Cô Gái Mãn Châu

Chương 83: Chương 83: Những dòng nước mắt thương đau




Một lúc sau Lạc Kiều Sanh dẫn hai tên tùy tùng trở vào, dáng sắc của ông ta thật bình tĩnh, giọng nói cũng bình tĩnh một cách lạ lùng :

- Toàn gia Điền đại nhân mấy mươi người đều chết hết, không biết Thái tử và nhị vị Vương gia thất lạc về đâu... Tiểu hầu gia, ty chức lãnh trọng trách của Tiên hoàng bảo hộ an nguy cho Thái tử và nhị vị Vương gia, bây giờ ty chức thối thoát trách nhiệm cũng đã vừa rồi, xin Tiểu hầu gia gắng hết sức mình...

Ông ta nói chưa dứt lời đã trở nắm tay đập ngược lên đầu mình...

Nhưng Đức Uy lại nhanh hơn, hắn nhấc tay lên...

Cánh tay tự sát của Lạc Kiều Sanh buông xuôi và ông ta cũng quỳ thụp xuống theo tiếng khóc ồ ồ...

Đức Uy đứng lặng thinh.

Là một võ quan đã quá nửa đời người, Lạc Kiều Sanh có thể đổ máu chứ không thể để rơi nước mắt.

Nhưng bây giờ thì ông ta đã khóc, khóc lớn.

Đứng yên để cho vị lão quan trung liệt khóc hả hơi, Đức Uy cúi xuống dịu giọng :

- Đô chỉ huy sứ, lỗi này không phải do Chỉ huy sứ vả lại trách nhiệm còn nặng lắm, thân hữu dụng của mình hãy còn lợi ích cho triều đình, xin Chỉ huy sứ nên bảo trọng...

Hắn với tay đỡ ông ta đứng lên và nói tiếp :

- Đi, chúng ta nhất định tìm ra Thái tử...

Lạc Kiều Sanh chống tay đứng lên, ông ta chỉ mới ngoài năm mươi, nhưng chỉ trong khoảnh khắc, nét già nua bỗng hằn đầy lên mặt...

Vừa ra khỏi trang viện họ Điền chưa bao lâu thì gặp ngay Phan Ngọc.

Hắn đi hớt hải, nhưng thoáng vẻ vui mừng, vừa tối là hắn nói ngay :

- Lý gia, tin từ phía Bắc đưa đến, Ngô tổng đốc đã cử đại tang đem quân về tảo trừ phản loạn, hiện chỉ cách Kinh sư không đầy năm mươi dặm.

Đức Uy chụp nắm chặt tay Phan Ngọc :

- Phan huynh đệ, tin xác thật hay không?

Phan Ngọc gật đầu :

- Chắc chắn như thế.

Đức Uy có vẻ nôn nao :

- Phải gấp cứu Điện hạ và nhị vị Vương gia, binh không thiếu tướng, nước không thể thiếu vua và cũng để cho Lý Tự Thành không thể dùng Điện hạ mà bắt chẹt Ngô tổng đốc, Phan huynh đệ hãy cho Lăng huynh đệ biết là Chu gia không cần giữ nữa, hãy đến Vĩnh Định môn để gặp tôi.

Phan Ngọc hỏi :

- Lý gia, Thái tử Điện hạ...

Đức Uy khoát tay :

- Đi đi, đừng hỏi, gấp lắm, đến Vĩnh Định môn.

Phan Ngọc lật đật vòng tay rồi lao mình đi thẳng.

Lạc Kiều Sanh hỏi :

- Tiểu hầu gia, bây giờ...

Nhìn về hướng Kinh sư, Đức Uy nói :

- Bằng giá nào, chúng ta cũng phải cứu thoát Điện hạ...

Lạc Kiều Sanh gật đầu :

- Vâng, đi vào lửa đỏ ty chức cũng không từ chối...

Đức Uy vẫy tay, bốn người lao đi thẳng về hướng kinh thành, họ gần như không kể rừng cây gai góc...

* * * * *

Bọn Lý Đức Uy vừa đến Vĩnh Định môn thì đã thấy ba anh em Lăng Phong đã có mặt rồi.

Nhưng đã có nghe Phan Ngọc thuật lại Lăng Phong hỏi nhanh :

- Lý huynh, hành động ngay, hướng nào?

Đức Uy vẫy tay :

- Theo tôi.

Bây giờ thì không còn chờ đêm tối được nữa, Đức Uy thi triển khinh công nhắm hướng Tây thành.

Bây giờ mà có ai ngăn cản, người đó sẽ được chết thật ngon.

Cả bọn đến tòa trang viện của Lý Quỳnh, cánh cổng đóng kín nhưng đám kiếm sĩ áo vàng không thấy.

Đức Uy tái mặt, hắn nhún chân nhảy vọt qua đầu tường.

Tất cả nhảy theo.

Cửa trong mở toác, màn trướng vén lên, bước vào là thấy tận bên trong.

Chiếc giường rộng của Lý Quỳnh vẫn còn y nhưng người không thấy.

Từ tiền viện xuyên qua trung đường, thẳng qua hậu viện, không một bóng người.

Đức Uy nắm chặt hai bàn tay, gân mặt hắn nổi lên.

Lạc Kiều Sanh run giọng :

- Chúng đã chạy cả rồi.

Đức Uy trừng trừng đôi mắt đỏ ngầu, sát khí bắn ra tua tủa...

Nhưng ngay lúc đó từ ngoài cổng, tiếng bước chân dồn dập.

Đức Uy lao vút trở ra.

Lạc Kiều Sanh rút thanh đao ngoắc bọn Lăng Phong :

- Đừng để thoát một tên nào...

Cánh cửa cổng mở tung, năm người con gái xông vào...

Thúy Ngọc xách kiếm, đi trước, phía sau hai cô gái vịn Lý Quỳnh, nàng chống thành trường, toàn thân đẫm máu.

Một cô tỳ nữ khác đi sau đoạn hậu.

Lý Quỳnh vừa thấy Đức Uy thì vội kêu lên :

- Lý huynh, tôi biết anh trở lại.

Và nàng chỉ tay về phía hậu viện.

Từ ngả sau, mười bốn cô gái tay cầm trường kiếm, dẫn vào ba người nữa: Thái tử, Định Vương và Thừa Vương.

Lạc Kiều Sanh kêu lên :

- Điện hạ...

Các cô gái liền thả người ra. Bọn Đức Uy chạy lại mừng rỡ.

Đức Uy nói :

- Lạc tiền bối hãy đưa Thái tử và các Vương gia đi trước, hãy đến gặp Ngô tổng đốc để thương lượng.

Lạc Kiều Sanh liền cùng các người trong Cùng Gia bang đưa Thái tử và hai vị Vương gia đi ngay.

Lúc đó, hai cô tỳ nữ đưa Lý Quỳnh ra.

Lý Quỳnh nói trong nước mắt :

- Lý đại ca, em đã chuộc tội với đại ca, chuộc tội với bá tánh. Em đã phản lại anh của em nên không thể sống được nữa.

Đức Uy vội vã hỏi :

- Sao vậy?

Thúy Ngọc nức nở :

- Quận chúa đã uống thuốc độc tự tử...

Lý Quỳnh nói :

- Bây giờ không còn nhiều thời gian nữa, ta muốn nói với các ngươi...

Thúy Ngọc nấc lên :

- Không, Quận chúa, chúng tôi không cần chuyện...

Lý Quỳnh nói :

- Bảo để cho ta nói, các ngươi không muốn để cho ta đi được an tâm sao?

Thúy Ngọc cúi đầu, các cô gái trong Thập bát kim xoa cũng đều cúi đầu, tiếng khóc âm thầm ray rứt...

Chỉ bằng vào sự quyến luyên này, có thể thấy bình thời Lý Quỳnh đối đãi với thuộc hạ chắc cũng là hậu lắm...

Hơi thở của Lý Quỳnh nghe như mệt nhọc hơn nhiều, thế nhưng nàng vẫn giữ vẻ bình tĩnh như thường, nàng nói :

- Các ngươi bây giờ không nên ở chỗ này, các ngươi không nên núp dưới bóng cờ mang chữ “Lý” nữa, hiện tại Ngô tổng binh đã phát tang tiế? quân về kinh để báo thù, giá như các ngươi có nhà, có cha mẹ như những người khác thì có thể trở về, nhưng cũng như ta, các người cũng mồ côi, vậy thì các ngươi hãy mau đầu nhập vào dinh quân của Ngô tổng binh để lập công và tìm cách tiến thân, nếu để trễ hơn thì sẽ không còn cơ hội.

Thúy Ngọc lắc đầu nguầy nguậy :

- Không, không, chúng tôi sống thì sống bên Quận chúa, có chết cũng nguyện chết bên Quận chúa...

Lý Quỳnh gắt :

- Nín, Thúy Ngọc, thấy ta yếu thế rồi các ngươi cãi lệnh ta phải không?

Thúy Ngọc cúi đầu :

- Chúng tỳ nữ không dám...

Lý Quỳnh dịu giọng :

- Vậy thì các ngươi hãy nghe ta, ta cám ơn các ngươi có lòng với ta, nhưng khi chết đi, ta không muốn mang theo mình tội nghiệt, nhưng bây giờ thì đã trễ rồi, ta không làm gì được nữa, ta cũng không phải sợ bọn bộ hạ của anh ta, nhưng ta không còn lý do để sống, anh ta đã bảo dưỡng ta từ lúc nhỏ, đã làm nhiệm vụ gian lao của một người cha đối với ta, bây giờ dầu cho ta cũng đã phản lại anh rồi, ta chết để đền ơn cao cả đó, các ngươi thương ta thì hãy thay ta mà chuộc lại phần nào tội nghiệt, để cho ta được siêu thoát, hiểu chưa, nghe lời ta là các ngươi giúp ta, nghe rõ chưa?

Thúy Ngọc vừa khóc vừa gật đầu :

- Vâng, Quận chúa, tỳ nữ rõ rồi... Nhưng...

Lý Quỳnh hỏi :

- Nhưng sao? Ngươi muốn gì?

Thúy Ngọc nói :

- Lòng thương của Quận chúa với chúng tỳ nữ thì chúng tỳ nữ muôn vàn cảm kích, tỳ nữ đã hiểu sự cương quyết của Quận chúa, nhưng việc đầu nhập quân trung của Ngô tổng binh thì thật quá khó khăn, vì bỗng không đến hàng như thế làm sao người ta có thể tin dùng?

Lý Quỳnh nói :

- Điều đó ta nghĩ rồi, bây giờ, có mặt Lý huynh, có mặt vị truyền nhân của Bố Y Hầu, ta sẽ khẩn cầu người giới thiệu giùm một tiếng...

Nàng quay nhìn Đức Uy bằng đôi mắt bi thương :

- Lý huynh, anh có thể vì cái chết của tôi mà...

Đức Uy cho tay vào lưng lấy Ngân Bài lệnh trao cho Thúy Ngọc và nói nhanh :

- Chư vị hãy đem Ngân Bài lệnh trao cho Ngô tổng đốc, có Ngân Bài lệnh thì nhất định Ngô tổng đốc sẽ dung nạp ngay.

Lý Quỳnh vừa cảm kích vừa mừng rỡ, nàng giục :

- Hãy tạ ơn Lý gia đi.

Thúy Ngọc tiếp lấy lệnh bài nhưng cô ta khóc sướt mướt nói không ra tiếng...

Lý Quỳnh nói :

- Hãy nhân cơ hội bọn kiếm sĩ áo vàng chưa tới, các ngươi hãy đi nhanh đi.

Thúy Ngọc cúi đầu và những cô gái trong Thập bát kim xoa vùng khóc rống...

Lý Quỳnh tuy đã mệt lắm nhưng nàng vẫn cố gắng làm ra vẻ tỉnh táo, nàng gắt nho nhỏ :

- Khóc lóc gì thế? Không còn chút chí khí nào cả hay sao? Các người sợ gì nữa chứ?

Nàng liếc nhẹ Đức Uy và nói :

- Đã có Lý gia ở đây chiếu cố cho ta mà các ngươi sợ nỗi gì? Không chịu thay ta mà chuộc tội phải không, các ngươi không còn thương ta nữa phải không?

Thúy Ngọc và mười bảy cô gái cùng qùi chung quanh lạy Lý Quỳnh ba lạy, Thúy Ngọc vừa khóc vừa nói :

- Quận chúa, ân nghĩa của Quận chúa kiếp này chúng tỳ nữ không trả được, nguyện kiếp sau sẽ làm thân trâu ngựa đền bồi... Chúng tỳ nữ xin lạy Quận chúa mà cáo biệt...

Tất cả cùng sụp lạy thêm ba lạy nữa rồi lui dần ra hậu viện, tiếng khóc rưng rức kéo dài...

Đức Uy cúi mặt thở ra...

Tình nghĩa của họ làm cho lòng hắn cảm thấy xao xuyến.

Nhìn theo đám Thập bát kim xoa khuất dần, Lý Quỳnh dụi mặt vào lòng Đức Uy nấc lên từng chập.

Thật lâu nàng quay mặt ra nói :

- Lý huynh, tôi rán nói cho chúng đi, chứ thật ra bao nhiêu lâu nay danh tuy là chủ tớ, nhưng chúng tôi đối với nhau như tình nghĩa chị em, vạn bất đắc dĩ mới đành chia tay...

Đức Uy lắc đầu :

- Thật là thống thiết, nhưng tại sao cô nương...

Lý Quỳnh nói :

- Lý huynh, đáng lý có nhiều điều cần nói với Lý huynh, nhưng bây giờ thì đã chậm quá rồi, mà thật ra bao nhiêu thì giờ cũng không thể đủ... tôi chỉ muốn nói rằng được chết trong lòng của Lý huynh là tôi được nở nụ cười mãi, sẽ mang nụ cười theo giấc ngủ ngàn thu.

Bằng một cử chỉ hết sức xúc động, Đức Uy nhè nhẹ ôm siết lấy vóc thân đang run rẩy của nàng.

Lý Quỳnh nhìn sững vào mặt Đức Uy, nước mắt nàng trào ra nhưng môi nàng hé nở nụ cười.

Bây giờ không phải nụ cười chua xót, bi thương mà là nụ cười mãn nguyện...

Đức Uy vụt nhướng mình lên.

Chưa nghe tiếng động, nhưng bằng vào trực giác, hắn biết có người.

Lý Quỳnh vùng biến sắc, nàng nói :

- Lý huynh, họ tới rồi. Thôi, thôi, Lý huynh, như thế này là quá đủ cho tôi rồi, anh hãy đi đi...

Đức Uy mím môi và bật nói :

- Không, Lý cô nương, thuốc giải độc ở đâu?

Lý Quỳnh lắc đầu, nước mắt nàng lại trào ra :

- Lý huynh, hãy đi đi, hãy đi ra theo ngả sau, bọn chúng đến tận nơi rồi, không có thuốc giải đâu...

Đức Uy vụt nhớ tới Thiên Hương.

Trường hợp của Lý Quỳnh chưa nặng bằng Thiên Hương, trường hợp của nàng không đáng chết.

Hắn thấy nàng phải sống...

Hắn muốn tìm thuốc giải.

Nhưng thật thì Đức Uy đã chủ quan, hắn không nhận đúng hoàn cảnh của từng người.

Trường hợp của Thiên Hương và trường hợp của Lý Quỳnh tuy như nhau nhưng thật không giống nhau.

Thiên Hương không bằng lòng sống cuộc đời nhơ nhớp, nàng phải giết giặc, giết chúng để tránh cái nhơ nhớp cho mình và cho cả cha mình, cha nàng phải chết vì tình thế bất khả kháng.

Lý Quỳnh đã sống với anh nàng từ nhỏ, nàng đã theo anh nàng và bây giờ nàng phải phản bội anh nàng.

Lý Tự Thành có thể không chết, có thể thành công với mục đích của hắn, nhưng Lý Quỳnh vẫn là con người phản bội.

Phản bội là phản bội, trong việc phản bội không có vấn đề xét đúng hay sai.

Đã đành là nàng hành động đúng, nhưng đó là đứng trên lẽ phải mà xét, còn trên tình nghĩa anh em của nàng, nàng vẫn là con người phản bội, đó là một việc hiển nhiên, không thể chối cãi gì cả.

Đức Uy hoặc không thấy như thế, hoặc là hắn khách quan, hắn không đứng trên tình nghĩa anh em của Lý Tự Thành mà xét cho nên hắn nghĩ đến cách cứu nàng, nhưng đối với Lý Quỳnh thì không được, có lẽ nàng đã tỏ thái độ rõ ràng trước khi quyết tâm hành động.

Không phải nàng không có một lối thoát, nhưng nàng thấy cần phải chết, chết để tạ ơn đối với người anh.

Có thể trong lòng của Lý Tự Thành bây giờ, hay một ngày nào đó sẽ thấy em mình là đúng, nhưng đúng hay sai không thể đặt ra với Lý Quỳnh, vì nàng đã phản bội anh nàng.

Có thể hành động của nàng không có hại một mảy may nào đến công việc của Lý Tự Thành, sự thất bại hay thành công của Lý Tự Thành không phải do hành động của nàng đưa đến, nhưng nàng cũng vẫn là phản bội.

Đó là một cái tội đối với anh nàng, hay có thể đó là cái tội đối với chính lương tâm của nàng.

Như vậy, chỉ có thể cái chết mới là giải thoát.

Lý Quỳnh nắm tay Đức Uy lắc mạnh :

- Lý huynh, anh có nghe không, có nghe chúng đến không, anh hãy đi đi...

Đức Uy đáp thật chậm :

- Tôi nghe, tôi đã nghe sớm lắm, nhưng tôi không đi được đâu, Lý Quỳnh.

Lý Quỳnh lại trào nước mắt, lần đầu tiên nàng được nghe Đức Uy gọi tên nàng bằng một giọng dịu dàng tha thiết.

Nàng lại hé miệng cười.

Đúng như nàng đã nói, nàng chết vô cùng thỏa mãn.

Nàng đâu còn mong gì hơn nữa.

Nàng chỉ còn một điều ân hận là không làm cho Đức Uy đi sớm.

Nhưng bây giờ có ân hận thì cũng đã quá muộn, vì bọn hoàng y kiếm sĩ đã tới rồi.

Chúng gồm hai mươi mấy người, do một tên chột mắt dẫn đầu.

Chúng đến thật nhanh, thân pháp của chúng khá cao.

Vừa ào vào là chúng đã bao vây Đức Uy và Lý Quỳnh vào giữa.

Tên áo vàng đứng nhìn châm bẩm vào mặt Đức Uy, hình như hắn không buồn nhìn vào tình cảnh của vị “Quận chúa” của hắn.

Hắn là một con người tầm thước, uy nghi, con mắt chột của hắn được che lại bằng một miếng kim khí màu vàng nịt bằng một sợi dây da mỏng màu đen ngang xéo qua trán, càng làm cho con mắt còn lại tròn xoe nổi bật trên bộ mặt dữ dằn của hắn.

Con mắt chột của hắn như mũi dùi xói vào con người của Đức Uy.

Như không thấy có mặt bọn áo vàng, Đức Uy cứ ngồi ôm chặt Quận chúa, đôi mắt xót thương nhìn chằm chặp vào mặt nàng chứ không hề nhìn bọn áo vàng đang xiết vòng vây.

Lý Quỳnh nói nhỏ :

- Lý huynh, bọn chúng hung hăng lắm, tên một mắt là Độc Nhãn Long, tên kiện tướng thân tín của anh tôi, hắn cầm đầu bọn kiếm sĩ xuất sắc nhất được trao nhiệm vụ thủ thành và gìn giữ các vị Vương gia.

Đức Uy gật đầu :

- Tôi biết, tôi biết, nhưng không sao đâu...

Độc Nhãn Long hơi nghiêng mình :

- Ty chức tham kiến Quận chúa.

Lý Quỳnh rít giọng :

- Không cần, ta đã là người phản bội nhà họ Lý, các người muốn làm gì đó thì làm.

Độc Nhãn Long đáp :

- Ty chức không dám.

Lý Quỳnh cười gằn :

- Nếu ngươi đã không dám thì hãy dẫn bọn đó đi đi, ta cần có phút giây yên tĩnh.

Độc Nhãn Long cười nhẹ :

- Xin Quận chúa cho ty chức biết ba tên nghiệt chướng nhà họ Chu đã đi đâu? Chỉ cần Quận chúa cho biết chỗ ẩn trốn của chúng là ty chức sẽ đi ngay.

Nghe mấy tiếng “ba tên nghiệt chướng” là đôi mày của Đức Uy đã dựng lên, nhưng vì Lý Quỳnh nằm trong tay hắn, hắn không nỡ bỏ nàng dưới đất nên hắn đành phải ẩn nhẫn làm thinh...

Lý Quỳnh gặng lại :

- Ngươi muốn ta cho ngươi biết chỗ hậu nhân nhà họ Chu phải không?

Độc Nhãn Long gật đầu :

- Đúng thế.

Từ dáng điệu đến giọng nói hắn đã tỏ ra không còn giữ gì lễ độ với Lý Quỳnh.

Hình như Lý Quỳnh cũng đã thấy như thế, nàng cắn môi một lúc rồi vụt nói :

- Được, ta cho ngươi biết, họ đã được nhiều cao thủ của triều đình hộ tống, ngươi có giỏi thì hãy đuổi theo đi.

Độc Nhãn Long nói :

- Xin Quận chúa nên biết cho rằng ty chức phụng lệnh Sấm Vương...

Lý Quỳnh nói :

- Ta biết, biết hơn ngươi, vì thế ta đã bảo các ngươi muốn làm gì ta thì cứ việc làm.

Con mắt chột của Độc Nhãn Long lại xoát vào mặt Đức Uy :

- Xin Quận chúa cho ty chức biết người ngồi bên Quận chúa là...

Đức Uy hớt nói :

- Đại Minh triều Bố Y Hầu nghĩa tử, Ngân bài chấp nhân Lý Đức Uy.

Độc Nhãn Long cười lớn :

- Tốt, đã có ngươi ở đây thì ta không lo gì không tìm được ba tên nghiệt chướng.

Đức Uy ngẩng mặt, hắn chiếu tia mắt đầy sát khí vào mặt Độc Nhãn Long :

- Ta xin báo trước để các ngươi liệu mà giữ mình, lát nữa đây, bọn ngươi sẽ không thoát được một tên.

Độc Nhãn Long chớp con mắt và cười hô hố :

- Thật thế sao? Hay lắm, ta cũng cần thử xem.

Hắn đưa mắt ngầm ra hiệu.

Vòng vây siết lại.

Đức Uy ngồi xổm như qùi, đầu của Lý Quỳnh tựa vào bắp vế hắn và hắn vẫn giữ yên tư thế đó, hình như tên kiếm sĩ áo vàng này lợi hại, nhưng đồng thời hắn cũng biết chắc chắn về sức mình, thái độ của hắn thật bình tĩnh. Độc Nhãn Long đưa mắt về phía sau lưng của Đức Uy, lập tức phía sau nghe tiếng động.

Tiếng động của hai thành trường kiếm rơi xuống đất và hai tiếng rú tiếp theo.

Sự việc xảy ra chớp nhoáng, đám áo vàng mở mắt thao láo, con mắt một của Độc Nhãn Long cũng đứng tròng.

Đức Uy không hề quay lại, nhưng phía sau hắn làm như có mắt, một tay hắn vẫn ôm choàng Lý Quỳnh, một tay còn lại hắn rút thành Ngư Trường kiếm.

Đó là cử động của Đức Uy, vì hắn cử động nên hắn biết chứ không một tên áo vàng nào hay biết, cử động của Đức Uy quá nhanh, hoặc giả bọn áo vàng cho rằng hắn sẽ buông Lý Quỳnh để nhảy tránh ra vì thế nên chúng không chú ý đến cử động nhỏ và quá nhanh như thế.

Không thấy hắn rút kiếm, chỉ thấy ánh thép lóe lên, ánh thép thật ngắn và tắt ngay.

Không kịp chớp mắt, từ lúc Độc Nhãn Long ngầm ra hiệu cho đến khi hai tên áo vàng xả kiếm xuống đầu Đức Uy và sau chót là hai bàn tay và hai thanh kiếm nằm dưới đất, tất cả chỉ như một cái chớp trong đêm mưa, người ta chỉ thấy nhoáng lên, người ta biết có chuyện xảy ra nhưng không rõ là chuyện gì.

Và khi cái chớp tắt nhanh thì chuyện đó bày ra trước mắt.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.