Chuyên Gia Chữa Trị

Chương 23: Chương 23




Văn Thố bước đi vô thức.

Bốn phía xung quanh đều ầm ĩ, tiếng bánh xe lăn xuống đường, tiếng la hét, tiếng trẻ con tan học cười nói vui vẻ, dãy nhà san sát, cùng với ngõ lớn ngõ nhỏ chật chội, thế giới hào nhoáng và rộng lớn, Văn Thố như bị mất phương hướng.

Văn Thố thấy tất cả trước mắt dần giống như khung cảnh tại Bắc Cực, đều trở nên ngưng đọng lại, sáng ngời đến mức Văn Thố cảm thấy chói mắt.

Lục Viễn trả lời và an ủi: "Văn Thố, cô nghe này, bây giờ thực sự tôi không đi được." Trong giọng nói giống như đang trấn an một đứa trẻ không hiểu chuyện.

Nói điện thoại, Văn Thố cũng có thể cảm thấy Lục Viễn đang rất mệt mỏi, Văn Thố nhìn ra xa, hỏi anh: "Anh đang ở bệnh viện sao? Đang ở bên cạnh cô ta?"

Lục Viễn yên lặng một lúc rồi trả lời: "Tôi vừa tới, chuẩn bị đi vào."

"Bây giờ tôi nói anh đừng đi vào có được không?"

Chờ đợi Lục Viễn trả lời thực sự rất lâu. Rõ ràng Văn Thố đang mặc áo bông rất dày, nhưng vẫn thấy gió lạnh lùa vào trong, xâm nhập vào tận xương cốt.

Văn Thố im lặng không lên tiếng, chỉ bình tĩnh chờ đợi, sau đó nghe thấy tiếng thở dài của Lục Viễn: "Văn Thố, đừng tùy hứng."

Văn Thố thấy thời điểm này có lẽ là thời khắc cô hiểu rõ nhất. Cô cho tay vào túi áo, nhún vai, cố nói giọng nhẹ nhàng: "Được rồi."

Suy nghĩ một lúc, xung quanh bụi bặm và tiếng động ầm ĩ, Văn Thố nhớ tới lời Lục Viễn nói lần trước, cô mím môi nói: "Lục Viễn, lần này anh đi, trở lại có còn là Lục Viễn trước kia không?"

Văn Thố chờ đợi vài giây, đang chuẩn bị cúp điện thoại, Lục Viễn nhỏ giọng nói: "Văn Thố trước kia tôi nhớ cũng vẫn còn chứ?"

Văn Thố cười, không trả lời liền cúp điện thoại.

Cô đứng ở đầu con phố cổ xưa tại Giang Bắc. Nơi này không có thiết bị hiện đại, không có đồ trang sức đắt giá. Chỉ có giọng nói quê hương quen thuộc và dòng người đông đúc. Đi vào dòng người đó, Văn Thố nghĩ, cô không được khóc. Vậy nên cô đã không khóc.

Lục Viễn lựa chọn như vậy, có phải giống như lời Giang San đã nói, có lẽ Lục Viễn cũng có thích cô, nhưng tất cả đều là bởi vì cô hành động quá khích, bởi vì cô đặc biệt. Đổi lại là một người nào đó cũng có thể giống như vậy.

Cái chết của Vạn Lý sau ba năm lại một lần nữa đánh vào nội tâm Văn Thố, không ngờ rằng, lần này Vạn Lý không thể so sánh với một câu nói của Lục Viễn "Đừng tùy hứng". Tình cảm của con người có thể phai nhạt dần, cũng có thể sâu đậm hơn.

Nếu như yêu một người quá sâu đậm, sẽ rất đau khổ.

Dòng người qua lại tấp nập, lướt qua Văn Thố, cô đứng tại chỗ, hình tượng này rất giống trong phim ảnh. Cô đơn và trống vắng. Văn Thố bình tĩnh nhìn tiệm mì cũ nát bên đường. Nước mắt cô cố chịu đựng vẫn cứ rơi xuống.

Trong tiệm mì nhỏ chỉ có hai chiếc bàn, nồi nước và bếp lò đã đặt trên đó, quán ăn này cũng không khác biệt với mọi quán ăn bình thường ở Giang Bắc, cả tiệm chỉ có một người đàn ông trung niên tóc đã bạc, khuôn mặt có nhiều nếp nhăn, trang phục trên người đã cũ đến nỗi không thể phân biệt được màu sắc. Nhưng đâu đó vẫn có thể nhận ra phong thái lúc còn trẻ.

Văn Thố nhìn ông ta gắp mì vào nồi mấy phút, sau đó vớt lên, nhanh chóng thêm gia vị vào ăn. Cả quá trình không nói một câu, cũng không hề có một nụ cười.

Sau đó, ông ta trả tiền, đứng ở ven đường hút thuốc, hình ảnh một người đàn ông trung niên chán nản như thế thật sự không có gì đặc biệt.

Ông ta nhìn xung quanh, sau đó ngẩng đầu lên, nhìn lướt qua thấy Văn Thố đứng đối diện.

Ông ta ngạc nhiên một lúc, Văn Thố cũng ngạc nhiên. Ngay sau đó, Văn Thố rời đi không nói một lời.

Văn Thố nghĩ, cô nên tận dụng thời gian, giống như rất nhiều năm trước.

Tan học về đến nhà, Văn Thố ngồi trong nhà làm bài tập, có một người đàn ông xa lạ đến, nói chuyện với mẹ cô mấy câu, mẹ cô lại khóc.

Từ nhỏ Văn Thố không ở với ba nhưng cô biết, người đàn ông mặc âu phục nhìn rất bảnh bao đó là ba cô. Sau đó ông ta tới đây rất nhiều lần, Văn Thố không biết vì sao.

Khi còn bé, Văn Thố không hiểu đạo lí, hôn nhân, những lời đồn đại. Cô lén theo dõi người đàn ông kia, một mình đi thật xa để tìm được nhà ông ta.

Văn Thố rất muốn nhìn mặt người đàn ông kia, nhưng nhà ông ta ở trên tầng hai, cô không thể lên đó.

Văn Thố viết một tờ giấy rồi bọc một tảng đá ném vào cửa sổ nhà ông ta.

Loảng xoảng, hòn đá bay lên đập vỡ cửa kính, Văn Thố nghe thấy tiếng phụ nữ hét lên, trẻ con khóc.

Văn Thố vẫn còn là trẻ con, không biết mình đã làm gì, cũng không biết đã xảy ra chuyện gì.

Cô chỉ muốn tới tìm ba của mình, cô muốn đưa ba về nhà.

Miếng kính cửa đã đập trúng đứa trẻ, vợ người đàn ông kia vô cùng tức giận, chạy xuống lầu, vừa nhìn thấy Văn Thố liền trực tiếp đánh cô.

Văn Thố không biết rằng người phụ nữ kia rất hận mẹ con Văn Thố. Bố cô càng che chở cho Văn Thố, bà ta càng mắng chửi, cứ đánh liên tục vào người Văn Thố.

Văn Thố không chịu thua nhưng vẫn không đánh lại được. Khi cô không chịu được nữa, cô gọi "ba" đến lạc giọng. Nhưng người đàn ông kia vẫn không dám thừa nhận một tiếng.

Người phụ nữ kia giễu cợt: "Quả nhiên là hạng người nào thì sinh ra con như vậy."

Sau đó mẹ Văn Thố tới. Người mẹ xinh đẹp, dịu dàng, không bao giờ nói nặng lời với cô đột nhiên tức giận.

Bà kéo Văn Thố lại, tát vào mặt cô. Đời này Văn Thố cũng chưa từng thấy mẹ cô nổi giận như vậy.

Bà nói gằn từng chữ: "Con gọi ai là ba hả? Hắn không phải ba của con. Văn Thố, con nhớ kĩ cho mẹ."

Lên tiểu học, Văn Thố rất hay khóc, cô không hiểu người lớn, thật sự không hiểu.

Sau này cô mới biết, người đàn ông kia đến đây mấy lần, đều khuyên mẹ con Văn Thố nên chuyển đi, vợ ông không tha cho họ. Ông ta cầm một khoản tiền, hy vọng mẹ con cô đến thành phố khác sinh sống.

Mẹ Văn Thố không nhận số tiền đó. Phá cửa sổ nhà ông ta, tiền thuốc thang cho đứa con của ông ta, bà đều một mình gánh chịu. Vì khoản bồi thường không nhỏ, bà phải làm việc rất vất vả.

Sự việc kia trôi qua rất lâu rồi, Văn Thố cũng sắp quên đi, khi ấy mẹ vuốt má cô và nói: "Văn Thố, trên đời này có rất nhiều việc là chính là định mệnh. Không phải ta muốn là có thể."

Nhiều năm sau, người đàn ông kia làm ăn thất bại, vợ con ly thân, tất cả mọi người đều chửi rủa ông ta, thậm chí không có một ai quan tâm tới ông ta nữa.

Ông ta dù nghèo túng như vậy cũng chưa một lần tìm gặp mẹ con Văn Thố. Có lẽ sự yếu đuối cũng là do di truyền.

Về mặt tình cảm thì Văn Thố là một người rất bị động, bởi vì cô đã trải qua một lần duy nhất thất bại nên cô cũng không dám thử nữa.

Có lẽ sau bao nhiêu năm, Văn Thố và Lục Viễn cũng giống như cô và người đàn ông kia, gặp lại nhau trên đường, nhưng không nói một câu, khuôn mặt kia thực sự rất quen thuộc, nhưng cũng rất xa lạ. Chỉ gặp thoáng qua như vậy.

Văn Thố tự nhủ phải nhanh chóng về nhà, nhưng cô không biết rằng mình đi đến nhà Lục Viễn lúc hơn ba giờ. Cô không hiểu lý do chính mình không cam lòng như vậy.

Không gọi điện thoại cho Lục Viễn, một mình ngồi rất lâu trước cửa nhà Lục Viễn, cô cũng không biết bản thân đang chờ đợi cái gì. Suốt cả đêm, Văn Thố tựa vào hành lang nhà Lục Viễn, ôm đầu gối co ro đợi mười mấy tiếng. Sự xuất hiện của cô còn làm hàng xóm của Lục Viễn giật mình, thiếu chút nữa là gọi 110.

Lục Viễn kéo thân thể mệt mỏi về nhà, toàn thân Văn Thố đã lạnh đến mất cảm giác.

Cô ngẩng đầu lên, toàn thân lạnh buốt, thậm chí cô không thể đứng lên nổi.

Ánh mặt trời buổi sáng đã lên cao, ấm áp nhưng lại rất chói mắt, Văn Thố nheo mắt lại như một chú mèo không nhà.

Cô nhìn Lục Viễn, hai mắt đã đỏ ngầu lên, vẫn cười khúc khích: "Anh về rồi hả?" Văn Thố hỏi.

Lục Viễn nhíu mày nhìn cô: "Cô đã ở đây bao lâu rồi?"

"Không nhớ nữa." Văn Thố vẫn cười, cô chợt vươn tay lên: "Lục Viễn, tôi chưa ăn gì cả."

Lục Viễn theo bản năng kéo tay cô, đỡ cô dậy. Hai người cùng nhau đi xuống lầu, Lục Viễn mua cho Văn Thố một cốc sữa đậu nành nóng hổi. Văn Thố cầm trên tay không chịu uống.

Lục Viễn nói: "Tôi đưa cô về nhà."

Văn Thố cũng đồng ý.

Taxi đang đi trên cầu Giang Bắc. Văn Thố nhìn phong cảnh mênh mông rộng lớn ngoài cửa sổ, đột nhiên bảo tài xế dừng xe đi xuống. Lục Viễn trả tiền rồi đi theo cô.

Văn Thố đứng dựa vào thành cầu, gió sông thổi khiến tóc cô bay lên. Cô chợt quay đầu nhìn Lục Viễn: "Giang San có khỏe không?"

"Tôi không muốn nói chuyện với cô về cô ấy."

"Được thôi."

Văn Thố cười: "Lục Viễn, anh cõng tôi đi."

"Ừ." Lục Viễn đồng ý không nghĩ ngợi.

Hai người đi một đoạn đường rất xa, Lục Viễn cõng Văn Thố, ôm chặt cổ anh, hồi lâu thấy cánh tay tê mỏi, cô không biết rằng Lục Viễn cõng cô sẽ mệt thế nào.

Lục Viễn toát mồ hôi, mồ hôi thấm ướt quần áo của Văn Thố, nhưng trước sau cũng không thả Văn Thố xuống.

"Giang San tới tìm tôi." Văn Thố nói bên tai Lục Viễn: "Cô ta nói anh cảm thấy tôi khác biệt, bởi vì tôi không ngừng tự sát."

Lục Viễn chỉ lắng nghe, không nói gì.

"Sau đó cô ta liền cắt cổ tay, quả nhiên là anh đã đến bên cạnh cô ta." Văn Thố tự giễu cười: "Chắc bây giờ anh đang tự trách bản thân, vì anh mà Giang San lại làm chuyện như vậy. Đúng không? Bác sĩ Lục?"

"Tôi chỉ tự trách mình nếu như tôi phát hiện ra để có thể ngăn cản."

Văn Thố nhảy xuống từ trên lưng Lục Viễn, cô đi về phía trước, một lúc sau mới trả lời: "Anh không cản được đâu. Bởi vì cô ta không cần an ủi, mà chính là anh."

Hai người đi uống cà phê ở quán lần trước. Cảm giác thật quen thuộc và vắng lặng.

Văn Thố ngồi chiếc xích đu duy nhất trong quán, trước mặt là một ly cà phê nóng.

Thật ra, Văn Thố rất để ý Lục Viễn và Giang San nói chuyện gì với nhau, để ý Giang San nói gì với anh. Cô muốn biết quyết định của Lục Viễn, nhưng cuối cùng cô cũng không hỏi.

Bản thân mình không có tư cách hỏi.

Nhiều năm như vậy, mọi người đều nói Văn Thố rất kiêu ngạo, ai nhìn cũng thấy chướng mắt, thực ra không phải vậy, nội tâm của cô cũng nóng như lửa, cô muốn một cuộc sống nhẹ nhàng, tình cảm lãng mạn suốt đời. Cô tự giày vò, ép buộc mình cũng chỉ muốn nghĩ xem, liệu họ có thể yêu quý cô hay không, nhưng trên thực tế, họ rất sợ cô.

Văn Thố giơ ngón tay khuấy cà phê trong cốc, ngón tay như chạm vào một bức tường ấm áp, lòng bàn tay có mồ hơi mỏng.

Cô nhìn Lục Viễn, như không có chuyện gì xảy ra, vẻ mặt rất bình tĩnh không còn vẻ đùa dai như trước nữa.

"Lục Viễn, anh có thích tôi không?" Cô giơ cốc cà phê lên, nói: "Anh mà nói dối là tôi hắt cà phê vào người anh đấy."

Lần trước cũng là chỗ bàn này, cách nói chuyện cũng không khác biệt, nhưng trong lòng cả hai người lại hoàn toàn khác nhau.

Văn Thố vẫn nhìn chằm chằm Lục Viễn, chờ đợi câu trả lời của anh.

Lục Viễn quay đầu đi, hồi lâu mới trả lời một câu: "Không thích."

Ngón tay Văn Thố chợt lạnh dần, trước mắt cũng bị hơi nóng của cà phê che mờ.

Mắt cô đã rưng rưng, ngoài miệng vẫn còn trêu chọc: "Cái người này sao lại nói thẳng như vậy chứ, cẩn thận tôi lại tự sát lần thứ mười bốn, Giang San có thể thông thạo như tôi sao?"

Nước mắt cô sắp rơi xuống, Văn Thố nhìn thấy Lục Viễn đột nhiên cầm cốc cà phê lên.

Khoảnh khắc ấy, thời gian như ngừng lại. Văn Thố trợn tròn mắt nhìn Lục Viễn.

Chỉ thấy Lục Viễn giơ cốc cà phê lên, không chút do dự, "ào ào" dội xuống từ đỉnh đầu, chất lỏng màu nâu từ từ chảy từng giọt, từng giọt...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.