Cô Gái Mãn Châu

Chương 52: Chương 52: Hồi 52




(thiếu trang)

Tiếng chó sủa không dừng một chỗ, tiếng chó kéo từ xa vọng đến gần dần...

Không, không phải chó sủa, đó là tiếng chó tru.

Thường thường, chó sủa khi thấy bóng người, nghe tiếng động, còn chó tru thì ngược lại, khi nào cảnh vắng quá, vắng người, vắng chủ, chó ngồi chóng tó ngay trước cửa cái, ngoài sân, ở ngã ba đường, hốc mỏ lên tru.

Cũng từ thanh âm từ trong miệng chó mà ra, nhưng khi nó sủa thì ồn ào, náo động đến dữ dằn, nhưng khi nó tru thì thanh âm thê thiết kéo dài nghe rợn lạnh.

Năm sáu tên áo vàng dừng lại, không khí ồn ào vụt lặng thinh.

- Mẹ, đâu có phải sủa, đúng là khóc cha khóc mẹ nó!

- Tổ cha nó, trong đời tôi ghét nhứt là chó tru, cứ nghe tiếng nó tru lên là bao nhiêu hứng bay cha nó hết, không còn muốn chơi mẹ gì nữa.

- Đồ thỏ đế, suốt ngày nầy qua ngày khác liếm máu trên lưỡi đao, giậm đạp lên xác chết, thế mà lại sợ chó tru. Mẹ họ, đi về chun vô mền cho vợ úm cái cho rồi.

- Cái con khỉ mốc, nếu có vợ có con thì chẳng đi như thế này.

- Đi như vậy có phải sướng hơn không? Nay chỗ này, mai chỗ khác, thấy con nào vừa mắt thì xáp vô, chán thì kiếm con khác, thay đổi hoài hoài, có phải sướng cái đời không?

Sau câu nói coi như là “có duyên” nhứt đó, không khí om sòm trở lại, chúng lại xúm nhau cười hô hố.

- Tôi hỏi nghe, anh nói thật coi từ ngày anh biết mặc quần tới bây giờ đã rờ được mấy con nớ rồi?

- Mẹ họ, bây giờ mà đếm luôn cả mấy đầu ngón chân nữa cũng chưa chắc đủ để mà đếm, ông nội ai nhớ nổi.

Tiếng cười vang lại cất lên.

- Mà lão nhị nè, có ăn thịt chó chưa hè?

- Nhiều phải nói là quá nhiều, nhứt là cái năm Thiểm Tây bị lụt, lúa gạo trôi mất mẹ hết, đụng cái gì sực cái nấy, chỉ thiếu có món thịt người.

- Hèn gì mà anh lại chẳng sợ chó tru. Mà lão nhị nè, anh có nghe chuyện này chưa?

Chó rất sợ những người ăn thịt chó, y như rắn rít sợ người ăn ngủ độc vậy. Nhưng nếu khi mà thời vận bất tề, thì người ăn thịt chó lại thường nghe tiếng chó tru, chó tru cũng chưa quan hệ, nhưng chú ý sẽ nghe tiếng kêu đòi mạng của nó đó.

- Khỉ mốc, chó mà biết đòi mạng?

- Ủa, có gì lạ đâu, chó cũng có mạng chó chớ. Nhứt là trong thời loạn lạc nầy, từ sáng đến chiều chạy rong ngoài đồng nội, ăn thây ma, gặm xương người, thứ chó đó càng có tánh linh hơn là người nữa đó nghe.

- Dẹp anh đi, đừng có hù.

- Há, hù anh mà được cái lỗ nào chớ? Không nghe à, tiếng chó mỗi lúc một gần đó nghe.

Quả thật, hắn không đùa.

Tiếng chó mỗi lúc mỗi gần hơn. Từ phía Nam thôn dẫn tới Tây thôn.

- Mẹ họ, nói chơi mà coi chừng thiệt đó nghe, coi chừng nó réo Mã lão nhị thiệt đó.

Tên mặt rỗ vụt ngồi ngay lại.

Bao nhiêu hơi rượu hừng hừng hồi nãy bây giờ hình như bay mất.

Hắn bắt đầu có vẻ bất an.

Gã mặt dài như ngựa liếc xéo hắn và cười hì hì :

- Mã lão nhị, có cần tôi dạy cho một đạo bùa hộ mạng không nào?

Gã mặt rỗ trề môi :

- Bùa gì? Bộ anh là thầy pháp à?

Gã mặt ngựa đáp :

- Tuy không là thầy pháp, nhưng có bùa hộ mạng vậy thôi. Nếu anh chịu nhường cái con nhỏ ở đầu thôn cho tôi thì tôi sẽ cho anh đạo bùa đó liền.

Gã mặt rỗ hơn lựng khựng hồi lâu, rồi gã vụt đập bàn nói lớn :

- Đúng rồi, chó mà đòi mạng cái con khỉ, anh muốn cái con nhỏ đó nên anh kiếm chuyện hù tôi, thôi đi cha, đừng có bày đặt.

Cả bọn cười ồ.

Đang lúc cười, tên lùn trong bọn bỗng nhìn ra ngoài lẩm bẩm :

- Ai cà?

Tên mặt rỗ thụi vào hông hắn một cái và gắt :

- Thằng quỷ nầy nữa, hù hoài.

Tên lùn nghiêm giọng :

- Thật mà, nhìn ra coi, có người thật mà.

Quả thật, có một người không cao không thấp, không mập không ốm, đi từ phía xa xa tiến lại. Dáng đi thơ thái an nhiên.

Tên mặt rỗ nói :

-Người mình mà.

Tên lùn gặn lại :

- Sao anh biết là người mình?

Tên mặt rỗ hứ một tiếng :

- Con mắt anh bộ chun vô quần áo ai rồi à? Không thấy quần áo đó sao?

Đúng, nhãn quang hắn kể cũng tinh, người đi ngoài xa mà hắn đã nhận ra bộ quần áo màu vàng.

Tên mặt ngựa lại “hứ” :

- Mẹ, tính làm chuyện rờ mu lãng nhách. Trong thiên hạ không còn ai mặc đồ vàng hết à? Bộ chỉ có tụi mình mặc đồ vàng không chắc?

Tên mặt rỗ hất hàm :

- Cá đi!

Tên mặt ngựa gật đầu :

- Cá liền. Cá cái gì?

Tên mặt rỗ đáp :

- Nếu người đó không phải là người của bọn mình thì con nhỏ trên đầu thôn tôi nhường đứt cho anh đó. Nhưng nếu phải thì sao?

Tên mặt ngựa đáp :

- Dễ, nếu phải thì đêm nay tôi sẽ đứng bên giường hầu cho anh ngủ cho tới sáng đó.

Tên mặt rỗ vung tay :

- Dẹp mẹ anh đi. Đứng suốt đêm bên giường thì ai còn làm ăn cái con mẹ gì nữa?

Tiếng cười hô hố của bọn họ lại vang lên.

Cái bóng người đi bên ngoài thấy hình như rất là chậm nhưng không hiểu tại sao vụt cái đã gần tới bên sân. Và cũng chỉ thoáng cái, hắn đã đứng ngay giữa cửa.

Hắn không phải mặc đồ màu vàng, hắn mặc áo trắng, nhưng bụi đất đỏ của miền sơn cước đã làm cho trắng biến ra vàng.

Vì thế, ở xa, ai trông cũng tưởng hắn mặc áo vàng.

Con người ấy quần áo đầy bụi đất, cả mặt hắn cũng bám bụi một lớp dầy, thế nhưng lớp bụi đường xa vẫn không che được vẻ khôi ngô và rắn rỏi trên gương mặt hắn.

Khôi ngô, rắn rỏi và lạnh lùng.

Hắn đứng chấp tay sau lưng, mặt hắn không bộc lộ một vẻ gì, mắt hắn nhìn chăm chăm vào sáu gã áo vàng.

Tên mặt ngựa hất hàm nói :

- Ngươi là ai, đến đây xấc láo vậy?

Người vừa đến mỉm cười mỉa mai nói :

- Ta đi kiếm các ngươi đây!

Hắn vung tay tới, một thanh kiếm cổ đã nằm gọn trong tay hắn. Thanh kiếm lượn qua lượn lại như rồng bay, đồng những lúc đó, những cột máu văng lên, những tiếng la thét rân trời.

Hắn dừng tay, chỉ còn một tên áo vàng đang đứng run lẩy bẩy. Hắn nói :

- Ta tha cho ngươi sống để về nói với Lý Tự Thành là Lý Đức Uy sẽ đến kiếm y.

Tên áo vàng quay lưng bỏ chạy.

Đức Uy vội cúi xuống đỡ lão già và nói :

- Tiểu điệt đến trễ nên Phó bá bá bị hại.

Thấy lão già còn ngơ ngác, Đức Uy nói luôn :

- Cháu là nghĩa tử của Bố Y Hầu.

Phó Thanh Chủ mừng rỡ ôm chầm lấy Đức Uy :

- Lão hầu gia có một nghĩa tử thật sáng lạng.

Đức Uy nói :

- Phó phu nhân và Nghiêm Sương đang gấp chờ, để tiểu điệt đưa bá bá đi gặp.

Hai người vừa đi vừa nói chuyện.

Đức Uy nói :

- Hiền sĩ như lão bá mà triều đình không biết sử dụng, thật phí biết bao!

Ông ta chắc lưỡi thở dài :

- Bây giờ gian nịnh chuyên quyền, triều đình đâu có chỗ cho ta chen chân? Nếu không vì gian nịnh lấn quyền thì những hiền sĩ hơn ta thập bội đã chẳng trơ mắt nhìn đất nước lâm nguy!

Đức Uy làm thinh.

Hắn biết lời lẽ của vị hiền sĩ Thái Nguyên không phải là vô lý.

Từ ngàn xưa, trung lương, gian nịnh không bao giờ có thể đứng chung. Một khi mà thế gian mạnh, kẻ sĩ đều phải ẩn mình và lúc đó chính là lúc mà thế nước bắt đầu đi xuống.

“Minh triết bảo kỳ thân” một khi mà các bậc hiền sĩ đã thành cây đinh trong mắt, cái gai trên lưng của những kẻ có quyền thì sớm muộn gì cũng sẽ bị nhổ quăng đi, đó là định luật muôn đời khi mà quyền lực quốc gia còn trong tay chuyên chế.

Lặng đi một lúc khá lâu, Phó Thanh Chủ lại ngậm ngùi :

- Tâm não của lão ca, ta không dám sánh, khi công thành, anh phú quí không màng, khi thân cô, trước sau vẫn vì quốc gia mà lo nghĩ... Thật ta không biết nói làm sao, giá như những kẻ có trọng quyền ở triều đình đều được bằng phân nửa của lão ca thì giang hồ nầy, kẻ ngoại xâm, quân nội loan đừng mong gì léo hánh!

Đức Uy lại làm thinh.

Hồi lâu, Phó Thanh Chủ hỏi :

- Bố lão ca tại Kinh, sao hiền điệt lại đi Thái Nguyên?

Đức Uy lại phải kể hết cho ông ta nghe về chuyện biến loạn Trường An, về chuyện Dương Tông Luân thọ hại...

Phó Thanh Chủ lặng nghe, nỗi căm hờn hiện lên khóe mắt :

- Lý Tự Thành đáng chết... Hiền điệt, ta là kẻ trói gà không chặt, ta không có sức giết giặc nhưng ta có thừa lòng giết giặc, nơi đây, ta có một địa đồ chỉ nơi chôn giấu ngọc vàng muôn học, tự nhiên đó là của tiền nhơn chớ không phải của ta, hiền điệt hoặc dâng cho triều đình hoặc giữ lấy khi cần thiết, có thể nuôi binh, có thể cứu tế lê thứ, bất cứ chuyện gì ích nước lợi dân thì dùng vào nó, ta trao nó cho hiền điệt để ta tỏ chút lòng của ta đối với triều đình lê thứ.

Ông ta lần vào lưng lấy ra một cuộn da báu mỏng như giấy, trao cho Đức Uy rồi nói tiếp :

- Cũng may là chúng chưa đụng vào người của ta, nếu không thì kho tàng nầy đã giúp cọp thêm vây và ta cũng mang lỗi với trời.

Đức Uy trang trọng hai tay nhận lấy và nói :

- “Tấn Từ” đã trước mặt kia rồi, hiền điệt không dám để mất thì giờ hơn nữa, xin bá phụ cho cháu kính lời vấn an bá mẫu và Sương tiểu muội.

Phó Thanh Chủ dừng lại gật đầu nói :

- Cháu đi được rồi, ta không dám cầm vì vận nước đang nghiêng ngửa, cánh tay nghĩa sĩ không thể dừng một phút nào.

Đức Uy đứng lại vòng tay :

- Xin bá phụ bảo trọng.

Phó Thanh Chủ bước lên bực thêm “Tấn Từ” và quay lại mỉm cười nói :

- Hiền điệt hãy an lòng, ta có cách bảo toàn.

Không nghe thấy Đức Uy trả lời và có tiếng của Nghiêm Sương từ trong hấp tấp chạy ra :

- Cha... Lý đại ca đâu?

Phó Thanh Chủ đáp :

- Đi rồi, còn nhiều việc trọng đại, Lý ca con không thể chần chờ.

Nghiêm Sương dậm chân :

- Lý đại ca thiệt...

Phó Thanh Chủ vuốt tóc con :

- Đường hãy còn dài, lo chi sau nầy con sẽ có nhiều cơ hội.

Nghiêm Sương làm thinh, đôi mắt đỏ hoe.

Phó Thanh Chủ nhìn con thật sâu :

- Con đã biết võ rồi, cha sẽ gởi con theo Lý đại ca của con, cha biết lòng con lắm, cha cũng mong con sẽ hữu dụng cho đất nước sau nầy. Bây giờ hãy đưa cha vào gặp mẹ con đã.

* * * * *

Đức Uy quả thật không dám bước trở vào “Tấn Từ” lần nữa.

Hắn đã nhìn thấy nhiệt tình của Nghiêm Sương, dầu sao, nàng cũng hãy còn nhỏ quá, hắn không phải sợ vướng vào vòng vây quyến luyến của nàng, nhưng hắn vẫn sợ chạm mặt với nàng, cứ hể nhìn mặt nàng, hắn lại nhớ Dương Mẫn Tuệ và nhớ Tổ Thiên Hương.

Lòng căm hận Lý Tự Thành như lửa đốt, nhưng Đức Uy thừa biết bây giờ có những chuyện “dục tốc bất đạt”, hắn không đi lên hướng Thái Nguyên mà quay lại Địch Thôn.

Hãy còn bên ngoài chớ chưa vào hẳn phần đất của Địch Thôn, một cảm giác vụt nổi lên trong tiềm thức, Đức Uy dừng chân lại...

Hắn nghe tiếng cười lạt từ trong cửa cổng vào làng, tiếp theo là giọng nói khàn đục :

- Cũng chẳng có bản lĩnh hơn người, hắn cũng vào vòng như con chồn sa rập.

Đức Uy thấy từ trong cổng song song bước ra bốn tên áo vàng đeo trường kiếm.

Không cần nghe họ xưng tên, xưng chức phận như Lý Hữu, chỉ bằng vào dáng đi chắc nịch vững vàng, đều đặn của họ, Đức Uy biết ngay bốn tên này hơn hẳn những tên kiếm sĩ hộ vệ Lý Hữu cả chục lần.

Chắc chắn họ là những tên trong đoàn kiếm sĩ thượng thặng của Lý Tự Thành. Họ có thể kém hơn Lý Hữu về dõng lực, nhưng họ là kẻ giang hồ lịch duyệt hơn nhiều.

Không quay mặt lại, nhưng Đức Uy vẫn nghe bên phải, bên trái phía sau lưng mình đều có tiếng động cùng một lúc và hắn có thể hội ngay câu nói vừa rồi của đối phương.

“Như một con chồn sập bẫy”, Đức Uy biết mình đã lọt vào vòng vây sắp sẵn của chúng rồi.

Họ là những tay kiếm sĩ đắt giá của Lý Tự Thành.

Những kiếm sĩ của Lý Hữu thì Đức Uy đã biết rồi, nhưng những kiếm sĩ bên cạnh Lý Tự Thành nhất định phải khác hơn.

Không phải đó là chuyện định chừng, sự thật thì Đức Uy đã thấy không kể những điểm khác, chỉ bằng vào bước chân ổn định, chắc nịch mà đều đặn của bốn tên áo vàng trước mặt, đủ thấy cao hẳn hơn những tay kiếm sĩ của Lý Hữu quá nhiều rồi.

Huống chi, bây giờ là giữa vòng vây.

Tên áo vàng bên trái lên tiếng :

- Ngươi là Lý Đức Uy?

Đức Uy gật đầu :

- Đúng, các ngươi biết ta à?

Tên kiếm sĩ áo vàng cười lạt :

- Mười ba tên đặc phái của bọn ta tại Địch Thôn, ngươi đã giết chết hết mười hai, phải không?

Sực nhớ tên ốm cao mà mình chỉ điểm vào trái cổ cho ngất đi chờ chết trong gian nhà giam Phó Thanh Chủ, Đức Uy gật đầu :

- Đúng mười hai tên.

Tên áo vàng hỏi :

- Tại Trường An, giết đại tướng Lý Hữu cũng là ngươi?

Đức Uy lại gật đầu :

- Đúng, nhưng Lý Hữu chết mà vẫn chưa hết tội.

Tên áo vàng lại hỏi :

- Vừa rồi, giải thoát cho Phó Thành Chủ cũng là ngươi?

Đức Uy nghiêm giọng :

- Phó tiên sinh là một hiền nho danh sĩ, không thể để cho bọn ngươi xúc phạm.

Tên kiếm sĩ áo vàng, vùng nghiêm giọng :

- Sau khi biết chuyện nầy, Sấm Vương sẽ nổi cơn thịnh nộ.

Đức Uy gặn lại :

- Nhứt là vì biết ta đã giết Lý Hữu?

Tên kiếm sĩ áo vàng đáp :

- Lý tướng quân là bực kiêu dõng thiện chiến, người ngồi trên lưng ngựa sức địch vạn phu, người là dõng tướng dưới cờ của Sấm Vương, là một cánh tay của Sấm Vương.

Đức Uy mỉm cười :

- Mất đi một Lý Hữu, Lý Tự Thành biết cái khốn đốn của hắn, thế nhưng hắn có biết thiên hạ bá tánh mất đi một cột trụ là Dương đô đốc hay không? Hắn có nhìn thấy cảnh quốc gia phá vong, có nghe thấy tiếng kêu lên ngút tận trời cao của lê thứ lầm than vì khói lửa hay không?

Tên kiếm sĩ áo vàng nói :

- Đó là vì Sấm Vương muốn cứu bá tánh thoát khỏi sự áp bức do tham quan ô lại của triều đình, thứ triều đình của hôn quân nhu nhược.

Đức Uy cười lạt :

- Ngươi cho ta là đứa trẻ lên ba hay sao? Những đứa trẻ lên ba cũng vẫn biết được tội ác Lý Tự Thành.

Tên kiếm sĩ áo vàng tái mặt :

- Triều đình hôn quân nhu nhược, gian nịnh lộng hành, bên ngoài chọc giận cho Mãn Châu có cớ xâm lấn biên cương, bên trong đàn áp lê thứ, nhơn tâm ly tán, họ Chu sắp diệt, họ Lý đang lên...

Đức Uy chận nói :

- Thừa lúc có họa ngoại xâm để nổi loạn làm cho lê thứ mang tai ương, làm cho quốc gia thêm suy yếu, đó là tội của bọn giặc cỏ.

Tên kiếm sĩ áo vàng nhướng mắt :

- Chúng ta được lịnh dung cho ngươi...

Đức Uy cười gằn :

- Các ngươi không cần có thái độ giả tạo đó, chánh tà như nước với lửa, nước lửa không thể tương dung, ta không thể dung cho tên giặc Lý Tự Thành, thì hắn cũng không dung cho ta được.

Tên kiếm sĩ áo vàng lắc đầu :

- Không, Sấm Vương cầu hiền như người khát nước, người sẽ lấy lễ mà đãi sĩ.

Đức Uy chận ngang :

- Tên giặc loạn đừng có học theo lời lẽ sáo cũ mà trống rỗng ấy, ta rất thẹn là đồng họ với hắn, chớ đừng nói tới chuyện có thể sống chung.

Tên kiếm sĩ áo vàng nói :

- Nếu ngươi bằng lòng bỏ ám đầu minh, lập công chuộc tội thì Sấm Vương chẳng những không truy cứu lỗi lầm mà lại còn trọng đãi.

Đức Uy cười lớn :

- Cám ơn, nhưng ta từng là kẻ đọc sách thánh hiền, ta rất biết đâu là đạo lý còn đâu là phản loạn.

Tên kiếm sĩ áo vàng nói :

- Người đọc sách thánh hiền, đáng lý ngươi phải thông “thức thời vụ mới là tuấn kiệt, biết tiến thoái mới là cao nhơn”, ngươi há chẳng biết “lương cầm trạc mộc phi thê”.

Đức Uy cười lớn :

- Thánh hiền mà biết các ngươi lạm dụng những lời răn dạy ấy chắc chắn hiền thần bút thánh cũng phải trở thành lợi khí để băm vằm chúng bây thành trăm mảnh.

Ta không thể làm chuyện bất trung bất hiếu, bất nhơn bất nghĩa, bá tánh đang lâm loạn lạc trong khói lửa, các ngươi lại dụng sách vở thánh hiền để ru ngủ bọn ngu si, tội của các ngươi có sống cũng không thể thành người, có chết cũng phải vào tận cùng địa ngục.

Tên kiếm sĩ áo vàng nói :

- Lý Đức Uy, ngươi đã lầm rồi, như thế nào gọi là trung hiếu nghĩa? Đâu có thể trung với một tên hôn quân, thời thế tạo anh hùng, triều đình đã bất lực không bảo an cho bá tánh thì ai cũng có quyền làm lại những gì thối nát. Sấm Vương chiêu tập hiền tài để tế thế an bang đó là thuận lòng trời.

Đức Uy nói :

- Ta có thể lầm, nhưng ức vạn bá tánh không lầm, người ta hận vì chưa ăn thịt được Lý Tự Thành, tiếng oan đã thấu trời xanh, chính hắn đã đẩy lê thứ vào vòng chết chóc.

Tên kiếm sĩ áo vàng nói :

- Không có một cuộc dựng nghiệp nào mà không đổ máu, phá đi cái mục nát, dựng lên cái mới mẻ, tự nhiên là phải có một sự hủy hoại.

Đức Uy cau mặt :

- Đừng có vịn vào lý luận hàm hồ, Tần là tàn bạo đó, Hạng Võ đánh Tần là diệt bạo tàn đó, nhưng diệt bạo tàn để dựng lên một cái gì chớ đâu phải để dựng lên một Hạng Vương, một Tây Sở Bá Vương hung hăng hiếu sát? Huống chi, bây giờ đâu phải là đời Tần, nhà Minh có tham quan ô lại điều đó ta không chối cãi, nhưng không thể vịn vào đó để di hại cho dân lành, để nổi loạn cướp của giết người, tàn hại lương dân.

Tên kiếm sĩ áo vàng nói :

- Trong cơn loạn lạc làm sao cho khỏi chuyện thành cháy vạ lây...

Đức Uy chặn ngang :

- Đúng rồi, nhưng ta hỏi các ngươi, binh tướng của Lý Tự Thành phải chăng đã cướp của người lành? Phải chăng đã sát hại bá tánh? Phải chăng đã cưỡng dâm đàn bà con gái, chính các ngươi, trong bọn các ngươi đây đã chuyên làm chuyện ấy kia mà!

Tên kiếm sĩ áo vàng nói :

- Cái điều đó...

Đức Uy nói :

- Ta không có thì giờ để nói chuyện với lũ không biết nghe phải trái như bọn ngươi đâu.

Tên kiếm sĩ áo vàng gật đầu :

- Được rồi, kể như ta nói chuyện với nhau, bây giờ ta hỏi, ngươi mang Phó Thanh Chủ đi giấu nơi đâu?

Đức Uy nói :

- Các ngươi không cần phải kiếm ông ta, vì ông ta không khi nào đi nghe lời lừa dối của các ngươi đâu.

Tên kiếm sĩ áo vàng nói :

- Dưới trướng của Sấm Vương hiền tài mọc lên như nấm, ai cần gì đến cái lão già đó làm gì, trước kia vì mến tài, nhưng lão đã ngoan cố thì thôi, ai ép.

Đức Uy hỏi :

- Thế các ngươi hỏi vị hiền sĩ Thái Nguyên ấy làm gì?

Tên kiếm sĩ áo vàng nói :

- Cho ngươi biết cũng không hại gì. Sấm Vương đã nghe Phó Thanh Chủ có tấm bản đồ tàng bữu ba đời. Sấm Vương đang hưng sư vì chánh nghĩa và vì để cứu nước cứu dân, người truyền trưng dụng kho tàng ấy để nuôi quân.

Đức Uy bật cười :

- Tưởng gì chớ tấm bản đồ hiện đang ở trong tay ta.

Nói xong hắn rút tấm bản đồ cuộn tròn lại đưa ra và nói tiếp :

- Các ngươi có giỏi thì giật lấy tấm bản đồ này về dâng cho Lý Tự Thành.

Tên kiếm sĩ áo vàng nói :

- Như thế thì lời cho chúng ta quá, mà trong đời, ai biết lại không làm, có phải thế không nào?

Đức Uy gật đầu :

- Phải, nhưng các ngươi đã có nghĩ đến chuyện bất lợi hay chưa? Chẳng hạn như chẳng những các ngươi không làm gì ta được, trái lại, ta sẽ làm cho các ngươi ngủ mãi nơi đây cho đến ngàn đời?

Tên kiếm sĩ áo vàng nói :

- Có thể tám người bọn ta không thể đoạt được tấm bản đồ trong mình ngươi, nhưng nếu tám người của bọn ta mà hợp lực để bảo toàn thì chắc là thừa sức. Còn chuyện chết chóc thì lại không thể, nếu trong bọn ta mà có người chết, bảy người còn lại cũng không bao giờ đưa ngươi đến yết kiến Sấm Vương.

Đức Uy nói :

- Chuyện chưa tới thì không nói được, bọn ngươi muốn thử thì cứ thử đi cho biết.

Hắn nói vừa xong thì bốn tên áo vàng tuốt kiếm ra một lúc, động tác của họ rất nhanh mà lại còn rất nhịp nhàng.

Tự nhiên, phía sau lưng Lý Đức Uy, bốn tên áo vàng khác cũng tiến lên cùng một lúc.

Đức Uy lập tức chuyển cuộn địa đồ sang tay trái, tay phải hắn rút thanh Ngư Trường kiếm.

Bốn tên kiếm sĩ áo vàng phía trước hơi biến sắc, chúng bỗng xốc bổng thanh kiếm chĩa mũi ra ngoài đứng yên một chỗ.

Đức Uy thừa biết, bốn tên kiếm sĩ áo vàng phía sau cũng đang làm như thế.

Hắn lại càng biết rõ hơn nữa là, trước sau, tám mũi kiếm của chúng đang nhắm đúng vào trọng huyệt trong người mình, chỉ chờ khi cùng một lúc ra tay thì đúng là lúc ngàn cân treo sợi tóc...


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.