Cổ Phật Tâm Đăng

Chương 32: Chương 32: Tiếng ai trong lòng đất?




Cửa phòng vụt mở ra, và Trì Phật Anh lừng lững tiến vào, hai lão già Cô Trúc và Khúc Tinh thấy vậy vội vàng đứng lên lui ra ngoài, Tâm Đăng hỏi :

- Phật Anh!... Cô đến đây có việc chi?

Phật Anh khẽ gật đầu, mặc dù trên gương mặt nàng vẫn che ngang vuông lụa nhưng Tâm Đăng nghe thấy nàng đang nằm trong tình trạng bất an.

Kể từ khi Phật Anh thân mật với Tần Trường Sơn đến nay, giữa hai người dường như có một bức tường ngăn cách, vì vậy mà cử chỉ của nàng không được tự nhiên.

Nàng khẽ bảo :

- Ngày hôm qua tôi có đến nhà của Trác Đặc Ba...

Ngừng lại một giây nàng lại nói :

- Nghe sư phụ bảo nhà ngươi trúng độc?

Tâm Đăng hổ thẹn trả lời :

- Phải... Tôi trúng độc, nhưng bây giờ đã khỏi rồi.

- Tôi vào đó thám thính thêm mấy lần mà chẳng thu lượm được kết quả gì... Nghe đâu nhà ngươi phát giác lệnh phù của sư phụ?

Tâm Đăng lấy làm lạ, không hiểu sao Phật Anh lại biết, chàng ngần ngừ giây lâu mới trả lời :

- Quả thật tôi có trông thấy một vật xanh rờn nằm trong một lỗ hổng trong một gian phòng, nghe đâu đó là Lục Cốt châm thì phải?

Trì Phật Anh tiếp lời :

- Sư phụ bảo ta đến đây dò hỏi mi đường đi nước bước trong gian phòng đó.

Tâm Đăng dường như bị ai dội gáo nước lạnh vào đầu, chàng thất vọng lắm, chàng ngỡ rằng Phật Anh đến thăm chàng, nay rõ ra mới biết là vâng lệnh của Lư Ẩu.

Chàng giận dỗi trả lời :

- Vì lúc ấy tôi hôn mê nên trông không rõ, cô cứ hỏi Trường Sơn ắt biết, vì hắn cũng có vào đó...

Phật Anh giật mình vì thái độ lạ lùng của Tâm Đăng, và nàng cũng hờn dỗi đứng dậy xô cửa bước ra.

Phật Anh đi rồi, Tâm Đăng bần thần như người vừa đánh rơi mất vật gì quí báu, chàng thở dài tự nói với mình :

- Ta đã kể Phật Anh là người của Trường Sơn thì hà tất đau khổ làm gì...

* * * * *

Đêm từ từ xuống, trong Đa Nhĩ Mẫu Cung câu kinh và tiếng mõ vang vang trong màn đêm tĩnh mịch.

Tâm Đăng chắp tay sau lưng đi quanh quẩn trong phòng, chàng quyết định đêm nay lại trở vào nhà của Trác Đặc Ba dọ thám.

Mặc võ trang thấy chật chội khó chịu quá, Tâm Đăng quyết định đêm nay sẽ mặc áo thầy tu vào đó một phen.

Chàng nghĩ :

- Nhân dịp tóc của ta chưa mọc, ta cứ vận áo thầy tu để nhắc nhở rằng ta luôn luôn là một kẻ tu hành!

Thế rồi chàng thay một bộ áo thầy tu sạch sẽ, xô cửa mà bước ra ngoài.

Gió đêm này thật lạnh, nhưng Tâm Đăng đến bên hồ, cũng phải quên cái lạnh thấu xương đó, nhảy tùm xuống nước bơi một mạch sang bên kia.

Suốt một ngày liền mưa tầm tã nên đường đi trơn trợt, Tâm Đăng vừa đi vừa sờ xâu chuỗi mà Mặc Lâm Na đã tặng cho mình, đã lâu rồi chàng không mang nó.

Trong chớp mắt chàng đã đến bên bức tường bao chung quanh nhà của Trác Đặc Ba, bằng một thế Thần Long Thăng Thiên thân hình của Tâm Đăng bay vù lên đầu tường, rồi đổi sang Bình Sa Lạc Nhạn để nhẹ nhàng rơi vào bên trong...

Chính vào lúc đó trước mắt chàng xuất hiện một chiếc bóng mờ, người này im lìm đứng trước mặt chàng mà không hề cử động.

Tâm Đăng giật mình, vội vàng giơ hai tay bảo vệ tiền tâm của mình, rồi mới nhìn kỹ, thì ra người đó chính là Mặc Lâm Na.

Nàng đang mặc một bộ đồ màu đen, đứng im lìm giương cặp mắt bồ câu nhìn Tâm Đăng không chớp mắt.

Tâm Đăng run rẩy nói :

- Mặc Lâm Na... Cô...

Mặc Lâm Na tần ngần không trả lời, kể từ ngày hai người du ngoạn đến nay đây là lần thứ nhất hai người gặp nhau, nàng muốn bắt sắc mặt của Tâm Đăng xem có gì thay đổi hay chăng.

Nàng thấy Tâm Đăng vẫn mặc áo thầy tu như ở trong chùa, thái độ vẫn điềm hòa bình tĩnh, duy chỉ có vẻ hơi già đi một chút.

Tâm Đăng lại nói :

- Sao cô chẳng đến Đa Nhĩ Mẫu Cung tìm tôi?

Bấy giờ Mặc Lâm Na mới chịu trả lời :

- Vì cha ta canh chừng nghiêm ngặt quá, không cho ta ra khỏi hồ Tuấn Mã!... Sao mi lại đến đây... Ta đã bảo, mi muốn gì ta cho, đừng đến đây đánh cắp nữa, cha ta giữ gìn cẩn mật lắm!

Tâm Đăng suýt nữa bật phì cười, thì ra Mặc Lâm Na tưởng mình đến đây để đánh cắp tiền bạc...

Chàng nghiêm nghị nói thẳng :

- Tôi đến đây không phải với tư cách một kẻ trộm...

Nàng giật mình hỏi :

- Vậy thì mi định đến đây đánh cắp lệnh phù?

Tâm Đăng nghiêm nghị trả lời :

- Tôi không phải đến đây để đánh cắp, mà y theo lời hẹn hai mươi năm về trước để lấy lệnh phù của sư phụ trở về!

Mặc Lâm Na cau mày :

- Vậy thì mi khá tua cẩn thận, cha ta xem những vật ấy còn quan trọng hơn sinh mạng của người nữa.

Tâm Đăng trả lời :

- Cám ơn cô đã chỉ điểm... à, còn Vân Cô mấy hôm nay ra sao?

Mặc Lâm Na thở dài bi thảm :

- Tiểu nương của ta... Thần kinh thác loạn hẳn rồi...

Tâm Đăng rùng mình, không ngờ mẹ mình lại gặp cảnh ngộ bi thảm như ngày hôm nay.

Chàng vội vàng cáo từ Mặc Lâm Na mà nói :

- Tôi phải hành sự đây...

Mặc Lâm Na giật mình nói :

- Ta nhắc lại một lần nữa, mi phải hết sức cẩn thận... Mi cứ đi sang hướng tây hoặc ra có điều kết quả bất ngờ...

Tâm Đăng cảm kích trả lời :

- Cám ơn cô.

Nói rồi xoay lưng nhắm hướng tây đi thẳng.

Đó là một con đường mòn ngoằn ngoèo khúc khủyu, trên mặt đường toàn là những chiếc là vàng khô nên những bước chân của chàng vang lên nghe rào rạo.

Dù vậy chàng cũng trổ thuật khinh công cứ đi mãi tới. Càng đi địa thế càng thấp dần, độ chừng tàn một nén hương thì Tâm Đăng vội dừng chân đứng lại.

Vì rằng trước mắt chàng mở ra một vùng thung lũng, gió lạnh vèo vèo buốt thấu xương, từng cơn gió lộng làm những chiếc lá vàng vang lên xào xạc, đem đến cho vùng thung lũng một bầu không khí âm u rùng rợn.

Tâm Đăng còn đang thừ người, không biết phải đi theo ngõ nào thì văng vẳng có tiếng sát phạt từ xa đưa đến, chàng mừng rỡ nói thầm :

- Quả thật có điều lạ... Cám ơn Mặc Lâm Na.

Thế rồi thân hình của chàng bắn vù về phía trước đi sâu vào miền thung lũng.

Xuống tận đáy, chàng phát giác trước mặt mình có một dãy nhà đá cao rộng kiến trúc cực kỳ diễm lệ, dãy nhà đá đó lại nằm dưới một cái vực sâu, Tâm Đăng bất giác khen thầm :

- Trác Đặc Ba thật là một người hào khí lẫy lừng, cứ cái lối kiến trúc đồ sộ của ông ta cũng biết người này là một tay hào phóng đệ nhất miền Tây Tạng.

Từ trong dãy nhà cao sang diễm lệ đó phát ra những tiếng chiến đấu vang lừng, rảo mắt nhìn quanh chàng cố tìm đường để đi xuống.

Bất chợt chàng bắt gặp từ trong một gốc cây to tướng có giăng một sợi dây sắt thông từ bên này sang bên kia, Tâm Đăng nghĩ thầm :

- Với khoảng cách gần trăm trượng này, muốn đi sang mé bên kia bằng sợi dây sắt nhỏ này không phải là một điều dễ.

Nhưng dù sao đó cũng là một con đường độc đạo, mà không thể không qua. Suy nghĩ một giây, Tâm Đăng vội vàng hớp dài một hơi dưỡng khí, dồn xuống tận Đan Điền, trổ thuật khinh công đề khí.

Thân hình của chàng như một con én lướt nhẹ về phía trước, và hai mũi võ hài của chàng chấm nhẹ trên sợi dây mỏng manh đó.

Từng cơn gió lộng từ thung lũng ào ạt thổi về, đem đến cho tâm thần chàng cảm giác thoải mái. Thân hình của chàng lướt đi nhanh trên sợi dây một cách yên lành, chàng có cảm giác mình như một vị thần tiên thoát tục đang trổ thuật hành vân đi trên một khoảng trời cao rộng...

Dang hai cánh tay ra để giữ thăng bằng, Tâm Đăng lướt nhanh về phía trước, trong chớp mắt đã vượt qua một khoảng đường năm sau mươi trượng, và khi thân hình của chàng còn cách bờ vực bên kia chừng một trượng, Tâm Đăng mím môi dồn hết sức mạnh của mình vào hai bàn chân, để rồi thân hình của chàng bay vút lên mé...

Chính vào lúc Tâm Đăng còn cách mé vực chừng ba thước thì bị ba bề bốn bên giò dậy vèo vèo, vô số đốm sáng lập lòe bay tới tấn công vào những yếu huyệt của chàng.

Thân hình của Tâm Đăng vừa từ dưới bay lên, bỗng bị đột kích bất thần, trong chớp mắt những món ám khí đó đã bay gần sát huyệt đạo của mình...

Dù vậy Tâm Đăng cũng giương hai tay ra nạt lên một tiếng nho nhỏ, vỗ mạnh vào không khí một chưởng, mượn sức đó làm điểm tựa mà bay tạt sang cánh hữu chừng ba thước...

Nhờ một chút xê dịch đó mà tất cả luồng ám khi kia thảy đều rơi vào thung lũng, còn thân hình của chàng thì chới với giữa khoảng không...

Khá khen cho Tâm Đăng đang nằm trong tình thế thập tử nhất sinh nhưng chàng cũng bình tĩnh kịp thời đối phó, vung hai bàn tay ra sử một đòn Bài Vân Đẩu Tú giữa từng không, dùng sức ép kinh hồn của mình đẩy vọt thân hình của chàng bắn vọt lên cao thêm bảy thước nữa.

Đó là một thế võ cao siêu huyền diệu trong đường võ Lăng Không Tróc Yến của Cô Trúc, thân hình của chàng bay bổng lên trên để rồi chàng thò một tay ra bám vào mé vực, tiếp tục tung ra thêm hai thế liên hoàn Thăng Thiên Pháo để thân hình bay vù lên bên trên...

Chân chưa chấm đất mà hai bàn tay của Tâm Đăng đã giăng mắc, chờ đón trên khắp các yếu huyệt của mình, phòng ngừa đột kích nhưng thân hình của Tâm Đăng được yên lành tà tà rơi xuống đất...

Chàng vừa đứng vững thì nghe từ ngoài xa hơn mười trượng có người vỗ tay nho nhỏ, dường như có ý khen thầm cho tài bộ của Tâm Đăng.

Chàng nổi giận bất chấp người tung ám khí đó là ai, chàng thò một tay hữu về phía trước thủ một thế chào, bàn tay tả lần xâu chuỗi ngọc trên cổ của mình, cao giọng hỏi :

- A di đà Phật! Xin hỏi người khuất mặt đó là ai mà ra tay cay độc dường đó?

Câu nói của Tâm Đăng vừa dứt thì từ trong ven rừng tùng, có một câu nói khàn khàn vang lên bằng giọng Tây Tạng :

- Khá khen cho mi tuổi trẻ tài cao.

Tâm Đăng giật mình đánh thót, vì giọng nói đó rõ ràng của Trác Đặc Ba, chàng thầm nghĩ :

- Dù sao thì cũng có ngày ta phải chường mặt đấu chiến với nó, chi bằng ta mạnh dạn giao chiến với nó ngay giờ phút này, trốn tránh là vô ích.

Nghĩ vậy, Tâm Đăng tâm thần bình tĩnh bước tới một bước mỉm cười nói rằng :

- Chỉ vo tròn mấy tờ giấy mà lão thí chủ suýt nữa lấy mạng tôi từ ngoài hai mươi trượng, nội lực hùng hồn thâm hậu của lão thí chủ thật làm cho kẻ hậu sinh này bội phục, vậy xin lão thí chủ hãy ra mặt để cho kẻ tiểu tăng này được bái kiến.

Có tiếng nói khàn khàn của Trác Đặc Ba vang lên :

- Trước sau gì thì lão phu cũng phải chạm mặt với mi, để xem một bậc kỳ tài mà thằng Cô Trúc tốn nhiều công phu rèn luyện...

Câu nói chưa dứt thì nghe có tiếng bánh xe nghiến trên mặt đá nghe rào rạo, có hai chàng thanh niên trẻ tuổi từ bên trong đẩy ra một chiếc xe chạm trổ huy hoàng...

Trác Đặc Ba ngồi dựa ngửa trên chiếc xe đó, mình mặc một chiếc áo bằng da cọp, màu sắc rực rỡ, trên đầu đội một chiếc nón thật sang, cặp mắt ông ta lạnh lùng đanh thép, nhãn lực tỏa sáng ngời...

Ông ta tuổi đã ngoại thất tuần mà gương mặt vẫn còn tươi sáng, diện mạo và thân hình cũng như tinh thần của ông ta vẫn biểu lộ ra như một người còn trẻ.

Tâm Đăng nhác trông thấy, không có cảm giác người đứng trước mặt mình đây là một người lớn tuổi đã về chiều.

Cái vẻ anh hào khí khái đó làm cho Tâm Đăng phải sinh lòng kiêng nể, thầm cho rằng người này quả thật là một bậc kỳ nhân.

Xe từ từ tiến tới và dừng trước mặt của Tâm Đăng, hai người đẩy xe xuôi tay đứng hầu, nhưng sắc mặt hào hùng đanh thép, cứ trông ánh mắt sáng ngời cũng biết là hai tay cao thủ.

Trác Đặc Ba ngắm kỹ Tâm Đăng từ đầu chí chân và Tâm Đăng cũng ngắm kỹ Trác Đặc Ba từ đầu chí chân, cả người người đồng có một ý nghĩ, đối phương là một người đáng nể!

Trác Đặc Ba gật gù nói :

- Mấy ngày nay, đệ tử của các cao thủ thảy đều đến đây, người nào cũng là rồng là phượng, nhưng không một ai có thể so sánh với mi, thầy của mi thật là khéo chọn.

Tâm Đăng mỉm cười :

- Lão tiền bối quá khen, hôm nay kẻ hậu sinh này được gặp Tây Tạng đệ nhất nhân, thật là tam sinh hữu hạnh.

Trác Đặc Ba xoa tay cười ha hả :

- Mi là một kẻ xuất gia mà lại có vẻ giang hồ lão luyện... Ta hỏi, mi thâm nhập vào Tây Tạng đệ nhất gia làm gì?

Tâm Đăng vụt sực nhớ lại người ngồi trước mặt mình đây, chính là kẻ tử thù của sư môn và cũng là kẻ đại thù nghịch của mình, bất giác máu nóng bừng bừng nói :

- Tiền bối chóng quên nhỉ? Tôi vốn y theo lời ước hẹn hai mươi năm về trước mà đến đây.

Trác Đặc Ba ngửa cổ cười ha hả, tiếng cười vang vang lên thấu mấy từng mây, đoạn ông ta gật gù trả lời :

- Mi thật ngu đần, những người ước hẹn với ta thảy đều là thiên hạ đệ nhất cao thủ, ta làm sao quên cho được? Hai mươi năm về trước ta ngỡ rằng bọn họ sẽ dạy được những tên đệ tử cao cường hơn họ nên mới bằng lòng cho bọn họ sai đệ tử đến để lấy lệnh phù về.

Nhưng ngày hôm nay ta biết rằng ý nghĩ của ta sai, cứ theo tài bộ của chúng bay thì chưa chắc có thể lấy được lệnh phù một cách dễ dàng. Vì vậy mà ta mới sắp bày yến tiệc, mời chúng bay đến đây cho đủ mặt, rồi chỉ đường lối cho, cứ dùng chân công phu của mình mà đoạt lại.

Tâm Đăng thật không ngờ Trác Đặc Ba lại có một giải pháp kỳ lạ như vậy, nhưng nghĩ rằng hắn đã nói ra chắc chẳng nuốt lời, vội trả lời rằng :

- Tiền bối quyết định như vậy thật là thỏa đáng.

Trác Đặc Ba nghiêm nghị nói :

- Vậy thì mi hãy trở về nói với sư phụ của mi ngày mai ta sẽ cho người mang thiệp tới mời.

Tâm Đăng nghe nói vội xá chào cáo biệt, và chàng nhẹ nhàng điểm hai mũi võ hài trên mặt đất, sử dụng một thế Phi Bằng Nghịch Phi, thân hình của chàng bay ngược trở lại sợi dây sắt, để rồi bằng một tốc độ kinh hồn, chàng vượt trở về phía bên kia.

Bên tai của chàng thoang thoảng dường như nghe tiếng thở dài não nuột của Trác Đặc Ba, tiếng thở dài đó dường như có một ý nghĩ :

- Thằng nhỏ này thật là một tay kình địch của ta!

Phần Tâm Đăng vừa đi vừa suy nghĩ :

- Không biết tiếng hò hét sát phạt ban nãy tại sao bỗng nhiên ngừng bặt đi?...

Thế rồi nhiều hình ảnh lại quay cuồng trong trí, trong đó có hình ảnh của Trì Phật Anh và Mặc Lâm Na, hai nàng thiếu nữ mà cử chỉ thanh tao của họ nhiều phen làm cho quả tim của chàng rung động.

Quả thật Tâm Đăng đã yêu hai người này tha thiết nhưng vì một chút hiểu lầm Trì Phật Anh đã ngả sang tay của Tần Trường Sơn mà không một lời giải thích.

Tâm Đăng lại nghĩ đến gian phòng đá lạ lùng của Trác Đặc Ba mà lo cho sự yên nguy của Trì Phật Anh, chàng vốn biết Trì Phật Anh cũng có luyện Phi Châm Tú Chưởng nhưng không biết nàng có thoát được gian phòng lạ lùng kia hay chăng?

Chàng nghĩ nếu một mai Trì Phật Anh sa chân vào tử địa thì chàng phải hết sức mình để cứu nguy.

Chàng còn đang miên man suy nghĩ bỗng nghe văng vẳng đâu đây có tiếng thở dài rền rĩ, Tâm Đăng vội dừng chân lại nghe ngóng, vì tiếng thở dài quá ư quen thuộc, chàng ngỡ tiếng Bệnh Hiệp phát ra...

Giữa khoảng đêm khuya canh vắng, bỗng lại có tiếng ho khàn khàn phát ra một cách nặng nề u uất, càng thêm nghi ngờ, Tâm Đăng bắt đầu lục soát trong vòng hai mươi trượng vuông, mồm vừa gọi :

- Bệnh sư phụ, Bệnh sư phụ...

Tiếng kêu chưa dứt bỗng có giọng khàn khàn già nua vang lên :

- Ai đó? Kêu réo chi mà ầm ĩ đến thế?

Tâm Đăng vừa thất vọng vừa kinh dị, vì rằng giọng nói ấy không phải của Bệnh Hiệp mà lại từ dưới lòng đất vang lên.

Rồi một câu nói bằng tiếng Tây Tạng lại văng vẳng phát ra :

- Thằng già quỉ quái kia, bán thân của ta sắp cử động được rồi đó... hai mươi năm huyết hải thâm thù ta sẽ quyết báo cho xong.

Tiếng nói cực kỳ phẫn nộ, và lại từ dưới lòng đất văng vẳng đưa ra, rõ ràng người đó có một nội công hết sức thâm hậu.

Tâm Đăng dò lần về phía phát ra tiếng nói, vận nội công dùng phép Thiên Lý Truyền Âm, nói chỏ xuống mặt đất :

- Vị trí của nhà ngươi nằm ở đâu, mau nói cho ta biết ta cứu mi ra.

Giây lâu mới nghe người ấy trả lời :

- Mi... mi là ai?

Tâm Đăng nghe thấy rõ ràng tiếng nói phát ra tự dưới chân mình nhưng nhìn quanh quẩn bốn bề chỉ thấy toàn cỏ rậm âm u.

Chàng lại hỏi :

- Nhà ngươi ở đâu?

- Ta ở dưới chân của mi, mi cố gắng tìm tất có ngõ vào.

Tâm Đăng cáu tiết, vội vàng ngồi xuống, vận hết nội công vào mười ngón tay của mình, đoạn dùng sức bới khoảng đất dưới chân lên.

Mười Ngón tay của Tâm Đăng tuy bằng xương bằng thịt nhưng bây giờ cứng rắn hơn sắt thép, sau một hồi bới móc, chàng đã đào một cái hố sâu hơn một trượng.

Và ngón tay của chàng thình lình bỗng chạm phải một vật cứng rắn, sờ kỹ thì ra đó là một tảng đá xanh khổng lồ.

Tâm Đăng vỗ trán than thầm :

- Trời... thì ra người này bị giam dưới lòng đất.

Nói đoạn, Tâm Đăng thò hai tay bấu vào miếng đá, hai chân đứng tấn chữ đinh, ngửa mặt lên trời nạt lên một tiếng, dùng hết sức mạnh lôi mạnh tảng đá lên trên...

Tảng đá vừa bật mở, một mùi hôi hám xông ra nồng nặc, quắc mắt nhìn vào bên trong thấy đó là một con đường hầm tối om om, có những bậc đá ẩm ướt dẫn vào lòng đất.

Từ dưới đó, giọng nói khàn khàn ban nãy lại cất lên :

- Nghe giọng nói, mi hãy còn nhỏ tuổi nhưng cớ sao sức lực thật là mạnh mẽ, mi cứ đi thẳng vào đây...

Tâm Đăng vội vàng dò bước đi xuống, nhờ học được phép nhìn vật trong bóng tối của Bệnh Hiệp nên giờ đây Tâm Đăng đi xuống thật là dễ dàng, bên tai chàng vang lên câu nói lải nhải :

- Mi cứ nói cứu ta... đừng nhầm, ta làm sao bằng lòng cho mi cứu?

Tâm Đăng lấy làm lạ vì câu nói của lão già bên trong, chợt trước mặt chàng ngõ đi quành sang cánh tả, vừa cất bước đi sang lối đó Tâm Đăng bất giác rùng mình vì trước mắt chàng bày khai một cảnh tượng não nùng bi đát.

Cách đó chừng mười trượng, trên một chiếc giường đá, có một chiếc đèn leo lét, tỏa ánh sáng vàng ẻo, mập mờ...

Trên giường có một lão già râu tóc dài thườn thượt, quần áo nát be nát bét, đang nằm trên giường, toàn thân ông ta vô cùng tiều tụy, chỉ có con mắt là lóng lánh sáng ngời.

Lão liếc nhìn Tâm Đăng lộ vẻ kinh dị :

- Ủa... té ra mi là một người xuất gia, mi bước tới gần đây cho ta hỏi.

Tâm Đăng bước tới nhìn kỹ, thấy người này mặc dầu râu tóc xồm xoàm nhưng mày trong mắt sáng, tuổi độ tứ tuần, nét mặt vẫn còn phảng phất vẻ anh phong hào khí.

Ông ta gật gù nói :

- Thật là “hậu sinh khả úy”, mi nhỏ tuổi mà có thần lực như vậy thật là nằm ngoài sự tưởng tượng của ta.

Tâm Đăng lại hỏi :

- Chẳng hay ông là ai?

Ông ta cau mày nói :

- Mi đừng hỏi, tại sao mi chẳng lo tu hành mà lại đến đây?

Tâm Đăng thành thật trả lời :

- Vì... vì tôi có mối huyết hải thâm thù với Trác Đặc Ba.

Lão già cười ha hả :

- Mi miệng còn hôi sữa, lại là người xuất gia, cớ sao lại có thù với hắn?

Tâm Đăng nghiến răng kèn kẹt :

- Thù của cha... mà cũng là thù của thầy...

Ông ta ngắm Tâm Đăng một chút, lại hỏi :

- Mi không nói rõ, thôi hãy lui ra.

Tâm Đăng trố mắt hỏi :

- Sao ông chẳng rời khỏi nơi này? Tôi đến cứu ông đây!

Người ấy lại lắc đầu :

- Ta chưa ra được! Vì bán thân của ta bất toại, ta đang tự mình điều trị đây, có lẽ thêm vài ngày nữa mới bình phục... ha ha.. à, mà này... thầy của mi là ai?

Tâm Đăng nghĩ rằng người này đã bị Trác Đặc Ba giam giữ thì hà tất phải giấu giếm, chàng trả lời :

- Sư phụ của tôi là Cô Trúc lão nhân!

Người ấy giật mình :

- À, ta biết... vậy thì ta cũng biết mi đến đây để làm gì... Mi năm nay mấy tuổi nhỉ?

- Hai mươi tuổi.

Người ấy ngửa mặt lên trời tiếp tục hỏi :

- À, hai mươi tuổi! Mi là người Tây Tạng?

Tâm Đăng lắc đầu :

- Tôi không phải là người Tây Tạng nhưng sinh trưởng tại đây từ thủa nhỏ.

Người ấy mở bừng cặp mắt dùng tiếng Hán hỏi Tâm Đăng :

- Vậy thì... mi tu ở chùa nào? Ai đưa mi vào chùa? Pháp danh tên gì?

Ông ta run rẩy buông một tràng câu hỏi làm cho Tâm Đăng ngơ ngác, chàng ấp úng trả lời :

- Tôi tu tại chùa Bố Đạt La Cung, do một người tên là Lăng Hoài Băng đưa vào đó, pháp danh tên là Tâm Đăng.

Câu nói của chàng chua dứt thì người đó rú lên một tiếng kinh hoàng, ngã ngửa trên chiếc giường đá, hai tay ôm lấy ngực mình như một người vừa trúng đòn độc.

Tâm Đăng vội vàng bước tới đỡ ông ta ngồi dậy, hỏi rối rít :

- Ông... sao thế?

Gã tù nhân đáng thương hại ấy nước mắt lưng tròng, đầu hoa mắt váng, không còn nghe thấy tiếng nói của Tâm Đăng nữa, ông gào lên tự đáy lòng :

- Trời ơi! Nó là Tâm Đăng, thật không ngờ sau hai mươi năm trường thống khổ ta lại gặp nó nơi đây, và nó đang trở về đây để báo mối huyết hải thâm thù... Càn Nguyên ơi, mi có chết cũng là nhắm mắt và ắt hẳn là được vui cười nơi chín suối.

Đoạn ông ta nước mắt lưng tròng, kêu lên nức nở, thái độ đột ngột đó làm cho Tâm Đăng lấy làm lạ, chàng có ngờ đâu người ngồi trước mắt mình đây chính là Lăng Hoài Băng!

Phải! Người này chính là Lăng Hoài Băng, hai mươi năm về trước ông ta bế Tâm Đăng đưa vào Bố Đạt La Cung nương tựa cửa thiền rồi đoạn cất bước lên đường đến hồ Tuấn Mã.

Ông ta muốn tìm tên khốn kiếp Trác Đặc Ba để rửa mối hờn cho người bạn chí thân của mình, và cướp lại người đàn bà mà mình đã yêu tha thiết.

Nhưng hỡi ơi! Ông ta đâu phải là đối thủ của Trác Đặc Ba nên bị tên này điểm nhằm trọng huyệt, giam giữ trong ngôi hầm bí mật này suốt hai mươi năm trời!

Sau khi bị điểm huyệt, Lăng Hoài Băng tứ chi rũ liệt nhưng ông ta biết dùng công lực của mình để tự mở huyệt.

Suốt hai mươi năm trời nỗ lực, ông chỉ mở được một nửa, vì vậy mà bán thân vẫn còn bất toại.

Ông không ngờ ngày hôm nay, sau hai mươi năm trời giam mình trong chỗ tối tăm u ám, mỗi ngàychỉ có một người bộ hạ của Trác Đặc Ba từ một con đường hầm khác mang đồ ăn đến mà thôi.

Nhờ vậy ông sống thoi thóp đến ngày nay, và gặp lại Tâm Đăng, vậy mà trong lòng hết sức mừng rỡ.

Tâm Đăng ôm lấy ông ta hỏi rằng :

- Tại sao ông không theo tôi ra khỏi chỗ này?

Lăng Hoài Băng ảo não trả lời :

- Việc này ngày sau ta sẽ cho mi rõ, ba hôm sau sẽ đến viếng ta một lần nữa, chừng đó chắc có lẽ ta đã khai thông được huyệt đạo...

Tâm Đăng không biết xử trí ra sao, vội vàng vâng lời ông ta mà lui ra, chàng đậy xong nắp hầm, khỏa bằng mặt đất, đừng để cho người ngoài phát giác, đoạn lần mò trở về Đa Nhĩ Mẫu Cung, tường thuật lại đầu đuôi câu chuyện cho Cô Trúc nghe!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.