Tôi bắt đầu quan tâm đến vụ án từ ngày quyển thông tin đường sắt A B C được nhắc đến. Trước đó tôi chẳng có hứng thú gì. Một vụ giết người hèn hạ mà nạn nhân là bà cụ chủ cửa hàng trên một con hẻm có vẻ như những vụ án mà người ta hay đăng trên báo chẳng gây ấn tượng gì. Tôi đã nghĩ lá thư nặc danh nhắc đến ngày 21 chỉ là sự trùng hợp. Tôi đã chắc như đinh đóng cột rằng bà Ascher là nạn nhân của gã chồng ác ôn say xỉn. Nhưng giờ đây sự xuất hiện của quyển thông tin đường sắt (mà người ta quen gọi tắt là A B C vì nó liệt kê tên các ga theo thứ tự bảng chữ cái) khiến tôi run lên vì phấn khích. Hẳn đây không phải là sự trùng hợp thứ hai chứ?
Vụ án hèn hạ này mở ra một hướng mới.
Kẻ bí mật nào đã giết bà Ascher và để lại quyển thông tin đường sắt A B C nhỉ?
Sau khi rời đồn cảnh sát, nơi đầu tiên chúng tôi ghé là nhà xác để xem thi thể nạn nhân. Một cảm giác lạ lùng bao trùm lấy tôi khi quan sát khuôn mặt già nua nhăn nheo và mái tóc muối tiêu lưa thưa được vén kỹ càng hai bên thái dương. Khuôn mặt bà thật bình yên, thật khó tin lại liên quan đến vụ bạo lực.
Viên hạ sĩ cảnh sát nhận xét: “Không biết ai hay vật gì đã đánh gục bà cụ. Bác sĩ Kerr bảo thế. Thà vậy còn hơn, tội nghiệp bà cụ. Bà là một người tử tế”.
“Hồi xưa chắc bà đẹp lắm”, Poirot nói.
Tôi lầm bầm vẻ không tin: “Vậy à?”
“Ừ, nhìn đường nét chiếc cằm, thân hình và đầu bà ấy thì biết”.
Ông thở dài đắp tấm che thi thể lại rồi chúng tôi rời nhà xác.
Bước tiếp theo, chúng tôi phỏng vấn nhanh bác sĩ pháp y.
Bác sĩ Kerr là một người đàn ông trung niên và giỏi tay nghề. Ông ăn nói mạnh mẽ và quả quyết.
“Không tìm thấy vũ khí”, ông cho biết. “Cũng khó đoán được đó là vật gì. Một cái gậy nặng, một cái dùi cui, vật gì đó hình bao cát - cái nào cũng có vẻ trùng khớp với vụ án”.
“Để đánh một cú như thế có cần nhiều sức không ông?” Ông bác sĩ nhìn Poirot thích thú.
“Tôi đoán ý ông là liệu một ông già 70 có thể thực hiện cú đánh đó không chứ gì? Vâng, có thể lắm vì nếu đầu vũ khí đủ nặng thì một người yếu ớt cũng có để làm được”.
“Thế thì kẻ sát nhân cũng có thể là đàn ông hay đàn bà đúng không?”
Lời nhận xét đó khiến ông bác sĩ hơi bất ngờ.
“Đàn bà ư? À, nói thật là tôi chưa từng nghĩ một người phụ nữ có thể dính líu đến loại tội ác này. Nhưng đương nhiên có thể lắm chứ. Chỉ là xét theo phương diện tâm lý thì tôi nghĩ đây không phải vụ án do phụ nữ gây ra”.
Poirot gật đầu tán thành.
“Có lý, rất có lý. Nhìn bề ngoài thì khó có thể là phụ nữ gây ra nhưng chúng ta cũng phải xem xét mọi khả năng. Tư thế thi thể nằm như thế nào?”
Ông bác sĩ miêu tả cẩn thận tư thế của nạn nhân. Theo ông, bà Ascher đang đứng quay lưng về phía quầy (và tức là cũng quay lưng lại với kẻ tấn công) thì bị đánh. Bà ngã sụp xuống đằng sau quầy nên người vào cửa hàng không nhìn thấy.
Khi chúng tôi cảm ơn bác sĩ Kerr và ra về, Poirot nói: “Ông thấy đấy, Hastings, chúng ta có thêm bằng chứng có lợi cho ông Ascher. Nếu ông ấy quấy rầy và dọa nạt bà vợ thì đáng lẽ bà ấy phải đứng quay mặt về phía ông ta đang đứng trước quầy. Đằng này bà lại quay lưng về phía kẻ tấn công chứng tỏ lúc ấy bà đang cúi xuống lấy thuốc lá hay thuốc điếu cho một người khách”.
Tôi hơi rùng mình.
“Thật là ác độc”.
Poirot lắc đầu vẻ nghiêm trọng.
“Pauvre femme”, [1] ông lẩm bẩm.
Rồi ông liếc nhìn đồng hồ đeo tay.
“Tôi nghĩ Overton ở cách đây vài dặm thôi. Hãy chạy đến đó phỏng vấn cô cháu gái của bà đi”.
“Ông không tới cửa hàng nơi án mạng xảy ra trước sao?”
“Tôi muốn đến đó sau. Tôi có lý do”.
Poirot không giải thích gì thêm và vài phút sau chúng tôi lái xe trên đường từ Luân Đôn đi Overton.
Địa chỉ thanh tra Glen cho chúng tôi là một ngôi nhà bề thế nằm cách làng chừng một dặm về phía Luân Đôn.
Ra mở cửa khi chúng tôi nhấn chuông là một cô gái xinh xắn tóc đen, đôi mắt đỏ hoe như vừa mới khóc.
Poirot nhẹ nhàng nói: “A, tôi đoán cháu là Mary Drower - người giúp việc ở đây đúng không?”
“Vâng, thưa bác, đúng thế ạ. Cháu là Mary”.
“Nếu bà chủ của cháu cho phép thì tôi xin được nói chuyện với cháu vài phút. Chuyện về dì Ascher của cháu ấy mà”.
“Bà chủ đi vắng bác ạ. Nhưng cháu tin bà sẽ không phản đối nếu bác vào trong nhà”.
Cô gái mở cửa một căn phòng nhỏ. Chúng tôi bước vào, Poirot ngồi xuống ghế cạnh cửa sổ và nhìn kỹ khuôn mặt cô gái.
“Cháu đã nghe về cái chết của dì cháu rồi, đúng không?”
Cô gái gật đầu, mắt cô lại ngân ngấn nước.
“Sáng nay ạ. Cảnh sát đến báo cho cháu. Ôi, thật là khủng khiếp! Tội nghiệp dì quá! Dì sống quá khổ rồi giờ lại thế này nữa. Quá kinh hoàng”.
“Cảnh sát không bảo cháu về Andover à?”
“Họ bảo cháu phải đến để họ thẩm tra vào ngày thứ hai ạ. Nhưng đến đó thì cháu không biết ở đâu - cháu không dám tới cửa hàng - lúc này - và bà chủ có lẽ sẽ rất giận nếu người phục vụ vắng nhà”.
Poirot nhẹ nhàng hỏi: “Cháu có yêu quý dì của cháu không, Mary?”
“Có chứ ạ. Dì lúc nào cũng rất tốt với cháu. Cháu đến sống với dì ở Luân Đôn khi mẹ cháu qua đời lúc cháu mới 11 tuổi. Cháu bắt đầu đi làm khi cháu 16 tuổi, nhưng cháu thường tới nhà dì chơi khi được nghỉ phép. Dì cháu rất khổ sở với cái ông người Đức đó. Dì thường gọi ông ta là ‘lão già khốn kiếp’. Ông ta chẳng bao giờ để dì cháu yên thân. Đúng là thằng già ăn bám và nát rượu”.
Cô gái nói giọng giận dữ.
“Dì cháu không bao giờ nhờ luật pháp giải thoát cho bà khỏi sự hành hạ đó sao?”
“Dạ, bác biết đấy, ông ta là chồng của dì nên đâu làm gì khác được”.
Cô gái trả lời gọn gàng nhưng dứt khoát.
“Mary này, nói cho bác biết có phải ông ta có dọa dẫm dì cháu, đúng không?”
“Vâng ạ, ông ta hay nói những lời rất khủng khiếp. Ví dụ như ổng sẽ cắt cổ dì cháu, ông ta vừa chửi vừa dọa bằng cả tiếng Đức và tiếng Anh. Vậy mà dì cháu vẫn khoe hồi họ cưới nhau ông ấy là một anh chàng tốt bụng và đẹp trai. Thật đáng sợ khi thấy con người ta thay đổi nhiều đến thế bác ạ”.
“Ừ, đúng vậy. Mary này, cháu nghe ông ấy hay dọa dẫm dì cháu nên cháu không ngạc nhiên khi sự việc xảy ra đúng không?”
“Không, cháu ngạc nhiên lắm chứ. Bác biết không, cháu không hề nghĩ ông ấy nói là làm. Cháu chỉ nghĩ đó là những lời khó nghe, vậy thôi. Và dì cháu không có vẻ gì sợ ông ấy. Vì cháu thấy ổng lẩn đi như chó cụp đuôi khi dì chống cự. Có vẻ ông ta sợ dì cháu”.
“Vậy mà bà vẫn cho ông tiền sao?”
“Dạ, ông biết đấy, dù sao ổng cũng là chồng của dì mà”.
“Ừ, cháu có nói rồi”.
Poirot ngừng nói vài phút. Rồi ông tiếp: “Vậy thì tóm lại là ông ấy không giết dì cháu”.
“Không giết dì cháu à?”
Cô gái nhìn trân trối.
“Đấy là bác nói thế. Giả sử người khác giết bà ấy... Cháu có đoán được đó là ai không?”
Cô gái càng kinh ngạc, tròn xoe mắt nhìn Poirot. “Cháu không biết đâu ạ. Cháu không chắc lắm”.
“Dì cháu có sợ ai không?”
Mary lắc đầu.
“Dì cháu chẳng sợ ai cả. Dì cháu rất sắc sảo và có thể đối đầu bất kỳ ai”.
“Thế cháu không bao giờ nghe dì kể chuyện ai đó thù oán với dì cháu à?”
“Không hề có đâu bác”.
“Thế bà ấy có bao giờ nhận được thư nặc danh không?”
“Bác bảo thư gì ạ?”
“Loại thư không có ký tên hay chỉ ký cái gì đó đại loại như là A B C”. Poirot chăm chú quan sát cô gái nhưng rõ ràng trông cô rất bối rối. Cô lắc đầu vẻ kinh ngạc.
“Ngoài cháu ra, dì cháu có bà con nào khác không?”
“Giờ thì không bác ạ. Dì là một trong mười người con của ông bà ngoại cháu nhưng lớn lên chỉ còn ba người. Cậu Tom mất ở chiến trường, cậu Harry đi Nam Mỹ rồi mất tăm mất tích từ đó, còn mẹ cháu thì đã chết, nên đương nhiên cháu là người thân duy nhất của dì”.
“Dì cháu có khoản tiền tiết kiệm nào không? Dì có dành dụm được đồng nào không cháu?”
“Dì có một ít tiền tiết kiệm đủ để lo hậu sự đàng hoàng, dì hay bảo thế bác ạ. Còn thì dì chỉ kiếm đủ sống qua ngày và chu cấp cho ông chồng trời đánh của dì”.
Poirot gật đầu vẻ nghĩ ngợi. Ông nói - mà có lẽ nói với chính mình hơn là nói với tôi:
“Hiện tại, người ta đang ở trong tối, chúng ta chưa có hướng đi nào cả, nếu mọi sự sáng tỏ hơn...” ông đứng dậy. “Nếu bác muốn liên lạc với cháu, bác sẽ viết thư đến địa chỉ này cho cháu nhé, Mary”.
“Thật ra, cháu chuẩn bị nộp đơn xin nghỉ việc bác ạ. Cháu không thích nông thôn. Cháu ở đây vì nghĩ dì cháu sẽ vui vì có cháu ở bên. Nhưng bây giờ,” nước mắt lại trào lên trong mắt cô gái, “không còn lý do gì giữ cháu lại nơi này nữa và vì thế cháu sẽ đi Luân Đôn. Đối với bọn con gái như cháu thì ở đó vui hơn bác ạ”.
“Bác rất mong cháu sẽ cho bác địa chỉ của nơi cháu đến. Đây là danh thiếp của bác”.
Ông trao danh thiếp cho cô gái. Cô nhìn nó rồi nhăn trán vẻ thắc mắc.
“Vậy ra bác không liên quan gì đến cảnh sát sao?”
“Bác là thám tử tư”.
Cô đứng đó nhìn ông một hồi trong im lặng. Cuối cùng, cô lên tiếng:
“Có gì đó bất thường phải không bác?”
“Đúng thế cháu à. Có điều gì đó bất thường đang diễn ra. Sau này có thể cháu sẽ phải giúp bác đấy”.
“Cháu sẽ làm bất kỳ điều gì. Thật - thật là ác, dì cháu bị giết rồi”.
Cách diễn đạt của cô gái hơi lạ nhưng rất cảm động. Vài giây sau chúng tôi lái xe về Andover.
Chú thích:
[1] Tội nghiệp bà cụ.