Điều quan trọng không phải là những cú đòn bạn tung ra mà là những thứ bạn phải nhận và chống đỡ để tiến lên.
Randy PAUSCH
Cabo San Lucas
Khách sạn La Puerta del Paraíso
Phòng 12
Một tia sáng ban ngày lọt vào qua những tấm rèm. Billie mở hé mắt, ngáp dài và uể oải vươn mình. Chiếc đồng hồ báo thức điện tử chỉ hơn chín giờ. Cô trở mình trên tấm đệm. Cách đó vài mét, Tom nằm co quắp, say sưa ngủ trên một chiếc giường khác. Mệt nhoài, mình mẩy thì đau nhức, họ đến khách sạn vào giữa đêm. Chiếc scooter cũ kỹ của Pablo tắc tị khi còn cách điểm đến cả chục cây số, họ buộc phải cuốc bộ nốt hành trình tới địa điểm nghỉ mát và cãi vã nhau suốt hàng giờ đồng hồ trên đường đi.
Mặc chiếc quần lót và áo hai dây, Billie nhảy khỏi giường rồi rón rén đi về phía tràng kỷ. Ngoài hai chiếc giường cỡ lớn, căn phòng còn có một lò sưởi trung tâm và một phòng khách rộng rãi, bài trí bằng những đồ gỗ Mêhicô kiểu cổ pha lẫn với những món đồ công nghệ: màn hình phẳng, đầu đĩa, wifi... Rùng mình vì lạnh, cô gái khoác lên người chiếc áo vest của Tom rồi đi ra ngoài qua cửa sổ sát đất.
Vừa bước ra bên ngoài, cô đã choáng ngợp. Đêm qua, vẫn còn tức giận và quá mệt mỏi nên khi tới khách sạn họ đi ngủ ngay, không có thời gian mà tận hưởng khung cảnh. Nhưng sáng nay thì...
Billie bước ra khoảng sân hiên ngập tràn ánh nắng. Từ đây, cô có thể bao quát toàn bộ phần nhô ra của bán đảo Baja, điểm gặp gỡ kỳ diệu giữa Thái Bình Dương và biển Cortés. Cô đã bao giờ được chiêm ngưỡng một khung cảnh say đắm lòng người đến thế này chưa? Theo như cô nhớ thì hẳn là chưa. Cô chống khuỷu tay lên lan can, khẽ mỉm cười và đôi mắt ánh lên lấp lánh. Phía trước rặng núi, hàng trăm ngôi nhà nhỏ nằm kề sát nhau hài hòa chạy dọc theo một bãi biển cát trắng, đẫm mình trước đại dương xanh thẳm. Cái tên của khách sạn - La Puerta del Paraíso - hứa hẹn cánh cửa mở ra thiên đường. Quả thật là cũng chẳng còn xa nữa...
Cô tiến lại gần chiếc kính viễn vọng đặt trên giá dành cho những ai tập tành làm nhà thiên văn học nhưng thay vì quan sát bầu trời hay rặng núi, cô lại hướng kính về phía bể bơi khách sạn. Nằm trên ba tầng khác nhau là những chiếc bể lớn, ngập tràn nước, xuống đến tận bãi biển và trông như hòa lẫn vào với biển.
Nổi lên giữa làn nước là những căn lều nhỏ được thuê riêng dành cho những beautiful people ra tắm nắng dưới mái lá.
Mắt dán chặt vào ống kính, Billie như mê đi:
Anh chàng với chiếc mũ phớt kia trông giống hệt Bono! Còn quý bà tóc vàng ngồi cùng mấy đứa trẻ kia giống Claudia Schiffer đến kỳ lạ! Cô nàng tóc nâu nổi loạn, xăm từ đầu đến chân cùng mái tóc búi cao kia, lạy Chúa, đó chính là...
Cô cứ mải mê ngắm nghía như vậy một lúc, cho tới khi một cơn gió nhẹ ùa đến, cô liền ra ngồi cuộn mình trong một chiếc ghế bành bằng mây đan. Khi xoa xoa hai vai cho nóng người lên, cô thấy có gì đó trong túi trong áo vest. Đó là ví của Tom. Một chiếc ví kiểu cũ rất dày, bằng da ráp và cắt góc. Tò mò, cô mở ngay ví ra, không hề đắn đo. Chiếc ví căng phồng toàn tiền mặt nhận được khi đem cầm bức tranh. Nhưng cô không để ý đến tiền. Cô lại thấy bức ảnh của Aurore mà cô đã nhìn thấy hôm trước. Cô lật mặt sau và thấy dòng chữ phụ nữ:
Tình yêu với em là khi anh biến thành con dao để em đâm sâu vào lòng mình.
A
Ôi giời, một câu nói hẳn đã được cô nàng nghệ sĩ dương cầm chép lại từ đâu đó. Một kiểu tự coi mình trung tâm, làm ra vẻ day dứt và đau đớn để biến cô ta thành kẻ lãng mạn cổ điển.
Billie cất tấm ảnh vào chỗ cũ rồi tiếp tục xem xét. Chẳng có gì nhiều: thẻ tín dụng, hộ chiếu, hai viên Advil. Chỉ có thế. Vậy sao ở phía đáy ví lại phồng lên như thế này? Cô xem xét chiếc ví kỹ hơn thì phát hiện ra một dạng lớp lót may bằng chỉ thô.
Ngạc nhiên, cô lấy kẹp tóc tách đường chỉ ra. Sau đó cô lắc lắc chiếc ví và một vật bằng kim loại sáng loáng rơi vào lòng bàn tay cô.
Đó là một vỏ đạn.
Đột nhiên tim cô đập thình thịch. Nhận ra mình vừa mới xâm phạm một bí mật, cô vội vàng nhét vỏ đạn vào đáy lớp lót. Và cô cảm thấy ở đó còn một vật nữa. Đó là một tấm ảnh cũ đã ố vàng và hơi mờ. Trong ảnh là một đôi trai gái đang ôm ghì lấy nhau trước một hàng rào chấn song bao quanh những tòa nhà bê tông. Cô dễ dàng nhận ra Tom, đoán rằng khi ấy anh chưa đến hai mươi tuổi. Cô gái còn trẻ hơn, rõ là chỉ khoảng mười bảy hoặc mười tám. Đó là một cô gái đẹp đúng kiểu Nam Mỹ. Dáng người cao lớn, thanh mảnh, cô có đôi mắt sáng tuyệt đẹp, đập vào mắt người xem dù cho bức ảnh đã cũ. Nhìn vào dáng họ có thể đoán ra chính cô gái đang cầm máy tự chụp.
- Này, cô tự tiện quá đấy!
Billie giật nảy mình, đánh rơi bức ảnh. Cô quay lại và...
o O o
Khách sạn La Puerta del Paraíso
Phòng 24
- Này, cậu tự tiện quá đấy! một giọng hét lên.
Mắt dán vào kính viễn vọng, Milo đang ngắm cơ thể nuột nà của hai cô nàng gần như ở trần nằm tắm nắng bên bể bơi thì Carole ùa ra sân hiên. Anh giật nảy mình quay lại thì thấy cô bạn đang nhìn mình đầy nghiêm khắc:
- Tớ báo cho cậu biết cái kính đó là để ngắm sao Tiên Hậu và Lạp Hộ chứ không phải để thỏa mãn con mắt của cậu!
- Có thể hai cô nàng ấy cũng tên là Tiên Hậu và Lạp Hộ, anh nhận xét rồi đưa tay chỉ hai cô nàng hấp dẫn kia.
- Cậu đừng tưởng thế là hay lắm...
- Nghe này Carole: cậu chẳng phải vợ cũng chẳng phải mẹ tớ! Vả lại, làm sao mà cậu vào được phòng tớ?
- Tớ là cảnh sát, anh bạn ạ! Cậu đừng tưởng cánh cửa phòng khách sạn vớ vẩn này có thể cản được tớ... cô nói rồi vứt một chiếc túi vải xuống ghế mây.
- Tớ thì tớ gọi thế là xâm phạm đời tư!
- Vậy thì gọi cảnh sát đi.
- Cậu cũng vậy, cậu đừng tưởng thế là hay lắm.
Mếch lòng, anh nhún vai và chuyển chủ đề:
- Tớ đã kiểm tra lại ở quầy lễ tân rồi. Tom đã thuê phòng cùng với “cô bạn gái”.
- Tớ biết, tớ đã điều tra: phòng 12, hai giường riêng biệt.
- Cậu chắc là hai giường riêng biệt chứ?
Cô thở dài:
- Hỏi thế thì cậu thật quá ngốc đấy.
- Thế còn Aurore? Cậu có điều tra về cô ta không?
- Dĩ nhiên! cô nói rồi cũng tới gần chiếc kính viễn vọng, hướng ống kính về phía bờ biển.
Cô chăm chú quan sát bãi cát mịn trải dài nơi những con sóng trắng xóa lướt qua.
- Và nếu thông tin của tớ chính xác thì giờ này Aurore đang ở... đúng chỗ này.
Cô cố định hướng kính để Milo có thể nhìn.
Quả thật, trong bộ đồ bơi sexy, Aurore xinh đẹp đang phóng mô tô lướt sóng cùng Rafael Barros.
- Anh chàng này cũng không tồi, phải không? Carole hỏi rồi lấy lại vị trí quan sát.
- Vậy sao? Cậu... cậu thấy thế nào?
- Cần phải biết nhìn chứ! Cậu có thấy bờ vai vuông vức cùng thân hình lực sĩ của anh ta không? Anh chàng này có khuôn mặt của một tài tử và vóc dáng một vị thần Hy Lạp!
- Thôi được rồi! Milo gắt lên rồi đẩy Carole ra, chiếm lấy kính viễn vọng. Tớ tưởng cái này là để quan sát Lạp Hộ và Tiên Hậu chứ...
Cô thoáng nở một nụ cười trong khi anh tìm cho mình một nạn nhân mới để rình mò.
- Cô nàng tóc nâu hết sức bốc lửa với bộ ngực giả còn cái búi tóc kiểu rock’n’roll kia là...
- Phải, là cô ta đấy! Carole cắt ngang lời anh. Khi nào cậu thôi bỡn cợt thì làm ơn nói tớ biết chúng ta làm thế nào để trả tiền khách sạn đây?
- Tớ cũng chẳng biết nữa, Milo buồn bã thú nhận.
Anh rời mắt khỏi món “đồ chơi” của mình rồi nhấc cái túi thể thao của Carole đang để trên ghế và ngồi xuống trước mặt cô.
- Cái thứ này nặng đến cả tấn. Có gì trong đó thế?
- Một thứ tớ mang tới cho Tom.
Anh cau mày, ý muốn cô giải thích thêm.
- Sáng qua, trước lúc tới chỗ cậu, tớ đã qua nhà cậu ấy. Tớ muốn qua lục lọi xem có tìm được dấu vết gì nữa không. Tớ lên phòng cậu ấy và cậu biết không, bức tranh của Chagall đã biến mất!
- Khỉ thật...
- Cậu có biết là có một chiếc két sắt được giấu đằng sau bức tranh không?
- Không.
Trong một thoáng, Milo lại le lói tia hy vọng. Có thể Tom có những khoản tiết kiệm bí mật và nó sẽ giúp họ trang trải được một phần nợ nần.
- Tớ tò mò quá nên đã thử vài mã khóa...
- Và cậu đã mở được cái két, anh đoán.
- Phải, khi thử dãy số 07071994.
- Làm sao cậu đoán ra? anh mỉa mai. Ý tưởng xuất thần à?
Cô không muốn tiếp tục châm chọc.
- Đó đơn giản là ngày sinh nhật thứ hai mươi của cậu ấy: ngày mùng 7 tháng Bảy năm 1994.
Nhắc đến chuyện này, Milo sa sầm mặt mày rồi khe khẽ hỏi:
- Lúc ấy, không có tớ ở đó, đúng không?
- Ừ... cậu đang ở tù.
Một thiên thần vụt qua phóng vài mũi tên sầu muộn vào trái tim Milo. Những bóng ma và lũ quỷ dữ vẫn luôn ở đó, sẵn sàng trỗi dậy ngay khi anh mất cảnh giác. Trong đầu anh, những hình ảnh đối lập chồng chéo lên nhau: khung cảnh xa hoa nơi khách sạn này và cảnh nhớp nhúa chốn ngục tù. Thiên đường của kẻ giàu và địa ngục của dân nghèo...
Mười lăm năm trước, anh đã bị giam chín tháng tại nhà tù dành cho phạm nhân nam Chino. Một chặng đường dài đen tối. Một cuộc thanh trừng đau đớn chấm dứt những năm tháng khủng khiếp của anh. Kể từ đó, bất chấp nỗ lực hòng làm lại cuộc đời của anh, cuộc sống vẫn luôn là một mảnh đất trơn trượt, bất ổn, chỉ chực vỡ vụn dưới mỗi bước chân anh còn quá khứ thì như một trái lựu đạn đã rút chốt, có thể khiến đầu anh nổ tung bất cứ lúc nào.
Anh chớp chớp mắt mấy lần để khỏi đắm chìm trong những ký ức giày vò tâm can.
- Được rồi, vậy trong két có gì? anh hỏi, giọng tỉnh bơ.
- Món quà tớ tặng cậu ấy dịp sinh nhật tròn hai mươi.
- Tớ xem được không?
Cô gật đầu.
Milo nhấc túi đặt lên bàn rồi kéo khóa.
o O o
Phòng 12
- Cô làm gì với đồ đạc của tôi thế hả? tôi hét lên rồi giật lấy chiếc ví từ tay Billie.
- Anh đừng tức giận.
Tôi khó nhọc lắm mới thoát khỏi trạng thái gần như hôn mê. Mồm miệng khô khốc, mình mẩy nhức mỏi, mắt cá chân đau đớn và cảm giác khó chịu như vừa trải qua một đêm trong máy giặt.
- Tôi căm ghét những kẻ tò mò, thóc mách! Cô đúng là có đủ mọi loại tật xấu trên đời này!
- À vâng, đúng rồi, và tóm lại thì do ai mà thế?
- Cuộc sống riêng tư rất quan trọng! Tôi biết cô chẳng bao giờ thèm đọc sách nhưng khi nào có nhã hứng cô làm ơn hãy liếc qua sách của Soljenitsyne. Ông ta đã viết một câu cực đúng: “Tự do của chúng ta được tạo dựng trên những gì người khác không biết về cuộc đời của chúng ta.”
- Phải rồi, chính xác đấy, và tôi chỉ muốn cân bằng lại cán cân thôi, cô ta cãi.
- Cán cân nào?
- Anh biết mọi thứ về đời tôi... Vậy nên tôi có tò mò một chút về đời anh thì cũng là chuyện bình thường, đúng không?
- Không, không bình thường! Chẳng có gì bình thường cả. Lẽ ra cô không nên rời khỏi thế giới tưởng tượng và tôi cũng chẳng nên theo chân cô tới đây làm gì.
- Sáng nay anh mới đáng yêu làm sao.
Tôi có nằm mơ không... Chính cô ta lại đang trách cứ tôi!
- Nghe này: có thể cô có tài xoay chuyển tình hình theo hướng có lợi cho mình, nhưng với tôi thì không ăn thua gì đâu.
- Cô gái này là ai? cô ta chỉ vào tấm ảnh và hỏi tôi.
- Đó là em gái giáo hoàng, câu trả lời đã vừa ý cô chưa?
- Chưa, anh chẳng biết đối đáp gì cả. Ngay cả trong sách, anh cũng chẳng dám.
Cô ta mới táo tợn làm sao!
- Đó là Carole, một cô bạn thời thơ ấu.
- Tại sao anh lại giữ ảnh cô ấy trong ví như một di vật thế này?
Tôi nhìn cô ta đầy tức giận và khinh bỉ.
- Ôi, mẹ kiếp! cô ta thốt lên rồi rời sân hiên. Vả lại tôi mặc xác cái cô Carole của anh!
Tôi nhìn vào tấm ảnh đã ố vàng viền khung trắng trên tay mình. Mấy năm trước, tôi đã khâu nó vào ví của mình nhưng chưa bao giờ xem lại.
Ký ức dần ùa về. Đầu óc tôi mụ đi đưa tôi về mười sáu năm về trước, Carole đang ở trong vòng tay tôi và hét lên với tôi:
- Thôi nào! Đừng ngọ ngoạy nữa, Tom! Cười lên nào!
Tách, brừưưư. Tôi như được nghe lại thứ âm thanh đặc trưng phát ra khi bức ảnh được đẩy ra từ máy ảnh chụp lấy ngay.
Tôi thấy mình đang chộp ngay lấy bức ảnh trước sự phản đối của cô ấy:
- Này! Cẩn thận chứ! Cậu sẽ chạm tay lên mặt ảnh mất, đợi nó khô đã!
Tôi thấy cô ấy đang đuổi theo mình trong khi tôi huơ huơ tấm ảnh cho mau khô.
- Xem nào! Xem nào!
Rồi sau đó là ba phút chờ đợi diệu kỳ, trong lúc ấy, cô ấy tựa vào vai tôi, mong ngóng hình ảnh từ từ hiện ra trên giấy và nụ cười rạng ngời của cô ấy khi thấy kết quả cuối cùng!
o O o
Billie đặt một khay đồ ăn sáng lên mặt bàn bằng gỗ tếch.
- OK, cô ta thừa nhận, lẽ ra tôi không nên lục lọi đồ đạc của anh. Tôi đồng ý với cái ông Soljé-khỉ-gió của anh: mọi người đều có quyền có bí mật.
Tôi bình tĩnh lại và cô ta cũng dịu xuống. Cô ta rót cho tôi một tách cà phê; tôi phết bơ vào bánh cho cô ta.
- Hôm đó đã xảy ra chuyện gì vậy? cô ta hỏi tôi sau một lúc im lặng.
Tuy nhiên trong giọng cô ta không còn cái vẻ tò mò, thóc mách nữa. Có thể cô ta chỉ nghĩ rằng dù bề ngoài là thế nhưng tôi hẳn vẫn cần chia sẻ với cô ta về quãng đời ấy.
- Hôm đó là sinh nhật tôi, tôi bắt đầu. Sinh nhật lần thứ hai mươi...
o O o
Los Angeles
Khu MacArthur Park
7 tháng Bảy 1994
Mùa hè năm ấy nóng khủng khiếp. Cái nóng hủy hoại mọi thứ và biến thành phố thành chảo lửa. Trên sân bóng rổ, ánh nắng mặt trời đã làm biến dạng mặt sân nhựa đường nhưng không ngăn nổi khoảng chục gã trai cởi trần tự coi mình là Magic Johnson đang say sưa với rổ bóng.
- Này, Mr Freak[1]! Cho bọn tao xem mày làm được gì nào?
Tôi thậm chí còn chẳng ngẩng lên. Vả lại tôi cũng chẳng nghe thấy gì. Tôi mở máy nghe nhạc to hết cỡ. Đủ để tiếng beat và tiếng bass át được những lời nhục mạ. Tôi đi dọc theo hàng rào lưới sắt tới tận chỗ bãi đỗ xe nơi có độc một bóng cây rậm lá. Đó chẳng phải là một phòng đọc sách mát mẻ gì nhưng còn hơn là đứng chơ vơ mà đọc. Tôi ngồi xuống đám cỏ khô, dựa lưng vào thân cây.
Tôi đắm chìm trong không gian âm nhạc của riêng mình. Tôi nhìn đồng hồ: một giờ chiều. Vẫn còn nửa tiếng nữa mới tới giờ bắt xe buýt để đến Venice Beach bán kem trên lối đi ven biển. Đủ thời gian đọc vài trang trong tuyển tập chọn lọc các tác phẩm mà cô Miller, một giáo viên trẻ dạy văn ở trường, khuyên tôi nên đọc. Cô Miller khá giỏi và có tư tưởng đổi mới. Trong túi xách lộn xộn của tôi có Vua Lear của Shakespeare, Dịch hạch của Albert Camus, Trong lòng núi lửa của Malcolm Lowry và một nghìn tám trăm trang bốn tập Bộ tứ Los Angeles của James Ellroy.
Trong máy nghe nhạc của tôi là những lời hát rầu rĩ trong album mới nhất của REM. Rồi rất nhiều nhạc rap nữa. Thời ấy là những ngày vàng son của thể loại West Coast: flow của Dr Dre, Gansta Funk của Snoop Doggy Dogg và cơn giận của Tupac. Tôi vừa thích vừa ghét thể loại nhạc này. Đúng là phần lớn lời lẽ trong những bài hát này chẳng lấy gì làm cao sang: chúng ca tụng ma túy, chửi rủa cảnh sát, tình dục sống sượng, ngợi ca luật lệ của súng đạn và ô tô. Nhưng ít nhất, chúng cũng nói về cuộc sống thường nhật của chúng tôi và những gì xung quanh chúng tôi: về phố xá, khu ổ chuột, nỗi tuyệt vọng, cuộc chiến giữa các băng đảng, những tay cớm dữ tợn và những cô gái chửa hoang ở tuổi mười lăm rồi sinh con ngay trong nhà vệ sinh trường học. Và đặc biệt, trong các bài hát cũng như trong khu phố, ma túy có ở khắp mọi nơi và giải thích mọi thứ: quyền lực, cớm, bạo lực và cái chết. Hơn nữa, các rappeur còn tạo cho chúng tôi cảm giác họ cũng sống giống như chúng tôi: cũng lang thang dưới chân các tòa nhà, đọ súng với cớm, và nếu không thấy xuống phố thì chỉ có đang ngồi tù hoặc trong bệnh viện.
Tôi thấy Carole từ xa đi lại. Cô ấy mặc một chiếc váy sáng màu nên trông có vẻ thanh mảnh hơn. Nhưng đây không phải kiểu của cô ấy. Giống như bao cô gái khác trong khu này, cô ấy thường giấu vẻ nữ tính của mình dưới những bộ đồ thể thao, những chiếc áo thun có mũ, áo phông size XXL hay quần soóc của cầu thủ bóng rổ làm eo to gấp ba lần. Khoác trên vai một chiếc túi thể thao to tướng, cô ấy đi qua đám thanh niên, dửng dưng trước những lời chế giễu hay những câu nhận xét khiếm nhã để tới “ốc đảo màu xanh” của tôi.
- Chào Tom.
- Chào, tôi vừa nói vừa tháo tai nghe ra.
- Cậu đang nghe gì thế?
Chúng tôi quen nhau đã mười năm. Không kể Milo thì Carole là cô bạn duy nhất của tôi. Là người duy nhất (trừ cô Miller) tôi có thể thực sự chuyện trò. Sợi dây tình cảm gắn kết chúng tôi cũng là duy nhất. Nó còn hơn cả tình anh em. Hơn cả tình yêu nam nữ. Nó là một “thứ khác” mà tôi rất khó gọi tên.
Chúng tôi biết nhau đã lâu nhưng từ bốn năm nay, có điều gì đó đã thay đổi. Một ngày, tôi phát hiện ra rằng địa ngục và nỗi kinh sợ ngụ ngay trong nhà bên cạnh, cách phòng tôi chưa đến chục mét. Rằng cô gái tôi vẫn gặp mỗi sáng nơi cầu thang thực ra đã chết từ bên trong tâm hồn. Rằng nhiều tối, khi bị coi như một thứ đồ vật, cô ấy đã phải chịu đựng một nỗi đày đọa khủng khiếp. Rằng ai đó đã hút máu cô ấy, cuộc đời cô ấy, nhựa sống trong cô ấy.
Tôi chẳng biết làm gì giúp cô ấy. Tôi đơn độc. Tôi mới mười sáu, không tiền bạc, không băng đảng, không súng ống cũng chẳng cơ bắp. Chỉ có một bộ não và ý chí, nhưng như thế chưa đủ để chống lại sự ti tiện.
Vậy là, tôi làm điều mình có thể: tôn trọng lời yêu cầu của cô ấy. Tôi không báo với ai và tôi đã bịa ra một câu chuyện. Một câu chuyện không có hồi kết dõi theo hành trình của Dalilah - một cô gái giống cô ấy như hai giọt nước - và Raphael, vị thiên thần hộ mệnh dõi theo cô từ thuở ấu thơ.
Suốt hai năm, gần như ngày nào tôi cũng gặp Carole và mỗi ngày lại hứa hẹn một bước tiến mới trong câu chuyện của tôi. Cô ấy nói rằng thế giới tưởng tượng này là tấm khiên giúp cô ấy chống đỡ lại những thử thách của cuộc đời. Rằng các nhân vật của tôi cùng những cuộc phiêu lưu của họ đưa cô ấy vào một thế giới ảo, nó giúp cô ấy thoát khỏi thực tế.
Áy náy vì không giúp được Carole theo một cách khác, càng ngày tôi lại càng chuyên tâm vào tưởng tượng ra các cuộc phiêu lưu của Dalilah. Tôi dành phần lớn thời gian rảnh rỗi vào công việc này, tôi tạo ra một thế giới với bối cảnh như trong các bộ phim tại một Los Angeles huyền bí và lãng mạn. Tôi tìm đọc tư liệu, tìm kiếm các truyền thuyết, ngốn ngấu những cuốn sách cũ kỹ viết về ma thuật. Tôi thức thâu đêm để các nhân vật của mình được sống từng ngày, họ cũng phải đối mặt với những quãng đời đen tối và đớn đau.
Sau nhiều tháng ròng, câu chuyện của tôi dần phát triển, chuyển từ một truyện kể hoang tưởng thành một câu chuyện tiền đề có thể biến thành một trường ca thực thụ. Tôi đặt cả trái tim mình vào đó, tất cả những gì tốt đẹp nhất trong tôi, mà không mảy may hay rằng mười lăm năm sau nó sẽ khiến tôi trở nên nổi tiếng và sẽ được hàng triệu người đón đọc.
Đó là lý do tại sao giờ đây tôi gần như không bao giờ trả lời phỏng vấn, tại sao tôi cố hết sức tránh mặt các nhà báo. Bởi vì quá trình phôi thai của Bộ ba Thiên thần là một bí mật mà tôi chỉ muốn chia sẻ với duy nhất một người trên đời.
- Thế nào, cậu đang nghe gì thế?
Giờ đây Carole đã mười bảy. Cô ấy mỉm cười, cô ấy xinh đẹp, cô ấy lại đầy nhựa sống, sinh lực và dự định. Và tôi biết cô ấy nghĩ đó là nhờ tôi.
- Một bài của Prince do Sinéad O’Connor hát lại, cậu không biết đâu.
- Cậu đừng có đùa! Ai mà chẳng biết Nothing compares 2 U!
Cô ấy đứng trước mặt tôi. Bóng cô ấy nổi bật trên nền trời tháng Bảy:
- Cậu có muốn đi xem Forrest Gump ở rạp Cinerama Dome không? Tối nay khởi chiếu đấy. Hình nhưng cũng không tồi đâu...
- Thôi... tôi nói không mấy hào hứng.
- Vậy chúng ta có thể thuê phim Groundhog Day về xem hoặc là xem X-Files?
- Tớ không xem được, Carole, chiều nay tớ phải làm.
- Vậy thì... cô ấy lại bắt đầu.
Vẻ bí hiểm, cô ấy lục trong túi thể thao lấy ra một chai Coca rồi lắc lắc như thể đó là sâm banh.
- ...chúng ta phải chúc mừng sinh nhật cậu ngay lập tức.
Trước khi tôi kịp phản ứng, cô đã mở nắp chai rồi vẩy đầy Coca lên người và mặt tôi.
- Thôi đi! Cậu điên à?
- Thôi mà, nó là Coca không đường đấy, không làm cậu bẩn đâu.
- Ai mà tin được!
Tôi vừa lau mặt vừa làm ra vẻ tức giận. Tôi rất thích được nhìn thấy nụ cười và tâm trạng vui vẻ của cô ấy.
- Chẳng phải ngày nào người ta cũng tròn hai mươi tuổi nên tớ sẽ tặng cậu một thứ đặc biệt, cô ấy long trọng tuyên bố.
Một lần nữa cô ấy lại cúi xuống lục túi rồi chìa cho tôi một hộp quà to tướng. Mới nhìn qua tôi đã thấy gói quà được bọc rất cẩn thận và đúng là từ một cửa hàng “xịn”. Cầm nó trên tay, tôi thấy nó khá nặng và tôi hơi bối rối. Carole cũng không xông xênh gì hơn tôi. Cô ấy cũng làm thêm nhiều nhưng tiền tiết kiệm của cô ấy gần như được dành hết để đóng học phí.
- Thôi, mở ra đi nào, đồ ngốc! Đừng có đứng như trời trồng với gói quà trên tay nữa!
Trong hộp các tông là một vật vẫn chưa thể đoán biết. Một vật quý báu với kẻ cạo giấy như tôi. Còn hơn cả cây bút với Charles Dickens hay chiếc máy đánh chữ Royal với Hemingway: một chiếc PowerBook 540c, đỉnh của các loại máy tính xách tay. Hai tháng nay, mỗi lần đi qua trước quầy kính của Computer’s Club, tôi đều không cầm được lòng mà dừng lại ngắm nghía. Tôi thuộc lòng các tính năng của nó: bộ vi xử lý với tốc độ 33 Mhz, ổ cứng 500 Mo, màn hình LCD sống động, modem trong, pin ba tiếng rưỡi, thế hệ đầu tiên được trang bị chuột trackpad. Một công cụ làm việc vô song nặng hơn ba cân với giá... 5000 đô la.
- Cậu không thể tặng tớ thứ này được, tôi nói.
- Phải tin là có chứ.
Tôi rất cảm động và cô ấy cũng vậy. Đôi mắt cô ấy long lanh và hẳn là mắt tôi cũng thế.
- Đây không phải là một món quà, Tom ạ, mà là một trách nhiệm.
- Tớ không hiểu...
- Tớ muốn một ngày nào đó cậu sẽ viết ra câu chuyện của Dalilah và của Hội Thiên thần. Tớ muốn câu chuyện ấy mang lại những điều tốt đẹp cho mọi người, giống như nó đã mang lại cho tớ.
- Nhưng chỉ cần giấy và bút là tớ viết được!
- Có thể thế nhưng khi cậu nhận món quà này thì giống như cậu đã ký vào bản cam kết. Một cam kết với tớ.
Tôi không biết trả lời thế nào nữa.
- Carole, cậu lấy đâu ra tiền mà mua?
- Cậu không phải lo: tớ xoay xở được.
Sau đó là một khoảng lặng, chúng tôi không ai nói gì. Tôi rất muốn ôm cô ấy vào lòng, thậm chí hôn cô ấy, thậm chí nói rằng tôi yêu cô ấy. Nhưng cả tôi lẫn cô ấy, chúng tôi chưa ai sẵn sàng cho điều ấy. Vậy nên tôi chỉ hứa một ngày nào đó sẽ viết ra câu chuyện, vì cô ấy.
Để xua đi nỗi xúc động, cô ấy lục tìm một thứ cuối cùng trong cái túi lớn của mình: một chiếc máy ảnh Polaroid cũ. Cô ấy choàng tay qua eo tôi, đưa máy ảnh lên và vừa tạo dáng vừa bảo tôi:
- Thôi nào! Đừng ngọ ngoạy nữa, Tom! Cười lên nào!
o O o
Khách sạn La Puerta del Paraíso
Phòng 12
- Chà... Cái cô Carole ấy thật là kỳ lạ... Billie thì thầm khi tôi kể xong câu chuyện.
Mắt cô ta tràn đầy vẻ trìu mến và tình người, như thể cô ta mới gặp tôi lần đầu.
- Giờ cô ấy làm gì?
- Cảnh sát, tôi nói rồi nhấp một ngụm cà phê đã nguội ngắt.
- Thế còn cái máy tính?
- Ở nhà tôi, trong két sắt. Những bản phác đầu tiên của Bộ ba Thiên thần là tôi viết về cô ấy. Cô thấy đấy: tôi đã giữ lời.
Cô ta không để cho tôi được vừa ý:
- Nếu anh viết nốt tập ba thì mới là giữ lời. Có một số thứ bắt đầu thì rất dễ nhưng chúng chỉ có ý nghĩa thực sự khi người ta hoàn thành chúng.
Tôi định bảo cô ta đừng nói những lời sẽ khiến cô ta phải hối tiếc như vậy nữa thì có người gõ cửa phòng.
Tôi mở cửa mà không đề phòng gì, tin chắc đó là người phục vụ, hoặc nhân viên quét dọn nhưng thay vì thế...
Tất cả chúng ta hẳn đều đã trải qua cảm giác này: có những thời điểm gia ân được một vị kiến trúc sư tối cao dựng nên, vị kiến trúc sư ấy có thể dệt nên giữa vạn vật những mối gắn kết vô hình để mang đến cho chúng ta chính xác thứ chúng ta cần vào đúng thời điểm chúng ta cần:
- Chào cậu, Carole nói với tôi.
- Chào ông bạn, Milo nói. Vui vì được gặp cậu.
Chú thích
[1] Tiếng Anh trong nguyên bản: Ngài Quỷ sứ. (Chú thích của tác giả.)