Con Gái Gian Thần

Chương 7: Chương 7: Lịch sử đau thương của gia đình




BÍ MẬT TO LỚN CỦA TRỊNH TƯỚNG CUỐI CÙNG CŨNG ĐƯỢC TIẾT LỘ.

Trịnh Diễm ngồi trên xe, cứ cảm thấy không yên trong lòng, A Khánh thấy nàng hồn vía lên mây, lại thêm một số vị chủ nhân khác cũng có vẻ không vui, liền biết điều không hỏi có chuyện gì, chỉ đưa một chiếc khăn tay cho Trịnh Diễm: “Trời ngày càng nóng, Thất nương dùng để lau mồ hôi đi.”

Về đến nhà, Trịnh Tĩnh Nghiệp vẫn bình thản, Đỗ thị hiểu tính chồng mình, ông càng ra vẻ ôn hòa thì càng là chuyện không tốt, bà cũng không hỏi có chuyện gì, chỉ nói: “Mệt à? Dùng cơm trước đi.” Trịnh Tĩnh Nghiệp bảo: “Sau khi ăn cơm các con theo cha đến thư phòng. Đại lang, Nhị lang, Tam lang cũng đưa vợ con mình đến.”

Bữa cơm này đúng là hợp quy tắc nhất – yên tĩnh chẳng hề phát ra một tiếng động.

Cơm nước xong, Đỗ thị đưa mắt, Trịnh Uyển ngoan ngoãn theo em trai em gái mình đến thư phòng. Vừa vào trong đã thấy ba người anh cũng mang cả nhà đến đông đủ. Không ai dám nói tiếng nào.

Trịnh Tĩnh Nghiệp và Đỗ thị nắm tay nhau bước đến, trên mặt viết rất rõ mấy chữ ‘Rất Không Vui’. Cháu trai như Đức Hưng không rõ chuyện, thở chẳng dám thở mạnh, còn Trịnh Tú dựa lưng vào góc tường, trông còn ngoan hơn cả con mình.

Trịnh Tĩnh Nghiệp thở dài một hơi: “Có một số việc muốn nói cho các con biết.” Đỡ phải để tụi nhỏ ‘hiểu lầm’, lại nhân cơ hội này cũng uốn nắn cậu con trai cả.

Gương mặt Đỗ thị nghiêm túc, khóe miệng trễ xuống, đương nhiên biết Trịnh Tĩnh Nghiệp muốn kể chuyện gì, nhưng với bà mà nói, đó chẳng phải một hồi ức đẹp đẽ.

Trịnh Tĩnh Nghiệp lên tiếng: “Đại lang, Nhị lang, Tam lang đều biết rồi đấy, quê quán nhà ta ở Sơn Dương.”

Cả ba đều nhất loạt gật đầu.

Trịnh Tĩnh Nghiệp lại tiếp: “Nhà ta vốn nghèo khó, cũng là do dòng họ ngày xưa, không giữ được sự nghiệp…” Vẻ mặt Đỗ thị vặn vẹo.

Gian thần không phải chỉ một ngày mà thành. Những ngày đầu trên con đường làm gian thần của Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng vất vả như nam chính trong tiểu thuyết vậy – trừ việc không phải nam chính thôi.

Lại kể, đó là khi Trịnh Tĩnh Nghiệp vẫn còn là một cậu bé đáng yêu, cha ông qua đời. Quả phụ nuôi con côi, có biết bao gian khổ. Vậy mà trong cái thời điểm không cha đó, ảnh hưởng của dòng họ thật hùng mạnh.

Đương nhiên Trịnh gia có họ hàng, triều trước và nay cũng thay thế nhau nhiều, đã qua khoảng một, hai triều, ba mươi năm chiến loạn, đến mức cắt cỏ cho chó ăn. Muốn sống chẳng phải chỉ cần lo lắng một chút là xong, mà cách tốt nhất là đoàn kết để tự bảo vệ mình. Không chỉ những đại tộc như Triệu thị hay Cố thị, mà các tiểu gia tộc cũng đoàn kết chặt chẽ với nhau hơn. Thế lực của dòng họ lại nâng cao thêm một bậc.

Vì muốn có ưu thế về số lượng tài nguyên hữu hạn, nội bộ cá nhân bên trong càng suy yếu, thì sức mạnh của dòng họ ngày càng tăng. Làng mạc thời kì nông canh, cũng chính là nơi chung sống cùng cả họ, vì sinh tồn, càng chèn ép quyền lợi cá nhân.

Đến khi triều đại mới hình thành, thế lực của dòng họ không hề suy yếu, các bị trưởng tộc vẫn là kẻ đứng trên sai khiến. Mặc dù không đến mức để người thân mình đi cày thuê làm mướn, nhưng có tiếng nói trong nhiều chuyện hơn những người trong họ.

Cha của Trịnh Tĩnh Nghiệp bị bệnh mà qua dời, cũng như bao câu chuyện bi thương hay kể xưa nay, vì chữa bệnh nên trong nhà cần rất nhiều tiền. Đến khi tang sự đã xong thì trong nhà chỉ còn bốn bức tường mà thôi.

Nếu chuyện như vậy xảy ra ở trong gia tộc như Triệu thị hay Phương thị, chắc chắn cô nhi quả phụ sẽ được chiếu cố – vì thanh danh thế gia mà. Ấy thế mà ở Trịnh gia, vợ góa con côi lại bị ức hiếp.

Nói cũng thật kì lạ, chắc là bánh bao mọi người tranh nhau ăn, với những người cùng họ khác thì Trịnh gia cũng không đối tệ đến vậy, còn cả nhà Trịnh Tĩnh Nghiệp lại như ‘Chim cánh cụt Đậu Đậu trong bầy’*, khi cha Trịnh Tĩnh Nghiệp còn khỏe mạnh, cả tộc đối với đôi vợ chồng mềm yếu này đã chẳng ra sao, khi cha bệnh thì càng tệ, bây giờ ông mất, tình hình càng khó khăn.

*Đây muốn kể về chuyện cười về chim cánh cụt Đậu Đậu, đại ý:

Xưa có người nọ đến Nam Cực gặp một bầy chim cánh cụt, ông ta hỏi một con nọ, hằng ngày làm gì thì nó trả lời: “Ăn, ngủ, đánh Đậu Đậu”. Gặp một con khác, hỏi và nó cũng trả lời “Ăn, ngủ, đánh Đậu Đậu”. Thấy kì lạ, ông ta đi hỏi những con khác đều nhận trả lời như nhau, “Ăn, ngủ, đánh Đậu Đậu”

Đến con chim cánh cụt cuối cùng thì nó trả lời rằng: “Ăn, ngủ.” Ông ta ngạc nhiên hỏi lại: “Không đánh Đậu Đậu à?” Thì chú ta đáp: “Vì tôi chính là Đậu Đậu đây.” Ý bảo cả dòng họ hùa vào bắt nạt gia đình Trịnh Tĩnh Nghiệp.

Khi cha qua đời, mẹ ông lại trở nên cứng cỏi. Làm vợ, nhà mẹ đẻ cũng khó khăn, cái gì có thể bà đều làm cả, cũng không phải là nữ chính, chẳng thể bán bánh bao mà giàu. Tính bà cứng cỏi, nhưng không hề đanh đá. Trước cửa nhà quả phụ lắm thị phi, suy xét nhiều chiều, cuối cùng kiên quyết đưa con về nhà mẹ đẻ.

Nhà mẹ đẻ tuy không còn cha mẹ, nhưng có anh trai chị dâu, cũng không phải không hiền lành, ít ra chẳng như ức hiếp hai mẹ con như cả tộc Trịnh thị. Chuyện xảy ra kế tiếp lại như một tấn bi kịch máu chó, vừa được vài năm thì mẹ con Hà thị lại gặp khó khăn – anh trai bị nạn không qua khỏi, sau đại tai lại là đại dịch, chết sạch.

Mẹ con Hà thị đành trở về Trịnh gia, một năm trôi qua, Trịnh Tĩnh Nghiệp mới mười hai tuổi, vẫn chưa thể trở thành trụ cột trong nhà.

Trịnh gia cũng gặp khó khăn, vốn ngày trước tốt lành còn chẳng đối tốt được, huống chi là bây giờ?

Đám người trong tộc để ý tới mấy mẫu đất cằn trong tay Trịnh Tĩnh Nghiệp, cũng biết Hà thị không phải người có thể phản kháng, liền đưa Trịnh Tĩnh Nghiệp làm con thừa tự cho một người nọ trong họ, đồng thời muốn Hà thị tái giá. Tái giá như thế khác gì tự sản tự tiêu, lại còn là gả cho một người ba mươi tuổi để tang vợ. Ít ra, Hà thị giỏi dắn, Trịnh gia đưa mâm sính lễ, người nhà của bà vốn cũng chẳng còn ai.

Đối với gia tộc Trịnh thị thì an bài trong tộc như thế là ổn thỏa nhất, là phù hợp cho sự phát triển của toàn tộc. Nhưng Trịnh Tĩnh Nghiệp không nghĩ thế, Hà thị, cũng không nghĩ vậy.

Lúc Trịnh Tĩnh Nghiệp còn đang ở nhà cậu may mắn có thời gian đọc sách – dù bên cậu có khó khăn với cháu ngoại đi chăng nữa nhưng cũng không phải người xấu – rất có thiên phú, Hà thị đặt hết hi vọng của mình lên người con trai. Tái giá thì do mình mệnh khổ, nhẫn nhịn, nhưng ngậm đắng nuốt cay nuôi đứa con không phải con mình thì không thể được, Hà thị cương quyết, lấy cái chết ra doạ, nếu cứ tiếp tục thúc giục dồn dép như vậy thì hai bên đều thiệt. Bắt nạt kẻ yếu là bản tính của con người, người trong Trịnh thị cũng thôi, nhưng không giúp đỡ hai mẹ con bất cứ thứ gì.

Hai mẹ con trải qua bốn năm như vậy, Trịnh Tĩnh Nghiệp mười sáu tuổi, dựa theo luật mà nói, đã trưởng thành, ông liền làm một việc chấn động toàn tộc – yêu cầu phân tông. Trịnh Tĩnh Nghiệp rất ‘khác biệt’, không như cha mẹ mình, tính tình sắc sảo phân minh, rất có chủ kiến riêng.

Thuyết phục mẹ, ông quyết định phân tông, đương nhiên bị người trong tộc ngăn cản. Nhưng bốn năm qua không phải ông không làm gì, thăm dò được một kẻ trong tộc làm chuyện mờ ám với quả phụ thôn bên cạnh, lấy việc này để uy hiếp, sau lấy vài mẫu đất, vài căn phòng nhử mồi (theo luật pháp, khi bán, người trong tộc có quyền được mua ưu tiên, tránh cho bị trung gian ăn bớt), bảo, nếu không theo ý ông thì sẽ không để yên, tiêu diệt từng phần, cuối cũng cũng có thể phân gia.

Với chút gia sản ít ỏi đến đáng thương, ông vác chăn cõng mẹ già, lưu lạc nơi đất khách.

Theo như những thông tin gom góp được thì cả tộc về sau cũng lụn bại. Dù sao luôn có một người không gì không làm được như Trịnh Tĩnh Nghiệp nhớ đến bọn họ, còn muốn nhỏ cỏ tận gốc, khiến bản tông Trịnh gia ngày nay đã điêu tàn gần hết. Ngươi ức hiếp ta, ta không so đo với anh là do ta độ lượng khoan dung. Nhưng nếu ngươi bức mẹ ta tái hôn, ta tha thứ cho ngươi thì đúng là không phải con người.

Đấy đều là những lịch sử bi thương của gia đình, Trịnh Diễm không biết, chưa từng hay biết. Chỉ luôn cho rằng cha mình là tham quan + quyền thần, nhà mình không có lịch sử bối cảnh thâm sâu nào, nhưng không ngờ đằng sau lại là câu chuyện như vậy. Đúng là khi bé khó khăn, trưởng thành cố gắng phấn đấu.

Bây giờ xem ra, sau khi trải qua những chuyện như vậy, có mấy người không biến chất?

Trịnh Tú cúi đầu không nói, anh chỉ biết khi bé có người trong tộc đến trước cửa gây sự vài lần, mỗi lần sau đó bà nội chỉ biết lau nước mắt, còn mẹ hung hãn vừa quét vừa đánh, sau mắng từ trên xuống dưới cả tộc Trịnh thị. Bỗng chảy nước mắt, thời niên thiếu khó khăn, cha anh vừa đi giúp người ta chép sách vừa đi học, mẹ anh cũng phải làm thêm ở nhà, chỉ có bà nội chăm sóc. Trịnh Tú đúng là cháu nội của bà mình, tính tình hiền hòa, không biến chất như Trịnh Tĩnh Nghiệp.

Đỗ thị không nhịn được rơi nước mắt: “Mẹ vốn là người hiền lành, nhưng người tốt lại thường bị ức hiếp.” Bà chưa từng bị mẹ chồng làm khó dễ bao giờ, tình cảm hai người rất thắm thiết.

***

Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng không nhịn được rơi lệ, ngửa mặt lên nhìn xà nhà ở trên một chốc, mới tiếp: “Cha đưa bà nội di cư đến thành Sơn Dương, sau đó gặp mẹ các con…”

Chuyện của Đỗ thị lại như nữ chính trong điền văn, bà ở trong thành Sơn Dương, là thường dân, không có ruộng đất gì, chỉ có hai vườn rau ngoài thành (nói thêm một chút, nhà của Vu Nguyên Tề ngay sát vườn rau của bà, vốn Vu Nguyên Tề không phải tên Vu Nguyên Tề, gọi là Đại lang, không có tên, sau Trịnh Tĩnh Nghiệp muốn dìu dắt ông, nên đặt tên cho). Cha mất sớm, chỉ có một mẹ già, không có em trai, một mình chống đỡ cho cả nhà. Đây là một phụ nữ tính cách trái ngược hoàn toàn so với Hà thị, hăng hái đảm đang.

Vừa khéo Trịnh Tĩnh Nghiệp lại thuê một căn phòng ở nhà bà, bấy giờ biết chút chữ, dù trong khinh thành, nhưng viết thư hộ hay chép sách cũng được chào đón, Trịnh Tĩnh Nghiệp có thể gắng gượng sống qua ngày.

Ông nảy ra ý tưởng: Danh sĩ Quý Phồn ở Hưng Thái, bên trái Sơn Dương, ông muốn đi học, cầu danh, sau đó làm giàu.

Những chuyện về sau cũng hợp tình hợp ý, đầu tiên mẹ hai bên hợp ý nhau – đều là thân quả phụ nuôi con côi – sau đó chủ hai nhà đều còn trẻ, tiếp xúc với nhau cũng lâu. Trịnh Tĩnh Nghiệp sợ tuýp phụ nữ giống mẹ mình, nên tính tình Đỗ thị lại rất phù hợp.

Còn về Đỗ thị, cũng cần một người đàn ông, xấp xỉ tuổi nhau, hai bên đều bằng lòng.

Về sau cả hai bắt đầu thân thiết. Không có cái kiểu “chờ ta công thành danh toại về sẽ cưới nàng, ra ngoài đi dạo một vòng, vừa công thành danh toại thì mang N mỹ nữ có gia thế về làm tỷ muội, để sau thành vợ bé cho tiện”, Trịnh Tĩnh Nghiệp cưới thẳng.

Hai nhà thành một, tài sản dùng chung, kết hôn, đi học, sinh con, vượt qua một khoảng thời gian không hạnh phúc cũng chẳng no đủ, nhưng đó là những ngày rất thoải mái.

Sau đó, Trịnh Tĩnh Nghiệp làm quan, những học trò hàng đầu của danh sư đã giúp đỡ ông rất nhiều, lại thêm có một đồng môn như Cố Ích Thuần dốc sức tương trợ. Con đường làm quan cũng không hề bằng phẳng, ma cũ bắt nạt ma mới, gia thế cao khinh kẻ bần hàn, công việc lung tung, đấu đá lẫn nhau, đào hầm ngáng chân, quan trên giao thí cho cấp dưới…

Ngay từ đầu suýt nữa Trịnh Tĩnh Nghiệp đã chịu oan cho kẻ khác, qua năm ải, chém sáu tướng, khó khăn lắm mới thoát ra, được quan trên tiến cử làm một chức quan nhỏ – Huyện úy. Quan trên của Huyện gọi là lệnh, quan dưới là úy, được đưa đến một huyện nhỏ nọ.

Sau đó lại có rắc rối xảy ra, những tiệc xã giao trong giới quan lại thì không nói làm gì, chỉ khổ cho người trong gia đình. Gia tộc đã phân tông, không dám tới gây sự với ông, nhưng mẹ, mẹ vợ, cả vợ ông đều không hiểu chuyện xã giao. Thê tử thì không sao, trẻ tuổi có thể học được, nhưng hai người mẹ già lại luôn bị người khác chế nhạo chê cười. (Đỗ thị nhớ lại những ngày tháng khó khăn khi xưa, bản thân chẳng cảm thấy gì, nhưng lại bất bình cho hai người mẹ.)

Quận thủ khi ấy lại nhìn trúng ông, muốn ông cưới con gái nhà mình – Quận thủ cũng chẳng phải danh môn vọng tộc gì, là một người thực tế, không để ý chuyện Trịnh Tĩnh Nghiệp đã một vợ, có con nhỏ. Trịnh Tĩnh Nghiệp kiên quyết từ chối, khiến cho những ngày trên quan trường càng thêm khó khăn.

Trịnh Tĩnh Nghiệp cắn răng đối mặt, dìu dắt Vũ Nguyên Tề đi theo mình, sau đưa ông ta nhập ngũ. Phát triển thế lực của bản thân, gặp Âu Dương Bình cũng trong những ngày ấy, được mang danh không sợ cường quyền, ở nơi ấy khoảng mười năm, mới được thăng quan. Mà vừa thăng quan, thì mẹ ông, mẹ vợ lần lượt qua đời.

Chịu tang, khi mãn tang, càng được tiếng là hiếu tử, quay trở lại con đường làm quan. Quay lại cũng chẳng hề dễ dàng, may sao, gặp được một Hoàng đế có tư tưởng muốn khống chế thế gia, con đường của ông mới bằng phẳng hơn một chút, mặc dù vậy, vẫn mất thêm mười năm.

Sau đó Trịnh Tĩnh Nghiệp tiếp tục tiến bước, nào là phát triển sản xuất chống thiên tai, nào là vì dân, chờ lệnh áp chế lũ cường hào ác bá… Vì sự nghiệp chính trị, để có những thành tích nổi bật, ông phải làm.

Nhân đấy, Trịnh Tĩnh Nghiệp hướng về người nhà (chủ yếu là Trịnh Tú) bày tỏ nỗi lòng của mình: “Trên triều lắm kẻ ăn trên ngồi trốc như thế, chẳng lẽ vì muốn làm hiền giả mà nhường đường cho bọn chúng hay sao? Không hề! Bọn chúng là kẻ hại dân!” Sau lại liệt kê từng khuyết điểm của những kẻ bị ông đả kích, “Đê vỡ thì bảo còn kiên cố! Gặp nạn châu chấu chỉ biết bái lạy thần linh! Trộm cướp hoành hành lại hô ‘kệ tụi nó’!”

Phải biết rằng có người nào toàn vẹn, ai mà chẳng có khuyết điểm chứ? “Lý Tuấn bất tài, suốt mấy tháng trời không làm việc, chậm trễ quốc sự thì tính lên ai?” Trịnh Tĩnh Nghiệp đem chuyện này nói ra, Trịnh Tú cũng thấy những kẻ ấy tồi tệ. Vu Nguyên Tề là người Trịnh Tú biết, cũng cảm thấy ông ta là người tốt. Trịnh Tĩnh Nghiệp tiếp tục tấn công: “Bọn chúng nói Vu Nguyên Tề là gian đảng? Các con có thấy ông ấy gian không? Chẳng qua vì không nghe theo bọn chúng, nên thành gian! Trên đời trừ bọn chúng ra, ai cũng là kẻ gian! Chính bọn chúng mới là Gian đảng lớn nhất!”

Thở hổn hển một hồi, phát hiện trong nhà khá trầm, Trịnh Tĩnh Nghiệp khẽ nhếch khóe môi: “Cha vốn xuất thân từ một gia đình nghèo khó, giãy giụa tìm cách sinh tồn, không ngờ từng bước đi như thế lại để người ta nhúng xuống bùn. Cha không thể lui, không thể lui được, còn một nhà già trẻ, lui bước chính là tan xương nát thịt! Bọn chúng có hậu thuẫn chống đỡ phía sau, chúng ta không có, hiểu không?!” Cho nên có thể dùng một chút thủ đoạn.

Một đám con cháu nhất tề chấn động, khom người hô vâng.

Trịnh Tĩnh Nghiệp thở dài: “Cũng không có gì đang nói, nếu là người khác, e rằng từ bé đã được rót vào tai tổ tông thế nào rồi. Còn nhà chúng ta thì… Thôi, các con giải tán đi.”

***

Kể chuyện về lịch sử gia đình xong, Trịnh Tĩnh Nghiệp mang nỗi lo trong lòng. Đỗ thị hỏi ông: “Chỗ Quý tiên sinh phải làm thế nào cho phải?”

Trịnh Tĩnh Nghiệp cười lạnh: “Ta có sắp xếp cả rồi.”

Ngày hôm sau, trời chưa sáng, Trịnh Tĩnh Nghiệp đã dậy, chuẩn bị quần áo vào triều. Trên triều, ông tiến cử người thầy Quý Phồn của mình. Nào là tài cao, triều đình không thể ‘đánh mất người tài nơi thôn dã.’ Trên triều liền râm ran, chuyện hôm qua Quý Phồn đã làm mất mặt Trịnh Tĩnh Nghiệp thế nào đã lan truyền khắp thành, cả hậu cung cũng đều biết, hôm nay ông lại muốn tiến cử Quý Phồn, đây là… hối cải chăng?

Trịnh Diễm còn chưa biết chuyện mất mặt của cha mình đã lan ra khắp thành, sớm tinh mơ, khi Trịnh Tĩnh Nghiệp vừa rời đi không lâu, Miêu quý phi trong cung đã sai nội quan đến đưa Trịnh Diễm vào cung tham quan.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.