Cổ Phật Tâm Đăng

Chương 27: Chương 27: Ba trẻ lên đường vào hồ Tuấn Mã




Còn Tâm Đăng trở về phòng thì không thấy Cô Trúc đâu, trên bàn chỉ lưu lại một mảnh giấy đề rằng :

“Tâm Đăng.

Ta chợt nhớ đến phải làm gấp một việc nên phải đi ngay, sáng ngày kia mới trở về, vậy trong hai hôm này mi có thể tự do đi đứng, nhưng cấm nghặt không được vào hồ Tuấn Mã, mọi việc phải chờ ta về quyết định.

Cô Trúc”.

Tâm Đăng lấy làm lạ, không biết Cô Trúc đột ngột ra đi có chuyện gì?

Ngồi xuống giường, Tâm Đăng thấy hơi ấm của Cô Trúc vẫn còn lưu lại và phảng phất đâu đây có một mùi rượu nồng nàn, chứng tỏ Cô Trúc đi chưa được bao lâu.

Đêm nay chàng mơ màng nhập mộng và trong những cơn mộng đó, chàng đã gặp lại Trì Phật Anh.

Sáng hôm sau, Tần Trường Sơn lại lần mò đến chỗ Tâm Đăng cư ngụ để tìm chàng trò chuyện.

Cùng đi với Tần Trường Sơn còn có Ngô Tiểu Thạch, sau khi hàn huyên, ba trẻ quyết định sẽ lén vào hồ Tuấn Mã để dò xem địa thế.

Thế là mặt trời vừa ửng nắng, ba trẻ cùng cất bước lên đường để đi vào hồ Tuấn Mã.

Cả ba người thiếu niên này trong lòng thảy đều hồi hộp, vì trong một khoảng thời gian ngắn ngủi nữa, họ sẽ thâm nhập vào cái hồ mang nhiều vẻ huyền bí này để đánh cắp lệnh phù của sư phụ họ trở về.

Cả ba trổ thuật phi hành đi nhanh như biến, không đầy một tiếng đồng hồ, trước mắt mở ra một vùng bao lao bát ngát, sóng dợn trập trùng, ba bề bốn bên phong cảnh xinh tươi.

Bên cạnh hồ có một ngôi chùa cổ, kiến trúc thật là đẹp đẽ, bên ngoài có một tấm biển đề mấy chữ Tây Tạng thật to :

Đa Nhĩ Mẫu Cung Đứng trước chỗ danh lam thắng cảnh, trong lòng của ba trẻ thảy đều nổi lên một cảm giác như lâng lâng thoát tục.

Tần Trường Sơn đề nghị cả ba người hãy rảo một vòng quanh hồ để nhận xem địa thế.

Tâm Đăng và Ngô Tiểu Thạch thảy đều gật đầu đồng ý, thế là cả ba thong thả đi quanh hồ một vòng.

Hồ Tuấn Mã quả không hổ danh là một vùng phong cảnh đệ nhất Tây Tạng, chung quanh hồ, chỗ nào cảnh trí cũng xinh tươi, nhìn ra mặt hồ, một vùng xanh biếc, xa xa có nổi lên những hòn đảo trông cực kỳ ngoạn mục.

Từng đợt mây trắng lững thững trôi trên nền trời xanh biếc, phản chiếu xuống mặt hồ, thật là long lanh đáy nước in trời...

Ba chàng trẻ tuổi đi vòng giáp mặt hồ thì mặt trời đã xế bóng, tìm một ngôi quán cỏn con để giải khát, đoạn ba người chia tay trở về nơi cư ngụ của mình.

Suốt ngày hôm sau, Tâm Đăng chẳng ra ngoài, chàng đóng cửa phòng mà điều khí luyện công để di dưỡng tinh thần.

Vào khoảng canh hai đêm đó, trong lúc tinh thần của chàng đang trầm lặng, thình lình có tiếng động ngoài khung cửa sổ và một bóng người bay vút vào.

Thoáng nhìn thân pháp, Tâm Đăng đã biết ấy là Cô Trúc lão nhân, ông ta trịnh trọng nói với Tâm Đăng rằng :

- Tình thế bên ngoài bây giờ khẩn trương lắm, con phải cấp tốc rời chỗ ở, sáng ngày mai con hãy đến tạm cư ngụ trong Đa Nhĩ Mẫu Cung bên bờ hồ Tuấn Mã.

Trong thời gian cư ngụ tại đây, con phải tập luyện lại môn Thủy Công cho thật tinh vi xuất sắc, chậm lắm là một tháng sau con phải bắt đầu hành sự.

Thế rồi thầy trò tắt đèn đi nghỉ, và sáng hôm sau Tâm Đăng mang hành trang của mình vào Đa Nhĩ Mẫu Cung xin ở trọ trong một gian phòng, với tư cách là một Phật tử vì tín ngưỡng Phật giáo nên khi vào chùa xin ở trọ một thời gian ngắn.

Viên trụ trì Đa Nhĩ Mẫu Cung chấp thuận cho chàng tạm trú trong một ngôi phòng vắng vẻ.

Thế là kể từ ngày hôm ấy, Tâm Đăng lại có dịp nghe câu kinh tiếng kệ, và tâm thần của chú nhờ gần gũi với tôn giáo mà bắt đầu trầm lắng trở lại.

Mối đau buồn vì Trì Phật Anh giận chàng mà qua lại mật thiết với Tần Trường Sơn cũng lần lần nguôi đi.

Ngày qua tháng lại, lật bật một tháng đã trôi qua.

Trong một tháng đó, Tâm Đăng lợi dụng địa thế của Đa Nhĩ Mẫu Cung nằm giữa bờ hồ mà luyện tập môn bơi lội của chàng thật là xuất sắc.

Rồi một đêm tối trời, ngửa bàn tay không trông thấy, Cô Trúc lão nhân gõ cửa phòng của Tâm Đăng, ông ta bước vào, trịnh trọng trao cho Tâm Đăng một thanh kiếm cổ, nghiêm nghị bảo rằng :

- Đây là thanh bảo kiếm gia truyền của dòng họ Tiêu nhà mi, mi phải giữ gìn lấy nó, và dùng nó làm một món lợi khí để ba ngày hôm sau bắt đầu vào hồ Tuấn Mã để mà hành sự...

Tâm Đăng nước mắt như mưa, đón lấy thanh bảo kiếm mà trong dạ bùi ngùi, chàng biết rằng mười mấy năm trường học võ, ngày hôm nay là ngày chàng phải thi thố võ công ra đây.

Rồi Cô Trúc lão nhân giã biệt lui ra, để lại một mình chàng trong gian phòng hiu quạnh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.