Cô Gái Mãn Châu

Chương 31: Chương 31: Tìm người cứu vãn Tử Kim Đao




Hồi lâu, như không có cách nào hơn, Lý Đức Uy ngẩng mặt lên hỏi :

- Dương tiểu muội có luyện võ công, chắc có nghe “Tử Kim Đao”?

Mẫn Tuệ gật đầu :

- Có, “Tử Kim Đao” Bạch Trường Không chớ gì?

Lý Đức Uy gật đầu :

- Đó là vị tiền bối mà năm xưa cùng đứng ngang hàng với nghĩa phụ của tôi trong danh vị võ lâm, cũng là người đã có công nhiều trong việc bảo vệ giang sơn nhà Minh của chúng ta.

Mẫn Tuệ gật gật :

- Tiểu muội biết rồi, nhưng chẳng hay người này là chi của “Tử Kim Đao”?

Lý Đức Uy thở dài :

- Là hậu nhân của “Tử Kim Đao”.

Dương đô đốc gật đầu :

- Hậu nhân của “Tử Kim Đao” thảo nào võ công lại chẳng cao nhưng “Tử Kim Đao” Bạch Trường Không vốn là người cương trực, năm xưa có giúp nhiều cho triều đình, nhưng sau đó không chịu nhận tước, ông ta trao trả ấn phong và hình như muốn thối xuất giang hồ, đưa cả gia đình ra quan ngoại ẩn cư tại Hồi Hồi bảo. Sau này người con là Bạch La Hán ở với bà nội vì sợ vợ chồng Bạch Trường Không đã sớm qua đời.

Nhưng không biết sao bọn Mãn Châu biết được, sanh cầm tổ mẫu của Bạch La Hán buộc hắn phải vì chúng mà hành động.

Dương đô đốc gật gù :

- Thảo nào hắn chẳng cố xâm nhập Đô đốc phủ.

Lý Đức Uy lắc đầu :

- Xâm nhập Đô đốc phủ thì lại không phải vì bọn gián điệp Mãn Châu mà vì Bạch Liên giáo.

Hắn thuật lại mọi sự đầu đuôi và hỏi nhóng :

- Lão bá thấy nên đối phó với hắn ra sao?

Dương đô đốc nói :

- Nếu Bạch Liên giáo dùng được người này lâu dài thì tai họa không sao lường được. Nhưng dầu sao hắn cũng là bậc nhân tài và lại là hậu nhân của “Tử Kim Đao”, chúng ta không thể đặt hắn vào tử địa.

Mẫn Tuệ nói :

- Lý huynh hỏi như thế thì chắc chắn đã có kế hoạch hay?

Dương đô đốc nhướng mắt :

- Sao? Đức Uy? Có cách nào cứu vãn được không?

Lý Đức Uy lắc đầu :

- Bây giờ tâm thần của La Hán đã tán loạn lý trí đã bị khống chế, tiểu điệt không có biện pháp chi. Tuy nhiên, tiểu điệt vẫn thấy và hy vọng một biện pháp mà tiểu điệt nghĩ rằng đó là biện pháp duy nhất có thể cứu được.

Dương đô đốc nói :

- Nếu có biện pháp là hay rồi, cho dầu phải dốc toàn lực để cứu vãn, lão phu cũng nguyện sẽ vì ích lợi chung, vì một nhân tài mà cố gắng.

Đúng là một khẩu khí của vị quan minh chánh và thức thời, cứu vãn được La Hán là cứu vãn được tình hình rối rắm, thêm được người tài giỏi và cũng trọn tình, câu nói “dốc toàn lực” của ông ta là câu nói nhiệt tình.

Lý Đức Uy nói :

- Trong câu chuyện thuật về La Hán, lão bá nhớ tiểu điệt có đề cập Triệu Nghê Thường?

Dương đô đốc gật đầu :

- Người sau cùng trong “Tứ phượng” của Bạch Liên giáo đó phải không?

Đức Uy gật đầu :

- Vâng, chính là người con gái ấy.

Dương đô đốc gật gù :

- Người con gái đó đang gọi là một đóa hoa sen trong chỗ ao tù, sự trong trắng của nàng bùn hôi không nhiễm được. Nhưng sao? Lý hiền điệt muốn nhờ nàng giải trừ sự khống chế của Bạch Liên giáo đối với La Hán à?

Lý Đức Uy lắc đầu :

- Không, theo tiểu điệt biết thì sự mê hoặc của Bạch Liên giáo không phải là nguyên nhân chính làm cho La Hán loạn tâm, mà chính vì sự khủng hoảng qua cái chết tức tưởi của người tổ mẫu, chính hắn muốn hủy hoại đời mình đi đến chỗ gần như điên loạn.

Mẫn Tuệ chen vào :

- Đúng rồi, Lý huynh muốn đem cái thâm tình của nàng để cứu vãn được người yêu.

Về phương diện tình ái, quả thật người con gái có nhiều sáng ý nhạy cảm hơn ai hết.

Đức Uy khẽ liếc nàng và gật đầu :

- Đúng rồi, chính ngu huynh nghĩ thế và chỉ có thế mới mong đem La Hán ra khỏi vùng sa đọa.

Dương đô đốc cau mày :

- Có thể dùng biện pháp đó sao?

Mẫn Tuệ cười :

- Chữ tình rất có thể làm cho người nương vào đó mà sống, nhưng cũng có thể vì nó mà chết mà lực của nó không gì lớn bằn.g biết bao kẻ đã vì nó mà hoan ca, cũng biết bao nhiêu người đã vì nó mà thống khổ, từ ngàn xưa cho đến bây giờ, nếu là phạm nhân không ai có thể thoát được mối dây oan nghiệt mà hân hoan tiếp nhận đó cả.

Dương đô đốc gật đầu :

- Hay lắm, có thể lắm. Đức Uy, Nghệ Thường bây giờ ở đâu? Nếu nàng không khứng đến đây thì lão phu có thể thân tự đến nhờ nàng.

Đức Uy lắc đầu :

- Không dám giấu lão bá, sau khi biến cố xảy ra, chính tiểu điệt cũng không tìm được.

Dương đô đốc sửng sốt :

- Sao? Nàng không có chỗ ở nhứt định sao?

Lý Đức Uy đáp :

- Lần sau cùng là nàng ở chung với La Hán tại khách điếm, nhưng sau khi La Hán bỏ đi thì nàng cũng mất luôn.

Dương đô đốc nói :

- Hay là mình cứ đến khách điếm dọ tin.

Đức Uy lắc đầu :

- Không đâu, sau khi La Hán vì khung hoảng bỏ đi, nàng cũng không còn tâm tình nào ở lại, có thể nàng đi tìm La Hán, nhưng bây giờ thì không biết ở đâu.

Mẫn Tuệ chắc lưỡi :

- Thật là một chuyện quá thương tâm.

Dương đô đốc chợt nhớ ra, ông ta nói :

- Hay là nhờ “Cùng Gia bang”? Anh em đã tin tức nhanh lắm mà.

Đức Uy áo não :

- Đúng rồi, nếu nhờ “Cùng Gia bang” thì nhất định tìm ra nhưng bây giờ thì Phân đường tại Trường An đâu còn có mấy người? Trong khi Phân đường chủ Vân Tiêu đang mang thương không người điều động.

Dương đô đốc chắc lưỡi làm thinh, nhớ tới thâm cảnh của “Cùng Gia bang” tại Trường An ông cảm thấy mình nhiều trách nhiệm.

Hồi lâu, ông quay qua nói với con gái :

- Mẫn Tuệ, con có thể thử xem được không?

Mẫn Tuệ cười :

- Chuyện đó phải biết rõ niên cảnh chớ cha, Lý huynh cũng đâu đã chắc biết được điều đó về nàng.

Đức Uy nhướng mắt :

- Dương hiền muội biết qua Dịch Sổ sao?

Mẫn Tuệ đáp :

- Chỉ biết qua trong thời gian học tập chung với Công chúa trong cung.

Dương đô đốc trầm ngâm :

- Bây giờ phải làm sao?

Đức Uy nói :

- Cách duy nhất là tiểu điệt phải cố gắng đi tìm.

Dương đô đốc gật đầu :

- Hy vọng chỉ còn cách đó.

Đức Uy đứng dậy.

- Tiểu điệt phải đi ngay, sớm tìm ra Nghệ Thường là sớm tránh được nhiều máu đổ...

Dương đô đốc áy náy :

- Đức Uy, đêm hôm tăm tối...

Đức Uy cười :

- Hành động trong giang hồ đã quen, đâu có phân biệt đêm hay là ngày, xin lão bá yên tâm.

Hắn vòng tay và quay trở ra cửa.

Mẫn Tuệ đứng lên :

- Tiểu muội xin đưa Lý huynh một đoạn...

Đức Uy khoát tay :

- Hiền muội hãy xem chừng giùm Phân đường chủ, ngu huynh phải đi gấp lắm.

Mẫn Tuệ đứng nhìn theo và thở ra :

- Anh ấy đi nhanh quá..

Dương đô đốc hỏi :

- Con thấy Đức Uy như thế nào?

Mẫn Tuệ đáp :

- Là truyền nhân của Bố Y Hầu thì đâu có kém được cha.

Dương đô đốc đứng nhìn con mình và đôi mắt ông ta vụt sáng lên...

Từ ngày hiền nội trợ qua đời, vì việc binh, vì muốn cho con khỏi điều khó khăn, ông ta không muốn tục huyền, ngày nay...

Ông ta thở dài, ông ta nghĩ đến ngày mai binh cách, nhưng đồng thời ông ta cũng có hơi vui mừng khi nghĩ đến Đức Uy...

Hắn là một thanh niên giàu nghị lực mà cũng giàu tình cảm, ông ta hy vọng con gái mình sẽ có nơi nương tựa, trước tình hình nghiêm trọng của đất nước, thật tình ông cũng không dám chắc mình sẽ bảo bọc được con...

* * * * *

Đêm vẫn còn khuya.

Sương giăng một màn đặc mờ trong bầu trời tối sẫm.

Đêm thật vắng không nghe thấy một tiếng động nào.

Nghệ Thường nhìn ngọn đèn tàn già phân nửa, nàng nhìn trân trối.

Nàng vẫn ngồi dựa trong góc tường, trên người nàng choàng chiếc áo của Lệ Tam Tuyệt.

Hắn trao cho nàng khi thấy đêm về khuya lạnh lẽo và nàng cũng không buồn từ chối.

Nàng đang dồn tâm trí về cách thoát thân để tìm La Hán, nàng không câu nệ tiểu tiết đó.

Lệ Tam Tuyệt nhìn nàng gần như không chớp mắt.

Trong ánh mắt của hắn có nhiều điểm khác nhau, nửa như thương xót, nửa như thèm khát...

Thật ra, không trách gì hắn, bất cứ ở một thanh niên nào, giữa đêm trường canh vắng, đối diện với một cô gái đương xuân như thế, làm sao chế ngự được những gì háo hức?

Trong trường hợp nhất định đó với con người như Lệ Tam Tuyệt, công bình mà nói thái độc đó khá đường hoàng.

Hắn nói :

- Đêm đã khuya rồi, cô hãy nghỉ đi.

Nghệ Thường làm thinh.

Hắn nói tiếp :

- Tôi đã nói, tôi không hề có ý làm hại đến cô.

Nghệ Thường không nhìn hắn, nhưng giọng nàng bớt phần hằn học :

- Tôi biết nếu ông muốn làm hại tôi thì tôi cũng không chống cự nổi và đã làm hại lâu rồi, nhưng tôi không buồn ngủ.

Nàng không muốn hằn học, thật tâm nàng rất hy vọng thái độ đương tốt không nguy hiểm của Lệ Tam Tuyệt được kéo dài hơn.

Nàng có phần sợ hắn biến tánh bất thường.

Đúng như hắn nói, nàng chưa muốn chết, nàng không tuyệt vọng, nàng còn La Hán.

Vì thế lời lẽ và thái độ của nàng hoà hoãn, tuy không tỏ ra xuống nước nhưng cũng không gay gắt.

Vì nàng rất biết, trong trường hợp này, hằn học, gay gắt là vô ích mà còn bất lợi.

Lệ Tam Tuyệt nói :

- Cô ngồi cả ngày rồi, đêm mà không ngủ được thì chịu sao nổi?

Nghệ Thường hỏi :

- Ông sợ tôi không chịu nổi, thế sao ông không thả tôi đi?

Lệ Tam Tuyệt lắc đầu :

- Không tôi không thể thả cô đi. Ngoài việc không thả cô đi, bất cứ chuyện gì khác, tôi đều có thể vì cô mà làm được.

Nghệ Thường nói :

- Tôi không có chút cảm tình với ông hết, ông cứ giữ mãi tôi như thế này thì có...

Lệ Tam Tuyệt chận nói :

- Tôi biết cô không yêu tôi, nhưng tôi vẫn yêu cô, tôi muốn cô ở với tôi, ở gần tôi đến suốt đời.

Nghệ Thường nói :

- Đối với ông tôi không có một chút cảm tình, mãi mãi không bao giờ nảy sanh được cảm tình. Gần một người như tôi thì ông đâu có ích lợi gì?

Lệ Tam Tuyệt lắc đầu :

- Tôi không cần gì cả, tôi cũng không cần suy nghĩ và tính toán, tôi chỉ biết rằng tôi yêu cô là đủ rồi. Tôi không thể không có cô cũng không thể không nhìn thấy cô. Tôi cảm thấy rằng tất cả những gì cũng đều hư không, bất luận đối với việc gì tôi cũng đều không có chút nào hứng thú, thế giới này đối với tôi là thế giờ chết, nếu không có mặt cô. Tôi lại rất mong cô nhìn tôi, cho dầu cái nhìn có chán ghét ghê tởm, tôi cũng cảm thấy được rằng tôi đang sống.

Nghệ Thường mấp máy đôi môi, nhưng lại làm thinh.

Lệ Tam Tuyệt hỏi :

- Cô muốn nói gì?

Nghệ Thường lắc đầu :

- Không có gì cả. Ông chắc chắn không muốn nghe. Mà nghe càng khó chịu, không nói là hơn.

Lệ Tam Tuyệt nói :

- Không sao, chỉ cần là tiếng nói của cô cho dầu đó là tiếng chửi, tôi cũng vẫn thích nghe như thường.

Nghệ Thường gặn lại :

- Thật thế à?

Lệ Tam Tuyệt gật :

- Thật chớ, tôi nói với cô thì không bao giờ nói dối.

Nghệ Thường nói :

- Đã thế thì tôi xin cho biết rằng câu nói mà ông nói vừa rồi tôi nghe phát buồn nôn, thật là ghê tởm!

Quả thật, sắc diện của Lệ Tam Tuyệt trơ trơ, không có gì tỏ ra khó chịu sau câu nói ấy, hắn nói, nói thản nhiên :

- Nếu cô không thích nghe thì từ đây về sau tôi sẽ tránh không nói nữa.

Nghệ Thường hỏi :

- Ông chịu nổi,ông không tức giận sao?

Lệ Tam Tuyệt đáp :

- Câu nói đó từ cửa mịeng một người khác, thì trước nhất tôi sẽ cắt lưỡi của người đó, rồi sau là giết luôn, nhưng với cô thì khác. Cô có thể mắng nhiều hơn nữa. Không hiểu tại sao, nghe cô mắng tôi lại thấy thích thú vô cùng, không nghe khó chịu một chút gì cả.

Nghệ Thường vốn muốn tìm cách nói khích để chọc cho Lệ Tam Tuyệt tự ái, đối với con người này, rất có thể khi hắn tự ái thì nàng mới có hy vọng thoát thân, nhưng bây giờ thì cái cách duy nhất ấy cũng vô hiệu quả, nàng thất vọng thở dài :

- Ông đối với tôi như thế, tôi e rằng có ngày tôi không chịu nổi, tôi sẽ phải tự sát.

Lệ Tam Tuyệt lắc đầu :

- Tôi biết cô không khi nào tự sát, tôi không làm cho cô giận, tôi không hại cô, nhứt định cô không khi nào làm chuyện đó vì cô còn muốn gặp La Hán, khi nào tên tiểu tử còn sống thì cô còn hy vọng, còn hy vọng là không khi nào cô tự sát, cô còn bảo trọng thân cô để rồi còn gặp hắn.

Nghệ Thường nói :

- Ông nói đúng, nhưng cũng phải có một tia hy vọng nào đó, nếu không, nếu không có một chút hy vọng nào cả thì tôi sống làm chi? Nếu không có một chút hy vọng gặp lại anh ấy thì nhứt định tôi sẽ tự tử.

Khoảng giữa chân mày của Lệ Tam Tuyệt vùng tối lại, sát khí trào lên :

- Hắn đã làm cho tôi ghen tức, hắn làm cho tôi thống hận...

Nghệ Thường nói :

- Thế nhưng ông không thể hại hắn được, nếu ông hại hắn thì tôi sẽ...

Sát khí của Lệ Tam Tuyệt tan ngay, hắn nói :

- Không, tôi không giết hắn, tôi chỉ làm cho hắn không thể gần được cô. Ít nhứt, khi tôi còn sống, cô không khi nào chết được, tôi cũng làm cho cô còn hy vọng về với hắn, hy vọng còn được gần hắn.

Quả đúng là một thứ “tình” kỳ cục. Cái tình của Lệ Tam Tuyệt không ai có thể phân tách, giải thích được.

Cứ nói lòng vòng như thế, rõ ràng hắn cúi cùng rồi cũng chẳng được gì cả.

Làm cho Nghệ Thường không hy vọng gặp được La Hán thì nàng sẽ chết, làm cho nàng còn hy vọng thì hắn đâu mong gì được nàng nghĩ tới? Nghĩa là đằng nào hắn cũng chẳng được gì cả, thế nhưng hắn lại làm. Giống y như người đi buôn biết trước mình không có lời mà còn lỗ vốn thế mà vẫn bỏ vốn ra để đi buôn!

Nghệ Thường gật đầu :

- Đúng rồi, chỉ cần còn một chút hy vọng, thì không khi nào ta chịu chết, không khi nào ta lại coi rẻ mạng sống của mình. Nhứt định là như thế.

Không biết Nghệ Thường đã nắm được chỗ yếu chắc chắn của Lệ Tam Tuyệt hay là nàng định đánh cây bài sanh tử, bởi vì câu nói của nàng có thể có hậu quả khác nhau, một là Lệ Tam Tuyệt sẽ không làm hại nàng, không tìm cách giết La Hán, nhưng cũng có thể có phản ứng thứ hai, nghĩa hắn sẽ làm liều, hắn chiếm nàng trước đã rồi sự việc ra sao cũng mặc. Vì trước sau gì rồi hắn cũng vẫn không được nàng, dại gì hắn không hưởng cái mà hắn có thể hưởng được, cái mà hắn đang có trong tay?

Thế nhưng hắn nói :

- Ngày nào tôi chết, ngày đó cô sẽ được trở về với La Hán vì thế cho nên tôi thấy cô nên tìm đủ mọi cách để giết tôi là hay hơn cả.

Nghệ Thường lắc đầu :

- Tôi không giết người, không thích giết người. Ông là một con người gian ác, ngày nào đó ông sẽ gặp phải người trừ ông, ông là con người bất lương, ngày nào đó nhứt định sẽ đụng phải người chân chính, hậu quả của nó ông biết rồi chớ?

Lệ Tam Tuyệt nói :

- Thiếu gì, cứ bước ra đường là gặp hạng người mà cô gọi là chính phái thiện lương đó, nhưng chỉ có điều là họ không giết được tôi.

Nghệ Thường nghiến răng :

- Đi đêm mãi là phải có ngày gặp ma? Thế không? Không sớm thì muộn mà thôi.

Lệ Tam Tuyệt nói :

- Đó đã thành câu tục ngữ, thế nhưng đâu có ai biết tới đâu là sớm hay muộn, có thể nó sẽ “muộn” đến cái mức tôi già chết mấy đời cũng chưa gặp được mà. Nhưng nếu may mà gặp được, chết được thì cái chết đó kể ra cũng đáng chớ đâu có gì phải tiếc.

Nghệ Thường hết lời.

Gặp phải một con người như Lệ Tam Tuyệt chẳng những Nghệ Thường mà cho dầu bất cứ ai cũng phải chịu thua.

Mắng hắn không giận, nói khích hắn cũng trơ trơ, nguyền rủa hắn cũng chẳng ngán, không có lời lẽ nào có thể lay chuyện được.

Nghệ Thường cảm nghe như trái tim mình bị vật gì trì xuống. Khó có hy vọng dùng lời lẽ với hắn được rồi.

Ngay lúc đó, ánh mắt của Lệ Tam Tuyệt vụt lóe lên, hắn với tay bóp tắt ngọn đèn.

Nghệ Thường giựt mình, nàng hỏi :

- Có người đến, phải không?

Ánh sáng lại được thắp lên Lệ Tam Tuyệt nói :

- Cô đừng vội mừng, người đến là chủ nhân của tôi.

Nghệ Thường ngạc nhiên :

- Tại sao ông biết?

Lệ Tam Tuyệt đáp :

- Bước chân của chủ nhân tôi, tôi nghe đã mười mấy năm nay rồi sao lại không biết?


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.