẫn có những tình huống tréo ngoe: trong trường hợp này thành công trong ngôn ngữ lại là thất bại trong giao tiếp, mặc dù ngôn ngữ được sinh ra là dùng để giao tiếp.

Sau khi khựng lại một giây vì bất ngờ, bà kế hoạch đầu tư chỉ tay vào mặt ông an ninh, tuôn một tràng như tát nước – bằng tiếng mẹ đẻ đàng hoàng:

- Tôi một chồng hai con rồi, ông đừng có lộn xộn!

Tất nhiên là ông an ninh đứng như trời trồng. Đến khi chiếc ôtô của bà kế hoạch đầu tư lăn bánh rồi, ông mới đưa tay lên cốc đầu mình một cái:

- Ngu ơi! Biết vậy khi nãy mình nói câu “Ăng gô gô” quách!

“CHÚC MỘT NGÀY TỐT LÀNH” là mẫu câu duy nhất mà ông an ninh chưa dùng, chỉ vì đó là câu chúc đầu ngày trong khi ông và bà kế hoạch đầu tư đang sóng bước trong hoàng hôn. Giá như ông đừng khắt khe quá, cứ nói đại như bọn trẻ con thì vừa rồi ông đâu có sẩy miệng. Bọn trẻ trước khi đi ngủ, vẫn có thể hào hứng chúc nhau một ngày tốt lành, dẫu ngày hôm đó chỉ còn có một mẩu. Ờ, một mẩu có khi chừng ba mươi phút thôi nhưng nếu đó là một mẩu tốt lành thì cuộc sống vẫn vô cùng tươi đẹp.

Nếu ông an ninh có được một tâm thể hồn nhiên như vậy, có lẽ hôm nay ông đã có một ngày tốt lành trọn vẹn.

Chỉ tiếc ông đã là người lớn mất rồi.

Chợ Lớn, 23.1.2014

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách:

Mai – Du Ca – Diên Vĩ

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)​

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.