Con Gái Gian Thần

Chương 37: Chương 37: Giáo dục là cả một vấn đề




NGƯỜI LÊN SÂN KHẤU CÀNG LÚC CÀNG NHIỀU.

Khó mà nói sau này Trịnh Diễm sẽ có bao nhiêu uy lực, nhưng bây giờ cũng đã có thể báo hiệu phần nào, mấy hôm sau ngày nàng nói chuyện với Hoàng đế, ngài bảo với Thái tử: “Hôn sự của Đại lang, trẫm tự có chủ trương.”

Hôm sau, như thể Hoàng đế đột nhiên phát hiện cháu trai mình đã lớn, phong Trưởng tử của Hoàng Thái tử làm Quảng Bình quận vương. Sau đó, bất ngờ nhận ra, Thứ trưởng tử của Tề Vương gia hình như còn lớn hơn hai tháng, phong thành Nhữ Âm quận công. Nhưng mà vẫn chậm chạp không nhắc tới chuyện hôn nhân của cháu trai.

Bây giờ ngài không kiêng kị để con mình và Võ sĩ liên kết với nhau – thế gia có thể kết thân với Hoàng thất, mà mấy trăm năm nay thế gia cũng đã chiếm hết chức vị quan trọng cả rồi, quyền thế kết hợp là không thể tránh khỏi. Cho dù Hoàng đế cực kì kiêng kị thế gia, nhưng cưới vợ cho mình, kiếm vợ cho con, gả em gái, tiễn con gái vẫn chọn nhà có thế lực lớn mà gả mà cưới.

Bởi vì mồm miệng Trịnh Diễm gay gắt, càng lộ rõ Đới Dao Thành vô cùng hẹp hòi, trong mắt Hoàng đế, không đủ trở thành chính thê của đích trưởng tử. Hoàng đế không nghi ngờ lòng trung thành của Đới Giác, không nghi ngờ Đới Giác, càng không có hiềm nghi gì với Thái tử. Ngài bắt đầu không tin con mắt của con trai, quyết định tự chọn hôn sự cho cháu mình.

Đương nhiên phía Đông cung vô cùng sốt ruột, Thái tử và Thái tử phi rầu lắm, bọn họ đã tính sẵn trong lòng, gặp chuyện cớ sao không suy nghĩ nhiều, tạm thời không có cách nào khả thi. Kkhông phải Hoàng Thái tử muốn đối phó với cha mình, mà để áp chế lũ em trai. Trước mắt thấy cha không đồng ý, Hoàng Thái tử cảm thấy sự uy hiếp của lũ em trai càng thêm dữ dội.

Vỗ mạnh lên bàn: “Cha phải biết Nhị lang đang muốn đẩy ta vào chỗ chết chứ?” Nhưng mà anh ta không biết, trước mặt cha mẹ, con cái tranh thủ tình cảm với nhau, thoáng cái liền trở thành kẻ thù. Tuy Hoàng đế đã chém rất nhiều các anh chị em nhưng không nghĩ như vậy, đây chính là chỗ ngây thơ của cha mẹ.

So ra thì Trần thị bình tĩnh hơn chồng mình nhiều, vặn khăn tay hai vòng, nhẹ giọng bảo: “Đại lang đã mười bốn, Thánh nhân cũng không kéo thêm được vài năm. Hơn nữa, chỗ Tề vương cũng có thằng con bằng tuổi Đại lang.” Xuất thân con dâu cũng không kém lắm, mặc kệ là con nhà ai, kết thân với Đông cung, Đông cung dễ mượn sức.

Tiêu Lệnh Hành đen mặt: “Hẳn là Trịnh gia phá hư chuyện của ta.”

Trần thị khuyên nhủ: “Trước mắt tạm thời buông chuyện của Trịnh gia, bên cạnh đó cần trấn an Đới gia một chút.”

Đới gia náo nhiệt còn hơn cả phản doanh, quả thật cần vỗ về.

Đới Dao Thành ở trong cung hai mắt muốn bốc hỏa, bị Nghiệp thị lạnh lùng chỉnh một chút, theo mẹ về nhà. Trên đường về giẫm nền xe đang ngồi rầm rầm, càng nghĩ càng tức, suýt chút nữa vặn lễ tiết trong cung ra bã.

Vừa vào cửa đã khóc lớn một trận, ôm Lý thị mà gào: “Mẹ, mẹ, mẹ ơi.”

Trong cung muốn duy trì hình tượng, trên đường ra khỏi cung về nhà, Lý thị đã cố kiềm chế, cuối cùng bây giờ không thể nhịn được: “Khóc cái gì mà khóc!” Năm chữ, khiến Đới Dao Thành sợ đến mức run rẩy.

“Tiểu nương Trịnh gia khéo miệng, phi tử trong cung đều cho rằng mày ghen ghét đố kị cả rồi! Mày ở đâu! Sao không nói biện bạch lời nào thế hả!”

Đới Dao Thành thoáng sửng sốt, cao giọng đáp: “Ai thèm ghen tị với nó!” Tiếp tục oán hận, “Con mới nói một câu, thì nó làm cho một tràng, thế là không có tu dưỡng.”

Lý thị đập bàn: “Về nhà thì mày mới có bản lãnh đó hả, lúc nó làm cho một tràng thì lưỡi mày ở đâu? Thế rốt cuộc mày đã nói câu gì?”

Đới Dao Thành ngập ngừng một hồi lâu, hít một hơi, ngước cổ: “Không phải nhờ nó có cha làm Tể tướng sao?”

Sao ta có thể sinh ra một đứa con gái ngu ngốc đến vậy?! Lý thị chỉ vào con gái: “Mày còn dám nói! Đã nói thì phải làm cho nó không thể đáp trả, nếu không thì đừng mở mồm. Đã dạy bao nhiêu lần rồi, sao mày thiếu kiên nhẫn thế hả con?!”

Thiếu nữ Đới Dao Thành đang ôm ấp tình cảm, sao có thể tự nhắc mình phải cẩn thận? Lý thị thở dài: “Mấy ngày tới mày đừng ra khỏi cửa, tự tỉnh ngộ lại đi! Vài ngày nữa mọi người sẽ chuyển tới Hi Sơn, chỉ cần bận rộn việc này, sẽ quên chuyện của mày thôi.”

Cho dù người khác có quên thì người trong nhà không thể không nhắc tới. Tốt xấu gì Đới Giác cũng là một nhân vật thực quyền, không quan tâm cung phi nhưng chẳng có nghĩa không nghe tin tức. Đới Giác nghe nói em gái đã làm mất mặt, tức giận đến mức muốn đánh người. Võ sĩ thay phiên nhau nghỉ ngơi, xong việc, vừa về biệt nghiệp ở Hi Sơn, đi tìm cha mẹ.

“Nếu hôn sự thành, đối đầu với Tướng phủ cũng được. Chuyện kia còn chưa có tin tức gì, thế mà con bé chết tiệt kia đã bắt đầu nhúng vào!” Đới Giác chưa biết ngoại trừ coi trọng em gái anh ta, Đông cung cũng quan tâm đến thế lực Trịnh gia, chỉ cảm thấy em gái mình quá khinh động.

Đới Kỉ Hồng ảo não, thật ra ông đã biết chuyện Đông cung đang do dự. Nếu Đới Dao Thành vì Đông cung mà ra mặt thì tốt, chỉ sợ trong mắt Đông cung, sẽ thấy con gái nhà mình dễ bị kích động. Đới cha bị con gái làm cho đau muốn vỡ đầu, con trai tới bàn luận, xoa thái dương nói: “Chuyện đã lỡ rồi, tìm biện pháp nào đó thì hơn.”

Đới Giác quả quyết nói: “Mau mau giải quyết việc hôn sự cho con bé!”

Gương mặt Đới Kỉ Hồng đau khổ: “Phải ăn nói thế nào với Đông cung đây?”

“Nó gây ra chuyện này, Đông cung còn bằng lòng nó sao? Nước đục chảy không nhanh (ý nói chuyện xấu lâu qua),” Đới Giác trầm giọng nói, “Vốn tưởng Tể tướng lộng quyền cũng không thể so với Đông cung, mà quên rằng, dù Tể tướng không làm gì được Đông cung, nhưng vẫn có biện pháp xử lý chúng ta. Chuyện này, dù chưa phải Trịnh tướng ra tay, cũng là để chúng ta tỉnh ngộ. Con làm Võ sĩ, một mực trung thành với Thánh nhân, ít nhất có thể bảo vệ một nhà bình an. Cứ dây vào, sợ rằng không thể hưởng phú quý, lại còn chịu tai vạ.”

Đới Kỉ Hồng cắn răng: “Theo lời con!”

***

Trong khi hai bên Đông cung và Đới gia đang rầu muốn chết thì Trịnh Diễm đang vui vẻ chuyển tới Hi Sơn. Tuần trăng mật của Cố Ích Thuần đã qua, bây giờ lại bắt đầu dạy học, Hoàng đế muốn để ông dạy các hoàng tử nhỏ tuổi và hoàng tôn, ông từ chối, bày tỏ: “Các vương đều có thầy riêng.” Một lòng dạy dỗ đám học trò nhà mình.

Coi như khứu giác của Cố Ích Thuần về chính trị khá nhạy bén, thề sống chết không dính vào. Nhờ mạng lưới quan hệ của thế gia, ông dễ dàng biết được Long tướng thống lĩnh Ngự Lâm quân Hạ Chấn xuất thân từ Hạ thị. Vợ của Hạ Chấn họ Cố, là con gái bản chi Cố gia. Vợ cả của Hoàng đế, Hoàng hậu họ Hạ, là chị ruột của Hạ Chấn, mẹ Thái tử phi họ Hạ, là cô họ của Hạ Chấn, Tề vương phi cũng họ Hạ, cháu gái Hạ Chấn.

Chuyện này không dễ làm! Chi bằng cứ dạy học thôi.

Cho dù đã có vợ, thời gian nghỉ ngơi ban ngày của Cố Ích Thuần không bị ảnh hưởng nhiều, vẫn giảng bài như trước, nhưng thật ra lớp có rộng hơn một tí, thêm vài người kẻ dự thính.

Tay sai Trịnh đảng đưa con tới chỗ Trịnh Tĩnh Nghiệp, Trịnh Tĩnh Nghiệp nhìn qua, con Từ Lương, Từ Liệt mười ba, con Trịnh An Quốc, Trịnh Văn Bác mười bốn, con trai Trương Tiến Thư, Trương Lượng mười hai, để cả bọn quen thuộc với tình hình trong kinh trước. Ngoài đưa đến dự thính vài tiết dạy của Cố Ích Thuần, để ông giao bài cho làm, thì cũng đến các chỗ giáo viên khác học lễ nghi.

Cố Ích Thuần nhìn mấy đứa nhỏ, chỉ bảo ‘có khả năng’, không nói thêm lời nào, Trịnh Tĩnh Nghiệp liền thu xếp người vào chỗ khác.

Trịnh Diễm không nhịn được, hỏi cha: “Những tiểu lang kia không học chung với tụi con hả cha?”

Trịnh Tĩnh Nghiệp nói thầm trong bụng, dạy tụi bây đã là nể mặt cha lắm rồi, không thấy cả Hoàng đế ông ấy cũng gạt đi đó sao? “Bọn họ có cái cần học, con chỉ cần tập trung học cho giỏi chuyện của mình. Rảnh rỗi thì trò chuyện cùng tụi nó, đừng để người ta cảm thấy nhà mình lấy thế ép người.”

Trịnh Diễm ngoan ngoãn dạ thưa.

Có thêm vài đồng bọn, tâm tình Trịnh Diễm càng khoái trá. Đời này nàng sẽ không ra khỏi địa phận kinh thành – Hi Sơn xem như đã là giới hạn của kinh đô lắm rồi – cực kì muốn biết bên ngoài trông thế này, cứ bám lấy hỏi han.

Từ Liệt cảm thấy bức bối khó chịu lắm, cha đưa cậu vào Tướng phủ vì mục đích gì, cậu biết cả, nghe nói trong Tướng phủ có Cố Ích Thuần thì càng vui. Không ngờ vào kinh, Cố Ích Thuần bay trước, được nghe giảng ké, hưởng hương hoa hai lớp thì bị bắt học lễ nghi. Lúc ở Thanh Châu cũng là con ông cháu cha của địa phương, được bao nhiêu người tâng bốc. Vừa vào Tướng phủ, mới hiểu ra, trước đây cha cậu vốn là thư đồng của người ta.

Bấy giờ quan niệm về ‘Thế phó’ (là từ chỉ người làm thuê, người hầu, thư đồng) vẫn còn rất nặng, cha bạn là nô bộc cho nhà người ta, dù sau này có làm quan, cũng khó ngẩng đầu trước mặt họ. Từ Liệt kiêu ngạo cho rằng mình là nhân tài xuất chúng, vừa vào kinh đã bị đổ hai chậu nước lạnh, bây giờ còn phải dỗ dành một bé con! Cho dù là một cô bé rất xinh đẹp, trong lòng cậu vẫn cảm thấy không thoải mái.

Dù sao cậu cũng thấy cha mình là Thứ sử mà trưởng thành, đối nhân xử thế cũng tạm, cố gắng dằn lòng, nở một nụ cười trên gương mặt táo bón: “Thanh Châu cũng tương tự thế này, nhưng có rất nhiều quà vặt. Hàng thêu Thanh Châu đẹp lắm, năm rồi cha ta còn tiến cống cho Thánh nhân mười tú nương. Mấy cái khác, ta thường quanh quẩn chỗ cha ta, gặp vài thân sĩ, không biết nhiều về phong thổ.”

Cô nhóc chẳng biết điều mà im miệng: “Ta nghe nói thế gia vọng tộc ở Thanh Châu có Kiều, Chu, Vương, Tạ; không biết tình hình thế nào?”

Biểu tình Từ Liệt bắt đầu vặn vẹo, nếu nói Trịnh Tĩnh Nghiệp xuất thân hàn vi, thì Từ gia còn chẳng bằng. Đương nhiên thế gia Thanh Châu không thèm để mặt tới bọn họ, Từ Lương chọn biện pháp ngủ đông trường kì để đối phó với thế gia, không phục. Các công tử thế gia, người nào người nấy thanh cao kiêu ngạo, hoàn toàn không thèm để mắt tới Từ Liệt, tuổi Từ Liệt không lớn, không thể kết giao vài anh bạn hạng sang, buồn bực, muộn phiền vô cùng.

Cười nhạt: “Đều ỷ vào dư ấm của tổ tông, có gì đâu chứ?” Trịnh Tĩnh Nghiệp chọn thư đồng cũng chọn tướng mạo sáng sủa, gien của Từ Liệt không tệ, điều kiện trưởng thành tốt, môi hồng răng đều, mắt đen da trắng, môi mỏng một đường.

Trịnh Diễm nghĩ thầm, nhìn bộ dạng như ngươi thì đúng là một cậu ấm, lại còn là kiểu không coi ai ra gì, chờ bị xử lí. Nếu trong tiểu thuyết, là kẻ làm nền cho nam chính. Nếu nam chính xuất thân thế gia, sẽ lôi gia giáo, nếu nam chính xuất thân hàn vi, là kẻ cổ vũ. Nếu gia thế như nhau, là kiểu ăn cơm giống nhau, cùng bản chất.

So với Từ Liệt, Trịnh Văn Bác già dặn hơn nhiều. Cha của Trịnh Văn Bác được Trịnh Tĩnh Nghiệp tự đưa theo, theo họ của Trịnh Tĩnh Nghiệp, vô cùng sùng bái vị chủ nhân này, chuyện gì cũng bắt chước từng chút, dạy con cũng thế. Trịnh Diễm nhìn anh ta, cảm tưởng thấy được bóng hình Trịnh Tú thời niên thiếu.

Nghe Từ Liệt bảo thế gia Thanh Châu không hay, Trịnh Văn Bác nhăn mặt chau mày, khuyên: “Thế gia đứng vững suốt trăm năm, ắt có chỗ hơn người, A Liệt chớ nên có cái nhìn lệch lạc mới tốt.”

“Có chỗ gì hơn người chứ?” Từ Liệt lớn như vậy, ghét nhất có người phản bác lời mình: “Ta muốn hỏi ngược lại ông anh đấy.”

Trương Lượng cũng sáng sủa như hai người kia, cao xấp xỉ, trong lúc kiểm tra tài nghệ của cả bọn, Trịnh Tĩnh Nghiệp phát hiện võ nghệ cậu nhóc không tệ. Nhưng mà cha cậu, Trương Tiến Thư cho rằng người dùng võ là kẻ thô tục, ép học văn, cậu vẫn lén tập luyện, có lần bị cha phát hiện, đánh một trận mém chết.

Trịnh Tĩnh Nghiệp không để tâm nho nhã với chả không nho nhã, ngược lại còn cổ vũ cậu tập võ, nhưng vẫn nói: “Sách cũng cần phải đọc. Lắm thứ trong binh pháp đều là kinh nghiệm của người đi trước, viết thành sách, nhiều hơn so với tự mình tìm tòi. Hai bên đối trận, chỉ huy thiên quân vạn mã, không thể chỉ dựa vào dũng lực của bản thân mà có thể làm được.”

Trương Lượng nghe thấy, vốn không quan tâm với những chuyện ngoài lề này, nay hai người cãi nhau, không kiên nhẫn nói: “Ngươi thích ăn ngọt, ta thích ăn mặn, cái này có gì hay mà tranh? Anh thấy người ta tốt, còn cậu ta gặp phải kẻ ác, không ai thay ai được.” Còn kể chỗ cha cậu, một địa phương nhỏ, cũng có vài nhà ‘vượng tộc’ xảy ra chuyện: “Anh em một mẹ còn có người quân tử, kẻ tiểu nhân nữa là.”

Trịnh Diễm nhìn thấy rất vui, ba người ba kiểu, so với các cháu nhà mình còn thú vị hơn nhiều. Nâng cằm nhìn gương mặt Từ Liệt sa sầm hơn nửa, cười bảo: “Bọn họ thích làm chuyện tốt cũng được, mà chuyện xấu thì cũng xong, chung quy cũng chẳng dính dáng gì đến chúng ta. À mà, đồn điền là quân truân (đồn trú của quân) hay dân truân (thôn làng của dân vậy)?”

Nàng nói xong, ba người cũng bớt nóng, thật ra Trương Lượng cũng không rõ về chuyện này, tuy rằng cha cậu quản lí đồn điền. Trịnh Diễm hơi thất vọng, cho dù có là người bản xứ thì cũng không phải chuyện gì cũng biết.

***

Trở về phòng, chân Từ Liệt nặng trịch.

Trịnh Văn Bác cũng có ý tốt, thấy tuổi mình lớn nhất trong cả ba, đều xa cha mẹ đến Tướng phủ, Trịnh Tĩnh Nghiệp sắp xếp để cả ba ở chung với nhau, cậu liền khuyên Từ Liệt: “Đó là con gái cưng của Tướng công, cậu chê trách bên ngoài trước mặt cô bé như vậy, nếu lọt vào tai Tướng công, thì biết làm thế nào?” Coi như đang dỗ dành trẻ con, qua được thì cho qua luôn.

Từ Liệt nghiêng đầu, Trương Lương không kiên nhẫn, quay về phía bên kia, thầm nghĩ Đại lang Từ gia còn rầy rà lôi thôi hơn cả đàn bà.

Sau khi biết Trịnh Tĩnh Nghiệp không khỏi thở dài: “Gầy dựng sự nghiệp khó, giữ gìn càng vất vả” Muốn tìm một người thừa kế vừa lòng, khó càng thêm khó. Từ Liệt là đứa học hành tốt nhất trong cả ba, nhưng tính tình không đủ ổn trọng.

Trịnh Tĩnh Nghiệp không thích thế gia, nhưng vẫn rất tán thưởng những người có bản lĩnh trong thế gia như Cố Ích Thuần, dẫu không thích Lý Tuấn, nhưng cũng thừa nhận chữ Lý Tuấn đẹp. Cũng cần phải học một số mặt của thế gia nữa, nếu không ông cũng chả để con cưới con gái thế gia, để con dâu dạy dỗ kiến thức cho con gái. Còn Từ Liệt đã đánh chết ý nghĩ này từ trong tiềm thức, thực không thể chấp nhận được.

[Thế gia Thanh Châu rõ là vô dụng!] Trịnh Tĩnh Nghiệp kết luận, [Nói như rồng leo, làm tựa mèo mửa, lại kiêu căng xấc láo, Từ Liệt phải va chạm vài lần trong kinh mới có nề nếp hơn. Thôi được, trước hết cứ để học lễ nghi, ra ngoài không thất lễ, còn lại thì phải xem bản lãnh của nó]

Sau khi quyết định chuyện Từ Liệt xong, Trịnh Tĩnh Nghiệp lại nghĩ tới con cháu nhà mình. Kiểm tra học hành của các cháu, kiểm xong thì lại lòi một chuyện. Trịnh Đức Lương trở thành đứa cháu đầu tiên trong Trịnh gia bị Trịnh Tĩnh Nghiệp nọc ra đánh.

ÔI, RỐT CUỘC LÀ Ở MỘT THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM NÀO ĐÓ TRỊNH DIỄM CHẲNG HAY BIẾT, CÓ NGƯỜI GIÚP NÀNG KẾT THÊM KẺ THÙ.

Trịnh Đức Lương là em ruột của Trịnh Đức Bình, nếu cậu và anh trai có điểm gì tương tự nhau thì cũng không phải gì khó hiểu. Cả hai đều lười, nhưng chỗ lười thì khác nhau. Trịnh Đức Bình lớn hơn hai tuổi, lười có phong cách, có trình độ. Trịnh Đức Lương không giống vậy, lười nhác tùy tính. Cậu nhóc không phải ngu đần, nhưng là một đứa trẻ có vấn đề, vấn đề xảy ra khi cậu lười.

Lại nói từ khi ba người Từ Liệt đến Trịnh gia, Trịnh Tĩnh Nghiệp bảo: “Đối đãi như với Nhị lang (Ở đây ý chỉ Đức An).” Nhưng bài tập của ba người nhẹ hơn đám trẻ con Trịnh gia nhiều, cũng không bị yêu cầu cao như thế, chủ yếu ba người Từ Liệt chuẩn bị để vào quan trường, Trịnh Tĩnh Nghiệp hi vọng có thể sắp sẵn trụ cột cho con cháu của mình.

Đương nhiên Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng khá chú ý chăm sóc tới con cái của tay sai, cho ở sát vách với mấy đứa cháu, tất cả được đãi ngộ như nhau – trừ học tập. Ở chung một chỗ, qua lại với nhau, trao đổi nhiều, Trịnh Đức Lương thì lười, làm biếng kết giao với người ta, chậm nửa nhịp mới phát hiện bài tập của mình nhiều hơn người khác!

Không làm, không làm. Cứ nhớ Ninh Viễn hầu giáo dục Trịnh Đức Bình thế nào, thì đại khái mọi người có thể hiểu tại sao bạn nhỏ Trịnh Đức Lương lại liều vậy rồi đấy.

Dựa vào gì bọn họ không làm bài tập mà cậu phải làm? Ta muốn nhàn hạ! Trịnh Đức Lương đã ra quyết định.

Ngờ đâu dưới tầm mắt của Trịnh Tĩnh Nghiệp mà dám làm chuyện như vậy đúng là muốn tự sát, Trịnh Tĩnh Nghiệp ngay lập tức phát hiện vấn đề. Trong nhà có thêm vài học sinh, Trịnh Tĩnh Nghiệp muốn thêm thân thiết, quyết định mỗi ngày kiểm tra bài tập của mọi người một chút, hôm sau mới để con cháu mình giao nộp cho Cố Ích Thuần, bài tập của ba người Từ Liệt cũng phải qua ải của ông.

Đến phiên kiểm tra bài tập của Trịnh Đức Lương, lòng Trịnh Tĩnh Nghiệp như muốn bốc hỏa. Thằng nhóc này bài tập viết không nhiều không ít, giống như bài mà ba người Từ Liệt đã nộp lên, nếu không phải Trịnh Tĩnh Nghiệp cẩn thận thì còn có khi tưởng mình hoa mắt, trong nhà lòi đâu ra học sinh nội trú thứ tư.

Giỏi! Có gan giỡn mặt với ông! Đây chính là chiêu trò mà mấy tay lão luyện chốn quan trường thường dùng, lời ngầm: Có giỏi thì xách cả đám chịu phạt, còn không thì tha cho con luôn đi.

Trịnh Tĩnh Nghiệp xăn tay áo, xách Trịnh Đức Lương về, đánh!

Mà đánh thì cũng cần chú ý, cứ theo ghi chép thao tác của nha môn, bị đánh - ở đùi, là phê bình nghiêm khắc; kéo quần xuống để mông và roi gặp nhau là tiếp xúc thân mật. Cho nên mới bảo, bị đánh là một chuyện rất mất mặt, với phụ nữ thì càng ghê gớm.

Gia pháp của các nhà khá kín đáo, đều là người trong nhà, phải được vài điều khoản ưu đãi chứ, vẫn cho phép mặc quần. Lần trước Trịnh Tú bị đánh cũng đâu có lột ra, dù gì anh đã lớn, là con trai trưởng, phải để lại mặt mũi cho nhau.

Nhưng lần này Trịnh Tĩnh Nghiệp vô cùng tức giận, Trịnh Đức Lương còn nhỏ, nói thẳng ra, Trịnh gia xuất thân kém, con nít không nghe lời, chuyện tộc trưởng trực tiếp tụt quần xuống đầu gối rồi đánh thẳng bằng tay cũng không phải Trịnh Tĩnh Nghiệp chưa làm. Kì này giận quá, xử luôn! (chủ yếu là vì Trịnh Đức Lương còn nhỏ, đánh bằng roi thì sợ hơi nặng).

Trịnh Đức Lương xấu hổ và tức giận vô cùng, bị đánh cậu chả ngại, đánh thì đánh, nhưng cũng đừng lột quần ra mà đánh chớ! Kéo từ thắt lưng xuống tận gối, lạnh!

Bởi vì không như thường ngày, ba người Từ Liệt không thấy, có Trịnh Diễm và mấy đứa cháu đứng bên ngoài xem, cả Trịnh Đức Hưng đã đi làm cũng có mặt, Trịnh Tĩnh Nghiệp vừa luyện Thiết Sa chưởng vừa mắng: “Tuổi còn nhỏ mà lại có suy nghĩ như vậy! Cho rằng ông không xử lí được mày à! Giỏi lắm! Dám học như khách thôi sao!”

Nghe Trịnh Tĩnh Nghiệp mắng chửi, Trịnh Diễm cũng hiểu được tám, chín phần tình hình.

Trịnh Diễm im lặng, nhớ lại câu chuyện con vẹt trêu chọc nữ tiếp viên hành không (*). Đức Lương cháu ơi, cháu không biết bay thì chớ đụng vào tiếp viên hàng không chứ!

(*) Trên máy bay, con vẹt chọc tiếp viên hàng không, bảo: “Mang cho ông mày li nước!” Có một hành khách (dị bản khác là heo) cũng bắt chước học theo. Cô tiếp viên giận quá ném cả hai ra khỏi máy bay. Con vẹt vỗ cánh nói với hành khách: “Thấy ngu chưa, ông mày biết bay!”

Trịnh Đức Lương khóc, xấu hổ muốn chết, bị người ta nhìn hết mông rồi! Xấu hổ vô cùng, khóc thúc thít mãi.

Lúc bị đánh cậu nằm trên đầu gối Trịnh Tĩnh Nghiệp, tay chân vung tứ lung tung, hai cẳng tay nhỏ xíu liều mạng quơ quào ra sau, muốn bảo vệ cái mông mình. Trịnh Tĩnh Nghiệp càng tức giận, dám giãy dụa cơ à! Thời gian chịu phạt của Trịnh Đức Lương càng kéo dài...

Đám anh em họ Trịnh Đức Hưng nhìn rồi nuốt nước miếng khan, tụi nó thà bị đánh bằng roi, ít ra còn quần để mặc!

Trải qua chuyện này, Trịnh Đức Lương có nề nếp hơn nhiều, các cháu Trịnh gia cũng ngoan ngoãn hẳn. Chẳng ai muốn bị đánh như thế cả, mất mặt không ngóc đầu nổi!

Trịnh Đức Lương bị đánh, xấu hổ trốn trong phòng, không chịu gặp ai. Lần này, các anh em họ bày ra sự đồng cảm sâu sắc. Mà giận nhất là trừ đám anh em họ ra, không ai cảm thấy cậu bị bẽ mặt, từ Đỗ thị trở xuống, mọi người đều tới an ủi, đồng thời giảng cho một bài, nào là phải nghiêm túc học hành, không thể làm cho ông nội thất vọng, Trịnh Đức Lương chui đầu trong chăn giả vờ làm đà điểu.

Đương nhiên Trịnh Diễm cũng đi, Trịnh Đức Lương buông màn, sống chết không chịu thò đầu ra. Đức Hưng, Đức An đều khuyên nàng: “Nó đang xấu hổ, tiểu cô cô đừng ép nó.” Trịnh Diễm có thể hiểu được nguyên nhân tại sao Trịnh Tĩnh Nghiệp tức giận, đại khái không chỉ vì nó lười biếng, mà do Trịnh Đức Lương tự coi bản thân mình như đám Từ Liệt, đó mới là lí do chọc cho Trịnh Tĩnh Nghiệp phải động tay.

Suy nghĩ một chút, cách tấm màn bảo: “Bình thường gió cấp tám cha cũng không động, có thể giận đến thế cũng nhờ bản lãnh của cháu.”

Mọi người: “...”

“Cháu không lên tiếng đúng không? Có bản lãnh thì cả đời này đừng ra ngoài! Bị đánh thì đánh rồi, khi bé ai mà không từng bị dạy dỗ? Cháu càng đặt nặng chuyện này thì người khác muốn không coi ra gì cũng không xong, mong người ta không nhớ cơ mà? Ngũ ca (Trịnh Uyển) bị đánh thì tươi tỉnh như cũ, chẳng ai nói huynh ấy lời nào. Còn cháu thì sao?”

“...” Tiểu cô cô, cô tới an ủi hay đâm chọt nữa vậy.

Cuối cùng, Trịnh Diễm thẳng tay vén màn, nói một câu có vẻ giống khuyên bảo với thằng cháu đang nằm sấp trong chăn: “Nếu đưa cháu tới nhà người khác, cha người ta sẽ nghiêm khắc với con mình hơn với cháu!” Bởi vì gần gũi, mới ôm kì vọng, “Muốn làm chuyện gì, nhất định phải nghĩ đến người nhà trước tiên.”

Tận khi Trịnh Diễm nói hết, thấy Trịnh Đức Lương vẫn nằm im, nằm xuống cụng đầu vào trán cậu: “Cháu đừng làm như vậy nữa, như Tam lang (thứ tự của Trịnh Đức Bình) chuyện gì nên làm đều làm, viết chữ như giun bò, nhưng viết xong thì đều nhớ kĩ, bị đánh ta có thể ngăn, còn cháu thì....” Không nói nổi nữa.

Trịnh Đức Lương vẫn giả chết. Đức Bình: nằm ngay đơ.

Trịnh Diễm vỗ vào lưng cậu nhóc một cái, xoay người bước ra ngoài. Trong lòng cũng hơi lo lắng, vợ chồng Trịnh Kỳ không ở đây, mong sao Đức Lương đừng bị vấn đề tâm lí nào. Nàng muốn tới lần nữa, Trịnh Đức Lương lại trốn, Trịnh Diễm bắt đắc dĩ chận đầu Trịnh Đức Bình, định hỏi cậu tình hình.

Trịnh Đức Bình bị chặn giữa đường, đây là một hành lang dài, Trịnh Đức Bình nhìn xung quanh, đi đường vòng thì cực quá, bèn đứng lại chào hỏi, sau đó vẫn cứ tiếp tục giữ im lặng.

Trịnh Diễm hỏi luôn: “Tứ Lang (thứ tự của Đức Lương) thế nào rồi? Sao lại không cho cô vào?”, “Cháu đi thăm nó, nó có nói gì không?”, “Nó cứ ru rú trong phòng suốt như vậy thì còn ra cái gì?”

Trịnh Đức Bình im lặng vẫn hoàn lặng im.

“Cháu ừ hử một tiếng cô xem nào!” Trịnh Diễm bước về trước, hai tì nữ đi theo sau, hành lang bị chận thật gắt.

Sau đó, Trịnh Diễm nghe một chữ khiến cả đời khó quên: “Ừ~”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.