Con Gái Gian Thần

Chương 80: Chương 80: Nỗi buồn của tiêu xước




CÔNG TÁC CÙNG ĐÀO CHIẾN RỐT CUỘC CŨNG CHÍNH THỨC KHỞI ĐỘNG.

Sau đó, quả thật không có sau đó, mọi chuyện trở lại yên bình.

Hoàng đế, người có lời nói giá trị nhất chẳng nói gì cả, ngài vẫn đang yên lặng dùng cặp mắt già tinh quang của mình để theo dõi người nối nghiệp, mọi người vội vàng đeo kính râm rồi mới dám trợn mắt, trái tim nhỏ xíu bị cặp mắt cú vọ nhìn trúng mà run rẩy.

Đám phụ nữ đâm cho một dao xong còn chưa thoải mái, tao nhã quăng con dao đi, trên tay trung cấp, cao cấp chẳng hề dính phải một giọt máu nào, phủi phủi hai bàn tay được chăm sóc trắng mềm, đi thăm con gái, lo dưỡng thai. Còn loại như Trịnh Diễm ngay cả chọc dao cũng không phải do mình làm, chẳng phủi tay, tung ta tung tẩy về nhà làm mứt quả, nướng bánh, nấu nồi canh thật ngon cho Trì tiểu thụ nhà nàng ăn. Công chúa Vinh An rửa tay, cũng nên làm gì đó.

Đông cung rất khổ, đã nhận ra Hoàng đế không thích Thái tử rành rành, nhưng nhất thời không có biện pháp gì hay ho. Bởi vì Hoàng đế lặng lẽ kiềm chế, ngài không hề công khai chỉ trích Đông cung. Mà trong trường hợp này, dù có tin đồn gì truyền ra, Đông cung cũng không dám hành động thiếu suy nghĩ – động đậy thì phải giải thích nguyên nhân rõ ràng cho Hoàng đế biết, thế thì càng phiền phức.

Điều duy nhất Đông cung có thể làm là cẩn thận coi lại mình, chớ để xảy ra sai lầm, miễn là bất mãn của Hoàng đế đối với Đông cung chưa đến giới hạn, chưa định phế Thái tử là được. Hoàng đế không lên tiếng, người đâm dao xong xuôi cũng rút, để Đông cung đứng ngây một chỗ, tiến thoái lưỡng nan.

Trần thị đã hoàn toàn tuyệt vọng với người chồng của mình, đối thủ nhưsuy thần (ý chỉ kẻ xui xẻo, đi ám người khác), tuy rằng ông chồng mình không phải là heo, nhưng gần đây có xu hướng tiến hóa thành lợn, may mà cô còn một cậu con trai để cùng bàn bạc: “Càng ngày Thánh nhân càng xa lánh Đông cung, tình cảm cha con gặp nguy!”

Quảng Bình quận vương không nói tiếp, bảo cậu nói, cha cậu đúng là quá đáng, thứ tỷ của cậu chẳng qua kén chọn tùy hứng thôi mà bị đâm chết, khó lắm mới có một Lý Thần Sách đầu óc ngon lành thì tức giận đến mức bỏ đi, Thái tử mượn rượu giải sầu, say đến mức bị cào lên mặt. Con không trách cha, Quảng Bình quận vương có bao nhiêu bất mãn mà không thể nói, thành thật với lương tâm cũng cho rằng Thái tử đánh mất tình cảm với Hoàng đế không chỉ đơn giản vì ‘Bị kẻ tiểu nhân nói xấu’. Do cha cậu không giữ được mà thôi.

Quảng Bình quận vương không thể cứ im lặng như thế, mẹ ruột vẫn đang chờ cậu quyết định, thương cho một thiếu niên mười mấy tuổi đầu, sao có thể tìm ra đường sống từ vòng vây của một đống nhân sĩ hung tàn? Quảng Bình quận vương chật vật động đậy yết hầu, mấp máy môi, nói: “Bây giờ chỉ còn một cách, cẩn thận trung thành hiếu nghĩa.” Không được để lại bím tóc nào cho người ta bắt.

Trần thị nhắm mắt ngửa mặt, hai dòng lệ chảy ra: “Mẹ đã tạo nghiệt gì! Chúng ta làm chưa đủ sao? Là do ta không hiền lương hay con chẳng trung hiếu?” Vấn đề đều nằm trên người Thái tử, mẹ con họ không có lỗi gì, dẫu sửa mình thì được ích chi?

Quảng Bình quận vương cảm thấy bi xót, lấy một chiếc khăn từ trong tay áo, nhẹ nhàng lau nước mắt cho Trần thị, Trần thị rút khăn che mắt nức nở không ngừng.

Tiêu Xước đỡ vai mẹ, nhẹ giọng hỏi: “Bây giờ đến cả mẹ khuyên, cha cũng không nghe sao?”

Trần thị nắm tay: “Một phụ nữ quản việc nhà như mẹ mà nói, sao ông ấy chịu nghe?” Tiêu Xước im lặng không nói, Trần thị lại tiếp: “Con cũng chớ tùy tiện đi can.” Cô bắt đầu lo chồng mình không nghe lời con khuyên, ngược lại sinh ấn tượng xấu với nó.

Tiêu Xước thở dài: “Con biết ạ, mấy ngày nay con đi tìm Triệu Dật, xem thử ông ta có thể khuyên cha được không.”

“Cũng chỉ có thế,” miệng nói vậy nhưng trong lòng sao lại không oán hận những kẻ đã đào hố chứ, vì nhìn từ bên ngoài Trịnh đảng che giấu quá sâu, lần này lại làm người tốt, Trần thị thấp giọng oán trách các cô chú của Tiêu Xước với con trai: “Thánh nhân vẫn còn, thế mà bọn họ đã bất chấp tình nghĩa anh em như thế.”

Tiêu Xước quát khẽ: “Mẹ cẩn thận lời nói!”

Trần thị biết mình lỡ lời, im lặng không nói, quay ra dặn dò chuyện ăn ở đi lại của con trai, trên người hai mẹ con bao phủ một bầu không khí ảm đạm buồn bã.

Tiêu Xước dịu dàng vuốt lưng, an ủi mẹ, vinh nhục của bọn họ đều đặt trên người Thái tử, hai người đều cảm nhận sâu sắc sự bó tay chịu trói lúc này. Trước mặt con trai, Trần thị cũng chỉ biết lo lắng và yếu đuối, lẩm bẩm: “Không biết sau lưng bọn họ còn đang bày trò gì nữa đây!”

***

Kẻ thù bí mật lớn nhất của Đông cung, Trịnh Diễm, đang làm điểm tâm, toàn thân một màu hồng. Vui vẻ làm đủ loại bánh ngọt, yêu ai yêu cả đường đi, mang tặng hai hộp bánh ngọt cho Trì bà ngoại, Trì mợ đang ở kinh thành, cho người mang về kinh, tiện thể cầm theo mấy lọ mứt, vài loại hoa quả.

Nghe nàng dặn: “Nói với lão phu nhân, bánh ngọt là do ta tự làm, xin đừng chê. Mứt hoa quả dùng để ăn không hoặc làm nhân bánh, pha với nước uống cũng được, đây đều là hoa quả tươi của năm nay mới hái từ trên núi, năm nay trên núi ít mưa, hoa quả ngọt lắm.”

Triệu thị thân thiết với nàng nhất, cười trêu nói: “Chưa xuất giá đã hiếu thảo thế rồi à? Đúng là Trì Đại lang may mắn tu được kiếp này, có một cô vợ như muội đấy?”

Nói xong Trịnh Diễm đỏ mặt, ngẩng đầu đáp: “Tẩu là dâu nhà muội, dù thích thì muội cũng không gả cho tẩu được đâu, Tam lang sẽ nổi giận mất!”

Triệu thị lấy tay áo che mặt: “Coi như ta sợ muội, may chỉ là một tiểu nương tử, nếu là tiểu lang quân, với cái miệng của muội, không biết sẽ rước bao nhiêu kiện cáo về! Muội mau cho người mang quà về kinh đi.”

Gò má Trịnh Diễm ửng hồng, quay mặt về Triệu thị, nhăn mũi: “Muội có văn hóa lắm nhé.”

Triệu thị không nói gì bỏ đi.

Cha Trịnh Diễm đang đi làm, chăm chú thảo luận với đám đồng nghiệp đang cố gắng đào hố chôn Thái tử về vấn đề dân sinh: “Năm nay ít mưa, chỉ sợ thu hoạch ít, e rằng chuyện nộp thuế trong nước sẽ căng đây, nếu không có tiền trợ cấp thì phải mau báo cho Thánh nhân, sửa lại tiêu chuẩn đánh giá Quận trưởng, Thứ sử.”

Nghiệp Quảng Học nói: “Kết quả thu hoạch còn chưa đưa lên, tình hình cụ thể thế nào, phải chờ Quận tưởng các nơi vào kinh báo cáo rõ ràng.”

Trịnh Tĩnh Nghiệp chẳng thèm nhìn ông ta, Trịnh mỗ vốn là người từ ruộng đồng mà trèo lên ngai Tể tướng, đương nhiên nắm rõ những kiến thức này hơn đám đồng nghiệp, chép miệng: “Chờ bọn họ vào kinh thì sẽ trễ. Thuế má là một chuyện, nếu hạn hán lâu ngày thì sẽ gây ra tai họa, phải chuẩn bị trước tiền và gạo để cứu tế.”

Tưởng Tiến Hiền ba phải: “Chỉ mong không xảy ra tai họa mới tốt.”

“Chuyện gì cũng theo tình huống xấu nhất mới không bị động.” Trịnh Tĩnh Nghiệp lãnh đạm đáp.

Trong lòng Nghiệp Quảng Học không thoải mái, bụng nghĩ thầm, Thánh nhân đã lớn tuổi, nhỡ đâu có kẻ sinh sự, nhiệm vụ hàng đầu của mọi người bây giờ không phải lật đổ Đông cung sao? Bây giờ giả vờ lông gà vỏ tỏi gì đó? Ra khỏi miệng thì đổi cách nói: “Chưa có kết luận, chớ nên kinh động tới Thiên tử. Chúng ta ở đây cân nhắc không được sao?”

Trịnh Tĩnh Nghiệp nhíu mày, nói thầm, ta đã nhắc nhở các ông, ông không đồng ý, ta tấu một mình. Quay qua hỏi Tưởng Tiến Hiền: “Tưởng huynh thấy thế nào?”

Tưởng Tiến Hiền bị buộc trình bày ý kiến, vẫn ba phải như trước: “Bây giờ tấu lên thì hơi sớm, không bằng chúng ta cứ chuẩn bị các phương án. Không có tai họa thì khỏi kinh động Thánh nhân, có tai họa, tấu chương chúng ta đã viết sẵn, chỉ việc trình lên thôi.”

Màn phông Vi Tri Miễn cũng hùa theo, tán thành với Tưởng Tiến Hiền. Trịnh Tĩnh Nghiệp và Nghiệp Quảng Học đều không hài lòng.

Trịnh Tĩnh Nghiệp chửi thầm ba gã đồng nghiệp ngu xuẩn! Ông cũng biết vài mánh khóe kiếm tiền hoa hồng, trong lòng đã có tính toán, chuyện gì cũng phải chắc chắn ở mức độ nào đó. Để người ta muốn giậm chân nhưng vì cảm thấy đường ranh bên trong mà nhẫn nại, không dám sơ suất, lúc đó mới phóng ra chiêu khác được. Nếu không xử lí tình hình thiên tai có thể xảy ra cho tốt, bên kia đang ôm gạch hăng hái đập vào đầu Thái tử, bên này Hoàng đế đụng tới mà không làm tròn trách nhiệm, thu con dấu (*), Thái tử không tranh thủ bỏ đá xuống giếng mới là lạ!

(*) Nguyên gốc là ‘chẻ thành bảng trắng’. Theo mình tìm hiểu thì từ thời Hán tới nay nhận chức quan đều có con dấu. Chức quan ghi trên bảng mà không có con dấu chiếu sắc thì gọi là ‘bạch bản’ (bảng trắng). Có nghĩa là quan mà không có lệnh vua. Theo mình có thể hiểu đại khái là tước mũ quan, thu con dấu… cũng được.

Càng kiên quyết sẽ bí mật tấu lên.

Vi Tri Miễn nhìn người này rồi sang người khác, muốn hòa giải đôi câu thì có một tiểu quan mặc áo xanh từ ngoài chạy tới: “Ra mắt các vị tướng công.”

Vi Tri Miễn gặp dịp mở miệng giáo huấn: “Hoảng ha hoảng hốt, không ra thể thống gì! Rốt cuộc là có chuyện gì?”

“Người nhà Nghiệp tướng công ở ngoài báo tin, Triệu quốc phu nhân… đã qua đời!”

Mặt Nghiệp Quảng Học xám ngoét, Triệu quốc phu nhân Kỳ thị, mẹ ruột ông ta, đã chết. Làm Tể tướng, phải đi đầu trong các thần tử thiên hạ, phải làm gương cho cấp dưới, không thể tạo cơ hội cho Ngự sử, Nghiệp Quảng Học phải có đại tang! Kỳ thị là mẹ ruột, là chính thất của cha ông ta, nhất định phải để tang ba năm.

Đang giờ phút quan trọng lật đổ Thái tử, giúp đỡ tân vương cơ mà, đúng là chết không nhắm mắt.

Trịnh Tĩnh Nghiệp giả vờ khuyên bảo: “Xin hãy nén bi thương.” Trong lòng sôi trào, hay lắm, lại một người ra đi, mau đi cướp địa bàn ngay. Suy nghĩ của hai người còn lại không khác lắm, cũng khuyên nhủ như thế.

Trịnh Tĩnh Nghiệp nhắc nhở: “Cần phải báo lên cho Thánh nhân, hoặc đoạt tình (*) hoặc theo tấu, đều phải nghe theo quyết định của Thánh nhân.”

(*) Theo tục lệ Trung Quốc cổ đại, quan viên chịu tang cha mẹ phải bỏ quan về chịu tang, gọi là ‘Đinh ưu’ (Có đại tang). Mãn tang rồi sẽ được bổ chức. Đang chịu tang thì không được mặc công phục; mặc áo trắng, không ăn mừng. Yến hội, lễ bái, thì có phó quan thay mặt, gọi là ‘Đoạt tình’.

Nghiệp Quảng Học chắp tay: “Vậy ta đi chuẩn bị để thượng tấu.” Run run mở quyển sổ con trắng trơn, viết soàn soạt, dâng lên ngự tiền, mặc kệ Hoàng đế có phê hay không, lập tức chạy về nhà lo tang sự. Không phải ông muốn chạy, mà là không thể không đi. Để lại điều tiếng thì coi như thúi hoắc, ngay cả phần tử xấu như Trịnh Tĩnh Nghiệp, chẳng những giữ đạo hiếu với cha mẹ mà cả tang mẹ vợ ông cũng đúng mực, không làm quan.

Theo sự ra đi của Kỳ thị, không khí Hi Sơn lại trở nên căng thẳng, một Thừa tướng vừa rời vị trí, phải chia lại bản đồ chính trị lần nữa sao? Vốn có năm Thừa tướng, bớt một người vẫn không bổ sung, chẳng sao cả, nhưng bớt người nữa thì phải lo thêm vào chứ sao? Ai sẽ làm tân thừa tướng, lập trường của tân thừa tướng thế nào, quan hệ trực tiếp tới tương lai triều chính, nhất là tranh giành ngôi Thái tử. (*) Rốt cuộc là bảo vệ hay lật đổ Đông cung? Nếu lật đổ Đông cung, lật xong rồi thì ủng hộ vị hoàng tử nào?

(*Nguyên văn: Dịch trữ chi tranh. Dịch là thay đổi; trữ chỉ Thái tử. Dịch trữ là thay đổi Thái tử.)

Đông cung đang rất sốt ruột, Thái tử muốn đưa cha của Thái tử phi Trần thị lên, hiện là Hồng Lư tự khanh Trần Khánh Thành, nếu cha vợ Thái tử làm Thừa tướng, có thể Đông cung sẽ vững vàng hơn. Nếu Hoàng đế cảm thấy Đông cung bấp bênh, hoặc muốn bắt đầu bàn giao công việc thì nhất định sẽ đồng ý đề nghị này.

Triệu Dật nghĩ sâu hơn: “Điện hạ không cần tự đề cử Trần Khánh Thành, chỉ cần xin ý kiến của bệ hạ, năm tướng còn ba, nhất định phải bổ sung thêm một vị nữa. Cũng chớ nên chỉ đưa mỗi Trần Khánh Thành, có thể chọn vài kẻ tương đương khác, như Quốc tử Tế tửu cũng là thế gia thanh quý. Nếu Thánh nhân có ý lo cho Đông cung, tự nhiên sẽ chọn Trần Khánh Thành, nếu có ý khác, chúng ta không đến mức quá mất mặt, coi như cũng là để sờ mạch của Thánh nhân, có đối sách phù hợp.”

Thái tử miễn cưỡng đồng ý đề nghị khá là không vui vẻ này, mấy ngày sau ra lệnh cho Phương mã tử dâng tấu, khiến Nghiệp Quảng Học tức kinh khủng – Không muốn ông quay lại đây mà!

Kể cả Tề vương đang ở xa kinh thành, chẳng ai muốn thấy xuất hiện cục diện như vậy, nhao nhao đẩy thí sinh phe mình ra.

Hoàng đế bệnh một cú, khiến cho mọi người tỉnh ngủ: Dù gì thì Hoàng đế cũng sẽ già, muốn làm gì cũng phải mau mau, Thái tử lề mề sẽ ngóc đầu được, mọi người dây dưa thì khỏi tỉnh.

Mà theo cách nói của Trịnh Diễm thì, mọi người đang ở cuộc thi Thái tử không đăng cơ. Ưu thế lớn nhất của Thái tử là chỉ cần không phế anh ta, dù điểm thấp cũng được thượng vị. Muốn lật đổ Thái tử, nhất định phải dồn vào chỗ chết, dẫu bị trừ điểm cũng vô dụng. Cho dù anh ta thi được 60 điểm, cũng coi như đủ qua cửa, vẫn có thể lấy bằng tốt nghiệp như thường. Phải không do dự xách dao mà chém, khiến Thái tử thi rớt, không thể thi lại mới xong.

Trịnh Diễm không định để người Trịnh gia ra mặt, thậm chí ngay của nòng cốt của Trịnh đảng cũng không được nói Thái tử không tốt, nguyên nhân chuyện này là sơ sót của Hoàng đế, Trịnh thị không thể vác bao tải mưu đồ chính trị Đông cung được. Thái tử đã bị nàng chém máu me khắp người rồi, chắc chắn người khác sẽ không bỏ qua tình trạng tốt như vậy đâu.

Con át chủ bài trong tay Trịnh Diễm là Miêu phi, tử huyệt của Miêu phi là con trai. Từ khi nghe lời Trịnh Diễm, tuy không lên Hoàng hậu, nhưng cô đã nắm mọi việc trong hậu cung. Tiểu quân sư Trịnh Diễm nói gì Miêu phi nghe đấy, trong lòng rất bội phục. Rất tiện để Trịnh Diễm chỉ đâu đánh đấy.

***

Bây giờ Trịnh Diễm không để ý tới Đông cung nữa, nàng đang bàn chuyện với cha: “Con theo mẹ đến phúng điếu cho Nghiệp gia, chỗ đó người đến người đi, Ngụy vương phi cũng về. Nhà Tưởng tướng công, nhà Vi tướng công, chư vương, công chúa tự đến có, mà sai người đi cũng có. Sư mẫu đang mang thai không tiện, cho Trường sử trong phủ đi thay, thầy con đích thân đến.”

“Thánh nhân đã ra lệnh cho các quan chuẩn bị lễ cúng, làm tế văn.”

“Thánh nhân chưa nói sẽ cho ai làm tướng ạ?”

Trịnh Tĩnh Nghiệp vân vê hàm râu nói: “Thánh nhân tự có chủ trương, tĩnh không bằng động khẽ, ngài không muốn đại động.”

Trịnh Diễm giật mình trong lòng: “Bất động?”

“Giữ sức thôi, Thánh nhân đã bác bỏ các tấu chương phong tướng. Ngược lại bảo có phải Thừa tướng nhàn hạ lắm hay không, bảo năm mươi năm trước chỉ có một tướng trên triều, thông qua tất cả chính lệnh, sao bây giờ có ba Thừa tướng rồi mà còn muốn thêm.” Muốn động vào Thái tử thì không thể để triều đình rối loạn, biện pháp tốt nhất là duy trì nguyên trạng, dù sao thì không ai trong số các Thừa tướng hiện tại là bè đảng Thái tử.

Trịnh Diễm cúi đầu nhìn mũi giày mình: “Chỉ sợ thời gian không còn nhiều.”

Trịnh Tĩnh Nghiệp lại bình tĩnh: “Trong tấu chương đề nghị Hồng lư tự khanh làm tướng, Thánh nhân bác bỏ, chắc chắn Đông cung không ngồi yên. Bây giờ hắn động một tí là phạm lỗi, các anh chị em, mẹ kế của hắn nào có thể bỏ qua cơ hội thế này?”

“Cha, con nghĩ thế này, Thái tử dẫu vô đạo cũng là Thái tử, dĩ quân mưu thần (làm thần tử vạch mưu, hiến kế cho vua), lưu trong sử sách ngàn năm, vô cùng mất mặt! Chẳng những thanh danh không tốt, mà còn khiến người suy nghĩ viển vông; sẵn có kẻ người chịu tội, nay lại thêm kẻ khác, chúng ta không cần để lộ mặt. Trước mắt cứ để người ta lo, xem thử bọn họ có làm nên việc không.”

“Con cũng không nên xem thường bọn họ, cứ chờ xem họ lập công đi!”

Cũng có lúc Trịnh Tĩnh Nghiệp đoán sai, người không chịu bỏ qua cơ hội nhất chính là Tưởng Trác. Có vẻ y đã giải quyết khá hoàn hảo vấn đề hôn nhân với Cố thị, về đối nội, các bất mãn trong gia tộc đã lắng xuống, bên Nghiệp hầu cũng giải quyết êm xui, nhưng vì đang có tai tiếng, tạm thời phải hành động khiêm tốn.

Bây giờ nghe thấy Nghiệp Quảng Học có đại tang, đầu tiên y phải đi tìm tộc thúc Tưởng Tiến Hiền.

Tưởng Tiến Hiền vẫn rất xem trọng Tưởng Trác, đầu óc tên nhãi này dùng tốt, công tác vẻ vang, cũng có chủ kiến, mà hiện tại cũng sẵn thanh danh. Nghe lời và đồng ý với người thầy đã khuất, lại còn cao thượng nhường tước vị lại cho em trai, có ai không nói Tưởng lang thật đức hạnh một tiếng chứ?

Bây giờ thanh niên tốt ‘giữ chữ tín’ ‘cao thượng’ ‘có đức hạnh’ đang làm một hành động khủng bố mà đến Trịnh Diễm cũng không chịu ra mặt trực tiếp – thuyết phục Tưởng Tiến Hiền mau chóng hạ thủ với Thái tử. “Thúc phụ có hai cháu (Thục phi có hai người con là Ngụy vương, Tấn Vương), đều không hài lòng với Thái tử. Đông cung hẹp hòi, Trần thị không cam lòng đứng sau ai, thúc phụ đang gặp nguy hiểm! Nghe nói Quảng Bình quận vương đến khuyên Thái tử kiêng rượu, ngược lại chịu quở trách, đến cha con còn như vậy, huống hồ là anh em, thần tử?”

Chuyện Tưởng Trác nói Tưởng Tiến Hiền biết cả, Quảng Bình quận vương mời Triệu Dật làm thuyết khách không có hiệu quả, đành tự thân vận động. Con khuyên cha, giọng nói dẫu ôn hòa, nhưng lại nhắm vào khuyết điểm của mình, Thái tử không vui. Tuy Quảng Bình quận vương nói: “Xin cha hãy trân trọng sức khỏe.”

Thái tử chẳng hề để ý bảo: “Trước ta vốn khỏe mạnh, uống chút rượu, không gì đáng ngại.” Anh ta nghiện mất rồi, dùng rượu để tự mê hoặc bản thân.

Quảng Bình quận vương không thể nói rõ hơn: “Rượu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tổn hại tinh thần, gây hỏng việc. Nhỡ đâu Thánh nhân có việc cho vời, cha tới chậm, thì sẽ thế nào đây?”

Thái tử lập tức nổi giận, chuyện này có một điều sỉ nhục của anh ta, cha ruột bị bệnh mà mình là kẻ đến cuối, ánh mắt khinh miệt của mọi người khiến anh ta khó quên cả đời. Có gì trong tay cũng quăng vào người Quảng Bình quận vương: “Mày cũng đến chê cười cha mày hả? Từ khi nào chuyện của ta cũng tới lượt mày chen miệng vào?”

Quảng Bình quận vương tránh theo phản xạ, không ngờ đó là đồ sứ, không trúng người nhưng đụng phải cây cột bên phải rồi bể toang, văng miểng, rạch một đường trên mặt Quảng Bình quận vương. Mặt Quảng Bình quận vương đau rát, tuy không nên nỗi nhưng ít nhất phải được tĩnh dưỡng một tuần mới hết dấu vết. Trong lòng ngập tràn đau xót, khi bé cha cậu đâu có thế!

Được, cậu xấu hổ tránh đi vậy. Chưa tránh cho xong, Hoàng đế nhớ cháu, gọi tới trò chuyện. Quảng Bình quận vương là sự băn khoăn lớn nhất của Hoàng đế đối với Thái tử: Quả thật Tiêu Xước là một đứa bé ngoan, nhân phẩm tốt, xuất thân tốt. Mỗi khi không hài lòng về Thái tử, Quảng Bình quận vương đến trò chuyện, cưỡi ngựa, luyện võ với Hoàng đế một chút, ngài sẽ nghĩ: “Đúng là một đứa bé ngoan.”

Lại nói, Hoàng đế cũng có lòng phế Thái tử rồi, chỉ là suy nghĩ trong đầu không mãnh liệt, phế Thái tử, dù làm lúc nào cũng không phải chuyện đơn giản. Thái tử như thế, nói phế liền phế, chẳng khác nào nói với người trong thiên hạ: Ta thấy không vừa mắt với ông chủ tương lai của các người, để nó cút rồi. Điều này khiến đông đảo các viên chức đã chuẩn bị từ lâu, suy nghĩ về phong cách làm việc của ông chủ tương lai chịu sao cho nổi?

Nhìn hướng tích cực, tuy tính tình Thái tử nóng nảy, bên cạnh hơi nhiều kẻ tiểu nhân, nhưng anh ta có thể đứng đó hơn hai mươi năm nay, tùy tiện kéo ai đó trên đường hỏi về Thái tử, thì mọi người đều sẽ nói cho bạn biết đó là Hoàng trưởng tử. Dưới tình hình không có đích tử (con do Hoàng hậu sinh), anh ta tồn tại dài dài.

Hoàng đế rất do dự.

Mãi đến khi ngài nhìn thấy vết thương trên mặt Quảng Bình quận vương: “Cháu sao vậy?”

“Không cẩn thận đụng phải ạ.”

[Bị đụng phải mà sao vết thương như dao rạch thế kia?] Hoàng đế hừ một tiếng, không hỏi nhiều. Đợi cháu trai đi rồi, gọi Hoài Ân tới: “Ta đã từng phái vài người tới Đông cung, có bảo riêng ngươi điều vài tên học trò dạy dỗ tốt đến hầu hạ Đông cung, những người này, vẫn còn chứ hả?”

Hoài Ân nghĩ bụng, lúc trước móc ra đống đồ ở Đông cung là dùng bọn họ, bây giờ ngài còn hỏi thế sao? Vẫn cúi người trả lời: “Đều còn.”

“Đi hỏi thăm xem, Đông cung xảy ra chuyện gì! Mặt của Quảng Bình quận vương, bị thương ở Đông cung ra sao?” Vốn đang êm lành, đến Đông cung lượn một vòng về thì bị hủy nhan, tưởng Hoàng đế ngốc à?

Lão đồng chí Hoài Ân, hoạn quan, trước đây từng xuất hiện, là Trịnh đảng ẩn danh. Nếu nói ông không tố cáo tình hình Đông cung, quỷ cũng không tin! Mà tố cáo cũng rất có thủ đoạn, mặt mày già nua bày ra vẻ hoảng sợ, lắp bắp chờ Hoàng đế đặt câu hỏi. Hoàng đế vốn biết lão nô ngài dùng mấy chục năm nay không phải kẻ nhát gan, đương nhiên phải hỏi!

Ô hay! Giết con gái rồi giờ đến con trai sao? Kế tiếp mày còn muốn làm gì nữa?Suy nghĩ của Hoàng đế càng lúc càng lung lay.

Rốt cuộc Đông cung không thể giấu được chân tướng cái chết của Tân Xương, Hoàng đế giận dữ một hồi lâu, vẫn đè chuyện tổn hại đến mặt mũi hoàng thất xuống, bằng không với với khả năng của Đông cung, sớm muộn cũng bị chư vương tung lời đồn lan truyền khắp thiên hạ.

Cái chết của quận chúa Tân Xương không được coi trọng, vết thương trên mặt Quảng Bình quận vương không lừa được người, những người có ý đồ, chỉ cần hơi dò la là có thể biết chuyện bên trong. Cuối cùng Tưởng Trác không nhịn được mới đi khuyên Tưởng Tiến Hiền. Làm thế gia phong kiến thì ngon lành hơn là thanh niên tốt, sự tôn kính đối với hoàng thất được quyết định bởi cách hành xử của bản thân trong triều. Quân chọn thần, mà thần cũng chọn quân. Thái tử như vậy, thật khó lọt vào mắt thế gia. Ngụy vương xui, còn Tấn vương lại kém, nhưng dù gì thì có người mẹ ruột xuất thân danh môn Sở thị, dẫu có kém thì cũng không kém như Thái tử chứ sao?

Tưởng Tiến Hiền cũng muốn cất nhắc cho gia tộc chậm tiến của mình, mang vẻ thử thách hỏi: “Thế theo ý cháu, ta nên làm thế nào?”

Tưởng Trác cúi đầu, cuối cùng cũng nói hết: “Không chỉ riêng thúc phụ, phú quý của chư thần đều phụ thuộc vào tân trữ (người kế vị mới). Muốn lập tân trữ, trước phải đoạt đích (thay đổi địa vị con trưởng).” Lại tính toán đánh thế nào, sau khi Ngụy Vương, Tấn vương lên ngôi mới có lợi, nếu Tiêu Lệnh Hành không chết thì cũng toi công.

Ngày tiếp theo, Tưởng Tiến Hiền dâng tấu, bảo ‘Thái phó của Thái tử Hướng lão không thọ, Thái tử thất giáo (ý nói thẳng Thái tử tiếu giáo dưỡng, thiếu văn hóa). Xin hãy chọn một thầy tốt để dạy bảo Thái tử.’ Công tác cùng đào chiến hào rốt cuộc cũng chính thức khởi động.

Con của Hoàng thái tử đã đến tuổi kết hôn, giờ lại còn tìm thầy cho Thái tử là sao? Mà hại đời hơn nữa, chẳng không ai chịu làm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.