Gió đêm chợt lạnh.
Tóc Kiều Hinh nhỏ nước, trên người quấn một chiếc áo khoác không tương thích với vóc dáng, cô cúi đầu, rõ ràng hơi run rẩy.
Ninh Tiểu Thành đứng đối diện cô, dựa vào bồn hoa phía sau cao bằng nửa người, hồi lâu anh mới cất giọng trầm thấp hỏi:
- Về hồi nào?
Kiều Hinh cắn môi:
- Năm ngoái.
Tiểu Thành gật đầu, hỏi bình thường:
- Nghĩ sao mà làm cái này?
Nghĩ sao mà làm cái này.
Khi đó anh cũng hỏi như vậy.
Cô trả lời thế nào? Năm đó Kiều Hinh là một sinh viên vừa lên đại học, nghèo khó, không tự tin, cúi đầu. Y hệt bây giờ.
Hoặc là nói, khi nhìn anh cô sẽ cúi đầu.
- Chồng em được điều đến Bắc Kinh làm việc, chia nhà phúc lợi, tiền tháng quá nhiều, buổi tối tan ca em đến đây làm, có thể giúp chút đỉnh.
- Bây giờ làm gì?
- Giáo viên mỹ thuật cho một trường tiểu học dân lập.
Tiểu Thành hỏi:
- Tính thế nào?
Kiều Hinh khựng lại, quẫn bách:
- Một tháng…
- Anh nói nơi này.
Tiểu Thành ngắt lời cô:
- Biểu diễn ở nơi này, tính thế nào?
- Một tiếng 800, làm ngắn hạn, 20 ngày.
- Em tới được bao lâu rồi?
Kiều Hinh ngập ngừng:
- Hôm nay là ngày cuối cùng.
Tiểu Thành cười nhạt, không biết nên nói gì cho phải, nói là duyên phận, cô đi nhiều năm như vậy, anh đã quên lâu rồi. Nói là vô duyên, hôm nay anh lại tình cờ gặp cô.
- Năm đó… sao đi vậy?
Hỏi xong câu này, Ninh Tiểu Thành cảm thấy mình có chút lắm lời, hơi mất mặt. Dù anh đã cố gắng hỏi câu này một cách hờ hững, ung dung bình thản.
Trầm mặc hồi lâu.
Cuối cùng Kiều Hinh ngẩng đầu nhìn anh:
- Đó là hai chuyện khác nhau.
Kiều Hinh lấy dũng khí nói:
- Hai ta không thích hợp. Giống như ngày hôm nay, anh và bạn cùng đến ăn cơm, còn em ở bên trong biểu diễn, đó chỉ là cách sống và thủ đoạn mưu sinh khác nhau giữa hai ta mà thôi. Dù em có thể ngồi cùng các anh thì em cũng sẽ cảm thấy không thoải mái, không thiết thực.
Ninh Tiểu Thành hít sâu một hơi, đứng thẳng, lấy điếu thuốc trong túi ra ngậm vào miệng, bật lửa:
- Biết rồi. Em đi đi.
Kiều Hinh nhất thời sững sờ, không nghe rõ:
- Cái gì?
Tiểu Thành hút mạnh một hơi, mở mắt nhìn nơi khác:
- Em đi đi. Nên làm gì thì làm, xem như hôm nay hai ta chưa từng gặp nhau.
Dường như Kiều Hinh không ngờ anh sẽ làm vậy, kinh ngạc, cảm kích, sau đó là thoải mái.
- Vậy em đi trước đây.
Tiểu Thành gật đầu.
Kiều Hinh đi được hai bước, lại quay đầu, vô cùng chân thành:
- Anh Tiểu Thành.
…
- Năm đó em rất biết ơn anh. Thật sự, biết ơn anh cả đời.
Tiểu Thành rũ mi mắt nhìn xuống đất, miễn cưỡng kéo khóe môi:
- Đừng hận anh là được.
Dường như nhắc tới một câu chuyện cũ mà cả hai đều không muốn nhắc, cô há miệng nhưng cuối cùng vẫn lựa chọn im lặng, lặng lẽ rời đi.
Vốn tưởng rằng bị Ninh Tiểu Thành quậy như thế thì không lấy được tiền lương nữa, nhưng lúc Kiều Hinh rời đi, ba người đàn ông tới cùng Ninh Tiểu Thành ở ngoài cổng hiểu rõ chuyện bèn tán gẫu với ông chủ nhà hàng, cùng nhau hút thuốc, tiếng trò chuyện thỉnh thoảng lọt vào tai.
- Tôi biết… hôm nay cậu ấy nhất định…
- Nên đền sao thì đền, anh nói một con số đi.
- Ừ… Không làm bị thương người ta quả thực là may mắn.
Cô bước ra cổng lớn, mấy người đàn ông đang trò chuyện không hẹn mà cùng đưa mắt nhìn Kiều Hinh. Bước chân cô vội vã, chỉ muốn mau chóng rời đi.
Ngô Tỉnh đưa mắt ra hiệu với giám đốc, giám đốc hiểu ý, nhanh bước ngăn cản Kiều Hinh:
- Tiểu Tống.
Kiều Hinh trầm mặc:
- Giám đốc, tôi họ Kiều.
Giám đốc sững sờ, cười lúng túng hai tiếng:
- Xin lỗi.
Tiếp đó ông lấy trong túi âu phục ra một phong thư:
- Tôi đã phê tài vụ thanh toán lương cho cô, cô cầm cái này tới đó nhận tiền là được.
Kiều Hinh từ chối, rất áy náy:
- Giám đốc, hôm nay nếu không có tôi cũng sẽ không…
Giám đốc khoát khoát tay:
- Đâu ai ngờ xảy ra chuyện như vậy, không liên quan tới cô, mau đến chỗ tài vụ nhận tiền rồi về nhà đi.
Kiều Hinh nhận phong thư, khom người thật sâu với giám đốc.
Lần đập phá này đã phá hư mấy cái ghế, một bể thủy tinh, giữa đó còn làm lỡ việc ăn uống của mấy bàn, Ninh Tiểu Thành tự dưng nổi cơn giận không đâu, trong lòng cũng rất áy náy, tức thì bày tỏ là toàn bộ đều xử lý theo ý nhà hàng.
Bất kể thế nào anh cũng chịu.
Nhà hàng cũng không muốn làm to chuyện, không gây khó xử nhiều, hai bên thương lượng bồi thường gấp ba lợi nhuận ngày hôm đó, chuyện này liền coi như xong.
Ngô Tỉnh thấy tay anh như vậy, bèn ký tên thay anh, thở dài.
- Tội gì chứ. Cậu nên mau về lo cảm mạo chứ đừng cảm hóa.
Anh quen Ninh Tiểu Thành ba năm, lần đầu tiên thấy cậu ấy giận tới vậy, giống như điên, thật rất đáng sợ.
Đến bãi đậu xe, Tiểu Thành xin lỗi Ngô Tỉnh:
- Vốn dĩ hôm nay cậu tổ chức nhưng bị mình làm rối rồi, hôm khác đi, hôm khác gọi hai người bạn kia của cậu, mình mời.
- Khỏi, bữa cơm hôm nay vốn dĩ mình cũng không muốn đồng ý, nhưng cậu biết đó, lão Hà trước đây từng giúp mình, tình huống đặc biệt, bạn bè với nhau đừng để ý mấy cái này.
Ngô Tỉnh chậm rãi đi cùng anh, muốn hỏi mà không dám hỏi:
- Có lẽ mình lắm lời, cô gái hôm nay là ai vậy?
Tiểu Thành dừng bước.
Ngô Tỉnh vội nói:
- Nếu cậu không tiện nói thì xem như mình chưa hỏi.
Cô gái kia là ai. Người đã lớn chừng này, có chút đầu óc đều có thể nhìn ra.
Là ai, là mối tình cũ của Ninh Tiểu Thành chứ ai.
Thằng nào thời trẻ mà không có một tình yêu oanh liệt, dây dưa không rõ với con gái chứ. Có điều chuyện tình oanh liệt, dây dưa không rõ này là một mình Ninh Tiểu Thành đơn phương mà thôi.
Một câu chuyện cũ tầm thường không có gì mới mẻ.
Ninh Tiểu Thành tốt nghiệp về nước, cả đám đến hộp đêm quậy, lúc đó hộp đêm chưa gọi là hộp đêm mà gọi là quán bar.
Kiều Hinh là nhân viên phục vụ ở đó, vừa lên đại học, đi làm part time vừa làm vừa học, một chai bia giá 20 tệ. Lúc khui nắp chai, đèn trong bar mờ mờ ảo ảo, không biết là ai đi WC vấp chân cô, tay cô run lên, nửa chai bia văng hết lên người Tiểu Thành.
Cả đám cười ầm lên.
Loại tình huống này chỉ có người xem trò vui chứ chẳng ai làm to chuyện, Ninh Tiểu Thành dùng khăn giấy lau lau, cười trò chuyện với Kiều Hinh.
- Nhiêu tuổi rồi?
- Học ở đâu?
- Nghĩ sao mà làm cái này?
Ánh mắt anh khi đó giống như đang nhìn một thiếu nữ sa cơ lỡ bước, đầy trêu ghẹo và thương hại, tuy anh là một rùa biển (1) chính tông nhưng trong cốt tủy vẫn mang theo chút đùa nghịch ham chơi từ khi sinh ra đã có.
(1) Rùa biển: chỉ người đi học ở nước ngoài về nước.
Tới tới lui lui, Ninh Tiểu Thành có chuyện hay không có chuyện đều đến quán bar ấy, mơ hồ biết Kiều Hinh gia cảnh khó khăn, tuy không đến nỗi cơm không đủ no nhưng để đi học đại học ở Bắc Kinh thì rất vất vả.
Sau đó nữa là những cảnh kinh điển nghìn bài một điệu, Ninh Tiểu Thành giúp cô đóng học phí một năm, bắt đầu khởi động thế tiến công mãnh liệt, theo đuổi Kiều Hinh.
Kiều Hinh biết khoảng cách giữa hai người rất lớn, từng giãy giụa, từng dao động, từng từ chối, từng thỏa hiệp, hai người dây dưa không rõ hơn một năm, cuối cùng không biết là ai đã gửi một phong thư đến trấn nhỏ quê nhà Kiều Hinh, nói cô trong lúc học đại học có hành vi phóng đãng, đang có bạn trai mà còn mờ ám với người khác, mẹ Kiều Hinh là một phụ nữ chất phác an phận, tuyệt đối không ngờ con gái mình lại làm ra chuyện như vậy, lời đồn lan khắp trấn nhỏ ép bà lửa giận vào tim, phải vào bệnh viện.
Kiều Hinh ngồi xe lửa vội chạy về, mẹ cô giơ tay đánh cô một bạt tai. Mặc Kiều Hinh giải thích thế nào bà vẫn cứ không tin, cũng không tha thứ cho cô.
- Mẹ…
Kiều Hinh quỳ xuống, khóc rống lên:
- Con thật sự không có bạn trai, cũng không hề mờ ám với ai hết, rốt cuộc là ai nói với mẹ? Anh ấy là ân nhân của con, con học đại học anh ấy vẫn luôn giúp con. Con xem anh ấy như…
- Con có tay có chân mắc mớ gì cần người ta giúp!!! Ở nhà mẹ đã nói với con không biết bao nhiêu lần, ra bên ngoài việc gì cũng phải dựa vào chính mình, đừng dựa vào người khác!
…
- Thành phố lớn nhiều cám dỗ, con mới đi một năm đã quên cội quên nguồn? Thể diện và tôn nghiêm của phụ nữ con đều không cần nữa??? Con như vậy để mẹ sống trên trấn thế nào đây? Để người khác nói một quả phụ như mẹ thế nào đây? Để người khác nói con thế nào đây?
- Mẹ!
- Con đừng gọi mẹ là mẹ!
Người phụ nữ trung niên khăng khăng cố chấp, vung tay:
- Nếu con nhận mẹ là mẹ thì đừng qua lại với người kia nữa, về nhà học hành đàng hoàng cho mẹ.
Sau đó, vì trốn tránh Ninh Tiểu Thành, Kiều Hinh rời khỏi Bắc Kinh, không còn tin tức gì nữa.
Chuyện này là một gánh nặng trong lòng Ninh Tiểu Thành, nhiều năm nay vẫn luôn là gánh nặng, anh cảm thấy mình đã làm lỡ dở cô gái ấy, cũng hủy hoại cô gái ấy.
Mấy năm trước tình cờ biết cô đã kết hôn. Nhưng khi gặp lại, trong lòng Tiểu Thành vẫn thấy áy náy.
Có lẽ là lòng kiêu ngạo ban đầu, cũng có lẽ là trong lòng hổ thẹn, nói chung trận đập phá ngày hôm nay khiến anh thình lình nghĩ thông suốt.
Cũng triệt để buông xuống.
Tạm biệt Ngô Tỉnh, lên xe, Ninh Tiểu Thành mới phát hiện đồng hồ trên cổ tay bị vỡ.
Patek Philippe đeo rất nhiều năm, còn là kiểu Calatrava cũ, dây đồng hồ bị ma sát nhiều đã sờn, mặt đồng hồ vỡ một góc như mạng nhện. Ngón cái quẹt bên trên, Tiểu Thành gỡ nó xuống, tiện tay ném lên kính thủy tinh chắn gió phía trước, mở radio, nhanh chóng rời đi.
Bây giờ là mười giờ rưỡi tối.
Trong xe yên tĩnh vang lên giọng nam bi thương trầm thấp.
“Quên em…
Như quên một đóa hoa
Như quên thanh xuân từng rơi lệ
Những năm tháng cười vui
Quên em…
Như quên một bức tranh
Như quên sáng sớm vai kề vai
Ráng hoàng hôn say xỉn
Quên em…
…….”
Trong một quán lẩu ồn ào.
Tưởng Hiểu Lỗ bỏ miếng tàu hũ vào trong nồi, trán rịn một lớp mồ hôi mỏng, mái tóc dày được quấn lại sau đầu, đôi má ửng hồng vì nóng.
- Nhanh lên nhanh lên, thả thêm bánh phở vào.
Thường Giai cầm cái rổ nhỏ bỏ bánh phở vào trong nồi uyên ương (2), vẫn nhớ đến chuyện hồi nãy.
(2) Nồi gồm 2 ngăn, thường dùng để nấu lẩu.
- Nè cậu nói anh chàng kia có phải có bệnh không? Thiệt là, nếu không có anh ta thì hôm nay ăn cháo nồi đất rồi.
Hiểu Lỗ cắn con mực, dùng khăn ăn đệm ở dưới cằm, ăn vừa lẹ vừa ngon.
- Nè, đang nói chuyện với cậu đấy.
Thường Giai dùng đũa gõ lên dĩa của cô:
- Tay cậu có sao không? Nếu nặng thì chúng ta tìm anh ta đòi bồi thường, đừng để về bị uốn ván rồi không tìm được người.
- Không sao không sao.
Tưởng Hiểu Lỗ cười toe toét như Phật đẩy đũa Thường Giai ra, hạ mif mắt tìm gì đó trong nồi, hơi chột dạ.
Đã mấy tháng cô không gặp Ninh Tiểu Thành, lần trước cô tông xe người ta rồi sống chết mặc bay, vẫn chưa tìm được cơ hội thích hợp trả ân tình người ta, bây giờ chỉ bị mảnh kính quẹt qua móng tay chút xíu, cô đâu dám đi chọc giận anh.
Con người Tưởng Hiểu Lỗ nếu nói là gan lớn thì cũng thật lớn, giống con trai vậy, chuyện gì cũng dám làm, nhưng nếu nói cô nhát thì về bản chất vẫn có chút nhu nhược, sợ phiền phức.
Thường Giai là người hay nói, miệng lải nhải:
- Chừng nào cậu đi Thẩm Dương?
Tưởng Hiểu Lỗ vớt một miếng rong biển:
- Ngày mai.
- Chừng nào về?
Lại vớt hai cục bò viên:
- Chưa biết.
- Ai đi với cậu?
Lại vớt một cái nấm:
- Chính mình.
- Tưởng Hiểu Lỗ.
Chấm tương vừng, nhét vào miệng há to:
- Hả?
- Thứ cậu gắp là gừng.
Tưởng Hiểu Lỗ khựng lại, mặt không đổi sắc tim không đập loạn nhai miếng gừng hai cái rồi nuốt.
Thường Giai để đũa xuống, dứt khoát:
- Nói, trong lòng cậu có chuyện gì?