MẤY HÔM SAU, đến lượt Thu về thành phố nghỉ, kỳ nghỉ
luân phiên của Thu vào hai ngày thứ Tư và thứ Năm.
Hai kỳ nghỉ lần trước, Thu nhường cho một bạn nam tên
là Lí Kiện Khang, vì cậu ta khng được khỏe như cái tên, mặt luôn bị sưng, phải
đi bệnh viện kiểm tra. Một nguyên nhân khác để Thu nhường kỳ nghỉ cho bạn là vì
cô không có tiền đi đường. Hồi ấy, tiền lương tháng của mẹ chỉ gần bốn chục
đồng, phải nuôi mẹ và đứa em gái, phải chi tiền về nông thôn cho anh trai, phải
chu cấp cho bố đang cải tạo lao động, tháng nào thu cũng không đủ chi, cho nên
Thu có thể tiết kiệm được khoản nào thì tiết kiệm.
Nhưng lần này thì không thể, chủ nhiệm lớp của Thu nhờ
người về nghỉ đưa thư cho Thu, bảo Thu về để tiết mục chuẩn bị hội diễn sắp tới
của trường, Thu phải về để dàn dựng điệu múa cho các bạn. Giáo viên chủ nhiệm
lớp còn quyên góp cho Thu đủ tiền đi và về.
Mẹ Thu đang là giáo viên của trường tiểu học trực
thuộc trường trung học số Tám, coi như đồng nghiệp với giáo viên chủ nhiệm lớp
của Thu. Giáo viên chủ nhiệm của lớp biết hoàn cảnh gia đình Thu, cứ vào đầu
năm học đều chủ động để Thu được hoãn đóng các khoản lệ phí. Tuy các khoản lệ
phí mỗi học kỳ chỉ ba hoặc bốn đồng, lúc bấy giờ cũng coi như một khoản chi
lớn.
Chủ nhiệm lớp còn thường xuyên đưa cho Thu mẫu đơn xin
học bổng, học bổng cũng được mười lăm đồng mỗi học kỳ. Nhưng Thu không xin, vì
học bổng còn phải được lớp bình chọn, Thu không muốn để các bạn biết gia cảnh,
phải xin học bổng mới đi học được.
Vụ hè nào Tĩnh Thu cũng đi lao động kiếm tiền, làm
công nhân phụ động cho một công trường, thợ cả xây tường, cô giúp chuyển gạch,
gánh vữa. Có nhiều lúc Thu phải đứng trên giàn giáo cao nhận gạch của người từ
dưới đất tung lên, có lúc phải cùng khiêng những tấm bêtông rất nặng, làm những
việc nặng nhọc và nguy hiểm, nhưng ngày nào cũng kiếm được một đồng hai hào
tiền công, cho nên hễ đến kỳ nghỉ hè là Thu đi làm.
Lần này về nghỉ Thu vừa vui vừa buồn, vui là được về
thăm mẹ và em gái, mẹ không được khỏe lắm, em còn nhỏ, lúc nào Thu cũng lo
lắng. Bây giờ được về thăm có thể giúp mẹ mua than, mua gạo, làm một vài việc
lặt vặt. Nhưng Tĩnh Thu lại không nỡ rời Tây Thôn Bình, nhất là với Ba, về hai
ngày coi như hai ngày không được gặp anh, trong khi thời gian còn lại không
nhiều.
Bà Trương nghe nói Thu sắp về thăm nhà, bà bảo Lâm đi
tiễn, nhưng Thu không chịu: thứ nhất Thu không muốn làm mất thì giờ của Lâm;
thứ hai, hàm ơn sau này sẽ không có cách nào trả ơn.
Nghe Phương nói, mấy năm trước Lâm rất thích một cô nữ
sinh về tham gia lao động, cô kia có thể vì bố Lâm làm trưởng thôn nên một thời
gian tỏ ra tốt với anh. Về sau có chỉ tiêu gọi người về, cô nữ kia thề bồi với
Lâm, bảo anh chỉ cần tìm cách cho cô ta có chỉ tiêu về lại thành phố, cô ta sẽ
lấy Lâm làm chồng. Đến khi Lâm nói giúp, bảo cha cho cô chỉ tiêu ấy, vậy mà cô
một đi không trở lại! Về sau cô ta còn nói với mọi người, chỉ trách Lâm khờ
dại, không sớm nấu gạo thành cơm, nếu không cô ta đã trở thành người của anh,
dù có mọc cánh cũng không thể bay nổi.
Lâm trở thành chuyện cười cho cả thôn, ngay cả trẻ con
cũng biết đọc câu vè: “Thng Lâm dại, thằng Lâm khờ, gà đã bay, trứng đã vỡ; thả
cô nàng về lại phố, làm Bồ Tát, ô hô!”
Suốt một thời gian dài, Lâm ủ rũ như rau bị sương
muối. Hỏi vợ cho anh, anh cũng không thèm, bảo anh đi tìm người yêu, cũng không
đi. Lần này Tĩnh Thu về trong nhà Lâm, hình như tinh thần anh cũng phấn chấn
lên đôi chút, cho nên bà Trương bảo Phương đánh tiếng với Thu. Nhưng Phương cảm
thấy Lâm không xứng với Thu, cô không làm mối mà còn để lộ những lời của mẹ,
của anh cho Thu biết.
Thu bảo Phương nói với mẹ, thành phần xuất thân của
mình không tốt, không xứng với Lâm. Bà Trương biết, thân chinh nói với Thu:
- Con ơi, thành phần không tốt thì sợ gì? Con lấy
thằng Lâm nhà mẹ, vậy là thành phần sẽ tốt chứ sao? Con không nghĩ cho mình thì
cũng phải nghĩ cho con cái chứ?
Thu xấu hổ, mặt đỏ lựng, hiềm một nỗi đất không có lỗ
mà chui, Thu vội vã nói:
- Cháu còn nhỏ, cháu còn nhỏ, chưa dám nghĩ đến chuyện
tìm người yêu, cháu còn đi học, bây giờ đang kêu gọi không nên kết hôn sớm,
cháu chưa đến hai mươi lăm sẽ chưa nói đến chuyện ấy.
- Hai mươi lăm tuổi mới lấy chồng? Đến lúc ấy già
thành mõ rồi! Nhà quê chúng tôi lấy vợ lấy chồng sớm, chỉ cần đội sản xuất cho
một cái giấy, lấy chồng lấy vợ lúc nào cũng được. – Bà Trương động viên Thu. –
Mẹ cũng không bảo con phải cưới ngay, cứ nói trước chuyện này với con, để trong
lòng con đã có thằng Lâm nhà mẹ.
Thu không biết phải làm thế nào, đành nhờ Phương giải
thích:
- Thu… không biết nói thế nào, chỉ biết không thể
được.
Phương cười hì hì:
- Phương cũng biết không thể được, nhưng Phương không
muốn làm người mang tiếng ác, chị đi mà nói.
Trước hôm Thu đi, Lâm đến nói với Thu, mặt cậu ta đỏ
lựng:
- Mẹ bảo tôi ngày mai đưa cô đi một đoạn, đường rừng
vắng vẻ, không an toàn, không đi qua núi, sợ phải lội nước…
Thu vội từ chối:
- Không cần, không cần, em đi được. – Cô lo lắng hỏi.
- Núi có hổ không?
Lâm nói thật:
- Không, núi này không lớn, chưa bao giờ nghe nói có
thú rừng, mẹ bảo sợ… người xấu.
Tĩnh Thu ra sức từ chối, bà Trương trực tiếp nói, Tĩnh
Thu vẫn từ chối. Thật ra cô cũng muốn có người đi với mình một quãng, một mình
đi đường núi cũng sợ. Nhưng nghĩ, nếu tiếp nhận tình cảm ấy của Lâm, sau này
biết lấy gì để trả? Thu thà mạo hiểm đi một mình còn hơn. Cô quyết định theo bờ
kênh tuy xa gấp đôi lại phải lội nước, nhưng có nhiều người qua lại, không sợ
gặp kẻ xấu.
Buổi tối, Ba đến, cùng ngồi nói chuyện với mọi người.
Tĩnh Thu mấy lần định nói với anh chuyện mình về, nhưng không có lúc nào nói
được. Thu mong có người nhắc đến, như vậy anh biết Thu về phố hai hôm, nhưng
không ai đả động gì chuyện ấy. Thu thở dài, nghĩ bụng có thể không phải nói với
anh, có thể trong vài hôm tới anh không đến nhà bà Trương, Thu đắn đo mãi, lẽ
nào anh không thấy Thu lại không buồn?
Thu ngượng ngùng ngồi đấy, sợ người khác cảm thấy cô
ngẩn ngơ vì Ba, liền đứng dậy đi vào buồng viết báo cáo, nhưng Thu vẫn ngỏng
tai nghe ngóng động tĩnh ở ngoài kia, chờ cho anh chào mọi người ra về cô sẽ
nói với anh ngày mai về phố. Nhưng Thu lại sợ anh giễu: “Thu nói với anh chuyện
ấy làm gì? Anh đâu có quản lí Thu đi đâu?”
Thu ngồi trong buồng, không viết nổi một chữ. Đã gần
mười giờ, cô nghe thấy anh đứng dậy chào mọi người, Thu định kiếm cớ ra nói với
anh. Anh vào buồng của Thu, cầm lấy cây bút trên tay Thu, tìm mảnh giấy viết
vài câu, rồi đẩy mảnh giấy đến trước mặt Thu. Thu xem: “Ngày mai đi đường núi,
chờ Thu. Tám giờ.”
Thu giật mình, tưởng như không hiểu dòng chữ kia,
ngước lên nhìn anh, anh mỉm cười nhìn Thu, hình như đang chờ câu trả lời. Thu
ngớ ra trong giây lát, Thu chưa kịp trả lời thì bà Trương bước vào. Anh nói to:
- Cảm ơn cô Thu, tôi về nhé. – Vậy là anh ra về.
Bà Trương nghi ngờ hỏi:
- Cậu ấy cảm ơn gì?
- Ànhờ cháu về phố mua đồ.
Bà Trương nói:
- Mẹ cũng muốn nhờ con mua một vài thứ. – Bà lấy tiền
ra. – Con về, mua cho anh Lâm ít len, giúp anh ấy đan cái áo, màu sắc kiểu cách
tùy con. Mẹ nghe chị con nói, con biết đan áo, cái áo con mặc là do con đan đấy
à?”
Thu không tiện từ chối, đành nhận tiền, nghĩ bụng:
không thể làm dâu bà được đâu, đan giúp áo cho con bà coi như bồi thường rồi
đấy.
Đêm hôm ấy Thu không sao ngủ được, cô lấy mảnh giấy
kia ra xem, đúng là anh đã viết như thế. Nhưng làm sao anh biết ngày mai mình
về? Ngày mai anh không phải đi làm à? Anh sẽ nói gì với mình? Làm gì? Làm bạn
với anh Thu thật sự vui mừng, nhưng con gái phải đề phòng con trai, anh ta
chẳng phải là con trai hay sao? Hai người đi đường núi, nếu anh ấy làm chuyện gì,
liệu Thu có đánh lại nổi không?
Nói thật, Thu biết mối đe dọa đối với con gái, nhưng
không biết mối đe dọa ấy thế nào? Cưỡng bức cũng đã nghe nói, Thu vẫn thường
đọc được những thông báo ngoài đường, có những cái tên người được chấm dấu son
tức là đã bị tử hình. Trong số đó có kẻ phạm tội “cưỡng dâm”, có lúc còn viết
cả tình tiết phạm tội, nhưng cũng rất mơ hồ, không biết cuối cùng là chuyện gì.
Tĩnh Thu đã được đọc những thông cáo về một tội phạm
cưỡng dâm, trong đó có tội “đâm tuốc-nơ-vít vào hạ thể, thủ đoạn vô cùng tàn
bạo”. Còn nhớ, hồi ấy Thu cùng mấy đứa bạn gái bàn luận với nhau “hạ thể” là bộ
phận nào? Mấy đứa đều cảm thấy hạ thể là nửa người từ eo trở xuống, vậy thì kẻ
phạm tội đã đâm tuốc-nơ-vít vào chỗ nào? Chuyện này Thu vẫn chưa rõ.
Có một đứa bạn nói, chị của nó bỏ bạn trai, vì anh kia
không phải là người. Một buổi tối, anh kia đưa chị nó về nhà, đè chị nó xuống.
Câu chuyện làm cho bọn chúng khó hiểu, phải chăng anh kia hung quá, đánh bạn
gái?
Bạn gái của Thu đều ở trường số Tám hoặc con cái các
giáo viên tiểu học trực thuộc trường trung học số Tám, đều ở trong khu tập thể
nhà trường, cùng lớn lên ở đấy, dường như biết nhiều, nhưng nói ra lại giấu đầu
hở đuổi, khiến mấy đứa nhỏ hơn như rơi vào mây mù, không hiểu ra sao.
Còn nhớ một đứa bạn tỏ ra xem thường nói, chị nào đấy
nôn nóng, không chờ đợi nổi đã cưới trước hôn lễ. Tĩnh Thu nghe nói thật khó
hiểu, không logic, cưới tổ chức hôn lễ, tại sao chưa tổ chức hôn lễ đã cưới.
Lại nghe nói ai đấy đã làm cho ai đấy to bụng, nhưng
chưa ai nói với Thu cái bụng làm thế nào để to được? Bản thân cố hiểu, cuối
cùng cũng hiểu ra con gái ngủ với con trai sẽ to bụng, vì con trai đồng nghiệp
của mẹ Thu bị bạn gái bỏ, người đồng nghiệp của mẹ rất tức giận, nói với mọi
người rằng đứa con gái kia bị “con tôi ngủ với rồi, bụng to, bây giờ không lấy
con tôi, liệu có ai dám lấy?”
Chuyện ấy đã để lại ấn tượng sâu sắc cho Thu, vì mẹ
nói, con xem, đồng nghiệp của mẹ cũng là nhà giáo, gặp phải chuyện ấy cũng đi
nói xấu cô gái kia, nếu là những người kém hiểu biết, càng không biết họ nói
những lời khó nghe đến mức nào. Một người con gái quan trọng nhất là danh
tiếng. Danh tiếng xấu coi như cuộc đời bỏ đi.
Có được nhiều bài học kinh nghiệm của những người đi
trước, thêm vào đấy là những chuyện nghe nói, chỉ suy luận logic, Thu rút ra
kết luận: ngày mai có thể đi với Ba qua đoạn đường núi, chỉ cần chú ý là được.
Trên núi thì không thể ngủ, cho nên không có chuyện làm to bụng, tốt nhất để
anh ấy đi trước, như thế anh ta không thể đột ngột tấn công vật mình xuống đất
được. Ngoài ra, chú ý không để anh ấy đụng vào mình, như thế sẽ không có vấn đề
gì chứ? Điều lo lắng duy nhất là sợ người khác trông thấy, tin đồn đến nhóm cải
cách giáo dục, như vậy thì nguy to! Nhưng Thu nghĩ, đoạn đường núi ấy không có
ai, sẽ không bị người khác trông thấy. Nếu không, ngày mai hai người đi cách xa
nhau một chút, giả vờ không quen biết, không quen biết anh có chịu không?
Hôm sau, mới bảy giờ, Tĩnh Thu đã dậy, rửa mặt chải
đầu một lúc rồi chào bà Trương, một mình xuất phát. Đầu tiên Thu đi ngược dòng
sông, đi đò ngang sang bên kia, sau đấy bắt đầu leo núi. Hôm nay cô như đi tay
không, trên lưng không có hành lí, nhẹ nhàng hơn lần trước rất nhiều.
Thu đang leo lên núi thì thấy Ba. Anh không mặc cái áo
bông xanh kia, chỉ mặc cái áo jacket mà Thu
chưa thấy bao giờ, chân anh nom dài hơn. Thu rất thích những người có đôi chân
dài. Vừa trông thấy Ba, Tĩnh Thu quên sạch “quân lệnh” chuẩn bị từ tối hôm qua,
chỉ biết nhìn anh và cười không thành tiếng.
Anh cũng nhìn Thu hồi lâu, rồi cười:
- Thấy Thu ra cửa, cứ nghĩ Thu không đến.
- Anh… hôm nay không đi làm sao?>
- Đổi ngày nghỉ. – Anh lấy từ trong cái túi đem theo
ra một trái táo đưa cho Thu. – Sáng chưa ăn gì phải không?
Tĩnh Thu trả lời thật:
- Chưa, còn anh?
- Cũng chưa, chúng ta có thể lên phố huyện ăn chút gì
đó. – Anh cầm cái túi của Thu. – Thu bạo gan thật đấy, chuẩn bị một mình đi
đường núi, không sợ sói, sợ hổ à?
- Anh Lâm nói núi không có thú dữ, nhưng phải đề phòng
người xấu.
Anh cười:
- Thu thấy anh có phải là người xấu không?
- Em không biết.
Anh động viên Thu:
- Anh không phải là người xấu, rồi Thu sẽ biết.
- Hôm qua anh… liều quá, suýt nữa thì bà Trương thấy
mảnh giấy của anh.
Thu nói câu ấy liền cảm thấy giống như hai người làm
chuyện vụng trộm, có cảm giác bối rồi, xấu hổ, mặt Thu đỏ lên.
Nhưng anh không để ý, chỉ cười:
- Thấy cũng chả sao, bà ấy không biết chữ, anh lại
viết rất ngoáy, chỉ sợ Thu không đọc được.
Đường trên núi có phần rộng rãi, hai người đi song
song, anh luôn quay mặt sang nhìn Thu, hỏi:
- Bà Trương hôm qua tìm Thu có việc gì?
- Bà ấy bảo em mua len, giúp anh Lâm đan áo.
- Bà ấy muốn Thu làm con dâu, Thu biết không?
- Bà ấy… cũng nói/
- Thu… đồng ý chứ?
Suýt nữa thì Thu nhảy lên:
- Anh nói linh tinh gì thế? Em đang đi học.
- Vậy ý Thu… nếu không đi học thì đồng ý làm dâu bà ấy
à?
Anh thấy mặt Thu đỏ lên giống như đang bực mình, không
dám hỏi tiếp, chỉ nói:
- Thu đồng ý đan áo len cho cậu Lâm chưa?
- Vâng.
Anh như người bị thiệt thòi, kêu lên:
- Thu đan áo len cho anh ấy à? Vậy Thu cũng phải đan
cho anh một cái chứ?