Chung Một Mái Nhà

Chương 5: Chương 5: Đốm




Tôi mười ba tuổi, Đốm cũng mười ba tuổi. Ngày ông ngoại tôi đem Đốm về gần sát với ngày sinh của tôi và đó như một cái cớ để tôi giải thích rằng đã ngần ấy năm trôi qua, tôi vẫn rất mến Đốm.

Mười ba năm dài thật phải không? Nó dài với một đứa trẻ và cũng thật dài với một chú chó. Xét ra thì Đốm có khác gì bô lão trong bộ tộc các loài động vật của làng. Ấy thế mà lâu lâu tôi vẫn cứ thích gọi Đốm là cún. Đốm bằng tuổi tôi, ba mẹ tôi nói tôi là trẻ con thì hiển nhiên tôi sẽ xưng hô với Đốm như với đứa trẻ thôi và cũng bởi vì chúng tôi là bạn.

Tôi không còn nhớ rõ cái thời Đốm hãy còn khao khát tung hoành. Tôi quá nhỏ, những kí ức cũng tựa gió thoảng qua rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng. Nhưng ánh mắt thăm thẳm của Đốm và một buổi sáng u buồn cứ vẩn vơ óc tôi mãi...

Bà tôi kể rằng, thằng Đốm ngày còn trẻ rất phá. Nó không bao giờ chịu ở yên trong chuồng mà toàn cậy miếng gỗ dưới chân rồi xồng xộc ra ngoài. Nó chạy ra vườn, quậy tung luống rau của bà rồi lao vào nhà. Đâu đâu cũng toàn là vết chân của nó. Ông phải cầm que rượt mấy vòng, vụt nó mấy phát đau điếng mới bắt được, thế mà nó đâu có chừa. Lần sau nó lại ra ngoài bằng đường cũ rồi bỏ đi mất dạng, bà Bình hàng xóm còn bảo thấy bóng nó ở gần bến đò. Kiểu này ăn phải bả thì toi đời. Cả nhà tôi chỉ có ngồi an ủi nhau chứ chả biết làm sao nữa. Nó đi rồi thì có tìm đằng trời. Thế mà sáng hôm sau, ông tôi lại nhác thấy nó nằm ngủ khò khò trước cổng.

Thấy ông ra, Đốm nghe động mà bật dậy, vẫy cái đuôi rối rít. Ông dắt Đốm vào sân rồi lấy cơm cho cu cậu ăn. Mới có một buổi tối mà nhìn nó khác hẳn.

Sau bận đó, bà tôi không nhốt nó trong chuồng nữa mà phải xích nó lại. Nó nằm một chỗ, rên ư ử, luôn dùng ánh mắt van xin mỗi lần bà cho ăn, bất kể sáng, trưa hay chiều tối. Bà cười:

Bà thật không biết mình đang tưởng tượng hay nó nài nỉ được thoát ra khỏi cái xích ấy quá!

***

Mùa đông lạnh giá không hẹn mà đột ngột kéo đến. Nó chính là mùa đông đầu tiên Đốm ở với ông bà tôi. Là một mùa đông đầu tiên ấm áp. Khi bà tôi đan khăn len cho ông tôi, ông lại ngồi hì hục khâu chiếc áo cho Đốm. Ông không được khéo tay cho lắm, bà bảo mấy việc may vá cứ để bà làm mà ông không chịu. Ông muốn tự tay làm, làm cho chú cún mà ông cưng nhất.

Đốm ngoan ngoãn để ông mặc áo cho nó. Nó ngước nhìn ông. Lặng lẽ. Tôi nghĩ tôi đã từng nhìn thấy khung cảnh hôm ấy chứ không hẳn là qua lời kể của bà. Bởi vì tôi tưởng như đã nghe được Đốm nói gì. Nó đã rất xúc động. Rồi sau đó ông tôi và Đốm nhìn vào mắt nhau thật lâu. Phải không nhỉ? Nhìn thật lâu giống như họ đang ở chính một thế giới gần gũi mà vô hình, chân thật mà lại xa xôi nào đó. Một thế giới mà người ta thật khó có thể bước vào được...

Mỗi một mùa đông qua đi, Đốm lại có thêm vài cái áo mới. Mỗi một mùa đông qua đi, nó lại chững chạc hơn. Đốm dù hãy còn phá lắm nhưng ít ra cũng bớt điên cuồng so với khoảng thời gian đầu. Và rằng ánh mắt của nó lại sâu thêm một chút, có thể là nó đã biết yêu thương nhiều hơn cái một chút kia chăng?

Thời gian như dòng nước không tên, xô đẩy chiếc thuyền đã cập rồi lại phải rời bến. Những khoảnh khắc hoa nở lại tàn, hạ qua rồi thu tới. Nhưng mùa đông năm ấy sao u buồn trống trải. Mùa đông không còn nghe tiếng ho khản đặc của ông, mùa đông không còn nghe lời ông hiền từ căn dặn. Bầu trời trong tôi ngày ấy chưa khi nào trở nắng, chỉ có gió lạnh thổi vào rét căm căm. Hẳn bầu trời nhỏ bé trong mắt Đốm cũng vậy. Tôi nghe văng vẳng bên tai tiếng kèn thê lương, tiếng khóc ai mà thương mà nhớ.

Bà tôi đưa cơm cho Đốm mà nó chẳng buồn ăn. Không gian xung quanh, những con người xa lạ đi qua đi lại mà sao không thấy hình bóng thân thuộc. Đốm ngồi một góc, thẫn thờ mặc thời gian trôi đi. Tôi biết nó đang tìm cách trốn tránh thay vì phải đối diện với sự thật vượt quá sức của nó. Có lẽ nó cũng muốn một chút gió thoảng qua, một chút ánh nắng soi rọi cho tâm hồn tối tăm của nó, và cả những con người ngoài kia nữa – Tôi nghĩ vậy.

Bây giờ thằng Đốm đã qua thời gian đẹp nhất của đời nó, cũng như con người đi qua tuổi thanh xuân của chính mình. Đốm ngày ngày vẫn thu mình trong mái nhà nhỏ bé, có mở cửa nó cũng không muốn ra. Đôi mắt nó cứ trong hoài về phía cánh cổng. Trông đợi ai đó sẽ trở về...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.