Chùm Nho Phẫn Nộ

Chương 10: Chương 10




Phần 1

hiếc xe tải đã đi khuất, chất nặng đồ đạc dụng cụ nặng, giường và thành giường, mọi thứ đồ đạc có thế bán được, Tom một mình lang thang trong khu nhà. Anh tới mơ màng trong nhà kho, trong các ngăn chuồng ngựa trống trơn và anh luồn xuống dưới chái nhà nơi cất giữ dụng cụ, anh đưa chân đá đá những vật đổ nát còn lại, lấy chân lật một chiếc răng bừa gẫy. Anh đi thăm lại những nơi anh quen biết... cái mô đất đỏ từng là nơi ẩn trú của loài én, cây liễu vươn lên phía trên mái nhà che cho con lợn... Hai con lợn con ủn ỉn và tới nơi sục sạo qua bờ dậu, những con lợn con lông đen đang nằm thoải mái trong nắng. Cuộc hành hương của anh đã xong, anh bèn đến ngồi trên bậc thềm trước cửa vừa được phủ bóng râm mát. Trong bếp, phía sau anh, Mẹ đang bận rộn giặt giũ quần áo trẻ con, đôi cánh tay to lấm chấm những nốt tàn nhang, ướt sũng để nước bẩn chảy từ khuỷu tay xuống. Anh ngồi xuống thì bà ngừng vò sát. Bà nhìn anh rất lâu và lúc anh quay đầu lại để nhìn vào ánh nắng nóng, cái nhìn của bà tiếp tục dán vào gáy anh. Rồi bà lại bắt đầu vò sát.

Bà nói:

- Tom ạ, quí hồ Ở California, mọi sự được ổn thoả.

Anh ngẩng lại nhìn mẹ:

- Có gì khiến Mẹ nghĩ không phải thế?

- Ờ... chả gì cả. Nhưng mẹ thấy chuyện đó hình như quá đẹp. Mẹ thấy các tờ quảng cáo họ phân phát, nào là ở chỗ đó, công việc có ê hề, nào là tiền công lại cao. Mẹ đọc trong báo thấy họ yêu cầu bao nhiêu là người để hái nho, cam, đào. Tom nhỉ, thích thật, hái đào thì thích thật. Ngay dù người ta không cho mình ăn, vẫn có thể thó một quả, quả nhỏ thôi, hơi bị hỏng. Và ngồi dưới cây làm việc trong bóng râm dễ chịu thật! Mẹ thấy tất cả chuyện đó quá đẹp nên mẹ đâm sợ. Mẹ không tin. Mẹ e có cái gì phỉnh phờ ở đâu đó, chắc không đẹp đến thế đâu.

Tom nói:

- Mẹ đừng để cho niềm tin bốc quá cao, Mẹ ạ, kẻo lại phải bò như con giun con dế.

- Đúng, con nói đúng. Trong Sách Kinh có nói thế phải không ?

- Có lẽ thế. Không bao giờ con có thể nhớ kỹ Sách Kinh từ khi con đọc một cuốn sách nhan đề: "Chiến công của Barbara Worth". Mẹ cười khẽ và nhúng quần áo nhiều lần vào chậu giặt. Rồi bà vắt những quần xanh, những áo lót, gân bắp cánh tay bà nổi cuồn cuộn như dây chão.

- Ông Nội con, suốt ngày dẫn Kinh Thánh, ông cũng lẫn lộn lung tung với Niên lịch của Đôxtơ Miles. Ông cất tiếng sang sảng đọc Niên lịch từ trang đầu tới trang cuối... những thư từ của bọn người bị bệnh mất ngủ, hoặc đau thận. Và về sau, ông đọc cho thiên hạ nghe, nhưng những lời răn, ông nói "Đó là truyện ngụ ngôn của Kinh Thánh". Bố với chú John thì cười làm ông hơi lo. - Bà chồng đống lên bàn các đồ đã giặt giũ, cái nào cũng xoắn lại như dây cáp. - Này Tom, theo ý con, hai ngàn dặm có xa lắm không? Mẹ nhìn lên bản đồ có những dãy núi cao như in trên bưu thiếp, và phải cắt ngang qua. Đi xa như thế thì mất bao nhiêu lâu, Tommy?

- Con không biết. Mười lăm ngày... có thể mười ngày nếu chúng ta gặp may. Mẹ này, mẹ đừng băn khoăn. Con đã ở nhà trừng giới, nên con có biết một điều, con nói cho mẹ nghe. Đừng bao giờ nghĩ đến cái ngày được tha, vì như thế khiến mình phát điên. Cứ ngày nào biết ngày ấy, rồi nghĩ đến ngày hôm sau, đến buổi đá bóng thứ bảy. Nên làm như thế. Chính những người ở tù quen họ làm như thế. Bọn tù mới đến, chúng cứ cụng đầu vào cửa xà lim. Chúng cứ tự hỏi phải còn ở lại bao lâu nữa. Cớ sao mẹ không làm thế, ngày nào biết ngày nấy, hở mẹ?

- Cách ấy hay đấy, - bà vừa nói, vừa múc nước nóng trên bếp lò đổ đầy vào chậu, bỏ quần áo bẩn vào và bắt đầu nhúng vào nước xà phòng. - Đúng, cách ấy tốt đấy. Nhưng mẹ cứ thích nghĩ là ở California sẽ dễ chịu, có lẽ là tốt. Không bao giờ lạnh. Chỗ nào cũng ngập hoa quả, dân ở đấy họ sống trong những căn nhà nhỏ quét trắng tinh, giữa những vườn cam, mẹ tự nhủ... quí hồ ai cũng có công ăn việc làm... biết đâu... biết đâu trong những ngôi nhà nhỏ trắng tinh ấy lại không có một ngôi nhà của chúng ta nhỉ? Rồi bọn trẻ con đi hái cam, ngồi đâu hái đấy. Cứ ao ước thế là chúng khó mà chịu nổi, chúng cứ reo um lên.

Tom nhìn mẹ làm việc, đôi mắt anh mỉm cười.

- Chỉ cần nghĩ như vậy là tốt cho Mẹ rồi. Con có biết một gã từ California về. Hắn nói khác chúng ta. Theo cung cách của hắn nói thì có thế thấy, hắn từ xa tới. Nhưng hắn nói là bọn người hái quả phải sống trong các lán trại rất bẩn và khó kiếm đủ ăn. Công sá hạ, đó là nếu may ra còn có công sá.

Một bóng mờ lướt qua khuôn mặt bà mẹ.

- Ô! Cái đó không đúng. Bố con đã nhận được một tờ quảng cáo giấy vàng, trên giấy có nói là người ta cần người lao động. Dễ chừng họ đã chẳng phải chuốc lấy khó nhọc nếu không có việc làm ào ạt. In những tờ quảng cáo đó, họ phải mất tiền chứ! Mà cớ sao họ lại nói điêu, chi tiền ra để nói điêu?

Tom lắc đầu:

- Con không biết, Mẹ ạ. Muốn hiểu tại sao chúng làm thế, đâu có phải là chuyện dễ dàng, có lẽ...

Anh nhìn ra ngoài, ánh mặt trời nóng bỏng lấp lánh trên đất đỏ.

- Có lẽ làm sao?

- Có lẽ cũng đẹp như Mẹ nói. Ông đâu hở Mẹ? Ông mục sư nữa, ông ấy đi đâu?

Bà mẹ ra khỏi nhà, tay ôm một đống quần áo cao tướng. Tom né ra cho mẹ đi qua.

- Ông mục sư nói là ông đi dạo một vòng. Ông Nội ngủ trong nhà. Nhiều lúc ban trưa ông ấy vào đấy làm một giấc. - Bà đem mắc trên dây phơi các quần áo xanh, sơ mi xanh và những chiếc áo lót dài.

Tom nghe có tiếng chân bước kéo lê sau anh, anh ngoảnh lại. Ông Nội đang trong buồng đi ra và cũng như hồi sáng, ông sờ soạng khuy cửa quần.

- Tao nghe bọn bay nói lào xào, - ông nói. - Cái bọn chó đẻ này. Không thể để cho một thằng già khốn khổ ngủ yên. Khi nào bọn bay bắt đầu khọm 1 đi rồi chúng bay mới biết để cho một thằng già ngủ yên.

Mãi rồi những ngón tay cáu kỉnh của ông cũng mở được có hai khuy ở cửa quần đã cài khuy. Nhưng tới đó bàn tay của ông tự nhiên quên mất, chẳng biết đang làm gì. Nó thọc vào cửa quần rồi bắt đầu khoan khoái gãi gãi phía dưới hòn dái. Mẹ bước tới, bàn tay ướt dầm, lòng bàn tay nhăn nhúm sưng lên vì nước và xà phòng.

- Con tưởng ông ngủ. Lại đây con cài khuy cho.

Mặc dầu ông nhất định không chịu, Mẹ vẫn nắm lấy ông rồi cài khuy áo lót, áo sơ mi và cửa quần. Rồi mẹ buông ông ra, nói: "Ông đi mà ngắm quanh quẩn một tí".

Ông ấp úng, giận dữ:

- Đẹp mặt... Một thằng đàn ông đàn ang lại phải để người ta cài khuy cho... Đẹp mặt thật. Tao muốn người ta để mặc tao cài lấy quần của tao.

Mẹ vừa nói vừa đùa:

- Ở California, họ không cho người ta cứ để hở khuy quần mà đi dạo đâu.

- Hả? Mày tưởng thế sao? Được rồi, tao sẽ cho chúng thấy. Chúng tưởng chúng sẽ dạy cho tao phải biết ăn ở như thế nào, hả? Được rồi, thích thì tao sẽ tòi cái của ấy ra, thích thì tao sẽ đeo nó lủng lẳng, làm gì nào?

- E rằng mỗi năm ông ăn nói thêm thô lỗ, - Mẹ nói - Có lẽ, để trộ thiên hạ.

Ông già nhô chiếc cằm râu tua tủa, và ông nhìn Mẹ với đôi mắt ti hí vui vui, ranh ma và ác độc.

- Thế là, - ông nói - chẳng mấy chốc nữa ra đi. Lạy Chúa, ở nơi kia, nho lủng lẳng phía trên đường cái. Chúng bay có biết tao sẽ làm gì không? Tao lấy một cái chậu giặt đựng đầy nho, rồi tao ngồi vào đấy, rồi tao vặn vẹo cho nước nho chảy ròng ròng từ quần lót xuống.

Tom bật cười.

- Lạy chúa, ông có sống đến hai trăm năm nữa thì người ta cũng không trị nổi ông. Vậy cứ đánh bộ đồ như thế là ông sẵn sàng ra đi, phải không ông Nội?

Ông cụ lôi lại một chiếc hòm và ngồi phịch xuống.

- Đã hẳn, - ông nói. - Vả lại, cũng đã đến lúc rồi. Cách đây bốn mươi năm, anh tao đã đi tới nơi đó. Chả nghe nói gì nữa. Thâm hiểm bậc nhất trần đời đấy, cái gã khốn nạn! Chả ai ưa gì lão. Lão cuốn xéo với chiếc Colt bắn phát một của tao. Lúc nào đó tao gặp lão, hoặc tụi con của lão, là giả thử chúng ở California, tao sẽ đòi lại khẩu Colt. Nhưng cái thứ như lão thì tao biết, lão có con thì cũng là đúc con ở nhà người khác, để mặc cho bọn này nuôi. Đã hẳn là ở đó thì khoái lắm. Tao có ý nghĩ là nhờ thế tao không phải là tao nữa. Ngay lập tức tao sẽ đi hái quả.

Mẹ tán thành:

- Đúng như ông nói. Mới cách đây ba tháng ông còn làm việc, lần cuối thì bị sái hông.

- Hẳn đi chứ lị! Mẹ kiếp! - ông nói.

Ngồi ở bậc thềm, Tom nhìn ra ngoài.

- ông mục sư đang về kia. Ông ta đi vòng phía sau nhà kho.

Mẹ nói:

- Những lời tạ ơn Chúa mà ông ta ban cho nhà ta sáng nay sao mà kỳ quặc đến thế! Mẹ chưa từng nghe. Thậm chí không thể nói đấy là những lời tạ ơn. Toàn nói là nói, nhưng nghe cũng thấy mát ruột mát gan, chẳng khác lời tạ ơn.

- Ông ấy ngộ lắm, - Tom nói. - Nhiều lúc ông ấy nói rất ngộ. Chẳng khác ông ấy nói với chính mình. Ông ấy không có ý khiến người ta tin theo.

- Con nhìn tinh ý trong mắt ông ta mà xem, - Mẹ nói. - Có vẻ như được rửa tội. Ông ta có cái lối nhìn, nói như ai nói. Xuyên thấu suốt. Chắc hẳn ông ta có vẻ đã được rửa tội. Lại cái cách đi đứng nữa, đầu cúi gằm, mắt dán xuống đất mà chả chú tâm tới cái gì. Nếu có kẻ nào đó đã được rửa tội thì chính là ông ta.

Nhưng bà im bặt vì Casy đang ở cạnh bên cửa.

- Ông cứ đi dạo thế khéo không bị say nắng đấy - Tom nói.

Casy nói:

- Ừ hẳn là có thể thế. - Rồi đột nhiên ông nói với bà mẹ, với ông nội và Tom. - Tôi phải đi về miền Tây. Nhất định phải đi. Tôi tự hỏi, không biết liệu có đi cùng với nhà ta được không? - Rồi ông cứ đứng như vậy ngượng ngùng vì chính điều mình nói.

Mẹ nhìn Tom, nhường lời cho anh vì anh là đàn ông, nhưng Tom không lên tiếng. Bà chờ cho anh con sử dụng quyền của mình, rồi bà nói:

- Ồ, sao ông lại hỏi thế, có ông đi với chúng tôi đấy là một vinh dự. Dĩ nhiên, hiện giờ tôi không dám trả lời dứt khoát. Bố nó nói là tối nay, tất cả đàn ông sẽ họp bàn chuyện đi. Tôi thiết nghĩ, tốt nhất là không quyết định gì hết, chờ cho người lớn về đủ đã. Chú John, Bố nó, Noah, Tom, ông Nội, Al và Conni. Nhưng nếu còn chỗ, tôi gần như biết chắc là ai nấy sẽ rất hãnh diện có ông cùng đi.

Ông mục sư thở dài;

- Dẫu thế nào, tôi cũng phải đi, - ông ta nói. - Có nhiều chuyện đã xảy ra. Tôi đã đi xem căn nhà trống rỗng, đất đai này trống rỗng và tất cả xứ này trống rỗng. Tôi không thể ở lại đây được. Tôi sẽ làm việc trên đồng ruộng và có lẽ tôi sẽ sung sướng.

- Và ông không giảng đạo? - Tom hỏi.

- Tôi sẽ không giảng đạo.

- Ông không làm lễ rửa tội? - Mẹ hỏi.

- Tôi sẽ không rửa tội. Tôi lao động trên ruộng đồng, trên những cánh đồng xanh và tôi sẽ ở gần con người. Tôi không cố bày vẽ cho họ cái gì hết, bất cứ gì. Tôi cố thử học hỏi. Tôi học hỏi xem cớ sao con người bước đi trong cỏ, tôi sẽ nghe họ nói chuyện, nghe họ hát. Tôi lắng nghe trẻ con ăn cháo. Tôi lắng nghe các cặp vợ chồng bù khú ban đêm, khiến cho đệm giường rên rỉ. Tôi sẽ ngồi ăn cùng họ, và tôi học hỏi - Đôi mắt của ông ươn ướt long lanh - tôi ăn nằm trên cỏ công khai và lương thiện, với tất cả người nào thích tôi. Tôi muốn nguyền rủa và thề nguyền... và nghe chất thơ trong những cuộc chuyện trò. Chính tất cả điều đó, tất cả điều đó mà tôi không hiểu, mới thiêng liêng. Tất thảy điều đó là những điều tốt lành.

- Amen, - Mẹ nói.

Ông mục sư khiêm nhường ngồi trên cái thớt gần cửa:

- Tôi tự hỏi không biết cuộc sống còn có cái gì cho một con người đơn độc đến thế này.

Tom kín đáo ho.

- Với một người mà không giảng đạo nữa thì... - Tom bắt đầu lên tiếng.

- Ô! Về chuyện ăn nói, tôi chả nhường cái lưỡi cho ai, - Casy nói. - Cái đó thì tôi không tránh khỏi. Nhưng tôi không giảng đạo. Giảng đạo tức là kể chuyện tào lao cho người ta nghe. Tôi hỏi họ. Thế không phải là giảng đạo, sao?

- Tôi biết đâu, - Tom nói. - Giảng đạo có nghĩa là một cách uốn giọng, giảng đạo đức là một cách nhìn sự việc. Giảng đạo tức là làm tốt cho con người chính lúc họ thèm khát muốn giết người. Năm ngoái vào Noel, ở Mac - Alester, đội quân Cứu rỗi đã tới thăm bọn tôi để mang điều lành đến chỗ bọn tôi, họ dành ba tiếng đồng hồ chơi kèn coocnê cho chúng tôi nghe. Họ rất tốt với chúng tôi. Nhưng nếu một đứa trong bọn tôi định lẩn đi, họ vẫn chơi không nghỉ cho tới lúc chúng tôi lỉnh hết. Giảng đạo là thế. Đem lại điều lành cho một gã đang gặp nguy khốn và chưa thể tống cho mình một cái bạt tai. Đấy, ông không phải là tay thuyết giáo. Nhưng ông đừng có hứng lên mà chơi kèn coocnê quanh đây.

Mẹ ném mấy khúc củi vào lò.

- Tôi chuẩn bị làm chút gì để ăn, nhưng chả có là bao.

Ông Nội kéo chiếc hòm ra ngoài, ngồi lên và tựa lưng vào tường, Tom và Casy cũng làm theo. Bóng râm buổi chiều xế lan xa dần.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.