Công Tử Có Bệnh

Chương 1: Chương 1: Mười năm khuê mộng




“Vi quân nhất nhật ân,

Ngộ thiếp bách niên thân.” [1]

.........

Những ngày đầu xuân ấy, Dương Châu thành vẫn vương một màn tuyết mỏng, gió lạnh vẫn ùa về rét buốt.

Thấm thoắt công tử đã lên kinh ứng thí được gần ba tháng, phong thư cuối cùng gửi về cũng đã là cách đây non một tháng. Trong lòng ta lo lắng không yên, cũng chỉ có thể ngày ngày đội tuyết lên Quan Âm sơn lạy bái.

Chẳng cầu chàng vinh quy bái tổ, chỉ mong bình an quay về.

Sáng hôm ấy, như thường lệ, ta thức dậy sớm, lại mang vải mới dệt ra, cắm cúi may áo choàng cho công tử. Từ nhỏ đến lớn, công tử đã quen mặc y phục do ta may, người khác không hiểu ý, may không được vừa lòng chàng. Ta nhìn tuyết vẫn đang rơi ngoài hiên, nghĩ bụng những ngày tới ắt sẽ còn lạnh, áo choàng của công tử đã không đủ mặc nữa, mà sức khỏe của chàng lại vốn không tốt, liền cố gắng nhanh tay hoàn thành cho xong cái áo này.

Từng mũi kim nhịp nhàng lên xuống, ngoài hiên tuyết vẫn rơi đều đều. Đến trưa, ta tạm dừng tay một chút, đưa mắt nhìn ra ngoài hiên. Nghe nói phương Bắc lạnh hơn chỗ của chúng ta rất nhiều, ta nghĩ đến sức khỏe của công tử, lòng càng rầu rĩ lo âu, chẳng biết bọn Tô Lục có chăm sóc tốt cho chàng hay không, trời lạnh thế này có nhớ khoác áo cho chàng hay không...

Càng nghĩ càng không yên lòng, ta đưa tay mân mê cái áo còn may dở trong lòng, thở dài thì thầm:

“Công tử à công tử, bao giờ chàng mới quay về?...”

Chiều hôm đó, ta đang may dở dang, chợt thấy Lưu bà bà hớt hải chạy vào, hớn hở nói:

“Cô nương, cô nương! Có tin từ kinh thành truyền về! Công tử đã thi đỗ Trạng Nguyên! Tô phủ chúng ta cuối cùng cũng có một Trạng Nguyên lang rồi!”

Ta giật mình, cây kim bỗng đâm vào tay, chảy máu.

Lưu bà bà thấy vậy, liền đỡ ta đứng dậy, cười nói:

“Ôi dào, sao cô nương lại bất cẩn như thế! Công tử biết được lại phải đau lòng...”

Ta đỏ mặt, bảo:

“Bà bà đừng nói bậy, công tử là thân phận gì, ta là thân phận gì, sao dám hại công tử nhọc lòng chứ?”

Ở Tô phủ này, thân phận của ta quả thực có chút xấu hổ. Năm ấy chiến loạn triền miên, loạn quân tiến sát đến bên thành Huy Châu, dân chúng trong thành hối hả gom góp đồ đạc chạy trốn đến Dương Châu phồn hoa. Công tử đã mang đứa bé cô nhi là ta từ trong đám nạn dân ấy trở về phủ. Khi đó, bởi vì nhịn đói lâu ngày, ta gầy tong như cây que, cả người bẩn thỉu lem luốc. Công tử không chê ta bẩn, cúi xuống lấy ra khăn tay, nhẹ nhàng giúp ta lau sạch mặt mày, sau đó cho ta hai cái bánh nướng. Giữa trời đông lạnh lẽo, hơi nóng tỏa ra từ hai cái bánh ấy làm mắt ta cay xè. Công tử xoa đầu ta, đưa ta về một tòa nhà rất đẹp, rất lớn. Sau này ta mới biết, đây là Tô phủ, là nhà của công tử, mà công tử chính là Nhị công tử của Tô gia giàu nhất thành Dương Châu này.

Từ đó, ta trở thành tiểu nha hoàn hầu hạ bên cạnh công tử, rồi lại từ tiểu nha hoàn thăng lên nhất đẳng nha hoàn. Cuối cùng, từ nhất đẳng nha hoàn trở thành nha hoàn thông phòng của chàng.

Theo lý mà nói, ta đi theo công tử lâu như vậy, vốn đã sớm nên được nâng lên thành di nương thiếp thị. Nhưng đáng tiếc là, dù công tử rất tốt với ta, lại cứ lần lữa không cho ta một danh phận nào. Thông phòng thậm chí còn không bằng tiểu thiếp, chẳng khác gì là nha hoàn, Lưu bà bà gọi ta một tiếng “cô nương”, cũng đã là hết mực khách sáo.

Lưu bà bà nghe ta nói vậy, khẽ thở dài, bảo:

“Nếu cô nương không ngại, xin nghe lão bà này khuyên một câu. Bây giờ công tử đã đỗ đạt công danh, về sau trong phủ tất sẽ có thêm nhiều người, hậu viện trăm hoa đua nở. Tuy rằng công tử sủng cô nương, cũng không thể sủng một đời. Nam nhân ấy mà, đều là như thế, có mới nới cũ, hồng nhan chưa già, ân đã đoạn. Lần này công tử trở về, cô nương nhất định phải khéo léo xin người ban cho một danh phận, về sau lại xin thêm một tiểu công tử, mới có thể đứng vững trong phủ này.”

Trong phủ quy củ nghiêm ngặt, ta chỉ là một thông phòng, thiếu phu nhân chưa vào cửa, ta chỉ có thể uống canh tránh thai. Ngày nào đích tử chưa sinh ra, ta cũng không thể sinh con. Muốn có con, phải dựa vào sủng ái, xin được đặc ân. Nhưng ta không muốn làm công tử khó xử, trước giờ chưa từng mở miệng cầu xin.

Lưu bà bà còn nói rất nhiều điều nữa, nhưng ta lại không thể nghe vào một chữ, chỉ biết cúi đầu, mím môi khẽ đáp:

“Đa tạ bà bà, Thanh Y đã hiểu.”

..........

Ngày công tử trở về Dương Châu, trời đã ngớt tuyết.

Trạng Nguyên lang hồi hương, cảnh tượng tất nhiên rất hoành tráng. Rất nhiều người vây quanh muốn nhìn cho rõ mặt công tử, công tử lại lấy lý do thân thể không khỏe, không cưỡi bạch mã đi vòng quanh thành như các Trạng Nguyên trước đây, lại chỉ an tĩnh ngồi trong xe ngựa.

Ta đứng trên tường thành, lẳng lặng nhìn theo bóng chiếc kiệu màu trắng dần dần tiến tới gần mình hơn, trong lòng mừng khấp khởi.

Thế nhưng, ta không thể lập tức gặp mặt công tử. Công tử có rất nhiều việc phải làm, rất nhiều người phải gặp, ta chỉ là một thông phòng nho nhỏ, gặp hay không cũng được.

Cho nên, đợi đến nửa đêm, ta mới đợi được công tử quay về Lang Hoàn viện.

Lúc ấy, ta đang may dở cổ áo choàng, nghe tiếng bước chân của chàng, lập tức đặt áo xuống bàn, đi ra ngoài đón.

Mấy tháng không gặp, công tử vẫn như trước, mình mặc một bộ trường bào màu xanh nhạt, là chiếc áo ta thức suốt ba đêm mới may kịp cho chàng trước ngày lên đường. Ta ngây ngẩn nhìn công tử, lục tìm hết thảy trong số từ ngữ ít ỏi của mình, chỉ có thể dùng “chi lan ngọc thụ” để miêu tả.

Công tử bước vào, ta vội rót cho chàng một cốc trà, là trà Vũ Tiền Long Tỉnh mà chàng yêu thích, độ lửa và thời gian đun trà đều nắm giữ đúng theo sở thích của công tử. Sau đó, ta lại loay hoay đốt than. Công tử từ nhỏ thể nhược nhiều bệnh, sợ nhất là giá hàn, trong phòng phải luôn đốt Hồng La than sưởi ấm. Bình thường ta làm những việc này rất quen tay, bấy giờ lại có chút luống cuống, lặp đi lặp lại mấy lần mới làm được đúng.

Công tử nhấp một ngụm trà, khẽ bảo:

“Y Y, ngồi xuống đi.”

Ta nghe vậy, liền bước tới, ngồi xuống bên cạnh chàng. Khói trà nghi ngút quyện cùng hương trầm dìu dịu tỏa khắp gian phòng, ta xuyên qua khói hương mờ ảo nhìn công tử, chợt cảm thấy trần gian như yên tĩnh đi, cả thế giới chỉ còn lại ta cùng chàng.

Công tử cất giọng ôn hòa hỏi:

“Mấy tháng nay nàng thế nào?”

Ta luống cuống đáp:

“Nô tỳ... nô tỳ vẫn khỏe, mọi thứ đều ổn.”

Công tử khẽ cười một tiếng, như chiếc lá rơi khẽ gợn mặt hồ tĩnh lặng, khiến lòng người chợt rung động. Chàng nói:

“Khỏe thì tốt rồi.”

Ta vốn chẳng giỏi ăn nói, rõ ràng ngóng trông chàng trở về như vậy, đến lúc này lại không biết phải nói gì, chỉ biết ngây ra như phỗng. Công tử và ta ngay cả chuyện thân mật của phu thê cũng làm rồi, nhưng ta vẫn luôn cảm thấy công tử ở rất xa, rất rất xa, không thể chạm tới được, cũng không thể khinh nhờn.

Một lúc sau, công tử bất chợt hỏi:

“Y Y, năm nay nàng đã mười tám rồi, phải không?”

Ta gật gật đầu, đáp:

“Tháng ba này là nô tỳ vừa tròn mười tám.”

Công tử gật gật đầu, nhẹ nói:

“Thoáng chốc cũng đã hơn mười năm. Mười năm này vất vả cho nàng rồi.”

Ta lắc lắc đầu, nói:

“Không vất vả, công tử đã cứu mạng nô tỳ, lại đồng ý thu nhận nô tỳ, cả đời này nô tỳ cũng không thể trả hết ân tình.”

Công tử đặt cốc trà xuống bàn, ôn tồn nói:

“Nàng theo gia hơn mười năm, ân tình gì cũng đã trả xong. Bây giờ nàng không còn nhỏ nữa, cũng đã đến lúc nên tính chuyện nghi gia nghi thất rồi.”

Ta ngẩn ngơ, nghĩ thầm, chẳng phải ta đã là người của công tử, còn tính chuyện nghi gia nghi thất gì nữa? Hay là công tử rốt cuộc muốn cho ta một danh phận? Tuy rằng ta không để tâm mấy thứ này cho lắm, nhưng Lưu bà bà đã nói, dựa vào nó, ta mới có thể ở bên cạnh công tử dài lâu. Cho nên, nghe được những lời này, ta liền rất vui mừng, hai mắt sáng rực ngẩng đầu nhìn công tử.

Nào ngờ, những lời tiếp theo của chàng đã nhanh chóng kéo ta tỉnh giấc mộng hão huyền.

Chàng nói:

“Gia có một người quen cũ ở Hàng Châu, là một thương nhân giàu có, chính thê đã mất nhiều năm vẫn chưa tục huyền. Nàng gả qua đó, không có chính thất áp ở trên, không lo bị bạc đãi, là một quy túc tốt.”

Chàng nói những lời này rất nhẹ, rất êm tai, nhưng từng lời từng chữ đều như mũi dao cắm vào tim ta.

Ta ngẩn ngơ, nghĩ rằng mình nghe lầm, bèn hỏi lại:

“Công tử... Ý của công tử là...”

Công tử xoa đầu ta, cười bảo:

“Y Y nên xuất giá rồi.”

Ta cúi đầu, cố giấu đi run run trong giọng nói, khẽ hỏi:

“Nô tỳ không thể tiếp tục đi theo công tử sao?”

Công tử lắc đầu, nói:

“Hoàng thượng đã ban hôn cho gia cùng Tam công chúa. Tháng ba này sẽ phụng chỉ thành thân. Công chúa là cành vàng lá ngọc, không thể chịu uất ức.”

Ta lại ngơ ngẩn.

Thì ra là như thế.

Trạng Nguyên lang cùng công chúa, xưa nay vẫn là lương duyên tuyệt phối trong các thoại bản.

Mà thông phòng như ta, không danh không phận, tiện tay có thể tặng cho người khác.

Rốt cuộc, ta vẫn là ảo tưởng địa vị của mình quá cao.

Như một thói quen, ta cúi đầu mân mê cái áo đang may dở trong tay, thì thầm đáp:

“Thanh Y đã hiểu, xin nghe công tử an bài.”

Đêm đó, khi công tử đứng dậy dợm bước rời đi, ta chẳng biết lấy dũng khí ở nơi nào, bất chợt níu lấy tay áo chàng, hỏi:

“Công tử... thật sự rất thích công chúa sao?”

Công tử chỉ cười đáp:

“Công chúa dung mạo tuyệt trần, tài hoa hơn người, cầm kỳ thi họa đều tinh thông, nam nhân trong thiên hạ, ai mà không thích nàng?”

Bấy giờ, ta mới biết mình đã hỏi một câu thật ngu ngốc.

Phải rồi, công tử không thích công chúa, chẳng lẽ lại thích một nha hoàn như ta hay sao? Trạng Nguyên phu nhân có thể là một kẻ đến chữ còn nhận mặt không hết hay sao?

Ta đột nhiên hiểu ra, liền buông tay áo của công tử.

Công tử rời đi rồi, ta ngồi xuống bàn, nhìn cái áo còn may dở, đột nhiên thấy sống mũi cay xè, ôm cái áo đó mà bật khóc.

Ta nghĩ, giấc mộng này, rốt cuộc nên tỉnh rồi.

.........

Những ngày sau đó, khắp Tô phủ đều tưng bừng chuẩn bị hôn lễ. Một phủ công chúa bắt đầu được xây lên bên cạnh Tô phủ. Ai ai đều hớn hở vui mừng, không khí còn náo nhiệt hơn ngày Tết.

Lưu bà bà sợ ta đau lòng, một mực không cho ta bước ra ngoài nửa bước. Ta chỉ đành ngoan ngoãn ở trong phòng, chờ đợi xuất giá.

Trước ngày công tử thành thân, cũng là trước ngày ta xuất giá, ta nài nỉ Lưu bà bà đưa ta ra bên ngoài, đi đến miếu Nguyệt Lão dạo một chút. Có lẽ do biểu hiện của ta mấy hôm nay quá ngoan ngoãn, Lưu bà bà cũng không lo lắng nữa, rốt cuộc cho ta ra ngoài.

Đêm đó, ta đi đến miếu Nguyệt Lão, lặng lẽ lấy xuống hai sợi dây tơ hồng được buộc chặt với nhau trên nhành cây trước cửa miếu. Trước ánh mắt thảng thốt của Lưu bà bà, ta cầm kéo dứt khoát cắt đứt hai sợi tơ hồng.

Công tử từng nói, chàng không tin những thứ này.

Ta bảo, không cần biết có linh nghiệm hay không, chỉ là cầu chút an tâm mà thôi.

Bây giờ, ta cắt đứt sợi tơ hồng này, lại lấy hai sợi khác buộc lại với nhau, viết lên tên của công tử và công chúa.

Ta nghĩ, bất cứ thế nào, ta vẫn hi vọng chàng được hạnh phúc.

.........

Cổ thi có câu: “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu“. Dương Châu tháng ba là đẹp nhất, tuyết lạnh tan đi, giá hàn lùi xa, muôn hoa khoe sắc, đầy trời hoa khói.

Hôm nay là ngày mười lăm tháng ba, nghe nói là một ngày tốt, thích hợp cưới gả.

Sáng sớm, ta mang chiếc áo choàng vừa may xong đặt bên gối công tử, sau đó trở về mặc vào hỉ phục, trang điểm thật đẹp.

Tiếng pháo nổ vang, kiệu hoa bắt đầu xuất phát.

Ta đứng trên lầu cao, quay đầu nói với Lưu bà bà:

“Bà bà, ta đánh rơi một cái trâm ở bên trong rồi, phiền bà vào tìm giúp ta được không?”

Lưu bà bà gật đầu, đáp:

“Cô nương đứng đây chờ, ta sẽ trở ra ngay.”

Lưu bà bà đi rồi, chỉ còn lại một mình ta đứng trên lầu. Ta đưa mắt nhìn vị tân lang quan ngọc thụ lâm phong đang cưỡi bạch mã kia. Dường như cảm ứng được gì, chàng cũng ngẩng đầu nhìn ta. Ta nhìn chàng mỉm cười, mấp máy môi nói hai chữ.

Bảo trọng.

Sau đó, ta buông mình xuống khoảng không trước mặt, thấy thân thể bỗng chốc nhẹ như lông hồng.

Đã từng yêu, đã từng si, đã từng oán. Rốt cuộc, đều có thể buông xuống.

Giấc mộng mười năm xuân khuê, cuối cùng cũng tỉnh.

Ngay khi kiệu hoa vừa đi qua, cũng là lúc ta gieo mình rơi xuống.

Rốt cuộc, ta vẫn không kịp nhìn thấy vẻ mặt của công tử, trong mắt chỉ có một trời hoa bay. Hoa đào lả tả bay, nhuộm hồng cả thiên không.

Ta nhắm mắt lại, lịm đi trong hoa khói Dương Châu tháng ba.

Công tử, hậu hội vô kỳ.

.........

*Chú thích:

[1] Trích “Tỉnh để dẫn ngân bình” của Bạch Cư Dị, nghĩa là:

Nợ ân chàng một ngày

Lỡ thân thiếp trăm năm.

.........

@Tác giả: Nữ chính có oán công tử không?

Có, vì có cho nên mới nhảy lầu tự tử đúng lúc kiệu hoa đi qua, cho công tử áy náy cả đời chơi. =))

Nhưng cũng chỉ có vậy, sau khi nhảy lầu xong thì cô cũng đã buông bỏ hết thảy oán hận rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.